Người miền Nam nợ người lính VNCH một món nợ ân tình, món nợ sẽ đi suốt cuộc đời, những món nợ vay bằng sinh mạng, bằng tuổi xuân, bằng hạnh phúc của những người lính.
Tháng Tư về, mời bạn bắt đầu theo dõi câu chuyện “Con Nợ Chú Một Đời”, đời thật một người lính biệt kích Lôi Hổ được tác giả Vũ Hoàng Đức Hiếu viết lại như một tiểu thuyết.
(các tiểu tựa của BBT Trẻ)

Bảo Huân
KỲ 12
Bèo dạt mây trôi
“Thôi vậy nha. Em đón taxi qua phố mua cho con ít đồ, khoảng 2 hay 3 giờ chiều em vào bệnh viện Trung Ương khám cho con thử một lần xem sao, hai anh đi chơi nhớ có mặt tại đây trước 5 giờ như mọi khi rồi anh em mình về.” Trước khi leo lên taxi, em còn nhìn hai đứa tôi hỏi:
“Hai anh có đủ tiền xài không đó?” Cả hai đứa tôi vỗ vỗ vào túi quần rồi gật đầu… Em Bình là như vậy đó, luôn nghĩ và lo cho người khác.
Gần 3 giờ chiều tôi và Sơn vào bệnh viện Trung Ương Huế, hỏi thăm một lúc mới biết em Bình vừa mới bồng con lên lầu 4 khu tập thể của các bệnh nhân nằm điều trị. Vừa mới bước đến cửa, hai anh em tôi và Sơn nhìn thấy một cảnh tượng trước mắt, tôi vừa chạy vào vừa rút súng ra la lớn:
“Bình …Ơi … Ðừng có bắn em ơi…” Sơn cũng vậy tay cầm súng sát cánh bên tôi. Trước mặt hai anh em tôi và Sơn là em Bình đang chĩa súng vào gáy của một người cảnh sát mặc sắc phục, tay anh ta bị em bẻ quặp ra đằng sau, người khom xuống, còn mắt em thì nhìn qua người cảnh sát còn lại. Tôi và Sơn vội vàng lao đến tước súng hai anh cảnh sát. Hỏi ra mới biết là anh cảnh sát đang bị em Bình gí súng vào gáy, cầm kéo đến nắm tóc em Bình để cắt, không ngờ vừa đụng vào liền bị em Bình chộp lấy cánh tay bẻ quặp ra đằng sau và chĩa súng vào đầu, vì em Bình cứ nghĩ rằng anh này dùng kéo đâm em ấy. Thật là may mắn nếu hai anh em tôi mà không đến kịp không biết chuyện gì sẽ xảy ra, thật sự tôi không dám nghĩ đến. Em Bình lớn lên với người Mỹ từ năm 7 tuổi, em đã đi ra nước ngoài 6 năm huấn luyện khóa đặc biệt, hơn nữa. lính Biệt Kích Mỹ không bắt buộc phải hớt tóc như tất cả các binh chủng khác. Em Bình đâu có biết là cảnh sát đến để cắt tóc của em. Mấy ông cảnh sát làm càn chứ luật nào cho phép cảnh sát ngang nhiên đi cắt tóc của người dân. Em Bình có quyền bắn chết nếu hai người cảnh sát đó chống trả, hay họ rút súng ra. Tôi tin vào tài bắn súng của em Bình thì hai người cảnh sát chắc chắn phải chết và em Bình hoàn toàn vô tội. Vài phút sau, tôi gọi hai người cảnh sát ra bên ngoài hành lang nói chuyện với họ. Hai anh cảnh sát càng nghe tôi nói, mặt hai anh càng tái đi, cuối cùng tôi nói một câu: “Hai anh may mắn lắm vì đây là Bệnh Viện, còn như ở ngoài đường thì vào ngày này năm sau là giỗ đầu của hai anh rồi đó.” Hai người Cảnh Sát cúi đầu nói cám ơn rồi im lặng bước đi, tôi nghĩ từ đó về sau hai người cảnh sát này chắc không bao giờ dám đi cắt tóc của ai nữa.
