Lời Giới Thiệu: Tiểu thuyết ngắn CÁNH ÉN NHÀ TÔI,  của Dương Như Nguyện, viết cho Trẻ nhân dịp 30 tháng 4. gồm 14 chương, sẽ được đăng nhiều kỳ. Truyện kể lại kinh nghiệm 1954-1975 của một gia đình người Bắc di cư, nhân vật chính là cô gái tên Yến, gốc Sơn Tây, trưởng thành ở Huế, và làm việc ở Saigon. “Tiểu Thuyết Ngắn” (novella) là một “truyện ngắn” dài.  BBT Trẻ.

(tiếp theo và hết)

Tiếng động của phi cơ. Phi đạo tối đen chỉ còn ánh trăng, và chút ánh sáng vàng vọt từ lầu hai phi cảng Tân Sơn Nhất kéo một vệt dài trước khi cánh cổng C130 đằng sau đổ xuống.

Khi vào lòng phi cơ, vừa ngồi bệt xuống, thì cha tôi ôm gối gục mặt khóc như đứa trẻ. Như tiếng kêu bi thương của một loài chim. Cặp kính cận của ông đã rớt. Lần đầu trong đời cha tôi khóc thành tiếng kêu thương. Lần cuối. Lần độc nhất. ÐI ÐI ÐI ÐI. HẾT HẾT HẾT HẾT.

Và thế là hết.

o O o

Về sau tôi mới được biết, vào những giây phút cuối của 30 tháng 4, đang lúc Tổng Thống Dương Văn Minh tuyên bố buông súng đầu hàng, thì người sĩ quan lái xe jeep giúp chúng tôi, cậu em họ không quân của mẹ tôi trong dòng họ Nguyễn Khoa, cũng lái trực thăng ra biển.

Nhưng tướng Nguyễn Khoa Nam thì ở lại, cùng với đồng đội của ông là tướng Lê Văn Hưng trong quân lực Việt Nam Cộng Hoà. Gương Hoàng Diệu. Nguyễn Tri Phương. Hai tướng chết theo thành.

o O o

30 tháng 4, 1975. Bao nhiêu người đi. Bao nhiêu người sống. Và bao nhiêu người chết. ÐI ÐI ÐI ÐI. HẾT HẾT HẾT HẾT. CHẾT CHẾT CHẾT CHẾT. Tất cả trở thành tiếng động của thời gian, trong một không gian đã bể nát. Bừng con mắt lại thấy mình tay không.

Sự sống và cái chết trở thành một.

Ôi sinh ly cũng là tử biệt.

13

Tiếng động cơ máy bay đã dứt. Tôi mở mắt dậy, đứng lên, bước đi, tôi không còn nghĩ đến gia đình tôi chung quanh, vì với ý chí mãnh liệt rằng tôi đã chết đi và sống lại thành người 17 tuổi, vì tôi đã mất ông bà ngoại như mất đi một phần tim ruột của mình, thì tôi không còn quá khứ mà chỉ còn tương lai.

Cái mà tôi nhìn thấy đầu tiên khi bước ra khỏi máy bay vận tải là trái táo đỏ trong tay người y tá Hồng Thập Tự. Một phụ nữ da trắng. Bà ta đứng một bên lối đi vào, gần cửa máy bay.

Xem thêm:   "Neil đã về trại chưa?"

Tôi đang ở đâu? Có phải đây là nước Mỹ?

Welcome, bà ta cười và nói. “Welcome, my dear.” Bà ta chào đón tôi.

Tôi luôn luôn nghĩ trái táo tuơi thắm của Tây Phương tuợng trưng cho mùa Xuân hoa đào rực rỡ. Còn dấu Hồng Thập Tự thì tượng trưng cho sự sống và lòng trắc ẩn của nhân loại.

Trái táo của hội Hồng Thập Tự là dấu hiệu mùa Xuân, của sự sống, của lòng trắc ẩn đến từ nhân loại.

Sau cuộc đổi đời, tôi đáng sống. Và tôi sẽ sống.

14

27 tháng 4 – 2020.

