Monorail (tàu điện một đường ray) và Elevated Railways (tàu điện trên cao) hẳn là các từ nước ngoài còn xa lạ với dân Sài Gòn vào thập niên 1960. Ấy vậy mà nó xuất hiện trong Cục văn thư quốc gia Mỹ.

Tàu điện trên cao của tập đoàn SAFEGE được đề nghị đưa vào Dự án Tàu điện trên cao ở Sài Gòn năm 1966 (Ảnh: Granger)   

Vào năm 1966, Bộ Giao thông Việt Nam Cộng Hòa đã chính thức thông qua đề án “Tàu điện trên cao” nội đô của tập đoàn SAFEGE – Transport (Société Anonyme Française d’ Etude de Gestion et d’ Entreprises) về việc xây dựng 2 tuyến Monorail theo các tuyến trùng với hệ thống tàu điện đã ngừng hoạt động từ hơn thập niên trước.

Tuy vậy, các tài liệu chi tiết của một dự án lớn mang tầm vóc quốc gia lại không tìm thấy trong hồ sơ lưu trữ của Bộ Giao thông VNCH mà những tư liệu này được trình bày trong cuốn sách “The Railways and Tramways of Việt Nam” của tác giả Tim Doling – một nhà nghiên cứu văn hoá thế giới và nặng tình với lịch sử văn hoá Việt Nam, đặc biệt là Sài Gòn. Những bài viết của Tim Doling nghiễm nhiên trở thành những tư liệu quý, khảo cứu có hệ thống xuyên suốt chiều dài lịch sử phát triển kinh tế xã hội xây dựng thành phố Sài Gòn qua các giai đoạn kể từ khi Pháp chiếm Gia Ðịnh cho đến ngày nay.

Ông viết: “As plans to build an ambitious US$154 billion urban railway and monorail network in Hồ Chí Minh City slowly take shape, it’s worth remembering a scheme advanced nearly 50 years ago to build a monorail system in Saigon…” (Trong khi nhiều kế hoạch xây dựng hệ thống đường sắt nội đô và hệ thống tàu điện đầy tham vọng tại thành phố Hồ Chí Minh trị giá 154 tỷ USD đang dần thành hình, đáng để chúng ta nhớ về dự án xây dựng hệ thống tàu điện một đường ray từng được đưa ra tại Sài Gòn 50 năm về trước…)

Dự án Tàu điện trên cao dựa theo tuyến đường xe điện nội đô Sài Gòn có từ thời Pháp thuộc (Ảnh: Tài Liệu)

Ðúng là một kế hoạch xây dựng hệ thống đường sắt đầy tham vọng. Các tuyến đường sắt này không phải là đường sắt khổ bình thường mà là đường sắt cao tốc trải rộng khắp cả nước. Nó không dừng lại ở tuyến đường Bắc Nam và đi tiếp Cần Thơ mà còn toả đi các vùng cao nguyên như ngày xưa người Pháp từng thực hiện kế hoạch mở rộng hệ thống đường sắt xuyên Ðông Dương. Tất nhiên nó bao gồm cả dự án đường sắt đô thị hiện đại đang thực hiện được một phần đang dần hình thành ở Sài Gòn và Hà Nội. Số tiền khổng lồ này là kinh phí đầu tư qua nhiều giai đoạn, nhiều năm cho một kế hoạch vĩ mô và chưa thể biết khi nào nó mới hoàn thành một cách hoàn chỉnh.

Xem thêm:   Ăn giựt & ăn gian...

Với nhiều người quan tâm đến lịch sử đường sắt VN thì cuốn sách “The Railways and Tramways of Việt Nam”của Tim Doling là một công trình lớn có giá trị với đầy đủ chi tiết từ buổi sơ khai của ngành đường sắt và xe điện VN dưới thời Pháp thuộc và thời VNCH sau vĩ tuyến 17. Hơn nữa, trong giai đoạn suy thoái phương tiện xe điện nội đô buộc phải ngưng hoạt động trước đó cùng với nhiều tuyến đường sắt trong thời buổi chiến tranh. Từ giữa thập niên 1960, VC gia tăng phá hoại cơ sở hạ tầng giao thông làm tê liệt một số đoạn đường sắt từ Biên Hoà trở ra các tỉnh miền Trung mà Tim Doling đưa ra số liệu 357km đường sắt là còn hoạt động.

Tháng 6/1966, US Military Assistance Command Việt Nam (Bộ chỉ huy Viện trợ Quân sự Hoa Kỳ tại Việt Nam – MACV), US Agency for International Development (Cơ quan Viện trợ và Phát triển của Mỹ – USAID), cùng chính quyền Sài Gòn và Bộ Tổng tham mưu đã đưa ra “Chương trình thay thế đường tàu bị phá hoại” (Railroad Sabotage Replacement Program) trị giá 25 triệu USD để phục hồi hệ thống đường sắt bị hư hỏng, xây dựng các nhà ga quân sự và xưởng bảo trì sửa chữa đầu máy, cải thiện sân bay, bến cảng, và các kho tiếp liệu, kho quân nhu ở Long Bình và Dĩ An.

