Ngày 31 tháng 5-1933, vào lứa tuổi 16, Sakai gia nhập Hải quân Đế quốc Nhật Bản với cấp bậc Thủy binh hạng IV và đóng tại căn cứ hải quân Sasebo. Rời trường hải quân, Sakai thăng Thủy binh hạng III, làm thủy thủ tập sự trên thiết giáp hạm Kirishima. Năm 1935, Sakai đậu kỳ thi tuyển vô trường huấn luyện Xạ thủ Hải quân. Sáu tháng sau, Sakai lên cấp Thủy binh hạng II và được chỉ định phụ trách một trong những pháo tháp 356 ly trên thiết giáp hạm Haruna. Nhiều tháng sau, Sakai lên bậc Thủy binh hạng I rồi trở thành Hạ sĩ quan với cấp bậc Binh tào hạng III, tương đương Hạ sĩ.

Đầu năm 1937, Sakai nộp đơn dự thi vào trường phi hành Tsuchiura, cách Đông Kinh 50 dặm. Sakai nằm trong số 70 khóa sinh được nhận trên tổng số 1,500 người dự thi. Trước khi giai đoạn huấn luyện hoàn tất, 45 trong số 70 khóa sinh bị loại khỏi trường và Sakai nằm trong số vỏn vẹn 25 người tốt nghiệp khóa này vào cuối năm 1937. Sakai ra trường với cấp bậc Binh tào hạng II, tương đương Trung sĩ và được chọn làm khóa sinh ưu tú nhất trong năm với tặng phẩm của Thiên hoàng là một chiếc đồng hồ bằng bạc.

Sakai lên Thượng sĩ rồi Chuẩn úy rồi Thiếu úy trong ba năm chiến tranh và đến tháng 6 năm 1945 thăng Kaigun Chui, là Hải quân Trung úy Thực thụ sau 12 năm quân ngũ. Hơn một đặc cách, một trường hợp duy nhất trong Hải quân Nhật.  [Trần Vũ]

Nguyễn Nhược Nghiễm dịch thuật

Nhiều kỳ – Kỳ 35

Chương 31

Vào tháng Ba năm 1945, lần đầu tiên và cũng là lần duy nhứt trong lịch sử của hải quân Nhựt, hai phi công được tuyên dương công trạng đặc biệt. Bộ Tổng Tham Mưu Hoàng Gia đưa ra hành động này có lẽ là do ảnh hưởng từ tình hình quân sự bi đát. Tuyên dương công trạng cho tôi và Trung sĩ Shoichi Sugita, cả hai đều thuộc Không đoàn Matsuyama, với ý định thúc đẩy tinh thần đang suy nhược của đa số phi công lúc bấy giờ.

Sugita, hai mươi bốn tuổi, phi công sáng chói. Hầu hết các hoạt động chiến đấu của hắn đều ở Truk và Phi Luật Tân, Sugita đã hạ tất cả 120 phi cơ địch.

Tuy nhiên, con số đó có tánh cách phỏng định. Riêng tôi, tôi tin rằng tổng số phi cơ mà Sugita đã bắn hạ khoảng 80 chiếc. Sugita công nhận có nhiều chiến thắng đáng ngờ vực và không được xác định, bởi lẽ có những hoàn cảnh khó thể đưa ra kiểm chứng đúng mức. Hầu hết các cuộc không chiến xảy ra gần đây, Sugita đều không có thời giờ để nhìn một chiếc phi cơ bốc cháy, tan vỡ hoặc phi công có nhảy dù ra ngoài hay không. Thật sự, chiến đấu cơ của chúng tôi không được trang bị máy chụp hình nên khó thể lấy đó làm căn cứ để xác nhận mục tiêu bị hủy diệt.

