Dương Như Nguyện

Trong Nam, ông tôi phải đi nhặt đá để nuôi các con, để từ từ tậu lại cơ nghiệp, cho nên người con trai trưởng là cha tôi chắc chắn phải ra đi làm để giúp đỡ cha mẹ. Cha tôi vừa đi học đại học ở Huế vừa vượt đèo Hải Vân bằng xe đò đi dạy học ở vùng Quảng Nam xôi đậu. Mỗi tuần cha tôi phải về Huế nghe giảng lấy cours, rồi vội vàng quay trở lại Quảng Nam.  Ðèo Hải Vân trở thành cái mốc cuộc đời của cha tôi sau cuộc di cư.  Ở Hội An, khi sắp lấy vợ để ổn định, cha tôi dẫn theo đứa em gái 10 tuổi mặc chiếc áo dài trắng lần đầu tiên trên tấm thân mảnh khảnh. Tấm hình đen trắng của hai anh em đứng tựa vào nhau, anh vươn tay ôm em gái nhỏ bé bên cạnh, em gái nép vào anh, làm sao tôi quên được hình ảnh mà bây giờ đã trở thành ký ức không hề suy tàn trong rừng kỷ niệm của cố hương bỏ lại sau lưng?

Em Lam tôi vẫn tiếp tục kể bằng tiếng Mỹ giọng West Coast:

– Chị ơi, em nhớ khi mới dọn qua Tây Bắc, Northwest Coast, chưa có nhà, mẹ em mang bầu, trời tuyết lạnh mẹ em và hai đứa con trai đầu lòng nằm sát bên lò sưởi vì apartment thuê chỉ có một phòng, rồi mẹ em mất em bé còn trong bụng mẹ.

(Phải rồi, tôi nhớ ra cô chú tôi có mất một đứa con thứ ba, năm lần thụ thai cô tôi chỉ sinh được bốn. Ở nước Mỹ như thế là đông con. Tôi nhớ chứ, cô chú tôi rời vùng Trung Tây nước Mỹ để dọn qua bờ biển Thái Bình, và lập nghiệp bằng cách kinh doanh, tự làm chủ lấy mình, nhưng rất cực khổ vì làm rất nhiều giờ trong ngày cho việc “catering” — cung cấp thực phẩm cho nhân viên các công ty, ở các hội chợ, hay các công trường của công và tư sở).  Vừa nuôi con, cô Yến tôi vừa làm việc chung với chồng: mỗi ngày dậy từ 4 giờ sáng, nhiều buổi đứng trong nắng chang chang để bán hàng cho du khách trong các hội chợ.  Ðứa con trai út xinh xắn bám áo mẹ, được mẹ cho ăn “hot dog” của chính cửa hàng. Làn da mặt của cô tôi, điển hình miền núi Sơn Tây, lại càng sậm màu thêm vì nắng, khi cô phải đứng ngoài trời ở các hội chợ và công trường của các xí nghiệp để bán hay phân phối thức ăn.  Cặp kính cận của cô nữ sinh ban toán ngày nào cận thị nặng vì chăm học, chăm đọc sách, và cặm cụi làm phòng lương cho DAO, thì luôn luôn vẫn là “chữ ký” trên khuôn mặt trái xoan đặc thù Bắc Việt của cô tôi, dù nghề nghiệp và đời sống đã thay đổi.  Cả hai cô chú mặt đều rám nắng vì công việc làm ăn buôn bán. Chú San tôi lại hoạt bát ăn nói giỏi được lòng khách, đến nỗi khách hàng Mỹ có người đề nghị chú San nên ra ứng cử hội đồng tỉnh của thành phố nhỏ nơi cô chú độc quyền cung cấp bữa ăn cho các công tư sở và các xí nghiệp.

Có thể đó là giấc mộng không nói ra của chú San tôi.

