Hội nghị Tài binh 1922, còn gọi Hội nghị Giải trang Hải quân Hoa Thịnh Đốn nhằm mục đích khống chế sức mạnh Nhật tại Viễn Đông, áp đặt tỷ lệ 5; 5; 3 cho tổng trọng tải thuyền chiến Anh-Mỹ-Nhật. Có nghĩa một khi chiến tranh xảy ra, hạm đội Nhật chỉ bằng 3/10 Đồng Minh. Tỷ trọng trên gây tức giận cho giới quân phiệt Nhật xem là một nhục nhã.

Hội nghị Giải trang Luân Đôn 1930 từ chối thêm lần nữa yêu sách của phía Nhật muốn tương đương hoặc ít nhất bằng 7/10 Anh-Mỹ. Kết quả là Nhật Bản rời khỏi Hội Quốc Liên, chấm dứt các hòa ước. Giai cấp samurai, cai quản quân đội Nhật, tin với ý chí có thể thắng ưu thế vật chất của Hoa Kỳ như đã liên tiếp chiến thắng Nhà Thanh, Nga hoàng, xâm chiếm Mãn Châu, Cao Ly, Đài Loan và miền duyên hải Trung Hoa. Hòa hoãn vô ích. Từ đây là chạy đua võ trang.

Các thống kê sau 1945 cho thấy kỹ nghệ sản xuất lớn của Hoa Kỳ với dân số gấp ba và tài nguyên dồi dào của cả một lục địa Bắc Mỹ đã nghiền nát ý chí samurai.

Hôm nay Âu châu và Hoa Kỳ không áp đặt tỷ trọng hải quân đối với Bắc Kinh. Là một sai lầm hay bước đi hòa bình? [Trần Vũ]

(Hải quân Pháp vào năm 1940 có 9 thiết giáp hạm, 1 hàng không mẫu hạm, 27 tuần dương hạm, 28 khu trục hạm, 70 tiềm thủy đĩnh).

Bản dịch Nguyễn Nhược Nghiễm

Chương IV

Thời gian đó, kết quả Hội nghị Tài binh Hoa Thạnh Ðốn được công bố. Hải quân Hoàng gia Nhựt không hài lòng với kết quả này, và đưa đến một số sỹ quan cao cấp xin từ nhiệm.

Hiệp ước Giải trang ở Hoa Thạnh Ðốn ký kết tháng 2 năm 1922 chỉ cho phép Nhựt duy trì tổng số trọng lượng của toàn thể tàu chiến Nhựt là 315,000 tấn, Pháp 175,000 tấn, Ý-Ðại-Lợi 81,000 tấn, nhưng trái lại Anh-Cát-Lợi và Hoa Kỳ tổng số lên đến 525,000 tấn cho mỗi xứ. Sức mạnh của hàng không mẫu hạm giới hạn cho Nhựt tổng số 81,000 tấn, 60,000 tấn cho Pháp và Ý, và lên đến 135,000 tấn cho Anh và Mỹ.

Cho riêng tuần dương hạm, thỏa ước đặt ra kích thước và giới hạn cho mỗi chiếc là 10,000 tấn nhưng không giới hạn số lượng. Tỷ trọng như thế giữa Anh, Mỹ và Nhựt là 5; 5; 3 hoàn toàn bất lợi cho chúng tôi.

Hiệp ước Giải trang đã khiến nhiều sỹ quan hải quân Nhựt rơi nước mắt. Thiết giáp hạm Tosa, trọng lượng 39,900 tấn hạ thủy năm 1921, phải phá bỏ, và chiếc tàu song sinh Kaga (Gia Hạ) được biến cải thành một hàng không mẫu hạm. Hai thiết giáp hạm Akagi (Xích Thành) và Amagi (Thiên Thành), cùng trọng lượng 34,363 tấn cũng được biến cải thành hai hàng không mẫu hạm. Nhưng trong thời gian xúc tiến việc biến cải này, chiếc Amagi bị trận động đất năm 1923 chôn vùi. Bộ Tư Lịnh Tối Cao Nhựt cũng bắt buộc phải bãi bỏ các đồ án của bốn thiết giáp hạm, mỗi chiếc 47,500 tấn. Các đồ án này hoàn tất năm 1921 sau nhiều tháng nỗ lực to tát của một số kỹ thuật gia.

