Howard Breslin (1912-1964)

Phượng Nghi phỏng dịch

Cửa sổ nhỏ của tiệm kim hoàn chằng chịt những mảnh giấy hẹp dán ngang để ngăn kiếng bị bể vỡ vì các cuộc không kích dữ dội trong Thế Chiến II. Nơi khoảng trống nhỏ ở chính giữa còn chưa dán kín, một người đàn ông nhỏ thó đeo kiếng đang cẩn thận sắp đặt các thứ đồng hồ lớn nhỏ. Ông không để ý đến nhiều người Luân Ðôn đang vội vã đi qua bắt đầu một ngày mới.

Khi bày hàng xong, người đàn ông nhỏ thó bước ra khỏi cửa tiệm và nhìn chăm chú vào cửa sổ. Ông đã xếp đồng hồ lớn đồng hồ nhỏ một cách hết sức cẩn thận – những chiếc lớn đặt thành một hàng ở phía sau, còn phía trước nằm trên mặt phẳng là một vòng bán nguyệt những chiếc nhỏ. Tất cả các mặt đồng hồ lớn đều được chia ngay ngắn ở giữa bằng kim chỉ sáu giờ; tất cả đồng hồ nhỏ, dù mỏng hay dày, đều có kim chỉ thẳng ba giờ.

– Ðược rồi, người thợ kim hoàn nói, vẻ mặt hài lòng. Rất đẹp!

Khoảng một giờ sau, một hành khách ra khỏi xe buýt ở góc đường. Hắn là một người cao lớn, có bộ ria mép màu hoe vàng, mặc một chiếc áo khoác dày và đội mũ đen. Hắn đi hơi khập khiễng phải chống gậy. Hắn mỉm cười khi người cảnh sát ở góc đường chào hắn “Good morning”. Tên người đi khập khiễng đó là Gebhardt.

Gebhardt bước đi chậm rãi, thân hình nặng nề tựa trên cây gậy. Cuộc gặp gỡ với viên cảnh sát lúc nào cũng khiến hắn thích thú, và hắn mỉm cười một mình về sự ngu ngốc của người Anh. Gebhardt nhìn vào cửa sổ tiệm đồng hồ.

Không có biểu cảm nào trên khuôn mặt hắn khi hắn nhìn từ đồng hồ lớn chỉ 6 giờ sang đồng hồ nhỏ chỉ 3 giờ. Hắn đã trung thành đi qua cửa tiệm mỗi ngày suốt hai tuần, nhưng chưa bao giờ vào. Gebhardt chỉnh lại giờ trên đồng hồ đeo tay chậm một giờ và đẩy cửa bước vào.

Một nhân viên bán hàng đang nói chuyện với người thợ kim hoàn ở cuối quầy, nhưng họ quay lại khi cửa vừa đóng. Người thợ kim hoàn nhỏ thó đi về phía Gebhardt và nhìn chằm chằm vào hắn ta hỏi:

– Dạ?

– Ðồng hồ của tôi, Gebhardt nói, hình như đã ngưng không chạy. Khoảng một giờ trước đây.

Xem thêm:   Sói cụt đuôi

Hắn tháo đồng hồ và đặt nó trên quầy. Kim đồng hồ chỉ 9 giờ.

– Tôi thấy rồi, người thợ đồng hồ nói, nó chết rồi.

Gebhardt nhìn về phía nhân viên bán hàng thấy anh ta đang bận coi cuốn catalog. Người thợ kim hoàn cầm chiếc đồng hồ lên.

– Ông cũng thay giùm dây đeo nữa, Gebhardt nói. Dây đó sắp sờn mòn cả rồi.

Thắm Nguyễn

Hắn dựa vào quầy và đợi. Có lúc hắn nhìn vào căn phòng phía sau, chỗ người thợ đã lấy đồng hồ của hắn đem vào. Hắn có thể nhìn thấy ông già đang cúi xuống bàn xem xét chiếc đồng hồ của hắn. Gebhardt châm một điếu thuốc và chờ.

