Người miền Nam nợ người lính VNCH một món nợ ân tình, món nợ sẽ đi suốt cuộc đời, những món nợ vay bằng sinh mạng, bằng tuổi xuân, bằng hạnh phúc của những người lính.
Tháng Tư về, mời bạn bắt đầu theo dõi câu chuyện “Con Nợ Chú Một Đời”, đời thật một người lính biệt kích Lôi Hổ được tác giả Vũ Hoàng Đức Hiếu viết lại như một tiểu thuyết.
(các tiểu tựa của BBT Trẻ)

Bảo Huân
KỲ 13
Mối duyên nhầm lỡ
Mùa hè và Tết Vân đều ở lại Huế, ngay từ ngày đầu ra Huế, mẹ Cả đã thuê một phòng đầy đủ tiện nghi tại Khách Sạn Hương Giang cho Vân ở để ăn học. Vân nghĩ có lẽ mẹ Cả đã liên lạc với khách sạn và sắp đặt trước khi Vân đến, từ cơm nước giặt giũ đều do nhân viên Khách Sạn lo, Vân chỉ biết ăn học mà thôi. Rồi cái Tết thứ hai mà Vân ở lại Huế đã đến…
Ðêm Giao Thừa bước qua năm mới “Mậu Thân 1968”, người dân Việt nhà nhà người người nhộn nhịp đón Xuân, Vân cũng vậy đón Xuân một mình trong căn phòng của Khách Sạn, có nhiều bạn học cũng mời Vân về cùng gia đình bạn kể cả bà chủ Hương Giang, và nhất là anh Quân nhưng Vân đều từ chối chỉ muốn yên tịnh một mình mà thôi. Sau khi gọi điện về chúc Tết gia đình, Vân nằm nghe nhạc và đã ngủ quên, tiếng pháo nổ lớn quá đã làm cho Vân giật mình tỉnh giấc. Căn phòng vì có máy điều hoà, những khung cửa sổ đều hai lớp kiếng nên rất kín. Vân nhìn đồng hồ đã hơn hai giờ rồi mà người ta vẫn đốt pháo ầm ầm, đứng lên vươn vai làm vài động tác, kéo tấm màn cửa sổ nhìn ra bên ngoài, Vân hoa cả mắt. Vừa mở cánh cửa sổ ra, một cảnh tượng phải miêu tả là “hãi hùng” mới đúng nghĩa, bên kia bờ sông Hương là chợ Ðông Ba lửa cháy sáng rực, trên trời máy bay trực thăng bay lượn, những đường đạn xanh đỏ chằng chịt thi nhau từ trên cao trút xuống, từ dưới đất bắn lên, Vân vội vàng khép cánh cửa sổ lại thì hai chân không còn đứng vững được nữa, cố gắng kéo lại tấm rèm rồi bò tới lấy tấm ra trải giường quấn vào người rồi cuộn tròn nằm trong góc phòng. Thời gian chầm chậm trôi qua nhưng tiếng nổ thì càng lúc càng vang dội. Ngoài trời đã mờ sáng, Vân cố lấy hết can đảm lần mò đến bên khung cửa, vén bức màn nhìn ra bên ngoài. Bây giờ Vân mới tận mắt thấy được thế nào là chiến tranh loạn lạc, trên đường người chạy ngược kẻ chạy xuôi, những tia khói trắng từ trực thăng phóng xuống, rồi những tiếng nổ như kéo dài vô tận… Lớp lớp người chạy ngược chạy xuôi, tiếng gào tiếng la hét.
Kéo vội tấm rèm Vân trở lại nằm co ro trong góc phòng không biết bao lâu thì nghe tiếng gõ cửa.
Cọc .Cọc .Cọc… Tiếng gõ cửa dồn dập, nhưng Vân không dám ra mở, mãi cho đến khi nghe.
“Yến Vân ơi… Anh là Quân đây… Mở cửa cho anh”, lúc đó Vân mới ngồi bật dậy vội vàng chạy ra mở cửa. Mừng quá, Vân ôm chặt lấy anh Quân nước mắt đầm đìa.
“Anh ơi… Em sợ quá.”
“Em bình tĩnh nào… Thu dọn hành lý đi theo anh ngay.” Ra khỏi khách sạn, Vân thấy mấy ông Việt Cộng cầm súng đứng sát bờ tường của khách sạn, sợ quá, hai chân của Vân không tài nào nhấc lên được. Anh Quân vừa xách valy vừa kéo tay Vân đi theo anh, buộc valy vào sau chiếc xe Honda của Vân, rồi anh Quân chở đi. Khi xe chạy qua Ðập Ðá thì bị chận lại, Vân thấy có hơn chục người mặc áo quần dân sự bị Việt Cộng bắt trói lại ngồi trong lùm cây sát mé đường, Vân sợ quá cứ ôm chặt anh Quân rồi nhắm mắt lại, lát sau Vân nghe mấy người Việt Cộng nói với Anh Quân:
“Chào đồng chí”. Rồi chiếc xe Quân tiếp tục phóng về phía trước.

