Sau buổi họp, ông Huy ra về mà trong lòng cứ ấm ức không thấy dễ chịu chút nào, dù ngoài mặt ông giả vờ vui vẻ như tôn trọng ý kiến của tập thể nhưng trong lòng ông không phục. Ðúng là quân ăn cháo đá bát! Có mới nới cũ! Nếu không có ông thì thử hỏi làm gì có cái hội thơ này để mà bây giờ giành nhau cái chức hội trưởng!? Cho dù có vài cá nhân trẻ mới tham gia vào hội nổi trội vì có kiến thức hơn, họ trẻ thật nhưng ông cho rằng trái xanh được ủ chín làm sao bằng ông…chín tự nhiên! Vậy mà trong mười tám hội viên đã có tới mười sáu người bầu cho Mây Phiêu Lưu, (Tên thật của hắn là Lê Tèo nhưng vì cái tên ấy chả có chút gì nên thơ nên hắn chọn bút hiệu là Mây Phiêu Lưu). Chỉ có hai người trung thành bỏ phiếu cho ông, họ là “chiến hữu” sát cánh bên ông từ ngày thành lập hội thơ.

Cảm giác cô độc như cả thế giới đang quay lưng lại với mình. Về đến nhà ông Huy đi thẳng vào trong, chả thèm ghé mắt nhìn chiếc bàn đặt ở góc hiên luôn có một bình hoa, vài cuốn sách và một xấp giấy để ông sáng tác,  đó cũng là nơi các “nhà thơ” trong hội thường đến bàn luận văn chương cùng nhau. Nhớ buổi ban đầu, ông Huy là người có sáng kiến thành lập hội thơ quy tụ những người trong khu vực ông sống, một số cụ, à không, một số người quá tuổi lao động vừa nghỉ hưu. Họ có thời gian thừa không làm gì cho hết.

Tại sao nói ông Huy là người đầu tàu trong cái hội thơ này. Vì một hôm ngồi nhìn mây trời ông bỗng bâng khuâng buột miệng:

– Mây đi đâu đó hả mây? Mời xuống đây để sum vầy cùng ta!

Ông chép vào một tờ giấy rồi ngâm nga với giọng lúc trầm, lúc bổng. Ngâm cho người nhà nghe, bạn tới chơi ông lại ngâm cho họ nghe. Ai nấy đều tấm tắc khen khi biết đó là thơ do ông làm, họ còn nói nếu ông chuyên tâm vào sáng tác sẽ có tác phẩm để đời. Ðược khích lệ, ông liền thực hành ngay. Văn chương phải phát ra từ cuộc sống, đầu tiên là những gì mắt thấy, ngồi vào bữa cơm:

– Hôm nay có món canh hầm. Thịt gà thêm chút rau răm tuyệt vời.

Tới giờ đi ngủ:

– Uống vừa xong chén trà sen. Liền thấy buồn ngủ, tắt đèn đi thôi

Sáng ra:

– Hôm nay trời nắng vàng hanh. Ta thời đi dạo loanh quanh một hồi…

Cả nhà vui vẻ hẳn lên khi thấy ông toàn nói… thơ liền liền như vậy. Rồi ông cặm cụi viết viết, xóa xóa nơi chiếc bàn đặt ngoài hiên vào những buổi chiều tắt nắng. Từ đó nhiều người gọi ông là “Nhà thơ”, mới đầu gọi cho vui, sau thành quen miệng “Nhà thơ Quý Huy”. Rồi một hôm, thằng cháu Tuấn đang học lớp 10 của ông nói:

– Nội nên mua một cái điện thoại cảm ứng, con sẽ mở cho nội một cái phây bút, có bao nhiêu tác phẩm nội đăng hết lên đó cho nhiều người đọc và biết đến tên nội..

Ông Huy tròn mắt trước sáng kiến của thằng Tuấn:

– Thật à? Thế ai sẽ đọc?

