Hải quân Đức Kriegsmarine dùng rất nhiều khinh tốc đĩnh Schnellboot (Fast boat) để canh phòng và tuần tra sát bờ biển, từ Đan Mạch xuống hết cạnh sườn duyên hải Bordeaux. Đặc điểm của loại tàu này là trang bị 4 ống phóng ngư lôi và đạt vận tốc cao 81 km/g giúp tấn công chớp nhoáng rồi chạy thoát khỏi các khu trục hạm Anh mà tốc lực tối đa không quá 65 km/g.

Từ 1942, trước nhu cầu thám thính hàng trăm đảo nhỏ ở Nam Thái Bình Dương, US Navy thành lập các Hải đội Patrol Torpedo Boat, viết tắt là PT. Là một dạng tàu tương đương với Schnellboot. Tiếng Việt dịch là Ngư lôi đĩnh.

Nổi tiếng nhất là chiếc PT-109 của Trung úy John Fitzgerald Kennedy bị khu trục hạm Nhật Amagiri đâm chìm đêm 1 rạng 2 tháng 8-1943 trong vịnh Vella. Hara vô tình làm chứng nhân ngẫu nhiên mà không hề hồ nghi viên thuyền trưởng trẻ tuổi của chiếc PT-109 sẽ trở thành Tổng thống Hoa Kỳ 18 năm sau.

Patrol Torpedo Boat tốc lực 71 km/g, dài 24m và nặng 56 tấn, nhỏ và nhẹ hơn Schnellboot của Đức nặng 100 tấn, dài 33m nhưng được sản xuất nhiều hơn. Hậu thân là Duyên tốc đĩnh PCF Patrol Craft Fast sẽ trang bị cho Hải quân VNCH. PCF là phiên bản bỏ túi dài 15m, tốc lực 46 km/g và không gắn ống phóng ngư lôi vì Bắc-Việt không có tàu chiến trong Nam. 110 chiếc PCF sẽ sang Việt Nam.

[Trần Vũ]

Bản dịch Nguyễn Nhược Nghiễm

Chương XXXIII

Khu trục hạm Ariakê (Bình Minh) thuộc Hải đội 27 của tôi nhưng tăng phái cho Hải đội 30, đã hoàn thành nhiệm vụ tiếp tế một cách khôn khéo. Task Force 39 hùng hậu của địch, gồm 7 chiến hạm đã phục kích bên trong vịnh Kula phía Nam đảo Kolombangara nhưng không sao phát giác ra tung tích tàu Nhựt, vì hải đội này đã xuyên vịnh Vella phía Bắc.

Trên căn cứ Rabaul, nơi tiếp liệu cho tất cả các lực lượng Nhựt trú đóng trên chuỗi đảo Solomon, New Guinea là khu vực xảy ra những trận đánh khốc liệt nhứt vào mùa Hè 1943, báo động liên tục nên chiếc Shigure tuy được phép tạm nghỉ xả hơi nhưng tất cả thủy thủ luôn trong tình trạng ứng chiến suốt 6 ngày, và sau đó được lịnh cùng 3 chiến hạm khác, thuộc Hải đội 4 Khu Trục hạm, lãnh nhiệm vụ tiếp tế đảo Kolombangara lần nữa.

Chúng tôi bắt buộc phải đi xuyên qua vịnh Vella Lavella mà cách đây 10 ngày Hải đội 30 đã hải hành. Hải trình này “rất an toàn” như Tổng Hành dinh Rabaul trấn an. Tuy nhiên chúng tôi hết sức dè dặt bởi vì, theo như nhận xét của riêng tôi, việc lặp lại thường xuyên một công thức đã áp dụng thường rước lấy thảm họa. Tôi không tin rằng các tuần dương hạm và khu trục hạm địch lại phí phạm thời gian và nhiên liệu một cách vô ích tại vịnh Kula một khi tàu Nhựt không đi qua đó. Thảm kịch đã xảy đến cho hai chiếc Yugure (Hoàng Hôn) và Kiyonami (Biển Trong) là một bằng chứng khá đủ để không cho phép chúng tôi xem thường đối phương.

