Các giới chức chính phủ Hồng Kông từng hy vọng là phong trào biểu tình sẽ chấm dứt sau khi trường học mở cửa trở lại vào Tháng 9. Nay tất cả các trường học đã mở cửa được hơn hai tháng nhưng những cuộc biểu tình vẫn tiếp tục, và hơn nữa lại càng ngày càng bạo động hơn.

Rồi đến lệnh cấm đeo mặt nạ vào đầu Tháng 10 nhằm mục đích ngăn cản người biểu tình xuống đường, nhưng chỉ một ngày sau khi lệnh cấm được đưa ra, những dòng người biểu tình được trang bị với mặt nạ và nón an toàn đã xuống đường coi như chưa từng có lệnh cấm này và trực tiếp thách thức thẩm quyền của chính quyền và cảnh sát.

Chính quyền Hồng Kông sau đó lại giở trò khác là đóng cửa nhiều đường xe điện. Hành động này được nhiều người xem như một lệnh giới nghiêm, là vì hầu như tất cả người dân sống ở Hồng Kông đều cần đến hệ thống xe điện cho phương tiện di chuyển của họ trong thành phố. Nhưng trò bẩn này cũng không hề hấn gì, người biểu tình chấp nhận đi bộ tới nơi tụ họp biểu tình.

Có điều ngay từ lúc đầu ít ai ngờ tới là lực lượng nòng cốt tiếp tục duy trì ngọn lửa đấu tranh của người biểu tình ở Hồng Kông hiện nay chính là những người trẻ, có nhiều người còn quá trẻ. Họ không chỉ là những sinh viên đại học mà còn có rất nhiều học sinh ở bậc trung học cũng tham gia biểu tình một cách hết sức nhiệt tình và có ý thức. Ngày thường thì họ đi học nhưng cứ đến cuối tuần thì lại tụ tập và xuống đường biểu tình cùng với năm yêu cầu đòi chính quyền phải đáp ứng, nhất quyết không nhượng bộ bất kỳ yêu cầu nào: thu hồi hoàn toàn dự luật dẫn độ; thành lập một uỷ ban độc lập điều tra về các hành vi sai trái của cảnh sát; rút lại các cáo buộc nói rằng người biểu tình gây ra bạo loạn; và, quan trọng hơn hết, được bầu cử tự do.

Trong năm yêu cầu trên, chính quyền Hồng Kông mới đáp ứng yêu cầu thứ nhất và không đá động gì đến bốn yêu cầu kia, và đó là lý do mà phong trào biểu tình vẫn tiếp tục diễn ra cho đến hôm nay đã bước qua tháng thứ sáu.

Xem thêm:   Miệng Nhà Quan ngày 17 tháng 4 năm 2025

Tuần qua, những cuộc đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình một lần nữa làm tê liệt Hồng Kông, gián đoạn sự giao thông và phải đóng cửa một số trường học. Bạo động leo thang vào hôm Thứ Năm 14/11 khi người biểu tình tại Ðại học Bách khoa Hồng Kông bắn cung tên vào cảnh sát, và để phản ứng lại, cảnh sát đã bắn hàng trăm lựu đạn cay vào trong khuôn viên đại học.

Phong trào biểu tình nổ ra bắt đầu bằng những cuộc diễn hành ôn hoà trên đường phố. Sau đó các cuộc biểu tình được di chuyển tới nhiều nơi khác như khu trung tâm thương mại, khu trung tâm hành chánh, phi trường, v.v… và nay là tại các trường đại học. Những cuộc đụng độ giữa người biểu tình và cảnh sát xảy ra hầu như mỗi ngày đã biến các khuôn viên đại học thành những bãi chiến trường. Ðặc biệt hơn nữa, phong trào biểu tình tại các khuôn viên đại học đang được hỗ trợ bởi những người trẻ mà tuổi của họ vẫn chưa đủ để theo học: đó là những học sinh trung học hiện nay đang đi trên tuyến đầu trong các cuộc đấu tranh tại khắp nơi trên toàn thành phố.

Ðành rằng người trẻ luôn là lực lượng nòng cốt trong các phong trào biểu tình khắp toàn cầu, nhưng với con số đông những người còn quá trẻ của phong trào biểu tình tại Hồng Kông gần đây đã gióng lên tiếng chuông báo động cho các giới chức chính quyền Hồng Kông cũng như Trung Quốc. Mặc dù các khuôn viên đại học vẫn là những nơi chính diễn ra những cuộc đụng độ bạo động, cuộc đấu tranh của người biểu tình nay đã mau chóng lan vào trong các trường trung học, nơi mà một thứ chiến tuyến mới của phong trào biểu tình đang thành hình.

Hàng ngày, trước khi tiếng chuông báo vào lớp lúc 8 giờ sáng, tại nhiều trường trung học khắp nơi trong thành phố, nhiều em học sinh trong bộ đồng phục tại một số trường lại cùng nhau nắm tay tạo thành một hàng người, và cùng hô to những khẩu hiệu hay cùng hát “cuộc cách mạng của thời đại chúng ta” – lời từ một bài đồng ca rất phổ biến của phong trào biểu tình tại Hồng Kông hiện nay.

