Gửi H. và tháng chín.

Tôi đã tưởng Sydney gần gũi với mình lắm, thân quen lắm. Nhưng khi về đến nơi, nhận ra trước đây mình chỉ thỉnh thoảng ghé đến để mua sắm, lâu lâu viếng cho biết nơi này nơi kia, chứ thành phố không là “của” mình, tôi đã hết sức hụt hẫng. Và vì chưa từng sống qua mà ngỡ thân, ngỡ quen, nên nhìn thấy cảnh vật nào cũng khác với những gì nằm trong ký ức, tôi càng thêm bối rối. Tôi đã cố nghĩ, phải chăng thành phố nào cũng đổi thay theo năm tháng để trấn an mình, tuy nhiên nghĩ ngợi mông lung, “giả thuyết” đủ mọi điều, cuối cùng tôi u sầu tự hỏi có nên quay về lại thành phố cũ để sống hay không.

Nhưng thành phố nào sẽ là thành phố tôi nên trở lại? Nơi tôi đã từng sống mười lăm năm về trước, cách Sydney chừng tám mươi cây số về phía nam, hay nơi gần rặng Alpe tận chân trời Âu? Tôi buồn bã nhận ra cả hai nơi đều là những nơi tôi đã bỏ đi, đã rời xa sau những mỏi mệt và trĩu nặng chất chồng, thì chuyện trở về chắc chắn không phải là một ý tưởng thần kỳ rồi. Nên ủ dột như một con mèo ốm, biết là mình không thể trải đời thêm ở cả hai thành phố ấy một lần nữa, tôi rầu rĩ gọi cho con.

Như để an ủi, con tôi chịu khó nghe tôi than thở một hồi mới bảo rồi mẹ cũng sẽ quen thôi. Như con đã quen với xứ sở con đang sống. Như ngày trở lại Sài Ggòn, mình vô cùng ngỡ ngàng nhưng sau vài ngày là lại thấy thân thương, gần gũi. Và sau cùng con bé khuyên tôi nên đi lại trên cùng một con đường trong nhiều ngày, đến một nơi nào đó nhiều lần để cái cảm giác xa lạ dần dà biến mất.

Tôi ừ với con nhưng cúp máy xong, là trở lại u buồn ngay. Tôi cứ hỏi lòng rồi sẽ quen như những ngày mới đặt chân đến xứ sở miền nam bán cầu này, hay như ngày vừa sang Âu châu. Rồi sẽ quen sau khi phải mất cả một thời gian dài mới có thể phù hợp hoàn cảnh, phù hợp điều kiện sống. Hay chăng? Và tôi tự trả lời, như vậy, như vậy có nghĩa là phải bắt đầu lại từ đầu. Bằng mọi thứ. Kể cả tâm tư tình cảm của chính mình…

Tối, Hãn gọi cho tôi. Hỏi có vui khi trở lại “quê nhà” hay không. Tôi nói không vui gì cả. Liền sau đó tôi than thở như sắp chết, bảo em phải bắt đầu lại bằng hai bàn tay trắng. Nhưng không để tôi dứt lời, Hãn bật cười, nói hiện tại em đã có kinh nghiệm hơn hai mươi năm sống ở hải ngoại, đã có thể tiếp xúc, trò chuyện bằng ngôn ngữ của người bản xứ, thêm ngôn ngữ của đất nước em mới rời xa, tiền bạc lại còn rủng rỉnh trong ngân hàng, vân vân và vân vân, thì làm gì có chuyện hai bàn tay trắng. Tôi nói em nghèo, không rủng rỉnh đồng nào hết dù là bạc cắc. Hãn lại phì cười, nói giống con bà sơ quá hả, rồi tiếp:

– Nhưng cứ cho là vậy đi, mà dù không có gì hết, em vẫn còn có anh!

