Du Tử Lê (1942- 7/10/2019)

Cho tới hôm nay, ông là nhà thơ châu Á duy nhất được phỏng vấn và có thơ đăng trên hai nhật báo lớn của Hoa Kỳ: Los Angeles Times (1983) và New York Times (1996).

Năm 1998, nhà xuất bản W. W. Norton, New York đã chọn Du Tử Lê vào một trong năm tác giả Việt Nam để in vào phần “Thế kỷ Anthology of Verse From Antiquity to Our Present Time” (Tuyển tập Thi ca thế giới từ xưa đến nay).

Trong cuốn Understanding Vietnam, tác giả, giáo sư Neil L. Jamieson đã chọn dịch một bài thơ của Dư Tử Lê viết từ năm 1964. Cuốn sách này sau trở thành tài liệu giáo khoa, dùng để giảng dạy tại các đại học Berkeley, UCLA, và Cambridge, London.

Ông cũng là nhà thơ có nhiều tác phẩm được phổ nhạc. Trong số đó có nhiều ca khúc nổi tiếng như của nhạc sĩ Phạm Đình Chương, với “Đêm nhớ trăng Sài Gòn”, “Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển”, “Quê hương là người đó” (“Xa nguồn yêu thương”), Trần Duy Đức với “Chỉ nhớ người thôi đủ hết đời”, “Em hiểu vì đâu chim gọi nhau”, Nguyên Bích với “Hiến chương yêu”, Đăng Khánh với “K. khúc của Lê”, Anh Bằng với “Khúc Thụy Du”, Phạm Duy với “Kiếp sau xin giữ lại đời cho nhau”, Hoàng Quốc Bảo với “Người về như bụi”, Từ Công Phụng với “Trên ngọn tình sầu”, Phạm Anh Dũng với “Tôi Xa Người”… Từ những ca khúc này, ông đã tuyển chọn để thực hiện  3 CD K Khúc của Lê  năm 2001 (Theo Wikepedia)

Tưởng niệm một năm ngày mất của ông Trẻ giới thiệu bài viết của Đặng Mai Lan.

Thức sớm, một mình, một tách trà, hay một ly cà phê nóng luôn là cái thú của sự «cô đơn». Nỗi cô đơn tự mình tìm kiếm, nhốt mình vào trong thinh lặng. Tôi thích cái cảm giác tách biệt, đơn độc đó.

Tinh sương hôm nay không tiếng động ly tách, không sóng sánh nước reo sôi, bập bùng ánh lửa nơi gian bếp.

Xem thêm:   Chuyện 50 năm

Bên ngoài khung cửa, phố im lìm trong sương mỏng của tháng Mười.

Sương đang quàng cổ cây*, những thân cây đen đủi, in cái bóng trơ gầy dưới những ngọn đèn đường mù mờ, âm u.

Ðêm qua, nằm trong chăn ấm nghe gió lồng lộng phía ngoài. Tưởng tượng những cây cành lao chao. Những chiếc lá rụng đầy, tản mạn theo gió và vun thành từng đống nhỏ trước thềm cửa, như thể có bàn tay ai sắp xếp. Nhưng chẳng phải lúc nào lá cũng tụ hội bầy đàn như thế. Ðôi khi cơn giông chỉ để lại một thềm nhà tan tác với những nhánh cây non gẫy, vương vãi trên mặt đất những nụ hoa chưa kịp lớn đã rời cành, hay những trái thông rơi lạc đến từ khu rừng nhỏ phía sau nhà…

như gió bỏ nhà, rủ lá theo.*

Tôi bước xuống giường đi ra phòng khách, bật ngọn đèn ngay kệ sách. Tôi ngắm những cuốn sách của ông. Ngắm và lần đếm xem mình có tất cả bao nhiêu cuốn? Không phải chỉ có những cuốn sách trong tủ sách này, tôi còn vài cuốn nữa trên một cái kệ khác trong phòng ngủ.

Có khi nào ông biết rằng những cuốn sách của ông luôn hiện diện trong không gian ấm áp thân thuộc của tôi?

Tôi nghĩ, cũng giống như những người bạn đồng trang lứa. Chúng tôi, dù có lạc quan cỡ nào cũng hiểu rằng quỹ thời gian của mình không còn nhiều. Nên cuộc sống, cách sống, không gian sống, mọi thứ đều được thu nhỏ lại.

