Sau chiến thắng Java, khu trục hạm Amatsukaze (Thiên Phong) săn lùng tiềm thủy đĩnh Hoa Kỳ rồi quay về chính quốc. Trung tá Hara cùng thủy thủ đoàn có 6 ngày phép. Thời gian này xảy ra hai sự kiện: Không tập Đông Kinh (The Doolittle Raid) và trận chiến biển San hô phía Bắc Úc châu.

Để phòng thủ khối Đại Đông Á vừa xâm chiếm, Nhật Bản thiết lập các căn cứ dọc theo biên giới Miến Điện và Thái Lan ở phía Tây nhằm ngăn chận Liên quân Anh, vừa làm đầu cầu đánh sang Ấn Độ. Phía Nam dùng bán đảo Mã Lai và xứ Nam Dương làm rào chắn, “The Malay Barrier”. Phía Bắc chiếm một số đảo trong chuỗi đảo Aleutian để canh chừng Hoa Kỳ và phía Đông Nam chiếm các quần đảo Mariana, Marshall, Caroline, Solomon, Gilbert làm tấm khiên phòng vệ. Trong sơ đồ này có một khoảng trống: từ Mariana Islands (Guam) lên đến Aleutian Islands là một đại dương mênh mông không kiểm soát. Chính qua lỗ hổng này mà hàng không mẫu hạm Hornet xuất phát từ Hạ Uy Di đi xuyên qua Midway đã tung các oanh tạc cơ B25 không kích Tokyo. Quyết định đánh chiếm Midway hai tháng sau của Nhật là để bít lỗ hổng này (cùng lúc hủy diệt các mẫu hạm Hoa Kỳ).

Riêng trận đánh biển San hô (The Battle of the Coral Sea), tuy là một chiến thắng chiến thuật vì đã đánh chìm hàng không mẫu hạm Lexington và gây hư hại cho chiếc Yorktown, kế hoạch xâm chiếm Port Moresby của Nhật phải hủy bỏ, là một thất bại chiến lược. Tameichi Hara không tham dự trận này.

[Trần Vũ]

Bản dịch Nguyễn Nhược Nghiễm

Chương XVII

Lúc 3 giờ 40, quan sát viên hữu mạn Bunichi Ikeda kêu lên: “không biết vật gì, hướng 30 độ… có thể là một tiềm thủy đĩnh.” Tất cả các cặp mắt đều mở bét ra để nhìn. Ikeda lại la: “Ðúng là tiềm thủy đĩnh.”

Ðôi mắt sắc bén của Ikeda, quan sát viên có thể nhìn xa 20,000 thước trên mặt biển, gấp đôi các quan sát viên khác, nhìn chăm chú về phía trước, xoay lại nói một cách khoan khoái: “Tiềm thủy đĩnh không còn nghi ngờ gì nữa.”

Tôi bước đến kính viễn vọng 20 cm, gắn trên giá đỡ, qua đó Ikeda quan sát. Một chiếc tiềm thủy đĩnh không sai, ở xa khoảng 6,000 thước. Tôi ra lịnh: “Tốc lực chiến đấu số 2 (26 hải lý), 50 độ hữu mạn. Mọi người vào vị trí chiến đấu. Xạ thủ sẵn sàng hành động. Bật đèn dò tìm tàu địch! Chuẩn bị thủy lôi nổ ngầm!”

Hoạt động nhộn nhịp và chiếc tàu gia tăng tốc độ. Khu trục hạm Hatsukaze (Nhất Phong) cho biết là đang theo sau chúng tôi. Tôi ra lịnh bật “đèn xanh” ở đuôi tàu để chiếc Hatsukaze biết chúng tôi tấn công tốc độ 26 hải lý.

Ikeda bây giờ la lên: “Tiềm thủy đĩnh trồi lên mặt nước xa 3,500 thước.”

Ðại úy Akino trên đài kiểm soát hỏa lực nói lớn: “Trọng pháo sẵn sàng khai hỏa, thưa hạm trưởng.”

Tôi đáp: “ Chúng ta sẽ khai hỏa khi mục tiêu còn cách 2,500 thước, 60 độ hữu mạn.”

