Sau 1975, có hai con đường mang tên Lê Văn Duyệt bị đổi tên. Một là từ Ngã Sáu Phù Đổng đến khu Cư xá Sĩ quan Chí Hoà (thuộc Sài Gòn đổi thành Cách Mạng Tháng 8), hai là từ cầu Bông đến Lăng Lê Văn Duyệt (thuộc Gia Định đổi thành Đinh Tiên Hoàng). Nay, nhân lễ giỗ lần thứ 188 Tả quân Lê Văn Duyệt, Ban Đô thị thành phố công bố quyết định lấy lại tên đường Lê Văn Duyệt cho đoạn đường Đinh Tiên Hoàng, từ cầu Bông đến Lăng Ông.

Cuối đường Lê Văn Duyệt (Gia Định), góc xéo Lăng Ông là Dinh Gia Định, thời Pháp gọi là L’lnspection de Gia Định và con đường Lê Văn Duyệt khi xưa cũng mang tên L’Inspection (Bưu Thiếp) 

Tả quân Lê Văn Duyệt là người có công lao to lớn trong việc xây dựng, phát triển và bảo vệ vùng đất Gia Ðịnh và Nam phần. Vì vậy, thành phố cần phải có một con đường mang tên ông. Không chỉ vậy, việc đổi tên một đoạn đường Ðinh Tiên Hoàng thành đường Lê Văn Duyệt sẽ tạo thành cụm danh nhân thời Gia Ðịnh xưa như: đường Lê Quang Ðịnh, đường Trịnh Hoài Ðức, đường Ngô Nhân Tịnh, đường Võ Trường Toản, đường Bùi Hữu Nghĩa… giúp người dân dễ nhớ, dễ tìm kiếm. Việc trả lại tên đường Ðinh Tiên Hoàng, đoạn từ cầu Bông đến Phan Ðăng Lưu, trở về tên đường Lê Văn Duyệt được nhiều người dân ủng hộ.

Nhìn lại quá khứ, từ thời Pháp thuộc, con đường mang tên l’Inspection, nhưng dân chúng khu vực Bình Hoà gọi là đường Hàng Thị (có lẽ khu vực Bình Hoà ngày xa xưa có trồng nhiều cây thị, khu vực này đến trước năm 1975 vẫn còn một ngôi chợ nhỏ gọi là chợ Cây Thị). Tuy nhiên, tên đường Lê Văn Duyệt đã xuất hiện trên bản đồ Gia Ðịnh năm 1952 trong thời Bảo Ðại còn tại vị. Ðến tháng 8/1975, khi tỉnh Gia Ðịnh sáp nhập vào Sài Gòn, ba tuyến đường Lê Văn Duyệt (thuộc quận Bình Hòa cũ), Ðinh Tiên Hoàng và Cường Ðể (thuộc quận 1) hợp nhất thành đường mang tên Ðinh Tiên Hoàng, kéo dài đến ngã ba Chi Lăng.

Việc chính quyền thời Bảo Ðại đặt tên Lê Văn Duyệt cho con đường I’Inspection có lý do của nó. Lê Văn Duyệt, Tổng trấn thành Gia Ðịnh, một công thần có công lớn khai phá đất miền Nam, được dân chúng kính trọng. Không chỉ có vậy, dưới sự quản trị của ông, thành Gia Ðịnh trở nên phồn vinh, giao thương với nước ngoài được mở rộng, nhiều sứ giả đến Sài Gòn diện kiến vị Tổng trấn đều nể phục bội phần. Do vậy, khi ông mất năm 1832, dân Gia Ðịnh thành tưởng nhớ xây lăng thờ phụng, gọi là Lăng Ông.