Cuộc độc thoại này phải đến hồi kết, cho dù lòng tôi vẫn chưa yên. Tôi hít hơi thở dài, vươn vai, và đánh máy ngày tháng hôm nay vào máy vi tính, thay chữ ký.

45 năm trước, cũng với mười ngón tay đánh máy, với tờ giấy tử sinh chen chúc 16 cái tên nộp cho cơ quan DAO, CÁI YẾN NHÀ TÔI đã đem cả gia đình vuợt biển Thái Bình. Cuộc di cư khốc liệt ấy kéo dài hơn gần hai thập niên, từ phi cơ đến thuyền nan, hay chân băng rừng vượt núi, từ chính sách cựu tù nhân chính trị HO hay đoàn tụ gia đình ODP, như một đàn chim Yến bay tung để xây tổ mới, trên vách núi mới, người Việt tỵ nạn đi vào thế giới.

Ông bà và cha mẹ tôi đã nằm xuống. Nhưng cô Yến còn đây, và tôi vẫn còn đây để viết cho cô tôi đọc những dòng chữ này.

Từ sự chết nảy sinh ra sự sống, và đó là bản chất của tiến trình “di cư” vào đất mới, như một kinh nghiệm gọi là chết đi sống lại, của một giống người mà lịch sử và văn hoá gắn chặt họ vào làng mạc, non sông, tổ quốc. Phải xa tổ, tức là đàn chim Yến phải đi tìm vách núi mới. Tháng tư là mùa Xuân. 30.4.75. Những con số đến từ bà nội tôi trong khi tôi nằm mộng.

Ðột nhiên tôi hiểu tất cả. Ðàn chim Yến ra đi vào mùa Xuân phải tự xây dựng lại mùa Xuân. Ðôi chân rất yếu của loài hải điểu rút ruột xây tổ cho con phải trở thành khỏe mạnh để đậu lên dây điện của thành phố, dây ăng ten truyền hình, dây gai của hoàn cảnh gian lao, để biến khó khăn thành mùa Xuân mới.  Cho nên chỉ trong khái niệm ấy, Yến trở thành Én của mùa Xuân, chứ trong khoa học thực nghiệm nghiên cứu loài chim, Yến không bao giờ là Én.

Xem thêm:   Dưới bóng thị thơm

Vậy thì, trên trang giấy, qua ngòi bút, trong cuộc độc thoại giữa 10 ngón tay của tôi với bàn chữ máy vi tính đầy nuớc mắt chảy ngược vào lòng này, YẾN bắt buộc trở thành Én, và Yến là Én.

Yến bắt buộc rời vách núi thân yêu gọi là xóm làng tiên tổ, để bay xa nhằm tái tạo mùa Xuân, không phải mùa Xuân của những ai tự nhận mình chiến thắng khi đã đẩy bầy chim ra khỏi xứ, mà là mùa Xuân mới, của chính Yến, bay về một khung trời khác, vùng biển khác, khi loài hải điểu thủy chung gắn liền với tổ ở vách núi cheo leo phải trở thành bầy chim viễn xứ.

Tôi lạnh lẽo cả toàn thân để thấy rằng mảnh giấy tử sinh mang tên 16 người tỵ nạn của 1975 đã biến CÁI YẾN NHÀ TÔI thành CÁNH ÉN NHÀ TÔI. CÁI YẾN chính là CÁNH ÉN trong cuộc đổi đời 1975, và sau nữa. Cô tôi là dấu hiệu sinh tồn của mùa Xuân mới, của tình mẹ, gia đình, và gia tộc.

Thế nhưng…

… tôi vẫn không yên tâm dù đã hiểu ra điều chính yếu này. Ðúng rồi, CÁI YẾN là CÁNH ÉN. Bà tôi đã nhắc đến hai lần bằng cách ướm bốn chữ vào đầu tôi: CÁNH ÉN NHÀ TÔI. Chính ra là ba lần chứ không phải chỉ một hay hai lần. Bà có nhắc đi, rồi nhắc lại. Lần đầu tiên có thể là CÁI YẾN, dù tôi đọc rõ là CÁNH ÉN. Lần thứ hai và nhất là lần thứ ba khi tôi gục xuống máy vi tính trong vài giây, chắc chắn hàng chữ nói về CÁNH ÉN.

