Ba thằng Kỉnh à, tôi đã suy nghĩ kỹ rồi định bàn với ông một việc.

– Việc gì mà bà làm có vẻ quan trọng vậy?

– Tôi lên thăm thằng Kỉnh ở ăn cơm tháng nhà dì Mười đi học. Bà con, dì thương tình cho nó ở trọ, chớ nhà dì chứa con cháu ở đi học cũng đông. Ban đêm thằng Kỉnh phải đợi cả nhà đi ngủ hết mới căng ghế bố ra trên con đường đi để ngủ, sáng phải dậy sớm xếp vào. Nhà đông quá không biết nó có học bài được không hay mãi lo trửng giỡn? Thứ Bảy, Chủ Nhật nào nó cũng đón xe đò về còn thì giờ đâu mà học hành. Rồi tựu trường tới, thằng Năng đậu vô trung học lại xin vô ở trọ đó nữa. Học hành được không, không biết?

– Vậy chớ bà định tìm cho tụi nó chỗ trọ khác hay tính sao?

– Tôi tính mình mua cho hai đứa con cái nhà ở Mỹ Tho, cho tụi nó ở đi học.

– Cái gì!? Bà nói giỡn! Hai thằng nhỏ làm sao ở một mình được, rồi ai cơm nước cho nó?

– Tôi đã tính mấy đêm rồi. Phần cơm nước thì tôi không lo. Tụi nó chỉ nấu nồi cơm, còn đồ ăn thì tôi sẽ hỏi quanh mấy người hàng xóm nhờ nấu cơm tháng, tới bữa chỉ qua lấy về ăn. Chúa Nhật đứa nào về tôi gửi đồ ăn lên ăn thêm. Nhà, thì tìm cái nào gần bà con nhờ họ để ý coi ngó giùm.

– Cha, … Bà tính làm tôi lo quá.

– Hổng sao đâu, hai thằng con mình đều ngoan cả. Mấy năm học tiểu học ở với ông ngoại rèn cho tụi nó tôi vững bụng lắm. Rồi cái đám nhỏ sau nầy tấn lên, sẽ theo cái đà của anh nó là mình đỡ lo.

– Bà tính vậy cũng phải, có điều là tôi với bà phải thay phiên thường thường lên coi ngó tụi nó mới được.

Cha già và gia đình ngày giỗ má và hình Má 

– Vậy là ông chịu rồi hén.

– Ừ, mà bà tính mua nhà bao lớn, cỡ bao nhiêu tiền?

– Phải đi dọ coi mới biết được.

– Dọ thì cũng dọ vừa vừa, chứ có bao nhiêu đều trút vô cái nhà nầy hết trơn như bà biết đó.

– Hồi nẳm mình tính cũng bậy thiệt, xây cất chi mà rình rang quá.

– Thì tôi cũng phải làm coi cho được để sợ người ta cười bà, con gái đại điền chủ mà hà tiện, xập xệ.

– Thì tôi cũng tính xong cái nhà với cái vuông nầy rồi thôi, không cần tậu thêm ruộng vườn gì nữa. Mỗi năm làm có dư để dành cho tụi nó đi học đến nơi đến chốn, chứ đâu dè vụ nầy tiếp liền sau! Thôi thì bây giờ ông lấy sổ sách gom hết lại coi có bao nhiêu? Mấy cây lúa(*) ông chất ngoài nhà máy đem xay hết chở lên Chợ Lớn bán luôn đi, để kịp cho tựu trường tới tụi nó có chỗ ở đi học.

– Cũng từ từ chớ, bà mà tính y như nhà cháy, nước lụt. Không đợi gạo có giá rồi hãy xay!

– Ông đợi gạo có giá rồi tựu trường tụi nó ở đâu? Hơn nữa mấy cây lúa ông dựa đó cũng có lời rồi chớ bộ không sao?

– Ừ, mai bà đi Mỹ Tho dọ coi nhà đi. Thiệt là như nhà cháy nước lụt!