Nhìn nụ cười Hãn qua màn hình máy vi tính, thấy có vẻ như mình đang bị giễu cợt hơn là được mủi lòng thương tâm, tôi hậm hực trả lời cuộc sống khắc nghiệt, em có anh cũng như không. Hãn ở cách tôi gần chín trăm cây số, gần mười tiếng đồng hồ lái xe. Không đại dương vạn dặm như những ngày mới quen nhau nhưng cũng vẫn là xa xôi cách trở. Tôi hỏi tôi sẽ nương cậy vào Hãn cái gì để mà không lo. Hãn bảo em bay xuống anh chỉ tốn gần một tiếng rưỡi, khi nào buồn bã âu sầu thì đến với anh. Tôi xụ mặt. Một ngày em sầu não hai mươi bốn tiếng đồng hồ, buồn đau thân phận một năm ba trăm sáu mươi lăm ngày, không lẽ bay tới anh hoài hoài. Sau cùng để “trả thù” nụ cười của Hãn, tôi nhấn mạnh, cái khắc nghiệt nhất của cuộc đời là mình không yêu nhau.

Hãn cười to lên. Gì chứ cái “luận đề” này, là Hãn không thể phản đối được rồi. Người ngoài nhìn vào, có thể nghi ngờ tôi và Hãn chẳng có gì với nhau, nhưng hơn ai hết, Hãn biết rõ năm với năm là mười mối quan hệ của tôi với Hãn chỉ là… người dưng nước ốc. Hãn đẹp trai, phong độ. Tôi nhìn cũng tạm, không đến nỗi… ma chê quỷ hờn. Ðứng cạnh nhau, tôi nhỏ nhắn, Hãn cao lớn, dáng dấp bảo vệ che chở, có thể xem là hoàn hảo. Mùi thêm một chút thì có thể hát câu nhạc sến “em ơi nép vào lòng anh, má kề bên nhau, ta nói chuyện ngày sau”. Mà lạ như vậy đó. Bạn bè có đứa từng nói với tôi, đàn ông, đàn bà, tuổi còn sung sức, đã ly dị và có cuộc sống không bị ràng buộc vào bất cứ điều gì, cũng không ai cần tiền bạc của cải gì của ai, nhất là chẳng có một kẻ thứ ba thứ tư, thứ bảy chủ nhật nào đó rình rập nhảy vào phá đám mà nói không yêu nhau là chuyện khó tin. Chuyện ma giữa ban ngày.

Thắm Nguyễn

Thiệt là chuyện ma giữa ban ngày! Nhưng cả tôi lẫn Hãn đều hiểu ma có thể hiện ra không chỉ ban  đêm, còn tôi và Hãn không yêu nhau là một sự thật có cầu chứng! Lần đi thăm Hãn, ôm tôi trong tay, Hãn nói tôi lớn tuổi rồi mà có thân thể rắn chắc như người chơi thể thao. Tôi đáp tôi chạy bộ, tập thể dục đều đặn mỗi ngày, chưa bao giờ nằm bịnh viện. Tôi thêm, ngoài thuốc đau đầu sổ mũi và thuốc ngừa thai ra thì em chưa bao giờ uống một viên thuốc trị bịnh nan y. Hãn phì cười nhưng ngán ngẩm nhìn tôi, bảo mừng cho em, ai cưới được em khỏi phải lo đóng bảo hiểm sức khoẻ và vô nhà thương cơm nước hầu hạ. Tôi chậc lưỡi đáp, anh nên nói mừng cho anh vì “đôi ta” không bao giờ muốn cưới nhau, cho dù đều là những “tâm hồn đơn lẻ”. Hãn nói:

Xem thêm:   Vợ cũ

– Anh không ngờ em cải lương tới vậy.

Tôi khoe tôi thuộc vọng cổ nhiều lắm. Từ Tình Anh Bán Chiếu cho tới Tuyệt Tình ca. Hỏi Hãn muốn tôi hát cho nghe một câu không. Hãn từ chối, chê người miền Trung hát cải lương vốn không truyền cảm, mà cách nói chuyện giống như bửa củi của tôi chỉ khiến Hãn tin chắc là tôi chẳng thể nào có được giọng hát ngọt ngào. Tôi nói vậy thì tôi sẽ dùng từ ngữ cải lương, vọng cổ để trò chuyện với Hãn.