Khi một quốc gia đang thắng thế, mọi chiến công đều được rà soát lại một cách cẩn thận, như chúng tôi đã từng làm trong các cuộc không chiến dễ dàng của chúng tôi ở Moresby. Khi ấy máy bay Mỹ chưa đông như kiến giúp chúng tôi đủ thời giờ quan sát kỹ lưỡng nhưng khi tình hình trở nên tồi tệ, qua một loạt chiến trận trong thế thủ chống lại một đối phương vượt trội, sự chính xác không còn kịp lưu ý nữa. Tuy nhiên, không ai hồ nghi tài ba trên không của Sugita. Sau khi quan sát lúc Sugita chiến đấu, tôi cảm thấy hắn không thua gì Nishizawa.

Sugita đã chứng tỏ tài ba siêu việt của hắn vào ngày 19 tháng Ba khi Không đoàn Matsuyama nghênh chiến những phi cơ Mỹ xuất phát từ các hàng không mẫu hạm tấn công vào căn cứ hải quân Kure. Trước đó đất Nhựt đã nhiều lần bị oanh tạc mà không có một phản ứng nào từ không đoàn chúng tôi, do thiếu máy bay. Ngày hôm đó diễn ra khác hẳn. Các hiệu thính viên Nhựt bắt được điện đàm của các phi công Mỹ tiến đến từ hướng Nam. Các hoa tiêu đối phương sắp xếp kế hoạch không ngụy thoại như thể họ đang cách xa chúng tôi nhiều ngàn cây số.

Xem thêm:   2 người thợ săn

Tất cả các chiến đấu cơ khả dụng – trên bốn chục chiếc – cất cánh lập tức. Mặc dù rất muốn tham gia, tôi được chỉ định hướng dẫn 4 phi đội đến mục tiêu từ đài kiểm soát của căn cứ, theo đội hình đánh chặn ở bốn cao độ khác nhau. Ðối với các chiếc Shiden Tử Ðiện, là lần so gươm thật thụ đầu tiên. Ðiểm khác biệt với chiếc Zéro, là các chiếc Shiden có trang bị vô tuyến cho các phi đội trưởng điều hợp và liên lạc với căn cứ. Bấy giờ các chiếc Shiden đã tập hợp xong và dàn thành hình bốn chiếc dĩa rộng bay trên cao độ cao hơn đối phương. Ðội hình vòng cung khép này giảm thiểu khả năng bị tấn công bất ngờ. Hai phi đội hàng dọc và hai phi đội hàng ngang như một chữ thập làm bằng bốn vòng tròn cùng bao che cho nhau. Sáu mươi phi công khác, trong đó có tôi, đành ở dưới mặt đất vì thiếu máy bay. Tôi nhìn thấy toàn cảnh qua ống nhòm.

Trận chiến diễn ra ngay khi các toán Hellcat lao vào tầm bắn. Từ lợi thế cao hơn 500 thước, hai phi đội Shiden bổ nhào xuống lũ “mèo hỏa ngục”. Sugita thả rơi hắn như một viên gạch, rớt thẳng xuống rồi dựng ngược lên dưới bụng một chiếc Grumman. Bốn họng đại bác của hắn nhả một tràng ngắn. Ðối thủ của hắn rớt tức thì, đầu máy túa lửa. Sugita vung sang bên và nện từ phía sau chiếc Hellcat thứ hai, bốn họng súng của hắn đỏ rực, chiếc Grumman F6F lăn lộn bốc khói dữ dội trước khi đâm nhào xuống biển. Chiếc Hellcat thứ ba lao lến Sugita, hắn dựng đứng mũi chiếc Shiden 90 độ, lật ngược một bên cánh đảo vòng thật nhanh và trong nháy mắt đã ở sau lưng kẻ địch. Lần này hắn nện trúng phòng lái và chỗ chứa xăng bằng bốn quả đạn, chiếc Grumman vỡ tung.

