Lời Giới Thiệu: Tiểu thuyết ngắn CÁNH ÉN NHÀ TÔI,  của Dương Như Nguyện, viết cho Trẻ nhân dịp 30 tháng 4. gồm 14 chương, sẽ được đăng nhiều kỳ. Truyện kể lại kinh nghiệm 1954-1975 của một gia đình người Bắc di cư, nhân vật chính là cô gái tên Yến, gốc Sơn Tây, trưởng thành ở Huế, và làm việc ở Saigon. “Tiểu Thuyết Ngắn” (novella) là một “truyện ngắn” dài.  BBT Trẻ.

Dương Như Nguyện

Nước Mỹ là một quốc gia đã giải phóng nô lệ, được xây dựng trên mồ hôi nước mắt của người di dân bị đàn áp ở cố quốc, phải vượt biển đi tìm tự do trên chuyến tàu lịch sử Mayflower, đã đặt nền móng dân chủ qua hiến pháp dựa trên tự do cá nhân và trên cơ chế tam lập phân quyền.  Ðó là nước Mỹ đã đón nhận gia đình chúng tôi. Nước Mỹ hùng mạnh ấy có can thiệp vào chính trị thế giới, và tượng trưng cho tư bản, nhưng Mỹ chưa bao giờ là Ðông Hán.

Sự xúc động làm tôi bỏ máy vi tính ra vuờn để nhìn ánh nắng mùa Xuân của nuớc Mỹ.

Bây giờ là tháng Tư. Mùa Xuân lộng lẫy.  Chẳng mấy chốc, trời sẽ bắt đầu vào Hạ.

9

Tôi nhớ lại mùa Hạ đầu tiên ở Mỹ. Tháng Bảy, 1975. Coi như một đại gia đình vì có ông bà nội của tôi, tất cả chúng tôi được đưa vào trại Ft.Chafee, ở tiểu bang Arkansas. Ðại gia đình phải phân tán thành nhiều tiểu gia đình trong tiến trình định cư ở Mỹ, nhưng tất cả đều xin định cư ở miền Trung Tây, nơi có bốn mùa, chung quanh trường đại học công lập mà trước kia cha tôi có đến dạy trong chương trình trao đổi học giả Fulbright, vì kinh nghiệm sống của cha tôi ở Mỹ sẽ là cái cần trục hướng dẫn cho tất cả. Cô Yến và chú San tôi đứng ra cùng với ông bà nội tôi lập thành một tiểu gia đình, vì bà nội tôi bao giờ cũng muốn sống với con gái. Cô Yến tôi là cái gối nương tựa cho ông bà tôi từ đó, và chú San tôi, đến từ một gia đình đông con ở Bình Ðịnh, cũng hết lòng thương yêu cha mẹ vợ đức độ hiền lành. Hiền lành là cá tính căn bản của đại gia đình tôi.

Vì bổn phận với cha mẹ, trách nhiệm với đứa con trai đầu lòng chỉ mới 3 tuổi, và để cha tôi có cơ hội tiếp tục nghề khoa bảng không phải lỡ làng vì cần lo cho ông bà nội, cô Yến chú San tôi quyết định đi làm thay vì quay lại đi học. Thế là một sáng đẹp trời, tôi thấy cô chú tôi – một cựu ký giả/quân nhân, và một nữ nhân viên phòng lương của cơ quan DAO, bỗng nhiên nghiêm trang xuất hiện trong bộ đồng phục trắng, trông giống như y tá, để cha tôi và người Mỹ bảo hộ (sponsor) dẫn vào nhận việc làm trợ lý ở một nursing home, nhà nuôi người già.

Chẳng còn quân phục, mà cũng chẳng còn áo dài kiểu cọ.

