Ông Tư đưa cây sào lên ngọn cây giựt một cái thật mạnh, cây sào dội ngược lại trúng bắp vế, ông đưa tay xoa chỗ đau, vừa xoa vừa nhăn mặt, tay kia giữ chặt cây sào, trên móc dính một chùm bông so đũa trắng. Nhẹ nhàng đưa cây sào xuống đất, ông gỡ chùm bông ra khỏi ngọn sào, mấy nụ bông so đũa trắng ngần, mịn màng, nằm đầy trong cái rổ bằng tre mà ông đan xong hồi chiều hôm qua. Bà Tư mất đi để lại cho ông cái nghề đan rổ, vừng, thúng; thỉnh thoảng ông đem ra chợ bán cũng đủ mua thuốc uống hàng ngày. Bây giờ người ta hay xài rổ nhựa, vừa bền, vừa đẹp hơn rổ tre, cái nghề thủ công này, ông sợ có ngày người ta chê chẳng ai thèm mua, nhưng không sao – ông nhủ thầm – đến chừng người ta chê thì ông cũng ngủm cù đèo rồi còn gì. Con Lượm nó đâu thèm học cái nghề khốn khổ, rị mọ này.

Mặt trời vừa lên khỏi rặng trâm bầu, ông Tư gác sào vô thân cây rồi bưng rổ bông so đũa, định vô nhà. Ông ngoái nhìn lại ba ngôi mộ nằm bên hàng so đũa mà nói: “Hôm nay tui nấu canh chua bông so đũa để cúng ba mẹ con bà nè, lát nữa tui qua nhà con Mận mua cho bà vài lát trầu với ít trái cau tươi, để bà về mà ăn”. Nói xong ông bước vô nhà, leo lên bộ ván ngồi mà lặt bông. Hai năm trước, con Lượm còn đi làm ở Sài Gòn, tới ngày giỗ má nó, nó chưa kịp về là ông trông đứng trông ngồi rồi, ông đi ra đi vào lẩm bẩm: “Trưa trờ, trưa trật rồi sao con nhỏ hổng thấy về cà. Sài Gòn xuống đây đâu có bao xa mà giờ này chưa thấy dạng nó!”. Ðến chừng nghe bầy vịt tàu chạy rần rần, tiếng guốc khua lộp cộp là ông biết con Lượm về, nó đi như trống đánh, hèn chi bầy vịt không rộ lên sao được. Năm nay nó theo chồng đi xa ở tận đâu đâu ông không biết, từ hồi con Lượm bước lên máy bay tới giờ ông chưa gặp lại nó lần nào.

ben-hang-so-dua

Bảo Huân

Ông Tư uể oải đứng dậy lại gần bàn thờ, vặn ngọn đèn bóng cho nó hơi tỏ một chút, vì hôm nay là ngày cúng cơm mà. Cái bàn thờ chưng dọn lại hồi chiều qua, trên bình bông có mấy nhánh bông điệp vàng mà con Lượm đã trồng ngoài bàn thiên, ông bẻ cắm vô bình, bông điệp vàng coi cũng đẹp, một cái đẹp chất phác của miền thôn dã. Bên cạnh là một nải chuối xiêm và mấy trái mận Hồng Ðào ông vừa hái ngoài vườn. Hình bà Tư ngồi ngay ngắn ở giữa, ông nhìn kỹ bà thầm nói: “Ở miệt dưới bà có thèm trầu không?”. Rồi mỉm cười, ngó qua hình bên phải, thằng Tý mặc đồ lính nhảy dù, đội mũ đỏ, mặt mày sáng sủa, ngộ trai giống ông hồi còn trẻ, vậy mà chết vội chết vàng, lúc còn sống đi lính chưa lần nào về thăm ông, còn cái hình bên trái là thằng Tèo, em thằng Tý, mặc bộ đồ biệt động quân coi oai phong lẫm liệt quá, tới chừng ở tù cải tạo về quê nhà với thân tàn ma dại, ở bên ông có hai tuần lễ, rồi ra gò nằm cạnh anh với má nó cho có tình mẹ con.

Xem thêm:   Chút ân tình cũ

Ông trở lại bộ ván, chồm bưng rổ bông so đũa ra sàn nước rửa. Ngày rằm con nước lớn đã vào đầy rạch nhỏ, mấy con cá thòi lòi nhảy bì bõm dưới nước nghe cũng vui tai, chiếc xuồng ba lá để ông bơi đi ra chợ xã bán rổ, thúng cột dưới gốc dừa, chiều qua quên dời xuồng cột vào cây mù u cạnh sàn nước, để tránh dừa mỏ, dừa khô rụng xuống khoang xuồng là kể như tiêu tùng cái gia tài còn lại, chiếc xuồng tuy cũ kỹ nhưng cũng giúp ông kiếm được tiền mà sinh sống. Ông đứng dậy lấy cái nồi đang để trên giàn, trút mớ cá rô mà hồi khuya ông giăng lưới bén trong con rạch nhỏ, một nửa nấu canh chua, một nửa kho tộ, bà Tư và hai thằng Tý, Tèo đều thích món canh chua bông so đũa nấu với cá rô đồng. Thằng Tý hồi chưa đi lính hay ra ruộng vào mùa nước cạn, mang cái rổ tre ra xúc mấy vũng nước đọng trên ruộng, kiếm mớ cá rô con mắc cạn về chiên giòn ăn rất ngon. Thằng Tèo lên tỉnh học, thi đậu tú tài, chưa kịp mừng thì có lệnh tổng động viên, nó đi lính đóng ở rừng Sát, lâu lâu về thăm nhà, kêu con Lượm  đi hái bông so đũa về nấu canh chua cho nó ăn. Bây giờ mẹ con Tý, Tèo kéo nhau ra gò nằm hết, con Lượm trồng hàng so đũa bên mấy phần mộ để có bóng mát và để nhớ các anh nó.

