Lời Giới Thiệu: Tiểu thuyết ngắn CÁNH ÉN NHÀ TÔI,  của Dương Như Nguyện, viết cho Trẻ nhân dịp 30 tháng 4. gồm 14 chương, sẽ được đăng nhiều kỳ. Truyện kể lại kinh nghiệm 1954-1975 của một gia đình người Bắc di cư, nhân vật chính là cô gái tên Yến, gốc Sơn Tây, trưởng thành ở Huế, và làm việc ở Saigon. “Tiểu Thuyết Ngắn” (novella) là một “truyện ngắn” dài.  BBT Trẻ.

Bảo Huân

(tiếp theo kỳ trước)

6

Bên máy vi tính, tôi, bây giờ là người phụ nữ tuổi đã 60, ứa nước mắt khi nghĩ đến cha mẹ tôi đã nằm xuống, linh hồn có về với Phật chăng? Còn bà nội tôi hiện giờ cư ngụ ở căn nhà số 4 đường số 30, hiện hữu trong giấc mơ mà thôi, chắc cũng là xứ Phật, tôi hy vọng thế.

Lúc này, cô Yến của tôi, CÁI YẾN NHÀ TÔI, tóc đã bạc trắng, cơ thể yếu đi, nhất là hai chân, tuổi đã trên 70, ở California, kinh đô của người gốc Việt. Thủ phủ ấy đối với tôi cũng vẫn là “vạn dặm” cho dù những hàng rào kẽm gai của quá khứ không còn nữa, nhưng nỗi đau và sự chia cách giữa người Việt với người Việt vẫn hiện hữu, đã thành hình trong bể khổ gọi là “cuộc đời.”  “Bao nhiêu năm nội chiến từng ngày…” Câu hát của Trịnh Công Sơn trở thành một sự lải nhải triền miên.  “Nội chiến” hiện đại cũng là chiến tranh “đại lý” và “đại diện” cho những thế lực toàn cầu (tôi dịch chữ “proxy war.”)

Thế nhưng, trong tôi, sự hiện hữu của cô Yến sẽ hoàn thành cái gạch nối của tình thương gia đình, gia tộc trong gia phả nhà tôi, mở lớn sẽ thành tình yêu thương đất nước, cội nguồn, và văn hoá chủng tộc…

Chắc vì vậy mà đã từ lâu, khi nhắc đến hai chữ Việt Nam, tôi luôn thấy mình trở thành “buồn như con chó ốm” của Nguyên Sa…

o O o

Dĩ nhiên câu chuyện về cô Yến tôi không phải chỉ có thế.

Những buổi sáng kế tiếp sau giấc mơ gặp lại bà nội tôi ở trước ngôi nhà số 4 đường 30, ở thời điểm cô tôi đã vào tuổi 75, tôi lại ngồi trước máy vi tính để độc thoại qua 10 ngón tay đánh máy. Vòm trời xứ Huế và hình ảnh thùy mị của cô Yến tôi tiếp tục quay về làm tôi bần thần nhung nhớ.

Cái phước đức của gia đình tôi nằm trong việc chúng tôi thoát nạn Tết Mậu Thân, nhờ sự vụ lệnh của Tổng Trưởng Văn Hóa Giáo Dục Trần Ngọc Ninh, đem cha tôi về Saigon làm việc ở Bộ Giáo Dục Việt Nam Cộng Hòa, bắt đầu từ niên khóa 1966-67. Dĩ nhiên cô Yến tôi cũng về Saigon theo gia đình tôi. Ðó là niên khóa cô Yến tôi tốt nghiệp trung học trường Ðồng Khánh.  Cô cựu nữ sinh Ðồng Khánh mặc áo dài trắng có chít “banh,” e ấp bước vào Saigon hoa lệ và đoàn tụ với ông bà nội tôi sau gần 10 năm xa cách.

Trong giai đoạn đầu, chúng tôi ở chung với ông bà nội ở đường Sư Vạn Hạnh, trong một ngõ hẻm đông đúc. Ðó là căn nhà đầu tiên trong việc lập nghiệp của gia đình người Bắc di cư chúng tôi, trước khi ông bà tôi tậu những ngôi nhà ở Ngã Tư Bảy Hiền và Ngã Ba Ông Tạ.