Mọi người trên mặt đất đã la hét vang dội khi nhìn Sugita hạ hết chiếc Hellcat này đến chiếc Hellcat khác. Lúc ấy tôi đứng trên đài kiểm soát không lưu để theo dõi trận không chiến ngoạn mục này. Ðó là lần đầu tiên chiến đấu cơ mới toanh Shiden xuất trận. Hiển nhiên loại phi cơ này trên chân Hellcat về tốc độ vượt lên, cũng như về hoả lực. Với 4 đại bác 20 ly tự động, nạp 200 viên mỗi khẩu, chiếc Shiden thực sự là thần chết.

Một giờ sau Sugita đáp xuống. Hắn không ngớt lời ca ngợi chiếc phi cơ của hắn. Hắn ghi thêm bốn điểm được chứng nhận bởi các phi công khác và có lẽ thêm ba điểm nữa, nhưng không được xác nhận. Sugita cho biết chỉ vì hết đạn nên phải quay về.

Cả ngày hôm đó chỉ có Không đoàn Matsuyama nhóm lên được một tia lửa hy vọng. Khắp nơi trên lãnh thổ Nhựt Bản, các phi công của chúng tôi không đạt được một chiến thắng nào. Thật vậy, các chiếc Hellcat đã dập tắt tất cả những nơi chống đối khác, và chiến thắng của chúng tôi có vẻ như là sự thiệt hại duy nhứt của đối phương. Sau này chúng tôi đọc được các báo cáo không chiến của người Mỹ, trong đó cho thấy họ đã tỏ ra kinh ngạc về khả năng cao độ của chiến đấu cơ Shiden. Phi công Hoa Kỳ đã xao xuyến trước khả năng chịu đựng đạn đại liên của loại chiến đấu cơ mới này.

Tuy nhiên, trong vòng một tháng, thảm hoạ giáng xuống không đoàn của chúng tôi. Phi công vĩ đại nhứt vẫn còn sống sót ở Nhựt Bản, Soichi Sugita, bị thiệt mạng. Không đoàn Matsuyama được chuyển đến Kanoya, ở miền Nam Kyushu là đảo Cửu Châu, để chống lại phi công Hoa Kỳ đang không yểm cho cuộc đổ bộ lên Okinawa.

Xem thêm:   Trên lưng trời

Vào ngày 7 tháng Tư, không có dấu hiệu nào báo trước, một khối lượng máy bay đông đảo của địch ào xuống phi trường của chúng tôi. Tôi chỉ kịp liếc thấy phi cơ địch ở cao độ 12,000 bộ là khoảng 3,700 thước khi chúng gầm thét bổ nhào xuống. Chúng tôi bị chôn chân trên mặt đất. Nhóm phi cơ địch chắc chắn xuất phát từ các hàng không mẫu hạm hoạt động ở trong hải phận Okinawa. Chúng tôi không có radar ở Kanoya, và khi còi báo động hụ thì chiến đấu cơ địch đã xuống tới nơi rồi. Sự yếu kém chết tiệt trong việc sản xuất radar hiệu quả đã làm chúng tôi bị bất ngờ.

Trên phi trường, lá cờ chỉ huy mặt trời mọc phất lên với tiêu lệnh chiến đấu: “Ði và Ðánh!”. Cùng với nhiều phi công, chúng tôi chạy ra phi cơ của mình. Nhưng Ðại tá Genda thét chúng tôi dừng lại và bắt chạy vô các hầm trú ẩn. Hiển nhiên là đã quá muộn, không thể nào cất cánh được nữa.

Nhưng Sugita, Shoji Matsumara và một phi công khác nữa không nghe tiếng Genda. Cả ba người này đã nhìn thấy phi cơ Mỹ trước khi có còi hụ báo động nên đã chạy ra phi cơ của họ rồi. Ngay lúc các chiếc Corsair F4U và Hellcat F6F sà thấp trên phi trường, Sugita và phi công bên cánh của hắn, với Matsumara phía sau, đang chạy đến vị trí cất cánh. Hai chiến đấu cơ địch chúi xuống từ bên phải và từ phía sau.

