Hải quân Đồng Minh trên biển Java dưới quyền Đề đốc Hòa Lan Karel Doorman bao gồm 2 tuần dương hạm nặng Houston (US) & Exeter (GB), 3 tuần dương hạm nhẹ (De Ruyter, Java (Hòa Lan), Perth (Úc)) và 11 khu trục hạm (2 Úc, 3 Hoa Kỳ, 3 Anh, 3 Hòa Lan).

Đệ Nhị Hạm Đội Nhật dưới quyền chỉ huy của Phó Đô đốc Nobutake Kondo chia làm hai đạo.

Hải đoàn Hộ tống phía Tây dưới quyền Đề đốc Takeo Kurita gồm:

4 tuần dương hạm nặng Mogami, Mikuma, Kumano, Suzuya

3 tuần dương hạm nhẹ Sendai, Natori, Yura

23 khu trục hạm thuộc Phân Hải đoàn 3 và 5

56 dương vận hạm (Đề đốc Akisaburo Hara chỉ huy nhóm tàu vận tải).

Hải đoàn Hộ tống phía Đông dưới quyền Đề đốc Takeo Takagi gồm:

2 tuần dương hạm nặng Nachi, Haguro.

Phân Hải đoàn 2 của Đề đốc Raizo Tanaka:

1 tuần dương hạm nhẹ Jintsu

7 khu trục hạm.

Phân Hải đoàn 4 của Đề đốc Shoji Nishimura:

1 tuần dương hạm nhẹ Naka

7 Khu trục hạm

4 tàu dò mìn

2 tiểu đĩnh

41 dương vận hạm.

Trung tá Tameichi Hara với khu trục hạm Amatsukaze thuộc Phân Hải đoàn 2. Ngoài ra còn Đệ Tam Hạm Đội yểm trợ từ xa của Phó Đô đốc Takahashi với 2 tuần dương hạm nặng Ashigara, Myoko và 2 khu trục hạm. (Xem Bernard Millot, Le Déferlement Japonais, trang 104, Nxb Robert Laffont 1968)

Nhìn chung lực lượng Nhật đông gấp bội Đồng Minh, tuy nhiên trận chiến ban đầu đã diễn ra giữa Hải đoàn Hộ tống phía Đông của Đề đốc Takagi với Hải lực của Đề đốc Doorman, tương quan khá cân bằng. Chương 15 cho thấy thủy chiến thường vô cùng rối rắm đầy bấp bênh, làm liên tưởng đến khó khăn của hải quân VNCH trong hải chiến Hoàng Sa 1974. [Trần Vũ]

Bản dịch Nguyễn Nhược Nghiễm

Chương XV

Mười phút sau cuộc oanh tạc của pháo đài bay B17, đoàn tàu xoay 90 độ tiến đến Surabaya và chỉ còn cách 60 dặm. Từ đầu chúng tôi đã tiến thẳng về hướng Tây, có tánh cách nghi binh. Không lâu sau, một thám thính cơ Nhựt xuất phát từ Balikpapan báo cáo: “5 tuần dương hạm và 6 khu trục hạm địch đã rời Surabaya 63 dặm, hướng 310 độ, lúc 12 giờ trưa. Hiện thời lực lượng này xoay hướng 80 độ, tốc lực 12 hải lý.”

Chiếc Nachi 12,374 tấn, một trong hai tuần dương hạm nặng theo phía sau chúng tôi, lập tức phóng thủy phi cơ thám thính theo dõi nhóm tàu của địch. Một việc đáng kinh ngạc theo báo cáo của phi cơ, là nhóm tàu này đã tiến gần và hiển nhiên nhắm vào hải đoàn chuyển vận của chúng tôi. Có phải địch quân mưu định tấn công? Chúng tôi chờ đợi báo cáo tiếp theo.