Ngày 1 tháng 8-1943, chúng tôi rời quân cảng Rabaul ra khơi theo đội hình hàng dọc. Chiếc Amagiri (Mây Mù) lãnh nhiệm vụ tiên phuông nên không chở theo gì cả. Ba khu trục hạm theo sau, Hagikaze (Phong Thảo), Arashi (Bão Tố) và Shigure (Mưa Thu), đều chất đầy lính và quân cụ. Tổng số lên đến 900 binh sỹ và 120 tấn tiếp liệu. Tôi cảm thấy lo âu với chuyến xuất kích lần đầu của Shigure. Thời gian tôi vắng mặt, hải vực chính giữa quần đảo Solomon là nơi nhận chìm nhiều khu trục hạm nổi tiếng của Nhựt. Ba khu trục hạm Kagero (Ảo Ảnh), Kuroshio (Hắc Ðiện) và Oyashio (Hắc Triều), từng tạo những chiến công oanh liệt cho Ðề đốc Tanaka, đã bị phi cơ địch và thủy lôi tống táng vào ngày 8 tháng 5 vừa rồi. Nagatsuki (Nguyệt Tuế), chiếc tàu đã cùng tham chiến với tôi tại biển Java, và chiếc Niizuki (Tân Nguyệt) đã vùi sâu trong hải vực này hồi tháng 7. Hatsuyuki (Tuyết Ðầu Mùa), người hùng của trận Savo vào tháng 10 năm 1942, đã nổ tan xác và chìm xuống biển cả mênh mông gần Bougainville vào ngày 17 tháng 7 mới cách đây hai tuần.

Mải suy nghĩ về những chuyện đã xảy ra mà tôi quên rằng mình đang đứng trên đài chỉ huy của chiếc Shigure. Nhìn đại dương bao la đen sẫm trước mắt, tôi tự hỏi không biết bao nhiêu chiếc, và chiếc nào trong số 4 khu trục hạm hôm nay sẽ thoát cơn sóng gió sắp xảy đến? Khi đêm xuống hẳn, tôi cảm thấy nhẹ người. Với màn đêm kín bưng này, hy vọng lợi thế sẽ nghiêng về phía chúng tôi. Biển khuya dập dềnh chập chùng với sóng vươn lên rồi hụp xuống. Cả một đại dương im lặng.

Rất lâu sau chúng tôi tiến vào eo biển Blackett. Ðoạn nằm giữa Kolombangara và 3 đảo nhỏ hơn, đến tận phía Tây-Nam của eo biển rất hẹp này, đầy rẫy đá lởm chởm và nhiều chỗ rất nông kéo dài cả cây số. Tôi ra lệnh cho tàu tắt máy khi đến điểm hẹn. Ba chiếc tàu chở đầy nghẹt hàng hóa và binh sỹ lặng lẽ lướt tới.

Xem thêm:   Trên lưng trời

Hàng chục chiếc tàu nhỏ từ trong bờ chạy nhanh ra để nhận hàng và người. Công việc diễn ra chỉ trong vòng 20 phút, tất cả quân nhu và binh sỹ đều được chuyển đi. Chúng tôi nhẹ hẳn khi nhận được đèn hiệu của chiếc Hagikaze: “Quay trở về.”

Khu trục hạm Amagiri đã chạy trước dẫn đường trong khi 3 chiếc khác còn lo cho máy chạy lại. Trong vòng 5 phút, chúng tôi rời khỏi điểm đổ hàng, chạy ngược trở lại đoạn hải trình nguy hiểm đầy rẫy chướng ngại vật của eo biển Blackett. Tôi đã lưu ý đài chỉ huy và các quan sát viên của chiếc Shigure phải cẩn thận. Trong khu vực này địch đã giăng một mạng lưới tình báo rất chặt chẽ, có thể họ đã biết những hoạt động của chúng tôi. Họ có thể xuất phát tấn công tại bất cứ khoảng nào thuộc vùng đá ngầm của eo biển Blackett này.

