Gom lá khô thành đống, chưa vội hốt vào giỏ cần xé, Thúy dựng chổi bên gốc cây rồi đến ngồi trên thành hồ cá Koi. Phản xạ tự nhiên có điều kiện, lũ cá lượn ùa đến chỗ Thúy. Cô lấy hũ thức ăn vốc một nhúm rải xuống nước. Tiếng quẫy lạch xạch, lào xào chộn rộn là âm thanh nhộn nhịp hiếm hoi trong lúc này. Thúy nhìn ra đường, phố ngày bình thường rất sầm uất mà giờ đây yên ắng đến mức nghe được tiếng lá khô lăn trên vỉa hè, rõ tiếng thở dài của mình như đang nói chuyện với một ai đó vô hình. Mặt trời mùa này mọc lên ở hướng chính Ðông. Mùa Hè đã trôi qua xa lắm rồi, là khi mặt trời mọc về phía Bắc của hướng Ðông, nơi chỗ cô đang ngồi không bị nắng chiếu thẳng vào mà xiên vàng nhẹ tạo bóng đổ dài bàn ghế, cây cối trong sân lung linh, sinh động. Thúy không rành về khoa học để lý giải hành trình mọc và lặn chệch hướng của mặt trời qua bốn mùa. Thúy thích mùa Hè với mặt trời mọc chệch về hướng tay trái. Từ một màu vàng nhẹ rồi ánh sáng trắng lóa dần là lúc quán bắt đầu rộn rịp. Có thể một ngày rất nóng và cơn mưa chiều hè “không đã” càng khiến oi bức hơn. Hay một ngày nắng dịu nhẹ, gió từ đâu đưa về mơn man, hứa hẹn một cơn mưa chiều dai dẳng đến đêm… Mùa trôi qua, ngày tháng như kẻ lữ hành bị đuổi rát trong cuộc đua bất tận, mới đó mà đã hơn 3 tháng quán đóng cửa. Thúy nhìn quanh, lũ bàn ghế phủ bạt buồn hiu hắt. Những cây mận đang mùa hoa tỏa hương nồng nàn về đêm, sáng ra rải thảm trắng thềm để lại mùi thơm thoảng ngọt, quyến rũ nhẹ nhàng.

Tối qua Thúy gần như thức trắng. Mười một giờ chuẩn bị đi ngủ thì nhận được tin nhắn của Hùng: “Mai anh về. Nhóm mười người. Hết cách rồi!”. Dù biết trước sẽ có tin như thế này nhưng Thúy vẫn hơi hẫng. Cô bấm nút gọi. Hùng nói mọi thứ đã xong. Giấy xét nghiệm Covid có giá trị trong 72 giờ vừa đủ thời gian về đến nhà nếu mọi thứ suôn sẻ. Hùng kể thêm về những người trong đoàn sẽ đi cùng anh, chốt kiểm soát qua các tỉnh. Chúc Thúy ở lại giữ an toàn, dịch bệnh ngày càng phức tạp, không biết trước điều gì đâu. Thúy im lặng lắng nghe, cô nói câu cuối cùng trước khi cúp máy: “Em chuyển vào tài khoản cho anh một ít nhen”. Hùng bảo: “Anh còn đủ tiền về đến nhà. Em đừng gọi hay nhắn tin, anh sẽ chủ động cập nhật tình hình lúc nào thuận tiện”. Ru lòng cố ngủ một chút nhưng nhắm mắt lại đầu óc Thúy càng tỉnh táo. Hùng lỡ chuyến về đợt trước vì phải chờ em trai. Ðợt đó những đoàn người về quê tránh dịch xuôi chèo mát mái, được nhiều mạnh thường quân đón bên đường giúp chai nước, hộp cơm, khăn lạnh, đổ cho ít xăng, tặng ít tiền… Giờ càng khó với nhiều lệnh cấm nghiêm ngặt. Nghĩ đến đó, vô thức, Thúy ngồi dậy qua bếp thắp cây nhang bàn thờ ông Ðịa. Cô khấn xin cho Hùng về đến nhà an toàn. Một ngàn năm trăm cây số đường dài với tâm lý căng thẳng, đối phó và còn thêm nỗi lo dính bệnh nữa.