Thiết giáp hạm Arizona sẽ bị đánh chìm tại Trân Châu Cảng

Hải quân Nhựt đã nhìn Hội nghị Tài binh Hoa Thạnh Ðốn có tánh cách thuần túy chính trị, mà qua kết quả đã cho thấy Nhựt bị chèn ép trên mọi lãnh vực. Một số dân chúng nhớ lại sự chế tài của luật di trú bài Nhựt ở California vào năm 1913, việc này khiến cho mối liên kết giữa Nhựt và các cường quốc Ðồng Minh trở nên rạn nứt sau Ðệ Nhứt Thế Chiến. Dân chúng Nhựt cũng nhớ lại Hội Quốc Liên đã bị Hoa Kỳ tẩy chay, sau khi tổ chức này được hình thành và do chính Hoa Kỳ điều khiển.

Kể từ đây, Nhựt bắt đầu xem Hoa Kỳ như là một “kẻ thù ngấm ngầm”. Các sỹ quan trẻ, và các sỹ quan mới ra trường như tôi, không có một thẩm quyền nào để đo lường đúng mức sự xét đoán này, nhưng trên phương diện tinh thần, các sỹ quan cao cấp của chúng tôi đã “khua động” bên tai chúng tôi hàng ngày.

Sau chuyến viễn du không lâu, tất cả sỹ quan thuộc khóa của tôi chánh thức mang cấp bậc Thiếu úy Hải quân hiện dịch. Tôi và bốn sỹ quan nữa được bổ nhiệm phục vụ trên tuần dương hạm Kasuga (Nhật Ðỉnh/Vernal Sun). Trong vai trò mới, chúng tôi lập tức đối diện với nhiều vấn đề cần phải quan tâm, chớ không phải riêng “kẻ thù ngấm ngầm” mà thôi.

Tôi không mấy phấn kích với nhiệm vụ mới. Tôi nhớ câu châm ngôn Nhựt Bản: “Phải trải qua ít ra mười năm mới mong trở thành một thủy thủ lành nghề!”. Kasuga không già nua hơn chiếc Izumo (Ngoài Mây) hoặc Yagumo (Tầng Mây Thứ Tám), nhưng chiếc tàu này cũng từng chứng kiến trận chiến Nga-Nhựt vào năm 1904-1905. Tôi tự nhủ: Tôi vẫn còn là một tay mơ. Ðừng ước mơ một chiến hạm tối tân như Nagato (Trường Môn). Hãy kiên nhẫn! Kể từ khi tôi bước chân vào Eta Jima, tính ra chỉ mới sáu năm mà thôi.

Xem thêm:   Lang thang & người trẻ

Tôi trình diện vào tháng 5 năm 1922. Chiếc Kasuga được phái sang Nga-Sô. Chúng tôi lại thực hiện một chuyến viễn du nữa. Tuy nhiên lần đi này không có tánh cách huấn luyện đơn thuần. Nhiệm vụ của Kasuga là bảo vệ cư dân Nhựt ở Tây Bá Lợi Á lúc bấy giờ đang gặp khốn đốn do cuộc nội chiến ở Nga-Sô gây ra. Năm 1920, nhiều trăm người Nhựt đã bị quân Bolshevik Nga tàn sát ở Nikolayevsk. Hai năm sau đó, Tây Bá Lợi Á vẫn còn trong tình trạng hỗn loạn.

Từ khi hạm đội Nga bị Nhựt Bản tiêu diệt ở Ðối Mã (Tsushima) năm 1905, hải quân Nga không có loại tàu chiến nào chống lại nổi chúng tôi. Vì vậy, chiếc Kasuga của chúng tôi không phải bắn một phát súng nào, và kinh nghiệm mà tôi nhận được cũng không hơn gì khi tôi ở trên chiếc Yagumo.

