Saikai là phi công bắn rơi pháo đài bay B17 đầu tiên trên biển Thái Bình. Sakai cũng là phi công Nhật bắn hạ pháo đài bay B29 cuối cùng rơi trên biển Nhật. Hai dấu mốc nói lên tài năng không chiến của Sakai. Năm 1974 lên đệ lục, tôi say mê hồi ký của Sakai. Lên 12 tuổi, tôi thấy câu nói của Hatsuyo thật hay: “Nhật Bản đã bại trận nhưng anh đã chiến thắng tất cả các trận đánh của anh.”  Bốn mươi sáu năm sau hiệu đính và bổ khuyết những phần thiếu trong bản Việt ngữ so với bản dịch Pháp văn của Robert de Marolles, thêm vào cho đủ 32 chương thay vì 23 chương trong ấn bản tiếng Việt, đến chương cuối đọc lại câu nói cũ của Hatsuyo, tôi không thể không liên tưởng đến Thiếu tá Vương Mộng Long, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 82 Biệt Động Quân mà các trang hồi ký oanh liệt cũng đã đăng trên tuần san Trẻ. Tôi cũng muốn nói với Thiếu tá Long, đã chiến thắng các trận Dak-Séang, Chư-Pa, Pleime, Quảng Đức, Xuân Lộc là dù Việt Nam Cộng Hòa bại trận nhưng thiếu tá đã chiến thắng tất cả các trận đánh của ông. Khác biệt nào giữa Thiếu tá Vương Mộng Long và Saburo Sakai? Khác biệt là Sakai không một ngày tù sau đầu hàng bi thảm, còn Thiếu tá Long phải trải qua 13 năm lao cải trong các trại giam Bắc-Việt.

Tuần sau, Lời Bạt của Martin Caidin sẽ đóng lại hồi ký Samurai đã trở nên bestseller trên toàn thế giới.

[Trần Vũ]

Nhiều kỳ – Kỳ 37

Chương 32 (Kết)

Trước khi đi Nagoya, Hatsuyo khăng khăng bắt tôi phải hứa mua cho nàng một lưỡi dao găm nhỏ. Thành phố này nổi tiếng là nhờ có dao găm và kiếm tốt. Chợ Nagoya mài những lưỡi dao nhọn hoắc với bản thép cắt đứt đôi khăn lụa. Vợ tôi muốn tôi mua cho nàng một thanh lam ngắn của những thợ rèn nổi tiếng nhứt. Khi tôi trở về, Hatsuyo lặng lẽ ngắm nghía lưỡi dao mà tôi vừa trao, rờ rẫm bề lưỡi một cách cẩn thận. “Saburo, nó không bén.” Nàng nhìn tôi. “Ngày mai, anh có thể đem con dao đi Oppama mài cho bén hơn không?”

Thái độ trang nghiêm của nàng khiến tôi giựt mình. Tôi hỏi: “Em muốn dùng con dao này để làm gì?”

Nàng nắm lấy tay tôi và nhìn thẳng vô mắt tôi. “Anh là đời sống của em, Saburo”, nàng dịu dàng nói. “Ðối với em, anh là mọi thứ trên quả đất này. Chỉ một việc duy nhứt mà em sẽ làm một khi anh chết…” Nàng không nói thêm nữa, và tôi đã hiểu nàng muốn nói gì.

Giáo điều Samurai cũng như giới luật Bushido không bắt buộc nhưng không hiếm những trường hợp các hiền thê tự đâm cổ sau khi khâm liệm cho chồng đã rạch bụng. Tôi phản đối, nhưng Hatsuyo ngó tôi đăm đăm: “Thất trận đối với em không quan trọng, Saburo, quan trọng là anh lành lặn, nếu…”

Tôi cắt ngang, trách nhiệm là ở những đàn ông Nhựt chúng tôi, không ở những người vợ, người mẹ hoặc em gái. Tôi nói với Hatsuyo điều đó, là không phải bổn phận của nàng nhưng nàng lắc đầu, chưa bao giờ tôi thấy nàng quả quyết bằng, “bại trận sẽ tàn khốc, Saburo. Em chấp nhận miễn sao anh trở về nhưng nếu anh không về nữa, em sẽ cầm lấy nó. Ðừng ngăn em.”