Thập niên tám mươi: tôi có thể mường tượng được hình ảnh chú San trở thành người Việt đầu tiên tranh cử ở nước Mỹ, chinh phục lá phiếu địa phương bằng xe”Sony’s catering van” chở hàng cung cấp thức ăn cho nhân viên hãng sở, trong mạch máu kinh tế của quốc gia hùng mạnh này.

Xem thêm:   Má Mi Deborah

Giấc mộng đẹp của nam nhân Bình Ðịnh.

Tôi gọi đó là “giấc Mộng Hoa Kỳ.”

Nhưng chú San lại thích làm thơ tiếng Việt. Nên rút cục thì ông chỉ làm chủ cửa hàng “Sony’s Catering Van,” chứ không trở thành “chính khách” nước Mỹ. “Giấc mộng Hoa Kỳ” không lớn hơn giấc mộng lai láng hồn thơ Nguyễn Du,Tản Ðà, Quang Dũng trong tâm hồn nam nhân Bình Ðịnh tên San.

Cô tôi cũng chẳng lấy gì làm buồn vì chú tôi không ra ứng cử hội đồng tỉnh theo lời khách hàng xúi giục vì họ yêu thích “Catering Van” của nam nhân Bình Ðịnh, có người vợ nhỏ bé mang cặp mắt húp Sơn Tây, chung sức đứng bán theo chồng.

o O o

Em Lam tôi vẫn tiếp tục kể:

– Lúc đó mẹ em gầy lắm chị ạ. Mẹ em dậy sớm 4 giờ sáng lo làm sandwiches cho bố em mang đi bỏ mối trong chiếc xe “catering van” lớn như xe vận tải.  Có khi mẹ em phải đứng bán nắng chang chang ở hội chợ mười mấy tiếng một ngày, liên tiếp không nghỉ tay. Em nghĩ rằng cái lò sưởi của căn phòng khi mới dọn qua bờ biển phía Tây, và làm việc lao lực mất ngủ nhiều quá là nguyên nhân khiến mẹ em mất đứa con chưa lọt lòng.  Em mất đứa em.  Chẳng biết nó gái hay trai.

Tôi nín lặng, muốn ôm em Lam vào lòng cho dịu nỗi thương xót, nhưng em cao lớn quá và vòng tay tôi thì ngắn.  Tôi nhớ đến bà nội tôi:  theo lời kể chuyện của cha tôi, khi mới sinh con ở Làng Bún ngoài Bắc, bà tôi cũng không được nghỉ ngơi, vẫn phải ra đồng trông nom thợ gặt, và con nhỏ chết ở nhà vì lên cơn sài cũng không có mẹ bên cạnh, vì mùa gặt phải cho xong, phải trả công tá điền, trông coi việc đong thóc và giã gạo. Và cha tôi cũng mất đứa em xấu số vừa mới sinh ra đã lên sài rồi mất đi bất thình lình trong khi mẹ ở ngoài đồng ruộng. “Cái ngủ mày ngủ cho ngoan, mẹ mày đi cấy đồng hoang chưa về….” “Ðứa bé lên sài nên tắt thở, mẹ còn bươn bãi ở đồng hoang…. Thơ DNN.”

Phải chăng đó là số phận chung của người phụ nữ Việt Nam, trải dài thế kỷ, cả hai bờ đại dương?

o O o

– Chị ơi, khi mẹ em sẩy mất đứa con thứ ba, lúc đó em tự hứa em sẽ lớn mau để giúp mẹ. Cha mẹ sẽ không phải đi làm nữa.

Cậu con trai nói tiếng Anh miền bờ biển phía Tây bùi ngùi kể cho người chị họ nghe ý nguyện của cậu. Mắt cậu cũng đỏ lên như mắt mẹ cậu ngày xưa khi cô tôi khập khiễng vào nhà, sau khi té xe đạp vào hàng rào kẽm gai trong cơn mưa tầm tã của xứ Huế trầm lặng.

Tôi ứa nước mắt. Quả đúng như vậy, hai đứa con trai lớn nhất của cô chú tôi đều đã đi làm mùa Hè ngay từ trung học để giúp đỡ cha mẹ, còn đứa bé nhất thì luôn luôn bám áo theo mẹ khi cha mẹ phải “cater,” hay bán hàng ở công trường, hội chợ.