Thúy lan man nhớ quê Hùng mà cô về thăm Tết năm ngoái. Một làng quê nghèo, nằm ở vị trí eo nhất trên bản đồ nhưng êm đềm, bình yên. Sáng se lạnh nhìn các cụ già áo dài, đầu vấn khăn đen đi lễ nhà thờ. Trong màn sương sớm họ giống như những cây thông non di động, bé nhỏ mà mạnh mẽ. Lần đầu tiên, cô gái miền Tây thấm cái lạnh đến thấu xương thấu ruột và hiểu ra lý do vì sao thanh niên trong làng luôn muốn rời xứ lập nghiệp phương xa. Ðất đai khô cằn, khí hậu khắc nghiệt đúng nghĩa chó ăn đá gà ăn sỏi. Ước mơ xây cho cha mẹ ngôi nhà gạch, mái bằng là mẫu số chung của trai làng khi vừa chạm ngưỡng mười tám. Có người chưa học hết phổ thông đã vội ra đi. Không hẳn mơ ước đổi đời mà vì muốn cắt đứt một thời niên thiếu cơ cực, tìm một chân trời rộng rãi, khác hơn.

Hùng không giống họ, xong mảnh bằng xây dựng ở một trường cao đẳng trong tỉnh, anh quay về nhà mộng ước được thấy làng quê xoay chuyển với nhiều ngôi nhà mới, khang trang. Thế nhưng, một năm, hai năm… thời gian chẳng chờ đợi ai, càng mơ ước lại càng sốt ruột khi quê nghèo vẫn mãi quê nghèo. Sức lao động của con cái trong làng không thay đổi được bộ mặt làng quê. Chí lớn chưa về bàn tay không, một ngày hai anh em Hùng khăn gói vào Nam.

Thắm Nguyễn

Rồi mộng ước cũng thành khi họ xây được cho cha mẹ ngôi nhà khang trang, có vườn cây, ao cá, mảnh ruộng con con làm cho vui, cho con cái an lòng cha mẹ có điều kiện an hưởng tuổi già. Ðã đến lúc nghĩ đến việc riêng, Hùng đưa Thúy về nhà coi như ra mắt.

Xem thêm:   Tự thú

Mộng vừa dệt, dịch liên tiếp bùng phát nhiều đợt, các công trình xây dựng mà Hùng quản lý cứ xập xình rồi đình lại. Chẳng ai nghĩ được gì trong lúc đăng đăng nỗi lo, đừng nói đến hôn sự trọng đại đời người!

Thúy có thuận lợi hơn Hùng. Trước hôm đóng cửa quán cà phê, cô Loan chủ quán sau khi tặng mỗi nhân viên nửa tháng lương, cô đề nghị Thúy ở lại trông quán trong thời gian cách ly, cô hỗ trợ một phần tiền sinh hoạt. Thêm một người nữa là Sơn, bà con xa với cô Loan cũng quê miền Tây. Sơn còn đi học, những lúc rảnh mới phụ quán. Thúy gắn bó với cô Loan hơn chục năm sau khi học xong ngành pha chế ở một trường cao đẳng. Không bà con họ hàng nhưng cô Loan coi Thúy như con cháu trong nhà. Làm được một năm, thấy Thúy hiền lành chịu khó, biết tính toán sắp xếp công việc khoa học đâu ra đó, cô cho Thúy quản lý bộ phận pha chế; đồng thời cô sửa lại gian nhà phía sau bếp thành một căn phòng tiện nghi cho Thúy ở lại, thuận tiện việc quản lý cả hai ca.

Quán khá rộng, ước sáu-bảy trăm mét vuông nằm ở mặt tiền một con đường lớn vốn là nhà của ba má cô Loan. Anh chị em nhà cô Loan ai cũng giàu có, con cái sống ở nước ngoài, họ muốn giữ lại kỷ niệm của cha mẹ nên mở quán cà phê. Tiếng là cà phê chứ còn có thức ăn và một gian hát cho nhau nghe. Thúy chỉ phụ trách một phần nhỏ (nhưng quan trọng) trong hoạt động của quán có ba mươi nhân viên chia làm hai ca.

Sở dĩ Hùng nấn ná giữa về hay ở vì Hải, em trai Hùng còn vài công việc cần giải quyết ở một công ty sản xuất đồ gỗ cho đến khi công ty đóng cửa bởi lệnh phong tỏa. Mỗi ngày nghe trong xóm trọ người này người kia nhiễm Covid rồi ra đi khiến ai cũng hoảng sợ. Hùng kể, có ngày đến mấy chục ca dương tính, người đi cách ly bằng xương bằng thịt, trở về chỉ là hộp giấy carton, bên trong có hũ tro cốt. Tiếng khóc xé lòng, ai oán. Hùng nói, kiểu này không chết vì Covid cũng chết vì điên!

