Trẻ em Mỹ ngoài việc học chữ ở trường còn được tham gia nhiều bộ môn khác như thể thao, âm nhạc… Một trong những truyền thống lâu đời của học sinh Mỹ là dựng kịch, và khó hơn hết là dựng nhạc kịch với ban nhạc sống; không phải ai cũng làm nổi.

Dân làng Allen đi xem nhạc kịch do học sinh dàn dựng. Ảnh: Amy Abney/AHS 

Nhớ hồi học tiểu học ở Việt Nam tôi cũng từng được đóng trong một vở kịch. Mới đầu tôi được tập đóng vai Nguyễn Hoàng, nhưng sau cô giáo giao vai đó cho thằng bạn thân của tôi tên Hồ Bội Duẫn; tôi được “thuyên chuyển” xuống làm cận vệ cho nó. Ðổi lại, cô biểu tôi hát cho mấy bạn gái tập múa bài “Hận Ðồ Bàn” — chắc tại cô thấy tôi hát ít dở hơn là diễn tuồng. Tôi không lấy làm buồn mà còn khoái vì được lấy le với đám con gái trong lớp.

Thiệt là một kinh nghiệm thời thơ ấu dễ thương và đáng quý. Tới giờ tôi vẫn nhớ như in câu đối thoại tôi nói trước khi “Nguyễn Hoàng” lên ngựa xuôi Nam. Tôi nâng ly rượu (ly không, dĩ nhiên) trịnh trọng tuyên bố: “Chúc người đi mã đáo thành công!” Lúc đó mới học lớp Năm, tôi nào biết rượu chè ngọt đắng ra mần sao. Nhưng hình như động tác đó đã ăn sâu vào tâm khảm khiến sau này, khi đã lớn, những lần uống rượu tôi hay nhớ lại cái màn đó. Nhớ cả khung cảnh từ sân khấu nhìn xuống khán giả bên dưới, ngóng tìm xem có Mẹ tôi ngồi đâu đó hay không.

Hồi tuần rồi, thằng con út của tôi cũng chơi trong một vở nhạc kịch do trường trung học Allen High School tổ chức — vở “Beauty and the Beast”. Tôi chỉ biết nhạc kịch này sơ sơ qua bộ phim hoạt hoạ của Disney cách đây mấy chục năm, chẳng nhớ gì ngoài bản nhạc cùng tên mà mình không khoái lắm vì nó hơi … sến. Nhưng thây kệ, con mình chơi trong orchestra thì mình cứ đi ủng hộ cái đã.

“Người Đẹp và Quái Thú” (Rylee Polk và Jason Torres) tại Allen Performing Arts Center. Ảnh: Amy Abney/AHS

Tôi theo dõi việc tập dượt của cậu con thì thấy ngoài những bài nhạc bình thường phải tập cho lớp Orchestra, bắt đầu từ khoảng hai tháng trước ảnh mang về các bài trong nhạc kịch để dợt thêm. Mấy bài ấy đa phần dễ vì trong nhạc kịch thì đàn dây phần lớn đóng vai phụ, chủ yếu đệm cho ca sĩ hát chứ không có những phân đoạn phức tạp như nhạc cổ điển. Dẫu vậy vẫn tốn nhiều thì giờ vì vở kịch dài hai tiếng đồng hồ, số lượng nhạc lên đến cả trăm trang. Như bao đứa trẻ tuổi teen khác, chàng chỉ khoái chơi game, lười tập đàn và cứ càm ràm hỏi tại sao Ba Mẹ bắt phải tham gia nhạc kịch chi cho cực vậy.

Xem thêm:   Ballerina

Phần tôi, vì chưa xem nhạc kịch do học sinh dàn dựng bao giờ cũng tò mò, không hiểu nó được tổ chức ra sao. Một ngày trước đêm ra mắt, trường có buổi tổng dợt cuối cùng gọi là “dress rehearsal”, phụ huynh được phép vào coi nên tôi đi xem cho biết. Tôi thật sự bất ngờ, phải nói là bị sốc, khi được nhìn tận mắt, nghe tận tai vở nhạc kịch học sinh này. Dĩ nhiên không thể so sánh với Broadway, nhưng chỉ riêng phần âm nhạc thôi cũng thấy trình độ nhạc sinh trung học ở đây cao ngoài sức tưởng tượng của mình. Tôi liền gởi email cho David Devoto, thầy chủ nhiệm Ban Orchestra của Allen High School để xin phỏng vấn. David mời tôi hôm sau đến rạp hát của trường để ông dẫn đi xem một vòng cho biết.

Tôi đến khoảng nửa tiếng trước show buổi trưa thứ Bảy. Trong căn phòng tập rộng mênh mông của ban nhạc, khoảng 50-60 học sinh đang được một em (đóng vai Gaston) hướng dẫn thực tập các động tác giãn gân giãn cốt, cứ như sắp sửa ra đấu trường. Mọi người đều đã mặc y phục và hoá trang xong. Thì ra đây là cách các em chuẩn bị tinh thần và thể lực trước khi lên sân khấu.

