Cứ mỗi lần New Year đến, ở các quán cà phê nhạc hoặc trên các đài radio lại trổi lên ca khúc “Happy New Year” của ban nhạc ABBA nổi tiếng một thời. Giai điệu bài hát nghe vui tai nhưng ca từ lại buồn, dễ làm lòng người chùng xuống tìm cho mình một khoảng lặng trong tim. “No more champagne. And the fireworks are through. Here we are, me and you…” (Không còn rượu champagne. Và pháo hoa cũng đã tàn. Chỉ còn lại chúng mình, anh và em…).

tet-tay-la-cua-nguoi-tay3

Mùa Giáng sinh tại trung tâm Sài Gòn (Nguồn: Manhhaiflicks)

Tôi biết bài “Happy New Year” từ rất sớm, sau khi ban nhạc ABBA cho ra đời  bản này vào năm 1980. Thời gian này, cuộc sống của người dân Sài Gòn còn nhiều khó khăn thiếu thốn, trong lòng mỗi thanh niên vẫn còn hoang mang cho tương lai dẫu rằng cuộc chiến đã qua đi vài năm. Nhìn những thanh niên lớn hơn tôi chừng năm bảy tuổi, có nghĩa là những con người đó đã ra đời đi làm, có nghề nghiệp đàng hoàng, sau khi hết việc trong ngày lại không về nhà. Họ cỡi chiếc xe đạp lang thang trên các con phố để chờ đúng 6 giờ, lúc quán cà phê nhạc – nơi tôi phụ việc – mở cửa, là ghé vào. Họ tìm cho mình một chỗ trống dưới ánh đèn vàng mờ ảo, đốt điếu thuốc lá, lặng lẽ chờ từng giọt cà phê đen nhỏ xuống chiếc ly thuỷ tinh, lắng tai chờ nghe những bản nhạc ưa thích chuẩn bị vang lên từ chiếc máy Akai trên kệ, sau chỗ quầy tính tiền.

Cứ mỗi mùa Giáng sinh bước qua chuẩn bị cho New Year, ông chủ quán cà phê lại đi lùng mua các băng nhựa Akai thu những bài hát của các ban nhạc ngoại quốc. Loại nhạc băng này dường như là băng nhạc “lậu” bán ở chợ trời Huỳnh Thúc Kháng. Ông chủ rất tinh ý với những loại nhạc trẻ, thường chọn những bài hay, có khi phối hợp những bài ăn khách của các ban nhạc khắp nơi trên thế giới để phục vụ khách hàng, thường là những người sành nghe nhạc. Có lẽ vì thế mà quán cà phê tối nào cũng đông khách đến tận khuya.

tet-tay-la-cua-nguoi-tay2

Bán thiệp Giáng sinh và New Year trên lề đường Lê Thánh Tôn (Nguồn: Manhhaiflicks)

Và cũng trong khoảng thời gian này, người Sài Gòn bắt đầu làm quen với ngày lễ đầu năm mới theo lịch Tây, nói nôm na là Tết Tây. Thuở đó, ngày đón mừng New Year còn rời rạc lắm, tổ chức kiểu phong trào cá nhân, chứ chính quyền vẫn chưa xem ngày 1 tháng 1 là một ngày lễ lớn. Có lẽ đời sống kinh tế lúc đó còn quá nhiều khó khăn, vui chơi ngày lễ Tết không phải Tết truyền thống “của mình” là chuyện không cần thiết. Bắt chước văn hoá phương Tây là chuyện… trên mây, không “cách mạng”. Chỉ sau này, khi chính quyền Hoa Kỳ bỏ lệnh cấm vận, ngày hội vui chơi Tết Tây trong nước mới trở nên rình rang, cho phép các tụ điểm vui chơi giải trí tổ chức mừng New Year, và ngay cả nhà cầm quyền cũng tổ chức bắn pháo hoa trong đêm Giao Thừa. Mỗi một năm, pháo hoa được bắn lên bầu trời trên sông Sài Gòn nhiều hơn, người Sài Gòn chen chúc ra các con phố trung tâm vui chơi, ăn uống. Từ đó đến nay, ngày Giáng sinh cho đến New Year hiển nhiên xem như ngày lễ hội chính thức.

