Chùa Ông hay còn gọi miếu Quan Thánh Đế thuộc phái Nghĩa An hội quán do người Hoa gốc Triều Châu “phản Thanh phục Minh” chạy lánh nạn sang nước ta lập nên trước thế kỷ 19 ở Chợ Lớn.

Gian chính chùa Ông thuở mới xây dựng (Ảnh: Bưu thiếp)

Người Hoa tị nạn mang sang Việt Nam tín ngưỡng của họ thờ thần thánh trên trời dưới đất, dựng nên chùa miếu để làm chỗ dựa tinh thần. Ðặc biệt, là thờ Quan Ðế (Quan Công), một nhân vật võ tướng được phong thần sau khi chết, trong tác phẩm Tam Quốc Chí của La Quán Trung.

Theo nghiên cứu của ông Vương Hồng Sển thì miếu Quan Ðế ở Chợ Lớn (nay trên đường Nguyễn Trãi, Q.5) được cất lại kiên cố từ năm 1819-1820. Trong thời gian này, khi viết về Sài Gòn xưa (tức Chợ Lớn ngày nay), Trịnh Hoài Ðức trong Gia Ðịnh thành thông chí đã nhắc đến ngôi miếu này: Ðầu phía Bắc đường lớn có miếu Quan Thánh và ba hội quán Phúc Châu, Quảng Ðông và Triều Châu chia đứng hai bên tả hữu… Hễ gặp tiết đẹp đêm trăng, các ngày tam nguyên, sóc vọng thì treo đèn, đặt án, đua tranh kỳ xảo…

Thêm nữa, trong Gia Ðịnh phú của một tác giả khuyết danh (soạn ra trước khi Lê Văn Khôi khởi binh năm 1833) cũng đã nhắc đến ngôi miếu: “Chói chói bấy! chùa Ông Quan Ðế, chí trung nghĩa cao xa ngàn thuở…”.

Về kiến trúc, miếu Quan Thánh Ðế có hình chữ khẩu hay chữ quốc với các dãy nhà khép kín, vuông góc; ở giữa có sân thiên tỉnh giống các kiểu chùa Ông Bổn, Chùa Bà Thiên Hậu của các hệ phái người Hoa ở Chợ Lớn. Ðây là nơi hội họp của người Triều Châu, nên còn gọi là Nghĩa An Hội Quán (Nghĩa An là tên một vùng đất ở Quảng Ðông thuộc Trung Quốc, nơi đa số người Triều Châu sinh sống). Sân miếu khá rộng, từ hai cổng lớn vào đến cửa miếu có 5 cặp kỳ lân lớn nhỏ bằng đá đặt đối xứng nhau, sắc sảo hơn cả là cặp “lân hàm châu” (lân ngậm ngọc) chầu hai bên cửa. Chung quanh vách miếu thể hiện những giá trị nghệ thuật về thư pháp, chạm đá, chạm gỗ, ghép mảnh sành sứ từ trong ra ngoài. Miếu Quan Thánh được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.

Hội quán Nghĩa An tại chùa Quan Đế năm 1886 (Nguồn: Manhhaiflickr)

Thật ra, vào thời điểm xây cất Hội quán Nghĩa An (Chùa Ông), không chỉ là miếu Quan Thánh Ðế ở Sài Gòn mà người Hoa định cư tại Biên Hoà, Mỹ Tho và các vùng khác cũng lập miếu thờ Quan Thánh rất nhiều. Ngay cả không ít người Việt cũng theo tín ngưỡng của người Hoa lập miếu thờ Thánh Ðế Quan Công ở khắp nơi. Việc thờ phụng này được Ðàng Trong và nhà Nguyễn sau này cho phép vì thấy sự tương đồng tín ngưỡng đa thần trong công cuộc di dân khai phá đất phương Nam. Ngoài ra, do ảnh hưởng “Văn hoá Bắc thuộc” (chữ Hán), Nho giáo thịnh hành, miếu Quan Ðế đã xuất hiện ở Ðàng Ngoài từ thuở xa xưa.

Xem thêm:   Thân thương hai tiếng "Mình ơi"

Do vậy, khi nhắc đến Quan Công (Quan Vũ), rất nhiều người biết đến lai lịch của một dũng tướng văn võ song toàn, tất nhiên là qua tác phẩm Tam Quốc Chí hơn là sử ký. Quan Thánh Ðế hội tụ đầy đủ những chuẩn mực đạo đức của Nho giáo như: nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Ông thể hiện lòng trung thành, hiệp nghĩa, trừ gian. Khi chết, ông được phong thần bởi những phẩm chất của ông và các tôn giáo lớn thời đó (Nho, Lão, Phật) nâng cao địa vị thần thánh của ông càng khiến cho người đời tin tưởng, gửi gắm ước mong mọi chuyện tốt lành.

Nói đến yếu tố tâm linh làm tôi nhớ vài câu chuyện từ thuở nhỏ. Hồi đó, tôi có thằng bạn tên là Sáu Nhỏ nhà ở cuối xóm. Nghe đâu gia đình nó ở Hồng Ngự lên Sài Gòn làm ăn kiếm sống. Ba má nó người miền Nam rặt nhưng lại thờ Quan Công trong nhà. Trang thờ đặt bên góc trái tránh ngó thẳng ra cửa do má nó tin phong thủy không tốt, không mang lại tiền tài hanh thông. Sáu Nhỏ nói, ba má nó xem ông Quan Công như vị thần Tài. Giới làm ăn mua bán người Hoa từ xưa cho rằng, Quan Công sinh thời rất giỏi về quản lý tài chính, phát minh ra “nhật thanh bạ” ghi lại nguồn, thu, chi, tồn hàng ngày rất rõ ràng. Hậu thế công nhận ông là “kỳ tài kế toán”, nên phong làm “thần thương nghiệp”. Một nguyên nhân khác là người làm ăn coi trọng “nghĩa khí và tín dụng”, được cho là những phẩm chất của Quan Công.