-oOo-

– Má, má mới lên tới. Tôi mừng rỡ khi thấy má mới bước vô nhà.

– Anh hai con đâu?

– Anh còn ngủ.

Má đi thẳng vô nhà bếp, để cái giỏ lên bàn ăn.

– Con ăn sáng chưa? Má mua cho hai anh em con bánh bò, bắp nấu ở chợ Ông Văn trước khi lên xe đò. Còn nóng hổi, ăn đi. Có mấy cái bánh ít, hôm qua má đi đám giỗ bên dì Chín cho.

Má lấy từ trong giỏ ra một ô thịt kho với cá lóc, một ô tôm kho tàu, dưa leo, cà chua. Má lấy hai cái nồi đổ vô, rồi đem cất trong tủ đựng thức ăn.

– Trưa má sẽ ăn cơm với hai con. Con ăn sáng rồi đi với má qua chợ.

Xem thêm:   Bayreuth đầy quyến rũ

– Má mua xe đạp cho con phải không má?

– Ừ, má hứa thưởng cho con mà.

Tôi mừng rỡ chạy lại ôm má. Má cũng ôm tôi mỉm cười vui lây với tôi. Má đã khuyến khích tôi cố gắng học hành, hứa thưởng cho tôi chiếc xe đạp mới, nếu tôi đậu vô đệ thất Trung Học Nguyễn Ðình Chiểu Mỹ Tho. Còn mấy ngày nữa đến tựu trường. Tôi sẽ có xe đạp. Tôi vui lắm. Ðó là niềm ao ước và cả một sự cố gắng của tôi. Mỗi khi đi ngang qua tiệm xe đạp, tôi đều đứng lại đôi phút, phân vân chưa biết chọn màu nào. Sau cùng tôi nhất định màu xanh đậm có chạy chỉ đen. Tôi đã yên trí trong đầu nó sẽ là của tôi, chờ đợi chứ không dám hối thúc má. Tôi sẽ cưng nó, khoá cẩn thận, sẽ không để gần mấy chiếc xe khác, sợ nó ngã trầy xe tôi. Nếu bị mắc mưa, tôi sẽ lau chùi, đánh bóng vành vè sáng trưng. Ði theo má, tôi hí hửng, chỉ nghĩ và thấy có chiếc xe đạp trong đầu.

Tiệm xe đạp ở hướng nầy nè má.

– Ghé đây chút xíu con.

Má dẫn tôi ghé vào tiệm vàng trong chợ. Ðèn sáng choang dù ban ngày. Tủ kính đứng, tủ kính nằm chưng bày đủ đồ trang sức. Dây chuyền, cà rá, bông tai… Màu vàng của vàng trên nền vải nỉ đỏ, cùng ánh đèn phản chiếu lên gương bốn phía làm chói mắt. Má tôi móc  trong giỏ ra một gói giấy, đưa cho một người đứng sau quầy hàng. Bà ta mở ra, xoay xoay trong tay cái kiềng vàng và nói gì với má. Bà cất cái kiềng vàng vô tủ, rồi đếm tiền đưa cho má. Trở ra, đến cửa tôi đứng lại nắm lấy tay má lắc lắc và ngước lên nhìn má.

– Má bán cái kiềng vàng hở má?

Má hơi khựng một chút, giơ tay xoa  đầu tôi.

– Con ráng học, lớn lên đi làm có tiền, con sắm lại cho má.

Tôi gật đầu ưng thuận. Má dẫn tôi đến tiệm xe đạp. Má trả tiền. Tôi đẩy chiếc xe đạp mới tinh, mà tôi đã ngắm nghía bấy lâu ra khỏi tiệm. Sung sướng pha hồi hộp, tôi nhoẻn miệng cười, leo lên đạp một hơi về nhà, bỏ lại má đi bộ một mình.