Lăng Tả quân Lê Văn Duyệt thập niên 1960 (Nguồn: Manhhaiflickr)

Trong số các đền thờ và lăng mộ của bốn vị đệ nhất công thần triều Gia Long, Minh Mạng trên đất Sài Gòn, Gia Ðịnh là Tiền quân Nguyễn Văn Thành, Hậu quân Võ Tánh, Hữu quân Nguyễn Huỳnh Ðức và Tả quân Lê Văn Duyệt, thì lăng mộ của Lê Văn Duyệt to lớn nhất, kiến trúc trùng thiềm điệp ốc, nằm trên mảnh đất rộng hơn 18 ngàn mét vuông, gần bên chợ Bà Chiểu. Vì thế, nhiều người khi nhắc đến Lăng Ông nói gộp thêm vị trí để chỉ khu vực này và gọi chung là Lăng Ông Bà Chiểu. Lăng Ông có tên chính thức là Thượng Công Miếu từ năm 1914. khi Hội Thượng Công Quý Tế được thành lập.

Xem thêm:   Miệng Nhà Quan ngày 11 tháng 4 năm 2024

Tôi may mắn có dịp đi khắp nơi, ghé thăm lăng mộ và đền thờ các bậc tiền hiền có công lớn trong công cuộc khai phá đất phương Nam. Tuy vậy, trong số lăng mộ của các bậc tiền nhân thì lăng mộ Tả quân Lê Văn Duyệt để lại trong tôi nhiều ấn tượng nhất. Ấn tượng về vị Tả quân, tôi đã được học trong sách giáo khoa hồi còn tiểu học. Nào là mộ phần bị vua Minh Mạng xử phạt, chết rồi còn bị đánh trăm roi lên phần mộ rồi cho san bằng, thậm chí còn cho binh lính thải nước tiểu vào quan quách. Lòng thù hận giữa vua Minh Mạng và Tả quân từng được truyền miệng từ đời nay sang đời khác, mặc dầu sách sử ghi chép chính nhà vua tự tay xuống chiếu xử trảm cha vợ, tức Phó Tả quân thành Gia Ðịnh Huỳnh Công Lý và giao cho Lê Văn Duyệt chủ trì xử trảm.

Sự thù hận giữa vua Minh Mạng với vị công thần có nhiều công lao giúp nhà Nguyễn khôi phục triều đại, ban đầu là một đốm lửa sau sự kiện xử chết gian thần Phó Tả quân tham lam vô độ. Nguyên nhân chính là sự trả thù cuộc binh biến thành Phiên An (thành Gia Ðịnh) năm 1832 do người con nuôi của Lê Văn Duyệt là Lê Văn Khôi cầm binh bạo động từ việc quan lại đối xử bất công với tôi tớ của vị Tả quân sau khi ông lâm bệnh qua đời cùng trong năm đó. Ðến năm 1935, cuộc binh biến bất thành, Lê Văn Khôi bị xử chém cùng hai ngàn binh lính trung thành tại đồng Mả Ngụỵ. Việc quy tội người cha nuôi đã chết không thể bỏ qua. Vua Minh Mạng lệnh cho Tổng đốc Gia Ðịnh bấy giờ dựng bia đá sỉ nhục trên phần mộ san bằng, khắc 8 chữ “Quyền yêm Lê Văn Duyệt phục pháp xứ” (nơi hoạn quan Lê Văn Duyệt chịu tội). Thân sinh của ông cũng bị đục tước phẩm hàm trên bia mộ, ruộng điền quê nhà bị tịch thu, cho voi giẫm đạp phá nát nhà thờ họ tộc.

Trường Nữ trung học Lê Văn Duyệt (Ảnh Internet)

Lại nói về Lê Văn Duyệt là một yêm quan (hoạn quan) sao lại có vợ thì sách sử đã ghi: do lập được nhiều thành tích, công lao lớn cho triều đình giúp ổn định và phát triển vùng đất phương Nam nên vua Gia Long ban tặng cho ông một cung nữ tên Ðỗ Thị Phận làm vợ hầu hạ ông trong dinh phủ để xoá bỏ lời gièm pha giới tính của người đời đối với một vị tướng công lỗi lạc thời bấy giờ. Ngoài người vợ chính thức, Lê Văn Duyệt còn có thêm hai cô thiếp hầu. Theo nhà văn Sơn Nam, thì đó là hành động tượng trưng, để chứng tỏ là nam giới. Chuyện này nghiễm nhiên đúng với lời của ông thầy tướng số khi gặp Lê Văn Duyệt lúc còn là một thiếu niên ở Ðịnh Tường: Người này tuy cơ thể bất bình thường, nhưng sau này vẫn có đủ vợ lẽ, nàng hầu, công danh hiển hách, cha mẹ được nhờ”.