– Cả thế giới đọc ấy chứ. Cứ sắm điện thoại, con sẽ hướng dẫn nội từng bước…

Xem thêm:   Tự thú

Gì chứ cả thế giới biết đến thơ của mình, ông Huy nghe nôn nao tấc dạ, liền chi mấy triệu bạc cho thằng Tuấn mua cho ông cái máy điện thoại rồi hướng dẫn cho ông quẹt quẹt, bấm bấm cho quen tay, cũng không khó lắm nên sau mấy ngày là ông đã biết sử dụng sơ sơ. Thằng Tuấn sát cánh bên ông trên từng cây số, ngoài giờ đi học về là nó phải làm “trợ lý” cho ông, dĩ nhiên ông cũng thưởng công cho cháu. Nó đã lập cho ông một tài khoản phây bút, ông viết được bài thơ nào thằng Tuấn phải gõ giùm rồi post lên cho ông. Lần lượt danh sách bạn bè của ông đã chạm ngưỡng năm ngàn, vì ông gởi lời kết bạn khắp nơi không cần lựa chọn, có người confirm, cũng có người không. Ông không quan tâm họ là ai, theo lời thằng Tuấn nói thì đó là những người sẽ đọc thơ ông, chỉ cần có thế! Thằng Tuấn đưa tấm hình ông chụp hồi ngoài bốn mươi tuổi, trông rất bảnh trai. Nhiều chị vào bình luận “Anh phong độ quá”, có chị còn nói “Chắc anh có nhiều cô theo lắm”, ông Huy sung sướng gởi trái tim, mặt cười để hưởng ứng, tinh thần ông bừng bừng khí thế.

Tiếng lành đồn xa, nhóm bạn của ông cũng muốn theo chân ông trở thành “Nhà thơ” vì thấy cũng dễ quá. Ông Huy không giấu nghề, truyền đạt mọi thứ ông biết cho các bạn già. (Cửa hàng điện thoại di động vui nhất vì có doanh thu khi chợt một ngày bán liền mười mấy cái điện thoại thông minh). Từ đó họ thường xuyên gặp nhau với tinh thần văn nghệ, đàm đạo chuyện thơ văn. Làm gì miễn đừng vi phạm pháp luật, chính chị chính em thì chả ai ngăn cấm, nên cái hội thơ “tự phát” được đặt tên “Lục bát vào mùa” ra đời và dĩ nhiên ông Huy là hội trưởng. Hội thơ kêu gọi, phát triển thêm hội viên nữ cho có nếp, có tẻ là mười mấy người. Vì là “hội” nên họ có luật lệ hẳn hoi, phải đóng cả tiền hội phí để sinh hoạt hội, kinh tế của mỗi người đều ổn nên việc tiền nong không làm họ thắc mắc.

Họ có những buổi họp mặt để trao đổi và đàm đạo chuyện văn chương. Khi thì ở quán cà phê vườn, khi thì ở các công viên rất vui vẻ. Tất cả các buổi tụ tập đều được chụp hình rồi đăng hết lên phây bút giới thiệu rất ư là xôm tụ. Hội viên nào cũng kết bạn phây bút ngót nghét năm ngàn nhưng chỉ lèo tèo vài cái like dành cho họ từ trong số đó, các “nhà thơ” rất thất vọng nên hè nhau viết một status: “Những người có trong danh sách bạn bè nhưng không tương tác, tôi sẽ hủy kết bạn”. Hăm dọa thế mà lượng like vẫn không tăng, thế là các hội viên có quy ước phải vào bình luận sôi nổi bằng những lời khen có cánh dành cho nhau mỗi khi trong hội có một bài thơ hay bài văn nào đăng lên.