Di chuyển hơn 10 phút, chúng tôi bắt đầu cho tàu chạy 30 hải lý một giờ để lướt nhanh qua đoạn hải trình nguy hiểm, mà ngay cả trong thời bình cũng không có một chiếc tàu nào dám di chuyển ban đêm với tốc độ quá 12 hải lý một giờ, dầu mở hết đèn. Dĩ nhiên hiện thời chúng tôi di chuyển âm thầm, không đèn đuốc. Khí trời ban đêm thực oi bức, nhưng mồ hôi lạnh lại lấm tấm trên trán của mọi người. Chúng tôi đi qua Arundel, Wana-Wana và đến ngang Gizo thì bắt kịp khu trục hạm Amagiri. Chúng tôi tiếp tục di chuyển theo đội hình hàng dọc, mỗi chiếc cách nhau 600m. Mắt tôi, nhìn rất rõ trong đêm tối, chợt nhìn thấy một vật nhỏ màu đen đang di chuyển khá nhanh trên mặt biển, ở mạn trái con tàu. Vật màu đen này lướt nhanh về hướng chiếc Amagiri, đang chạy phía trước chiếc Shigure chừng 1,500m. Chưa xác định rõ vật đen đó là gì, nhưng tôi tự nói với mình “địch mò đến”, và cố trấn áp hồi hộp.

Vật đen mờ dần trong đêm tối, và biến mất hẳn. Không một tiếng nổ, không một ánh đèn, không một tiếng súng nào. Thực là kỳ quái. Ngay lúc đó, hoạt động trên Amagiri có vẻ sôi động, và từ chiếc tàu này, một tín hiệu bằng đèn được gửi đi: “Khinh tốc đĩnh địch. Ðụng chìm một chiếc.”

Súng trên hai khu trục hạm Arashi và Hagikaze bắt đầu khai hỏa. Tôi nhận thấy hàng loạt đạn như mưa tuôn ra từ tả mạn của hai chiếc tàu này. Hai tiểu đĩnh phóng ngư lôi của địch bốc cháy dữ dội, soi sáng cả quang cảnh xung quanh hai chiếc Arashi và Hagikaze. Tôi cũng ra lệnh cho chiếc Shigure khai hỏa. Toàn thể thủy thủ đoàn nãy giờ vẫn kìm súng, bắt đầu ra tay thực chính xác. Hai ngư lôi đĩnh địch bốc cháy dữ dội hơn, và dần dần biến mất trong dòng nước đen ngòm. (Thực ra, đây chỉ là hai phần của chiếc PT-109 bị Amagiri đụng và cắt rời ra.)

Những tiếng la hân hoan vang lên trên các khu trục hạm Nhựt, trong lúc chúng tôi tiếp tục xả hết tốc lực vượt hải trình còn lại để trở về căn cứ. Cảm thông niềm vui của mọi người, nhưng tôi không thể hòa mình cùng với họ, vì đầu óc của tôi vẫn còn lảng vảng hình ảnh của chiếc PT-109 lúc tàu tôi lướt ngang qua. Chiếc tàu này đã làm tôi nhớ đến chiếc Terutsuki (Nguyệt Rạng) bị đánh chìm vào tháng 12 năm 1942, bởi các trái ngư lôi do hai khinh tốc đĩnh địch có trọng tải 50 tấn phóng ra. Có lẽ chúng tôi cũng chịu chung số phận với chiếc Terutsuki đêm nay, nếu địch phản ứng một vài phút sớm hơn.

Chúng tôi giảm tốc độ khi ra khỏi vịnh Vella, và sau đó trở về Rabaul an toàn. Thủy thủ đoàn của tôi vẫn còn phấn kích với chiến công vừa qua, nhưng tôi thì rất dè dặt và lo ngại. Sự lo ngại thực sự đến khi tôi trình diện Tổng Hành dinh và nhận tin chính thức: “Khu trục hạm Mikazuki (Nguyệt Khuyết) thuộc Hải đội 30 và Ariakê (Bình Minh) thuộc Hải đội 27 trong lúc thi hành sứ mạng vận chuyển đến Tuluvu, New Britain, đã mắc cạn gần mũi Gloucester vào ngày 27 tháng 7, và hôm sau cả hai đã bị các oanh tạc cơ B25 oanh kích hủy diệt hoàn toàn, nhưng chỉ có 7 thủy thủ thiệt mạng.”

Tôi buồn bã quay trở về chiếc Shigure. Một lần nữa, tôi lại trở thành vị hải đội trưởng chỉ có một khu trục hạm dưới tay. Tai biến dồn dập biết bao. Không đầy một tháng, 4 chiến hạm chỉ còn lại một chiếc. Là chiếc Shigure.

