Hơi nước đọng li ti trên thành ly và đá tan nhanh tạo một lớp hơi ẩm trên mặt bàn gỗ. Mồ hôi lấm tấm trên lưng và trong lòng bàn tay Xuân. Trưa đầu Hè đứng gió. Xuân lại đan những ngón tay vào nhau và nhìn những ngón tay của mình lúng búng. Nhìn xuống bàn tay mình chán chê, Xuân nhìn thẳng vào tấm gương trên tường nhà Tùng. Mái tóc đổ xuống vai, Xuân diện một cây đồ đen, trông đoan trang nhưng cằn cỗi tựa nữ tu của một dòng khổ hạnh. Tấm gương sạch bóng đến độ có thể nhìn kỹ thấy nốt ruồi ở đuôi mắt, và khoé môi Xuân hằn lên hai đường rãnh nhỏ của hai vết nhăn sâu. Xuân đảo mắt tìm một điểm nhìn khác, bức tường nhà Tùng sơn màu vàng Hội An, trên đó treo những tấm ảnh gia đình ngay ngắn. Ngoài ban công, hàng rào hoa tầm xuân nở rộ trông vừa hoang dại vừa lủng lỉnh lẳng lơ. Cành hoa mọc lan qua ban công tràn xuống trước cổng, cánh tầm xuân đã tàn bay tứ tung một màu phấn nhạt nhoà. Người ta nói hào môn vừa cao vừa nặng, nhưng Xuân thấy cánh cổng nhà Tùng giản dị trông nhẹ bẫng bên dưới giàn tầm xuân.

Tùng là người nội tâm, ít nhắc đến mẹ. Xuân tự hỏi, một miêu tả chi tiết về mẹ sẽ làm Tùng xấu hổ hay tình yêu với mẹ trong anh lớn đến mức một người kín kẽ và khiêm nhường như anh không tiện giãi bày. Mẹ Tùng tự xưng là dì Chín. Lúc Xuân đến, dì Chín đang nấu bún bò. Nghe nói hồi ở Paris dì Chín từng mở một tiệm bún bò ở quận mười ba. Hai đầu gối khép vào nhau như phụ nữ Nhật mặc Kimono, dì bước đi những quãng ngắn khoan thai quanh gian bếp rộng, thao tác bếp núc thành thạo dứt khoát, thái độ tự đắc kín đáo kiểu một madame sải bước trong khu vườn Baroque của riêng mình. Dì mặc một chiếc đầm vải lanh suông dài màu cỏ úa, cổ đeo chuỗi ngọc trai trắng và chân mang một đôi dép cói. Những móng chân cắt tỉa gọn gàng của dì cũng sơn màu cỏ úa, tiệp màu với móng tay chỉ hơi dài qua ngón.

Vừa nấu bún bò dì vừa hát khẽ bài “Ngày xưa Hoàng thị”, giọng hát của dì mượt mà cổ điển. Mẹ của Tùng là Việt kiều, không chỉ vậy, còn là mẫu phụ nữ thị thành sành sỏi. Xuân nghĩ phải chọn điểm nào đó để khen dì một câu, nên khen giọng hát, trang phục hay tài nấu nướng? Một lời khen không đúng cách dễ trở thành trò lấy lòng vụng. Thay vì một lời khen sống sượng, Xuân gắng trao cho mẹ Tùng một cái nhìn ngưỡng mộ, nhưng mẹ Tùng dường như không thèm để ý. Dẫu vậy, nếu dì Chín từng có một thời xuân sắc xa xôi nào đó thì Xuân chẳng tìm thấy dấu vết nào sót lại, những mùa xuân sắc đã bị thời gian cuốn trôi sạch sẽ, chỉ còn cánh đồng hoang mà tháng năm chồng chéo lên đó hằng hà những vết chân chim. Ðôi dép cói quai xanh không che được gót chân dì thâm nứt nẻ. Ðôi bàn tay gân guốc già nua. Người ta bảo muốn biết một người số thong thả hay bôn ba, cứ nhìn vào bàn tay và gót chân của họ.

