Thất nghiệp. Ở nhà chơi một tháng tôi thấy nhục, bèn lân la tìm chỗ đi làm. Mấy tờ báo, truyền thông, truyền hình free quen rồi bây giờ đòi tiền (dù để cứu đói) cũng thấy khó coi. Tôi tự trách mình ngu, ai biểu hồi đó trong các thông báo công khai (và bí mật) đã viết (và nói rõ): “Nếu muốn nhận nhuận bút xin báo trước với Ban Biên Tập”. (Thông báo vậy có khác nào ngầm nói: “Nếu ho he, hó hé đòi nhuận bút, bài của bạn sẽ đi thẳng vào sọt rác!”) Bởi vậy, tôi (có thể hiểu lầm) đã không báo trước nên những đứa con tinh thần (xinh đẹp) của tôi lần lượt xuất hiện nơi này nơi kia mà không ai chịu có hành động nào hoặc nói gì với tác giả. Một tiếng cảm ơn cũng không luôn! Trừ một tờ, tôi không muốn nêu tên vì nó không được… nhiều người đọc cho lắm! “Em cho chị gởi chút xíu cho vui!” Cái chút xíu đó cũng đủ để tôi uống cà phê Starbucks mười ngày, cho đến cái ngày chị tuyên bố đóng cửa tờ báo – có lẽ vì chị cứ “chút xíu cho vui” với người này người nọ theo lẽ công bằng!

Mấy cái bằng cấp bèo nhèo của tôi gởi đi đâu cũng bặt vô âm tín, dù tôi đã khá kiêu căng photo thêm mấy bằng khen, giấy chứng nhận của thị trưởng thành phố, dân biểu tiểu bang, nghị viên địa hạt v.v. xác nhận tôi là một công dân gương mẫu, từng nhận các giải thưởng này kia khác nọ… có ký tên đóng dấu (như giải nhất chạy marathon dành cho người… khuyết tật!) Những đơn xin việc cứ như Kinh Kha qua sông Dịch Thủy, cứ như Hoàng Hạc nhất khứ bất phục phản không bằng! (tạm dịch: ra đi biền biệt không về!)

Ông xã tôi, phải công nhận, là một người luôn có những sáng kiến tuyệt hảo cho tôi. Nếu có một người nào đó tôi biết ơn nhất trên cõi đời này (sau Ba Mẹ) thì đó chính là ổng. Luôn luôn ổng đứng xa xa nhìn và dẫn tôi về đường ngay lối thẳng. Chắc nhiều khi ổng cũng bực mình tức giận vì tôi nhưng không muốn nói ra, và lúc nào cũng chỉ mỉm cười độ lượng. Ông bà mình nói không sai “Bút sa thì gà chết” hay hình tượng hơn, quyết liệt hơn là: “Một lời nói, một đọi máu”. Hồi tôi còn nhỏ dại, lơ ngơ đi dạy xa nhà… ổng dỗ ngon dỗ ngọt: “Em hãy tựa vào anh, tin tưởng anh, và coi anh như… ba em vậy!”. Hồi… còn nhỏ đó, tôi có cỡ một chục người mà tôi cứ ngỡ (hoặc tưởng bở) là yêu. Nhưng không hề có ai nói câu nào làm tôi xiêu lòng cái rụp như vậy và lấy nhau, để suốt đời ổng luôn coi tôi như… con ổng!

nhung-dem-trang

Bảo Huân

Bởi, tôi nói (ủa quên, ông bà mình nói chớ): Phải uốn lưỡi BẢY lần trước khi muốn tuyên bố điều gì! Câu nói (có thể là trót lỡ lời) mang đầy tính anh hùng ca của ổng được tôi mở nhật ký ghi ngay tức khắc.

Xem thêm:   Vượt biên đường bộ

Thứ sáu ngày 13 tháng 3 năm 1983 anh có nói…(này nọ kia khác)

Ðể bây giờ, mỗi lần ổng muốn hất tôi ra, tôi chỉ cần (giả bộ) rơi vài giọt nước mắt rồi thút tha thút thít: hồi đó, thứ sáu, ngày 13, tháng 3… anh đã nói… Thế là ổng giơ tay đầu hàng bởi mang quá nặng chất sĩ phu Bắc Hà trong máu quân tử nhất ngôn, chỉ dám than thầm trách trộm: cái ngày thứ sáu, mười ba chết tiệt! (Ấy là tôi suy diễn vậy!)

Không ai hiểu tánh tôi bằng ổng. Tôi càn quấy ngang ngược gần bằng con cua. Nếu đường đường chính chính bắt tôi làm điều gì đó là tôi lập tức lắc đầu quầy quậy, dù sau đó sẽ là len lén với tâm thức: ta MUỐN chứ không hề là ta BỊ! Ổng buộc phải chơi trò ném đá giấu tay, vòng vo tam quốc… chí:

– Không cần đi làm đâu em, ở nhà anh nuôi, em không xài phấn sáp nước hoa, không quần áo thời trang, không đua đòi kim cương vàng bạc. Nuôi em đâu tốn kém gì mấy?