Bảo Huân
Nhà anh Quân chỉ có mẹ chứ không có ai khác, Vân ở nhà của mẹ con anh cho đến ngày không còn nghe tiếng súng nữa, thì hỡi ơi… Vân đã mang thai. Sau đó Vân trở lại khách sạn và tiếp tục đi học, đến tháng thứ 7 thì mẹ Cả từ Bạc Liêu ra thăm và biểu Vân trở về nhà để chuẩn bị xuất ngoại qua Pháp. Vân không thể bỏ người mình thương, là cha của đứa con mà Vân đang mang trong mình để theo gia đình ra nước ngoài được, và Vân quyết định ở lại cùng chung sống với Quân, có ngờ đâu khi đứa con trai bụ bẫm ra đời, cũng là lúc anh Quân bỏ mẹ con Vân ở lại rồi đi biền biệt. Có nhiều lần cảnh sát đến khám nhà, lúc này Vân mới biết Quân là Việt Cộng nằm vùng. Sau đó, mẹ của Quân nói với Vân là Quân đã chết, rồi mẹ anh Quân lập một cái bàn thờ và hình của Quân được đặt lên. Ngoài ra, Vân không biết một chút tin tức gì về Quân cả.
Ngày con trai Vân được 5 tháng thì mẹ của anh Quân bắt Vân phải ra đồng làm ruộng, Vân nào có biết cầm cây cuốc bao giờ… Nhưng rồi cũng phải theo chị em trong xóm ra làm ruộng. Ðược hơn một tháng thì Vân và chị bạn trong xóm đi xắn đất đắp bờ, trúng phải quả mìn, Vân bị thương cụt mất một chân, thân thể mặt mày đều bị miểng cắt như anh đã thấy, còn chị bạn chết ngay tại chỗ. Cũng nhờ những người hàng xóm đón xe đò đưa Vân lên bệnh viện, các Bác Sĩ nói Vân còn sống được là rất hy hữu, vì khi bị thương, xác của Vân nằm dưới nước chỉ có cái đầu là trên bờ thôi, nhưng máu chảy quá nhiều người như khô lại luôn mà vẫn còn sống mới là chuyện lạ.
Vân nằm phòng cấp cứu hơn một tuần lễ thì tỉnh táo hơn, ngày nào mẹ của Quân cũng đưa con lên cho Vân gặp mặt, đến khi Vân nhờ mẹ sáng mai đem tiền lên trả cho bệnh viện cứ hai tuần một lần. Vân chỉ cho bà nơi Vân giấu chìa khoá và tủ đựng tiền. Lúc mẹ Cả trở về Bạc Liêu, Mẹ để lại cho Vân 30 lượng vàng và một số trang sức, thêm vào đó vòng vàng và tiền riêng của Vân cũng nhiều lắm, cộng thêm chiếc xe Honda nữa. Những ngày sau đó bà đem con của Vân đến thăm thưa dần, cho đến cuối tháng thì bà không lên thăm nữa. Bà lấy hết những gì mà Vân có kể cả đứa con Vân mang nặng đẻ đau bà ta cũng đem đi luôn, để lại ngôi nhà vô chủ. Vân đã tự kết liễu đời mình 3 lần nhưng Ông Diêm Vương không chịu nhận. Cho đến ngày gặp Anh Bình tại bệnh viện rồi theo anh về đây như anh đã biết…”
Rồi ngày tháng trôi qua, tiếp xúc nhiều với Yến Vân, tôi đã xóa tan đi cách nhìn của tôi khi mới gặp mặt Vân lần đầu. Yến Vân rất hiền từ, hoà nhã với mọi người. Tôi xem Yến Vân như em gái vậy, cái điều tôi hài lòng nhất là Yến Vân chăm sóc cho hai cha con em Bình rất chu đáo. Cuộc sống của Yến Vân, Em Bình và con gái Thủy Vân rất khắng khít bên nhau thật là hạnh phúc.
(còn tiếp)
Kỳ tới – kỳ 14 –
Đời bỗng dưng vui
Một trái tim nhân ái, như loài cây lành thường cho quả ngọt, biệt kích Bình đã thu hoạch hạnh phúc ra sao…
(bạn có thể xem phần cũ tại: https://baotreonline.com/van-hoc/truyen-ngan/con-no-chu-mot-doi.baotre)