Tháng 11-1943 Bộ trưởng Hải quân Frank Knox tuyên bố kể từ đánh úp Trân Châu Cảng, US Navy tăng thêm 419 chiến hạm các loại, trong số có 40 hàng không mẫu hạm. Trong suốt chiến tranh Hoa Kỳ sẽ hạ thủy 26 mẫu hạm nặng và 64 mẫu hạm nhẹ, cứ mỗi 6 tuần xuất xưởng 1 hàng không mẫu hạm nặng, mỗi 3 tuần 1 hàng không mẫu hạm nhẹ và mỗi tuần 1 khu trục hạm, chưa tính các loại tàu khác. Khác biệt giữa hàng không mẫu hạm nặng (Attack Aircraft Carrier) với hàng không mẫu hạm nhẹ (Light Aircraft Carrier) là hạng đầu nặng 25 ngàn tấn và chứa 90 máy bay, còn hạng sau nặng 13 ngàn tấn mang 45 máy bay.

Chỉ riêng trong năm 1943, Frank Knox liên tiếp đưa vào hoạt động các hàng không mẫu hạm mới tinh Essex, Intrepid, Bunker Hill, Independence, Belleau Wood, Cowpens, Monterey, Cabot, Bataan, San  Jacinto, Princeton, Langley, Wasp, Lexington, Yorktown và Hornet. 5 chiếc sau mang cùng tên với 5 chiếc đã chìm trong năm 1942, để tưởng niệm. US Navy giống một khủng long chín đầu mà các võ sĩ Nhật dùng kiếm samurai chặt đầu này đi, liền mọc ra đầu khác.

Trong cùng năm 1943, Nhật cải tiến hai tàu chở thủy phi cơ Chitose và Chiyoda thành hai tàu sân bay hộ tống. Riêng hàng không mẫu hạm nặng Taiho (Đại Phụng) 37 ngàn tấn, đóng lườn tháng 7-1941, hạ thủy tháng 4-1943, mãi đến tháng 3-1944 mới ra khơi. [Trần Vũ] 

Bản dịch Nguyễn Nhược Nghiễm

 Chương XXXVII

Hai ngày sau đó, chúng tôi lại được lệnh đến căn cứ Rekata một lần nữa. Lần đi này, chúng tôi gặp may mắn, vì thời tiết ảm đạm, có nhiều mây mù, do đó phi cơ địch không phát giác ra chúng tôi. Mưa trút xuống từng cơn trên hải trình tiến về hướng Nam, khiến cho chúng tôi chỉ nhìn thấy cách xa chừng vài trăm mét vào ban đêm.

Tình trạng thời tiết vẫn không thay đổi khi tàu chúng tôi tiến đến Santa Isabel. Không có dấu hiệu nào cho thấy chiến hạm địch lảng vảng xung quanh, chúng tôi mong ước bầu trời trong sáng trở lại. Chúng tôi hạ tốc độ xuống còn 6 hải lý để len lỏi qua các khoảng nông dẫn vào hải cảng Rekata, và cứ mỗi một trăm mét phải dừng lại để thăm dò lại đáy biển. Ðây cũng là một điều làm điên đầu chẳng khác nào bị địch quân quấy phá. Chúng tôi cứ dò dẫm như vậy suốt gần 2 giờ, cho đến lúc một ánh đèn lờ mờ xuất hiện. Ðó là đèn hiệu của một binh sỹ thuộc lực lượng đồn trú báo cho chúng tôi biết đã đến cửa khẩu. Cả 3 chiến hạm của chúng tôi đều băng qua vùng biển cạn nguy hiểm một cách an toàn. Tôi cảm thấy nhẹ hẳn người khi tàu lướt vào hải cảng nhỏ bé này.

Lúc 1g đêm ngày 25 tháng 8, chúng tôi bắt đầu cho đồ tiếp tế lên bờ, trong khi trên cầu cảng hàng trăm binh sỹ xếp hàng chờ đợi xuống tàu. Nhưng màn đêm yên tĩnh chợt bị phá tan một cách cuồng bạo. Hai oanh tạc cơ của địch gào thét trên các tháp, và biến mất vào những đám mây sà thấp trên nền trời, sau khi thả xuống một loạt bom. Những cột nước dâng cao quanh chúng tôi. Không một thiệt hại nào được ghi nhận, nhưng chính những quả bom không trúng đích này đã thúc đẩy chúng tôi xúc tiến nhanh chóng công việc chuyển hàng và nhận binh sỹ.