Xem thêm:   Swinging trò chơi thác loạn

Các trường trung học đang giữ vai trò như là những tụ điểm liên lạc để tìm kiếm thêm người ủng hộ có chung chí hướng, để tổ chức và đưa ra những kế hoạch mới cho phong trào biểu tình. Nhiều sân trường cũng đang trở thành những địa điểm tranh chấp giữa các học sinh ủng hộ biểu tình và các học sinh ủng hộ chính quyền đại lục. Các giáo viên cho biết ngay cả những khi họ cố tìm cách giảng hòa các cuộc tranh luận trên sân trường và trong lớp học, họ cũng bị theo dõi gắt gao và lo ngại mất việc nếu như bị ban giám đốc trường đánh giá và coi họ là những phần tử ủng hộ biểu tình.

Nhiều nhân vật thân Bắc Kinh trong chính phủ Hồng Kông đã lên tiếng kêu gọi nhà trường hãy trục xuất ngay những học sinh nào tham gia biểu tình và bị buộc tội gây bạo loạn. Tháng trước, các giới chức điều hành hệ thống giáo dục của thành phố đã yêu cầu hiệu trưởng của các trường trung học phải báo cáo cho họ biết những em học sinh nào đeo mặt nạ đến trường bất chấp lệnh cấm được đưa ra hồi gần đây.

Theo hồ sơ của sở cảnh sát, hơn một phần ba trong số 4,000 người biểu tình bị bắt là ở độ tuổi 20 hoặc trẻ hơn – đây là những người thuộc thế hệ sinh ra sau khi Trung Quốc thu hồi Hồng Kông từ Vương quốc Anh năm 1997. Trong số đó, có tới vài chục em là ở từ độ tuổi 14 trở xuống. Người biểu tình bị bắt trẻ nhất mới 11 tuổi.

Tháng trước, có hai em học sinh – trong đó có một em mới 14 tuổi – đã bị cảnh sát bắn trong khi đụng độ với cảnh sát trên đường phố. Cả hai sống sót nhưng em học sinh lớn tuổi hơn đã bị buộc tội gây bạo loạn, là tội trạng đó có thể bị cầm tù lên tới 10 năm. Một học sinh trung học khác bị buộc tội gây thương tích cho cảnh sát với cáo buộc có hành vi cố ý kề dao cắt hộp giấy vào cổ của cảnh sát viên này. Mới đây nhất, một em học sinh 13 tuổi bị bắt trên xe điện trong khi đang mang trên mình hai trái bom xăng chưa sử dụng.

Xem thêm:   50 cộng đồng người Việt ở Mỹ

Theo giáo sư Viên Vĩ Hi (Samson Yuen Wai Hei), thuộc phân khoa chính trị tại Ðại học Lĩnh Nam, có hơn 390 trường trung học – tương đương với khoảng hơn 80% trong tổng số các trường trung học tại Hồng Kông – đã thành lập “các nhóm học sinh có cùng quan tâm” để tham gia tổ chức các cuộc biểu tình.

Kết quả một cuộc thăm dò được thực hiện hồi Tháng 6 với hơn 1,000 cư dân Hồng Kông tuổi từ 19 đến 29, chỉ có 2.7% người trả lời nói rằng họ là người Trung Quốc. Trong một cuộc thăm dò như trên được thực hiện hai tháng trước Thế vận hội Bắc Kinh năm 2008, có khoảng 29% người dân Hồng Kông trong độ tuổi đó nói rằng họ là người Trung Quốc. Ðiều này rõ ràng cho thấy người trẻ Hồng Kông nay hầu như không còn thiết tha gì tới đất mẹ đại lục, họ thấy tự hào hơn khi được gọi là người Hồng Kông.

Biểu tình và bạo động leo thang tại Hồng Kông trong thời gian gần đây được cho là do hậu quả của sự tính toán sai lầm từ phía nhà cầm quyền Bắc Kinh. Khi một chính quyền độc tài cố tình lấy đi những quyền tự do căn bản mà người dân Hồng Kông từng được hưởng trước đây thì đương nhiên các cuộc biểu tình phản đối bắt buộc xảy ra. Lãnh tụ Tập Cận Bình nay đương phải đối đầu với những thử thách nghiêm trọng nhất đối với quyền cai trị đất nước của đảng cộng sản Trung Quốc kể từ cuộc nổi dậy đòi tự do dân chủ năm 1989 phát xuất cũng từ giới sinh viên học sinh.

Các cuộc biểu tình tại Hồng Kông chỉ có thể lắng dịu xuống nếu Bắc Kinh chịu nhượng bộ. Tuy nhiên, đảng cộng sản Trung Quốc lo sợ rằng bất cứ sự nhượng bộ nào với Hồng Kông cũng có thể đưa tới những đòi hỏi về tự do dân chủ ngay tại đại lục. Vì vậy, họ lại càng ra sức tìm cách kiểm soát và hành động đó càng đưa tới thêm nhiều cuộc biểu tình, thêm nhiều người bị bắt, và cái vòng luẩn quẩn đó cứ thế tiếp tục không biết đến bao giờ ngưng.

VH

Arlington, TX