Lần đầu tiên Hatsuyo nói đến thất trận, chúng tôi đều cùng nhìn thấy mỗi ngày nhưng không dám nghĩ đến. Làm sao có thể khi hơi thở còn cuồn cuộn trong lồng phổi mỗi người Nhựt, trái tim chúng tôi còn đập? Khắp nước Nhựt đang chịu đựng nỗi thống khổ còn hơn sự đau đớn của các trận oanh tạc. Toàn quốc đã sơ tán, các đô thị nằm suy nhược, thoi thóp như bị một bàn chân khổng lồ giẫm lên. Ngày cuối cùng sắp xảy ra, không ai hồ nghi điều này, và cuộc chiến đấu sắp di chuyển lên đất nước của chúng tôi. Không thể nào có chuyện đầu hàng. Chúng tôi sẽ chiến đấu đến người cuối cùng. Các quân nhân sẽ hy sanh tánh mạng để bảo vệ Thiên hoàng. Hatsuyo nắm chặt tay tôi, giọng nàng dịu êm và quyết chí, “Em muốn hai vợ chồng mình chung ý nguyện, Saburo.”

Ngày hôm sau tôi mài lưỡi dao trên một cục đá bùn cho đến khi nó sắc như một lưỡi dao cạo. Ðêm đó, Hatsuyo thử lưỡi dao bằng cách cắt nhè nhẹ trên giấy lụa. “Tốt lắm rồi,” nàng phê bình, rồi giắt dưới dây lưng kimono của nàng. Chúng tôi không bao giờ bàn lại vấn đề này.

Vào ngày 6 tháng Tám, các tin tức về một trái bom vĩ đại và khủng khiếp được thả xuống Hiroshima, sau này chúng tôi mới biết đó là một trái bom nguyên tử, đã khiến cho tất cả các phi công ở Oppama sững sờ. Ý tưởng chỉ một chiếc máy bay với một quả bom có thể san bằng một thành phố quá khó tin để chúng tôi hiểu chuyện gì đã xảy ra. Chúng tôi chưa kịp phán đoán thì xảy đến quả đấm thứ nhì: Nga-Sô xé hiệp ước bất tương xâm ký kết với Nhựt và tấn công bất ngờ ở Mãn Châu, hầu như liền tiếp ngay sau trái bom nguyên tử. Kế nữa là trái bom nguyên tử thứ hai được thả xuống Nagasaki. Ðầu óc của tôi mờ mịt trước sức tàn phá không tưởng tượng được do người Mỹ gây ra. Tất cả đã vượt quá giới hạn của niềm tin. Tất cả không thể là sự thật, nhưng đó là sự thật.

Xem thêm:   Hang gấu

Lúc 3 giờ trưa ngày 13 tháng Tám, tất cả sĩ quan ở căn cứ Oppama được triệu tập vội vã đến tham dự một buổi họp mật trong văn phòng của Chỉ Huy Trưởng. Vị tư lịnh của chúng tôi có vẻ xanh xao và gần như mất hết sức lực. Ông hầu như không thể đứng được nên phải dựa vào bàn giấy. Ông cất tiếng một cách khó nhọc, giọng nói ngập ngừng.

“Những gì tôi muốn nói với các anh có tầm mức quan trọng tột cùng,” ông bắt đầu, “và tuyệt đối giữ bí mật. Tôi tin cậy vào sự ngay thẳng của các anh, với tư cách là những sĩ quan của Hải quân Hoàng gia, trong việc giữ kín tin tức này một cách nghiêm ngặt.”

“Nhựt Bản,” tới đây giọng ông đầy xúc động, “đã quyết định chấp nhận các điều kiện của kẻ thù. Chúng ta sẽ tuân theo Tuyên ngôn Potsdam.”

Ông nhìn chúng tôi với đôi mắt trống rỗng. “Lịnh đầu hàng có thể được công bố bất cứ lúc nào. Tôi muốn tất cả sĩ quan tận lực hợp tác với tôi. Trật tự phải được duy trì tại căn cứ này. Có thể, những người nóng tánh sẽ từ chối chấp nhận quyết định đầu hàng. Chúng ta không thể nào để cho binh sĩ của chúng ta vi phạm bất cứ tình trạng nào mà quốc gia chúng ta đã chấp nhận. Hãy nhớ, và không bao giờ được quên, rằng mạng lịnh của Thiên hoàng là tối thượng.”

