Dương Như Nguyện

(tiếp theo kỳ trước)

Cô Yến tôi cũng nhỏ bé, người tầm thước, nhưng dáng dấp thanh tao, nhanh nhẹn.  Cô có lưng ong vượng phu ích tử, tức là lưng cô khá dài và tròn, người cô cân đối tròn trịa.

“Chân của chim én nhỏ nhưng khỏe chứ không yếu như chim yến.” Cô Yến có đôi chân rất nhỏ và thanh tao, trắng nuột nà. Ðôi chân yếu cho nên có lẽ đó là một lý do cô không chống kịp xuống đất để hãm lại chiếc xe đạp lẫn vào dây kẽm gai, một buổi chiều mưa trút nước ở xứ Huế ngày xưa. Khi về già, sức khỏe suy sụp đi vì đôi chân yếu sau vụ mổ cột sống. Ðôi chân yếu cho nên cô hy sinh dọn về ở với con trai và con dâu, nhất định để cho chú San ở gần Little Saigon trông coi giùm cô con gái,  ít nhất chú tôi có thể đi chơi, gặp gỡ bạn bè khi đã về hưu, và khỏi bận tâm chăm sóc vợ.  Chim Yến hy sinh cho chồng con, luôn luôn.

Thế nhưng, đôi chân có thể là yếu ớt đó của cô tôi, khi cần thiết, đã từng trở nên rất mạnh khỏe có lẽ vì ý chí bên trong: chín tháng mười ngày cưu mang em Lam là đứa con đầu lòng khi chồng ngoài chiến tuyến, cô đi làm ở DAO bằng xe Honda cho đến khi chuyển bụng, cô vẫn ráng lái xe máy về nhà trước khi quỵ, phải kêu cô Út chở đi sanh.  Và cũng đôi chân đó đã đem cô ra khỏi giường mỗi ngày lúc 4 giờ sáng để phụ chồng làm thức ăn đem đến các công sở trong công việc làm ăn “catering van” cùng chú San nuôi đàn con.  Ðôi chân ấy đứng bán hàng ở các hội chợ mười mấy tiếng một ngày, không ngồi nghỉ, dưới ánh nắng rực rỡ của tiểu bang California, làm sạm thêm làn da mặt tối nhưng mịn màng của núi rừng Sơn Tây Việt Bắc.

“Ðầu của chim én nhỏ và thanh. Miệng khá rộng, xương quai hàm cứng và vững. Ðôi mắt khá nhỏ, tròn và đen nhánh.” Cô Yến tôi cũng thế: đầu nhỏ, thanh, môi dày, đều đặn, miệng rộng với nụ cười rất tươi, xương hàm rất rõ rệt và hai hàm răng trắng trong, đều như hạt bắp và khỏe mạnh. Cặp mắt Sơn Tây tuy nhỏ mà mơ màng, hum húp giấu kín nỗi buồn xa xứ nào đó, cho nên u uẩn như Quang Dũng tả: “Mắt em dìu dịu buồn Tây phương…”

(Nhắc đến cuộc chiến tranh Ðông Dương và nỗi lòng thi nhân Quang Dũng, tôi lại xa xót. Từ chiến tranh Ðông Dương đi đến xung đột chủ nghĩa và rồi liên tiếp bắt đầu chiến tranh Việt Nam mà nhà nước bây giờ gọi là chiến tranh chống Mỹ cứu nước.

Ðó là nguyên nhân gia đình tôi và khoảng gần 2 triệu người gốc Việt có mặt trên nước Mỹ thênh thang này).

Càng tìm hiểu tôi càng thấy có thể cô Yến tôi cũng chính là hình ảnh Cánh Én trong thông điệp của bà nội tôi.

CÁI YẾN NHÀ TÔI chính là CÁNH ÉN NHÀ TÔI?