Có công ăn việc làm, cô chú tôi mua xe, thuê nhà ở với ông bà nội tôi, được người hàng xóm tốt bụng yêu thương cho miếng vườn để trồng trọt. Con nít hàng xóm thì hét lên sợ hãi, vì ông bà nội tôi…răng đen, dù với tháng năm qua, răng đã bạc đi màu đen nhánh rất nhiều. Báo chí Mỹ nghe tin người tỵ nạn có mặt ở thành phố nhỏ, thì đến chụp hình. Hình ông bà nội tôi mặc quần áo kiểu Việt Nam, nhất là bà nội tôi, mặc quần lĩnh đen và đội khăn nhung, cả hai người già cầm cuốc cầm xẻng trồng trọt, chẳng khác chi hình ảnh nông dân đặc thù Việt Nam trên  mảnh đất quê hương, y hệt như cũ. Người ký giả Mỹ lại kêu lên rằng ông nội tôi có hàm râu bạc giống…Hồ Chí Minh (ở Mỹ không ai để râu ba chòm kiểu đó, như các cụ già Việt Nam.)

Xem thêm:   Má Mi Deborah

Như đoàn chim Yến mảnh mai nhỏ nhắn nhưng có đôi cánh rất khoẻ, bay cao, kiếm ăn suốt ngày rồi làm tổ nuôi con, những người tỵ nạn Việt Nam đầu tiên trên nước Mỹ xắn tay áo, đổi y phục, hăm hở đi làm để chóng tự lập, tạo phương tiện tự lực cánh sinh xây dựng đời sống mới, và đó là hình ảnh vợ chồng cô Yến chú San tôi.

Tiểu gia đình của cha mẹ tôi cũng thế. Cha tôi vừa làm phụ giảng vừa quay lại đi học lấy thêm một bằng tiến sĩ nữa, để vợ con được sống ở cư xá đại học cho sinh viên mức cao học trở lên. Ðể nuôi chồng con, mẹ tôi, người cựu giáo sư Việt Văn, cân nặng dưới 90 pounds tức là dưới 40 ký, xăn tay áo làm việc trong một xí nghiệp của người Do Thái.  Mẹ tôi làm bằng đôi tay ốm yếu, phải làm cho đủ con số sản xuất mỗi ngày do chủ xí nghiệp đặt ra. Riêng tôi thi vào đại học, cuộc thử nghiệm nào tôi cũng thi cả, và kết cục tôi được nhận vào năm thứ nhất ban văn chương truyền thông, lại được học bổng, trước cặp mắt chưng hửng của khoa trưởng, vì ai cũng nghĩ rằng cô bé Việt Nam, tiếng Anh không phải tiếng mẹ đẻ, thì làm sao có điểm cao trong các cuộc thi thử nghiệm tiềm năng, khối óc, và viết lách?

Nghĩ lại kinh nghiệm di dân, tim tôi bùng lên rộn rã một niềm tự hào, và đó mới là niềm tự hào dân tộc đúng nghĩa nhất, khi bầy chim yến từ bên kia bờ Thái Bình Dương phải tung cánh bay xa, để rút ruột nhả nước miếng lập lại những tổ ấm trên xứ người. Tôi viết xuống niềm tự hào của con tim qua hình thức độc thoại trên máy vi tính, bắt đầu từ cái tên “Yến” rất đẹp của cô tôi, hình ảnh chịu đựng nhẫn nhục chăm làm của người phụ nữ Sơn Tây, và hình ảnh phụ nữ Thần Kinh hy sinh cho chồng con, của mẹ tôi.

Cô Yến tôi sinh hạ đứa con trai thứ hai, và thím dâu tôi sinh con gái đầu lòng trên đất Mỹ. Ðó là hai công dân Mỹ đầu tiên của đại gia đình bên nội tôi. Cả hai em sẽ đương nhiên có quyền ứng cử tổng thống Mỹ khi chúng lớn lên:  viễn ảnh “nồi cháo nấu nhừ” gọi là “melting pot” của nước Mỹ…

oOo

Từ từ, dần dần, qua bạn bè người quen ở mọi nơi, và hứa hẹn kinh tế của nhiều thành phố lớn khác nhau, người tỵ nạn Việt Nam tìm cách họp nhau lại ở những tiểu bang nắng ấm, có nhiều người Á Ðông hơn. Chú San tôi, rất khoẻ mạnh và yêu đời, quyết định đem vợ con và cha mẹ vợ đi theo vợ chồng cô Út dọn về vùng bờ biển Thái Bình Dương.  Chú thím tôi và cha mẹ tôi thì quyết định về Texas, miền nắng chói có cái nóng oi ả của sa mạc và nhiệt đới, y hệt như cái nóng rất ẩm của Saigon. Sự phân tán và tái hợp của đàn chim yến trên đất Mỹ bắt đầu từ đó, mà đại gia đình tôi chỉ là một thí dụ.