Tôi bước đến bấm vào tay Sơn rồi nhìn vào bên trong cửa, nghe và thấy em Bình nhận đem theo một người đàn bà tàn tật, cụt một chân đang đứng tựa người vào bờ tường, đầu bù tóc rối, dáng người thì cao trắng và đẹp, phải nói là thân hình rất đẹp thì đúng hơn, nhưng khuôn mặt thì bị mấy vết sẹo ngang dọc, tôi nhìn thấy còn ngán không biết người đàn bà này thuộc loại nào, mà Em Bình lại dám nhận về nuôi. Tôi thầm nghĩ một mình em chăm sóc đứa con cả năm nay chưa đủ khổ hay sao, bây giờ lại nhận nuôi thêm một người tàn tật nữa. Tôi chỉ biết nhìn Sơn lắc đầu, qua những tháng ngày sống bên em tôi nhận thấy, những gì mà em Bình muốn làm thì nhất định làm cho bằng được, không ai có thể ngăn cản việc mà em đã muốn làm. Biết điều đó nên tôi không bao giờ đưa ra lời khuyên hay cho ý kiến gì, trừ khi em Bình hỏi tôi.

Bảo Huân
Rồi những ngày sau đó, những đêm đi nắm tình hình cùng toán Biệt Kích sáng trở về, tôi thấy cô gái mà em Bình đem về tên là Yến Vân, nói tiếng Nam. Vân ở nhà chăm sóc cho con gái của em Bình tên là Thủy Vân rất chu đáo, con bé rất mến Yến Vân. Qua những lần nói chuyện với Yến Vân, tôi nhận thấy ở nơi cô gái này không phải là cô gái lang bạt, sống lang thang như trong ý nghĩ của tôi lúc mới gặp lần đầu, mà trái lại Yến Vân là một cô gái rất hiền lành là một sinh viên đang học năm thứ 3 tại Huế. Câu chuyện mà tôi được nghe Yến Vân kể như sau:
“Yến Vân sinh năm 1948 và lớn lên tại Bạc Liêu, ba của Yến Vân có hai người vợ, mẹ ruột của Yến Vân là người vợ thứ hai, được ba và mẹ Cả đến xin cưới. Mẹ Cả mà Yến Vân nói ở đây là vợ thứ nhất của ba. Mẹ Cả có 3 người con trai, vào thời đó 2 người anh trai của Yến Vân là Bác Sĩ đang sống và làm việc ở nước Pháp, còn người anh thứ 3 cũng học Bác Sĩ sắp ra trường. Yến Vân là con gái duy nhất của mẹ hai, sau khi đậu tú tài, ba bắt Vân phải qua Pháp học ngành Y và cũng làm Bác Sĩ như 3 người anh cùng cha khác mẹ, nhưng Vân không muốn đi qua Pháp chỉ muốn ở lại với hai người mẹ kính yêu của mình, và mong ước của Vân chỉ muốn học về ngành Sư Phạm sau này thành một cô giáo đi dạy cho trẻ mà thôi. Yến Vân rất thích trẻ con, ba không chấp nhận, bắt Vân phải qua Pháp vào đại học. Cũng vì hai người mẹ quá thương yêu con, nhất là mẹ Cả rất yêu thương Yến Vân, mưa lâu ngày thấm đất, cuối cùng ba chấp nhận cho Vân ở lại Việt Nam. Cuối mùa hè 1966, mẹ Cả đưa Vân ra Huế để vào đại học, tháng ngày êm đềm trôi qua rồi tình cờ một buổi chiều sau khi tan học vừa bước ra cổng trường thì trời đổ mưa, một anh chàng đến che mưa cho Vân bằng chính chiếc áo mà anh ta đang mặc, rồi phụ Vân đẩy xe vào quán nước trú mưa. Anh ấy tên là Quân người Huế, Vân cũng có cảm tình với Quân, rồi hai đứa trở thành bạn của nhau với tình cảm trong sáng. Mùa hè và Tết Vân đều ở lại Huế, ngay từ ngày đầu ra Huế, mẹ Cả đã thuê một phòng đầy đủ tiện nghi tại khách sạn Hương Giang cho Vân ở để ăn học. Vân nghĩ có lẽ mẹ Cả đã liên lạc với khách sạn và sắp đặt trước khi Vân đến, từ cơm nước giặt giũ đều do nhân viên khách sạn lo, Vân chỉ biết ăn học mà thôi. Rồi cái Tết thứ hai mà Vân ở lại Huế đã đến…
(còn tiếp)
Kỳ tới – kỳ 13 –
Mối duyên nhầm lỡ
Người con gái nào cũng ao ước được yêu đương, nhưng đôi khi không phải lúc nào con tim cũng sáng suốt…
(bạn có thể xem phần cũ tại: https://baotreonline.com/van-hoc/truyen-ngan/con-no-chu-mot-doi.baotre)