Tôi lại chúi đầu dán mắt vào màn ảnh vi tính:

“Ở Việt Nam, khi đến mùa Ðông chim én thường bay từ phương Bắc vào Nam để tránh rét. Khi đến mùa Xuân, chim én lại bay về phương Bắc. Ðây chính là dấu hiệu để con người nhận biết mùa Xuân về…”

Xem thêm:   Sống sót

Như thế, Én là một loài chim bé nhỏ, bay nhanh, là loài hải điểu báo hiệu mùa Xuân. Chim Én có đặc tính khi thời tiết lạnh, chúng thường hướng đến những vùng đất có thời tiết ấm hơn. Cho nên chim Én “di cư” từng đàn vào vùng đất ấm, tạo nên câu tục ngữ: “Một con én không làm nên mùa Xuân”. Chim Én đi vào thi văn Việt Nam qua hình ảnh “cánh én đầu Xuân.”

Tôi đứng phắt dậy, ôm đầu, và rồi gập người xuống. Từ khái niệm thi ca Quang Dũng của thời kháng chiến chống Pháp qua đến cuộc chiến tranh Việt Nam tương tàn dòng giống, và hình ảnh tiêu biểu mùa Xuân của chim Én, tôi vừa sực nhớ lại, nhận ra lần nữa:

Bây giờ là cuối tháng Tư…

Mùa Xuân. Tháng Tư: cũng là con số bốn, số nhà bà nội của tôi trong giấc mơ cách đây vài ngày. Tháng tư 1975 kết thúc cuộc chiến tranh phi lý, bắt đầu cuộc “di cư” khổng lồ nhất trong lịch sử Việt Nam. Trong óc tôi, một tia sáng loé lên, như thể cánh cửa tâm thức vừa mới mở ra.

Nhận thức này làm tôi đau nhói lồng ngực.  Cuộc chiến tranh phi lý ấy đã đem lại một đàn chim Yến vượt Thái Bình Dương vào nước Mỹ, rồi cặm cụi nhả nước miếng làm tổ trên cái vách núi thẳng tắp cheo leo gọi là “upward mobility” con đường thăng tiến của Giấc Mộng Hoa Kỳ – cuộc leo thang danh vọng, tiền tài, và hội nhập của kiếp di dân mà từ nguyên thủy đã tạo nên một Hợp Chủng Quốc…

…tất cả bắt đầu từ khởi điểm một mùa Xuân…

Dù đi tỵ nạn bằng máy bay hay thuyền hoặc đường bộ chăng nữa, người Việt Nam bỏ quê hương đã vượt Thái Bình Dương, tất cả bắt đầu từ khởi điểm của mùa Xuân ấy. Mùa Xuân mà nhà nước Việt Nam bây giờ gọi là “Ðại Thắng,” và người tỵ nạn vượt Thái Bình Dương gọi là “Quốc Hận.”

Tôi ôm đầu bóp trán, rồi ngồi xuống tiếp tục dán mắt vào màn ảnh trước mặt:

“Theo quan niệm của người Việt Nam xưa, chim én là một trong những loài chim may mắn đem lại sự bình an và thịnh vượng, là linh vật đem lại sự may mắn trong cuộc đời và công danh.” Én tượng trưng mùa Xuân, xây dựng đời sống mới, một sự bắt đầu, và sức sống. Nếu thoát được và sống còn, rồi lập nghiệp thành công sau cuộc di dân khổng lồ ấy, thì đó là hy vọng tối hậu của ý nghĩa mùa Xuân. Kinh nghiệm di dân đẫm nước mắt và xương máu ấy đã mở ra một mùa Xuân mới, cứu cánh của chữ “tự do” bên kia bờ đại dương, căn bản nòng cốt của nước Mỹ.