Gaston (John Regan, phải) dẫn đám dân làng tấn công ‘biệt phủ’ của Quái Thú. Ảnh: Amy Abney/AHS

David nói Ban Kịch Nghệ là thành phần đầu não của nhạc kịch. Họ có nhiệm vụ chọn vở kịch và mua tác quyền từ nhà xuất bản. Tác quyền gồm đủ các thứ cần thiết để dựng kịch. Ngoài kịch bản còn có phần ký âm cho đủ loại nhạc khí. Ban nhạc có khoảng 70-80 nhạc sinh thuộc hai nhóm: Orchestra (đàn dây) và Band (kèn trống). Trường phải trả tiền nhạc bản cho mỗi em; David Devoto đoán tiền tác quyền phải vài chục ngàn đô la!!

Xem thêm:   Cuộc tấn công ngoại mục

Trong gói tác quyền đó có cái gọi là “backing track” (nhạc đệm), với nhu liệu đặc biệt cho phép các thành phần tập dợt riêng rẽ. Ví dụ dàn kèn có thể tắt tiếng kèn để dợt chung với tiếng trống và đàn dây. Orchestra thì ngược lại. Ðạo diễn và diễn viên thì cứ nương theo dĩa nhạc đệm mà tập múa, tập hát. Bốn ngày trước đêm mở màn, tất cả mọi người ráp lại lần đầu để dợt chung; nghe nói chỉ cần tập vài ba bận là đâu vào đó. David Devoto nhấn mạnh phần hoà âm cho ban nhạc là phiên bản chính thức của Disney, được dùng trong các show chuyên nghiệp, cho nên nhạc sinh có thể điền trong đơn xin vào đại học rằng mình từng … đánh nhạc của Disney!

Ngoài Ban Kịch Nghệ đóng vai chính, một show nhạc kịch như vầy còn đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ với Ban Vũ Múa (Dance), Ban Kỹ Thuật Sân Khấu (Theater Tech), Ban Hội Hoạ (Art), Ban Xướng Ca (Choir), Ban Kèn Trống ( Band); và Ban Hoà Tấu (Orchestra). Ngoài ra còn có cả khối học sinh phụ việc chân tay để lấy điểm “làm thiện nguyện”. Tổng cộng một show quy tụ cũng vài trăm người, tính luôn các Câu Lạc Bộ Phụ huynh  (Booster Club). Ví dụ phụ huynh trong Ban Kịch Nghệ thì giúp may quần áo, trang phục; Ban Hội Hoạ giúp sắm sửa vật liệu để làm phông, đạo cụ v.v. Nhưng tuy ban nào cũng có thầy cô và người lớn hướng dẫn, David Devoto nói học sinh làm gần như 99% mọi thứ, trừ một vài việc nguy hiểm luật pháp không cho phép.

Góc nhìn của người điều khiển dàn nhạc: sân khấu bên trên, hầm cho ban nhạc ở dưới. David Devoto đang đứng ở giữa. Ảnh: ianbui/Trẻ

Kế đến, David dẫn tôi xuống hầm cho dàn nhạc (orchestra pit) và cho tôi leo lên bục của người điều khiển — một thầy giáo trẻ tên Matt Cross. Ðứng lơ lửng giữa sân khấu bên trên và dàn nhạc bên dưới, với tấm lưới căng bít để đề phòng đồ vật (hay diễn viên) rơi xuống, tôi chợt cảm thấy ganh tị với Matt và ước gì thời đi học mình cũng được tham gia những chương trình quy mô như vầy. David chỉ cho tôi xem một người đàn ông khá lớn tuổi đang thổi kèn và cho biết ông ta dạy Band tại một trường Cấp 2 trong thành phố. Ông xin chơi trong ban nhạc vì thích nhạc kịch nhưng hồi nhỏ không có cơ hội. David nói hầu hết học sinh chỉ có dịp làm những chuyện như vầy ở trung học. Lên đại học không ai có thì giờ, trừ những em theo đuổi ngành kịch nghệ hay âm nhạc.

Xem thêm:   "Thế hệ cợt nhả"

Vở kịch này diễn cả thảy năm show, trong đó có hai show được rút ngắn, dành riêng cho các trường tiểu học trong làng đi xem. David Devoto nói đó cũng là một cách để “dụ” học sinh tham gia các môn nghệ thuật một khi các em lên trung học. Trong đêm cuối cùng tối thứ Bảy, hí viện 1,500 chỗ kín mít. Dân làng xếp hàng dài dẫn con cái đi xem. Ông Devoto nói đây là một sinh hoạt văn hoá của địa phương rất được cư dân ủng hộ vì nó đến từ tiền thuế của họ — mười mấy triệu USD chỉ để xây rạp hát cho trường với đủ mọi thiết bị âm thanh, ánh sáng, video hiện đại nhất. Tiền vé sẽ dùng để chuẩn bị cho vở nhạc kịch năm sau — có lẽ vẫn sẽ là Disney để … câu khách thiếu nhi!

Chàng út tôi sau khi chơi vở nhạc kịch này bỗng dưng nổi hứng, cứ đem mấy bài nhạc trong “Beauty and the Beast” ra nghe tới nghe lui làm tôi cũng hơi bị ngán. Nhưng tôi tin sau này, khi đã trưởng thành, anh ta sẽ nhìn lại những kỷ niệm hiếm quý thời học sinh này và không hối tiếc đã bị Ba Mẹ bắt tham gia nhạc kịch thay vì chỉ chơi game.

Chàng “đèn cầy” Lumiere (Alexis Vazquez) và thôn nữ Belle (Rylee Polk) múa hát cùng dàn vũ công trong bài “Be Our Guest” hay tuyệt. Ảnh: Amy Abney/AHS

IB