Giống như một trái bom nổ giữa chúng tôi, và không một người nào động đậy. Chúng tôi đứng như trời trồng, không thể tin nổi. Chúng tôi biết ngày cuối cùng sẽ đến, nhưng chúng tôi không ngờ nó sẽ đến như thế này. Nhiều người bước chậm chạp ra khỏi căn phòng, sửng sốt, nhiều người nhìn phía trước hoặc nhìn xuống sàn nhà, ngờ nghệch. Một số la hét, một số khác nguyền rủa. Nhiều người âm thầm khóc.

Tôi không đủ sức suy nghĩ hoặc thốt nên lời. Tôi bước ra ngoài, như đi trong sương mù, băng ngang qua sân bay mà không nhìn thấy chung quanh. Tôi muốn được gần chiếc phi cơ của tôi, chiếc Zéro đã luôn là chỗ tựa của tôi trong suốt cuộc chiến. Tôi đứng dựa vô thân chiếc Zéro với tâm trạng nhòe nát.

Một người bạn thân của tôi, Thiếu úy Jiro Kawachi, bước đến bên tôi. Trong nhiều phút, chúng tôi đứng lặng yên. Tôi nhìn xuống đất.

Thế là hết.

Chúng tôi đã thua.

Nhựt Bản sắp đầu hàng.

“Saburo”. Tôi ngước lên. “Saburo, việc này… việc này đúng là kết thúc rồi,” Kawachi nói. “Chúng ta còn ít thời giờ. Chúng ta nên chiến đấu với nhau một lần nữa. Một cuộc chiến đấu cuối cùng.”

Hắn đưa chân đá phớt lên mặt xi-măng. “Chúng ta không thể nào buông tay như vậy. Chúng ta phải gắng sức, một lần nữa.”

Tôi gật đầu. Hắn nói đúng. Chúng tôi ra lịnh cho nhân viên bảo trì chuyển hai chiếc Reisen (Là phiên bản sau cùng của chiếc Zéro) ra ngoài phi đạo, chuẩn bị cất cánh. Chúng tôi biết các pháo đài bay B29 sẽ đến oanh tạc đêm nay. Thời tiết có vẻ đầy hứa hẹn. Kawachi và tôi giữ kín kế hoạch, không nói cho phi công nào khác biết. Sau khi thanh tra hai chiến đấu cơ, chúng tôi đi vô đài kiểm soát và ngồi chờ. Nhiều giờ trôi qua, chúng tôi không nói một tiếng nào. Chúng tôi cùng nghĩ ngợi, hình ảnh những năm dài dằng dặc ở Trung Hoa lần lượt hiện đến, và giờ là đoạn kết.

Buổi chiều trôi qua, và chúng tôi vẫn ngồi chờ, hầu như xoá nhoà trong bóng tối. Gần nửa đêm, chiếc loa trên đài kiểm soát phát vang: “Báo động! Báo động! Một chiếc B29 hiện đang bay về phía khu vực Yokosuka – Ðông Kinh.”

Chúng tôi nhảy bổ ra, và chạy băng qua phi đạo đến phi cơ. Căn cứ bao trùm trong bóng đêm, không một ánh đèn. Những vì sao lấp lánh trên bầu trời đủ soi đường cho chúng tôi. Chúng tôi bước đến hai chiếc Reisen, nhận thấy không phải chúng tôi là hai phi công duy nhứt thực hiện phi vụ chót cùng. Ít nhứt cũng có tám chiến đấu cơ khác được xếp thành hàng bên cạnh phi đạo, xăng nhớt và võ trang đầy đủ. Ngại với một mắt thui chột sẽ không nhìn rõ trong đêm, tôi yêu cầu Kawachi hướng dẫn tôi rời khỏi mặt đất. Chúng tôi cất cánh lập tức, không nói với nhau một tiếng nào nữa. Chúng tôi biết nếu chần chờ, vị chỉ huy trưởng có thể cản trở chúng tôi. Ngay khi đã lên không, tôi bay sát phi cơ của Kawachi. Tám chiến đấu cơ Reisen khác cũng đã cất cánh, bay thành hai hàng phía sau chúng tôi. Chúng tôi vượt thẳng lên, rồi lượn vòng ở cao độ 10,000 bộ là 3,000 thước trên vịnh Ðông Kinh.