Đại tá Yonai Mitsumasa sẽ làm Thủ tướng năm 1940

Chuyến đi vào các hải vực phía Bắc là chuyến đi vào trong sương mù dầy đặc đầu tiên của tôi. Vào tháng sáu, chúng tôi đổ bộ lên Hải-Sâm-Uy (Vladivostok), hải cảng của Tây Bá Lợi Á nổi tiếng với nhiều ngọn đồi dốc thẳng khiến tôi gợi nhớ đến Nagasaki của Nhựt Bản. Cuộc thất trận của Nga phải cầu hòa Ðức và cuộc nội chiến tiếp theo đã gây cho dân chúng ở đây nghèo đói. Những gì tôi thấy ở Hải-Sâm-Uy trái ngược hẳn những gì tôi thấy ở Nữu Ước và các thành phố hải cảng thịnh vượng của các quốc gia chiến thắng khác. Ðiều này khiến cho tôi suy nghĩ rằng một quốc gia không bao giờ nên để cho bại trận. Lúc đó tôi không bao giờ tưởng tượng Nhựt Bản cũng sẽ chịu chung số phận của dân Bạch Nga trong vòng không đầy 23 năm sau đó.

Sau Vladivostok, chúng tôi viếng thăm Odomari, hải cảng cực Nam của Sakhalin do Nga nhượng cho Nhựt sau thảm bại Ðối Mã. Lúc đó không ai có thể tưởng tượng hải cảng uể oải tồi tàn này sẽ được Nga-Sô thâu hồi vào năm 1945 và biến thành căn cứ hải quân quan trọng Korsakov ngày nay.

Bộ Tư Lịnh Tối Cao Hải quân Hoàng gia không sử dụng các loại tàu tân tiến và chạy nhanh trong cuộc hành quân không có đối thủ ở Tây Bá Lợi Á này. Nhưng các Sỹ quan có khả năng về chánh trị được chọn để cầm đầu cuộc hành quân, bởi vì lúc đó giữa Nga và Nhựt không xảy ra chiến tranh, và cuộc hành quân liên quan đến nhiều vấn đề tế nhị.

Hạm trưởng Kasuga là Ðại tá Mitsumasa Yonai, một nhân vật vĩ đại thứ hai mà tôi được phục vụ dưới quyền. Như Ðô đốc Suzuki, người đã đưa ra nhiều nhát chổi cải cách ở Eta Jima, Yonai là vị chỉ huy mà tôi kính nể cao độ nhứt. Nhưng giữa hai nhân vật này có nhiều điểm khác nhau rõ rệt. Ðô đốc Suzuki thích nói thẳng vào mặt, mạnh bạo và ồn ào, còn Yonai ít nói. Dù tuổi đã hơn tứ tuần, ông vẫn còn rất phong độ. Suốt sáu tháng phục vụ trên chiếc Kasuga, tôi không bao giờ thấy ông rầy mắng một sỹ quan nào. Tuy nhiên tinh thần phục vụ của thủy thủ đoàn rất cao. Ai ai cũng nể phục ông, và xem ông như là một trong những người tài giỏi nhứt của Hải quân Hoàng gia.

Ðại tá Yonai và Ðô đốc Suzuki chỉ có một điểm giống nhau: không dung túng các phương pháp kỷ luật tàn nhẫn. Hành vi mẫu mực của Yonai đã quá đủ để ông chỉ huy mà không cần phải áp dụng phương pháp kỷ luật nào khác.

Các sỹ quan trẻ tuổi chúng tôi thoạt đầu đã kinh ngạc khi thấy vị hạm trưởng gần gũi với chúng tôi trong suốt những giờ nghỉ ngơi. Ông ưa thách chúng tôi thay phiên nhau vật lộn với ông. Sau những năm tập tành ở Eta Jima, võ nhu đạo của chúng tôi đã thuộc vào hạng khá nên thoạt đầu chúng tôi có hơi rụt rè, chỉ sợ quá mạnh tay với “sếp”. Nhưng chúng tôi sớm sáng mắt, không một ai trong chúng tôi quăng nổi ông xuống đất. Ông xuống tấn đứng bất động như một hòn đá tảng, và không hề phản công, những ra đòn của chúng tôi dù ác liệt đến đâu cũng đều dội ngược ra hết.

Trong chuyến đi này tôi được tham dự một bữa tiệc tráng lệ đầu tiên trong cuộc đời tôi tại một nhà hàng trên bờ biển. Chủ nhân bữa tiệc này là viên thị trưởng và cũng là quân trấn trưởng hải quân địa phương. Nhiều Geisha xinh đẹp, mặc Kimono đủ màu sắc, hòa đàn, ca múa và rót saké cho khách. Họ ăn nói khéo léo và duyên dáng quá đỗi khiến buổi tiệc thêm phần sống động. Các kỹ nữ tuyệt thế này đã làm cho tôi hoa cả mắt.