Hai chiếc Mikazuki và Ariakê vụng về, đần độn đến bậc nào mà để đến nỗi phải bị mắc cạn? Các tàu chiến của tôi đã chìm trước khi tôi kịp chỉ huy! Giận dữ, mệt mỏi và mất tinh thần, đêm đó tôi đã nốc rất nhiều chai sakê, nốc cạn chai này sang chai khác vì bực tức và bất lực. Thiếu tá Yamagami đã cùng đối ẩm để chia sẻ nỗi đau cùng cực của tôi. Nhưng Yamagami chỉ lưu lại một giờ đồng hồ, và sau đó tôi độc ẩm suốt đêm.

Xem thêm:   Trên cả tuyệt vời!

Hai ngày sau, lúc sáng sớm ngày 4 tháng 8, Ðại tá Kaju Sugiura, chỉ huy Hải đội 4 Khu Trục hạm, đạt giấy mời Yamagami và tôi đến soái hạm của ông để dự một phiên họp.

Ðó là một buổi sáng đầy nắng. Chúng tôi dùng thuyền máy chạy đến khu trục hạm Hagikaze. Bàn ghế của buổi họp đặt trên sàn tàu, phía trên căng một tấm vải nhỏ để che nắng.

Hai chúng tôi đến muộn hơn hết. Các hạm trưởng và sỹ quan thuộc các khu trục hạm khác có mặt trên tàu tiếp đón chúng tôi một cách thân thiện.

Ðại tá Sugiura, huynh trưởng của tôi ở Eta-Jima và đã tốt nghiệp trường tham mưu cao cấp, sau khi chào hỏi mọi người, ông bắt đầu ngay phiên họp, ông nói: “Tôi rất vui mừng thông báo là chúng ta đã thành công mỹ mãn trong sứ mạng vận chuyển đến căn cứ Kolombangara vừa qua. Sự thành công này sở dĩ đạt được là nhờ sự cộng tác chặt chẽ của mọi người. Bộ Tư Lệnh Tối Cao Lục quân và Hải quân rất hài lòng, và nhờ tôi chuyển đến quý vị lời khen. Ðồng thời, thượng cấp ra lệnh tiếp tục công tác chuyển vận vào ngày mốt. Khu trục hạm Kawakaze sẽ thay thế khu trục hạm Amagiri bị móp ở mũi vì chạm phải ngư lôi đĩnh của địch. Tôi yêu cầu quý vị cho biết ý kiến, và điều gì cần nêu ra.”

Nhìn chung quanh bàn họp, tôi nhận thấy toàn thể các hạm trưởng dưới quyền Sugiura lắng nghe một cách bình thản. Không một ai đứng lên phát biểu ý kiến nhằm phản đối lại Ðại tá Sugiura. Trong buổi họp, tôi là người duy nhất mang cùng một cấp bậc đại tá, và cũng là một hải đội trưởng, dù chỉ một chiếc, nhưng ngang hàng với Sugiura, nên tôi đứng dậy và lên tiếng:

“Thưa Ðại tá, tôi hiểu Ðại tá muốn nói gì khi bảo rằng chúng ta cần phải tiếp tục thi hành sứ mạng của chúng ta. Ðiều đó, thưa Ðại tá, có phải Ðại tá muốn nói rằng chúng ta cần phải thi hành công tác theo cùng một hải trình mà chúng ta đã sử dụng trong chuyến vừa qua?”

Khinh tốc đĩnh PT-109 của Trung úy John F. Kennedy trang bị 4 ống phóng ngư lôi

“Ðúng vậy, Ðại tá Hara. Chúng ta cũng sẽ đi ngang qua vịnh Vella và eo biển Blackett. Chúng ta xuống hàng tại căn cứ Kolombangara vào lúc 23g30 ngày mốt, y như lần trước chúng ta đã làm.”

“Xin lỗi Ðại tá, tôi nghĩ rằng lặp lại một phương thức mà chúng ta đã áp dụng là một hành động không mấy khôn khéo. Chúng ta đã sử dụng hải trình ngang qua vịnh Vella hai lần rồi. Tôi tự hỏi chúng ta không thể tìm một hải trình khác được sao? Riêng eo biển Blackett đã là hải trình không an toàn, vì nó đầy rẫy đá ngầm và có những khoảng rất nông, đó là chưa nói đến chuyện phải qua eo biển Gizo như thế nào trước khi vào được Blackett mà không bị địch quân phát giác?”

