“Chớ tham đồng bạc con cò

Bỏ cha bỏ mẹ đi phò Lang Sa”

Đồng bạc Mexico phát hành năm 1868 được sử dụng tại Nam kỳ có hình con đại bàng nhưng dân chúng gọi là đồng bạc “con cò” (Ảnh: Internet) 

Ðồng bạc “con cò” ngày xưa, nay trở thành hàng hoá có giá trị trong chuyện mua bán tiền cổ. Giá trị của nó ngoài tính văn hoá lịch sử, đồng tiền cổ này còn có giá trị bản vị bạc vì được làm bằng bạc nguyên chất.

Sở dĩ tôi quay lại chuyện đồng bạc lưu hành thời Pháp thuộc cách nay hơn trăm năm là do người bạn ở Sài Gòn vừa khoe bán được một lô đồng bạc “hoa xoè”. Giá trị của mỗi đồng tiền bán ra thu được cả triệu đồng tiền VN. Không rõ anh bạn sưu tập những đồng tiền này từ khi nào nhưng theo như anh nói là ngoài khoảng hơn hai chục đồng “con cò” ra, còn có vài chục đồng bạc Ðông Dương (Piastre de Commerce) hay đồng “bà đầm xòe”. Hai đồng bạc này khác biệt nhau hoàn toàn nhưng dân gian vẫn gọi chung là đồng bạc “hoa xoè”.

Anh không phải là người chuyên mua bán tiền cổ, anh thừa hưởng đống bạc này từ thời ông cố để lại. Chuyện nghe thật hiếm, của để lại từ đời này sang đời khác không phải là vàng mà là bạc. Anh bảo chờ bán hết đống bạc đủ mua được hai vé máy bay cho vợ chồng sang xứ cờ hoa thăm thằng con du học.

Chuyện buôn bán tiền cổ tôi có tìm hiểu đôi chút nhưng nghe anh nói tôi mới biết thêm rằng, vì giá trị cao nên đã xuất hiện đồng tiền giả lưu hành trên thị trường mua bán sưu tập tiền tệ. Ðể phân biệt bạc thật bạc giả là một chuyện phức tạp, cần có sự tinh tế. Chỉ có người mua lầm, chứ người bán không lầm. Trong các phim Tàu thời chiến tranh giữa thế kỷ 19, dân chúng thường thử bằng cách cầm đồng bạc trên hai ngón tay búng vào đồng tiền một cái rồi đưa sát lỗ tai để nghe tiếng âm vang kéo dài ra sao cũng như người ta thử vàng bằng cách dùng răng cắn vào miếng vàng để thử xem độ mềm của nó. Có kinh nghiệm lắm mới thử bằng cách này. Nói nghe chơi vậy thôi, chứ ngày nay ai mà thử bạc vàng bằng cách này chỉ còn biết “than ôi, sao dễ bị lừa”.

Mặt sau của đồng bạc “con cò” có hình cái nón và ánh lửa toả ra nên dân gian gọi là đồng bạc “hoa xoè” (Ảnh: Internet)

Ðồng “hoa xoè” tức là đồng bạc Mexico đúc năm 1868 (các năm trước nữa có hình tượng khác nhau), mặt trước là hình con đại bàng đang ngậm phần trên con rắn trong mỏ và móng vuốt quắp phần dưới con rắn, đậu trên cành cây xương rồng mọc trên một tảng đá bên hồ nước; mặt sau có hình đốm lửa xoè như hoa nở quanh một chiếc nón phía dưới ghi chữ Libertad tỏa sáng dưới ánh mặt trời, tượng trưng cho tự do. Phía dưới của “hoa xoè” ghi hàng chữ 8 R.G. 1868 . Y . F 10D-20G. Ðây là ký hiệu đồng bạc được đúc ra ở thành phố nào và độ bạc nguyên chất là hơn 0.9 có trọng lượng hơn 27 gram. Cạnh xu khắc hình xương cá được đúc từ năm 1823 đến năm 1897, gọi là đồng 8 Reales. Sau năm 1897, cạnh xu đúc hình răng cưa, gọi là đồng Un Peso (đồng này có giá trị mua bán rẻ hơn). Tuy đồng bạc mang hình con đại bàng nhưng từ xa xưa người dân quen miệng gọi là đồng bạc “con cò”.