Tiềm thủy đĩnh địch nổi hẳn trên mặt biển. Sáu khẩu 127 ly và đèn rọi tìm tàu địch của chúng tôi xoay góc 60 độ. Amatsukaze vẫn tiếp tục chạy thẳng đến mục tiêu và khi còn cách 2,700 thước chiếc tàu quành trái, xoay tất cả họng súng vào tiềm thủy đĩnh địch. Một phút sau, hai trọng pháo khai hỏa, và các trọng pháo kế tiếp. Chiếc tiềm thủy đĩnh trúng hai quả đạn trực tiếp, bùng cháy, chìm thật nhanh và biến mất giữa các lượn sóng trước khi chúng tôi chạy đến. Chúng tôi thả thêm 2 khối chất nổ ngầm cho chắc ăn trước khi rời mục tiêu. Các sonar của chúng tôi không phát hiện được dấu vết nào khác ngoài vết dầu nổi lên mặt nước. Lúc đó là 3 giờ 59 phút.

Hai giờ sau chúng tôi quay lại khu vực, vì chỉ một vài sỹ quan và thủy thủ đứng phía trên nhìn thấy chiếc tiềm thủy đĩnh bốc cháy, nên nhiều người khác tỏ vẻ nghi ngờ. Dầu vẫn tiếp tục trồi lên ở khoảng nước mà tiềm thủy đĩnh đã chìm. Bây giờ toàn thể thủy thủ đoàn mới thực sự tin tưởng. (Ðây là tiềm thủy đĩnh USS 176 Perch chỉ bị hư hại trong cuộc tấn công này. Perch xuất hiện lại vào ngày hôm sau cuộc tấn công của Amatsukaze, lần này đụng đầu với 2 khu trục hạm khác của Nhựt và mới thực sự bị loại khỏi vòng chiến. Toàn bộ thủy thủ của chiếc Perch bị tàu khu trục Ushio (Thủy Triều) bắt sống).

Ðêm kế đó chúng tôi tiếp tục cuộc săn đuổi, mặc dù thời tiết quá xấu và mưa lớn liên miên khiến mọi dụng cụ quan sát đều vô dụng. Khoảng 2 giờ 30 đêm đó, tôi nhìn thấy một đốm sáng mong manh cách nhiều ngàn thước trước mũi chiếc Amatsukaze. Ðốm sáng chỉ lóe lên một lần rồi tắt ngấm, giống như một diêm quẹt. Phải, có lẽ một người đã quẹt diêm để hút thuốc trên sàn tàu. Tôi ước lượng ánh sáng lóe lên ở khoảng cách 4,000 thước chánh Bắc, tức hướng tiến của Amatsukaze.

Tôi cho tàu gia tăng tốc lực chạy thẳng đến mục tiêu. Ðó là một chiếc tiềm thủy đĩnh địch đang nổi lên mặt nước và đang di chuyển khá mau về phía Ðông. Amatsukaze gia tăng tốc lực lên 26 hải lý và đảo về phía trái để chạy song song với chiếc tiềm thủy đĩnh ở khoảng cách 2,300 thước. Qua ánh đèn rọi, chúng tôi thấy tàu địch có kích thước trung bình.

Xem thêm:   Lê Xuân Thiết

Khẩu đội thứ nhứt khai hỏa, nhưng không trúng mục tiêu. Ngay lập tức tôi nhìn thấy hai làn trắng xóa vạch trên mặt nước cách mũi chiếc Amatsukaze một vài thước. “Ngư lôi!” Một thủy thủ la lên.

Xương sống tôi ớn lạnh. Nỗi sợ hãi của tôi biến mất một vài giây sau đó khi hai quả đạn của khẩu đội thứ hai bắn trúng mục tiêu. Và hai quả đạn của khẩu đội thứ ba biến chiếc tiềm thủy đĩnh thành ngọn lửa và ngọn lửa này từ từ biến mất trong làn sóng. Chiếc Amatsukaze đánh vòng sang trái, thả thêm 6 khối nổ ngầm làm mặt biển sôi sục.

Chúng tôi rời khỏi khu vực vào lúc 23 giờ 45 sau khi các máy sonar của chúng tôi không khám phá được dấu vết nào chứng tỏ mục tiêu còn tồn tại.