Tại sao bà tôi phải quay lại lần thứ ba?

Phải chăng bà tôi muốn nhắc tôi về một cánh én riêng biệt?

Tôi thở hắt ra. Trong giấc mơ của bản ngã đến từ vô thức, bà nội tôi đã hiện ra, rồi quay trở lại, và có thể lúc đầu bà đã nhắc đến CÁI YẾN NHÀ TÔI. Và rồi, bà tôi đã gợi ý cho tôi đi tìm CÁNH ÉN NHÀ TÔI. Có thể cả hai lần cuối, bà tôi chỉ nói về một CÁNH ÉN.

Tôi nhìn thấy truớc mặt: năm 1975, CÁI YẾN NHÀ TÔI mang chức năng của CÁNH ÉN. Cô trở thành CÁNH ÉN.

Vậy thì mai sau, khi cô tôi nằm xuống, ai sẽ là CÁNH ÉN đây, cho gia phả viết từ nước Mỹ, cho một văn hóa tha hương, khi nóc ngói đỏ đình làng ở Sơn Tây đã bị tháo gỡ và đập phá, khi Huế và Hội An của mẹ tôi đã biến thành phố xá du lịch xô bồ, khi đàn chim Yến đã phải rời vách núi, biến hình thành đàn chim ÉN “di cư” về miền nắng ấm của mùa Xuân. Loài Yến sẽ lao đầu tự tử vì mất nhau, mất tổ, sau khi thổ huyết, hay tất cả Yến sẽ phải trở thành ÉN để triệu triệu đôi chân đứng vững trên những sợi dây điện của thành phố xa lạ, không còn là vách núi của cố hương?

Xem thêm:   Ngày xưa nhà ấy có vườn hoa hồng

Tôi lảo đảo, vì câu tục ngữ của nguời Việt đã nhập tâm, “một con én không làm nên mùa Xuân.”

Tháng Tư là mùa Xuân cô tôi đã tạo ra, 1975.

Còn tôi, tạo được gì, cho ai? Cây bút của tôi? Mười đầu ngón tay đánh máy cuộc độc thoại này?

Tôi ôm lấy hai vai, cô độc một mình.

Và hoảng sợ.

Chao ơi, có thể nào chính cây bút của tôi mới là CÁNH ÉN, một mình trong giấc mơ về ngôi nhà số 4, đường 30, nơi bà nội tôi cư ngụ khi cô con gái cứu cha mẹ, gia đình, và gia tộc đã ngót 75 tuổi đời.

Cái lạnh đi từ đầu đến chân trong nhận thức ấy.

CÂY BÚT là CÁNH ÉN?

Có phải chăng bà nội tôi đã quay lại lần thứ ba, lần cuối cùng vì “sự bất quá tam”, để nhắc tôi rằng: tôi sẽ phải đảm nhận vai trò CÁNH ÉN NHÀ TÔI, vì duyên nghiệp của tôi là ngòi bút.

Nhưng chỉ với một cây bút, đúng hơn. 10 ngón tay trong một cuộc độc thoại trên bàn vi tính, khi tôi đã ứa nước mắt trên từng chữ gõ, mà phải nuốt nước mắt ngược vào lòng để cố không khóc, thì LÀM SAO MỘT CÂY BÚT TẠO NỔI MỘT MÙA XUÂN?

Tôi lạnh run người.

Tôi không còn cố nuốt nước mắt để lặng câm nữa.

Tôi bật khóc.

Như cha tôi ngày ông ngồi bệt xuống sàn  chiếc phi cơ vận tải, 27 tháng 4, 1975, bây giờ, 27 tháng 4, 2020, tôi đã bật khóc thành tiếng.

o O o

Tiếng khóc nức nở của tôi, trở thành tiếng nói của cây bút mang tên CÁNH ÉN NHÀ TÔI.

DNN

copyrighted april-may 2020.