Các “nhà thơ” cũng chép thơ gởi cho các báo nhưng không thấy hồi đáp, còn chưa có cách vươn xa, vươn cao thì Mây Phiêu Lưu xuất hiện! Hắn là người có bài thơ viết về quê hương đổi mới được một tờ báo ở tỉnh đăng, nghiễm nhiên hắn hơn hẳn các “nhà thơ” trong hội vì đã có thơ chính thức đăng báo. Cũng đồng thời lúc đó ông Huy đăng lên phây bút một bài thơ tả về mùa Thu với lá vàng, lá xanh, mưa, nắng hỗn hợp, thì  có mấy tên trong số năm ngàn bạn phây bút của ông đã chẳng khen thì chớ, lại bình luận “Thơ của anh chẳng khác nào một nồi cháo thập cẩm bị khê!” và “Thời buổi này vui thật đấy. Nhà thơ mọc như nấm sau mưa, ra cửa là gặp “nhà thơ”, bài thơ này lộn xộn chả hiểu ý gì?!”. Ông Huy tá hỏa nhưng chưa biết “xử lý” thế nào cái bình luận đầy ganh ăn, tức ở đó, ông muốn xóa nhưng không biết cách, trong khi chờ thằng Tuấn đi học về thì cả hội thơ đã đọc thấy! Chỉ chờ có thế các “nhà thơ” trong hội quay mặt với ông, bảo ông thiếu “năng lực”. Ông bị “miễn nhiệm” khi chưa hết nhiệm kỳ và nhờ thế tay Mây Phiêu Lưu đã thay ông làm hội trưởng!

Bảo Huân

o O o

Mây Phiêu Lưu đang thao thao “giảng” trong một buổi họp mặt:

Xem thêm:   Chút ân tình cũ

– Thơ lục bát rất dễ mà cũng rất khó. Dễ là cách gieo vần cứ theo luật mà làm. Khó là nếu không chọn được từ ngữ phong phú đọc sẽ giống vè…

Các hội viên nhao nhao hỏi:

– Theo luật là sao? Từ ngữ phong phú là sao?

Mây Phiêu Lưu gãi tai:

– Luật là “Bằng bằng trắc trắc bằng bằng… bằng bằng trắc trắc bằng bằng trắc bằng! Phong phú là là…

Cả hội thơ chả hiểu mô tê gì:

– Luật thơ gì mà như bắn súng vậy hả trời!!!..

Ông Huy hả dạ lắm khi thấy Mây Phiêu Lưu lóng ngóng trước những câu hỏi và trả lời không tới nơi như thế. Nhưng thơ của hắn mà đăng lên phây bút thì lượng người vào bình luận, gởi like nhiều gấp mấy lần các “nhà thơ” trong hội:

“Tình ta dù passed away!

Cho nên hai đứa từ nay hai đường

Wishing you luck, người thương!

Tim ta với một vết thương khó lành!”.

Cũng có người góp ý “Từ ngữ VN không thiếu, nên dùng chữ Việt thơ sẽ hay hơn”. Rồi cũng có lúc hắn gieo thơ theo trường phái mà hắn nói là thơ HaiKu:

Giọt nước mưa.

Rơi trên chiếc lá.

Nắng lên! Khô…”.

Vậy là ra một bài thơ! Gì chứ làm thơ như Mây Phiêu Lưu thì cả hội chịu thua, không ai làm được. Ðúng là tuổi trẻ tài cao, đành phải nhường đường cho hắn. Một hôm Mây Phiêu Lưu nảy ra sáng kiến:

– Hội ta sẽ in tập thơ! Một tập thơ chung, mỗi tác giả chọn những tác phẩm ưng ý nhất có kèm theo ảnh cũng như tiểu sử để giới thiệu cho độc giả khắp nơi biết…

Ai cũng hưởng ứng “đề xuất” của hội trưởng vì hình dung mình ngạo nghễ trong sách thật là oách, nhưng có một “nhà thơ” rụt rè nói:

– Nghe nói bây giờ sách thơ chẳng ai mua…

– Chúng ta không cần bán. Chúng ta in sách để lấy tiếng, nhiều người đã in năm bảy tập thơ nhưng chỉ để tặng đó thôi! Còn bây giờ chúng ta sẽ đóng góp và mỗi người sẽ nhận về một số sách muốn… làm gì thì làm!