Ngày hôm sau thời tiết trong sáng và chúng tôi trở lại khu vực cũ. Nơi đây, chúng tôi chú ý đến một vệt dầu nổi trên mặt nước, giống như khói tuôn ra từ một miệng núi lửa ngầm dưới biển. Thủy thủ đoàn được gọi ra để nhìn thấy kết quả của việc làm đồng đội của họ. Không lộ hẳn sự thích thú như đêm trước, nhưng mọi người đều tỏ vẻ hài lòng. Thừa dịp thủy thủ đoàn tụ họp trên sân tàu, tôi nói với họ:

“Các anh đã nhìn thấy sức mạnh của việc phối hợp đưa đến kết quả tốt đẹp như thế nào. Các anh làm tròn bổn phận, tôi rất hài lòng. Từ khi khởi đầu cuộc chiến, chúng ta đã trải qua nhiều tháng quây quần bên nhau mà không mất mát một người nào. Chúng ta hãy hy vọng sẽ luôn luôn có may mắn này. Các anh làm tròn nhiệm vụ trong những ngày đã qua, nhưng tôi chắc chắn các anh sẽ còn làm tốt hơn trong những ngày sắp tới.”

“Hãy nhìn dòng dầu nổi lên mặt nước kia! Nó phát ra từ một tiềm thủy đĩnh địch và cũng là chiếc mồ khổng lồ chôn hơn 100 người. Những người này chết chỉ vì sự dại dột của một đồng đội, đã hút thuốc lá trong đêm tối lúc chiếc tàu nổi lên mặt nước. Tôi đã nhìn thấy que diêm lóe sáng và hậu quả đã xảy ra.”

“Thủy thủ địch được huấn luyện kỹ, nhân viên ngư lôi của họ tài ba, nên mặc dù chúng ta chiến thắng nhưng chiến thắng này rất chật vật. Nếu không vì một thủy thủ địch dại dột, chiếc Amatsukaze này sẽ là mồ chôn 250 người chúng ta. Chiến tranh là như vậy. Từ đây, tôi tin rằng mỗi người trong các anh biết rút tỉa bài học.”

“Các anh cũng nên biết tôi là một tay nghiện thuốc lá nặng từ hai mươi năm nay. Nhưng đêm vừa rồi, khi chúng ta đánh chìm chiếc tiềm thủy đĩnh này, tôi đã bỏ hút. Tôi làm như vậy không phải để các anh bắt chước theo tôi nhưng để mỗi lần nhớ đến tôi, các anh sẽ nhớ đến câu chuyện mà tôi vừa nói. Trong tư cách hạm trưởng của các anh, tôi có trách nhiệm đối với mạng sống của các anh, và vì vậy tôi phải nêu gương trước.”

“Bây giờ chúng ta hãy dành một phút mặc niệm cho những người đã chết. Mặc dù họ là kẻ thù, họ đã chết cho xứ sở của họ, và vì vậy đáng cho chúng ta dành cho họ phút giây ngắn ngủi này.”

Sau khi mặc niệm, tôi gọi Ikeda, quan sát viên đã phát hiện chiếc tiềm thủy đĩnh vào ngày 2 tháng 3, móc túi thưởng cho anh ta 10 yên, kèm theo một gói tặng phẩm và 10 phép xuất trại đặc biệt khi tàu cặp bến. Buổi họp chấm dứt với lời hoan hô của mọi người dành cho Ikeda.

Vào ngày 6 tháng 3, Amatsukaze và Hatsukaze trở về Bandjermasin để tái nhận nhiên liệu, đạn dược và đồ tiếp tế. Trong lúc ở đây, tôi đến viếng chiếc tàu bịnh viện Hòa Lan để dò hỏi tin tức số thủy thủ địch mà chúng tôi gặp trôi lóp ngóp gần đảo Bawean một tuần trước đây.

Tôi hết sức vui mừng khi biết được hầu hết số người này đã được giải cứu, và hiện có mặt trên chiếc tàu bịnh viện, cùng với 1,000 tù binh khác. Nhìn đám đông dồn chung trên một chiếc tàu nhỏ bé, tôi nhớ lại những ngày còn là sinh viên sỹ quan và chuyến huấn luyện ở Mỹ châu và Âu châu. Trong nhóm tù binh này chắc có một số tôi đã từng gặp. Hoàn cảnh hiện tại của họ thật đáng buồn, và tôi thầm nhủ là không bao giờ nên để rơi vào tay địch quân.

