Ngày xưa, Phú Lâm là một làng rộng lớn, ranh giới từ mũi tàu Phú Lâm (ngày nay) ôm theo Rạch Lò Gốm qua Rạch Ông Buông giáp ranh làng Tân Hoá, Tân Khai thuộc Bình Trị Đông (vùng Tân Tạo ngày nay).

Một phần Phú Lâm những năm cuối thập niên 1960 (Nguồn: thoixua.vn/sai-gon-xua) 

Từ xa xưa, khu vực này từng là nơi cư trú của người Miên, sau đó người Việt từ đàng Ngoài và người Minh Hương từ Cù lao Phố Biên Hoà kéo về sinh sống, tạo nên một cộng đồng đa sắc dân, sinh sống bằng nghề buôn bán và sản xuất đồ gốm, đồ sành. Trong Gia Ðịnh Phong cảnh vịnh, có ghi: “Lạ lùng xóm Lò Gốm / Chơn vò vò Bàn cổ xây trời”.

Việc truy tìm lịch sử phát triển của một vùng đất là việc dành cho những nhà địa dư chí. Khi tôi biết đến vùng Phú Lâm, vào khoảng cuối thập niên 1960, khu vực này đã thay đổi rất nhiều. Chuyện thay đổi diện mạo đô thị là lẽ đương nhiên nhưng nó phát triển quá nhanh khiến ta không kịp hình dung khi xưa Phú Lâm là cửa ngõ đường thiên lý đi miền Tây, là vựa gạo của đất Sài Gòn. Vào thời Pháp thuộc, trên con đường thiên lý (ngay bùng binh Phú Lâm ngày nay) có ga xe lửa Phú Lâm, không xa đó là chợ gạo Phú Lâm chuyên cung ứng gạo cho đô thành Sài Gòn – Chợ Lớn. Sau này, chợ dời vào mảnh đất trống gần ngã tư Bà Hom đã không còn là ngôi chợ chuyên bán gạo mà trở thành một ngôi chợ buôn bán hàng hoá thực phẩm như bao ngôi chợ khác.

Tôi biết Phú Lâm bằng những hình ảnh của những thửa ruộng đang trổ đòng đòng, những con trâu ăn cỏ căng bụng rồi đằm mình dưới ao nước đọng sau những cơn mưa đầu mùa hạ. Hình ảnh thôn quê nhưng rất sinh động trong mắt của một đứa trẻ lần đầu tiên được đi ra ngoại ô, mặc dầu hai khu cư xá A và B với những dãy nhà trệt mái ngói được xây dựng, báo hiệu nơi đây sẽ thành một khu thị tứ.

Khu cư xá Phú Lâm B sát đài ra đa (Ảnh: Philip Cumming)

Thuở đó, nghe ba tôi nói Phú Lâm chỉ có hai khu cư xá, khu B dành cho các quân nhân công tác tại Biệt khu Thủ Ðô và khu A dành cho các nhân viên cảnh sát. Nhà xây lên ít không đáp ứng được nhu cầu cần nhà ở của số đông quân nhân và cảnh sát nên tuỳ theo đơn vị mà phân bổ số lượng nhà. Do vậy ban tổ chức bốc thăm cho công bằng. Ba tôi trúng thăm mua được căn nhà ở cư xá Phú Lâm B.

Xem thêm:   Cám ơn kỷ niệm nuôi em lớn

Ngày nhận nhà, ba chở tôi trên chiếc Honda 68 đi Phú Lâm, nhà ở lô nào tôi chẳng nhớ, thật ra trong đầu óc một đứa trẻ, tôi quan tâm đến số nhà để làm gì. Bởi vì ba tôi mua nhà nhưng thật ra chưa có ý định sẽ chuyển về đây sinh sống. Tôi chỉ nhớ là buổi chiều hôm đó, tôi được tự do thả bộ khám phá những thửa ruộng ở cuối con đường gần nhà. Bên bờ ruộng có vài người đàn ông ngồi câu cá. Những người này ăn vận lam lũ, chắc họ kiếm cá sinh nhai. Còn bên kia ruộng là một khoảng đất trống giăng đầy kẽm gai, phía sau hàng rào lưới cao quá đầu là đài ra đa với những cột ăng-ten vươn cao và các lưới ra đa xoay qua xoay lại như những con mắt thần đang ngước nhìn cái gì đó trên bầu trời xanh thẳm.

Sau này tôi biết về đài ra đa Phú Lâm nhiều hơn qua sách báo. Trạm ra đa được dựng lên từ rất lâu dưới thời Bảo Ðại làm quốc trưởng, sau khi một nhóm chính trị gia thành lập Quốc gia Việt Nam bằng một một hiệp định với Pháp. Năm 1951, các cố vấn quân sự và tình báo của Mỹ sang miền Nam cố vấn cho chính phủ lâm thời, dựng lên trạm ra đa để thông tin liên lạc. Tầm hoạt động phát và bắt sóng của trạm ra đa này vươn xa đến tận nước Mỹ.

Đường vào khu cư xá Phú Lâm xưa (Nguồn: Manhhaiflickr)

Tối đến, cha con chúng tôi ngủ ở nhà mới, một đêm nghe tiếng ếch nhái kêu vang trời không sao ngủ được. Sáng dậy, hai cha con dông xe đi xem lòng vòng khu vực dân cư, sau đó vòng trở ra, ghé chợ Phú Lâm làm một tô hủ tiếu lót bụng. Ngày đó, với tôi chợ chẳng có gì hấp dẫn. Nó chỉ là một cái chợ mua bán bình thường nhưng còn nhỏ hơn cái chợ Hoà Hưng nơi tôi cư ngụ. Ở trước chợ Phú Lâm có món hủ tiếu của ông Tàu, chưa ăn mà đã thấy thèm, nhất là miếng bánh tôm to vàng ươm nằm trên tô hủ tiếu.