Tôi gọi Hãn là hoàng tử Bạch Mã của lòng tôi. Nhưng bảo đừng kêu tôi công chúa Bạch Tuyết, vì như vậy là sỉ nhục làn da rám nắng, da bòng quân, da bánh mật mà ai cũng khen tôi từ thuở nhỏ. Hoàng tử Bạch Mã không thèm đối đáp tôi những điều tôi nói vớ vẩn cho đến lúc tôi phàn nàn Hãn ôm tôi mà không khiến cho hai đứa phát ra chút chemistry nào để hấp dẫn nhau là lỗi ở Hãn, thì hoàng tử bèn lắc đầu bảo chưa bao giờ gặp người đàn bà nào kỳ lạ như tôi. Hãn kể những phụ nữ ngày trước của Hãn có người hơi điên điên, có người khó chịu, có người nhạt nhẽo, mỗi người một tánh, mỗi người một vẻ nhưng chỉ có tôi mới là tổng hợp của tất cả các tánh, các vẻ ấy. Tôi trợn mắt hỏi tôi nhạt nhẽo chỗ nào. Hãn xua tay xin lỗi:

– Anh dùng chữ sai. Không phải em nhạt nhẽo mà em lạnh như nước đá.

Hãn lầu bầu. Ðàn bà gì mà thông minh thấy ghét. Ðiều gì anh chưa kịp nói ra, đã nói trước. Rồi không đợi tôi phản ứng, cãi chày cãi cối, Hãn thêm:

– Lẽ ra nếu như có biết những gì anh suy nghĩ hay định nói thì em cũng nên giữ kín trong lòng, rồi vờ vĩnh một chút cho anh thấy anh là đàn ông chứ!

Tôi bật cười. Ðó là lần đầu tiên tôi á khẩu trước những điều Hãn nhận xét về mình vì chả biết là tôi có thông minh thật hay không, nhưng chắc chắn là tôi không thể nào ngỏ ý, mời Hãn làm… đàn ông. Tôi nắm tay Hãn:

– Tại em coi anh như người anh trai.

Hãn lườm lườm, nhìn tôi như sợ tôi sắp sửa phun ra một câu cải lương nào đó, đại khái, anh là người anh sầu mộng của muôn đời. Hoàng tử Bạch Mã thừa biết tôi ba trợn đến chừng nào. Tôi từng tuyên bố mối liên hệ của chúng tôi là một cuộc tình… trớt quớt.

Xem thêm:   Vượt biên đường bộ

Hãn chắc rầu lắm khi phải làm bạn với tôi. Nhưng trong thời gian tôi thất nghiệp và chẳng biết nên làm gì cho hết thì giờ ở Sydney, thì tôi và Hãn cứ gọi nhau tâm sự loài chim biển cho đỡ buồn. Hãn rủ tôi đi thăm Hãn. Tôi đi thăm, ngồi bó gối trong căn nhà rộng thênh thang và lạnh như nước đá. Quấn chăn, trùm mền cả ngày chờ Hãn đi làm về. Có khi còn phải ăn một mình vì công việc níu Hãn cho tới khuya lắc khuya lơ.

Những lúc về nhà sớm, Hãn đốt lò sưởi trong nhà, đốt củi ngoài vườn, rủ tôi đi dạo. Tôi nhận xét:

– Nhà anh chỉ có hàng ngâu trước sân là thẳng thớm, đẹp đẽ, còn phía sau um tùm như rừng già. Cây cối gì mà san sát, rối nùi thấy ớn.

Hãn nói muốn có quang cảnh tự nhiên. Tôi bĩu môi, nói khu vườn giống hệt như anh, chỉ gọn gàng sạch sẽ ở bên ngoài, còn tâm tư bên trong buồn bã, tối hù. Hãn cãi, anh không buồn. Tôi xì:

– Không buồn mà đòi nuôi con chó!

Hãn bảo chó trung thành và không biết giữ kẽ. Thương thì chạy đến mừng rỡ, âu yếm, không giả dối, không làm bộ. Tôi ngó Hãn. Thiệt tình, cái câu nói dễ gây hiểu lầm như vậy mà cũng phun ra cho được. Hãn hỏi hiểu lầm cái gì. Tôi đáp mường tượng tôi có tình ý gì, thì thế nào cũng đã tưởng Hãn dành câu này cho mình. Hãn bảo em biết tính anh chẳng bao giờ mượn gió bẻ măng, nếu yêu em thì anh tỏ tình và chắc chắn không bao giờ sợ bị từ chối vì anh đâu có khùng, anh phải đoán trước em có thích anh hay không mới nói chứ.