Những ngày còn lại của tháng 3, không có gì đáng nói. Vào ngày cuối cùng của tháng này, khu trục hạm Amatsukaze tham dự vào cuộc chiếm đảo Christmas, cách Java khoảng 200 dặm. Hòn đảo lẻ loi này không chỉ là một địa điểm chiến lược mà còn có nhiều quặng sắt. Cuộc hành quân này suôn sẻ nhứt so với các cuộc hành quân khác mà tôi từng tham dự trước đây. Cuộc đổ bộ được hơn một chục oanh tạc cơ, 2 tuần dương hạm, 4 khu trục hạm Nhựt oanh tạc và pháo kích dọn đường. Bảy giờ sáng hôm đó, hơn 100 quân phòng thủ người Anh đã đầu hàng ngay trước khi cuộc đổ bộ hoàn tất, tất cả bị bắt làm tù binh và trở thành phu khuân vác các tài nguyên của hòn đảo xuống bến tàu.

Xem thêm:   Đại Tá Hoàng Cơ Lân – Kỷ niệm về đời lính dù

Có một việc cần nói vào ngày thứ hai của cuộc hành quân êm đẹp này. Lúc 8 giờ 5 phút tôi nhìn thấy một làn nước sủi bọt giống như mũi tên lao đến tuần dương hạm nhẹ Naka, soái hạm của chúng tôi. Ðó là một trái ngư lôi được phóng ở khoảng cách không hơn 700 thước vào góc 50 độ phía hữu mạn của chiếc Naka. Soái hạm vội xoay hướng nhưng không kịp. Ngư lôi trúng giữa thân tàu và phá vỡ một lỗ hổng 5 thước, nhưng không có thủy thủ nào thiệt mạng. Ðó là một phép lạ.

4 khu trục hạm Nhựt và tuần tiễu đĩnh xông ra và thả xuống nước nhiều khối chất nổ để hủy diệt chiếc tàu ngầm địch vừa phóng ngư lôi, nhưng nó đã cao bay xa chạy (sau này chúng tôi biết đó là chiếc Seawolf USS-197 của Hoa Kỳ đã liều lĩnh len lỏi vượt qua mũi súng của 4 khu trục hạm Nhựt để mưu đánh chìm cho được soái hạm Naka).

Mặc dù 800 tấn nước tràn vào, nhưng chiếc Naka vẫn không chìm vì đóng chặt các ô riêng rẽ trong tàu kịp thời. Ðược 7 khu trục hạm hộ tống, soái hạm lê lết trở về Nhựt để sửa chữa lại mất nhiều tuần lễ. Ðó là cái giá phải trả cho tánh tự mãn. Tất cả chúng tôi đều chia sẻ lỗi lầm này, và riêng tôi lại học được một bài học nữa.

(Tuần dương hạm Naka là chiếc cuối cùng của lớp tuần dương hạm nhẹ Sendai, lớp này gồm 3 chiếc: Sendai, Jintsu và Naka, trọng tải 5,195 tấn, đóng năm 1922 hoàn tất trang bị và sử dụng vào tháng 10 năm 1925. Lớp tuần dương hạm Sendai thường được dùng làm soái hạm cho các phân hải đoàn khu trục hạm. Trang bị 7 pháo 140 ly, 4 ống phóng ngư lôi, tốc độ tối đa gần 36 hải lý, và mang theo được một thủy phi cơ thám thính. Chiếc tuần dương hạm này tuy già nua nhưng tham dự hầu hết các cuộc hành quân lớn từ khi bắt đầu cuộc chiến Thái Bình Dương cho đến năm 1944, Naka bị đánh chìm gần quân cảng Truk do các oanh tạc cơ đâm bổ SB2C Helldiver và máy bay phóng ngư lôi Avenger từ 2 hàng không mẫu hạm Bunker Hill và Cowpens không tập Truck vào ngày 2 tháng 2 năm 1944, 210 người sống sót trong đó có hạm trưởng cuối cùng của Naka, là Ðại tá Yoshimasa Sutezawa).

Cuộc đổ bộ đảo Christmas đánh dấu sự kết thúc giai đoạn đầu tiên các cuộc hành quân của Nhựt ở Ðông Nam Á. Mặt trận Thái Bình Dương cũng lắng dịu hơn một tháng sau ngày đổ bộ.