Hai giờ dài dằng dặc trôi qua. Lúc 2 giờ 5, thủy phi cơ của Nachi báo cáo một hạm đội gồm 5 tuần dương hạm và 10 khu trục hạm (thay vì 6 như báo cáo đầu tiên) đang tiếp tục hướng đến. Kể cả 2 tuần dương hạm của chúng tôi ở phía sau, lực lượng của địch vẫn còn trên chân chúng tôi. Ðề đốc Takagi ra lịnh cho hải đoàn xoay về hướng Bắc. Cơn nóng miền nhiệt đới không gây cho tôi cảm giác khô ran nào. Ngược lại mồ hôi lạnh chảy ướt lưng. Nếu địch gia tăng đà tiến, họ dễ dàng xé đoàn tàu của chúng tôi ra từng mảnh và nhận chìm các dương vận hạm, chẳng khác nào đập những con bồ câu bằng đất. Tôi cảm thấy nao núng. Tôi tự hỏi tại sao hạm đội địch lại không tăng gia tốc tiến đến nhanh hơn? Lúc 3 giờ 10, thám thính cơ gởi về một báo cáo đáng ngạc nhiên: “Hạm đội địch xoay hướng trở về Surabaya.”

Ðề đốc Takagi đứng trên đài chỉ huy của soái hạm Nachi đã cười to: “Chẳng là tàu chiến địch rời khỏi Surabaya để tránh bị các cuộc không tập của chúng ta dọn sạch. Ðịch không còn lòng dạ nào mưu đánh chúng ta. Kế hoạch và thời biểu của chúng ta vẫn tiếp tục. Hải đoàn trực chỉ hướng Nam!”

Lúc 4 giờ 30 chiều, một báo cáo gây kinh ngạc khác của thám thính cơ: “Tàu địch lại xoay về hướng cũ, đội hình phân tán trước đó bây giờ nhập chung làm một, gia tăng tốc lực và chạy về hướng 20 độ.” Mười phút sau lại một báo cáo khác: “Tốc độ của tàu địch là 22 hải lý, hướng thẳng về hải đoàn chúng ta!”

Ý định của địch quân không còn ngờ vực gì nữa. Tôi xem hải đồ và nhận thấy tàu địch còn cách chúng tôi 60 dặm. Nếu cả hai bên chạy với tốc độ 20 hải lý thì chỉ trong một giờ rưỡi nữa sẽ gặp nhau.

Takagi, thình lình gắt gỏng và giận dữ, đã ra lịnh cho hải đoàn chuyển hướng một lần nữa. Ông cũng ra lịnh 2 tuần dương hạm phía sau tung hết phi cơ thám thính lên và các chiến hạm hộ tống dàn đội hình chiến đấu. Ðồng thời 2 tuần dương hạm nặng Nachi và Haguro gia tăng tốc lực để bắt kịp đoàn tàu đi trước. Trận thư hùng sắp diễn ra.

Xem thêm:   Waki

Phân Hải đoàn 2 Khu trục hạm của chúng tôi lập tức kết hợp thành một nhóm và chạy theo đội hình hàng dọc, dẫn đầu là tuần dương hạm nhẹ Jintsu. Các dương vận hạm cũng đổi hướng, chạy theo đội hình cánh quạt, nhưng vẫn với tốc độ chậm chạp. Hầu hết các dương vận hạm này là tàu buôn bị trưng thu và thủy thủ không được huấn luyện nên nhìn cách di chuyển lộn xộn của họ mà bực mình. Nhiều chiếc tỏ ra ngơ ngác trước các lịnh lạc thay đi đổi lại và không thể thi hành một cách nhanh chóng được.

Nhưng đáng giận hơn cả là việc 2 tuần dương hạm hạng nặng Nachi và Haguro đến chậm, vì chạy cách 150 dặm phía sau. Mỗi chiếc tàu này võ trang mạnh mẽ gấp mười chiếc khu trục hạm. Hai chiếc Nachi và Haguro mỗi chiếc trang bị 10 hải pháo 203 ly trong lúc tuần dương hạm nhẹ Jintsu chỉ có 7 hải pháo 140 ly và mỗi khu trục hạm chúng tôi chỉ có 6 hải pháo 127 ly. Nếu không có chúng, tôi thấy không có cách nào chống chọi lại lực lượng hùng hậu của địch quân. Nếu tàu địch tăng gia tốc 30 hải lý, chúng sẽ đến trong nháy mắt. Nếu việc này xảy ra thì chúng tôi sẽ làm gì?