Thắm Nguyễn

Trong khi Xuân dọn chén bát, dì Chín bước đến máy nghe đĩa, mở một bản nhạc jazz. Thay vì nhìn Xuân, mẹ Tùng hướng ánh mắt vào khoảng không mơ hồ xa cách. Buổi trưa lừ đừ trôi đi nồng nực, có cái gì đó vừa đông đặc trong không khí vừa trống trải vô chừng. Tùng không về được. Xuân tự đến gặp mẹ Tùng một mình. Bữa ăn vừa có ý nghĩa một buổi ra mắt, vừa không phải, vì sự thiếu trọn vẹn của nó. Giữa bữa ăn yên ả bỗng có tiếng ai đó la hét ầm ĩ ngoài cổng. Xuân nhoài người qua giàn hoa tầm xuân, thấy bên dưới một ông Tây cao lớn mặt đỏ gay giận dữ vừa đập rầm rầm vào cổng sắt vừa gọi tên dì Chín mạt sát bằng thứ tiếng Việt tục tằn hổ lốn pha với thứ tiếng Pháp chợ búa lộn xộn. Ông ta la hét rất lâu, rít lên những thanh âm vô nghĩa rồi mệt mỏi đến mức muốn lả đi vì kiệt sức. Một lúc rất lâu không thấy động tĩnh gì, ông ta bỏ đi với hai tay buông thõng.

– Yves đó, kệ đi con!

Dì Chín không đổi sắc mặt trước thái độ thoáng hốt hoảng của Xuân, tiếp tục bình thản như chẳng có chuyện gì. Chỉ một thoáng ngượng ngùng ngắn ngủi hiện lên tích tắc trong đôi mắt đục màu thời gian, rồi gần như ngay lập tức dì Chín lấy lại phong thái tự tin. Dì đặt đôi bàn tay gân guốc lên bàn tay Xuân và vẻ xa cách ban nãy gần như biến mất.

– Lựa chọn sai lầm là một phần của cuộc đời đúng đắn. Thay vì cào cấu quá khứ thì nên để thời gian sửa chữa sai lầm, đúng không con?

Xem thêm:   Cấm TikTok

Xuân nghe nhiều về dì Chín qua những người khác hơn là qua chính Tùng. Người ta nói rằng mẹ của Tùng thời trẻ là ca sĩ phòng trà. Ðó là một phụ nữ đồng bóng nhiều toan tính. Thời Việt Nam mới mở cửa, những nhà đầu tư nước ngoài đầu tiên xuất hiện, Yves là một trong số đó. Yves và dì Chín sống chung gần mười năm, giao tiếp với nhau bằng tiếng Pháp bồi và tiếng Việt vỡ lòng. Cuộc tình không hôn thú trôi đi êm đềm cho đến khi Yves mất việc không kiếm ra tiền nữa. Hai người cãi vã thường xuyên, bằng thứ ngôn ngữ Pháp Việt kỳ quặc lẫn lộn. Khi ngôn ngữ không đủ để giải quyết mâu thuẫn, những nắm đấm vung ra, những cái tát giáng xuống. Dì Chín không nhẫn nhịn. Bằng cách nào đó, dì tống cổ được Yves khỏi ngôi nhà mà ông ta bỏ tiền ra mua nhưng không có giấy tờ chứng minh đồng sở hữu. Phẫn uất, thỉnh thoảng ông ta quay về đập phá la hét đòi chia tiền, nhưng dì Chín nhất quyết không một li nhân nhượng.