Cả sáng hôm đó Thúy cứ ra vô lòng vòng khắp quán, kè kè điện thoại trong túi. Cô Loan gọi báo tin cô và chị bếp dương tính, chuẩn bị đi cách ly. Chú Thiên cách ly ở nhà, thức ăn đủ cho một tuần, cô dặn Thúy và Sơn giữ liên lạc với chú. Khó tả được tâm trạng ngổn ngang của Thúy trong lúc này. Thúy lấy giấy ra ghi vội những lời dặn dò của cô Loan, chú nhiều bệnh nền, trường hợp khẩn cấp sẽ gọi cho ai, số điện thoại nào…bằng những dòng chữ ngoằn ngoèo lên xuống, lộn xộn như tâm trạng của cô.

Mấy tuần trước cô Loan tham gia tổ chức một bếp ăn từ thiện ở chùa, nguồn lây từ đó chăng? Chỉ là ý nghĩ lướt nhanh qua trong đầu, lúc này không phải để truy tìm vết. Nhưng Thúy không biết mình cần phải suy nghĩ gì trong tâm trạng hoang mang, quá nhiều dữ liệu cần giải quyết. Cả ngày hôm đó thỉnh thoảng Sơn video call cho chú Thiên. Chú bảo ra vô quanh nhà cho thoáng đầu óc. Gương mặt chú trên màn hình điện thoại bình tĩnh và mạnh mẽ.

Một ngày trôi qua với hỗn độn cảm xúc, Thúy lướt điện thoại hết trang này đến trang kia xem các clip tường thuật cảnh đoàn người tháo chạy khỏi thành phố. Thúy căng mắt tìm trong vô vọng dòng người áo khoác, khẩu trang kín mít xem có ai giống Hùng hay không.

Buổi tối, Thúy cầm điện thoại ngủ lúc nào không hay. Nửa đêm cô choàng tỉnh. Ngơ ngác hồi lâu, Thúy mới xâu chuỗi lại sự kiện đã xảy ra trong ngày. Tin nhắn của cô Loan qua viber kèm tấm hình cô và chị bếp trong khu cách ly, Thúy đọc được nỗi lo và sợ trên gương mặt cô Loan chụp selfie.

Thúy thức luôn đến sáng mới có tin nhắn của Hùng: “Bọn anh đang ở X. Còn sáu mươi cây số nữa qua khỏi Ð. Hôm qua đoàn người bị chận lại dưới chân cầu vượt. Nhóm anh theo sau, đoán là không xong nên quay lại tìm đường khác. Trước thời điểm giấy xét nghiệm hết hiệu lực, ít nhất phải đi được hai phần ba đường. Một người dẫn đường xuyên rừng. Cả ngày chỉ đi được năm mươi cây số. Nửa tiếng nữa tiếp tục hành trình, phải thoát khỏi rừng để ra quốc lộ. Hên xui!”.

Xem thêm:   Thư cho Thao

Chú Thiên gọi, nói Thúy bày cách nấu nui để ăn cả ngày. Thúy sốt ruột, ước gì mọc đôi cánh bay đến nhà cô Loan nấu cho chú bữa cơm.

Liền đó là tin nhắn của cô Loan, mừng là cô và chị bếp chưa có triệu chứng gì!

Tối muộn hôm ấy Hùng nhắn: “Nhóm bị giữ lại ở Ð. May mắn là ra khỏi rừng và có chiếc chiếu ngả lưng, quan trọng là có ổ cắm điện để sạc pin điện thoại. Ngày mai ra sao phó mặc cho số phận”.

Thúy không dám bấm gọi cho Hùng. Cô thở phào, tâm trạng cô lúc này chỉ loanh quanh ý nghĩ, người còn sống là được!

Trưa ngày thứ ba Hùng nhắn: “Vẫn còn ở Ð. đang chờ kết quả xét nghiệm, nếu an toàn sẽ được cho đi tiếp”.

Ba giờ sau, Hùng nhắn: “Hai người trong nhóm bị đưa cách ly rồi, bọn anh phải chờ qua hai lần xét nghiệm nữa mới được cho đi. Ðường về nhà thăm thẳm, mịt mùng”.

Tối, chú Thiên gọi cho Thúy: “Sao chú thấy hoa mắt, chóng mặt và mệt lắm”. Thúy và Sơn như ngồi trên đống lửa khi không thể nào đến được với chú Thiên. Ðêm chưa bao giờ dài như thế!

Sáng hôm sau chú Thiên gọi báo là ổn rồi, nấu được nồi cháo cho cả ngày.