Xem thêm:   Chút ân tình cũ

Cô Yến tôi sinh thêm 2 con nữa, tổng cộng 3 trai và 1 gái. Cả 4 cháu đều xinh đẹp và rất khoẻ mạnh, kết hợp nét Bình Ðịnh với Sơn Tây.  Ba cậu con trai đều giữ đặc thù di truyền của đôi mắt Sơn Tây: thuôn dài, rất sắc nhưng hiền, lại có phần u ẩn vì hum húp mí trên. Riêng cô con gái thì đặc biệt đôi mắt Sơn Tây thuôn dài lại kết hợp với hai mí rất rộng và rất dày, đặc thù miền Trung của đất Bình Ðịnh, chắc chịu ảnh hưởng mắt Ấn Ðộ của dân bản xứ Chiêm Thành trước khi các chúa Nguyễn làm cuộc Nam tiến trường kỳ để mở mang bờ cõi, đem đến sự pha trộn đường nét người Chàm với người Lạc Việt.  Không còn đặc tính di truyền của làn da Sơn Tây rám nắng vì phải phơi bày luôn luôn trước ảnh hưởng đồng ruộng, núi rừng, thời tiết, mặt trời, sông nước, đời nay qua đời khác, cô con gái độc nhất của cô Yến tôi trắng nõn nà như tay chân của mẹ, người cao lớn như con gái Bình Ðịnh, mà vẫn có nét nhu mì chân thật của con gái Sơn Tây.  Ở tuổi đôi mươi, con gái cô Yến tôi đẹp như tài tử điện ảnh.

oOo

10

Và thế là thời gian trôi. Ở Mỹ quốc thiên đường, mỗi con người là một cá nhân chủ nghĩa. Sự phát triển cái tôi, cho tôi, và của tôi là chu trình tiến hóa của công nghệ, kinh tài và xã hội. Con người ta lăn lộn với việc kiếm tiền, kiếm danh, kiếm bản ngã và kiếm nơi tiêu thụ. Vì thế, thời gian dài trở thành ngắn, và nhịp chậm thành mau. Hay ngược lại. Bốn mươi năm trở thành bốn mươi giây của Lưu Nguyễn khi được Mỹ hóa.  Em Lam, đứa con trai đầu lòng mà cô Yến tôi sinh ra một mình ở nhà thương Ðức Chính, Sài Gòn (chỉ có bà nội và cô Út tôi bên cạnh, khi cha nó ở chiến trường sôi động sau hòa đàm Ba Lê), đã trở thành một thiếu niên cao lớn, chắc vì tế bào di truyền của con nhà võ Bình Ðịnh, như chú San tôi, nhưng mắt em hiền khô vì đôi mắt Sơn Tây thuôn dài húp húp ấy đến từ cô Yến tôi.

Ðầu thập niên 1990, Tổng thống “Bush con” “lên ngôi” và trận chiến quốc tế ngoài bể Gulf Vịnh Ba Tư bắt đầu. Tôi đang ở Washington D.C. thì em Lam gọi để ghé thăm tôi trên đường lên tàu chiến qua Trung Ðông.  Tôi thảng thốt.  Em Lam đã xong trung học, và quyết định gia nhập Thủy quân lục chiến, một trong những binh chủng can trường nhất của quân đội Mỹ. Thế có nghĩa là em sẽ đối diện với cái chết của chiến tranh.  Chúng tôi, những người tỵ nạn cộng sản, đã từng là những nạn nhân của chiến tranh. Vậy mà bây giờ em tôi chọn con đường binh đao.

Tôi nghĩ đến cô tôi, sẽ buồn khổ lo lắng đến chừng nào.