Chưa đầy 5 phút thì người đàn ông nhỏ thó quay lại. Ông ta đưa chiếc đồng hồ đã thay dây đeo mới và Gebhardt đeo vào tay.

– Bạn nên cẩn thận, người thợ kim hoàn nói. Chiếc đồng hồ này tốt đấy.

– Vâng, tôi biết, Gebhardt hờ hững nói. Tôi chắc bây giờ nó sẽ chạy tốt. Hắn trả tiền cho người thợ kim hoàn và rời khỏi tiệm.

Suốt quãng đường trở về căn phòng, Gebhardt vẫn ý thức được chiếc dây đeo trên cổ tay, nhưng hắn đã không nhìn đồng hồ dù chỉ một lần. Dù sao thì làm công việc như hắn, không thể không quá cẩn thận.

Khi vào được trong căn phòng nhỏ nơi hắn trú ngụ kể từ hôm đầu tiên đến Luân Ðôn, Gebhardt trút bỏ mọi vẻ ngoài khập khiễng, đi lại trong căn phòng nhanh nhẹn và vững chãi, khóa cửa, kéo màn xuống. Xong xuôi, hắn thắp đèn trên bàn làm việc và cởi đồng hồ đeo tay ra.

Lanh lẹ, hắn tháo dây ở cả hai đầu chiếc đồng hồ, rồi dùng một con dao để mở đầu dây, và cuối cùng lấy tay lôi ra một mảnh giấy nhỏ rất mỏng. Hắn trải tờ giấy trên bàn và dùng một chiếc kiếng bắt đầu nghiên cứu bản tin nhắn được viết bằng mật mã.

Tin nhắn ngắn gọn và đi vào điểm chính: “Xe tải từ Quảng trường King Charles sẽ chở Trung đoàn 55 ngày mai A.M. Hành động ngay.”

Thì ra vậy, Gebhardt nhỏ nhẹ nói. Hắn đốt tờ giấy trong gạt tàn thuốc lá rồi ngồi trầm ngâm một lát. Trước đây hắn biết rằng một số lượng lớn xe tải ở Quảng trường King Charles được sử dụng để chở binh lính từ Luân Ðôn đến bờ biển. Và ở đâu đó dọc theo lộ trình, xe tải cùng binh lính bị chất nổ nổ tung thành từng mảnh.

Xem thêm:   Sống sót

Gebhardt kéo chiếc vali từ gầm giường và mở ra trên bàn làm việc. Từ trong những lớp đệm bằng bông, hắn lấy một quả bom. Bom rộng và dẹt, hình dạng khác nhiều so với loại bom thông thường kiểu cũ. Ðem gắn bằng dây điện vào đáy động cơ xe hơi, quả bom gây chết người khi động cơ nóng lên.

Hắn quyết định mang theo một gói nhỏ khoảng 14 quả bom. Ðó là tất cả những gì hắn có thể gắn được trong hai giờ. Ðường đi nước bước trong quảng trường King Charles hắn đã nắm rõ. Khoảng nửa đêm, tất cả binh lính và thợ máy đều đi hết; vào lúc hai giờ, một cảnh sát tuần hành sẽ đi vô để kiểm soát. Gebhardt rất hài lòng. Nhờ sự lỏng lẻo của người Anh, cả không gian đó là của một mình hắn suốt trong khoảng từ 12 giờ đến 2 giờ đêm.

Nghĩ đến tầm quan trọng của giờ giấc, hắn như chợt được nhắc nhở, liền ráp dây mới vào đồng hồ rồi đeo vào cổ tay và ngồi yên, nhìn vào không gian, nhẩm kiểm tra từng chi tiết của kế hoạch.

Gebhardt mỉm cười. Chắc ăn rồi! Bên ngoài cửa tiệm kim hoàn, trước khi bước vào, hắn đã vặn đồng hồ lùi lại sáu mươi bốn phút để làm ám hiệu cho người thợ kim hoàn. Lúc này hắn lại mỉm cười khi đã di chuyển kim phút của đồng hồ nhanh hơn chính xác sáu mươi bốn phút cho đúng giờ giấc. Không bao giờ quên những chi tiết nhỏ này khiến hắn trở thành đặc công giỏi, và hắn biết điều đó.