Không những thế,  đàn chim Yến bỏ xứ, vượt đại dương đầu tiên trong cuộc di cư lịch sử này, chính là lực lượng kinh tế “hải ngoại”, qua bao thập niên, đã cứu vãn cưu mang nền kinh tế kiệt quệ của “giải phóng”, qua cách gửi đồng đô la và quà cáp,  từ cái áo đến đôi dép, từ hộp thuốc đến thức ăn khô, các thứ được bán ở chợ trời, lòng yêu thương để cứu đói gia đình, bạn bè, thân quyến—tình máu mủ, tình thầy trò, tình bằng hữu, tất cả kiên trì lên đến bạc tỷ, tổng cộng cao hơn bất cứ dự án đầu tư nước ngoài nào, trong khi nhà nước tạo ra tư bản đỏ”. Từ đó, đàn Yến tiên phong này được tặng cụm từ “Việt Kiều, khúc ruột ngàn dặm”.

Xem thêm:   Chút ân tình cũ

Ðến đây, tôi phải ôm mặt: chỉ trong đại gia đình mới biết, cuộc vượt biên lịch sử ấy của gia đình bên nội tôi, chính là kết quả tình yêu thương gia đình rất mãnh liệt, rất đồng nhất của “CÁI YẾN NHÀ TÔI.”

Bây giờ, tôi chắc chắn trong lòng: CÁI YẾN cũng chính là CÁNH ÉN. Thành quả của cô Yến tôi không phải chỉ ở ngôi  nhà Irvine, bốn đứa con thơ dại đã trưởng thành và thành công ở Mỹ, và việc cô tôi săn sóc bà nội tôi bị Alzheimer trường kỳ, cho đến khi bà tôi nhắm mắt ở thủ phủ tỵ nạn, Nam California.

Ký ức mãnh liệt nhất đang trở về. Tôi đứng lảo đảo như người vừa tỉnh giấc mộng, bị choá mắt, và hình ảnh bà nội tôi trong giấc mơ đã trở thành ánh thái dương của mùa Xuân. Ký ức quá mãnh liệt tạo thành những tiếng động đánh vào từng đầu dây thần kinh của tôi, nhưng cuối cùng lại tạo ra những tiếng thánh thót trên phím dương cầm, khi những búa gõ đập vào dây đồng để hiến dâng cho con người âm nhạc đến từ thượng đế… Tiếng đàn của người vợ cậu con trai “tràng hoa quấn cổ,” nữ dương cầm thủ là con dâu trưởng của cô tôi.

12

Tiếng động của quá khứ gian nan giống như tiếng đạn, tiếng pháo kích, tiếng “moc-chê” của chiến tranh Việt Nam, rồi biến thể thành tiếng vũ bão của tấu khúc dương cầm Appassionata, mà theo tôi là khúc trình tấu nói lên sự sống sót của con người sau nguy cơ hay giông tố. Tiếng dương cầm xoáy óc, trầm mặc như tiếng búa rìu của quá khứ, rồi chuyển qua đầy hy vọng như tiếng sóng trùng dương cho tương lai rạng rỡ, tất cả nằm trong bản đàn Beethoven mà con dâu trưởng nhà cô Yến tôi đã đánh cho tôi nghe, trong một lần thăm viếng

Beethoven. Appassionata. Tấu khúc của tri thức hòa lẫn với đam mê, nối liền quá khứ bão bùng của màn đêm hăm dọa, với tương lai nắng ấm chang chang của mặt trời ngạo nghễ.

Liên tưởng về tiếng đàn của con dâu cô Yến đem tôi về với mớ ký ức nặng nề và đau xót nhất, như thể gánh nặng của hôm qua vẫn còn trĩu xuống đôi vai ngày hôm nay. Kéo tôi xuống một vũng lầy, hay cơn động đất nứt rạn mặt phẳng dưới chân. Tôi rớt vào đó rồi không thoát ra được.

o O o

Tiếng đập vào màng tai của quá khứ.