Vụ chia tay xảy ra rất nhiều năm trước. Hàng xóm láng giềng xì xào bàn tán một thời gian dài. Ðến nay, Yves có vẻ vẫn chưa nguôi ngoai hoàn toàn. Thỉnh thoảng uống say ông ta lại quay về nhà cũ chửi rủa. Chia tay Yves, dì Chín tái giá lần thứ hai với Eliott. Cuộc hôn nhân này cũng là Xuân nghe người quen kể lại. Eliott hơn dì Chín rất nhiều tuổi. Ðó là một ông già người Pháp goá vợ. Lúc này dì Chín đã nói tiếng Pháp thành thạo hơn trước, người ta hay nghe thấy dì nũng nịu je t’aime, bisous, anh yêu ơi. Tùng học xong cấp ba được mẹ đón sang Pháp học đại học. Khi Tùng ổn định, có công việc và quốc tịch Pháp, dì Chín ly dị Eliott lúc này bị bệnh gút nặng để về lại Việt Nam.

Ở Việt Nam, dì lấy lại căn nhà cũ, mở một chuỗi mỹ phẩm nhập từ Pháp, giao du với giới doanh nhân và gặp Thomas. Từ ngày quen Thomas, dì Chín học nói tiếng Ðức nhanh như khi xưa học tiếng Pháp. Vẫn thói quen cũ, dì hay nũng nịu ich liebe dich, mien Liebling, anh yêu ơi. Hai người sống cùng nhau trong thời gian Thomas ở Việt Nam, cùng đứng ra kinh doanh chuỗi nhà nghỉ ở Nha Trang, Ðà Lạt. Người ta nói rằng Thomas là một lão già sọm hom hem chỉ chờ ngày xuống lỗ. Và dì Chín không mong gì hơn cái ngày đó để một mình tiếp quản tài sản chung của hai người.

Người mẹ từng trải của Tùng giờ đang nhìn Xuân bằng đôi mắt thấu đời, ánh mắt kiêu hãnh ban đầu chuyển sang van nài cảm thông. Ðáp lại, Xuân nắm lấy bàn tay dì Chín, đôi bàn tay nhìn gân guốc nhưng chạm đến thật mềm mại. Dì Chín bắt đầu nói về Tùng. Tùng từ lúc bé đã rất lương thiện, yêu động vật cây cỏ, hay đau ốm vặt, tâm hồn yếu đuối. Không còn gì trên đời lố bịch hơn những bậc cha mẹ suốt ngày đem con cái ra khoe khoang, dì Chín bật cười, nhưng sự thật là chẳng nguồn sống nào mạnh mẽ với một người mẹ hơn con cái.

Dì Chín xây ngôi nhà kiểu Hội An từ nền một gian nhà nát trên một mảnh đất méo. Ngôi nhà kiểu Hội An có mọi cửa sổ đều hướng về phía ban công trồng hoa tầm xuân. Mảnh đất này, ngôi nhà này, ban công này, giàn hoa này, tất cả đều dành cho Tùng. Những năm tháng tha hương, dì nhớ ngôi nhà, nhớ gian bếp, nhớ giàn tầm xuân và nhớ con da diết. Nỗi nhớ dằn vặt ngày đêm, chỉ mong đến lúc đón Tùng sang sống cùng. Vậy mà tới khi đoàn tụ hai mẹ con vẫn cứ xa cách. Tùng khép kín, rất ít khi tâm sự với dì Chín bất cứ chuyện gì, nhất là về người yêu. Dì Chín dường như không phải người mẹ mà Tùng có thể tin tưởng hay tự hào, không phải người mẹ Việt Nam thủ tiết thờ chồng giàu chịu đựng hy sinh như cuộc đời mà nhiều người mẹ khác đã âm thầm sống. Bây giờ dì Chín chọn Thomas làm bạn đời trong những năm tháng còn lại, để Tùng yên tâm sống cuộc đời riêng của mình mà không phải lo lắng chăm sóc người mẹ này trong những ngày cô đơn đau yếu, dì cười vang. “Người ta hay nói phụ nữ càng lớn tuổi càng ít cơ hội lựa chọn bạn đời. Không phải đâu,” dì lại cười. “Cơ hội tốt nhất lúc nào cũng còn ở đó.”