Xem thêm:   Trên lưng trời

Trong nhiều phút, chúng tôi không nhìn thấy phi cơ nào khác trên bầu trời. Bỗng nhiên, súng đại bác của Kawachi nổ từng hồi, và tôi nhìn ra chiếc oanh tạc cơ to lớn đang bay ở phía Bắc. Tôi vượt lên song song với Kawachi và khai hoả. Mỗi chúng tôi hiện thời có bốn khẩu đại bác nạp 125 viên mỗi khẩu và chúng tôi cần tập trung hỏa lực để chống lại chiếc phi cơ kinh khiếp này. Tôi chưa từng thấy chiếc oanh tạc cơ nào khổng lồ như vậy. Khi vừa xoay vừa bắn đủ một vòng, tôi thấy tám chiếc Reisen khác ồ ạt xông tới chiếc siêu pháo đài bay. Chúng tôi giống như mấy con muỗi bu quanh một con bò mộng. Làm sao chúng tôi có thể hy vọng hạ được một chiếc phi cơ có kích thước quá sức tưởng tượng như vậy?

Tôi lại lướt đến, rồi vừa vượt lên vừa rưới đạn từ dưới hông của chiếc B29. Hoả lực đáp trả thật khủng khiếp. 12 đại liên của chiếc B29 quạt xối xả. Những tia đạn vạch chéo liên tục từ các pháo tháp to lớn trên thân chiếc B29 và tôi cảm thấy chiếc Reisen rùng mình nhiều lần khi các xạ thủ địch nhắm trúng.

Bỗng nhiên chiếc siêu pháo đài bay quay đầu bay về phía Nam. Hiển nhiên, chúng tôi đã gây thương tích cho đối thủ. Hai chúng tôi gia tăng tốc độ khẩn cấp, mở cuộc truy đuổi, bỏ hẳn tám chiếc Reisen khác lại phía sau.

Kawachi hơi chúi xuống, cắt thẳng vào vòng xoay rộng lớn của chiếc B29, với tôi bay phía sau. Lần này mục tiêu đã rõ rệt, cả tôi lẫn Kawachi đều ấn cò súng và nhìn theo những vệt đạn soi thủng vô cửa kiếng dọc theo mũi của chiếc oanh tạc cơ. Kawachi vừa phá hủy một pháo tháp đại liên của địch, giúp tôi có thể áp sát hơn. Trong lúc Kawachi lật nghiêng để tránh va chạm, tôi trút đạn 20 ly vào mục tiêu.

Bỗng nhiên tốc độ của phi cơ địch khựng lại và chúi xuống. Chúng tôi xoay lại và tiếp tục rót đạn đại bác lên chiếc phi cơ què quặt.

Chiếc oanh tạc cơ khổng lồ chúi xuống thật mau nhưng không nhìn thấy khói và lửa bốc ra. Nó không có vẻ gì bị hư hại, giống một võ sĩ quyền Anh hạng nặng không suy suyển trước cú đấm của võ sĩ hạng lông. Nhưng chiếc B29 mất dần cao độ một cách nhanh chóng, mũi hướng xuống mặt biển.

Tôi cứ bay chúi theo sau đối thủ, khai hỏa từng loạt. Ðảo Oshima thình lình xuất hiện trong đêm tối. Chúng tôi đang ở cách phía Nam Yokosuka 50 dặm.

Chúng tôi lấy thăng bằng và vượt lên cao độ 1,500 bộ. Là 450 thước. Một ngọn núi lửa trên hòn đảo nhô khỏi mặt nước, đỉnh núi cao 1,000 bộ. Là 300 thước. Chúng tôi không dám liều lĩnh thêm vì ngại đụng vào núi trong đêm tối, nhưng tôi có thể nhìn thấy chiếc oanh tạc cơ sáng bạc rơi xuống khá rõ ràng. Một cột nước trắng xoá nổi bật trên mặt biển, cách bờ phía Bắc Oshima vài dặm. Không đầy một phút, chiếc B29 chìm xuống và biến mất.