Mà thật vậy, nếu yêu tôi, Hãn sẽ “cưa” tôi ngay. Và cũng thật, nếu không yêu Hãn đi chăng nữa, tôi cũng sẽ đổ trước người đàn ông vừa trí thức, vừa có dung nhan tướng mạo ngon lành, mà quan trọng hơn là lại còn có địa vị trong xã hội cao đến vậy. Chuyện ngã lòng chắc có thể kể là không… lỗ lã gì. Tôi nói lại với Hãn điều này, Hãn chẳng buồn trả lời, chỉ bảo sẽ nuôi chó lúc đã về hưu mà thôi. Và sau đó Hãn tiếp tục nói thêm về những ngày tháng sắp tới của mình:

– Khi về hưu anh sẽ dành thì giờ vào những việc mình không thể làm thời còn trai trẻ khi phải bận bịu cơm áo nuôi bản thân và nuôi gia đình.

Tôi trêu Hãn nên chừa các chuyện đội đá vá trời ra. Tôi nói chắc chắn là anh sẽ hết xí quách để thực hiện những điều đó. Hãn bảo Hãn không ước mơ chuyện đội đá vá trời. Tôi cười, vậy thì cũng nên dẹp mộng xây dựng tương lai với một cô gái nào đó để không va vào cảnh cha già con muộn. Hãn quay nhìn tôi, tỉnh bơ nói tưởng em chê anh sẽ không thể “làm ăn” gì được vào lúc đó. Và kết thúc cuộc đàm thoại bá láp với tôi, Hãn tuyên bố đã chừa chuyện lấy vợ từ khi gặp tôi.

Về lại Sydney sau chuyến đi thăm Hãn, tôi bắt tay vào những điều con tôi khuyên, ngày ngày đi đi lại lại trên một hai tuyến đường cho quen, đi nộp đơn xin trợ cấp học bổng, và đi nhà thờ mỗi tuần hai lần. Chẳng mấy chốc mà tôi quen với thành phố như thể chưa hề rời khỏi miền nam bán cầu mười lăm năm. Bận rộn làm tôi bớt, rồi dần dà chẳng liên lạc gì với hoàng tử Bạch Mã. Hãn làm “người đi qua đời tôi”, vèo một hơi dài. Rất dài. Tôi không quên Hãn, và chắc chắn Hãn cũng không quên tôi nhưng chúng tôi cứ trượt qua đời nhau như những mảnh ván lướt sóng, như chiếc xe tuần lộc của ông già Noel chạy băng băng trên tuyết. Tôi trú ở Sydney gần bốn năm, ban đầu Hãn còn email cho tôi nhắc tôi viết bài cho trang báo của đài phát thanh Hãn đang điều khiển để lấy nhuận bút tiêu vặt. Tôi ok nhưng rồi chẳng làm. Vì nghĩ bụng, đi bưng phở vài buổi, hay cuối tuần may quần áo cho các hãng may, giá rẻ mạt cũng còn dễ hơn và cao hơn là gò lưng ra viết lách.

Xem thêm:   Thư cho Thao

Sau chắc Hãn chán. Không thèm nhắc nữa.

Tôi đi học trở lại, hí hố vào chung lớp với những đứa con nít bằng nửa tuổi đời con tôi. Học một cái ngành không hề hợp với mình tí nào vì tôi dốt kỹ nghệ mới. Nhưng tôi chọn ngành này bởi tin sẽ dễ được thầy cô “tha thứ” lúc không nộp assigment đúng hạn. Thầy cô nào cũng nhỏ tuổi thua tôi. May cho tôi là trong lớp có một chị xấp xỉ, ngang bằng phải lứa với tôi. Bà nội và bà ngoại quậy tanh bành những cái máy vi tính của lớp, từ software cho tới hardware với những lần chúng tôi làm máy đứng cứng ngắc như đóng băng và cả làm chạm điện, cháy máy thật.