Có tiền là có tất cả! Công việc in thơ tiến hành gấp rút vì ai cũng có vẻ mong nhìn thấy đứa con tinh thần của mình ra đời. Chi phí không quan trọng với họ, quan trọng là tấm ảnh đăng kèm tác phẩm của mỗi người đẹp vượt bậc vì không còn một nếp nhăn, một cái mụn nào nhờ được chỉnh sửa! Cái ngày cầm tập thơ trên tay, mỗi “nhà thơ” tự ẩn vào góc riêng của mình mà ngắm nghía, đọc đi đọc lại thơ của chính mình cho sự hài lòng thấm vào tận tim gan! Rồi sau đó lại liên hoan để ký tặng sách. Phong trào văn chương của hội lên hết đỡ nổi!

Xem thêm:   Con nhỏ khờ dễ sợ

Lúc này thì ai cũng công nhận tài năng của Mây Phiêu Lưu. Nên khi anh ta đề xuất tiếp:

– Hội ta sẽ làm một chuyến qua địa bàn khác, trước là đi chơi, sau là giới thiệu sách.

Lại đồng ý, lại chuẩn bị lên đường. Họ bàn cần phải làm một tấm băng rôn treo ở hông xe hay đầu xe để quảng cáo, khi xe ngang qua đâu thì mọi người ở đó biết trên xe có các “nhà thơ”. Bàn bạc sôi nổi để chọn câu gì, cuối cùng họ làm dòng chữ “Ðoàn Văn nghệ sĩ LỤC BÁT VÀO MÙA đi tham quan”.

Rồi đoàn “văn nghệ sĩ” vào một quán ăn dừng dọc đường. Một số khách đưa mắt nhìn khi thấy đoàn người ăn mặc chỉnh tề tiến vào chọn bàn, các “nhà thơ” ngỡ như cả thế giới đã biết tên mình chứ nhằm gì mấy chục thực khách ở đây, nên họ tỏ ra rất lịch lãm cho xứng với phong cách nghệ sĩ. Các nhân viên phục vụ niềm nở ra tiếp. Không vội gọi món ăn, ông Huy hỏi cô nhân viên:

– Cô có biết chúng tôi là ai không?

Hỏi rồi ông hếch mặt lên chờ câu trả lời, thậm chí chắc dạ là cô ta sẽ nói ra cả tên ông, nhưng…

– Dạ… cháu chưa hân hạnh gặp chú trước đây ạ!

– Thế cô có chơi phây bút không?

– Dạ có, nhưng thỉnh thoảng cháu mới vào đọc vài tin tức thôi.

– Thảo nào mà cô không đọc được thơ của tôi. Vậy cô thấy tấm băng rôn ngoài xe chứ?

Cô nhân viên lễ phép:

– Dạ có thấy. Các cô, chú đây là văn nghệ sĩ… gì ạ?

Mây Phiêu Lưu nghĩ ông Huy không nên hỏi đố cô nhân viên như thế, nhưng là người cùng hội, cùng thuyền với ông Huy, nên thể diện của ông cũng là thể diện của cả đoàn nên đỡ lời:

– Ông ấy là nhà thơ Quý Huy! Chúng tôi cũng là đồng nghiệp.

Cô nhân viên tỏ vẻ ngưỡng mộ:

– Hân hạnh quá. Cháu sẽ tìm đọc tác phẩm của chú…

– Có đây! (Vừa nói ông Huy vừa rút ngay tập thơ trong giỏ ra) tôi sẽ ký tên tặng cô.

Thế là một màn giao lưu vui vẻ diễn ra. Các thực khách có mặt cũng được các “nhà thơ” tặng sách. Vậy là họ có quyền vỗ ngực mà nói: “Ta đây đã trở thành nhà thơ chính hiệu con nai vàng”. Họ hình dung những người được tặng sách sẽ đem về đọc một cách say mê mà hả lòng, hả dạ!

Bỏ qua cái vụ sách thơ bây giờ ế không ai mua nhé, không mua thì ta tặng! Cả cái vụ thỉnh thoảng người ta gặp nhiều tập thơ có chữ ký tặng ai đó trong nhà thu mua giấy vụn, bỏ đi tám! Ðó là thiểu số trong những người không biết cái gì về văn chương. Còn riêng hội thơ “Lục bát vào mùa” xem như đã thành công, hứa hẹn một mùa thơ bay bổng…

ĐPTT