Viên phi công bên cánh của Sugita cất cánh đầu tiên. Khi các bánh xe của chiếc Shiden vừa rời khỏi mặt đất, một chiếc Corsair thổi ngay một loạt đạn. Dưới hoả lực của sáu khẩu đại liên, chiếc Shiden lảo đảo dữ dội, lộn nhào liên hồi, và đâm đầu xuống đất với một tiếng nổ khủng khiếp.

Mấy phút sau, một phi công địch khác lướt xuống với các họng súng tóe lửa. Tôi khủng khiếp nhìn những viên đạn tung bụi dọc phi đạo và rót vô chiếc chiến đấu cơ còn đang di chuyển của Sugita. Sugita không thể nào tránh né nổi vì phi cơ của hắn vẫn còn lăn trên mặt đất.

Ðạn trúng vào các bình chứa xăng của chiếc Shiden khiến nó phát nổ và biến thành một trái cầu lửa. Lửa và khói cuồn cuộn tuôn về phía sau chiếc phi cơ vẫn còn đang chạy trên phi đạo. Lửa kéo dài như một vệt thảm. Không có chuyển động nào bên trong phòng lái. Lửa cháy bùng phủ kín chiếc Shiden. Tôi không thể tin vào mắt của mình. Viên phi công vĩ đại nhứt của Nhựt Bản đã chết trước mắt tôi.

Sự hủy diệt chiếc phi cơ của Sugita đã cứu mạng sống của Matsumara. Những cuộn khói dày đặc của chiếc phi cơ bốc cháy đã che khuất phi cơ của Matsumara, khiến chiến đấu cơ địch không nhìn thấy.

(Sau chiến tranh Shoji Matsumara sẽ là phi công phản lực cơ Lưỡi Gươm F86 Sabre trong Tân Không lực Nhựt Bản. Hắn chấm dứt các phi vụ thời chiến với việc bắn hạ 6 chiếc Hellcat và Corsair trong những ngày tham chiến cuối cùng.)

Ðây là những ngày khủng khiếp. Các phi công đại tài nhứt của Nhựt Bản lần lượt ra đi dưới hoả lực của đối phương. Hai tháng sau cái chết của Sugita, đến phiên Kaneyoshi Muto, người đã chiến đấu cùng với tôi ở Iwo Jima khi cả hai chúng tôi cùng bay chung phi trình quyết tử đầu tiên của Hải quân Hoàng gia. Chúng tôi đã trở về lần ấy, nhưng lần này, Muto đã thiệt mạng sau khi ghi 35 điểm chiến thắng. Tiếng tăm của Muto vang lừng từ sau khi hắn hạ 4 Siêu pháo đài bay B29. Muto trở nên sáng chói vào đầu mùa Xuân 1945, khi hắn trực thuộc Không đoàn Yokosuka. Ngày 26 tháng Hai, trong phòng lái một chiếc Zéro đã lỗi thời, hắn tấn công 12 chiếc F4U Corsair đang không kích Ðông Kinh. Tấn công liên tiếp, lao vào sát gần đến gần chạm cánh, Muto vượt thoát tất cả những chiếc bẫy và bắn hạ 4 chiếc Corsair. Bốn tháng sau hắn tử trận. Là vào tháng Sáu 1945, thuyên chuyển đến Okinawa đang là thùng thuốc súng, và vẫn trên chiếc Zéro đã lạc hậu. Các đồng ngũ nhìn thấy hắn lần cuối cùng khi hắn tấn công một oanh tạc cơ B24 Liberator. Theo báo cáo của họ, Muto bắn nát chiếc B24 ở cự ly gần nhưng hắn không nhìn thấy một chiếc P51 Mustang là khu trục cơ tối tân nhất của Hoa Kỳ trong thế chiến đang lao đến nhanh như chớp từ phía bên trên hắn, và tưới sáu tràng đạn dài của sáu họng đại liên 12 ly 7. Cánh máy bay của Muto đứt rời khỏi thân.