Ðầu giờ chiều, lại một ông Tây khác bấm chuông cửa, không ầm ĩ và không bị ghẻ lạnh như ông Tây xuất hiện buổi trưa. Người đàn ông này được dì Chín chào đón nồng nhiệt, dì liên tục gọi ông ta lúc là mein Liebling lúc là anh yêu ơi. Ðáp lại, ông ta hôn lên trán dì Chín, chỗ những nếp nhăn giao nhau thành hình thập tự. Dì Chín giới thiệu người đàn ông với Xuân, gọi ông ta là dượng Thomas. Không hề giống ông già hom hem gần đất xa trời mà người ta đồn thổi, dượng Thomas dong dỏng cao, mặc một chiếc áo sơ-mi kẻ sọc xanh rêu với quần ka-ki xám, tay áo xắn lên tới khuỷu, tóc hoa râm quăn nhẹ, đôi mắt như mặt hồ mùa băng tuyết. Ðôi mắt lam thoáng một tích tắc kinh ngạc khi nhìn thấy Xuân rồi gần như ngay lập tức, người đàn ông phong độ đó vừa đưa tay ra bắt vừa nở một nụ cười chào đầy kịch nghệ. Vào khoảnh khắc người ta tưởng đã nắm chắc số phận trong tay, Xuân nghĩ, thì cuộc đời thích chơi trò lật kèo ngoạn mục.

Xem thêm:   Chút ân tình cũ

Xuân gặp Tùng ở chỗ làm, lúc Tùng mới về nước. Tùng nói, Xuân không chỉ gợi cảm mà còn có vẻ tinh ranh của loài chồn sương. Khác với mấy cô gái trẻ mê ngôn tình, nàng thích nói về chính trị, đặc biệt là về các lãnh đạo nữ và sự trỗi dậy của các đảng cực hữu ở châu Âu. Thỉnh thoảng Tùng đến nhà thăm, thấy má Xuân luôn ửng hồng và mắt nàng mơ màng như một buổi sáng chưa tàn sương. Xuân bảo rằng trước khi anh đến em thường uống một ly rượu vang, học theo các geisha Nhật thường uống một ly rượu sa-kê trước khi tiếp khách. Tuy vậy, khi Tùng có ý muốn tiến tới, Xuân tỏ ra lạnh nhạt xa cách. Khi Tùng gần như buông xuôi, Xuân gửi đi một thông điệp mở lòng. Nói chung, nàng thú vị nhưng khó nắm bắt.

Cuộc chinh phục chẳng dễ dàng cuối cùng cũng có kết quả. Xuân dần dần mở lòng nghe những câu chuyện tuổi thơ của Tùng, nó chân thành và sống động quá đỗi, đến mức Xuân nhìn thấy chính tuổi thơ của mình trong đó. Xuân thấy hình ảnh của mình trong những câu chuyện của Tùng, bên những người cha dượng chính thức hoặc không chính thức, những người dù xuất hiện ngắn ngủi hay dài lâu đều để lại ảnh hưởng nhất định. Mẹ lúc ở xa thì Tùng mong được đến gần, lúc ở gần thì lại thấy thật cách xa. Xuân biết rõ về tuổi thơ và quá khứ của Tùng, nhưng với Tùng quá khứ của Xuân là một ẩn số mà anh không thấy cần tìm hiểu. Không có người mẹ đội đá vá trời như mẹ của Tùng, Xuân tự mình tìm cách ngoi lên khỏi mặc định buồn tẻ của số phận để giành lấy tương lai mình xứng đáng.

Thời mới lên thành phố, Xuân cùng với bốn cô gái khác thuê một căn chung cư hai phòng ngủ trong một khu cao cấp toàn giới nhà giàu. Phòng ngủ còn lại họ cho ba cô gái khác thuê. Tổng cộng tám người trong một căn chung cư . Cứ người này chuyển ra, người khác lại chuyển vào. Một trong tám cô gái cặp bồ với tay quản lý toà nhà nên đám bọn họ hầu như không gặp bất cứ rắc rối nào.