Vào 5 giờ chiều, tình trạng lộn xộn giảm bớt khi các tàu chuyển vận đã kết hợp xong đội hình và được các tiểu đĩnh và ngư lôi đĩnh hộ tống. Phía sau hải đội của tôi, 4 khu trục hạm khác cũng lập đội hình chiến đấu. Phân Hải đoàn 4 của Ðề đốc Shoji Nishimura, gồm tuần dương hạm nhẹ Naka và 7 khu trục hạm, được dàn ở phía sau. Các tàu chiến Nhựt hiện tại chạy với tốc độ 24 hải lý sẵn sàng chiến đấu. Tôi nhìn về phía chân trời, không thấy bóng dáng 2 tuần dương hạm nặng của chúng tôi ló dạng. Tôi bực tức rủa thầm.

“Tàu địch!”, tiếng la của Chuẩn úy Shigaru Iwata, trưởng canh trên đài chỉ huy. Iwata có nhãn lực cực tốt. Nhìn theo hướng anh ta chỉ, tôi thấy nhiều cột buồm nhô lên ở phía Nam và trong nháy mắt mọi người đều nhìn thấy rõ rệt.

Qua hình dáng cột buồm này, tôi biết đó là tuần dương hạm De Ruyter của Hòa Lan. “De Ruyter cách xa 28,000 thước. Ðang tiến nhanh đến chúng ta!” Iwata xổ một câu có vần điệu theo nghề nghiệp.

Chiến pháp Crossing the T

Tôi xoay nhìn lại phía sau. Nachi và Haguro vẫn biệt tăm, chỉ có các tàu chuyển vận chạy như rùa bò. Tôi ra lịnh: “Xạ thủ và ngư lôi sẵn sàng! Mục tiêu là tuần dương hạm dẫn đầu của địch!”

Mọi tiếng động trên khu trục hạm của tôi thình lình im bặt. Chúng tôi đang đâu mặt với trận hải chiến quan trọng đầu tiên. Tiếng kêu của Iwata phá vỡ im lặng: “Hạm Trưởng! Nhìn kìa… Nachi và Haguro!” Tôi xoay lại và thấy bóng dáng được trông đợi mỏi mòn hiện lên ở chân trời phía Ðông. Cả 2 tuần dương hạm nặng của chúng tôi đều còn cách thật xa, nhưng có thể chưa muộn. Tốt! Tôi gật đầu. Lúc ấy là 5 giờ 30 chiều.

Các chiến hạm địch thình lình xoay về hướng Tây và bắt đầu chạy song song với chúng tôi. Ðây là một biến cố khó giải đoán khác. Ðịch quân chắc chắn đã nhìn thấy hải đoàn của chúng tôi, nhưng tại sao không đâm thẳng vào? Qua hướng tiến trước đó, các chiến hạm địch có thể áp dụng đội hình chữ T vô cùng thuận lợi, giúp địch chọn lựa các mục tiêu một cách rộng rãi hơn trong khi chỉ nhận lại hỏa lực phản pháo một cách giới hạn từ vị trí của chúng tôi. Chiến pháp này hải quân Ðồng Minh gọi là “Crossing the T”.

Với sự chuyển hướng vừa rồi, địch quân cho phép chúng tôi mua thời gian. Lúc ấy khoảng cách giữa hai hải lực là 36,000 thước. Khi nhìn thấy cảnh tượng này Ðề đốc Takagi vui mừng: “Bây giờ các chiến hạm của chúng ta có thể tóm lấy các chiến hạm của địch!” Lúc 5 giờ 46, lịnh chiến đấu của Takagi ban ra: “Khai triển 3 hàng dọc! Hướng 170 độ! Chuẩn bị khai hỏa!”, tức hướng Nam. Lịnh tiếp theo: “Khai hỏa tự do!”

Một phút sau đó, tuần dương hạm nhẹ Naka pháo vào địch quân với khoảng cách 22,000 thước, quá xa đối với các trọng pháo 140 ly mà tầm bắn hiệu quả là 16 ngàn thước, với đầu đạn 38 ký và nhịp bắn 5 quả mỗi phút. Tôi càu nhàu vì bực mình. Làm sao Takagi không am hiểu chuyện đó?

