Kẻ vào Chợ Quán, ra Bến Nghé,

Người xuống Nhà Bè lên Đồng Nai

(Gia Định phong cảnh vịnh)

Không ảnh khu vực Chợ Quán vào năm 1955 (Nguồn: Panoramio)

Khi đọc một tài liệu địa dư, tôi thường tưởng tượng quang cảnh ngày xưa đó như thế nào. Có thể trí tưởng tượng của tôi không đúng do cảnh vật ngày nay đã hoàn toàn thay đổi. Tuy vậy, cái hình ảnh ấy trong đầu lúc nào cũng nhảy múa, hiện ra qua các di tích kiến trúc còn sót lại, nó gợi cho tôi những mối liên kết xưa-nay, nhất là các công trình tín ngưỡng, tôn giáo lâu đời.

Ðình Tân Kiểng ở vùng Chợ Lớn, xưa kia tọa lạc tại làng Tân Kiểng (Tân Cảnh, do kỵ huý tên của Hoàng tử Cảnh đổi thành Kiểng), gần làng Nhơn Giang và Bến Nghé. Mấy ngôi làng này, là những làng đầu tiên thành lập khi người Ngũ Quảng di dân vào đất Gia Ðịnh.

Từng đoàn người di dân mở đất phương Nam, từ cửa biển theo sông Soài Rạp vào sông Bình Giang (sông Sài Gòn) vào rạch Ông Lớn, rẽ sang rạch Tàu Hủ tìm đất định cư từ giữa thế kỷ 18, biến vùng đất hoang vu đầy kinh rạch trở nên những ngôi làng trù phú nhộn nhịp với các nghề thủ công làm kế sinh nhai. Trong số đó, làng Tân Kiểng đông nhất với những người di dân gốc Huế chuyên làm bột, nên làng Tân Kiểng còn gọi là Xóm Bột.

Gia Ðịnh thành Thông chí ghi rằng: “Chợ Tân Cảnh (tục gọi chợ Quán), cách trấn về phía nam hơn 6 dặm, phố chợ rất đông đúc, thường năm đến ngày Nguyên đán có tổ chức chơi đu tiên vân xa (đu quay), đáng gọi là một chợ lớn. Cách sông ở bờ phía đông, ngày trước có người Cao Miên là Nặc Ðích theo Nặc Tha đến, cắm dùi sống luôn ở đấy, người này bèn làm cầu ngang qua sông để thông đến chợ, gọi là cầu Nặc Ðích, sau trải qua loạn lạc nên hư hỏng. Ðầu phía tây đường lớn có đồn (gần góc đường Trần Hưng Ðạo – Huỳnh Mẫn Ðạt ngày nay) bắt trộm cướp đóng giữ. Thời đó tuy làng đã đông dân nhưng hổ dữ thỉnh thoảng xuất hiện làm xáo trộn cuộc sống dân làng.

Tương truyền, có nhà sư Hồng Ân và đồ đệ Trí Năng nguyên là kẻ tu hành từ xa đến làng, xin tình nguyện bắt hổ. Nhà sư Hồng Ân cầm côn đánh nhau với hổ, hồi lâu hổ bị côn đánh đau nhảy vào bụi tre, Hồng Ân đuổi theo hổ quay đầu đánh lại, Hồng Ân lui bước chẳng may trượt chân ngã xuống ngòi bị hổ vồ bị thương. Trí Năng tiếp ứng đánh trúng đầu hổ chết ngay, Hồng Ân bị thương nặng không qua khỏi, người ở chợ cảm nghĩa chôn cất ở đấy, xây tháp để thờ. Chỗ tháp xây cất sau này thành cái đình làng Tân Kiểng. Ngày nay, bài vị của nhà sư Hồng Ân còn thờ tại đình Tân Kiểng ở quận 5″.

