Chữ kỳ cục để chỉ tính chất khác thường đến mức vô lý, khó hiểu. Không biết nên vui hay buồn, khi bây giờ ra đường gặp chuyện kỳ cục còn nhiều hơn chuyện bình thường. Một rapper ở hải ngoại nói “Ở Việt Nam bây giờ ra đường nghe tiếng chửi thề nhiều hơn tiếng còi xe nữa!” Đó là một chuyện kỳ cục nhưng đó là sự thật.

Bứng cây đi, thế rác dzô… – ảnh: Du Uyên
Việt Nam đang vào mùa nóng dã man, nhà đèn lại còn hay cúp điện/cúp nước/cúp internet bất tử, không gì lý tưởng bằng việc bỏ lại tất cả sau lưng, chạy tới thành phố biển gần nhất xả stress. Mà gần Sài Gòn thì chỉ có Ô Cấp – Vũng Tàu là có biển, có hải sản, có gió, có nắng hè. Thế là tôi “đi Cấp”.
Không biết nên gọi đây là một chuyến đi thú vị, khi chưa kịp nhúng mông xuống biển, tôi sớm gặp hơi nhiều điều kỳ cục.
Chưa ra khỏi Sài Gòn đã chạnh lòng, ở xa lộ Hà Nội, hai bên đường có nhiều khuôn bằng bê tông dùng để trồng cây giờ chỉ còn là những cái hố trơ trọi vì cây đã bị bứng từ thuở nào. Từng có rất nhiều câu bình luận độc ác, cay nghiệt lẫn mỉa mai dành cho những người bày tỏ lòng tiếc thương khi những đại thụ ở các thành phố lớn bị chính quyền nhổ mất, họ cho là người ta ủy mị, lắm điều khi quan tâm chuyện không đâu, ôm cây mà không ôm con người. Giờ đây, có ai trong số họ đang bị cái nắng kinh khủng kia thiêu cháy?

Nguyên con đường ghi “hẻm”… ảnh: Du Uyên
Chuyện này tôi nói nhiều rồi, nó cũng hơi cũ rồi, nên lần này tôi chạnh lòng không phải vì dưới trời nóng rát da, thị dân không còn các bóng cây để nương náu mà vì một khoảnh khắc nhìn ngẩn ngơ vô định, tôi bắt gặp một cái hố đáng lẽ phải chứa một gốc cây đại thụ khỏe mạnh, xinh đẹp thì bây giờ đang là chỗ chứa đầy rác, tôi có chụp vội tấm ảnh để làm chứng (vì trên xa lộ, xe chạy nhanh). Vô số người đã mặc nhiên đi qua đi lại, mặc kệ cái hố đầy rác ngay con lộ xinh đẹp giữa Sài Gòn xa hoa mà gần lệ. Ðôi khi có người còn tiện tay tặng thêm rác vào hố như một điều hiển nhiên. Có thể họ nghĩ là bỏ rác vào cái khuôn bê tông đó là có ý thức hơn bỏ rác ra ngoài đường, hoặc có thể họ không nghĩ gì về chuyện họ đang làm luôn. Sống hơi nhiều, tôi hay được người đời dạy là đừng bắt mọi người phải suy nghĩ theo lẽ thường. Như gần đây, có một cửa hàng bán phụ kiện cho điện thoại di động ở trước trạm xe buýt ngay cổng Trường Ðại học Sư phạm Hà Nội bỗng nổi tiếng.
Nổi tiếng không phải vì ở cái tiệm đó có hàng tốt giá phải chăng hay có người bán đẹp long trời lở đất… Tiệm này nổi tiếng vì tấm bảng: “Khách chờ xe buýt không đứng trước cửa hàng, xin cảm ơn.” Nghĩa là: Nếu muốn chờ xe buýt thì hãy tới trạm chờ khác, đừng đứng xớ rớ trước bổn tiệm. Lời ít mà ý cũng ít như vậy mà coi mòi các cư dân Trường Ðại học Sư phạm Hà Nội lại không hiểu, cứ ngày ngày tan học lại đứng đón xe, thậm chí nhiều bạn còn lên mạng rủ nhau lập nhóm ra đón xe buýt trước cửa hàng này, làm chủ cửa hàng tức tối bồi thêm dòng chữ viết tay bên dưới “Không biết chữ à?” Dòng chữ này không làm “sáng mắt sáng lòng” các bạn sinh viên gì hết, chỉ làm chủ tiệm tốn thời gian lên phường ký cam kết “không gây cản trở người dân đứng chờ ở điểm chờ xe buýt”. Không biết, nếu có dịp vô Sài Gòn, vị chủ tiệm ở trên có tiện tay vứt rác vào cái khuôn trồng cây bằng bê tông ở Xa lộ Hà Nội không?