Khi đồ tiếp liệu đã dọn sạch. Binh sỹ chờ đợi chạy như bay xuống tàu. Chớp mắt, các khu trục hạm của chúng tôi đầy nghẹt đám lính nhốn nháo. Chúng tôi lập tức quay tàu ra khơi. Tuy trời vẫn còn tối đen như mực, nhưng bây giờ chúng tôi có thể điều khiển chiếc tàu băng qua những vùng biển cạn mà không cần phải dừng lại để mò mẫm như trước đây. Ngay lúc nhìn thấy đèn báo hiệu ở cửa khẩu, chúng tôi gia tăng tốc độ. Vào lúc 2g30 phút, tốc lực của chúng tôi lên đến 30 hải lý. Chắc chắn phi cơ địch sẽ quay lại tìm chúng tôi với số lượng nhiều hơn. Chúng tôi hy vọng rời khỏi hải cảng càng xa càng tốt trước khi trời sáng. Trước bình minh một giờ, chúng tôi đã thoát ra đại dương bao la. Sau đó, chúng tôi cho tàu chạy dọc theo bờ biển Choiseul. Một giờ nữa trôi qua, chúng tôi tiến vào eo biển Bougainville, và cũng là lúc phi cơ địch xuất hiện.

May mắn cho chúng tôi là sớm trông thấy phi cơ địch bay đến nên tạo ngay một màn khói bao che và phân tán mỏng. Khu trục hạm Hamakaze và Minazuki tăng tốc độ tối đa 35 hải lý. Chiếc Shigure già nua mệt mỏi chỉ đủ sức chạy đến 30 hải lý là cùng. Phi cơ địch ít ra là hàng chục chiếc, dường như xuất hiện mọi nơi trên vòm trời. Chúng bay xuống bắn phá xung quanh chúng tôi. Tất cả mọi loại súng của chúng tôi đều chĩa lên trời bắn liên hồi nhưng không trúng mục tiêu nào cả. Lúc phi cơ trút bom, chúng tôi cho 3 chiến hạm xả hết tốc lực, chạy theo hình chữ chi và đan chéo nhau. Lúc đó, bánh lái của chiếc Shigure lại không sử dụng được như ý muốn.

Năm phút căng thẳng trôi qua. Tất cả các oanh tạc cơ của địch bay mất. May mắn thay, chiếc Shigure không bị trúng bom. Các bộ phận trên tàu báo cáo không thiệt hại cũng không có thương vong. Các quả bom đều rơi nổ cách xa chiếc Shigure.

Xem thêm:   Bố già Marlon Brando 100 năm một huyền thoại bất tử

Khi màn khói do Shigure tạo ra tan dần. Chúng tôi nhận thấy 2 khu trục hạm bạn chạy phía trước chừng 3,000m. Và khi màn khói của tất cả các chiến hạm khác biến mất, tôi mới biết chiếc Hamakaze đang lâm nạn. Sàn tàu của khu trục hạm này bốc cháy và đang di chuyển với một tốc độ giảm sút rõ rệt. Chiếc Minazuki vô hại, và đang chạy cặp kè chiếc Hamakaze để bảo vệ. Trong lúc chiếc Shigure tiến đến gần hai đồng đội, chiếc Hamakaze sử dụng tín hiệu bằng cờ báo tin: “Một quả bom rơi trúng sàn tàu, 36 thủy thủ thương vong. Tốc độ giới hạn 20 hải lý. Tôi muốn tiến về Shortland. Miyazaki.”

Ðảo Shortland là căn cứ gần chúng tôi nhất, cách khu vực này không đầy 30 dặm. Nhưng tôi biết rằng Shortland không phải là nơi an toàn cho tàu chiến, vì không có sự bao che trên không.

Tức khắc, tôi ra lệnh cho nhân viên truyền tin vẫy một công điện bằng kỳ hiệu: “Ðại tá Hara chống lại ý định. Căn cứ Shortland thiếu an toàn. Hãy cứ quay về Rabaul, với tốc độ 20 hải lý. Nếu có rắc rối xảy ra, Shigure sẵn sàng kéo anh. Yêu cầu phúc đáp.”