Chứng tỏ sự bối rối, Takagi thay đổi lịnh nhanh chóng: “Giữ hướng song song với địch”. Tuần dương hạm nhẹ Jintsu và các khu trục hạm cùng nhóm được lịnh tách ra và di chuyển dọc theo lực lượng chánh về hướng Tây, cách khoảng 10,000 thước. Các khẩu pháo 140 ly của Jintsu khai hỏa vào chiếc De Ruyter khi còn cách mục tiêu 18,000 thước. Phí đạn vô ích! Vẫn quá xa! 4 khu trục hạm có vẻ nôn nóng và vẫn với khoảng cách đó các khẩu 127 ly của chúng lên tiếng, nhưng cũng vô hiệu. Các trọng pháo 203 ly của Nachi và Haguro xuất trận, trong khoảng cách 25,000 thước, nhưng chẳng hơn gì các đàn em. Tầm xa tối đa của hải pháo 203 ly là 18 cây số, hiệu quả chính xác là 15 ngàn thước với nhịp bắn 2 phát mỗi phút ở khẩu độ 30°. Làm sao các “huynh trưởng” các khóa đàn anh của tôi không biết? Vì quá nóng nảy!

Xem thêm:   Dịch vụ cho thuê xe máy

Nhóm chiến hạm của Ðồng Minh lập tức chạy lảng ra xa về hướng Tây Nam, gia tăng khoảng cách với các chiến hạm của chúng tôi. Trọng pháo địch bây giờ mới lên tiếng, nhưng chúng cũng không bắn xa hơn trọng pháo của chúng tôi. Lúc 6 giờ 5, Ðề đốc Shoji Nishimura, Tư lịnh Phân Hải đoàn 4 Khu Trục hạm có vẻ như không còn kiên nhẫn trước cuộc đấu súng vô bổ giữa đôi bên. Tuần dương hạm nhẹ Naka, soái hạm của Nishimura và 7 khu trục hạm khác của ông cùng phóng một lượt 43 quả ngư lôi vào các chiến hạm địch, ở khoảng cách 15,000 thước.

Các ngư lôi lao đi như mũi tên, chạy bằng khí đặc, vũ khí kiêu hãnh của Hải quân Hoàng gia Nhựt mà Hoa Kỳ gọi là “Lưỡi giáo dài”, có thể hướng đến mục tiêu cách xa 40,000 thước với tốc độ 36 hải lý. Nhưng với khoảng cách xa như thế, loại ngư lôi này khó thể hy vọng trúng các mục tiêu di động. Những ngư lôi của Nishimura bỗng nhiên nổ tung khi lướt đi một vài ngàn thước. Không giải thích được tại sao chúng lại nổ? Có thể là do trục trặc kỹ thuật hoặc một số này va chạm vào một số khác gây ra tiếng nổ dây chuyền? Lại hoang phí thêm. Nhưng ít ra tầm xa và tốc độ của những trái ngư lôi loại mới này cũng đã gây kinh ngạc cho các sĩ quan Ðồng Minh khiến cho tinh thần của họ sút giảm trầm trọng.

Sau các đợt tấn công ngư lôi của chúng tôi, các chiến hạm Ðồng Minh lại xoay về hướng Nam. Vào lúc 6 giờ 27, 8 phi cơ Ðồng Minh xuất hiện, ở độ xa 20 dặm, hướng về phía các dương vận hạm của chúng tôi. Nhưng 12 chiến đấu cơ của Nhựt được chúng tôi gọi từ khi các chiến hạm tách rời khỏi đoàn tàu chuyển vận, cất cánh từ phi trường Balikpapan, đến kịp lúc để chận đầu 8 oanh tạc cơ địch. Cả 8 oanh tạc cơ Hòa Lan đều bị chiến đấu cơ Nhựt bắn hạ mà không kịp nhả một trái bom nào.

Trời u ám, chỉ thỉnh thoảng vài tia nắng xuyên qua các đám mây. Hoàng hôn xuống thật nhanh và mặt trời khuất dạng hẳn vào lúc 7 giờ 50. Vào lúc 6 giờ 33, Ðề đốc Takagi quyết định phải tiết kiệm đạn dược và ông cũng đoán có thể địch quân lợi dụng đêm tối để tẩu thoát nếu trận chiến cứ tiếp tục trong tình trạng này. Ông ra lịnh cho tất cả chiến hạm: “Áp sát và đánh dàn mặt với địch!”