Vào ngày 3 tháng 4, chúng tôi được lịnh rời bỏ nhiệm vụ hộ tống soái hạm Naka gần Surabaya và kết hợp với hạm đội ở biển Java. Ngày kế, chúng tôi đến Batavia và trưa đó lên đường đến Macassar. Nơi đây chúng tôi lưu lại 5 ngày để kiểm soát lại máy móc và vũ khí. Thành phố này nhộn nhịp, cửa hàng buôn bán tấp nập với mọi loại nhu yếu phẩm khó tìm thấy ở Nhựt trước đây.

Ða số dân chúng Nhựt đều tin tưởng Nhựt Bản sẽ tự tìm kiếm một nền hòa bình vào mùa Xuân năm 1942, thay vì chờ đợi các điều kiện hòa bình do Ðồng Minh đưa ra sau khi chúng tôi vẫy những lá cờ trắng. Nhưng những tháng đầu năm 1942 trôi qua, và chánh phủ Nhựt không hề mưu tìm một nền hòa bình nào hết. Thực vậy, các chính trị gia và các nhà lãnh đạo quân sự Nhựt đều khăng khăng tin tưởng việc chiếm đóng Ðông Nam Á trở thành vĩnh viễn, với nguồn tài nguyên vô tận của khu vực vĩ đại này, Nhựt sẽ không thể nào bị đánh bại.

Từ Macassar chúng tôi chạy đến Surabaya, và cuối cùng vào ngày 17 tháng 4, chúng tôi được lịnh quay về quê hương. Mọi người đều hớn hở, những thủy thủ bị động viên mơ mộng được giải ngũ. Họ cũng hy vọng chiến tranh chấm dứt. Nhiều sỹ quan có thể không nhìn thấy viễn cảnh màu hồng này, nhưng được dịp trở về nhà đã khiến họ vui mừng không kém gì binh sỹ.

Chúng  tôi rời khỏi Surabaya để trở về Macassar, và ngày hôm sau chúng tôi kết hợp với một nhóm khu trục hạm hộ tống một đoàn tàu chuyển vận quặng mỏ, dầu hỏa và thực phẩm về Nhựt. Chuyến đi bình thường nhưng đầy hân hoan. Khi tiến vào hải phận của xứ sở, và nhìn thấy bóng dáng các hòn đảo Nhựt thấp thoáng ở chân trời, mọi người đều nhảy nhót vui mừng. Ngày 2 tháng 5, Amatsukaze và các khu trục hạm khác lặng lẽ chạy vào hải cảng Kuré. Biển Nhựt với nhiều trăm hòn đảo lấm tấm là một quang cảnh chào đón đầy êm ả.

Xem thêm:   Beetlejuice

Lũ hải âu dậy tiếng như chào mừng ngày chúng tôi trở về.

Nhựt Bản không giống những xứ nóng khác. Vùng biển ở phía Nam như một rừng hoa rực rỡ dưới ánh nắng nung nấu và vạn vật đều óng ả. Trở về quê hương, tất cả màu sắc có vẻ dịu dàng, ve vuốt. Chúng tôi mất dịp ngắm mùa hoa anh đào nở vào đầu tháng 4, nhưng những lá non xanh mướt trên cành đối với chúng tôi chẳng khác nào những nụ hoa.

Ngày hôm sau, tôi ra lịnh mở rộng quầy hàng trên tàu, và mọi người muốn mua sắm bao nhiêu tùy thích. Ðại úy Goro Iwabuchi, phụ tá của tôi, lên bờ để sắp xếp một bữa tiệc cho thủy thủ đoàn. Sau khi đặt 240 phần ăn ở nhà hàng Morisawa. Iwabuchi báo cáo với tôi rằng: “Nhà hàng cho biết là không chắc cung cấp đầy đủ phần ăn cho tất cả chúng tôi, bởi nhiều chiếc tàu bạn cũng mở tiệc tại các nhà hàng trong thành phố khiến thực phẩm trở nên khan hiếm, nhưng bù lại nhà hàng có rất nhiều rượu ngon.”

Khi bữa tiệc này được thông báo, thủy thủ đoàn Amatsukaze đều nhảy nhót vui mừng. Chỉ 10 thủy thủ đoàn kém may mắn vì phải ở lại tàu đảm trách việc canh gác, tất cả số còn lại lên bờ vào lúc 17 giờ. Thành phố Kuré phồn thịnh đầy dẫy thủy thủ, các nẻo đường hầu như bị họ khua rộn.

