Hachem Kabir thận trọng bước tới trong cảnh đổ nát của thành phố cổ Palmyre giữa sa mạc, nằm cách thủ đô Damascus, Syria, không xa.

Ðó là một đêm sáng trăng. Hachem Kabir chậm rãi bước tới. Anh không quan tâm đến khung cảnh uy nghi và lãng mạn chung quanh bởi anh không phải là du khách. Anh có mặt tại khu đổ nát Palmyre tối nay, ngày 16 tháng 10 năm 1955, với một lý do hoàn toàn khác.

Hachem dừng chân ngay tại nơi, mà cách nay gần 2000 năm, là ngôi đền chính của thị trấn cổ xưa Palmyre… Hachem đưa mắt nhìn quanh, không một bóng người. Vậy anh là người đến trước. Anh đứng bất động… Từ xa, có thể nhìn thấy anh với dáng vóc cao to trong chiếc áo choàng buanu màu trắng. Nét thanh tú hiện trên khuôn mặt trẻ trung nhưng khá nghiêm trọng của anh. Dù chỉ ở tuổi 18, Hachem đã trở thành chủ gia đình, bởi cha mẹ anh đã qua đời trong trận dịch bệnh hồi năm ngoái. Từ đó, theo tập quán của bộ tộc Ả Rập du cư vùng sa mạc, người con trai cả sẽ thay thế cha mẹ để bao bọc, che chở Suleima, em gái của mình.

Hachem chăm chú nhìn vào khung cảnh đổ vỡ, vắng vẻ chung quanh… Chính vì em gái Suleima mà Hachem đến đây tối nay. Vừa tròn 17 tuổi, Suleima có sắc đẹp hoa nhường nguyệt thẹn mà không phải người phụ nữ sa mạc nào cũng có: dáng người cao, thon thả, cân đối, đôi mắt to đen láy và mái tóc nâu tựa như cô gái trong truyện thần thoại Ba Tư “Ngàn lẻ một đêm”. Vì vậy, Hachem nhận được nhiều lời ngấp nghé cầu hôn em gái mình. Anh đã từ chối nhiều nơi. Anh định sẽ chọn người mang đến cho Suleima nhiều hạnh phúc nhất.

Cho nên khi Ahmed Lahouine đến cầu hôn, Hachem đã rất quan tâm. Ahmed Lahouine là con trai của một gia đình giàu có. Ahmed yêu Suleima cuồng nhiệt. Hắn đề nghị lễ vật cưới lên đến 30 con lạc đà.

Khối lễ vật này là quá hậu hĩ. Theo lệ thường, Hachem đã có thể đồng ý ngay. Nhưng Hachem rất yêu quý em gái. Cho nên trước khi chấp nhận, Hachem muốn hỏi ý em gái mình.

Thắm Nguyễn

Hachem hồi tưởng lại cuộc trò chuyện với em gái diễn ra tối hôm kia:

– Suleima này. Ahmed Lahouine muốn cưới em làm vợ, lễ vật là 30 con lạc đà.

Chỉ nghe vậy, Suleima đã bật khóc thành tiếng. Hachem cầm tay em gái:

– Nếu em không muốn nó, anh sẽ từ chối. Em đã yêu ai khác hả Suleima?

Suleima gật đầu.

– Em yêu ai vậy?

-Youssef Mourad.

– Trung sĩ, lính cưỡi lạc đà?

– Dạ

– Youssef đã ngỏ lời với em chưa?

– Dạ rồi.

– Vậy em có muốn làm vợ Youssef không?

– Có.

Hachem suy nghĩ nhanh. Youssef Mouhad là một chàng trai đứng đắn, trung thực. Ngoài ra, lính cưỡi lạc đà rất có uy tín trong sa mạc. Nghĩ vậy, Hachem ôm em gái vào lòng:

– Vậy thì em hãy nói với Youssef tiến hành hỏi cưới em đi, anh sẽ chấp nhận.

Vấn đề gai góc nhất còn lại là thông báo tin này cho Ahmed Lahouine biết. Cuộc hội kiến với Lahouine đã diễn ra ngoài sức tưởng tượng dự kiến. Lahouine đã nổi giận. Tay đặt lên chuôi của cây dao găm, hắn lặp lại:

– À, thì ra là thế!