Ngồi bên hồ cá Koi, nhìn lũ cá lượn lờ, Thúy nhớ hồi mới vào làm cho cô Loan, thấy chú Thiên cao to, khỏe mạnh, đẹp  trai lắm. Nhìn vợ chồng chú, Thúy hay nghĩ, sao mà ông trời cho họ nhiều thứ quá, vợ chồng đẹp đôi, giàu có, hạnh phúc, con cái giỏi giang…  Cô Loan lúc nào cũng rộn rã nói cười, người mới gặp dễ nghĩ cô hời hợt nhưng thấy vậy mà không phải vậy; trái ngược với chú Thiên ít nói, sâu sắc và ấm áp, nhìn biết ngay.

Bốn ngày sau nhóm Hùng được phép tiếp tục hành trình nhưng phải chờ nhập vào đoàn người đang trở về, có cảnh sát giao thông áp tải qua chốt ranh giới. Nhờ mấy ngày “ăn không ngồi rồi” chờ đợi của Hùng mà Thúy mới biết chuyện nhóm Hùng bị lạc trong rừng cao su. Tối ấy họ tìm được một cái lán bỏ hoang. Mì gói, bếp ga mini mang theo nhưng không có nước để nấu. Nước mang theo dành để uống. Vậy là cả nhóm gặm mì sống. Sợ nhất là hết pin điện thoại. Dù ai cũng mang theo cục sạc dung lượng cao nhưng vơi gần hết bởi cả ngày loay hoay tìm đường trên bản đồ, theo dõi tin tức trên mạng để tính việc của mình, còn dùng điện thoại soi sáng nữa.

Ðốt đống lửa giữa rừng cho có hơi người thì nửa đêm mưa tuôn xối xả. Mười thằng co ro, không còn điếu thuốc nào để hút cho ấm. Quay tứ bề, trước mặt, sau lưng gì cũng là bóng đen. Hỏi nhau, liệu việc trở về nhà có phải là giải pháp đúng. Cuối cùng kết luận, chỉ có con đường phía trước và đích đến là quê nhà, nghĩ ngợi xa gần chỉ phí thời gian.

Lúc bị chận lại ở Ð., mọi hy vọng dường như tan biến khi nghe tin có thể sẽ bị trả về thành phố. Chính quyền ở Ð. lo sợ đoàn người đi qua mang theo dịch bệnh. Ðường về nhà qua rất nhiều ranh giới giữa các tỉnh, họ không thống nhất việc đưa đón nên mình chỉ biết chờ đợi. Cả nhóm xác định, màn trời chiếu đất thế nào cũng phải về. Ðường về nhà là con đường duy nhất lúc này.

Nhờ nhập chung với đoàn người nên nhóm Hùng gặp nhiều thuận lợi. Có mạnh thường quân chờ bên đường cho hộp cơm, ổ bánh mì, chai nước… Trở ngại cuối cùng là phải dừng ở Q. một ngày để chờ qua H. Những người có trách nhiệm ở H. khăng khăng đoàn người sẽ mang mầm bệnh vào tỉnh họ. Phải chờ họp bàn cách giải quyết. Chỉ còn ba trăm cây số đường về nhà nên ai cũng nôn nóng, nhiều người phẫn nộ la hét, mất bình tĩnh. Cuối cùng êm xuôi. Ngả người lên chiếc giường sắt trong khu cách ly, hít căng lồng ngực mùi đất quê thơm nồng sau mưa mới biết mình còn sống và thực sự đã về nhà, dù từ đó về đến quê Hùng còn sáu chục cây số nữa.

Xem thêm:   Vợ cũ

Chị bếp có giấy ra viện trước cô Loan. Kết quả xét nghiệm ghi là dương tính nhưng chỉ số CT lớn hơn 35. Lại thêm một kiến thức về bệnh dịch Covid mà Thúy phải tra Google. Cô Loan không có triệu chứng nhưng kết quả vẫn dương tính sau hai tuần. Chị bếp xin ở lại chờ ngày cô Loan ra viện, vì nếu về nhà chị phải cách ly tiếp hai tuần nữa mà chú Thiên lại có bệnh nền. Cô Loan không chịu, cô nói, có người trong nhà với chú Thiên sẽ tốt hơn.