Hạm đội địch lại xoay ngược về phía trái và bây giờ chạy theo hướng chánh Tây. Trên soái hạm Nachi của Takegi lá cờ “Mắt đổi mắt – Răng đổi răng” đã kéo lên. Các chiến hạm Nhựt đồng loạt xoay theo hướng Tây, càng lúc càng gần thêm rồi các trọng pháo bắn không ngừng nghỉ. Bốn phút sau, tuần dương hạm nặng Exeter của Anh phát hỏa, gây hỗn loạn trong hàng ngũ địch. Các chiến hạm Ðồng Minh phun khói che cho chiếc Exeter. (Sau này chúng tôi biết một quả 203 ly của chiếc Nachi hoặc Haguro đã trúng hầm chứa đạn của Exeter). Exeter ở vị trí thứ hai trong đoàn tàu của Ðồng Minh giảm hẳn tốc độ và chậm chạp lê thân ra khỏi nhóm tàu bạn, hiển nhiên là để tránh va chạm với tuần dương hạm nặng Houston của Hoa Kỳ đang ngay phía sau.

Một hiện tượng gây ngạc nhiên là khi chiếc Houston xoay mũi về phía trái, để rời đội hình, tất cả các chiến hạm khác của địch cũng làm theo nhưng soái hạm De Ruyter của Ðề đốc Doorman vẫn tiếp tục chạy thẳng về phía trước. Một vài phút sau, chiếc De Ruyter mới biết là đã chạy đơn độc nên quay lại, và lúc xả hết tốc lực để kết hợp với các tàu bạn, chiếc tàu này đã suýt đụng phải một khu trục hạm của phía họ.

Diễn biến bất ngờ này gây rối loạn hàng ngũ địch quân và cho phép chúng tôi tiến đến gần hơn. 8 khu trục hạm Nhựt, trong đó có tàu của tôi, đổ xô về phía nhóm tàu Ðồng Minh với tốc độ 30 hải lý. Ðịch quân tổ chức lại hàng ngũ, bỏ mặc chiếc Exeter chạy khập khễnh ở phía sau, tất cả các miệng súng đều khai hỏa đồng loạt về phía chúng tôi.

Xem thêm:   Foire de Paris

Còn cách hạm đội địch 7,000 thước, khu trục hạm Tokitsukaze (Thuận Thiên), chạy phía trước Amatsukaze một chút, đã lãnh một quả đại bác. Khói trắng từ chiếc Tokitsukaze bốc lên bao phủ hoàn toàn chiếc Amatsukaze của tôi. Ðạn rơi chung quanh như mưa, những cột nước mọc lên mọi phía tựa các trụ trời khổng lồ nhưng không quả nào trúng tàu của tôi. Tôi nghiến răng và ra lịnh hướng thẳng Amatsukaze vào tầm súng của địch. Tôi phải tiến sát hơn, vì như vậy mới mong các quả ngư lôi của tôi hữu hiệu. Tôi quát: “Hết tốc lực!”

52,000 mã lực của chiếc Amatsukaze gầm lên, tạo ra những đợt sóng trắng xóa xẻ dọc hai bên mạn tàu. Các làn nước từ các cột nước do hải pháo của địch gây ra dập xuống khoang trước khi bắn tung lên. Tôi thét: “Công suất tối đa!” Chiếc Amatsukaze lao tới với vận tốc 35 hải lý.

Hạm đội địch lúc đó vẫn chạy hướng Tây Bắc, tức đâm thẳng vào chúng tôi. Ðây là hành động có tánh cách tấn công đầu tiên trong ngày của địch quân. Bây giờ tôi chỉ còn cách mục tiêu 6,000 thước, tay vịn chặt chấn song đài chỉ huy, sóng biển ướt đẫm mặt tôi. Chưa được, phải gần thêm nữa, phải cách mục tiêu ít nhứt 5,000 thước. Tàu của tôi lúc ấy đã áp sát tầm súng của địch quân và không biết bị bắn trúng lúc nào.