Ngay sau cuộc di cư 1954, người  cựu “địa chủ” của Sơn Tây là ông nội tôi, lúc đó đã ngoài 50, đi làm việc nhặt đá ở một công ty xây cất để nuôi các con ăn học, nhất là người con trai út muốn lớn lên học bác sĩ.  Thế là ông bà tôi đã đành gửi gắm đứa con gái lên 10 là cô Yến tôi ra sống chung với anh chị Cả ở miền Trung, cho bà tôi đỡ cực.  Mười năm sau khi di cư, 1964, ở Saigon, trước sau gì ông nội tôi cũng tậu được căn nhà có căn gác xép cho vợ lính thuê trên lầu.  Ðó là căn nhà khiêm nhường mang tên đường của vị cao tăng dựng nước, sáng lập nên triều đại nhà Lý cho một Phật giáo hưng thịnh tại Việt Nam. Chúng tôi và cô Yến sống chen chúc ở tầng một căn nhà ấy. Từ Ðồng Khánh, mẹ tôi đổi về làm việc văn phòng trong ban quản trị một ngôi trường nữ học có tiếng bậc nhất ở Saigon.

Xem thêm:   Vợ cũ

Sự thay đổi đời sống, từ cái êm đềm của xứ Huế qua sự ồ ạt xô bồ trong ngõ hẻm Saigon làm ba đứa con nít chúng tôi thay đổi rất nhanh. Chúng tôi đâm ra ngỗ nghịch thích chạy rong và chọc phá, la hét, bắt chước những đứa trẻ bụi bặm nổi tiếng Saigon, cộc lốc và chanh chua, trong sinh hoạt ngõ hẻm. Chọc phá ai đây, ngoài cô Yến ít nói của chúng tôi? Ba đứa con nít tự nhiên được sổ lồng. Nào là kéo áo cô, nào là bấu lưng cô cho cô quay lại, rồi sắp hàng bắt cô chơi rồng rắn, và nhe răng ra cười nham nhở. Cô la thì lại cười khanh khách lên như lũ điên, vì đã quen cô ít nói và hiền. Cô giận quá có lúc bắt 3 đứa chúng tôi nằm xuống đánh đòn, ngay lúc mẹ tôi đi làm về, không hiểu chuyện ra sao, thế là mẹ đâm giận cô đánh cháu, bỏ không ăn cơm. Cô Yến tôi đành cất roi, mắt đỏ hoe. Chúng tôi thoát nạn bị đòn, hối hận xin lỗi cô cũng không làm mắt cô hết đỏ.

Tuy nhiên, việc cha mẹ tôi đổi từ Huế vào Saigon đem đến một biến chuyển lớn trong đời cô Yến tôi. Nếu tiếp tục ở Huế, và chúng tôi không bị biến cố Mậu Thân gây hại tấm thân như hàng ngàn người của cố đô, thì có thể cô Yến tôi đã đi học tiếp trường kỳ khoa bảng theo ngành giáo dục, để đi dạy như cha mẹ tôi, vì đó là một nghề nghiệp hiền lương như bản tính của cô, và là nghề nghiệp của đại gia đình.  Ai trong gia đình cũng đi dạy cả.

Saigon đem lại một thay đổi bất ngờ, không định trước, biến hẳn cuộc đời cô tôi qua một hướng đi khác. Một cựu nữ sinh Ðồng Khánh, bạn của mẹ tôi, đã từng du học và tu nghiệp ở Mỹ, có liên lạc nhân sự với cơ quan Tùy Viên Quốc Phòng của Mỹ tại Việt Nam, gọi là DAO (Defense Attache’s Office). Người bạn xứ Huế này, đã chuyển về Saigon sinh sống trước chúng tôi, cho biết cơ quan DAO, trụ sở trong phi trường Tân Sơn Nhất, cần gấp một nhân viên trông coi phòng lương, và cô Yến tôi quyết định đưa đơn xin việc thay vì học cao hơn để đi dạy theo truyền thống gia đình. Sinh trưởng trong một gia đình có khiếu văn chương, cô tôi đi học lại chọn ban toán vì cô ít nói, và bản tính đơn sơ không thích tranh luận.  Lá đơn quá tốt, cho nên cơ quan DAO tuyển chọn cô tôi ngay lập tức. Thế là cô Yến tôi nghiễm nhiên trở thành nhân viên trông coi tất cả vấn đề lương bổng, ngân hàng, ngân phiếu, bản báo cáo thời gian của người làm việc, tất  cả các công trình tính toán con số và kiểm soát để toàn thể nhân viên DAO được trả lương mỗi tháng. Một công việc nhiều trách nhiệm đòi hỏi sự cần mẫn và chính xác, những cá tính cô tôi có, cộng thêm căn bản toán của cô tôi.