Ngày xưa cái kiềng vàng xinh xắn, đã giúp cho cô dâu thêm mỹ miều duyên dáng. Nó cũng làm tăng thêm vẻ e lệ, thẹn thùng trong ngày vu quy. Rồi hơn mười năm sau, cũng cái kiềng vàng đó, được đánh đổi để đem lại niềm sung sướng tuyệt vời, cho cậu học trò nhỏ.

Cái kiềng vàng đã đi dần vào quên lãng, cho tới khi tôi lập gia đình và có con. Tôi đã bắt đầu có những lời hứa nho nhỏ với con tôi, thì cái kiềng vàng chợt hiện về trong trí. Từng chi tiết nhỏ nhặt, của buổi sáng năm xưa theo má đi sắm cái xe đạp đầu tiên, hiện rõ mồn một như một khúc phim quay chậm. Lý ra má tôi có thể khất lại một thời gian, với lý do đã gom hết tiền bạc, mua cho anh em tôi một cái nhà khang trang, rộng rãi ở thành phố để ăn học, không phải ăn nhờ, ở đậu nhà người ta, thì tôi cũng phải hiểu và chắc cũng không dám buông lời trách móc, hờn giận. Nhưng má đã không làm vậy. Má đã bán quà cưới của mình. Tôi đã thấy thế nào là một lời hứa. Giá trị của nó và lòng tự trọng. Ở cái nhìn sâu xa nầy, tôi thấy thương và kính má tôi vô cùng. Tôi, một đứa trẻ mười tuổi được tôn trọng! Mà người tôn trọng tôi, lại là má tôi! Má đã tôn trọng sự cố gắng học hành của con, trong một năm học dài đăng đẳng. Tôn trọng một quyết tâm của tuổi trẻ và tôn trọng kết quả thành đạt của con. Sự thành đạt nầy, phải được đãi ngộ xứng đáng và đúng lúc như lời đã hứa. Tôi đã học được một bài học lớn. Tôi đã kể chuyện nầy cho vợ tôi nghe. Và từ đó trở đi, tôi bắt đầu cẩn thận với những lời đã hứa. Ðối tượng càng nhỏ bé bao nhiêu, thì lời hứa phải được tôn trọng và thực hiện bấy nhiêu. Cũng không thể có một lời hứa nào cho là nhỏ nhặt có thể bỏ qua được. Nếu ngày xưa, má tôi bỏ qua lời hứa với tôi, thì chắc có lẽ lòng quyết tâm và mọi sự cố gắng của tôi sau nầy, sẽ không còn mãnh liệt như trước nữa.

Xem thêm:   Bayreuth đầy quyến rũ

Tôi định mua biếu lại má cái kiềng vàng, nhưng chưa thực hiện thì má tôi đã ra người thiên cổ. Mỗi lần nhớ đến má, tôi luôn thấy nơi cổ má, cái kiềng vàng sáng chói, rực rỡ như tấm lòng của má.

