Người miền Nam nợ người lính VNCH một món nợ ân tình, món nợ sẽ đi suốt cuộc đời, những món nợ vay bằng sinh mạng, bằng tuổi xuân, bằng hạnh phúc của những người lính VNCH.

Tháng Tư về, mời bạn bắt đầu theo dõi câu chuyện “Con Nợ Chú Một Đời”, đời thật một người lính biệt kích Lôi Hổ được tác giả Vũ Hoàng Đức Hiếu viết lại như một tiểu thuyết.

(các tiểu tựa của BBT Trẻ)

KỲ 2

Đường vào binh nghiệp

Ngay buổi trưa hôm đó, tôi bọc cẩn thận tấm hình của ba mà má tôi bỏ lại cùng ba bộ quần áo, mùng mền và ít đồ dùng thường ngày vào gọn trong chiếc balô nhà binh của ba tôi dùng ngày trước.

Tôi viết mấy chữ một cho bạn Trường và một cho bà chủ nhà với câu xin lỗi, báo cho họ biết là tôi đã ra đi, dán trước cánh cửa. Nhìn căn nhà một lần cuối tôi bước lùi dần với hai hàng nước mắt trong đau khổ, để lại nơi đây những kỷ niệm ngọt ngào của những tháng ngày hạnh phúc trong mái ấm gia đình cùng ba má. Tôi không bao giờ oán hận sự ra đi của má, mà tôi chỉ muốn biết được tại sao má lại đành đoạn bỏ đi cái núm ruột phải mang nặng đẻ đau của mình mà thôi. Bước chân run rẩy, tôi bước đi về nơi phương trời vô định… Tôi qua phố đường Trần Hưng Ðạo bán chiếc xe đạp để có tiền ăn trong những ngày tới.

Hơn một tuần nay, hằng đêm tôi căng mùng ngủ trên mấy cái sạp ở chợ Ðông Ba, buổi sáng tôi phụ mấy cô dì khiêng hàng vào để bán, sắp đặt gọn gàng, hơn nữa tôi có sức khỏe, làm cẩn thận siêng năng nên có một chị bán trái cây gọi tôi đến phụ. Lúc đầu không quen có chút lọng cọng nhưng được chị Mai hướng dẫn tận tình vài hôm sau là tôi làm thuần thục, biết hoàn cảnh của tôi quá bi đát, vậy là hàng ngày đi bán hàng chị đem thêm phần cơm buổi trưa cho tôi cùng ăn với chị. Từ ngày có tôi, cũng nhờ quen biết với ban quản lý chợ, chị Mai xin họ cho tôi ở lại ngủ trên sạp hàng của chị. Vậy là cả tháng nay chị không cần dọn hàng mang về nhà như mọi khi nữa mà gom lại bỏ vào thùng chứa. Mấy sạp hàng xung quanh cũng vậy họ cũng cho tiền để tôi canh giữ, và nuôi tôi cơm nước hàng ngày.

Xem thêm:   Ngoại tình

Một ngày như mọi ngày không có gì thay đổi, bỗng một đêm, đang ngon giấc thì bị vật gì đập vào chân đau điếng, dây buộc mùng cũng bị đứt phủ xuống người, tôi ngồi bật dậy loay hoay một lúc mới chui ra khỏi chiếc mùng… Một tiếng nạt vang lên:

“Ê… Nhóc con, ai cho mày ngủ ở đây hả?” Nhìn thấy 4 thằng, 3 đứa chắc cũng cỡ tuổi tôi, còn một đứa thì cao lớn hơn một chút tay cầm chiếc gậy tre, tôi chưa kịp nói gì thì tên cao lớn đã dùng gậy tre đánh vào bả vai tôi tiếng “bốp”. Quá bực tức vì vô cớ bị nó đánh, không nhịn được tôi liền chạy qua mé bên kia cái sạp, luồn tay xuống dưới gầm sạp lấy cái xẻng mà thường ngày tôi dùng để xúc rác, lao người tới đánh lia lịa vào thằng cao lớn vừa đánh tôi, không ngờ trúng mấy cái nó gục xuống nằm một đống máu me tùm lum. Chưa dừng ở đó, tôi cầm cái xẻng phang luôn cho hai thằng đứng gần đó mấy cái. Một thằng chạy thoát, còn hai đứa thì bị tôi đánh tới tấp ôm đầu máu xin tha. Tiếng ồn ào la hét giữa màn đêm yên tĩnh, vậy là từ đâu đám Nhân Dân Tự Vệ và lính Biệt Chính kéo nhau tới hốt hết chúng tôi về bót. Tôi xin anh lính cho tôi lấy ba lô và đồ đạc mang theo.