Miyazaki lập tức chấp nhận lời đề nghị của tôi. Ngọn lửa trên chiếc Hamakaze được dập tắt. Chúng tôi vầy đoàn tiếp tục chạy về hướng Bắc. Hải trình còn lại thâu ngắn chậm chạp một cách thảm thương, nhưng may mắn là không có một phi cơ địch nào bay đến tấn công nữa. Sau đó, chúng tôi tiến vào quân cảng Rabaul. Mọi người đứng trên cầu tàu đã sững sờ khi nhìn thấy khu trục hạm Shigure chạy dẫn đầu, theo sau là các chiếc Hamakaze và Minazuki. Bởi vì, đối với họ, nếu bất kỳ một trong số ba khu trục hạm này lâm nạn, chắc chắn phải là chiếc Shigure cũ kỹ và yếu ớt, không thể nào là chiếc tàu mới tinh và chạy nhanh như chiếc Hamakaze được. Thủy thủ đoàn Shigure cảm thấy kiêu hãnh. Chúng tôi không sao quên được những lời đàm tiếu và khinh thị ác miệng mà họ đã nhắm vào chiếc Shigure trước đây.

Ngày hôm sau, khi gặp nhau tại Tổng Hành Dinh, tôi ngỏ lời chia buồn cùng Miyazaki. Một vị chỉ huy trưởng khu trục hạm lỗi lạc và tài giỏi như ông ta, một người đang được đề nghị thăng cấp đề đốc, trong khi mới 40 tuổi, bây giờ trở thành một vị chỉ huy trưởng bất hạnh của một hải đội khu trục hạm với tất cả chiến hạm dưới quyền (Yukikaze, Isokaze, Hamakaze) đều bị hư hại nặng cần phải sửa chữa. Việc thăng cấp của ông hiện tại đã thành xa vời. Lúc gặp Miyazaki, tôi nhận thấy ông có vẻ buồn bã và hổ thẹn.

Ðề đốc Ijuin đã đưa cho Miyazaki một bản tin và nói: “Ðừng ủ rũ nữa, Miyazaki. Hãy đọc mảnh giấy này và vui vẻ lên.”

Ðôi tay Miyazaki run run khi lướt mắt qua các dòng chữ, và sau đó trao cho tôi với nụ cười thoáng buồn. Ðây là công điện gửi từ Shortland, cho biết phi cơ địch đã ồ ạt tấn công gây thiệt hại nặng nề cho căn cứ này. Miyazaki bắt tay tôi và nói: “Hara, anh đã cứu tôi cùng chiếc Hamakaze và thủy thủ đoàn cùng hàng trăm binh sỹ trên tàu. Nếu tôi không nghe lời anh, cứ cho tàu chạy đến Shortland, chắc chắn giờ này chúng tôi tan thành mảnh vụn rồi.”

Bốn ngày sau đó, Ðề đốc Ijuin cho mời tôi và hạm trưởng khu trục hạm Shigure đến văn phòng của ông. Vị tư lệnh của chúng tôi tỏ ra lo âu và có vẻ ngần ngừ trước khi nói: “Khu trục hạm Shigure phải đơn độc đảm nhận một công tác chuyển vận đến Tuluvu. Tôi không muốn giao cho hai anh nhiệm vụ này. Nhưng tôi đã ra lệnh cho toàn thể các khu trục hạm khác cùng đi với tôi đến Rekata để di tản hết binh sỹ. Shigure đã được chọn để đảm nhận công tác này một mình, bởi vì, Hara, tôi tin rằng nếu một người nào có thể đảm đương công tác này, với một chiến hạm duy nhất, thì người đó phải là anh. Ðây là một công tác khó khăn, và tôi hứa rằng ít nhất sẽ có hơn một chiếc khu trục hạm nữa gia nhập vào Hải đội 27 của anh, khi anh trở về.”

“Thưa Ðề đốc, tôi sung sướng được Ðề đốc giao phó nhiệm vụ. Ðược chỉ huy chiếc Shigure trong chuyến đi đơn độc này, đó là một vinh dự to lớn đối với hạm trưởng Yamagami và tôi.”

Gương mặt của Ijuin trở nên tươi tắn hẳn ra, ông tiếp, bằng một giọng đầy khôi hài: “Hara, anh đã tạo ra nhiều kinh ngạc với chiếc Shigure. Nó đáng mang danh hiệu “Khu trục hạm kiên cố” trong hàng ngũ hạm đội Nhựt. Chiếc tàu này lại nằm trong Hải đoàn 3 của tôi, đó là một điều đáng cho tôi hãnh diện. Tôi hy vọng chúng ta sẽ cùng đi chung với nhau trong một chuyến công tác khác.”