Tác giả bên mộ Má

-oOo-

Má, cầm ba nén nhang mà lòng con bùi ngùi xúc động. Từng làn khói vươn, lung linh uốn lượn theo cánh tay nhè nhẹ run. Con không muốn kềm hãm, để mặc cho con tim thổn thức, dâng trào. Ngọt ngào tình mẫu tử đã lắng đọng tâm tư. Con không muốn đứng giữa bàn thờ chắp tay bái lạy, mà chỉ muốn đứng đây, bên cạnh má, trước di ảnh nầy. Con muốn tâm sự cùng má, thố lộ niềm thương nỗi nhớ. Thương tiếc má ra đi quá sớm, với bao nỗi nhọc nhằn, mà chưa được một lần đáp đền. Hôm nay ngày giỗ má, không phải là ngày giỗ đầu, mà là thứ hai mươi lăm. Hai mươi lăm năm má đã nằm xuống, một thời gian khá dài, mà con cứ ngỡ hôm qua. Thì thưa má, thấu hiểu lòng con, cũng nặng ân tình. Nơi xa xứ, con của má, hằng năm vẫn thương nhớ, tụ tập giỗ má. Nhưng lòng con lúc nào cũng hướng về đây. Nơi kia cũng có di ảnh của má. Nhưng con biết hồn má nơi nầy. Má đã ra đi ở ngôi nhà, mà má đã dày công xây đắp. Hình ảnh má đã phảng phất với muôn ngàn kỷ niệm, kể cả ngày đau thương, con cháu má dập đầu bên suối lệ. ‘Hồn thiêng’ là những gì không diễn tả được, chỉ cảm nhận bằng con tim, bằng niềm rung cảm. Cám ơn má đã cho con niềm rung cảm, mà con đã thấy thiếu vắng tận đáy lòng. Nó đã thôi thúc con trở lại quê hương, để được thố lộ cùng má. Ngày hôm qua về tới, vừa bước vào nhà ba, con lật đật chạy đến bàn thờ, trình thưa, như ngày nào má còn sinh tiền. Ðối với con, má vẫn hiện hữu. Nhìn đôi mắt má trên di ảnh con thấy tất cả. Con thấy má cũng mừng rỡ, cũng trìu mến đón mừng con, sau một thời gian dài xa cách. Con đã ước ao thèm muốn, đôi cánh tay xương xẩu run run ôm quàng lấy con, úp mặt vào vai con, mặc cho những giòng lệ chảy dài trên đôi má. Con thấy đó là niềm hạnh phúc tuyệt vời mấy ai có được. Con đã bất hạnh! Má ngồi đó bất động.

Run run con thò tay, nhấc di ảnh má lên áp vào lòng. Một niềm rung cảm dạt dào, dâng lên tận hồn con. Con đã không ngăn được giòng lệ thương cảm.

Hôm nay ngày giỗ má. Con muốn làm thật lớn, thật linh đình. Ngả heo, vật gà. Mời bà con, hàng xóm, làng trên xóm dưới. Con muốn đền bù cho má. Xin má hiểu cho lòng con. Con muốn vinh danh má. Má đã âm thầm nhẫn nhục, chịu đựng nhiều rồi. Ai nghĩ con khoe khoang, mặc họ. Nếu được khoe khoang cho má con tiếc gì. Con muốn cho họ ăn uống no nê, say sưa để ít ra họ nghĩ đến má. Họ xầm xì má có phước! Ai có phước hở má? Con mới là người có phước. Má đã nhận mọi khổ đau, để phước cho đàn con. Như ngày sinh tiền, má cho con má lụa là gấm vóc. Mà thân mình má chẳng màng chi.

Con nhớ hoài hình ảnh má từ ngày con còn nhỏ, cho đến lớn khôn. Má quán xuyến trên dưới trong ngoài. Coi sóc kẻ ăn người làm, quản lý ruộng vườn. Không một ai không thương má, kể cả họ hàng nội ngoại hai bên và chòm xóm láng giềng . Ðến đâu má cũng từ tốn hỏi han và được ân cần đáp lễ. Má đối đãi người làm như thể người thân, sẵn sàng giúp đỡ khi họ cần. Má lại cưới vợ, gả chồng cho những người giúp việc mồ côi, khó khăn. Cho đất cho nhà. Con má đã học được lòng bao dung rộng lượng đó. Trong nhà má hết mực thương chồng, lo con. Con vừa khôn lớn má gửi hết ra ngoại cho đi học. Má chu cấp đầy đủ không thiếu sót một chi. Má bảo các con phải học, phải xa đời nông dân tay lấm chân bùn. Má không muốn giữ đứa con nào lại để phụ tạo thêm vườn, thêm đất. Ðủ rồi, của ông bà ngoại cho, quá đủ cho má lo toan. Má cũng từng đi học, đã thấy đời sống văn minh thành thị, nên con má học hết trường làng má cho lên trường tỉnh. Mua nhà tạo tiện nghi. Má đặt cơm tháng, cho con rảnh rang học hành. Ngày Chủ Nhật, ngày hè, ngày lễ, về với má là những gì thích thú. Không những cho ăn ngon, vịt gà, tôm cá, mà còn bày làm bánh nọ bánh kia. Má để con thong thả rong chơi, không bắt làm chuyện nầy, chuyện nọ, cho con giải trí bù những ngày học vất vả. Khi đi má không quên cho tiền bánh. Miệng chưa thưa là má đã móc túi rồi. Ôi, thương má. Má lo cho con từng tí. Không phải mình con mà cả một bầy chục đứa.