Phác thảo sơ bộ dự án Tàu điện trên cao nội đô (Ảnh: Internet)

Trước đó vài năm, ngành An ninh Thiết lộ Quân đội đã được hình thành cũng là một phần của chương trình Railroad Sabotage Replacement Program của kinh phí viện trợ Hoa Kỳ trong năm 1966. Theo trang lybichthuy.blogspost trích từ nguồn Hoả xa Việt Nam thì từ năm 1964 hệ thống an ninh thiết lộ đã được thành lập. Trung tá Nguyễn Văn Tự đang là Chỉ huy trưởng căn cứ chuyển vận Sài Gòn được Cục Quân Vận chỉ định sang giữ chức Chỉ Huy Trưởng Liên đoàn An ninh Thiết lộ (ANTL). Bộ Chỉ Huy đặt trên lầu hai của Sở Hỏa Xa VNCH, ông giữ chức vụ này cho đến khi ngành HXQÐ giải tán năm 1974, với cấp bậc đại tá. Tất cả 4 tiểu đoàn ANTL được bố trí tuần tra an toàn đường sắt ở các tuyến đường từ Ðông Hà vào đến Sài Gòn.

Xem thêm:   Hoàng hậu cà phê hủ tiếu

Bên cạnh “Chương trình thay thế đường tàu bị phá hoại”, nhờ khoản đầu tư triệu đô của Mỹ dành cho các dự án khác, Bộ Giao thông VNCH đã quyết định nắm cơ hội này để kêu gọi các khoản tài trợ khác từ Mỹ để thực hiện các dự án liên quan tới cơ sở hạ tầng giao thông dân sự. Những dự án này bao gồm cả một kế hoạch đặc biệt để nâng cấp đường tàu lửa vào ga Sài Gòn xây mới cao 15 tầng. Toà nhà cao tầng này là tổ hợp thương mại hiện đại bao gồm văn phòng, khách sạn, khu mua sắm và nhà ở, ngay vị trí nhà ga Sài Gòn trong khu đất nằm dọc theo đường Phạm Ngũ Lão và Lê Lai. Bên dưới xe lửa vẫn hoạt động như cũ, bên trên là hệ thống nhà ga tàu điện một đường ray trên cao thiết kế theo tuyến đường xe điện đã ngưng hoạt động cách đó hơn thập niên.

Ðiểm hấp dẫn nhất trong kế hoạch này là xây dựng hệ thống Monorail (tàu điện một đường ray) hai làn, hiện đại nhất thế giới thời đó của tập đoàn SAFEGE, để nối liền Phú Lâm, Chợ Lớn, Sài Gòn và Gia Ðịnh (Bình Thạnh hiện nay). Monorail tuyến 1 sẽ đi 9.4 km từ Phú Lâm qua Chợ Lớn tới chợ Bến Thành trên quảng trường Quách Thị Trang. Từ đó, nó nối với Monorail tuyến 2 dài 6.6 km dọc theo đường Hàm Nghi tới khu cảng Sài Gòn, rồi đi theo hướng Tây Bắc dọc theo Ðại lộ Cường Ðể tới đường Hồng Thập Tự, và cuối cùng là đi theo hướng Ðông Bắc về Ða Kao và Gia Ðịnh.

Bản vẽ phác thảo ga kế nối hai tuyến tàu điện nội đô tại vị trí ga Sài Gòn bằng một toà nhà phức hợp cao 15 tầng (Ảnh: Internet)

Nói thêm một chút về tập đoàn SAFEGE. Là một tập đoàn của Pháp gồm nhiều công ty hình thành từ năm 1919 chuyên nghiên cứu và thiết kế các hệ thống đường sắt và tàu điện một đường ray trên cao hoặc dưới đất. Loại tàu điện treo cân bằng trên cao trong hình minh hoạ của bài là loại mới nhất đưa ra thử nghiệm độ an toàn của tàu từ năm 1959 tại Pháp. Trước đó loại tàu một đường ray trên cao của công ty này đã vận hành thành công tại Nhật, Anh và Ðức.

Xem thêm:   Đông dược

Toàn bộ dự án của cả hai Chương trình thay thế đường tàu bị phá hoại và Tàu điện trên cao sẽ tiêu tốn ít nhất 48 triệu USD, do vậy dự án Monorail Sài Gòn năm 1966 đã không thể thực hiện được.

Nhìn lại tài liệu viện trợ Mỹ ký hiệu vv.80, Phòng Ðệ nhị Cộng hoà từ năm 1965 đến năm 1968 tập trung nhiều nhất trong thời kỳ Mỹ tiến hành chiến tranh cục bộ. Chẳng hạn năm 1966 ước chi 684.8 triệu USD (bao gồm Viện trợ ngoài dự án và Chương trình viện trợ theo PL.480) trong đó chương trình viện trợ dự án ước chi 76.8 triệu USD nhưng thực chi cho chương trình này trong năm chỉ có 33.3 triệu USD trên tổng số tiền viện trợ cho các hạng mục thực chi 361.8 triệu USD. Không có vốn để thực hiện đề án cải tạo hệ thống giao thông tàu điện nội đô là hoàn toàn có cơ sở. Và dự án này được xếp xó trong ngăn tủ, trong khi cuộc chiến tranh ngày một leo thang khắp nơi.

Bằng những thông tin hiện có. Có thể khẳng định dự án dừng lại ở một phác thảo thật sự trong khi không tìm thấy một hồ sơ nghiên cứu và kế hoạch tiến hành một cách hoàn chỉnh. Ðây là một công trình không hề nhỏ, và việc xây dựng toàn bộ hệ thống đường ray trên cao chưa có thiết kế chi tiết cụ thể dành cho hai tuyến tàu điện trên cao có tổng chiều dài 16km. Ðể thực hiện dự án này đòi hỏi một chi phí đầu tư rất lớn so với chi phí dự án hoạch định, cho nên dự án tàu điện trên cao có thể nói chỉ là một giấc mơ của người Sài Gòn 50 năm về trước.

TN

(Fort Worth)