Ngày cô Loan ra viện cũng là ngày chú Thiên phải đi cấp cứu vì một cơn nhồi máu cơ tim. Chị bếp vào viện chăm chú Thiên được một ngày sau đó chú hôn mê phải vào phòng chăm sóc tích cực. Cuối cùng chú không qua khỏi. Bầu trời thành phố một màu xám chì nặng trĩu. Chú Thiên được đưa về nhà. Cô Loan khóc không thành tiếng, ra vô ngơ ngác như người mất hồn. Sơn và Thúy tất tả qua nhà cô Loan. Chỉ 2 cây số mà đến 4 chốt gác kiểm dịch nội đô. Có lẽ chú Thiên phù hộ nên qua được dễ dàng. Sơn chở chị bếp đi lo các thủ tục mai táng. Cô Loan nhất quyết kêu nhà đòn làm cho chú đầy đủ nghi lễ bình thường. Tuy nhiên không ai được phép tiễn chú ra nghĩa trang vì các quy định phòng dịch. Cô Loan, chị bếp, Thúy và Sơn theo dõi đoàn xe đi, lúc hạ huyệt… qua livestream của nhà đòn.

Sau đó cả  4 người đều phải xét nghiệm PCR. May quá không ai bị gì!

Ðêm nào Thúy cũng video call với cô Loan. Trông cô suy sụp quá, giọng nói nghe khàn đục, vẻ như cô khóc rất nhiều. Cô Loan nói, tháng Mười thành phố mở cửa thì tháng Mười Một cô mở lại quán chứ ở không vầy cô chết mất, Thúy à. Thúy đếm đốt ngón tay, nếu mọi sự theo tính toán của cô Loan thì quán đóng cửa đúng nửa năm.

Thành phố có những ngày rất buồn, quá buồn khi chiều nào cũng mưa. Có sáng mưa tầm tã như mưa miền Trung tháng Mười. Ngồi bên trong nhìn ra sân ướt lướt thướt Thúy không biết mình buồn hay vui khi nghe tin chính thức ngày thành phố sẽ mở cửa. Số ca nhiễm vẫn còn cao nhưng số tử vong đã giảm nhiều. Ai còn ai mất. Người sống sẽ còn vất vả nhiều bởi những lo âu về tương lai bất ổn và chắc chắn sẽ còn khó khăn nữa bởi sự đau thương chung của thế giới này!

Nghĩ về Hùng, Thúy hiểu mọi thứ chấm dứt. Anh sẽ không trở lại thành phố này nữa vì những dấu ấn khó quên của lần vượt thoát, cảm giác bị đẩy đến tận cùng. Hôm trước Hùng nói với Thúy, có lẽ anh và Hải sẽ làm gì đó ở quê. Còn lâu lắm để nói đến tương lai lúc này. Bình an hôm nay biết hôm nay, ngày mai là một ngày khác!

Ngay khi thành phố vừa có lệnh mở cửa, làn sóng người trùng trùng chạy xe máy, cả đi bộ về quê tránh dịch lần thứ ba, vẻ như đông hơn hai đợt trước. Thúy không biết Hùng có theo dõi tin tức hay không nhưng với cô là những ngày thật  khó quên. Quá nhiều những mất mát đau thương, để lại vết hằn trong ký ức người ở lại, biết bao giờ nguôi ngoai. Thành phố này cần có thời gian để chữa lành những vết thương.

Thế rồi trời vào thu/Nhìn hàng cây trút lá/Những tháng dài chờ trông/Từ ngày anh vắng xa/Trên con đường em bước/Một chiếc bóng đơn côi/Bây giờ là tháng Mười/Sao vẫn còn mưa rơi”. Thúy khóc mỗi khi nghe Khánh Hà hát đến đoạn này trong bài hát “Sao Vẫn Còn Mưa Rơi” của Ðức Huy.

Mỗi sáng Thúy đạp xe lòng vòng trên những con đường trong thành phố. Phố vẫn đẹp với hàng cây xanh thẫm chạy dài thật lãng mạn. Những tòa nhà kiến trúc Pháp như những chiến binh già trầm mặc mà kiêu hãnh khi nó đã tồn tại qua hàng trăm năm, chứng kiến bao thăng trầm của thành phố.

Thúy đứng lại dưới tượng Ðức Mẹ, cô chuyện trò thì thầm với chính mình rồi cô lại đạp xe đi. Lát nữa thôi phố thức dậy và những con đường sẽ sôi động trong vũ điệu của ngày mới. Tháng sau cô Loan mở lại quán cà phê nếu không có gì thay đổi.

Mọi thứ đã qua rồi, ngày buồn đã qua rồi. Thành phố sẽ hồi sinh như nó đã từng sống lại qua bao biến động thời cuộc. Và, con người ta ai cũng cần mạnh mẽ để bước tới!

ĐTTT

Sài Gòn, tháng 10 năm 2021