Xem thêm:   Cấu tạo của Chùa Ba Vàng

Khi tôi kể chuyện này cho ông bạn già trước đây có ngôi nhà ở mặt tiền gần vòng xoay Phú Lâm thì ông gật gù: “Chợ Phú Lâm hồi trước chẳng qua là cái chợ nhỏ mới xây sau khi dẹp bỏ chợ Phú Lâm chuyên bán gạo gần nhà tôi. Gần đó, có trường tiểu học Phú Lâm nơi tôi mài mòn đít quần trên ghế hồi giữa thập niên 1940. Thuở đó, ngôi chợ còn đứng một mình, nhà cửa chưa chen lấn làm khuất đi ngôi chợ như thời gian sau này. Ngoài bán gạo trong chợ, phía sau người ta còn bày bán thuốc rê, cau trầu, bánh cốm gạo ngào đường. Ðường Bà Hom nhiều chỗ còn ao trũng toàn lục bình, bèo tấm xanh lè, nhiều nhà làm nhang đem ra phơi đầy đường. Nói chung, khu vực Phú Lâm còn đượm nét quê mùa, đi vô trong nữa là hết đường. Ở đó có đài ra đa của Mỹ dựng lên, lính tráng canh phòng, hàng rào kẽm gai chằng chịt…”.

Ông kể thêm rằng, đài ra đa hồi thời xưa là một đồn lính Pháp, sau đó biến thành nhà tù do đám lính lê dương gốc Bắc Phi cai quản. Tuy gọi là nhà tù nhưng kết cấu không kiên cố, tận dụng những trại lính có sẵn, dựng thêm điếm canh, chung quanh đào hào và rào kẽm gai. Ông có người chú họ theo Việt Minh, bị lính Nhật bắt nhốt ở đây mấy năm, đến năm 1948 thì vượt ngục. Nghe đâu đợt vượt ngục lần đó đông lắm, thoát được ra ngoài cũng do một số lính Bắc Phi chán ghét chiến tranh, nhắm mắt làm ngơ, bắn chỉ thiên hú hoạ.

Đài ra đa Phú Lâm dựng lên từ năm 1951 (Nguồn: Manhhaiflickr)

Nhắc đến Phú Lâm, ông bạn già còn nhiều điều để kể. Tuy chuyện không đầu không đuôi nhưng làm tôi háo hức lắng nghe: “Tuy nhà ở gần chợ Phú Lâm, nhưng mỗi lần đi chợ tôi đều thích đi xe ngựa của nhà. Hồi đó nhà ba má tôi có thuê anh xà ích làm công việc lặt vặt trong nhà và đánh xe ngựa đi Chợ Lớn mới, cách nhà hơn cây số. Chợ của ông Quách Ðàm bán đủ món ngon vật lạ nên ba má tôi thường đi hơn. Chợ Phú Lâm buôn bán hàng hoá lèo tèo. Mang tiếng dân cư đông đúc chứ thật ra chỉ là những nhà dân dọc theo đường lớn, còn lại hầu hết là những ngôi nhà chắp vá bèo nhèo trên những con đường làng còn đất đỏ trơn trợt mỗi khi mưa dầm ngập úng. Ban đêm, ít ai dám đi một mình trên mấy con đường làng tối mù mù vì sợ ma. Hồi đó bên hông những con đường làng còn nhiều bụi chuối xen kẽ những nấm mồ đá ong xưa cũ”.

Xem thêm:   Tô canh dưa hồng

Nhưng thôi, bây giờ vùng Phú Lâm khác xưa nhiều lắm. Bắt đầu từ chợ gạo Phú Lâm, gần nhà ga nhỏ Phú Lâm hiện nay, đã trở thành siêu thị Coop Mart to chễm chệ bên cạnh vòng xoay. Còn ngôi chợ Phú Lâm sau này cũng đã dời về mảnh đất rộng trên đường Tân Hoà Ðông không xa đường Bà Hom là mấy.

Có lần, tôi dông xe vào chợ Phú Lâm chạy lòng vòng mà không biết mình đi tìm cái gì ở chợ. Có lẽ tôi đi tìm những hình ảnh ngày xưa khi trong đầu đinh ninh nó còn lẩn khuất đâu đó. Cứ tìm rồi sẽ thấy nhưng cuối cùng chẳng thấy gì ngoài cơn mưa lớn gây ngập úng cả một vùng, tràn vào lối chợ khiến mấy bà bán buôn than trời trách đất. Ngay cả hình ảnh của khu cư xá Phú Lâm B ngày xưa nơi tôi từng có vài đêm ngủ lại trong căn nhà trệt, mái ngói đỏ trải dài từng lớp cũng đã thay hình đổi dạng thành những dãy nhà lầu khang trang hai ba tầng. Hồi trước chỉ có cư xá khu B, khu A nay lại thêm khu C, khu D.

Riêng ông bạn già tôi khi nghe nhắc Phú Lâm thì bỗng dưng tiếc nuối hình ảnh của ngôi chợ gạo thuở xưa mà ông ít khi ghé đến, mặc dù nhà ông ở gần ngay đó. Phải chăng cảm xúc con người luôn luôn đến muộn hơn thực tại, một khi mất đi rồi chỉ còn lại nỗi hoài niệm, tiếc nuối vu vơ.

TN