Lúc 7 giờ 27 tối, Ðề đốc Raizo Tanaka ra lịnh cho tuần dương hạm Jintsu của ông phóng 8 ngư lôi. Khi các con cá của Jintsu thoát ra khỏi ống, tôi đã cố gắng lắm mới không ra lịnh phóng. Một quả đạn địch nổ gần đã chạt nước khắp mặt tôi. Tôi cảm thấy hoàn toàn bất an, ngay cả hiện tại tôi vẫn còn mang cảm giác này. Sự bất an không giống thái độ hèn nhát, nhưng giống như máu lạnh trong tôi tự nhiên tan loãng dưới hỏa lực của các tàu chiến địch quân.

Tôi nhìn thấy 16 ngư lôi của 2 khu trục hạm Yukikaze và Tokitsukaze lướt trên mặt nước. Tôi bị kích thích cực độ và hét to: “Ngư lôi! Phóng!”. 4 khu trục hạm khác cũng bắt chước theo Amatsukaze. Tôi đã tính toán điều kiện chính xác của ngư lôi và nhận thấy ở 6,000 thước rất khó trúng một trăm phần trăm, nhưng theo tôi chỉ sai chạy dưới 5 phần trăm là cùng, nghĩa là 72 trái ngư lôi chỉ có khoảng 3 quả ra ngoài mục tiêu. Nhưng tính toán này của tôi đã sai lầm biết bao.

Các ngư lôi lao như tên bắn nhưng hạm đội địch đã nhanh nhẹn xoay về hướng Tây, và tôi nhận thấy ít ra hết phân nửa số ngư lôi do tàu của tôi phóng ra đã xuyên qua khoảng trống giữa các chiến hạm địch đang lướt qua. Các quả còn lại đến mục tiêu, nhưng chỉ có một quả phát nổ. Quả này trúng khu trục hạm Kortenaer của Hòa Lan. Chiếc tàu chìm cấp kỳ. Như vậy 72 quả ngư lôi của chúng tôi chỉ có một quả của tôi là chính xác. Phóng tệ như thế là cùng. Chiến thuật tránh né của tàu địch quả là tuyệt vời.

Tuần dương hạm nhẹ Naka và 7 khu trục hạm của Ðề đốc Shoji Nishimura hiện đã đến và đồng loạt phóng 64 quả ngư lôi. Hạm đội địch lại xoay hướng 90 độ về phía Bắc, một lối di động kỳ dị và không đúng quy tắc, nhưng khiến cho tất cả 64 ngư lôi đều lạc hướng. Bây giờ địch quân lại xoay thêm 90 độ nữa và cả hạm đội của họ đều ẩn trong một màn khói nhân tạo dày. Chiến pháp này của địch không hề nghe nói đến trong sách vở. Tôi đứng bất động và sững sờ.

Một quả trọng pháo của địch trúng khu trục hạm Asagumo (Mây Sáng) khiến 5 thủy thủ thiệt mạng và 19 người bị thương, chiếc tàu này bị loại khỏi vòng chiến một thời gian.

Sau khi phóng ngư lôi, Phân Hải đoàn 2 của chúng tôi dưới quyền Ðề đốc Tanaka và Phân Hải đoàn 4 của Ðề đốc Nishimura, mỗi phân đội tẽ ra mỗi hướng, chạy theo hình vòng cung. Khoảng cách giữa chúng tôi và địch quân nới rộng. Tuy nhiên hành vi của Ðồng Minh đêm nay đã gây khó hiểu cho chúng tôi. Sau khi đã xoay hẳn 360 độ, tàu địch bây giờ gia tăng tốc lực và chạy dưới sự bao che của các màn khói nhân tạo mù mịt, nhưng sau đó lại xoay thêm hai lần 90 độ nữa và chạy thẳng về phía Bắc. Ý định của hạm đội Ðồng Minh không thể nào đoán nổi. Có lẽ họ vẫn còn mưu định tấn công hải đoàn vận tải của Nhựt Bản.

Tuần sau:  Chương XVI

Dạ Chiến

Tameichi Hara, Đông Kinh 1958

Bản Anh ngữ Japanese Destroyer Captain, Fred Saito & Roger Pineau, 1960

Bản dịch Nguyễn Nhược Nghiễm, Sàigòn 1974

Trần Vũ hiệu đính từ bản dịch Les Torpilleurs du Soleil Levant, René Jouan, 1962

Minh họa từ trang World of Warships