Hachem cũng nóng nảy không kém. Trong lúc thiếu kềm chế, anh đã xua đuổi Lahouine. Nhưng hắn không đi mà bước lại gần Hachem, giọng hăm dọa:

– Anh từ chối lời cầu hôn và xúc phạm danh dự của tôi. Tối nay, anh có dám đến khu phố cổ đổ nát Palmyre không?

Hachem bình tĩnh trả lời:

– Ðược, tôi sẽ đến.

Hachem Kabir cũng nắm chặt chuôi cây dao găm cong vút trong tay. Hachem không nói một lời nào với Suleima vì không muốn làm cho em gái phải lo âu. Dù sao thì sự đối đầu tay đôi kiểu như thế này cũng ít khi kết thúc bằng cái chết vì cuộc đọ sức chủ yếu là để bảo vệ danh dự…

Một bóng đen vừa xuất hiện giữa những trụ đá cao tròn trong khu đổ nát. Hachem Kabir nhìn Ahmed Lahouine dừng lại cách anh vài thước. Bằng động tác nhanh nhẹn, Hachem rút cây dao găm ra khỏi vỏ. Ðối thủ của anh cũng kéo vạt áo choàng buanu. Và bất chợt, Hachem la ồ lên một tiếng. Không anh đã không nhìn lầm!… Một sự dối trá như thế là không thể! Nhưng…, đó lại là sự thật: Lahouine vừa lấy ra từ bên trong vạt áo một cây súng ngắn chứ không phải là cây dao găm. Một tiếng nổ vang lên giữa cảnh đổ nát sa mạc…

Xem thêm:   Arkhom

Một ngày mới lại đến với Palmyre… Suleima Kabir và Youssef Mourad đi tìm anh trai của mình. Suleima phát hiện ra và chạy đến ôm xác anh trai, tức tưởi khóc. Youssef đứng kế bên, bất động. Khi người yêu đứng dậy, Youssef, qua ánh mắt của Suleima, nhìn thấy một mưu lược đang hình thành…

Suleima nâng xác anh trai lên. Nàng nói với Youssef đứng kế bên, nét mặt chưa hết sững sờ:

– Này Youssef, anh giúp em một tay với. Chúng ta không thể để Hachem ở đây mãi.

Trung sĩ lính cưỡi lạc đà xốc xác Hachem lên và đặt lên yên của một trong hai con lừa mà họ cưỡi đến. Họ bước về theo chiều ngược lại dưới ánh nắng nóng dần lên. Cuối cùng, Youssef lên tiếng:

– Em định sẽ làm gì?

Suleima thì thầm đáp lời:

– Em sẽ làm tròn bổn phận của mình.

– Em định báo cảnh sát ư?

– Không.

– Nhưng đây là một án mạng. Hachem bị bắn trúng tim.

Giọng nói của Suleima càng khẽ khàng hơn nhưng rất cương quyết:

– Em biết. Hachem bị bắn hạ bởi một tên hèn nhát và em biết rõ hắn là ai.

– Hachem có nói với em anh ấy đi gặp ai ở Palmyre không?

– Không. Nhưng em biết chắc chắn không ai khác ngoài Ahmed Lahouine.

Youssef Mourad cố gắng thuyết phục người yêu:

– Em nói rất đúng. Và chính vì vậy mà chúng ta phải trình báo tất cả sự việc cho nhà cầm quyền. Ahmed sẽ bị truy tìm và trừng phạt.

Suleima bất bình nhìn Youssef:

– Anh muốn làm điều đó sao? Anh sẽ đi báo?

– Nghe này Suleima. Em phải hiểu cho anh. Anh buộc phải làm như vậy và anh là lính cưỡi lạc đà và đây là một vụ án mạng.

– Nếu anh làm điều đó, Youssef, anh có thể nói lời chia tay vĩnh viễn với em!

Trung sĩ Youssef im lặng suy nghĩ. Trong vài phút, chỉ có tiếng chân của hai người và hai con lừa vang lên giữa sa mạc cát trắng. Cuối cùng, Youssef chỉ còn biết bất lực hắt ra tiếng thở dài buồn bã.