Chùa Quan Đế còn nguyên vẹn kiến trúc vào năm 1965 (Ảnh: Emile Gsell)

Nói nghe chơi vậy thôi, chứ tôi chỉ biết ông thần Tài mặt mày hiền lành qua pho tượng đất, chứ đâu phải như ông Quan Công mặt mày đỏ như gấc, mắt phượng mày tằm, râu dài tới rốn, nhìn thấy sờ sợ. Lại có thêm 4 ông tướng đứng hai bên, khác tranh thờ Quan Công trong nhà của bác Hai thợ mộc, đối diện nhà tôi mà Sáu Nhỏ cũng từng nhìn thấy trang thờ treo trên gác xép.

Xem thêm:   Chuyện đòn roi

Sáu Nhỏ có vẻ rành rẽ, nó đem chuyện Tam Quốc Chí kể cho tôi nghe điển tích Quan Công hiển thánh: “Cái ông cầm ấn đứng bên trái sau lưng Quan Công là Quan Bình, bên phải là Châu Thương dáng bặm trợn với hàm râu xồm xoàm, mắt xếch, tay cầm thanh long đao dựng đứng. Phía sau Quan Bình là Trương Tiên cầm cung, còn phía sau Châu Thương là Vương Thiên Quân mặt mày đầy râu tua tủa trông hung dữ, tay cầm cây giản cho tương xứng với Châu Thương. Ba tao thờ Ngũ Công Vương Phật không phải thờ Quan Công ba ông như ở nhà bác Hai thợ mộc, tức là có thêm hai ông tướng Trương Tiên và Vương Thiên Quân”.

Thấy tôi lấy tay chỉ vào ông Quan Bình hỏi có quan hệ gì với Quan Vũ thì Sáu Nhỏ liền gạt tay tôi xuống: “Coi chừng bị bẻ lọi tay vì cái tội bất kính chỉ chỏ vào mặt thần thánh”. Nghe nó nói, tôi thấy lo lo trong bụng không biết thần có linh ứng trách phạt không. Lòng dạ tôi không còn tò mò muốn biết thêm chuyện Ngũ Công Vương Phật cho dù tai vẫn nghe Sáu Nhỏ kể chuyện Tam Quốc: “Quan Bình là con nuôi của Quan Vũ, cả hai bị Tôn Quyền bắt đem chém đầu, Châu Thương hay biết, liền lấy đao cắt cổ tự vẫn theo”.

Nghe Sáu Nhỏ kể, tôi cứ nghĩ Châu Thương là dũng tướng sao lại yếu lòng đến thế, tự vẫn theo tướng để được phong thần hay sao? Lẽ ra ông phải tập hợp binh sĩ cùng với Trương Tiên và Vương Thiên Quân đánh phá vòng vây, quyết chiến với Tôn Quyền, đằng này lại đi tự vẫn. Có lẽ ngày xưa người ta cho đó là thể hiện lòng trung nghĩa?

Gian thờ Quan Công (Ảnh: Internet)

Nhưng thôi, xin gác chuyện Tam Quốc sang một bên, trở lại chuyện linh ứng khi thờ Quan Công trong nhà. Người ta nói, nhà có thờ Quan Công điều kiêng kỵ đầu tiên là không được ăn thịt chó, thịt trâu. Không kiêng sẽ bị Ông vật. Chuyện này thì tôi đã chứng kiến. Một lần, ba thằng Sáu Nhỏ và bác Hai thợ mộc đi nhậu bữa tiệc cầy tơ tại nhà chú Năm xe lam ở giữa xóm. Không biết chú Năm trúng mánh gì mà tự nhiên hứng chí “hạ cờ tây” làm bữa nhậu linh đình, mời cả mấy anh em bạn đến chung vui ca cổ. Ai nhậu thịt cầy thịt trâu thì cứ nhậu, tụi con nít chúng tôi bu quanh nghe tân cổ giao duyên. Dân ca nghiệp dư mà cũng đủ bộ đàn guitar vọng cổ, đàn kìm, phách, song lang, nghe ba Sáu Nhỏ xuống câu vọng cổ rất mùi.

Xem thêm:   Lối đi trong vườn (kỳ 2)

Tiệc tàn, ai về nhà nấy. Bác Hai thợ mộc về đến nhà chưa kịp thay đồ thì ngã vật ra, tay chân giật liên hồi, miệng sùi bọt mép. Cả nhà quýnh lên gọi hàng xóm qua giúp. Trong khi đó, ở cuối xóm, ba thằng Sáu Nhỏ cũng bị lên kinh phong, hiện tượng y như bác Hai thợ mộc. Cả xóm đồn ầm, cả hai thờ Ông lại dám ăn thịt cầy cho nên bị Ông vật. Còn chú Năm xe lam chẳng thờ ai, nên rảnh việc cùng mấy người hàng xóm khiêng ba thằng Sáu Nhỏ và bác Hai thợ mộc bỏ lên xe lam, chở thẳng đến Bệnh viện Vì Dân ở ngã tư Bảy Hiền.

Hôm sau cả hai xuất viện, bác sĩ phán rằng cả hai bị ngộ độc nặng. Hai ông bán tín bán nghi, sao lại chỉ có hai người thờ Ông bị “ngộ độc” còn đám bạn bè nhậu chung mâm lại không hề hấn gì? Người ta bảo, có thờ có thiêng, có kiêng có lành. Hai ông thề trước bàn thờ Quan Công, từ nay không đụng đến thịt cầy nữa.

TN