“Ðại tá Hara, tôi đồng ý quan điểm của Ðại tá, nhưng tôi đã lỡ ban lịnh theo chỉ thị của thượng cấp. Do đó, việc thay đổi hải trình theo như Ðại tá vừa nói, sẽ đưa đến việc thay đổi toàn bộ sắp xếp liên quan đến công tác mà chúng ta đảm nhận, nhứt là về phương diện phối hợp với trên đất liền. Như Ðại tá đã rõ, hệ thống kết nối với Lục quân của chúng ta vô cùng yếu kém. Nếu eo biển Blackett nguy hiểm đối với chúng ta thì nó cũng nguy hiểm đối với địch quân. Các ngư lôi đĩnh của địch có thể chạm vào đá ngầm trước khi chúng đương đầu với chúng ta.”

Ba hạm trưởng của Ðại tá Sugiura gật đầu nhè nhẹ, tỏ ra họ đồng ý những điều mà vị chỉ huy của họ vừa phát biểu. Những phản đề của tôi rõ ràng đều bị tất cả mọi người có mặt trong buổi họp chống đối, ngoại trừ Yamagami. Tôi cảm thấy hơi choáng váng. Bên tai tôi lại văng vẳng những câu trong quyển cẩm nang giao chiến của Musashi Miyamoto: “Lặp lại một phương thức đã từng sử dụng quả là tệ hại, và còn tệ hại hơn nữa nếu lặp lại lần thứ ba… Khi đối thủ nghĩ mình đánh cao, mình đánh thấp. Khi đối thủ nghĩ thấp, mình sẽ đánh cao. Ðó là bí quyết của kiếm thuật.”

Ðại tá Sugiura không phải là người xa lạ gì với tôi. Chúng tôi biết nhau từ nhiều năm nay. Ông được thượng cấp tín nhiệm và có nhiều biệt nhãn đối với ông. Có nhiều dấu hiệu cho thấy ông sẽ được thăng cấp Ðề đốc. Một người có tương lai như vậy thì khi nào lại dám cãi lại mệnh lịnh của cấp trên đưa xuống.

Ðại tá Sugiura phá tan sự im lặng và tiếp tục lên tiếng một cách rất hòa hoãn:

Xem thêm:   Kinh doanh chốn.. thờ tự

“Ðại tá Hara, nếu Ðại tá bằng lòng thì tôi sẵn sàng giao nhiệm vụ tiên phuông cho chiếc Shigure. Như vậy Ðại tá sẽ được rảnh tay và khỏi phải lo lắng về vấn đề chuyển vận nặng nhọc. Nhiệm vụ này trước đây do chiếc Amagiri đảm trách và hiện được chiếc Kawakaze thay thế, nhưng thủy thủ đoàn của chiếc tàu này lại thiếu kinh nghiệm. Tôi mong rằng với tài khéo léo và kinh nghiệm sẵn có của Ðại tá, Ðại tá sẽ hoàn tất công tác một cách tốt đẹp trong nhiệm vụ dẫn đầu.”

Ðây lại là một lời đề nghị chứng tỏ sự khôn khéo của Ðại tá Sugiura. Ông ta muốn đẩy tôi, kẻ duy nhất chống đối lệnh hành quân, vào thế không thể từ chối trước một trách nhiệm quan trọng như vậy trong cuộc hành quân này.

Tất cả mọi người đều nhìn về tôi chờ xem phản ứng. Tôi trả lời một cách chơn thành: “Tôi cảm ơn sự lưu tâm của Ðại tá đối với tôi, nhưng rất tiếc tôi không thể nào chấp nhận sự đề nghị của Ðại tá.”

Tất cả những người tham dự trong buổi họp đều ngạc nhiên. Các hạm trưởng có mặt đều áy náy lúc nghe tôi trả lời như vậy. Tôi tiếp tục: “Khu trục hạm Shigure, một chiếc tàu chậm chạp, cũ kỹ, nhiều tuổi nhất trong số 4 khu trục hạm tham dự cuộc hành quân này. Lốc máy 42,000 mã lực của Shigure đã đến thời kỳ phải sửa chữa, do đó tôi sợ nó không đạt nổi tốc độ 30 hải lý. Giao nhiệm vụ mở đường cho Shigure thực không thích hợp chút nào. Tôi đề nghị nên giao nhiệm vụ này cho Trung tá Koshichi Sugioka, hạm trưởng khu trục hạm Arashi. Chiếc tàu của ông còn mới, và với dàn máy 52,000 mã lực, nó có thể đạt đến tốc độ 35 hải lý dễ dàng.”