Nón cối ở khắp miền Nam – ảnh: Du Uyên
Bạn tôi ở Vũng Tàu từ nhỏ, sau gia đình cho qua Tân Gia Ba học, thành thân lập nghiệp ở bển luôn. Nó vô số lần than thở là từ nhỏ, hiếm khi gặp người miền Nam ở Vũng Tàu. Ở trường thì học chung với đa số bạn là “Bắc kỳ con”, giáo viên cũng đa số nói tiếng Bắc. Ra đường thì chủ các hàng quán đa số là người Bắc, ở các cây xăng, chỗ giữ xe, nhân viên/bảo vệ đội nón cối lác đác. Hôm rồi, có tác giả Trung Quốc hỏi trên báo “Vì sao đàn ông Việt Nam thích đội mũ cối?”, bạn tôi nói “Chắc chắn vị tác giả này du lịch ở Miền Bắc Việt Nam hoặc… Vũng Tàu”. Ba bạn tôi, chú bạn tôi, bà nội bạn tôi đều ghét cái cách người ta tôn vinh chiến tranh bằng cách đội nón cối khắp nơi như vậy! Tôi thì chỉ hơi ghét cái nón cối mà thôi, nhưng tôi vô cùng đề phòng những người đội nón cối. Tại cái nón đó như vô tình minh chứng người đội tới từ miền Bắc và mang tư tưởng còn thích chiến tranh, còn tự hào về một điều huyễn hoặc nào đó, họ còn chưa hòa nhập vào xã hội miền Nam hiền lành, phóng khoáng nhưng đã gặp nhiều mất mát và dễ tổn thương. Biển Vũng Tàu cũng là nơi từng chôn xác rất nhiều thuyền nhân chưa chạm tới bến bờ tự do.
Có thể tôi sai, nhưng tôi chưa thể thay đổi cách nhìn vì tôi từng gặp nhiều người (từ miền) Bắc có tánh xấu hơn người (từ miền) Nam. Người ta nói “ghét của nào trời trao của đó” chắc cũng đúng, hôm tôi mới đặt chân tới Vũng Tàu, nón cối dập dìu mọi nẻo, nó trên đầu của các chú xe ôm, bác bảo vệ, ông nhân viên cây xăng, anh phụ hồ… Tôi chưa tiếp xúc gần với họ, tôi không biết tánh nết họ ra sao. Nhưng trong một lúc tìm đường qua nhà người quen, tôi bắt gặp một chuyện cho thấy cái “nết” kỳ cục từ người phương Bắc, đó là thích “đô thị hoá nông thôn” xong rồi cái “nông thôn hoá thành thị”: Trên suốt các đoạn đường ở Vũng Tàu, các bảng tên đường tên hẻm rất đẹp và chắc chắn, cây bự cũng còn rất nhiều, nhìn rất mát mắt, có thể làm thị dân Sài Gòn ganh tỵ. Tự nhiên ở giữa muôn con hẻm của đường Ba Cu lòi ra một cái… ngõ, đó là tấm bảng đề “ngõ 151 – Ba Cu” của một cửa hàng quần áo vô cùng chói mắt. Nhiều người cho đây là một nét độc đáo khi ai đó mang chút “màu sắc” miền Bắc vào phương Nam, nhưng bản thân tôi lại cho rằng đây là một hành động khiếm nhã với Vũng Tàu. Cái bảng “ngõ” kia trong mắt tôi kỳ cục như cái nón cối giữa rừng nón bảo hiểm khi kẹt xe vậy!

Bỗng lòi ra một “ngõ 151” – ảnh: Du Uyên
Kỳ cục chuyện vẫn chưa hết. Bạn tôi, một người dày dạn kinh nghiệm sống ở Vũng Tàu đã khuyên tôi: “Ðôi khi, phải học làm những chuyện kỳ cục quanh mình nếu không muốn bị rừng người xung quanh tẩy chay vì khác biệt”. Sau khi tôi la làng la xóm mắng vốn là bản thân đã bị kỳ thị khi xuống biển chơi mà dám mặc đồ… bơi. Hồi đó tới giờ đi chơi rất nhiều thành phố biển, lần đầu tiên tôi nhận được hàng loạt ánh mắt săm soi từng lỗ chân lông rồi hú hét cười chọc ghẹo, khi tôi mặc đồ bơi (rất kín đáo) dạo và tắm biển (ở trước khách sạn của mình). Một giây thoáng qua, tôi nghĩ có lẽ bản thân mình đã làm điều kỳ cục? Tôi nên mặc đồ bộ/đầm maxi đi biển Vũng Tàu thay vì mặc đồ bơi. Ðiều này đã làm tôi uất ức không ít, cho tới khi tôi đọc được tâm sự của cô bạn Nghi Dang (đang ở Mỹ):
“Ở đây đi ngoài đường suốt ngày gặp các em gái bụng như thùng nước lèo, mỡ chảy xệ xuống che cả cạp quần nhưng vẫn mặc áo croptop khoe rún xỏ khuyên lấp lánh. Hay các chị da đen gầy nhom mặc áo lưới xuyên thấu, bên trong có mỗi 2 cái miếng che đầu ti phẳng như LCD. Ðến thành phố biển thì khỏi nói, vú mướp, bụng mỡ, đít xệ, da sần sùi rạn nứt vẫn bikini 2 mảnh tung tăng từ bãi biển lên phố. Vậy mà chả thấy ai sửng cồ lên bảo “Mày làm xấu mặt người Mỹ”. Thậm chí chúng nó qua VN ăn mặc như thế thì dân Việt cũng cười xoà bảo “Bọn Tây nó tự tin, cởi mở quá nhỉ”. Trong khi mấy mẹ xề ở VN cả năm mới 1 dịp xúng xính váy áo đi chụp hình trong khuôn viên cái hồ sen thì ai cũng phát rồ lên bảo mất tư cách, kém đạo đức. Làm người Việt nó khổ.”
“Làm người Việt nó khổ”. Ðúng là như vậy! Không chỉ khổ ở chuyện thiếu cây dư rác hay thiếu Nam thừa Bắc, làm người Việt còn khổ vì thiếu kiến thức dư sự kỳ cục. Dư tới nỗi thấy người ta có kiến thức thì thấy kỳ cục, thấy người ta kỳ cục thì không đủ kiến thức để… chê, như tôi. Vì vậy mà khổ!

Mặc đồ bơi bị kỳ thị vì đa số người dân và khách du lịch ở Vũng Tàu mặc đồ bộ hoặc đầm dài đi biển – ảnh: Du Uyên
DU
Bà Tám ở Sài Gòn