Ðể phụ nhà hàng, chúng tôi mang theo nhiều đồ ăn hộp. Chỉ có  5 geisha phục dịch cho cả bữa tiệc 200 người của chúng tôi, nên họ phải chật vật lắm mới cung phụng thức ăn uống đầy đủ. Một vài cô geisha trong số này cũng giúp vui thêm cho bữa tiệc qua các màn ca múa của họ. Rượu uống tự do làm bừng chí thực khách, nhiều thủy thủ của tôi nhảy ra tiếp tay bưng dọn với 5  cô geisha, và họ còn ca múa nữa.

Tôi được mỗi thuộc cấp mời một ly rượu. Tôi không từ chối một ai. Tôi không biết mình đã uống bao nhiêu ly sakê từ đầu cho đến khi bữa tiệc chấm dứt vào lúc nửa đêm, nhưng tôi cảm thấy còn đứng vững.

Ngày hôm sau, mỗi thủy thủ được cấp từ 3 đến 6 ngày phép. Ði phép đợt ba, tôi đáp chuyến xe lửa đêm để về nhà. Tim tôi đập rộn ràng khi xe lửa tiến vào thành phố Kamakura vào sáng ngày 4 tháng 5. Những rặng thông bao phủ thành phố cổ 800 năm này đang thì thầm trong gió biển.

Vợ tôi và ba con ra chờ đón tôi ở sân ga. Tất cả đều hân hoan thấy tôi trở về. Các con tôi kêu vang “Cha”, “Cha” và vợ tôi, Chizu rạng rỡ. Nhà tôi chỉ cách ga xe lửa 20 phút đi bộ, nhưng tôi cảm thấy lần trở về này là lần trở về vinh quang, và tôi gọi ngay một chiếc taxi.

Vào nhà, tôi mở ngay gói quà mà tôi đã mua từ Nam Dương. Nhưng sô-cô-la làm cho các con tôi hớn hở vì ở đây hiếm khi có loại này. Buổi chiều hôm đó, ông bạn láng giềng lâu năm của chúng tôi là Tanzan Ishibashi sang thăm. Chúng tôi nhận lời mời dùng cơm tối với ông. Ishibashi là chủ nhiệm kiêm chủ bút tạp chí Toyo Keizai Kinh Tế Viễn Ðông. Theo tôi, ông là một người thông thái và khôn khéo hiếm có, nhưng tôi không bao giờ tưởng tượng có một ngày ông cầm đầu Nội các Nhựt Bản.

Bữa cơm hoàn toàn vui vẻ. Sau đó, tôi với ông ngồi nhấm nháp sakê. Là một kinh tế gia, ông muốn nghe tình hình ở Ðông Nam Á. Ông hỏi: “Hải quân của chúng ta có đủ khả năng kiểm soát khu vực rộng lớn này và bảo vệ nguồn tài nguyên phong phú ở đó, để cung ứng cho các cơ xưởng kỹ nghệ Nhựt hay không?”

Với một người nhìn xa hiểu rộng như ông, tôi không thể che đậy sự thật được. Tôi đáp: “Chúng ta đã đạt được một số chiến thắng, việc này đơn giản là địch quân đã không biết yếu điểm của chúng ta. Cũng như tôi, chắc ông biết khả năng sản xuất vô tận của Ðồng Minh. Không có một chỗ nào dành cho sự lạc quan của Nhựt trong cuộc chiến này”. Ông chú ý những gì tôi thành thật trình bày. Chế độ kiểm duyệt hiện thời khiến ông không hiểu hết những sự thật của cuộc chiến này.

Vào năm 1956, ngay trước khi trở thành thủ tướng, cuốn sách viết về kinh nghiệm trong cuộc chiến của tôi ấn hành ở Nhựt đã được ông đề tựa với những lời khen tặng mà tôi nghĩ không xứng đáng nhận lãnh. Trong đó ông viết rằng cuộc đàm đạo buổi chiều vào năm 1942 đã khiến ông xem tôi như là một sỹ quan hải quân phi thường.

Tuần sau:  Chương XVIII

Thủy chiến Midway

Tameichi Hara, Đông Kinh 1958

Bản Anh ngữ Japanese Destroyer Captain, Fred Saito & Roger Pineau, 1960

Bản dịch Nguyễn Nhược Nghiễm, Sàigòn 1974

Trần Vũ hiệu đính từ bản dịch Les Torpilleurs du Soleil Levant, René Jouan, 1962

Minh họa từ trang World of Warships