Xem thêm:   Bộ sưu tập Báo Chánh Pháp

Ðồng bạc Mexico là một trong những đồng tiền trao đổi buôn bán quốc tế phổ biến trên thế giới nhờ bảo đảm bản vị bằng bạc tinh khiết khai thác từ một mỏ bạc ở Mexico sau khi nước này giành độc lập từ Tây Ban Nha vào năm 1823. Ðồng bạc Mexico cất giữ nhiều năm không bị đổi màu cho nên được thế giới ưa chuộng hơn đồng bạc của Hoa Kỳ cũng làm bằng bạc nhưng không tinh chất, không được tốt bằng.

Pháp sau khi chiếm được Nam kỳ bắt đầu cho lưu hành đồng bạc Mexico để trao đổi buôn bán bên cạnh đồng franc của chính quốc. Do giá trị lớn và hơn nữa cũng chưa thể lập ra nhà máy đúc tiền ở Nam kỳ, nên chính quyền Pháp cho người dân tiếp tục sử dụng tiền kẽm của nhà Nguyễn đang dùng ở cả Bắc, Trung, Nam. Theo một tài liệu ghi nhận từ năm 1874 đến 1879, đồng đô la Mỹ, Hồng Kông và tiền Ấn Ðộ cũng được phép lưu hành trong dân chúng, dùng thanh toán mua bán. Do vậy trong giai đoạn này xuất hiện một dịch vụ đổi tiền hưởng chênh lệch theo tỷ giá hối đoái. Ða số dân Ấn kiều tham gia làm nghề này thu lợi rất nhiều. Nếu đem so sánh giá hối đoái theo giá chính thức vào thời điểm trên, thì 1 đồng franc đổi được 600 đồng tiền kẽm, 1 đồng bạc “con cò” đổi được 3,000 đồng tiền kẽm.

Hình tượng đầu cô gái đội cái nón trên đồng bạc Mexico năm 1832 (Ảnh: Internet)

Như thế mới thấy giá trị của đồng bạc “con cò” lớn biết chừng nào, trong khi dân chúng có nằm mơ cũng không biết khi nào mới có cơ hội cầm được đồng bạc “con cò” trên tay. Ngay cả chuyện hôn nhân cưới hỏi, đồng bạc con cò tràn đầy mãnh lực: “Cưới em bằng bạc con cò / Ðâu phải hẹn hò, nói chuyện đẩy đưa”.

Xem thêm:   Miệng Nhà Quan ngày 14 tháng 3 năm 2024

Khi Pháp mới chiếm Nam kỳ, người dân rất thù ghét bọn thực dân nên bất hợp tác. Người Pháp tuyển mộ người Việt Nam biết tiếng Pháp ra làm việc, trả lương hậu hĩnh nên có nhiều người đi học tiếng Tây mong đi làm cho Pháp để được đổi đời. Từ đó mới có câu ca dao: “Chớ tham đồng bạc con cò / Bỏ cha bỏ mẹ đi phò Lang-Sa”.

Việc sử dụng đồng bạc Mexico hay đồng franc và tiền xu từ chính quốc được đúc và mang sang các xứ thuộc địa nảy sinh những vấn đề phức tạp về cân đối tiền tệ và vận chuyển. Trước tình hình đó, ngày 21 tháng 01 năm 1875, Tổng thống Pháp ra sắc lệnh thành lập Banque de l’Indochine (Ngân hàng Ðông Dương – chữ Hán viết là Ðông Dương Hối lý Ngân hàng), trụ sở đặt tại Paris và một chi nhánh ở Sài Gòn. Ngân hàng Ðông Dương ra đời với nhiệm vụ phát hành đồng bạc Ðông Dương thay thế các loại tiền cũ để người Pháp điều hành kinh tế xứ thuộc địa mới này.