Phòng ngủ của Xuân có ba chiếc giường tầng như trong ký túc xá. Ðám con gái mỗi đứa chia nhau một ngăn tủ quần áo. Giày chất cao kín kệ. Son phấn mỹ phẩm bày đầy chật mỗi góc giường. Riêng gầm giường của Xuân có thêm một kệ sách nhỏ. Trong ngôi nhà chung, bếp luôn bừa bộn, chén bát nhiều ngày không rửa. Nhà tắm thường xuyên đọng nước vì tóc mắc kẹt trong cống. Mùi rượu và thuốc lá thường phảng phất trong không khí.

Ngôi nhà của họ lúc nào cũng ồn ào. Họ nấu nướng tiệc tùng thường xuyên, cãi nhau cũng liên tục. Tám cô gái đều trẻ và ưa nhìn. Trong khu vực này, họ gặp những người đàn ông độc thân có tiền ở khắp nơi, hồ bơi, sảnh chung cư, công viên, phòng tập gym, siêu thị, quán bar, cà-phê. Thời gian đó Xuân từng cặp với một chàng thiếu gia mê mô-tô, một tay chơi thích sưu tầm rượu ngoại, một Việt kiều trung niên muốn tìm người xây dựng gia đình, một trưởng phòng kinh doanh đã ly hôn, một kỹ sư người Hàn xa vợ cần người bầu bạn.

Không mối tình nào dài lâu. Khi đang trải qua tuổi trẻ cuồng nhiệt, người ta thường gán cho tình yêu những mỹ vị khác nhau, cảm giác thoả mãn của sự sung túc, cảm giác tự đắc bởi sự cung phụng, cảm giác hả hê khi được cưng chiều.Tất cả những cảm giác đó ban đầu đều dễ chịu, cho đến khi lớp hơi hào nhoáng bay đi, sự trống rỗng cô đặc lại và các vấn đề rắc rối phơi bày ra. Xuân luôn chủ động kết thúc mối quan hệ khi lớp bề mặt dễ chịu của nó vừa bay đi hết. Cô biết nhiều loại đàn ông và có thể đo đếm sự si mê trong ánh mắt họ. Họ thích phụ nữ trẻ đẹp nhưng không đơn điệu. Họ thích phụ nữ thông minh nhưng đừng mạnh mẽ quá. Họ thích chinh phục nhưng nếu cuộc chinh phục quá dễ dàng, họ sẽ mau chóng chán. Nếu nó quá khó khăn, họ sẽ mau chóng nản. Ðàn ông thời nay thiếu kiên nhẫn mà lại có quá nhiều lựa chọn. Vậy nên, ái tình thật ra chẳng phải trò xổ số may rủi mà là một board game cần chiến thuật hẳn hoi. Chỉ khi mệt mỏi với những mối tình dễ chịu trên bề mặt, Xuân nhận ra đã đến lúc tung chiến thuật toàn diện cho cuộc chinh phục cuối cùng. Thomas xuất hiện vào lúc đó.

Xem thêm:   Vợ cũ

Thomas nói với Xuân mình là người Áo gốc Do Thái, làm việc cho một tổ chức phi chính phủ trước khi đứng ra kinh doanh ở Việt Nam. Xuân được giới thiệu làm phiên dịch viên cho Thomas. Người đàn ông đó có mái tóc hơi xoăn bồng bềnh, lịch thiệp, đôi mắt lam lạnh lùng như mặt hồ mùa băng tuyết khiến nhiệt kế si mê của Xuân không tài nào phát huy tác dụng. Nghe nói Xuân đang sống trong một ngôi nhà với bảy cô gái khác, Thomas chủ động đề nghị Xuân đến sống với mình.