Trên đảo Tuluvu, nằm ở cực bắc mũi Gloucester thuộc chuỗi đảo New Britain, Nhựt có thiết lập một căn cứ không quân nhỏ. Mặc dầu địch đã nắm ưu thế trên không trong các vùng phụ cận, Tuluvu vẫn được xem là cứ điểm quan trọng, một tiền đồn quan sát của Rabaul. Không có một con đường nào nối liền Rabaul và Tuluvu ngoài đường biển. Do đó, tất cả đồ tiếp tế cho đảo này đều được vận chuyển bằng tàu thủy. Trong khoảng thời gian ngắn vừa qua, căn cứ nhỏ bé này thiếu thốn thực phẩm và đạn dược, những lời yêu cầu tiếp tế lặp đi lặp lại vẫn không được đáp ứng, vì lúc ấy gặp phải áp lực nặng nề của địch tại quần đảo Solomon. Bây giờ đã đến lúc Tuluvu không thể bị quên lãng được nữa, nếu Nhựt muốn giữ quyền kiểm soát hòn đảo này.

Xem thêm:   Ngày Cuối Tháng Tư

Tuluvu, cái tên âm vang như một lời đe dọa đối với tôi. Nó nằm tại cửa khẩu phía Tây vùng biển Bismarck, nơi mà đầu tháng Ba vừa qua địch quân đã phóng ra những cuộc “oanh tạc nhảy”, nhận chìm 4 trong số 8 khu trục hạm và toàn thể 8 chiếc hải vận hạm, trong đoàn tiếp vận 16 chiếc của chúng tôi. Cũng chính cạnh bờ biển Tuluvu, chiếc Ariake thuộc Hải đội 27 của tôi cũng bị đánh chìm bằng phương pháp oanh tạc nhảy, cùng với chiếc Mikazuki, vào ngày 28 tháng 7. Hai chiếc khu trục hạm này đã chạy rướn lên đá ngầm trong lúc cố né tránh cuộc oanh kích của phi cơ địch và sau đó mắc cạn và bị triệt hạ luôn. Tuy không đích thân chỉ huy vì Ariake tăng phái cho hải đội khác, tôi vẫn đau đớn tột bực.

Tuluvu là một căn cứ nằm trong các cuộc tuần thám hàng ngày của phi cơ Ðồng Minh. Bất cứ chiếc tàu nào của Nhựt bén mảng đến đây đều có thể hy vọng được oanh tạc cơ Ðồng Minh tiếp đón nồng hậu, có khi bằng những trận “oanh tạc nhảy”. Tôi phải cố gắng bằng mọi cách tìm cho ra một giải pháp chống lại hình thức tấn công này, mà chắc chắn chúng tôi phải đối diện. Nhưng, cho đến hiện tại, đầu óc tôi vẫn mù mịt, nếu không nói là bó tay.

Những người sống sót trong trận đánh ở biển Bismarck đã kể lại rằng chiến thuật tránh né theo lối xưa cũ của các chiến hạm Nhựt đã thất bại như thế nào. Tôi nghĩ có lẽ lúc bị oanh tạc nên quay mũi hướng thẳng về phía phi cơ địch, như vậy mức độ chính xác về thời gian được tính toán để thả bom sẽ bị sai lạc hẳn. Nhưng không có cách gì để kiểm chứng xem ý niệm này có đúng không, ngoài cách thử nghiệm ngay trong trận đánh. Nhưng thử thách như vậy có khác nào đùa giỡn với mạng sống của chiếc tàu và hơn 200 thủy thủ của tôi.

Vào trưa ngày 1 tháng 9, khu trục hạm Shigure rời căn cứ Rabaul trực chỉ Tuluvu. Chúng tôi cho tàu chạy dọc theo bờ biển phía Bắc đảo New Britain với tốc độ 18 hải lý. Hải vực tại đây cũng nguy hiểm không thua gì tại quần đảo Solomon, đầy rẫy đá ngầm, và nhiều nơi đáy biển rất nông không được ghi chú trên hải đồ. Ðêm xuống khi chúng tôi tiến gần mũi Hollmann, nằm ở cực Bắc của bán đảo Willaumez, khoảng nửa đường giữa Rabaul và Tuluvu. Khu trục hạm Shigure đang tiến vào vùng nguy hiểm.