Bằng giọng nói lạ lùng, xa vắng, Suleima lên tiếng như trong giấc mơ:

– Sau khi chôn cất Hachem, em sẽ ra đi…

– Em sẽ đi đâu?

– Em sẽ chôn Hachem ở tư thế ngồi vì anh ấy sẽ không thể nằm an nghỉ khi anh ấy chưa được báo thù.

– Ý em là…

– Em sẽ trả thù cho anh ấy, đúng vậy!

– Em có điên không? Một người con gái không đủ sức để báo thù!

– Nhưng em thì có đó!

– Em có biết luật lệ sa mạc không mà đòi trả thù? Và liệu em có biết báo thù bằng cách nào không?

– Em biết rất rõ. Và em cũng biết vì em mà anh Hachem đã hy sinh. Vì tình anh em mà anh ấy dành cho em. Vì Hachem không muốn gả em cho một người mà em không yêu thương. Anh ấy đã làm một việc mà không một người anh nào khác làm cho em gái của mình. Và em cũng sẽ làm điều mà không một đứa em gái nào khác dám làm vì anh của mình!

Một hồi im lặng khác diễn ra rồi Youssef lên tiếng:

– Suleima, em có còn nghĩ đến chuyện của đôi ta không?

Lần đầu tiên, Suleima lấy lại giọng nói êm dịu:

– Em không còn lựa chọn nào khác. Chúng mình có thể sẽ gặp lại nhau sau này, nếu đó là ý muốn của thánh Allah.

– Suleima, hẳn em biết rõ điều đó là không thể vì em sẽ không bao giờ thoát khỏi tù tội nếu em thực hiện ý định trả thù cho Hachem.

Suleima không nói tiếng nào. Youssef Mourad cố gắng thuyết phục người yêu thay đổi ý định một cách vô vọng:

– Suleima, em sẽ không có cơ may thành công đâu. Em nên bỏ ý định thực hiện mưu đồ giết hắn đi.

– Không, đây không hẳn hoàn toàn là sự trả thù.

Youssef cầm lấy tay người yêu:

– Vậy thì anh sẽ thay mặt em để trả thù cho em.

Xem thêm:   Chút ân tình cũ

– Không, anh không có quyền làm điều đó.

– Vậy thì chúng ta cưới nhau đi. Với tư cách là chồng em, anh có thể thực hiện việc trả thù.

Nhưng Suleima lắc đầu:

– Em sẽ không lấy chồng. Chúng mình nên chia tay nhau, Youssef. Có lẽ chúng ta sẽ gặp lại…

Khi họ về đến khu nhà ở, những người Ả Rập du cư ồn ào chạy đến vây quanh họ. Youssef Mourad trìu mến nhìn Suleima và nói:

– Anh biết rồi Suleima. Anh sẽ không nói gì hết. Anh làm điều này vì tình yêu anh dành cho em.

Tại khu nhà ở, họ không thấy Ahmed Lahouine. Hắn đã biến mất từ đêm qua trên con lạc đà. Sự chạy trốn này là lời thú tội…

Ba ngày sau, Suleima Kabir cũng ra đi trên lưng con lạc đà, mang theo một số nữ trang mà nàng cần để trang trải cuộc mưu sinh. Nàng cố gắng không nghĩ đến ánh mắt trìu mến mà Youssef  nhìn nàng trong lúc chia tay. Nàng tập trung suy nghĩ về hình ảnh thê thảm: người anh trai chôn ngồi bên những khối đá trong sa mạc.

Ngày 2 tháng 9 năm 1956. Ðường phố ở Hama, một thành phố lớn của Syria, ồn ào, nhộn nhịp bước chân của người qua lại như thường lệ. Hơn nữa hôm nay là ngày nhóm chợ tại đây. Nhưng không có gì gây sự chú ý của một phụ nữ trẻ, mặt bịt khăn như nhiều phụ nữ khác chung quanh, chỉ chừa đôi mắt mở to nhìn những người đàn ông qua lại với sự chăm chú khác thường.

Ðã hơn một năm qua, Suleima Kabir bôn ba khắp nơi trên đất nước Syria để tìm Ahmed Lahouine. Ðầu tiên, nàng đến Damas, thủ đô Syria. Nhưng không thấy bóng dáng hắn đâu cả. Sau đó Suleima đi lên phía Bắc và, từ ba tuần lễ nay, nàng đến Hama.