Nhà chật, có những cuốn sách đã chọn người để cho đi, có những cuốn được cất vào những thùng giấy mang vào kho chứa vì tiếc nuối, vì còn nghĩ sẽ có lúc mình cần tới. Nhưng sách của ông thì luôn ở đây. Chắc cũng lâu rồi tôi không rờ tới chúng. Có cầm trên tay cũng chỉ để phủi lớp bụi mỗi khi lau chùi dọn dẹp. Nhưng chúng phải có đó. Có thể nói đó là một sự chung thủy. Chung thủy với chính mình chứ không là với ai. Chung thủy với thuở ban đầu khi mới biết trải lòng theo những trang sách, như chung thủy một mùi hương.

Xem thêm:   Ước vọng hòa bình

Những cuốn sách phải có ở đây. Thơ nhiều hơn văn xuôi. Những con chữ đẹp lấp lánh những nỗi buồn nhưng không tuyệt vọng. Ðọc, để ngây ngất, đắm mình trong tâm tưởng, trong những cảm xúc lênh láng trên từng khoảnh khắc sống đìu hiu của một con người lại khiến mình còn thấy yêu cuộc đời này hơn. Yêu nắng, mưa, cây, lá, ngọn cỏ, bóng tối, hiên nhà, dòng sông, góc phố. Thứ chữ nghĩa bùng lên đốt đau thương, nỗi buồn tôi thành một cõi đời rực rỡ.

Có thực sự  “rực rỡ” không với những gì tôi đang sống, thở? Những nhịp đập rực rỡ của một trái tim? Cứ cho là như thế đi!

Trái tim rực rỡ ấy chính ông đã nói với tôi, chỉ ngẫu nhiên bằng một nét bút.

Ngẫu nhiên! Tôi nghĩ như vậy. Bởi vì ông nào biết được trong một lần trả lời phỏng vấn. Người phỏng vấn đã hỏi tôi về những tác phẩm văn học VN nào mà tôi ưa thích nhất? Không ai hỏi điều gì thúc đẩy tôi viết và trở thành một nhà văn. Vậy mà tôi đã trả lời lan man và có thể nói câu trả lời tuồng như lạc đề rằng: có hai người, một nhà văn và một nhà thơ. Văn chương của hai vị này đã là một động lực thúc đẩy tôi viết. Ðó là Nguyễn Ðình Toàn và Du Tử Lê. Cho đến bây giờ đọc lại những tác phẩm cũ của hai ông, tôi vẫn tìm lại sự rung động của thuở ban đầu.

Xem thêm:   50 năm những người lính Mỹ

Chẳng phải trong ngăn tim rực rỡ, nếu có của riêng tôi đã được thắp lên từ những ẩm, mốc, liu, điu * trong thế giới thi ca của người Du Tử ấy!

Lý do những cuốn sách vẫn mãi ở đây là thế. Chúng thường giữ lại giùm tôi nỗi rung động thất lạc đôi khi. Tôi tìm đến những câu thơ khi lòng khô cạn. Như  bươi…

tìm tôi – thất – lạc.*

Ðiều này điều nọ, cách này hay cách khác. Sự hối tiếc, một thứ tình cảm dường như luôn hiện hữu trong đời sống.

Tôi đã từng trò chuyện, trao đổi qua thư từ với ông rất nhiều. Những thân tình đối đãi đã đủ đầy giữa hai chúng tôi. Sao bây giờ vẫn thấy ray rứt như thể mình đã thiếu sót một điều gì với người đã khuất.

Tôi xếp lại những cuốn sách về lại vị trí cũ sau khi nhìn ngắm những tấm ảnh của tác giả trên trang bìa. Dù người trong ảnh có cười tươi vẫn thấy bàng bạc trong chân dung đó một thứ ẩm, mốc, liu, điu, những từ ngữ ông thường dùng trong cõi văn chương của ông.

Bầu trời tối – linh hồn câm

Nỗi đau buồn mọc nhánh

Trên thân cây mùa đông

Có gió may

Và cỏ úa *

Chỉ ngắm hình, không tìm đọc thơ, nhưng cái vòm trời u uất sương sớm  phía ngoài khung cửa tôi, cùng một tin buồn như đã rủ rê những câu thơ về trong trí nhớ.

Con dế ngủ

hàng hiên mưa

nửa đêm thức giấc

ngó vì sao lu

giọt sương rớt lạnh

con chim khuya

giật mình…*

Dẫu có biết trước thì những người ở lại cũng vẫn giật mình, bàng hoàng… trong đó có tôi và bạn.

Xin cùng bạn thắp một nén nhang tưởng niệm người thi sĩ vừa mới rời bỏ chúng ta.

ĐML

* những câu thơ của Du Tử Lê