Xem thêm:   Chút ân tình cũ

Quyết định đi làm cho DAO là một lựa chọn rất can đảm và độc đáo của một phụ nữ trẻ đầy ý thức trách nhiệm. Ðầu thập niên 60, sự có mặt của người Mỹ làm thay đổi xã hội Việt Nam, tạo nên nhiều thành kiến phi lý về người Việt Nam đi làm cho các cơ quan Mỹ, nhất là phụ nữ trẻ. Thế nhưng, cô Yến tôi coi như đã “đạp vỡ” được bức tường thành kiến ấy. (Trái lại, ở thời buổi bây giờ, sau “Ðổi Mới,” thì đi làm cho đầu tư nước ngoài hay chính phủ ngoại quốc là hãnh diện xã hội, và trách nhiệm nghề nghiệp đó dĩ nhiên sản xuất ra một “career woman,” người đàn bà có chức phận đi làm việc bàn giấy, công sở, có ngạch trật, có công tác kiểm tra.)

Công việc tại cơ quan DAO của cô tôi ở cuối thập niên 1960 và đầu thập niên 1970 dĩ nhiên không phải là công việc dịch vụ cá nhân cho người Mỹ, bị xã hội dè bỉu một cách bất công, vơ đũa cả nắm. Và thế là cô Yến e ấp nhút nhát của chúng tôi đột nhiên trở thành một “career woman” giữa thế kỷ hai mươi của một Saigon đang thay đổi.  Cô có lương cao, trong một chức vị nhiều trách nhiệm ở một cơ quan phức tạp như DAO. Từ một cựu nữ sinh Ðồng Khánh đi xe đạp ở Huế, nghề nghiệp mới khiến cô mua xe gắn máy, tậu một tủ áo dài đủ màu sắc, hàng “soa,” đủ kiểu, từ cổ “bẹt” của bà Nhu, cổ cao “Thanh Nga,” cổ vuông “Thẩm Thúy Hằng,” cổ tròn có viền như “Mộng Tuyền,” vân vân. Từ áo dài tay nối, phết đất mặc với quần lãnh đen, qua áo dài tay “raglan,” ngắn hẳn lên mặc với quần ống xòe. Cô tôi có hết, không thiếu thứ gì. Cô phải thay đổi kiểu tóc để ngồi bàn giấy làm việc, không để tóc xõa ngang vai loà xoà trên trán như trước nữa.  Tóc cô được chải bồng, lúc thì cụp vô, lúc thì vểnh ra. Tôi chỉ mong chóng lớn để được mặc áo dài của cô và theo kiểu tóc của cô.  Có một điều: trước sau gì cô tôi cũng ít son phấn, và luôn đeo cặp kính cận che đôi mắt Sơn Tây u ẩn của thôn Ðoài xứ Bắc. Nói tóm lại, cô Yến tôi trở thành một phụ nữ có nghề nghiệp, phải ăn mặc đẹp mà “mốt” theo chức phận nhưng cô vẫn không đua đòi chúng bạn kiểu con gái Sài Thành hư hỏng. Nhất định cô không đi nhảy đầm, và không đi chơi khuya.