Trong các tiệc tùng của người Nhựt thường có một trò vui gọi là “kampai” (uống cạn). Người này đứng dậy tiến đến một người khác với ly saké đầy để mời uống. Người được mời tiếp lấy ly rượu và uống cạn, đoạn rửa ly bằng nước lạnh và rót rượu mới lại và mời lại. Nếu người nào từ chối ly rượu mời này có nghĩa là người đó tự nhận mình đã say.

Xem thêm:   Mối đe dọa của heo rừng

Tôi thấy vừa chủ vừa khách có hơn bốn năm chục người lần lượt “kampai” với Ðại tá Yonai, và ông không từ chối một ai hết. Khi hầu hết thực khách đều ngả nghiêng, nếu không nói là bò càng dưới đất, Yonai vẫn ngồi thẳng đứng như một Samurai sống thực. Khả năng mọi mặt của ông không thể nào lường được, giống như khả năng nhu đạo siêu quần của ông.

Trước khi được bổ nhiệm chỉ huy Kasuga, Yonai giữ chức vụ tùy viên hải quân tại Tòa đại sứ Nhựt ở Mạc Tư Khoa và ông đã từng uống rượu Vodka với người Nga. Yonai cũng nói tiếng Nga sành sỏi.

Cuối một bữa tiệc như thế, tôi hết sức nể phục khi nhìn thấy Yonai ngồi chẳng khác một thanh sắt, trong khi những người khác múa rối. Các geisha bu quanh Yonai và cố mang hết tài nghệ ra để gây chú ý và làm hài lòng ông hạm trưởng nghiêm nghị và đẹp trai. Nhưng ông hạm trưởng này không bao giờ “dây dưa” với một cô nào cả.

Thật kém may mắn cho nước Nhựt khi một người như Yonai chỉ phục vụ một vài chuyến đi trên tàu. Hải quân Hoàng gia thường hay chỉ định các chức vụ trên bờ, trong các Tổng Hành Dinh, cho những sỹ quan có khả năng, và do đó những sỹ quan tài ba lại thường thiếu kinh nghiệm hải hành.

Ðô đốc Suzuki xin về hưu trước khi cuộc chiến Thái Bình Dương bùng nổ, ông không chịu đưa ra một tiếng nói nào liên quan đến chiến thuật, chiến lược và chánh sách của hải quân. Yonai đã lên tiếng chống đối chiến tranh, nhưng ông không thể nào đương đầu nổi với tập thể đông đảo các sỹ quan diều hâu bài ngoại quá khích, và vì vậy ý kiến của ông chẳng được ai để ý đến.

Bấy giờ có một câu chuyện gây nhiều bàn tán ở Nhựt. Ðó là câu chuyện Ðô đốc Yamamoto, Tổng tư lịnh Hạm đội Hỗn hợp, muốn nhường chức vụ lại cho Yonai để rảnh tay điều động lực lượng tấn công Trân Châu Cảng. Yonai từ chối. Nhưng tôi tin rằng Yonai có thể làm được mọi việc, cũng như ông có thể làm hay hơn Yamamoto trong chức vụ có tánh cách quyết định đó.

Chuyến đi của tôi trên tuần dương hạm Kasuga kết thúc vào ngày 30 tháng 3 năm 1923, sau khi tôi xin theo học tại một trường đào tạo chuyên môn. Tôi ý thức rằng nếu muốn trở thành một sỹ quan như Yonai, tôi phải học hỏi nhiều hơn nữa. Từ tháng 4 đến tháng 12, tôi theo học khóa huấn luyện về ngư lôi và pháo thuật ở Yokosuka (Hoành Tu Hạ Thị).

Trong lúc tôi đang theo học, Nhựt Bản bị nhiều cơn động đất tàn phá nặng nề. Trận động đất xảy ra trong vùng phụ cận Ðông Kinh và Yokohama (Hoành Tân Thị) vào ngày 1 tháng 9 năm 1923 khiến cho hai nơi này bị tàn phá gấp bội các cuộc hỏa hoạn gây ra. Sự thiệt hại cũng nặng nề hơn các cuộc oanh tạc của Hoa Kỳ trên hai thành phố này trong thời Ðệ Nhị Thế Chiến. Thiết quân luật kéo dài một tháng trong khu vực được ban hành, và tôi được cắt đặt nhiệm vụ bất ngờ để duy trì việc thi hành lịnh này.