Tiền Ðông Dương được chia thành các đơn vị piastre, cent/centime và sapèque. Một piastre bằng 100 cent. Một cent lại bằng 2-6 sapèque tùy theo triều đại (Gia Long thông bảo, Minh Mạng thông bảo, Thiệu Trị thông bảo…). Theo tỷ lệ đó thì một đồng bạc Ðông Dương có giá trị từ 200 đến 600 đồng tiền kẽm hiện hành của người Việt bấy giờ. Tiền Ðông Dương (Piastre de Commerce) gồm cả tiền giấy giá trị 1, 5, 10… cho đến 100 đồng. Ðể bảo đảm uy tín đồng bạc của ngân hàng, ngày 5.7.1881 Tổng thống Pháp ban hành sắc lệnh bắt buộc phải dùng đơn vị tiền tệ là đồng bạc (piastre) trong việc lập ngân sách Nam kỳ kể từ niên khóa 1882. Mọi thu chi đều dùng đồng bạc của Ngân hàng Ðông Dương gồm 2 loại: loại đúc bằng kim khí và loại in bằng giấy.

Đồng bạc Đông Dương năm 1885 khi Pháp thành lập Ngân hàng Đông Dương, cho lưu hành song song với đồng bạc “con cò” và dân chúng cũng gọi đồng bạc này là đồng bạc “hoa xòe” do hình tượng của chiếc vương miện (Ảnh: Internet)

Ðồng bạc Ðông Dương mặt trước đúc nổi hình tượng Marianne, hình người phụ nữ đầu đội vương miện tỏa sáng, tay phải cầm cây thiền trượng. Ðây là biểu tượng của nền Cộng hòa Pháp. Mặt sau, ngoài hàng chữ Piastre de Commerce còn có ký hiệu cho biết đúc tại đâu, thời gian, độ bạc tinh khiết và trọng lượng bao nhiêu gam. Từ xưa dân chúng cũng gọi là đồng bạc “hoa xoè” do nhìn thấy vương miện toả sao trên đầu bà đầm. Như đã nói ở trên, đồng Mexico hoặc đồng bạc “con cò” hay còn gọi đồng bạc “hoa xoè” trùng với cách gọi dân gian dành cho đồng bạc Ðông Dương (đồng bạc “hoa xoè”). Tuy vậy, trong nhiều bài khảo cứu viết về tiền tệ những nhà nghiên cứu vẫn dùng chung cách gọi đồng bạc Ðông Dương là đồng bạc “hoa xoè”.

Xem thêm:   mê tín dị đoan

Không rõ câu ca dao: “Em tham đồng bạc hoa xòe / Trốn cha trốn mẹ đi kề người Tây” xuất hiện từ khi nào nhưng có thể vào thời điểm người Pháp hoàn toàn ổn định và điều hành xứ thuộc địa Nam kỳ tức là vào khoảng thời gian đầu thế kỷ 20, cuộc sống người dân dần thích nghi, phụ nữ có lối sống xem nhẹ và phóng khoáng hơn với chuẩn mức đạo đức gia đình (con gái dám bỏ nhà theo trai Tây) mặc dù đến năm 1906 đồng bạc “con cò” của nước ngoài (Mexico) mới chính thức chấm dứt sử dụng trên toàn cõi Ðông Dương.

Các loại tiền làm bằng bạc trước kia rất được các nhà giàu ưa thích, thường bỏ tiền hay hàng hóa ra mua giá cao để tích trữ, do đó số tiền lưu hành trên thị trường ít dần, trở ngại lớn cho việc giao thương. Ðể chấm dứt tình trạng đó, năm 1917 Toàn quyền Ðông Dương ban hành nghị định nói rõ: ai đã mua, bán hay đổi chác các đồng bạc sẽ phạt bị tù và tiền. Và từ sau Thế chiến thứ nhất, đồng tiền Ðông Dương ngày càng mất giá, độ bạc và trọng lượng của các đồng xu được giảm dần. Ðồng bạc đầu tiên có độ bạc ròng là 0.9000 sau đó giảm xuống 0.8350 và 0.6800.

Do vậy, đồng bạc “con cò” và đồng bạc Ðông Dương trước Thế chiến 1 vẫn có một giá trị nhất định với bản vị bạc bảo chứng. Và cho đến ngày nay nó vẫn còn giá trị cộng thêm giá trị lịch sử nên nó có giá trị cao hơn nhiều so với bạc nén bạc lượng là vậy.

TN