Phòng truyền tin cho biết bắt được sóng vô tuyến của một phi cơ địch lảng vảng đâu đây. Tin tức này đã đến sớm hơn dự trù của tôi. Tôi ra lệnh cho các quan sát viên trông chừng phi cơ địch, cho dù mây mù và trời tối đen, khiến thị độ quan sát rất yếu kém.

Một giờ sau, nhân viên truyền tin báo cáo: “Phi cơ địch đang gửi công điện. Ngay trên đầu. Không thể giải mã, nhưng hình như máy bay địch báo cáo vị trí, hướng đi và tốc độ của chúng ta.”

Chúng tôi tiếp tục chạy về hướng Tây. Thời tiết đột nhiên xấu hơn không thể nào nhìn thấy vật gì trước mặt được nữa. Không khí trở nên oi bức. Mồ hôi rịn đọng trên mặt tôi. Vài phút trôi qua, phòng truyền tin lại báo: “Phi cơ địch tiếp tục theo dõi hướng tiến của chúng ta.”

Lặng yên và căng thẳng gia tăng trên đài chỉ huy. Tôi lấy khăn tay ra lau mặt. Chưa lần nào không khí lại ngột ngạt như thế này. Ðại úy Tsukihara, sỹ quan hoa tiêu cho biết sắp có một trận mưa. Anh ta đã tiên đoán đúng. Lúc 20g, cơn mưa trút xuống, ngăn hẳn tầm nhìn trong vòng một hai mét. Tôi cho tàu giảm tốc độ, quay mũi về hướng Tây-Nam và tiến vào bờ biển đầy đá tảng.

Ðài quan sát báo cáo không còn bóng dáng một phi cơ nào của đối phương. Ðại úy Tsukihara nói: “Thời tiết quỷ quái này làm cho địch nản chí.”

Bầu không khí căng thẳng giảm bớt. Sỹ quan và thủy thủ bắt đầu nói chuyện lao xao. Họ ngáp dài và duỗi tay chân, sau khi mươi phút trôi qua mà không có liên lạc vô tuyến nào của địch được ghi nhận trong vùng lân cận. Tuy nhiên, những cánh tay bỗng hóa tê cứng, những cái miệng chợt há hốc sững sờ trước tiếng cánh quạt đinh tai nhức óc của các oanh tạc cơ ở đâu lao xuống trút bom. Mọi người đều bò càng. Trong tiếng rít lạnh xương sống, một máy bay địch chúi thẳng xuống đài chỉ huy và tiếp theo đó là tiếng nổ đồng loạt của nhiều quả bom. Một phi cơ khác đang gầm thét trên cột buồm.

Xem thêm:   Đầm Môn, Đèo Cả, Vũng Rô & Hòn Nưa

Tôi lảo đảo đứng dậy, tự hỏi phi cơ địch ở hướng nào? Tôi nhìn thấy Yamagami đang sờ soạng tìm nút báo động và ấn mạnh. Tiếng còi hụ vang lên muộn màng. Chiếc Shigure xoay hẳn về tả mạn. Một cột nước mọc lên ngay trong nửa vòng tròn của chiếc tàu vừa xoay, cách không đầy 10m. Cột nước chụp lên tháp canh và đổ ập xuống đài chỉ huy. Tôi vừa rũ nước vừa hét: “Bẻ lái qua hữu mạn! Tốc độ tối đa! Gia tốc tức khắc!”

Ðại úy Tsukihara nhìn tôi một cách sửng sốt, và hỏi lại: “Gia tăng tốc lực tối đa tức khắc?”

“Tức khắc!” Tôi gào lên. Tsukihara, mặt tái xanh và tay run lẩy bẩy, ấn mạnh nút liên lạc phòng máy, và nhắm nghiền mắt lại. Cùng lúc, Yamagami gọi phòng máy ra lệnh tăng gia tốc tối đa cấp kỳ, và kêu lên nho nhỏ: “Trời ơi!”