Trở về phi trường, chúng tôi đối diện với cơn thịnh nộ của vị chỉ huy trưởng, ông quát tháo mắng thét: “Các anh là thứ vô kỷ luật, tôi không cho phép bất kỳ phi vụ nào, nếu các anh bất tuân tôi cho Hiến binh tống giam các anh.” nhưng sau đó ông đã dằn xuống. “Tôi không trách các anh được,” ông nói, “nhưng chúng ta không thể để cho những gì xảy ra đêm nay tái diễn nữa. Từ bây giờ về sau, tất cả phi cơ đều phải ở trên mặt đất.”

Ông cho chúng tôi biết ở phi trường Atsugi đang xảy ra những vụ bạo động dữ dội, gần như là một cuộc nổi loạn. Ðó là căn cứ của Phi đoàn Cường kích Raiden, đơn vị của Trung úy Akamatsu. Nhóm phi công ở đây không chấp nhận ý định đầu hàng, và họ muốn đưa tất cả phi cơ của họ lên không. Họ mất trí, bất chấp các sĩ quan, nhứt quyết không đầu hàng và sẽ tử chiến cho đến hơi thở cuối cùng. Lực lượng tăng viện được đưa đến để dập tắt cuộc nổi loạn, và trật tự chỉ được vãn hồi sau khi cuộc đầu hàng được công bố nhiều ngày. Vị chỉ huy của chúng tôi gằn từng tiếng: “Tôi nhắc lại, mạng lịnh của Thiên hoàng là tối thượng.” Chúng tôi chập gót giày, chào và bước ra. Trên sân những chiến đấu cơ của chúng tôi đậu san sát nhưng đã trở nên vật vô dụng.

Xem thêm:   Truyện tranh Hoa Kỳ về Chiến tranh Việt Nam

Sự triệt hạ oanh tạc cơ địch đêm đó được giữ bí mật nhiều năm, và không có hồ sơ nào ghi lại chuyến bay đêm ấy của chúng tôi. Và dĩ nhiên, không có phi công nào tự nhận đã hạ chiếc B29. Ðây là tiết lộ đầu tiên của tôi liên quan đến trận không chiến cuối cùng này. Chúng tôi không mảy may cảm thấy vui mừng lúc hạ được chiếc máy bay ghê gớm đó. Lúc ấy không có việc gì đáng lưu tâm ngoại trừ việc chúng tôi sắp sửa giao nộp xứ sở, dân chúng của chúng tôi cho kẻ thù.

Trong câu lạc bộ nhiều phi công say khướt la hét ồn ào trong tuyệt vọng. Tôi nằm vật ra trên một mặt bàn ăn tìm giấc ngủ sau một đêm thức trắng. Tôi trôi vào vô thức của mộng mị xáo động.

Hai hôm sau tất cả binh sĩ đã lộ vẻ sửng sốt, nếu không nói là bàng hoàng khi buổi bình minh lịch sử của ngày 15 tháng Tám năm 1945 ập đến. Chiến tranh đã kết thúc. Trong mọi văn phòng, các sĩ quan cao cấp thiêu hủy hồ sơ và tài liệu. Binh sĩ đi vòng quanh, thẫn thờ ngồi trên nền nhà hoặc ngồi bệt trên mặt đất phía bên ngoài, ngây dại.

Ðúng trưa hôm đó, chúng tôi nghe Thiên hoàng đích thân ban lịnh đầu hàng xuống các lực lượng võ trang Nhựt Bản. Hai ngàn quân nhân các cấp ở căn cứ Oppama đứng nghiêm chỉnh trên phi đạo lắng nghe chiếu chỉ. Hầu hết chúng tôi chưa bao giờ được nghe tiếng nói của Thiên hoàng. Nhiều người đã òa khóc. Những người khác ràn rụa, nước mắt lăn dài trên gò má.