Em Lam tôi nói câu sau cùng:

Xem thêm:   Biden & Trump

– Bây giờ em tốt nghiệp trung học rồi, em sẽ đi lính. Quốc gia đang lúc cần em. Và cha mẹ em không phải nuôi em nữa.

Tôi cố giấu nước mắt, thổn thức chỉ để trong lòng. vì thương em tôi hiếu nghĩa. Em nói đúng, nước Mỹ đã cho chúng ta nơi ẩn náu, và đây là dịp những người công dân mới trả ơn. Tìm đâu ra người con trai Mỹ gốc Bình Ðịnh – Sơn Tây như em Lam tôi?

o O o

Có cố gắng thầm kín bao nhiêu, tôi vẫn phải đem hết sức lực hỏi em câu cuối:

– Lam ơi, chiến trường nguy hiểm, nhỡ em không về thì sao?

Tôi đang nhớ đến hình ảnh chim Yến mẹ đã xây tổ, khi bay về không thấy con nữa, Yến mẹ bay đảo lên trời cao, rồi lao đầu vào vách núi. Chao ơi, cô tôi mang tên loài chim quý, rút ruột cho con, tượng trưng cho tình mẫu tử.  Tôi lắc đầu để chối bỏ hình ảnh đau thương của chim Yến mẹ đang lởn vởn trong óc tôi. Không, không, không. Biết bao nhiêu bà mẹ có con đi lính, tôi tự trấn an mình.

– “Em biết em sẽ về chị ạ.” Ðôi mắt Sơn Tây của người trai trẻ ánh lên niềm tin tưởng.

– “Cho dù em không về đi chăng nữa, thì quốc gia sẽ trả ơn cho cha mẹ, để cha mẹ nuôi các em.”  Em Lam nói, rất tự nhiên, không sợ hãi.

Ký ức trước 1975 đột nhiên lại trở về. Trong óc tôi loé lên một dữ kiện về ngày cô Yến sinh em Lam, con đầu lòng, trong khi chú San ở ngoài chiến tuyến. Khi đạp xe đạp vào nhà thương Ðức Chính thăm cô, việc đầu tiên tôi nhận thức là hình ảnh cô Yến tôi nằm li bì, xanh xao. Tôi lại bắt gặp cặp mắt thảng thốt của cô Út, người đã đưa cô Yến tôi đi sanh.  Còn bà tôi thì ẵm cháu, đi đi lại lại, đứa bé sơ sinh quấn trong tã “cô-tông” trắng ngà, và bà luôn niệm Phật. Cô Út giải thích rằng cô quá sợ hãi vì đã chứng kiến cô Yến tôi sinh rất khó, chịu đau trên mười tiếng, gần một ngày một đêm. Cô Út là một sinh viên trẻ, chưa hề qua cảnh này.   Cô Yến tôi nhịn đau không la khóc hay chửi rủa như các sản phụ khác. “Tại sao lại đau quá lâu và khủng khiếp đến thế?” Tôi hỏi, và cô Út tôi xuống giọng, thì thào, vừa nghiêm trọng vừa hãnh diện:

– Thằng bé con nó “tràng hoa quấn cổ” đó cháu à. Ðặc biệt lắm. Lớn lên thì nó ra phết.  Chỉ tội mẹ nó quá mang nặng đẻ đau, suýt chết, vì đứa con “tràng hoa quấn cổ” trời cho.

Tôi bàng hoàng nín lặng, không nói được nữa. Rồi cô Út giải thích cho tôi hiểu thế nào là tràng hoa quấn cổ.  Cái nhau của sản phụ quấn chung quanh cổ đứa bé sơ sinh. Mẹ và con có thể chết. Ðau đớn cho người mẹ vô cùng. Một cuộc chiến đấu sức cùn lực cạn.  Và đứa bé sống sót ra đời mang quanh cổ hình ảnh một vòng hoa chiến thắng trong khi sản phụ lả đi vì đau và mất máu.  Nhưng cô Yến tôi đã chiến thắng. Và thằng bé tràng hoa quấn cổ ấy, theo niềm tin siêu hình, sẽ lớn lên với một tương lai hiển hách vì đó là ý nghĩa của tràng hoa quấn cổ.