Ở Saigon, rồi thì cha mẹ tôi cũng ổn định, mua nhà. Thế là cô Yến tôi lại trở về ở chung với anh chị Cả. Chúng tôi cũng được hưởng lộc lây từ lương cao của cô.  Cô mua sắm áo quần cho các cháu, lì xì tiền tiêu vặt, thỉnh thoảng lại cho chúng tôi đi chơi phố Saigon, hay đi tắm biển Vũng Tàu. Từ công việc ở DAO, cô có những nhóm bạn mới, nào là các cô thư ký văn phòng các công sở và tư sở có liên lạc trực tiếp với DAO, nào là các thông dịch viên cho người Mỹ, thường thường là sinh viên ở tất cả mọi phân khoa đại học, đi làm thêm để kiếm tiền, nào là các quân nhân phục vụ hành chánh cho chính phủ VNCH có liên lạc nhân sự với DAO. Ðặc biệt khi các nhóm bạn rủ đi chơi, cô luôn luôn đem các cháu đi theo.  Có lần cô lại tổ chức sinh nhật ở nhà, mời các nhóm bạn đến, cho tôi cơ hội biết thế nào là “party” trong nhà có bong bóng bay, và có coca cola với bánh ngọt theo Âu Mỹ.  Rồi cô có người yêu, nhưng vẫn “nam nữ thọ thọ bất thân,” cho nên khi chú đến xin phép đưa cô đi chơi, tôi có nhiệm vụ đi theo để trông chừng, tiếng Anh gọi là “chaperone.”  Tôi hào hứng công việc này lắm. Khi chú lái xe Honda thì tôi chen vô ngồi chính giữa, cô ngồi e lệ đằng sau. Hết đi dạo công viên Hồ Con Rùa hay Thảo Cầm Viên thì lại ghé vào chợ Bến Thành ăn bún chả.  Ngon quá là ngon. Tôi lại được xem tập thơ chú chép cho cô, bao nhiêu là câu thơ hay và tình sử đẹp. Từ tập thơ chép tay đó tôi mới biết câu chuyện Quasimodo của nhà thờ Ðức Bà Paris và nàng vũ công Esmeralda. Tôi bước vào tuổi mới lớn qua hình ảnh thùy mị và tập thơ lãng mạn của cô Yến tôi.

Xem thêm:   Tự thú

Và rồi cô cũng lấy chồng. Thay vì dọn đi xa, cô mua căn nhà nhỏ ở ngay cạnh nhà cha mẹ tôi. Cô lấy một ký giả, gốc Bình Ðịnh coi như là con cháu vua Quang Trung. Trong đại gia đình, người Bắc coi con rể là “chú,” chồng của cô, chứ không gọi là “dượng” như người Nam, và vì thế khi cô tôi lấy chồng thì bỗng nhiên chúng tôi có thêm một “chú” nữa.  Tên chú là San.

Nhưng vừa đám cưới ít lâu thì lệnh tổng động viên sau Hòa Ðàm Ba Lê đem chú San tôi vào lính, ra chiến trường sinh tử. Cô Yến có bầu phải đi sinh con một mình ở nhà thương Ðức Chính. Tôi đạp xe lên thăm cô, dù còn nhỏ tôi đã thấy thương xót người vợ lính “vượt cạn” một mình như cô, cho dù có bà nội và cô Út tôi bên cạnh. Bây giờ cô Yến tôi không thút thít khóc như hồi ở Huế nữa, vì cô phải can đảm nuôi con. Chú San tôi có mặt ở những chiến trường gay go nhất, sự sống đếm từng ngày. Hoà đàm Ba Lê ký chưa ráo mực mà chiến tranh đã sôi sục leo thang, kể như ký hoà đàm làm cảnh để dối gạt quốc tế, bây giờ đã trưởng thành, nhìn lại tôi đành phải đi đến kết luận này.

Quay trở lại Saigon sau Hoà Ðàm Ba-Lê, buổi hôm đó, ở nhà bảo sanh Ðức Chính, nhìn cô mới sanh, xanh xao, ôm em bé vào lòng, tôi mơ hồ cảm thấy người cô hiền dịu của tôi đang bước vào con đường khổ đau của đàn bà trong một đất nước chiến tranh, không có chồng bên cạnh. Ðó là khái niệm về “Hoà Ðàm Ba Lê” trong đầu óc mới lớn nhạy cảm của tôi. Hoà đàm để chẳng có hoà bình. Số phận của miền Nam.

Số phận của bao nhiêu nam nhân, phụ nữ và cả con nít như tôi.

(còn tiếp)