Một ấn tượng khó quên đối với tôi trong thời gian bi thảm đó: sự giúp đỡ mau lẹ của Hoa Kỳ cho hai thành phố Nhựt bị tàn phá này. Các tàu chiến Hoa Kỳ đã đổ xô đến bờ biển Ðông Kinh với nhiều loại tiếp tế thiết yếu. Hành động đầy thiện chí này khiến lý thuyết chống lại “kẻ thù ngấm ngầm” mà tôi tiếp nhận đã bị lung lay.

Trong năm cuối cùng tôi ở Eta Jima có nhiều quyết định về vấn đề định nghiệp sỹ quan. Trong thập niên 1920 sự nghiệp của sỹ quan hải quân Nhựt theo các phương thức như sau: các sỹ quan được bổ nhiệm về Tổng Hành Dinh là những người có học bạ đặc sắc nhứt tại các trường chuyên môn hoặc Hàn lâm viện, và họ sẽ được nhận vào học tiếp ở trường Cao Ðẳng Tham Mưu. Yonai và Yamamoto thuộc vào nhóm này. Các sỹ quan đồng hạng nhì trong các trường chuyên môn hoặc Hàn lâm viện sẽ được bổ nhiệm phục vụ trên các thiết giáp hạm và tuần dương hạm, nhưng thường họ không được theo học thêm ở Cao Ðẳng Tham Mưu. Các sỹ quan đồng hạng ba được bổ nhiệm về các khu trục hạm, và được huấn luyện thêm về loại tàu này. Các sỹ quan đồng hạng tư sẽ đi tiềm thủy đĩnh, hạng năm trở thành phi công sau khi tình nguyện theo học ở trường huấn luyện phi hành. Cuối cùng là các sỹ quan xếp hạng thấp nhứt sẽ được bổ dụng trên các hộ tống hạm hay tàu vớt mìn.

Xem thêm:   “Mặt trận miền Tây vẫn yên tĩnh”

Vấn đề huấn luyện phi công, chỉ rút từ các sỹ quan hải quân tốt nghiệp hàng năm, bấy giờ được xem là một phương cách có vẻ vô lý. Mười lăm năm sau vấn đề này có nhiều thay đổi đáng lưu ý khi nghề bay hấp dẫn cả đến những sỹ quan tốt nghiệp thủ khoa. Nhưng việc thay đổi đã quá trễ, và vì vậy có thể giải thích tại sao Nhựt Bản đã thất bại trong việc điều chỉnh từ ưu thế thiết giáp hạm sang ưu thế hàng không mẫu hạm, bởi lẽ các sỹ quan ưu tú đều dồn về Bộ Tư Lịnh Tối Cao, và mặc dù họ chỉ biết về thiết giáp hạm, nhưng tiếng nói của họ lại có tánh cách quyết định đối với binh chủng hải quân. Tiếng nói của các sỹ quan không quân chuyên nghiệp không được nghe đến vào thời gian ấy.

Chẳng hạn người cầm đầu Không lực Hải quân Nhựt trong thế chiến thứ hai là Phó Ðô đốc Takijiro Onishi đã không qua được kỳ thi tuyển vào trường Cao Ðẳng Tham Mưu, giống như tôi, và cũng vì vậy mà tôi phải phục vụ trên các khu trục hạm. Nhưng có điều phải nhìn nhận là các sỹ quan xuất sắc trong các môn thi chưa hẳn là những người chiến đấu giỏi.

Hồ sơ học vấn của tôi ở Yokosuka kém cỏi, việc này hoàn toàn do lỗi của tôi. Ngoài sự tự thỏa mãn, sau thời gian chịu đựng kham khổ ở Eta Jima và các nhiệm vụ kế tiếp, có lẽ còn do sự ganh đua đầy trẻ con với Ðại tá Yonai (sau này là Ðô đốc), tôi tập tành nhậu nhẹt. Nhưng tôi uống quá nhiều và thường chếnh choáng khi bước vào lớp học. Ðiều này chắc chắn phải lãnh điểm xấu.