Bảo Huân

Sau khi biết được nguyên nhân sự việc xảy ra, họ nói tôi không có tội gì cả, nhưng anh lính biểu tôi nói địa chỉ để có người thông báo cho cha mẹ hay người nhà đến lãnh về…

Xem thêm:   Lính đánh thuê

“Thưa chú, cháu không có nhà.” Rồi tôi kể chuyện toàn bộ sự thật của gia đình tôi cho người lính mặc áo quần màu đen nghe… Ông lính nhìn tôi sững sờ rồi bỗng dưng ông hỏi:

“Ba của cháu tên họ là gì?”

“Dạ ba cháu là Vũ Ðức Trung thưa chú”, Ông chộp lấy hai bả vai của tôi hỏi lớn:

“Có phải ba của cháu vừa qua đời hơn hai tháng trước có đúng không?” Tôi nhìn ông ta gật đầu rồi lấy từ ba lô ra khung hình của ba đưa cho ông lính xem chứ không nói gì, nét mặt ông thay đổi hẳn chứ không nghiêm nghị như lúc nãy nữa. Ông xoa đầu rồi ôm tôi vào lòng nhỏ nhẹ nói.

“Chú tên là Ðiền làm việc chung với ba cháu… Cháu ngồi đây chút xíu chú quay lại ngay”, dứt câu là ông khuất người sau khung cửa…

Bốn người cùng bước vào phòng, chú Ðiền nói với người đi bên cạnh:

“Anh à… Con trai của Thầy Trung đây nè…” Ông đi bên cạnh với chú Ðiền có lẽ là người chỉ huy ở đây. Sau khi ông chuyện trò thăm hỏi về gia đình và cuộc sống của má con tôi bây giờ như thế nào, tôi thuật lại ngày tôi và má từ Sài Gòn theo Ba ra đây cho đến nay, và hơn hai tháng trước ba tôi đã qua đời, rồi đến chuyện má tôi bỏ đi không một lời từ biệt cho đến chuyện xảy ra tối hôm qua… Những ông lính lắc đầu buồn bã thở dài.

Trưa hôm đó chú Ðiền đưa tôi về nhà chú nằm ở trong Thành Nội, chú có vợ và một đứa con gái tên Nhi 8 tuổi. Tôi ở nhà chú được gần hai tuần thì đón một mùa xuân cùng gia đình chú. Cô Ðiền may cho tôi một bộ quần áo và đôi giày mới, nhân dịp đó tôi cũng ra chợ Ðông Ba gặp chị Mai cùng các cô dì kể lại chuyện tối hôm đó và sự vắng mặt của tôi cho chị Mai và cô dì biết.

Xem thêm:   Người đàn ông ở cõi trên

Sáng ngày mồng 5 Tết tôi từ giã gia đình cô chú Ðiền, ông sếp của chú Ðiền đưa tôi vào học  trường Thiếu Sinh Quân tại Mang Cá Huế… Thỉnh thoảng cuối tuần cô chú Ðiền và em Nhi cũng đến đón tôi về nhà chơi ăn uống và đi chợ mua cho tôi những thứ tôi cần trong sinh hoạt. Những năm tháng trôi qua tôi đã coi gia đình cô chú và em Nhi như gia đình tôi vậy.

Năm 1964, lễ mãn khóa ra trường, tôi mang cấp bậc Trung Sĩ, năm đó tôi tròn 18 tuổi. Ðược về thăm gia đình, tôi về nhà cô chú hai ngày rồi trở vào trình diện. Hai tuần sau tôi và bốn người bạn cùng khóa được cấp trên chọn đưa về Vũng Tàu, địa điểm tập trung tất cả những quân nhân có thành tích xuất sắc trong những năm qua tại các nơi được đi học những khóa huấn luyện đặc biệt, về rừng núi, sình lầy, nhảy dù v.v. Thời gian thắm thoát trôi qua, 24 tháng khóa huấn luyện đặc biệt kết thúc. Sau lễ mãn khóa, bạn bè chia tay tôi trở về Huế thăm gia đình. Cô chú và em Nhi mừng rỡ, chúng tôi ôm chầm lấy nhau nước mắt đầm đìa. Em Nhi nay đã tròn 16 trong tà áo trắng của nữ sinh Ðồng Khánh rồi chứ không còn bị tôi đá đít như ngày nào nữa…

(còn tiếp)

——————————–

Kỳ tới

Giã từ niên thiếu, tôi bước vào đường binh nghiệp, len lỏi rừng sâu theo những “Dấu chân Lôi Hổ”.