Xem thêm:   Bị chôn sống

Ông Tư đặt mâm cơm lên bàn, trên mâm có ba cái chén, một tô canh chua, một tô cá rô kho và một dĩa rau gồm đủ các loại rau, nào đọt dong, đọt ráng, đọt xoài, lá cách…..ông thắp nhang khấn vái vong linh bà Tư và hai con trai của ông về mà ăn giỗ, Ông giơ ba cây nhang lên mà những giọt nước mắt lăn dài xuống gò má nhăn nheo, khắc khổ, đưa cánh tay gầy guộc lên sờ từng khuôn mặt trong hình mà nghe lòng quặn đau, tre già khóc măng non, con ơi, cũng vì chiến tranh mà các con đã hy sinh khi tuổi đời chưa được hai mươi, căn nhà quạnh quẽ không còn những tiếng nói cười rộn rã như xưa, ba buồn lắm. Ông Tư thở dài nhìn ra khoảng không, cuộc đời cô quạnh quá, tất cả đều bỏ ông đi xa biền biệt,  không bao giờ trở lại, chỉ còn có đứa con gái duy nhất cũng xa rời ông mà đi theo chồng , bỏ xứ bỏ quê nhà, mấy năm rồi cũng chưa thấy tăm dạng. Cuộc đời ông sinh ra để toàn hứng chịu những khổ đau, hồi thời trai trẻ ông cũng chưa bao giờ được sung sướng, nghèo ba đời rồi vẫn còn nghèo, ông thương con Lượm, cầu mong cho nó có chồng được hạnh phúc và không khổ cực, không còn cảnh lội bãi bắt còng, lội ruộng mò cua một đời nghèo khổ.

Cái ngày con Lượm ra sân bay, ông nuốt nước mắt vào trong, ở nhà buồn hiu hắt, nhìn ngọn đèn dầu leo lét, nghe tiếng ảnh ương kêu mà ông không tài nào cầm được nước mắt. Cứ mỗi chiều về, ông ra ngoài hàng ba ngồi, nhìn về phía chân trời xa xa, có chiếc máy bay nào bay ngang, là ông che tay ngó đến khi nào không còn thấy chiếc máy bay đó nữa thì thôi, mỗi lần như vậy là ông nghĩ  thầm, hổng biết con Lượm có ngồi ở trên đó không, chắc nó đang về thăm mình. Nước mắt bao giờ cũng chảy xuôi, cha mẹ lúc nào cũng thương con vô bờ bến, cho đi mà không bao giờ đòi lại. Ông nhớ con Lượm mỗi độ gió tây về là nó ra mấy gò mối mà nhổ nấm, nhớ lúc bìm bịp kêu nước lớn là con Lượm lật đật xách thùng múc nước đổ vào lu, ông nhớ nhiều lắm, nhớ bà Tư, nhớ hai thằng Tý ,Tèo, tuổi già lúc nào cũng quanh quẩn trong quá khứ, biết bao nỗi nhớ và nỗi buồn xếp lớp lớp trong ông.

Xem thêm:   Khóc một chút rồi thôi

Ông Tư đốt thêm ba cây nhang rồi cầm ra gò, đến phần mộ bà Tư, ông đưa tay nhổ bụi mắc cỡ ở dưới chân mộ lẩm bẩm: “Nếu bữa đó bà đừng đi đào rễ tranh, mà tui nói rồi, bịnh thì ở nhà, cãi lời  tui đi đào chi cho trúng đầu đạn M.79, hất tung bà lên trời, rồi ông bà ngoại con Lượm rước bà đi luôn. Nói xong ông Tư lại mộ của thằng Tý, nhìn khung hình nhỏ xíu trên tấm bia: “Ba nấu canh bông so đũa rồi đó, con vô nhà ăn đi, vô lính nhảy dù đánh trận Hạ Lào làm gì có canh chua mà ăn, lẹ lên đi con, để cơm canh nguội hết”. Ông quay qua mộ thằng Tèo: “Thằng này kén ăn quá chừng, ra Hoàng Liên Sơn, lên Cổng Trời ở tù cải tạo, ngồi đó mà kén ăn nha con, cỏ cú cũng không có mà ăn, thôi vô nhà đi, ba có nấu canh chua với cá rô kho tộ đó, mặc sức mà ăn”.

Trời chiều bảng lảng, ông vẫn còn ngồi đó trầm tư, nỗi mất mát trong ông quá lớn, ông còn lại gì khi mà tất cả đã ra đi, ông nghĩ rằng ở phương trời nào đó, con Lượm không bao giờ quên cây lúa, ngọn rau, mặc dù những thứ ấy đã nằm trong dĩ vãng. Con Lượm có nhớ hình ảnh người cha già, ngày đêm mỏi mòn thương nhớ con, người cha cần cù đan từng chiếc rổ, chiếc thúng để nuôi cho nó lớn khôn. Cha già như ngọn đèn trước gió không biết tắt lịm tự lúc nào và nếu một ngày nào đó, người cha ấy nằm xuống, thì đứa con muôn đời không nhìn lại được hình ảnh của người cha thân yêu, suốt đời tận tụy và hy sinh cả cuộc đời mình cho từng đứa con.

Mây tím đã giăng ngang lưng trời, chiều về đàn chim cũng rủ nhau bay về tổ, ngọn gió Tây thổi từng cơn, từng cơn se lạnh, thế mà người cha vẫn còn ngồi đó, ngồi bên hàng so đũa trắng ngần….

LT