Bệnh viện Chợ Quán sau khi được Hàn quốc giúp xây xong (Nguồn: Manhhaiflicks)

Nhắc đến quận 5, thì người ta nghĩ ngay tới Chợ Lớn. Nhiều người nghĩ, Chợ Lớn là lãnh địa xưa của người Hoa. Tôi không cho là như vậy, người Hoa đến vùng đất này, sau những người di dân Ngũ Quảng di dân vào vùng Bến Nghé (Sài Gòn ngày nay) nhưng cư trú dọc theo sông rạch, thành lập làng xã đầu tiên như nói ở trên. Ngay cả sau này, khi người Pháp thành lập khu Chợ Lớn, người Việt đã sống xen kẽ với người Hoa rất nhiều. Tên Chợ Lớn không phải chỉ ngôi chợ, mà là khu vực địa danh. Chợ Bình Tây (người xưa vẫn gọi là Chợ Lớn mới) chẳng qua hình thể ngôi chợ to lớn. Cũng như chợ Tân Kiểng ngày Tết đông vui, náo nhiệt, sách xưa ghi rằng “đáng gọi là một chợ lớn”. Có lẽ từ “chợ lớn” này có thể là nguồn gốc vùng đất Chợ Lớn sau này.

Xem thêm:   Chuyện đòn roi

Tuy vậy, chợ Tân Kiểng còn có một tên tục gọi là Chợ Quán. Và cái tên Chợ Quán lại thành địa danh kéo dài cho đến ngày nay. Theo Vương Hồng Sển viết trong Sài Gòn năm xưa: “Sở dĩ có tên gọi là Chợ Quán vì khi xưa người dân họp chợ dưới những gốc cây me, làm thành những hàng quán lốc cốc để buôn bán nên gọi là Chợ Quán”.

Nói đến Chợ Quán, nhiều người nghĩ ngay tới cái nhà thương điên trước tiên. Ðiều này cũng đúng thôi. Thứ nhất, đây là một trong những công trình xây dựng đầu tiên của người Pháp sau khi chiếm Sài Gòn (xây năm 1862). Thứ hai, đây là nhà thương trị bệnh điên đầu tiên ở Sài Gòn. Thật ra, nhà thương điên Chợ Quán chỉ là một phần sau này, khi nhà thương mở thêm khoa bệnh tâm thần. Trước đó, nhà thương tiếp nhận trị liệu các bệnh hoa liễu và tù nhân bị bệnh được đem đến đây chữa trị. Sau đó, người Pháp mở rộng xây thêm các khoa bệnh truyền nhiễm, và cả khoa sản. Mãi đến giữa thập niên đầu thế kỷ 20 mới có khu điều trị tâm thần và Nhà thương Chợ Quán trở thành Trung tâm Huấn luyện Y khoa. Khi Trường Y Khoa Ðông Dương được thành lập tại Hà Nội năm 1908, bệnh viện ngưng công tác huấn luyện và trở thành bệnh viện chuyên khoa truyền nhiễm, phong và tâm thần. Ðến năm 1915 thì mới có Dưỡng trí viện Biên Hoà chuyên khoa tâm thần nên có người làm câu thơ vui “Chưa đi chưa biết Biên Hòa / Ði rồi mới biết có nhà thương điên”.

Một thời gian ngắn sau khi người Pháp rút khỏi Việt Nam, bệnh viện được quân đội quản lý chuyên trị bệnh lao cho binh lính nên gọi là Viện bài lao Ngô Quyền. Năm 1957, bệnh viện trả lại cho dân sự quản lý với các khoa trị bệnh như trước. Do vậy, gặp người tưng tửng, người ta thường hỏi: “Hắn ở đâu ra? Chợ Quán hay Biên Hoà”. Bệnh viện được xây lại hoàn toàn hiện đại vào năm 1972 với sự giúp đỡ tài chánh của Hàn quốc, với tên gọi Trung tâm Y khoa Hàn-Việt (nay là Bệnh viện Nhiệt đới).