Cuộc sống của Suleima hết sức cơ cực với những chuyến đi vừa vất vả vừa nguy hiểm thân gái dặm trường. Ði lang thang như thế trên đường phố đặc biệt rất nguy hiểm đối với một phụ nữ. Suleima cũng gặp rất nhiều khó khăn để tìm chỗ trọ. Nhưng nàng không nản lòng nhụt chí. Lòng nàng luôn được hun đúc bởi sự quyết tâm trả thù cho anh trai. Trong thâm tâm, nàng tin chắc Ahmed Lahouine sẽ không chạy thoát. Nàng tin tưởng sẽ tìm ra hắn dù hắn đã rời bỏ Syria và ngay cả khi nàng phải đi đến cùng trời cuối đất.

Trong cuộc truy tìm, Suleima tận dụng ưu thế vốn có của phụ nữ là sự khéo léo, nhanh trí và thông minh. Bộ y phục Hồi giáo chính thống trùm kín người kể cả gương mặt giúp Suleima có thể quan sát người khác mà không bị họ nhìn lại. Nhờ đó mà Suleima có thể lặng lẽ và an tâm nhìn những người chung quanh. Ngay khi chỉ cách Suleima một mét, Ahmed Lahouine cũng không thể nhận ra nàng.

Bỗng Suleima giật nảy người! Tên ăn mày ngồi dưới đất, gã thanh niên trẻ ăn mặc rách rưới và dơ bẩn, phải chăng là hắn?

Suleima bước đến gần hơn và chăm chú quan sát hắn. Hẳn nhiên là hắn không giống chút nào với tay thanh niên người Ả Rập du cư giàu có, ngạo nghễ đã đề nghị đổi 30 con lạc đà để lấy nàng làm vợ nhưng đã bị anh nàng từ chối. Hắn có đường nét, dáng vẻ giống hệt Ahmed Lahouine và sự suy tàn hiện tại của hắn cũng là lô gích thôi. Ahmed Lahouine đã bỏ trốn một cách vội vã. Có thể hắn đã mang theo một ít tiền, nhưng hắn sẽ nhanh chóng tiêu xài hết để cuối cùng phải lê la cuộc sống cơ hàn.

Suleima nhìn chòng chọc vào tên ăn mày. Mọi thứ đều giống nhau như đúc và sự trùng khớp này thật sự ấn tượng, nhưng liệu chừng ấy có đủ để hành động chăng vì nhất định nàng không được nhầm lẫn…

Tên ăn mày để ý thái độ lạ lùng của người phụ nữ. Nghĩ rằng đó là sự thể hiện lòng thương hại, hắn đưa tay ra van xin:

– Xin bà hãy bố thí nhân danh thánh Allah.

Suleima kềm nén đôi tay đang run. Giọng nói của hắn! Ðúng là giọng nói của Ahmed Lahouine. Giây phút rung động sớm thoáng qua. Và bây giờ chính là thời khắc khó khăn nhất mà nàng quyết tâm phải hoàn thành.

– Nhân danh thánh Allah, xin bà bố thí cho kẻ khốn khó này…

Xem thêm:   Bị chôn sống

Suleima bước vội đi không một lời hồi đáp. Nhưng nàng dừng lại dưới một mái hiên cách đó chừng 20 mét. Với dòng người qua lại  đông đúc như hiện tại, nàng khó lòng thực hiện thành công sự trả thù cho anh trai. Suleima cần ít ra là đôi ba phút đối mặt riêng rẽ với hắn. Cho nên nàng bắt buộc phải chờ đợi cơ hội… Thời gian chậm rãi trôi qua. Màn đêm sắp buông xuống. Suleima cảm thấy bồn chồn vì một phụ nữ Hồi giáo không thể ở ngoài đường vào ban đêm, và nàng buộc phải rời vị trí nơi nàng đứng quan sát hắn. Nàng có nên quay trở lại vào ngày mai? Có thể hắn đến đây ăn xin mỗi ngày nhưng đó chỉ là có thể chứ không phải chắc chắn. Và nếu ngày mai hắn biến mất thì sao? Nếu hắn nghi ngờ vì thái độ lạ lùng của người phụ nữ bí ẩn kia thì sao? Liệu hắn sẽ đoán ra chuyện chăng  Cách tốt nhất là nên chăng hành động ngay dù cho dòng người qua lại vẫn còn khá đông vào lúc hoàng hôn?