Chính nhờ được vua tặng làm thê thiếp mà bà Ðỗ Thị Phận thoát khỏi nạn tai. Theo Sài Gòn năm xưa của Vương Hồng Sển ghi nhận: “Bà không bị giết vì Lê Văn Duyệt là người yêm hoạn (theo luật thời bấy giờ, bà không phải là vợ nên được miễn nghị)”. Sau biến cố thành Phiên An, bà về sống cùng mẹ ruột ở khu vực Chợ Rẫy, trong một ngôi chùa (Chùa Bà Dội) do mẹ bà tạo lập. Khi bà mất, được an táng trong khuôn viên sau vườn chùa. Mãi đến năm 1841, vua Thiệu Trị lên ngôi, xét thấy Lê Văn Duyệt bị xử oan nên xuống chiếu tha tội cho các thân nhân của ngài Tả quân. Ðến năm Tự Ðức thứ 2 (1849), nhà vua nghĩ đến công lao của Lê Văn Duyệt, cho nhổ bỏ bia đá có khắc 8 chữ nhục hình, đồng ý cho thân nhân sửa sang xây đắp mộ phần. Ðến năm 1868, vua Tự Ðức mới ra chiếu phục nguyên hàm cho Tả quân Lê Văn Duyệt và cho thờ trong miếu Trung hưng công thần ở Huế, cũng như cho phép thân nhân di táng mộ phần phu nhân từ chùa Bà Dội về an táng cạnh mộ của ông ở Gia Ðịnh.

Nữ sinh trường Lê Văn Duyệt tan học (Nguồn: Manhhaiflickr)

Vấn đề giới tính của Tả quân Lê Văn Duyệt, đến nay vẫn còn được nhiều nhà nghiên cứu sử học quan tâm. Một thương nhân người Anh – ghi trong Nhật ký hành trình của Crawford trong một lần đến Gia Ðịnh vào ngày 2/9/1822, như sau: “Viên Governor of Saigon (có lẽ chỉ chức Tổng trấn Sài Gòn) là một hoạn quan, nhưng nếu không biết trước thì không thể đoán ra. Cằm ông ta không có râu và giọng nói yếu ớt, tuy chát tai như đàn bà nhưng chưa tới mức khiến người ta phải nghi ngờ. Ông ta có vẻ không quan tâm mấy tới y phục, chỉ mặc một áo lụa trắng trơn và đội một chiếc khăn nhiễu rộng bản cũng màu trắng”.

Mục đích đi tìm giới tính thật của Lê Văn Duyệt chỉ là một chi tiết nhỏ trong việc nghiên cứu lịch sử. Thông thường, hoạn quan chỉ làm việc trong nội vụ phủ. Bình thường những thái giám này được tuyển dụng vào cung cấm do khuyết tật hoặc có khi tự huỷ hoại bộ phận sinh dục. Người ta nghi ngờ Lê Văn Duyệt là một người bán nam bán nữ, chứ không phải là một hoạn quan đúng nghĩa.

Xem thêm:   Lang thang & người trẻ

Lăng Ông lần đầu tôi được biết đến khi hồi còn nhỏ. Má tôi năm nào cũng vậy, cứ đến rằm tháng Giêng là dẫn anh em chúng tôi đến Lăng Ông Bà Chiểu vui tết Thượng Nguyên. Cả nhà dồn lên chiếc xe xích lô máy nổ phành phạch đến lăng cúng bái, rồi bước ra khu phần mộ Ông và mộ Bà thắp nhang khấn nguyện, xin xăm xem điều tốt xấu trong năm.

TN