Hãn bay vút lên cung trăng trong tiềm thức tôi. Ngày tôi từ giã Sydney, mới sực nhớ tới Hãn, tôi trân trọng thông báo bằng cách sửa câu hát của Ðức Huy, “em xa anh đêm… kia, khi bóng trăng qua hàng cây”. Hãn hỏi thiệt tình là tôi không muốn gặp Hãn một lần trước khi chia tay sao. Tôi đáp không kịp đâu vì tôi còn phải đi… ăn nhậu với những chiến hữu của tôi. Hãn chúc tôi lên đường bình an, có những ngày tốt đẹp ở nơi tôi sẽ đến sống. Hãn bảo không thể dùng hai chữ định cư cho tôi vì chẳng biết tôi còn muốn đi đâu nữa. Lần cuối cùng tôi lại… cải lương với Hãn, đáp chim trời nay đã mỏi cánh, ngựa hồng sẽ thôi không còn buông vó dặm trường xa.

Tôi bảo đó là lần cuối. Lần cuối cùng trao đổi chuyện trò với Hãn. Bởi vì tôi đã vĩnh viễn không bao giờ còn có cơ hội nói bất cứ điều gì, cho dù là một câu đùa cà trớt, hay một lời dỗi hờn với Hãn. Không một điều, kể cả nhỏ nhặt nhất.

Hãn không cho phép tôi làm như vậy.

Tôi đã sững người như chết điếng khi nhìn thấy tấm hình với nụ cười tươi tắn của Hãn trên một tờ báo tiếng Anh tôi vẫn thường đọc khi xa tổ quốc thứ hai của mình. Mắt tôi rớt trên cái địa chỉ nơi từng ở lại với Hãn một tuần. Tôi hoa mắt. Và không thể nào tin nổi, tôi vội vàng tìm một trang báo tiếng Việt ở Sydney, ở Melbourne.

Lập cập, tôi đọc những cái cáo phó cùng các bài viết về sự ra đi của Hãn, nước mắt tôi chảy xuống. Nhoè nhoẹt. Ướt đẫm. Trong trí tôi chỉ hiện lên hình ảnh mình đang đứng trong căn phòng khách lập loè ánh lửa từ chiếc lò sưởi ấm cúng, nhìn Hãn ngồi đọc báo với gáy tóc hơi quăn có điểm vài sợi bạc. Tôi thấy mình được Hãn rót cho ly rượu, đưa cho miếng bánh mì, và tự khoe làm bánh mì ngon nhất thế giới.

Tim tôi thắt cứng lại vì tất cả mọi thứ. Mắt tôi nhoà đi nhưng mọi điều về Hãn, dù bé nhỏ nhất cũng rõ mồn một trong tôi. Tôi nhớ cả chuyện khi ngồi trên chiếc giường nệm cứng và dày trong phòng ngủ của Hãn, đã đùa với Hãn, gần gũi đến thế này mà lại không “qua đêm” với nhau mới lạ. Tôi lại oà lên khóc.

Bài báo viết người ta đã tìm thấy Hãn nằm trong căn phòng ấy, trên chiếc giường ấy. Một mình. Một mình! Vì mãi đến hôm sau người ta mới biết Hãn đã ra đi tự lúc nào. Tôi không kìm được một tiếng kêu lớn với Hãn. Ác độc! Anh thật ác độc vô cùng! Tôi nức nở. Tại sao lại có thể sống như thế chứ! Và tại sao có thể đầu hàng, có thể bỏ lại các ước mơ của mình một cách dễ dàng đến vậy? Tại sao chưa gì đã buông xuôi, không chịu thực hiện những điều nho nhỏ cho chính mình vào những ngày sắp sửa được thảnh thơi?

Tôi chảy nước mắt. Khóc rưng rức. Nhưng tại sao ra đi mà không nói một lời, không giã từ với tôi một câu cho dù là ngắn ngủi, như tôi đã từng làm với anh? Có phải chăng, chỉ vì cái nơi bắt đầu, tôi đã khó khăn vô cùng để trở lại?

HN