Xem thêm:   Bayreuth đầy quyến rũ

Khi con học hết trường tỉnh má lại tìm mua nhà ở thành phố, nhưng việc không thành má ấm ức hoài không thôi. Má không nói nhưng con cũng hiểu được ít nhiều. Ðã hết rồi thời thanh bình cửa thường bỏ ngỏ. Bên nầy, Luật Người Cày Có Ruộng lấy mất một phần gia sản. Bên kia, ban đêm VC về thu thuế dân. Không phải một năm, mà bao năm qua má phải chồng cho đủ. Gia đình ta đi dần vào khánh tận mà má không một tiếng thở than. Làm thế nào mà má chu cấp cho hai thằng con lớn ở Sài Gòn và bầy nhóc ở Tỉnh lỵ con không hiểu nổi. Thế mà má vẫn quyết ‘má còn sức các con cứ gắng học’.

Chiến tranh càng ngày càng ác liệt, mà quê hương ta lại là vùng xôi đậu mập mờ. Chẳng may, giặc lại lấy nhà ta làm cứ điểm, trận chiến nổ bùng, bom đạn cày nát tan hoang. Má phải lánh về với ngoại, rồi ngày ngày lặn lội vào chăm sóc ruộng vườn để nuôi con. Ôi nhọc nhằn thân má. Thương cái cò lặn lội bờ đê! Rồi con lớn của má lần lượt lên đường làm nghĩa vụ. Ðêm đêm nằm nghe súng nổ gần xa. Lo con má chẳng ngủ ngon. Mắt quầng thêm lại thâm sâu!

Cuộc chiến tàn, má về quê cũ. Người ta muốn lột tay má lấy tất cả. Buộc con má tội đồ, trút bom đạn xuống nhân dân. Má bị mời lên, kêu xuống không biết bao lần. Họp tổ, họp làng, họp xã, má đều bị đem ra kiểm thảo phê bình. Công lý đâu còn để mà biện hộ. Má nín lặng mà tim gan rỉ máu. Ðể cho chồng và con được yên thân, nhất là ba thằng con cải tạo biền biệt sơn khê, có được nhẹ tay hay gia giảm gì không? Sức má chịu được bao lâu. Cây cong phải gãy, nước nông phải vỡ bờ! Tim má đứng, đột quỵ ở tuổi đời năm mươi lăm. Con má sững sờ, chới với giữa cảnh đời điên đảo. Mất điểm tựa, gia đình tan tác, con má tứ tán muôn nơi. Rồi từ đó âm thầm lặng lẽ, má với nấm mộ đơn sơ. Tội nghiệp ba vẫn một lòng với má, bám trụ, nhang đèn tối sớm nghĩa phu thê. Má ơi, tình má cao vời vợi. Lòng má bao la mà đời má quá phũ phàng. Chiến tranh vô nghĩa và phi lý hở má?

Ôi, thương má một đời nhọc nhằn, khổ ải. Sống cho con, không một tiếng thở than. Chân tình xin đáp chân tình. Hôm nay đây tận đáy lòng con xin thố lộ. Thương, nhớ, kính má vô cùng. Bài Lòng Mẹ vừa cất lên tha thiết vô ngần. Hỡi ai còn có mẹ, hãy nghĩ rằng mình hạnh phúc nhất trên đời.

HN

(*) Cây lúa là bao lúa 100kg chất thành cây dựa ở nhà máy xay.)