Phản ứng của họ hoàn toàn tự nhiên. Trước đây, tôi chưa bao giờ ra một mệnh lịnh như vậy, và cũng có thể nói hầu hết sỹ quan hải quân trong suốt cuộc đời binh nghiệp của họ cũng chưa ai từng ra mệnh lịnh này. Dưới các điều kiện thông thường, một chiếc tàu muốn gia tăng vận tốc từ 12 hải lý lên vận tốc tối đa 30 hải lý phải mất nửa giờ. Bằng cách tăng từ từ. Trong điều kiện tác chiến, việc gia tăng vận tốc như vậy cũng mất ít nhất 16 phút. Lịnh tăng tốc lực “tức khắc” của tôi đã vượt quá tiến trình thông thường, và có thể làm nổ turbin cùng guồng máy chiếc Shigure. Lịnh này đã gây ra sự náo động dưới hầm tàu. Mối lo âu lớn của toán phòng máy là làm sao thi hành được mệnh lịnh này mà tránh cho các sợi dây của turbin khỏi bị đứt tung khi những cái van trong máy nở hết ra. Tất cả đều thi hành mệnh lịnh một cách khẩn cấp nhưng trong thâm tâm đều nghĩ tai họa chắc chắn xảy ra.

Những người đứng trên đài chỉ huy chờ đợi phi cơ địch tái xuất hiện không biết phút giây nào. Yamagami, đang hướng mặt về phía sau buồng lái bỗng la to và đưa tay chỉ ống khói tàu. Từ miệng ống khói đang phun ra những cuồng lửa cuồn cuộn có ngọn kéo dài theo chiều gió. Nhiên liệu dư quá nhiều, máy đốt không kịp nên tuôn ra ống khói và bốc cháy. Ngọn lửa phừng phừng sáng rực cả nửa sau chiếc tàu.

Các oanh tạc cơ địch không bao giờ bỏ bom trật một mục tiêu như thế này. Sự lo âu chỉ kéo dài trong vài phút, nhưng đối với mọi người như kéo dài hàng nhiều giờ, và ngay lúc đó, phòng truyền tin báo cáo: “Phi cơ địch báo cáo – mã hóa – đã oanh tạc vào ngay chính giữa một khu trục hạm. Chiếc tàu bốc cháy và đang chìm.”

Tôi sợ tai mình nghe lầm, tôi yêu cầu đọc lại một lần nữa. Khi nghe xong bản tin đáng kinh ngạc này, Yamagami và Tsukihara reo lên vui mừng. Không khí háo hức bị phá tan, một tiếng nói từ phòng máy vọng lên, hỏi xem có cần phải tiếp tục thi hành lịnh gia tăng vận tốc cấp tốc nữa không? Tôi sung sướng trả lời rằng lịnh này không còn cần thiết nữa, và bây giờ có thể giảm xuống 12 hải lý trở lại. Ngọn lửa ở miệng ống khói hạ xuống mau chóng, và chúng tôi tiếp tục di chuyển trong bóng đêm một cách bình yên.

Không còn chiếc phi cơ nào theo đuổi chúng tôi nữa. Ðối phương tin đã xóa tên chiếc Shigure trên biển cả. Ðoạn hải trình còn lại của chúng tôi thông suốt và thoải mái sau những phút giây dựng tóc gáy. Chúng tôi đổ hàng tiếp tế xuống Tuluvu và quay ra khơi trong không khí vui mừng náo nức của binh sỹ đồn trú trên đảo.

Một lần nữa, chúng tôi trở về căn cứ Rabaul bình an. Ngày hôm sau, tôi trình diện Ðề đốc Ijuin. Ông cũng trở về bình an và thành công trong chuyến đi Rekata của ông. Lúc tôi kể chuyện với ông về những việc đã xảy ra, ông cười muốn đứt hơi, và nói: “Xem ra bây giờ chúng tôi có thể gọi anh là ‘Ðại tá Huyền diệu’. Hara, ngoài anh, không ai có thể nghĩ ra chiến pháp kỳ dị đến như vậy trong những phút nguy nan đó.”

Tôi sung sướng trước lời khen tặng của ông. Tôi nói: “Chiến tranh dường như có liên quan đến thế giới huyền nhiệm. May mắn cũng là một phần lớn trong sự huyền nhiệm này. Tôi nghĩ rằng sử dụng cùng mưu mẹo đó sẽ khó thành công trong kỳ khác.”

Tuần sau:

Chương XXXVIII

Thủy trận Vella sau cùng

Tameichi Hara, Đông Kinh 1958

Bản Anh ngữ Japanese Destroyer Captain, Fred Saito & Roger Pineau, 1960. Bản dịch Nguyễn Nhược Nghiễm, Sàigòn 1974

Trần Vũ hiệu đính từ bản dịch Les Torpilleurs du Soleil Levant, René Jouan, 1962

Minh họa từ trang World of Warships