Bỗng nhiên tôi nhớ tới Hatsuyo! Nàng sẽ nghĩ gì? Nếu nàng nghe được tiếng nói đang truyền thanh của Thiên hoàng, nàng sẽ nghĩ rằng tôi đã chết và…

Tôi không nghe thêm nữa. Tôi hốt hoảng chạy khỏi chỗ đứng. Không có một chiếc xe hơi nào. Tôi cuống cuồng chạy ra khỏi căn cứ. Ðường phố xác xơ, những truyền đơn in Tuyên ngôn Potsdam và lời kêu gọi bình tĩnh giữ kỷ luật bay vương vãi qua những mặt tiền nhà cũ kỹ. Nhiều người chạy thất thần, kêu gào và hoảng loạn, nhiều người quỳ gối vái lạy giữa lòng đường, mặt hướng về biệt phủ của Thiên hoàng tự tát vào mặt và tự đấm vào ngực. Nhiều phụ nữ và trẻ nít khóc nức nở, cả những hiến binh giữ an ninh cũng quỳ gập và gục xuống. Tôi đi ngược chiều với một tốp lính la ó bất mãn, nhiều kẻ đòi đảo chánh, tin rằng Thiên hoàng bị ép buộc đầu hàng. Tôi tránh đám đông, cố đi thực nhanh ra ngã tư, vẫn không có một chiếc xe hơi nào. Khu phố hỗn độn. Tôi ân hận đã đi mua lưỡi dao cho vợ tôi, lúc này nàng đang làm gì? Tại sao tôi lại mài dao cho Hatsuyo? Tôi hối hận đã làm một việc thiếu suy nghĩ. Hatsuyo không thể chết, nàng phải sống. Nàng là tình yêu của tôi, đời sống của tôi. Cạnh cột đèn ai đó vất một chiếc xe đạp. Tôi chụp ngay lấy và đạp như giông như gió về ngôi nhà nhỏ bé của mình. Tôi đạp hết sức lực, vừa đạp vừa gọi tên Hatsuyo. Mỗi vòng bánh xe ngập tràn lo lắng.

Sau nhiều ngôi phố quanh co, tôi về đến nơi.

Tôi nhảy bổ khỏi xe đạp ngay trước khi bánh xe ngừng lại. Tôi bật tung cửa la gọi Hatsuyo. Nàng chạy ra khỏi phòng và nhào vô đôi tay tôi. Chúng tôi ghì chặt nhau trong nhiều phút, không thể thốt nên lời.

Hai vai Hatsuyo run run. Tôi nghe được tiếng nấc nghẹn ngào của nàng. Cuối cùng, nàng ngước đầu lên. “Có phải đúng là anh không, Saburo?” Nàng thì thầm. Tôi gật đầu.

“Saburo!,” nàng kêu lên. “Khi em nghe tin, em đã khóc như một đứa trẻ. Có thật chấm dứt rồi không? Ðánh nhau… những trận bom, tất cả không còn nữa?”

Tôi gật đầu nhè nhẹ.

“Em không biết gì đã xảy ra, Saburo. Em không cần biết! Tất cả không quan trọng nữa, cho dù Nhựt Bản đã bại trận, anh đã thắng tất cả các trận đánh của anh”.

Một ánh sáng bừng lên trong đôi mắt của nàng khi nàng nhìn tôi. “Anh, anh sẽ không bao giờ còn phải chiến đấu nữa!” nàng thì thào. “Hiện thời hiểm nguy đã vượt qua hết rồi. Không bao giờ, không bao giờ nữa!”

Bỗng nhiên nàng lùi lại và rút con dao găm dưới dây lưng.

“Em không còn cần tới thứ này!” Nàng vừa kêu lên vừa liệng con dao xuống nền nhà.

Con dao găm lăn long lóc ngang qua nền phòng và ngừng lại trong một góc.

Hết

Tuần sau

Lời bạt của Martin Caidin

Saburo Sakai, Đông Kinh 1956

Bản Anh ngữ của Martin Caidin, New York 1956,

Bản dịch Nguyễn Nhược Nghiễm, Sàigòn 1972

Trần Vũ hiệu đính theo bản Pháp văn của Robert de Marolles,

Nxb Presses de la Cité, 1957

Minh họa War Thunder và minh tinh Haruka Ayase