Em Lam đến gặp tôi để từ giã, và trước mặt tôi là một nam nhân Sơn Tây cao lớn như Mỹ.  Tóc em đã húi cua, miệng cười tươi, và đôi mắt húp thuôn dài y hệt như mẹ. Ở nhiều góc cạnh, em Lam giống hệt cha tôi, người anh Cả của cô tôi, tức là nét của ông nội tôi, nhưng em có cặp môi chúm chím có duyên của bà nội tôi. Hình như sự tăng trưởng về thể xác không làm thay đổi linh hồn bên trong, tỏ ra qua cử chỉ, cách nhìn và cách nói. Tôi thấy trong nam nhân Sơn Tây khỏe mạnh ấy hình ảnh đứa bé trai hay bíu vào mẹ, nước da hơi trắng xanh, tóc mỏng và mịn, một cậu bé trai hay khóc và hay tủi thân, như mẹ của cậu.  Tôi hỏi em:

Xem thêm:   Arkhom

– Quyết định đi lính vì muốn giống bố phải không? (Chú San tôi, ký giả, cựu quân nhân, lại có võ Bình Ðịnh, đầy nam tính và khỏe mạnh).

Em cười ngượng nghịu, không nói.

– Còn mẹ thì sao? Con trai lớn lên không tìm cách đi học đại học gần nhà, để được gần mẹ, trả hiếu cho mẹ.  Mẹ sinh và nuôi em cực đến chừng nào. Chị là người làm chứng.

Chàng thiếu niên bỗng nhiên tắt nụ cười.  Vẫn lặng yên không nói.  Tôi bồi thêm:

– Ðổi ý kiến đi. Cho mẹ vui lòng. Em đi lính, mẹ sẽ lo lắm. Mẹ thương em vô cùng.

Tự nhiên tôi thấy mắt em Lam tôi đỏ lên như cặp mắt Sơn Tây của cô tôi, người nữ sinh Ðồng Khánh Huế ngày nào, khi cô té vào dây kẽm gai, và cà nhắc đi vô nhà rón rén vì sợ làm cha tôi buồn, cha tôi sẽ la rằng cô không nghe lời, quyết định nông nổi. Tôi tưởng mắt cận thị của tôi nhìn lầm, nhưng hình như em Lam tôi đang ứa lệ:

– Kìa con trai đã lớn, sắp đi Marine rồi mà khóc à?

Tôi tưởng em chưa đi đã nhớ cha mẹ. Quả thật em Lam đang ứa lệ, nhưng không có tiếng sụt sùi, vì em là con trai.  Và vì em giống tính mẹ.  Cô Yến tôi chỉ nhỏ nước mắt, hay sụt sùi đôi chút, không khóc lớn ra tiếng bao giờ.

– Chị ơi em đi lính vì em biết rằng cha mẹ làm việc nuôi 4 con quá cực khổ. Ngày nào cũng dậy từ 4 giờ để lo hàng ăn đi bán cho khách. Có khi nắng chang chang mẹ em ốm yếu vẫn trông coi gian hàng ở các sạp ăn hội chợ. Làm chủ một gian hàng ăn cực lắm chị ơi.  Em đi lính để cha mẹ khỏi nuôi vào đại học tốn lắm chị ạ. Khi em đi lính về thì chính phủ sẽ cho tiền em đi học đại học. Chẳng tốn của cha mẹ đồng nào. Cha mẹ còn phải lo cho ba đứa em dại, đứa nào cũng sẽ phải vào đại học. Lại còn phải lo cho ông bà nữa.

Ðúng vậy, cô tôi giành lấy để nuôi ông bà nội tôi. Cho cha tôi khỏi bận tâm.  Con gái đi đâu, cha mẹ đi đó.

Tôi nhìn người nam nhân Sơn Tây-Bình Ðịnh mang quốc tịch Mỹ, mới tốt nghiệp trung học ở Mỹ, mà nhói tim.  Quân đội là con đường hào hùng cho thiếu niên, nhưng đồng thời cũng là sự hy sinh của đứa con gốc Việt nhạy cảm. Chao ôi chữ hiếu của người con trưởng Việt Nam di truyền hay sao, chẳng khác chi cha tôi ngày xưa sau lần di cư năm 1954, khi ông nội tôi, cụ Chánh Tổng giàu nhất Sơn Tây phải chạy trốn cuộc đấu tố thanh trừng địa chủ vô cùng thảm khốc.

(còn tiếp)