25 tháng tư năm 1975. Lớp học nhốn nháo lên vì bà tổng giám thị vào lớp đưa tên. Tên của tôi. Phụ huynh gọi điện thoại yêu cầu nữ sinh cần về nhà lập tức. ÐI ÐI ÐI ÐI. Trong lớp ai cũng hiểu một cú điện thoại như thế có nghĩa là gì trong hoàn cảnh này. Nguyên thủ quốc gia đã từ chức. Quốc hội vẫn còn bàn cãi trong khi “Từng ngày mất tỉnh, mất người, mất từng mạch sống của đời non tơ…Thơ DNN.”

Xem thêm:   Bên bờ ly biệt

Bà Tổng Giám Thị nhìn tôi không nói, rồi quay lưng rời lớp. Tin đến ngay giờ toán của thầy Nguyễn Khắc Minh. Tôi là học trò cưng của thầy vì cả lớp ban C triết và sinh ngữ hình như chỉ có mình tôi chịu học toán đâu vào đó. Thầy nhìn tôi cười khoan dung:  “Con đi bình yên nhé.” (Mãi về sau, gặp lại thầy ở Mỹ, tôi mới biết rằng ngày kế tiếp thì thầy và gia đình cũng… đi luôn.  Câu nói truyền miệng sau 1975 là cái cột đèn đi được cũng đi!)

ÐI. ÐI. ÐI. ÐI. Bốn chữ đập vào óc tôi như tiếng thình thình của nhịp tim trong giờ thứ 25. ÐI ÐI ÐI ÐI. Như tiếng đạn, tiếng pháo kích, tiếng gầm thét của âm thanh làm vỡ tan cửa kính hay đồ sứ. Như sự nứt rạn của hồn nghệ sĩ trên phím dương cầm, cho nên đập đi, phang đi, nện đi, không còn nâng niu màu trắng ngà của phím, vì giờ giấc đã đi vào tử điểm. Sự sụp đổ của một công trình. Tiêu tán một quốc gia.

ÐI ÐI ÐI ÐI.  Cả lớp học ồn ào hẳn lên, rồi tự nhiên chùng xuống, khi tôi đứng dậy. Tôi là trưởng lớp. Hồ sơ thi tú tài của cả lớp nằm trong cặp của tôi. Tôi xách cặp lên, tiến ra cửa lớp. Khuôn viên ngoài kia nắng chói đã ngả vàng. Tôi quay lại nhìn các bạn lần cuối. Nghẹn ngào không nói. Có tiếng của Thanh Hà: “Quên cuốn lưu bút.” Tôi quay lại nhận cuốn lưu bút  đang chuyền tay. Rồi có tiếng gọi của Mỹ Hạnh: “Quên tập thơ.” Tôi quay lại lần nữa, nhận cuốn thơ cũng đang chuyền tay.

ÐI ÐI ÐI ÐI. Sự căng thẳng của thành phố hấp hối như những tế bào cancer nằm dưới da người bệnh. Sự nhốn nháo hỗn loạn của đồng bào tỵ nạn đổ xô về Sài Thành từ các tỉnh đã mất, từ những chuyến tàu, từ những xa lộ kinh hoàng. Xác người chết bên đường chất chồng từ Ban Mê Thuột, từ Quảng Trị theo lớp sóng người dân tỵ nạn đổ về thủ đô, tay xách nách mang, con nít đàn bà, xe đạp xe tải hay chạy tất tưởi bằng những đôi chân gầy gò ốm yếu. Những khuôn mặt hằn lên nỗi khổ đau, những ánh mắt lạc thần. Những tin đồn loan truyền về một cuộc thảm sát như Mậu Thân, hay thành phố sẽ bị san bằng, và người Mỹ đã bỏ rơi đồng minh. Sự nhức nhối của một vết thương trong mạch máu đất nước.

ÐI ÐI ÐI ÐI.  Tôi về đến nhà thì gia đình đã hội họp. Tôi thảng thốt bước vào phòng khách và nhận thức được sự căng thẳng của vấn đề. Những khuôn mặt thân quen đã tối sầm trong căn phòng khách tự nhiên cũng rất tối.

(còn tiếp)