Khi rời khỏi trường Kỹ thuật Ngư lôi và Hải pháo tôi tùng sự trên mặt biển trở lại. Tôi than van khi biết nhiệm sở mới của tôi là chiếc Hatsuyuki (Tuyết Ðầu Mùa), một khu trục hạm cổ lỗ hạng ba, đã hai mươi tuổi thọ, và trọng lượng chỉ có 381 tấn! Hatsuyuki ở thời đại tân tiến này chỉ có thể là một tàu hộ tống nhẹ hoặc một tàu săn tiềm thủy đĩnh hơn là khu trục hạm chiến đấu. Nhưng chiếc tàu này có thể đạt đến tốc độ 29 hải lý, so với 18 hải lý của Kasuga. Tốc độ của nó đã mê hoặc tôi. Ðó là chiếc tàu nhanh nhẹn nhứt mà tôi leo lên kể từ ngày ra trường. Hơn nữa, với nhiệm vụ mới này, tôi còn được thêm một chuyến viễn du nhỏ nữa: Hatsuyuki đậu ở Lữ Thuận Khẩu là hải cảng Port Arthur đối với phương Tây, là hải cảng hải quân Nhựt ở tỉnh Liêu Ninh cực Nam Mãn Châu, để bảo vệ kiều dân Nhựt sinh sống ở Hoa Bắc. Trong một năm, chúng tôi chạy vòng quanh Quan-Ðông (Kwantung), và buông neo hết Dinh Khẩu (Yingko) đến Thiên Tân (Tientsin).

Thời gian này đời sống trên tàu của tôi có nhiều thay đổi lớn. Là một thiếu úy, và là một trong những sỹ quan chỉ huy chiếc tàu, tôi được giao điều động 60 thủy thủ. Ðời sống trên chiếc tàu chiến nhỏ như thế không phải luôn dễ thở. Sự ăn uống tồi tệ. Thủy thủ đoàn không bao giờ được tắm rửa cho thỏa thích, và ngay cả đến nước rửa mặt chúng tôi cũng thiếu, vì vậy mà không ai lưu tâm đến việc cạo râu. Gặp phải các mặt biển thường có mưa giông, chiếc tàu không lúc nào nằm yên, và có lúc chúng tôi phải chạy nhanh nhiều giờ để chống chọi lại thời tiết. Tuy nhiên, thủy thủ đoàn giống như một đại gia đình ai ai cũng nhẵn mặt nhau. Kỷ luật gò bó không còn cần thiết nữa. Tôi bắt đầu cảm thấy như được ở nhà và thích thú với nhiệm vụ.

Tôi hài lòng bởi quyết định chọn nghiệp của tôi ở hiện tại.

Tháng 12 năm 1924, tôi được thăng cấp trung úy và thuyên chuyển đến chiếc Sanaé (Bông Lúa), một khu trục hạm nhẹ trọng lượng chưa đến 850 tấn. Công việc của tôi trên chiếc tàu này cũng không khác gì trên chiếc Hatsuyuki, và suốt một năm, chúng tôi chạy quanh Mãn Châu và Hoa Bắc.

Tháng 12 năm 1925, tôi được bổ nhiệm về chiếc Amatsukaze (Thiên Phong), một khu trục hạm tân tiến hàng đầu, trọng tải 2,540 tấn, tầm hoạt động 9,300 km, với 6 hải pháo 127 ly, 24 ống phóng ngư lôi và 239 thủy thủ đoàn, một bổ nhiệm mà tôi đã thèm thuồng từ lâu. Ðây là chiếc tàu chiến tối tân đầu tiên tôi đặt chân lên trong 7 năm kể từ khi tôi vào Eta Jima. Amatsukaze đạt tốc lực tối đa đến 37.5 hải lý, là 70 km/g. Tôi không còn là một tay mơ nữa, tôi đã trở thành một sỹ quan hải quân thực thụ. Ðó là vinh dự phi thường và thành đạt to tát.

Những năm sau này tôi mới nhận thấy mình đã sai lầm biết bao.

Tuần sau:  Chương V

Tình kỹ nữ

Tameichi Hara, Đông Kinh 1958

Bản Anh ngữ Japanese Destroyer Captain, Fred Saito & Roger Pineau, 1960

Bản dịch Nguyễn Nhược Nghiễm, Sàigòn 1974

Trần Vũ hiệu đính theo bản dịch Les Torpilleurs du Soleil Levant, René Jouan, 1962

Minh họa từ trang World Warships