Xem thêm:   Bài học đầu đời

Quay lại với em Lam, tôi nghĩ đến hiện tượng “tràng hoa quấn cổ” của vấn đề sinh sản, rồi nghĩ đến tiếng kêu mừng rỡ của chim yến con may mắn thoát khỏi bàn tay của người đi săn tổ yến, ngoài khơi.  Yến con sẽ sống còn, chiến thắng, và bay cao.  Em Lam tôi sẽ trở về.

Tôi tự trấn an mình lần nữa.

o O o

Những gì xảy ra sau đó đúng là hình ảnh may mắn và đặc biệt của “tràng hoa quấn cổ.”  Khi em Lam tôi đang tham chiến ở Trung Ðông, thì ông nội tôi mất. Ðại gia đình chúng tôi không ai nghĩ em Lam có thể về dự đám tang của ông tôi.  Thế mà, ngay giữa đám tang, người quân nhân Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ bước vào bất thình lình, vì đích thân vị tư lệnh không những đã ký giấy ban phép đặc biệt cho em tôi về với gia đình, mà còn cho dàn xếp một chuyến bay đặc biệt.   Khi em tôi rời đám tang để quay về chiến trận, đôi mắt Sơn Tây của cô Yến tôi lại đỏ hoe. Hai hàng nước mắt chảy, cô sụt sùi, nhưng vẫn không khóc than thành tiếng.

o O o

Em Lam tôi nói đúng. Trận chiến vùng Vịnh Trung Ðông chấm dứt, ngắn và gọn chứ không kéo dài thảm khốc như chiến tranh Việt Nam. Em tôi, người lính Thủy Quân Lục Chiến Mỹ, trở về với cha mẹ, bình yên, và đi học đại học như dự định, không tốn công cha mẹ nuôi.  Em chọn ngành hình luật (criminal justice), ngành của cảnh sát và thám tử đi bắt tội phạm. Sau cử nhân, em Lam tôi học tiếp trường luật trên Nữu Ước. Em tốt nghiệp tiến sĩ luật, giúp cha mẹ nuôi các em, và lập gia đình với một nữ kiến trúc sư gốc Á rất nổi tiếng ở vùng Ðông Bắc. Con dâu trưởng của cô tôi còn là một nghệ sĩ dương cầm mà tôi rất khâm phục. Em dâu đánh cả ba bài Sonatas của Beethoven như sóng, như gió, tiếng khoan, tiếng trầm, lúc nhanh, lúc chậm. Tôi đã từng có giấc mộng làm nghệ sĩ dương cầm mà suốt đời chưa bao giờ đánh nổi ba bài Sonatas của Beethoven như cô ấy.

Và rồi cô chú tôi có cháu nội.  Một, rồi hai…

Kết cuộc câu chuyện của em Lam tôi là câu chuyện có hậu của hạnh phúc.

Lòng hiếu thảo của người con trai đầu lòng, theo ý nghĩa văn hóa siêu hình của Việt Nam, chắc đã động đến trời già.

o O o

Khi nghĩ đến em Lam trong thời gian chiến tranh ở vùng vịnh Ba Tư đầu thập niên 1990, tôi luôn nhớ hình ảnh xanh xao im lìm của cô tôi trên giường sản phụ ở một Saigon sôi sục tin chiến trường sau Hòa Ðàm Ba-Lê, với việc mất còn của cổ thành Quảng Trị.  Và tôi nhớ đến hình ảnh đứa bé sơ sinh cất tiếng khóc chào đời với máu thịt của mẹ trở thành vòng hoa chiến thắng trên cổ, mang bốn chữ:

Tràng Hoa Quấn Cổ.

(còn tiếp)