Trong lúc bầu không khí im lặng bao trùm buổi họp, Sugiura vẫn ngồi bất động và đôi mắt của ông ngó lặng chỗ khác. Cuối cùng, một cách trầm tĩnh, Sugiura phá tan bầu không khí im lặng với ý kiến nhân nhượng: “Ðược rồi, thưa toàn thể quý vị, soái hạm Hagikaze của tôi sẽ đi đầu và lãnh nhiệm vụ viễn thám. Tuy nhiên Hagikaze vẫn chia sẻ gánh nặng trong nhiệm vụ chở binh sỹ và đồ tiếp liệu. Ba chiếc Arashi (Bão Tố), Kawakaze (Phong Vịnh) và Shigure (Mưa Thu) theo sau, chiếc nọ cách chiếc kia 500m. Bằng lòng chưa, thưa Ðại tá Hara?”

Tôi bằng lòng với sự xếp đặt này, vì nhận thấy Ðại tá Sugiura chiều lòng tôi như vậy đã là quá sức. Buổi họp chuyển sang bàn cãi những chi tiết thuộc về chuyên môn.

Theo kế hoạch, chúng tôi sẽ rời khỏi Rabaul vào sáng sớm để có thể đến được vùng luôn luôn nằm dưới mắt của thám thính cơ địch xuất phát từ căn cứ Russell vào lúc đêm xuống. Ðại tá Sugiura cho biết rằng tầm hoạt động của phi cơ Hoa Kỳ tại căn cứ này là 300 dặm.

Tin tức của Sugiura có lẽ đúng trước đây một tuần, nhưng chúng tôi không thể nào cứ cho rằng bây giờ máy bay địch không thể xuất phát từ một căn cứ tiền phương khác của chúng ở Rendova. Căn cứ này bắt đầu hoạt động từ tháng 7. Ngoài ra, hải đội chúng tôi còn có thể bị các tiềm thủy đĩnh địch phát giác. Tuy nhiên, điều này không thấy ai quan tâm.

Cuộc họp kéo dài 2 giờ. Tôi giữ thái độ im lặng và lo âu khi rời buổi họp về Shigure. Yamagami nói với tôi:

“Thưa Ðại tá, tôi rất lấy làm khâm phục sự can đảm của Ðại tá, qua những ý kiến mà Ðại tá đã phát biểu trong buổi họp. Nhưng tôi e rằng tất cả những sỹ quan thuộc Hải đội 4 sẽ không lưu tâm đến quan điểm của Ðại tá.”

“Ðây không phải vì can đảm mà tôi phát biểu trong buổi họp, như ý nghĩ của mọi người. Nhưng chính vì mạng sống của nhiều người mà tôi phải nói lên những điều đó. Cuộc hành quân này thực vô lý, nhưng bây giờ tôi chỉ biết làm một việc đơn giản là cầu nguyện cho chúng ta được nhiều may mắn trong sứ mạng mà cấp trên giao phó.”

Tôi luôn nghĩ đến buổi họp vừa qua với nỗi buồn sâu xa. Tôi sẽ không bao giờ đồng tình với chính sách điên rồ của giới chỉ huy tối cao. Giả sử mà quan điểm của tôi được họ lưu ý đến thì hàng ngàn mạng người sẽ được cứu sống ở cuộc hành quân đang phát động và sẽ tiếp tục phát động sau đó.

Tuy nhiên, Bộ Chỉ Huy Tối Cao của binh chủng Hải quân có khi nào lại chú ý đến quan điểm của tôi. Sau đó, tôi còn biết những lời lẽ của tôi trong cuộc họp kể trên đã bị rất nhiều sỹ quan ở Rabaul chỉ trích.

Tuần sau: 

Chương XXXIV

Đại bại trong vịnh Vella

Tameichi Hara, Đông Kinh 1958

Bản Anh ngữ Japanese Destroyer Captain, Fred Saito & Roger Pineau, 1960. Bản dịch Nguyễn Nhược Nghiễm, Sàigòn 1974

Trần Vũ hiệu đính từ bản dịch Les Torpilleurs du Soleil Levant, René Jouan, 1962

Minh họa từ trang World of Warships