Suleima nắm chặt chuôi cây dao găm uốn cong của người anh quá cố mà nàng mang theo bên trong chiếc áo choàng rộng. Ý nghĩ bị bắt sau khi hoàn thành cuộc ám sát không làm cho nàng sợ. Ðiều nàng lo sợ chính là bị người qua lại phát hiện và cản trở khi đang thực hiện việc trả thù.

Suleima cố kềm nén tiếng thở dài. Nhưng thánh Allah đã không phụ nàng vì Ahmed Lahouine vừa đứng lên. Sau cái vươn người, hắn chậm rãi lê bước đi. Suleima vững tin vào sức lực đang chảy mạnh trong huyết quản mà nhịp đập ngày càng tăng nhanh. Và một lần nữa, thánh Allah giúp nàng: tên ăn xin rẽ vào con hẻm vắng. Suleima không bỏ lỡ cơ hội quý hiếm này.

Nàng gọi to:

– Ahmed!…

Người được gọi tên quay người lại. Có lẽ đã biết chuyện gì đang xảy ra, nhưng hắn đứng im nhìn nàng như trời trồng. Phải chăng sự bất ngờ làm hắn tê liệt hay hắn sợ bị đánh giá là kẻ hèn khi chạy trốn trước người phụ nữ?

– Suleima, em đấy à?

– Ðúng là tôi đây.

– Em muốn gì?

– Giết anh…

Và cùng lúc với câu trả lời, Suleima rút cây dao găm ra. Lahouine ấp úng:

– Nhưng anh không thể đánh nhau với một phụ nữ!

Suleima bật cười thành tiếng:

– Anh nói ai đánh nhau với ai? Trước đây anh có đường đường chính chính đánh nhau với anh của tôi không?

Lahouine lùi nhanh lại phía sau. Suleima vừa rút ra khỏi áo choàng cây súng ngắn. Hắn co giò chạy nhanh. Nhưng đã quá muộn. Một tiếng nổ vang lên, rồi tiếng nổ thứ hai. Hắn ngã lăn ra đường.

Tiếng súng nổ vang dội được nhiều người nghe thấy. Họ chạy vào con hẻm và phát hiện cảnh tượng khủng khiếp. Suleima nghiêng người về phía Lahouine và dùng cây dao găm của anh trai mổ ngực hắn lấy trái tim… Ðó là cách trả thù của người Ả Rập du cư: mổ lấy tim kẻ thù! Nếu không nán lại lấy tim kẻ thù, có lẽ nàng đã chạy thoát. Ðám đông vây quanh lấy Suleima và trái tim nằm bên cạnh xác chết. Vậy là Suleima mãn nguyện vì đã hoàn thành nhiệm vụ.

Luật pháp dân sự sẽ xử một vụ án tương tự như thế nào? Dù đã thực hiện cuộc trả thù ghê rợn, Suleima Kabir không thật sự là một kẻ tội phạm. Nàng đã hành động vì tình thương anh em, vô vụ lợi, không ngần ngại gạt qua một bên tấm chân tình với người yêu Youssef Mourad. Nếu làm theo lòng ích kỷ và ngại gian khó, Suleima đã bằng lòng cưới Youssef Mourad và an vui với cuộc sống lứa đôi.

Ðó là lập luận của luật sư bảo vệ Suleima trong phiên tòa diễn ra tại Hama vào tháng 1 năm 1957. Chắc chắn các quan tòa đã thông cảm với tình cảnh của bị cáo nên chỉ kêu án 3 năm tù giam. Mãn hạn tù, tất nhiên Suleima đã cưới Youssef Mourad, người đã chung tình chờ nàng.

Nhưng việc làm đầu tiên của đôi vợ chồng sắp cưới là tổ chức buổi lễ cải táng người anh quá cố về tư thế nằm. Cuối cùng ước nguyện của Hachem Kabir đã được thực hiện. Giờ đây anh có thể nằm an nghỉ giấc ngủ ngàn thu.

Jean-Francois Nahmias

Đào Duy Hòa phỏng dịch