Thomas không giàu, doanh nghiệp của ông chỉ vừa đi vào kinh doanh. Xuân sống với Thomas trong căn hộ một phòng ngủ đi thuê, nội thất theo phong cách tối giản. Thomas nấu ăn những ngày cuối tuần và làm việc nhà như một công chức bình thường chứ không phải một doanh nhân bận rộn. Dù lối sống hàng ngày khá tiết kiệm, thỉnh thoảng họ cũng ăn nhà hàng hay đi nghe nhạc cổ điển. Chênh lệch tuổi tác, sau lưng họ tất nhiên luôn có xì xào bình phẩm, nhưng Xuân chẳng để tâm. Những câu chuyện của Thomas tràn ngập không khí chính trị sôi động ở châu Âu, suy thoái kinh tế, sự chia rẽ trong các tầng lớp xã hội, nữ quyền lên ngôi, sự bất an về biến đổi khí hậu, những nhóm người cực đoan. Thomas còn kể về mùa Thu ở chân núi Alps, về cha mẹ bần hàn và chuyến chạy trốn của họ từ nước này sang nước khác trong Thế chiến thứ Hai.

Khi một người đàn ông trải lòng những điều riêng tư đến vậy là lúc ta đã chạm đến mặt đáy tâm hồn họ. Xuân chỉ còn chờ đợi một lời cầu hôn chính thức. Nhưng lời cầu hôn đó không xuất hiện. Một ngày trở về nhà Xuân thấy Thomas đã dọn đi, để lại cho Xuân một phong bì tiền mặt đủ trả tiền thuê nhà và chi tiêu tiết kiệm trong một tháng, không báo trước, không xin lỗi, không giải thích. Nhiều câu hỏi bủa vây. Lẽ nào Thomas phá sản, biết đâu người đàn ông này là tội phạm đang lẩn trốn, ông ta là tay lừa đảo chuyên nghiệp, hay đơn giản đàn ông phương Tây tất thảy đều lạnh lùng, phụ nữ châu Á chẳng hơn gì món đồ chơi dễ mua trong tay họ. Lần đầu tiên Xuân nhận ra rằng tình yêu thật sự ngọt ngào và đau đớn hơn rất nhiều so với những cảm xúc dễ chịu chỉ thoáng qua trên bề mặt. Khi cảm giác vỡ vụn bẽ bàng tưởng chừng không chịu đựng nổi đã dịu đi theo thời gian và Xuân tìm được bến đỗ mới, người đàn ông kia đột ngột xuất hiện, trong chính ngôi nhà của Tùng.

Xuân ngồi lại một lát trong căn nhà Tùng từng lớn lên bên những người cha dượng, ngắm nhìn đứa bé trong bức ảnh gia đình treo trên bức tường màu vàng Hội An. Thật khó đoán được đứa bé nghĩ gì khi chụp bức ảnh đó, đôi mắt nó nhìn vào một khoảng trống, khuôn mặt không buồn cũng chẳng vui. Rồi Xuân ra về, dì Chín tiễn Xuân tới cổng. Trên ban công trĩu trịt hoa tầm xuân, những cánh tầm xuân đã tàn lả tả bay trong không trung trước khi đáp xuống mặt sân sần sùi sỏi đá. Cánh cổng trông nhỏ bé bên dưới giàn tầm xuân khép lại, mờ khuất trong ánh chiều tà chói loá của một ngày hè oi ả.

Cảm giác sắp mất Tùng làm Xuân thấy mình chao đảo.Bóng cô đổ xuống đường xiêu vẹo cô độc. Ðèn của các cửa tiệm ven đường đã sáng lên. Xuân ngắm bóng mình phản chiếu qua tấm kính của một nhà hàng. Tấm kính hơi mờ, không đủ để nhìn thấy nốt ruồi nơi đuôi mắt và vết hằn sâu hai bên khoé môi, ở đó chỉ có một cô gái mảnh mai trang nhã. Xuân vuốt tóc, sửa dáng đứng cho thẳng lưng, khoan thai bước trên đôi cao gót lênh khênh mà không nhìn xuống mũi giày.

Mẹ Tùng nói gì nhỉ, người ta luôn cho rằng thời gian trôi qua cơ hội tìm thấy người đàn ông tốt sẽ ít lại, nhưng không phải vậy, cơ hội lúc nào cũng luôn ở đó.

ĐNT