Xem thêm:   Hoàng hậu cà phê hủ tiếu

Ðã xuất hiện vài ý kiến gộp Tết Tây và Tết Ta thành một, coi như đó là sự “hội nhập thế giới”. Thế nhưng sự hợp nhất này đều bị dư luận phản bác, bảo lưu Tết truyền thống của người Việt từ bao đời nay. Không thể xem nước Nhật như một tấm gương, một đất nước có nền văn hóa lâu đời, từ bỏ Tết truyền thống âm lịch ngay thời cải cách Minh Trị Thiên Hoàng, cho người dân đón chỉ mỗi Tết dương lịch theo văn hoá Tây phương. Hay như Philippines cũng đón Tết nước mình vào ngày Năm mới dương lịch.

Bàn luận chuyện Tết Tây hay Tết Ta sẽ rất dông dài. Tôi xin trích lời chia sẻ trong một bài phỏng vấn hồi năm 2014 đăng trên một tờ báo ở Sài Gòn của vị công sứ Nhật Bản – ông Hideo Suzuki nói lên sự tiếc nuối của người Nhật sau một thời gian dài hơn trăm năm đón nhận văn hoá phương Tây để chúng ta suy gẫm: “Nhật Bản đã bỏ âm lịch để sử dụng dương lịch vì những đòi hỏi của nền kinh tế khi đó.Nhưng như tôi đã nói, Nhật Bản lẽ ra vẫn có thể giữ Tết Nguyên đán như một nét văn hóa cổ truyền và là sợi dây liên kết cộng đồng. Chúng ta đang sống trong một xã hội toàn cầu hóa. Ðiều đó tạo ra một xã hội mở, nhưng mặt khác nó khiến con người mất đi bản sắc, sự nhận diện ‘chúng ta là ai?”’.

tet-tay-la-cua-nguoi-tay1

Dân chúng đi xem cải lương ở rạp Nguyễn Văn Hảo vào những ngày nghỉ lễ (Ảnh: Manhhaiflicks)

Bản sắc của một dân tộc, đó chính là vốn liếng văn hoá của đất nước đó. Chẳng thế mà người ta thường nói, văn hoá là những gì còn lại sau khi nó mất đi.

Xem thêm:   Chuyện đòn roi

Thật ra, người Nhật hay người Phi Luật Tân vẫn giữ nguyên tập tục sinh hoạt đón Tết truyền thống của mình không có thay đổi gì mới mà chỉ dời chuyển ngày đón Năm Mới sớm hơn theo Tây lịch, tất nhiên bởi nhiều yếu tố, vấn đề chính trong đó là hơn hai phần ba các nước trên thế giới đều đón New Year vào ngày 1/1.

Ngay cả những nước láng giềng xứ mình như Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan đón Tết truyền thống vào trung tuần tháng 4 với ý nghĩa chính là sự đoàn tụ gia đình.

Ðón năm mới có thể chung một ngày 1/1 xem như ngày lễ. Người phương Tây không có ngày Tết họ chỉ gọi là New Year Day hay rộng hơn là kết hợp ngày Giáng sinh kéo dài sang năm mới gọi là Holidays chứ không phải là festival (lễ hội) như những đất nước có ngày Tết truyền thống bao hàm sinh hoạt cả lễ nghi lẫn hội hè.

tet-tay-la-cua-nguoi-tay

Ngày hội Giáng sinh và New Year trên đường Nguyễn Huệ và Lê Lợi năm 1955 (Ảnh: LIFE)

Người xứ mình bảo là Tết Tây tức là Tết của người Tây chứ đâu phải Tết của mình nên không tổ chức tiệc tùng ăn uống, vui chơi. Ngay cả xem lịch người mình cũng phân biệt Tây-Ta. Một tây, hai tây hay 15 ta, 20 âm lịch, 30 Annam rõ ràng. Tang hôn lễ kỵ đều xem lịch ngày ta (Âm lịch). Sang thời Mỹ tham chiến ở miền Nam, Tết Tây cũng không thấy xuất hiện trong sinh hoạt của người dân, ngoại trừ Mừng Chúa Giáng Sinh, kết thúc lễ Noel, chứ không có Chúc Mừng Năm Mới (Happy New Year) treo đầy trên các băng rôn trang trí trên đường phố như ngày nay.

Xem thêm:   Hoàng hậu cà phê hủ tiếu

Tết Tây ngày nay cũng được xem là ngày lễ lớn khởi đầu trong năm. Bà con vui chơi, ăn uống, đi du lịch xứ người xem dân chúng bên đó ăn Tết Tây ra sao. Với tôi, Tết Tây là cái Tết tinh thần, còn Tết ta là cái Tết tâm linh, là bản sắc văn hoá, cội nguồn của dân tộc tính.

TN

Arlington, TX