Khi đến giờ hành động, Gebhardt cẩn thận di chuyển trong bóng tối của những con đường đen như mực. Ở con hẻm phía sau Quảng trường King Charles, hắn dừng lại và nhìn đồng hồ. 12 giờ đúng. Gebhardt mỉm cười. Toàn bộ sự việc diễn ra chính xác. Hắn đợi thêm 10 phút nữa cho an toàn.

Gebhardt trèo rào, di chuyển cẩn thận dọc theo một khoảng hẹp giữa hai tòa nhà, và bước ra Quảng trường King Charles. Hắn đứng một lúc, đếm những chiếc xe tải hình dạng màu đen.

Gebhardt chuyển đến chiếc xe tải gần nhất. Hắn đặt gói hàng xuống, lấy từ trong túi ra một ít dây điện và chiếc kềm cắt dây. Hắn trườn xuống gầm xe tải và rờ dọc theo đáy động cơ. Nằm ngửa, làm việc trong bóng tối, hắn bắt đầu gắn dây quả bom vào đúng vị trí hắn muốn.

Xem thêm:   Bài học đầu đời

Có người giẫm lên mắt cá chân của hắn.

Chân Gebhardt đau nhói, và hắn cắn chặt môi, nín thở. Không, hắn nghĩ, không thể có ai ở đây được. Vào giờ này không khi nào có ai. Mình đã kiểm tra chuyện đó nhiều lần. Nhưng sức nặng đó cứ đè lên mắt cá chân của hắn.

– Ðủ rồi, thưa ngài, một tiếng nói cất lên. Ra khỏi đó đi.

Chiếc kềm cắt dây điện rơi khỏi tay hắn. Hai tay ai đó nắm lấy chân Gebhardt kéo ra. Trong cơn hoảng loạn, người hắn vùng vẫy, chồm dậy và chạy thục mạng như điên.

Một người đàn ông hét lên. Có người thổi còi. Một bóng người từ đâu nhảy tới và đè hắn xuống đất. Gebhardt tung nắm đấm vào mặt người đó, hai lần, để thoát ra, chạy tiếp. Hắn đụng phải một bức tường, rẽ nhầm đường. Một chiếc đèn pin chiếu thẳng vào hắn. Hắn quay lại nhưng quá muộn.

– Ở đó! Bắt lấy nó!

Gebhardt rút khẩu súng lục của hắn ra. Ðang chạy, hắn nghe thấy họ hét lên như thế khi họ đến gần hơn.

Sau lưng hắn có tiếng súng nổ nhanh, và có thứ gì đó trúng vào lưng hắn. Không, Gebhardt nghĩ, kế hoạch rất hoàn hảo mà. Rồi một cơn đau nhói. Hắn thều thào:

“Không.” Khi những người lính đến được chỗ hắn thì hắn đã chết. Hắn nằm sõng soài, một cánh tay duỗi ra phía trước mặt, đồng hồ đeo tay vẫn chỉ giờ.

– Cha này lớn mật thiệt, một người lính trẻ nói. Chả bước vào đây như chỗ không người. Chả đeo một chiếc đồng hồ đẹp. Nhưng mặt kiếng đã vỡ khi chả ngã xuống.

– Ðồng hồ của hắn nhanh một giờ, một binh sĩ thứ hai nói. Sao vậy ta?

Người thợ kim hoàn nhỏ thó còn ngạc nhiên hơn khi ông ta đọc tin về Gebhardt trên báo ngày hôm sau. “Mình không thể hiểu được,” ông nghĩ. “Thằng cha chắc đã bất cẩn. Không có gì sai về phía mình cả. Quái, đồng hồ ám hiệu hắn đưa ra thì chậm sáu mươi bốn phút, mình đã cẩn thận chỉnh lại đồng hồ của hắn cho đúng trước khi đưa lại cho hắn mà.”

Phượng Nghi phỏng dịch