– Nghĩ sao mà dám biểu em ở nhà nấu cơm, rửa chén, quét nhà, giặt ủi?

– Em không cần làm những việc đó nếu không thích. Sẽ có người thấy chướng tai gai mắt rồi… làm cho em!

(Nói là nói vậy thôi, chứ thật ra nếu ở nhà chơi không, hay đi làm hai job tối tăm mặt mũi, tôi vẫn chu toàn việc nhà còn hơn một Osin chính thống!)

– Nghĩ sao mà để anh nuôi. Anh nuôi hoài em thấy… nhục!

– Trời ơi là trời, sao em không nói sớm câu này cho anh đỡ khổ?

– Anh không nhớ đó thôi. Câu này em lặp đi lặp lại cả chục lần mỗi khi em thất nghiệp (mà em thì thất nghiệp hầu như thường xuyên, tôi nghĩ thêm trong đầu chớ không nói).

– Em có muốn lấy tờ báo của chị Hannah không? Hôm trước chị nói em làm được đó!

– Không đâu anh ơi, nếu còn kiếm ăn được chỉ đã không bỏ nó. Mỗi lần phát hành, nội cái chuyện đem giao cho khách hàng là em ớn lạnh. Rồi lại phải đi kiếm quảng cáo, có đứa đăng quảng cáo cả năm mà chưa muốn đưa tiền, lại có đứa đưa tiền như trả nợ quỷ thần kèm lời chì chiết. Mấy lần em ném lại vô mặt nó bị chị Hannah la quá chừng.

– Hèn chi em thất nghiệp hoài cũng phải. Cái kiểu em hay NÉM VÔ MẶT những đứa em không ưa!!! Nhưng với TÀI NĂNG THIÊN PHÚ của em, biết đâu em làm tờ báo đó sống lại một cách vẻ vang!

Câu nói đượm đầy mùi xách mé xỏ xiên, nhưng đôi khi tôi thử sức chịu đựng của mình nên vẫn rất nhỏ nhẹ hiền lành:

– Ðừng đánh giá em cao quá vậy!

– Không, anh nhận xét khách quan khi nghe em tuyên bố đầy hãnh diện trên Facebook: Trang T2 của em có nhiều triệu độc giả, khán giả, thính giả lẫn… hành giả quan tâm, yêu mến!

Xem thêm:   Con nhỏ khờ dễ sợ

Lạy Chúa, tôi chết đứng trước “nhận xét khách quan“ này. Chắc chắn ổng len lén chơi Facebook nên mới đọc được những lời cảm tạ độc giả yêu quý và cập nhật lượng người đọc hàng tuần của tôi. Nhanh như chớp, ý nghĩ tôi chạy lướt qua như nhìn trên camera chống trộm mờ mờ nhân ảnh của cái máy dỏm Made in China. Tôi hơi choáng váng một chút và tự kiểm điểm kiểm thảo… Không biết mình có làm cái gì quá đà quá đỗi, có đong đưa điệu đàng gì với ai trên Facebook không nữa!!!

Nhưng hơn tất cả, tôi không biết ổng soi mình từ bao giờ? Nick của ổng là gì nhỉ? Mỗi khi add friend ai, tôi đều tìm hiểu cặn kẽ ngọn nguồn, bị chửi hoài: Bạn ảo mà cũng bày đặt săm soi lý lịch ba đời… còn độ 800 người tôi chưa có thời gian và không cần cảm thấy thêm bạn bớt thù nên chưa add. Nghĩ nhanh lên tôi ơi!!! Cuối cùng tôi có danh sách 2 nhân vật đáng để nghi ngờ:

  1. Mohamed Ali: Anh chàng này rất đáng ngờ khi gởi tặng tôi một chục bài thơ bằng tiếng Ả Rập mà Dũng Kqđ (một nhà thơ nổi tiếng khắp thế giới với kiến thức uyên thâm hiếm có trên đời) đã dịch là:

“Trẫm, Mohamed Ali

Thấy cô Tôn Nữ, tức thì… yêu luôn!!!”.

Trên đời này chỉ có ổng là biết hơn ai hết tôi yêu cô bé Tiểu Siêu, Thánh sứ Bái Hỏa Giáo đến chừng nào, bởi những lúc buồn tôi cứ đọc nghêu ngao:

Lai như lưu thủy hề, thệ như phong

Bất tri hà xứ lai hề, hà sở chung…

(dịch đại:

Chợt đến như dòng nước chảy

Rồi tàn như gió thoảng mau

Không biết từ đâu em đến

Rồi em sẽ về phương nao…)

Và cảm thán: Tình yêu sao buồn đến vậy!

Từ đó suy ra, Nick name của ổng chắc là Mohamed Ali. Tôi gọi nhỏ:

– Mohamed.