Nhà thờ Chợ Quán xưa (Nguồn: Manhhaiflicks)

Chợ Quán còn có một giáo xứ lâu đời nhất trên đất Sài Gòn. Trương Vĩnh Ký cho rằng những người lập nên họ đạo là lưu dân thuộc phường Ðúc ở Huế. Ðến năm 1725, họ đạo đã có khoảng 300 bổn đạo. Từ năm 1674 đã có ngôi nhà nguyện tại làng Tân Kiểng. Chợ Quán sau này trở thành trung tâm đón tiếp lưu dân từ miền Trung vào. Trong buổi đầu hình thành, Họ Chợ Quán trải qua nhiều thử thách và cộng đoàn phải chịu cảnh phân tán trong các năm 1727, 1733, 1862 và 1882. Theo tài liệu của giáo xứ Chợ Quán ghi: “Nhiều vị mục tử nhiệt thành đã đến đây chăn dắt con chiên, từ các vị thừa sai Dòng Francisco đến các giáo sĩ người Việt. Các Cha thừa sai gặp nhiều khó khăn gian khổ khi truyền giáo. Gian nan nhất là Cha José Garcia: vừa đối phó với hành động chống lại đạo Chúa, vừa bị bão cuốn đi tất cả công trình xây dựng, lại sợ quân Chân Lạp tấn công. Chưa hết, Cha José còn bị quân của Võ Vương bắt giải ra Huế, rồi trục xuất về Philippines. (Sau này Cha chỉ hoạt động ở Hà Tiên và qua đời tại đây. Ðiều đó nói lên sự dũng cảm đáng khâm phục của các Cha thừa sai khi truyền giáo trên đất Việt).

Xem thêm:   Chuyện đòn roi

Năm 1882, linh mục chánh xứ Nicolai Hamm (Tài) khởi công xây dựng nhà thờ mới. Công trình này kéo dài suốt 14 năm, trải qua sáu đời chánh xứ đến năm 1896 thì hoàn tất. Ngôi nhà thờ mới khánh thành vào mùng 4 Tết Bính Thân (năm 1896) và tồn tại đến nay. Ðây là một ngôi giáo đường tuy nhỏ nhưng kiến trúc rất đẹp và thanh nhã.

Cũng trong năm 1896, người Pháp cho xây ở vùng Chợ Quán ngay cuối đường Nguyễn Biểu ngày nay bên cầu Chữ Y một nhà máy điện đốt bằng than đá, người mình hay gọi là Nhà đèn Chợ Quán. Ðiện làm ra khi đó dùng cho sinh hoạt tiện nghi của các nhà giàu có, nhà hàng, dinh thự, công sở, đèn đường công cộng và phục vụ xe điện Sài Gòn-Gia Ðịnh. Nhà dân thường trong xóm ở nội đô vẫn đốt đèn dầu cho đến giữa thập niên 1960.

Trong bài viết Nhà đèn Chợ Quán của người Chợ Quán có nhắc đến một chi tiết khá chính xác: “Nhà đèn có một lịch sử lâu đời cũ kỹ trăm năm. Nó là một trong những biểu tượng hiếm hoi của nền văn minh cơ giới xa xưa của ngành điện lực trong thời Pháp thuộc còn sót lại đến ngày nay. Tôi nghe nói Nhà đèn còn là chứng nhân của một biến cố đau thương của đất nước trong thời kỳ Ðệ nhị Thế chiến. Năm Ất Dậu (1945), vì than Hòn Gai không thể chuyên chở vào trong Nam được nên Nhà đèn này đã phải dùng thóc để đốt lò chạy máy thay than. Trong khi đó, ngoài Bắc đã xảy ra nạn đói chết cả triệu người vì không có gạo ăn”.

Xem thêm:   Nhớ ôm thợ nhộm

Cuối thập niên 80, Nhà đèn Chợ Quán ngưng hoạt động, nguồn điện cung ứng chủ yếu cho Sài Gòn từ các nguồn nhiệt điện Nhơn Trạch và thuỷ điện Trị An. Ðến năm 2008, Nhà đèn Chợ Quán trở thành khu tổng hợp văn phòng và trung tâm thương mại.

TN

Fort Worth, TX