Ổng không giật mình, cũng không có phản ứng gì thái quá, chỉ thản nhiên:

– Ðang nói chuyện, tự nhiên thì thào Mohamed. Em có bị gì không đó?

Vậy là không phải rồi.

Ai?

Lạy Chúa, tôi sực nhớ ra một cái nick name khác:

  1. Bin Laden: (Tôi không add nick này vì sặc mùi khủng bố. Tôi ghét tội ác, tôi căm thù những kẻ nhân danh lý tưởng cao cả, thánh chiến hay đấng Ala vĩ đại gì đi nữa để giết người! Giết, làm bị thương hay làm tổn thương bất cứ sinh linh nào cũng đều man rợ!)

Tôi cũng sực nhớ, trước khi Bin Laden chết, chính phủ Hoa Kỳ hứa sẽ trao 5 triệu tiền thưởng cho người bắt được Bin Laden, bạn bè Nha trang cứ xúi giục tôi đem nộp ổng lãnh thưởng vì ổng giống Bin Laden quá cỡ!

Tôi khẳng định:

– Nick của anh là Bin Laden!

Ổng cười :

– Em là người cuối cùng biết điều đó, vì như lệ thường, em chẳng quan tâm tới ai!

– Em không đời nào add friend với ai dính dáng đến bọn khủng bố. Vì sao anh đọc được Facebook của em?

Xem thêm:   Thư cho Thao

– Nhóc ngu ngốc, anh soi em từ Facebook những bạn của em và của anh.

Tôi thấy mình đúng là ngu ngốc thật, không hề đề cao cảnh giác gì cả… đôi lúc lại còn làm ra vẻ độc thân, vui tính, xấu đẹp tùy người đối diện nữa mới ghê!

Tôi rụt rè thăm dò:

– Em hỏi thật, anh thấy Facebook em ra sao?

Tôi hỏi vì biết ổng là người trung thực, không bao giờ biết sợ khi nói ra sự thật mất lòng.

– Facebook em rất tuyệt, hình ảnh rõ ràng minh bạch, khoe chồng, khoe con, khoe nhà, khoe cửa. Tâm tình chân thật thương ai cứ bảo là thương! Bài vở luôn mang giá trị nhân văn đích thực và đôi khi cũng mang hoài bão anh thư liệt nữ!!! Nhưng…

Tôi ghét chữ NHƯNG

Nhưng tôi vẫn lắng nghe vì những điều ổng nói luôn là sự thật.

– Nhưng em nên nhớ em còn phải về VN bán nhà bán đất. Phải thận trọng.

– Dạ em hiểu. (Ðôi khi tôi rất phục thiện, biết điều, dịu dàng, dễ thương các thứ).

– Và, thỉnh thoảng em cũng còn thiếu một chút khiêm cung.

Tôi hơi giận, há miệng ra định cãi, ổng vội vàng trút vào miệng tôi một muỗng cà phê sữa ngọt ngào:

– Anh biết em không cố ý, Nhưng (lại NHƯNG) khi em hùng hồn kết tội người khác: Ðã là nhà giáo, nhà văn… thì phải nhớ nằm lòng hai chữ khiêm cung… là ngay lúc ấy em đã đánh mất hai chữ đó rồi. Em là cái gì mà dám nói người khác như vậy?

Tôi ngần ngừ trầm ngâm suy nghĩ, rồi gật gù tâm đắc (dù có hơi hờn giận chút ít trong lòng):

– Dạ, em hiểu.

Ổng lấy tay xoắn tóc tôi từng lọn (như Ba tôi thường làm vậy hồi tôi còn nhỏ). Tôi không muốn gây chiến trong buổi sáng Thứ Bảy trời đẹp như thế này, mưa lất phất trên vườn cỏ, một vùng Quỳnh Sa Mạc, Loa Kèn Trắng, Hồng Vàng lóng lánh dưới mưa, ngôi nhà ấm áp, mùi cà phê thơm ngát. Tôi nói, rất dịu dàng:

– Anh che dù để em ra vườn cắt Lili vào cắm, mưa, Lili nở trắng cả vườn.

Ổng nhìn tôi, thương xót như nhìn một chiếc bong bóng ai lỡ tay làm bay vút lên trời:

– Em thật lạ, em đi từ chuyện này qua chuyện khác còn nhanh hơn tốc độ của âm thanh và ánh sáng.

Tôi chợt nhớ:

– Ồ, thứ hai em lại đi gởi đơn xin việc nữa đó nhen. Em không muốn ở nhà đâu.

– Vâng, thưa cô. Tôi sẽ tư vấn cho cô một công việc cô vô cùng thích thú.

(Cái giọng Bắc Kỳ di cư đểu giả một cách dễ thương).

Bạn có muốn biết tôi sẽ làm công việc gì mà theo ổng là tôi sẽ vô cùng thích thú không?

Vâng, tôi đã… và Bạn cũng sẽ… Tại sao không?

TNTD – Cali