Xem thêm:   Truyện tranh Hoa Kỳ về Chiến tranh Việt Nam

Chúng tôi chưa kịp vực dậy từ sự xúc động dữ dội trước cái chết của Sugita và Muto, thì xảy ra liên tiếp những cái chết của những “Sát tinh” vĩ đại khác của chúng tôi, những cái chết khiến tất cả các phi công Nhựt sững sờ. Ðại úy Naoshi Kanno, thuộc Không đoàn Kanoya, đối diện định mạng gần Yakushima trong một chiếc Shiden cuộn tròn lửa. Kanno nổi danh nhờ vào các thành quả chưa từng thấy trong việc chống lại loại oanh tạc cơ B17 ở Nam Thái Bình Dương, với ít nhất 12 chiếc loại này bị bắn hạ trong tổng số 52 chiến thắng được xác nhận của ông. Kanno là phi công đầu tiên tấn công trực diện bằng cách vừa lăn tròn vừa chúi xuống các pháo đài bay và khai hỏa khi gần sát. Sau đó không lực Ðức mới khám phá lối tấn công này của Kanno và mang ra áp dụng.

Do đó, hiện thời bảng danh sách bao gồm các tên: Sasai, Ota, Honda, Nishizawa và những người khác được ghi thêm những tên tuổi lớn, Kanno, Muto và Sugita.

Bấy giờ tôi không được phép thực hiện các phi vụ chiến đấu trong thời gian ở Matsuyama, vì là một “Ace” còn sống sót dẫn đầu bảng tất cả các phi công khác. Những lời thỉnh cầu được lâm chiến với chiến đấu cơ Shiden của tôi luôn luôn bị Ðại tá Minoru Genda từ chối để rồi, cuối cùng ông ra lịnh cho tôi và Hatsuyo trở về Yokosuka. Vào cuối tháng Tư, với sự chán nản vì mạng lịnh đặt tôi ra ngoài không trung, tôi trở về căn cứ mà tôi đã từng phục vụ trước đây.

Hatsuyo rạng rỡ khi tôi báo tin. Ánh mắt nàng hoan hỉ niềm vui khi nàng nhẩm tính: “Ðường về mất hai ngày, thêm một ngày anh đáo nhậm nhiệm sở và cấp trên sắp xếp công tác, là em có được thêm đôi ngày bên cạnh anh, Saburo. Ở đây em thấp thỏm mỗi sáng, trông tin chiến trận và mong anh về. Em không ngăn anh bảo vệ quê hương ngay cả khi em biết anh sẽ phải hy sinh tuy em đã chuẩn bị và biết phải làm gì… Nhưng về Yokosuka là về gần thủ đô và em có thêm đôi ngày cạnh anh không âu lo, Saburo. Em mừng lắm.”

Tôi nhìn Hatsuyo chan chứa, nàng chưa biết thủ đô cũng đã là tuyến đầu và không có gì ngăn chặn các pháo đài bay B29 tiếp tục lướt đến. Toàn nước Nhựt sắp bốc cháy. Chỉ còn là thời gian của vài ngày. Chúng tôi bất lực phòng thủ các đô thị của mình, một cuộc đổ bộ lên Ðông Kinh sẽ xảy ra như đang diễn ra ở Okinawa ngay lúc này. Nhưng Hatsuyo có lý, một đôi ngày cũng đủ cho một may mắn.

Tuần sau: Chương XXXII

Dưới Đáy Tuyệt Vọng

Saburo Sakai, Đông Kinh 1956

Bản Anh ngữ của Martin Caidin, New York 1956,

Bản dịch Nguyễn Nhược Nghiễm, Sàigòn 1972

Trần Vũ hiệu đính theo bản Pháp văn của Robert de Marolles,

Nxb Presses de la Cité, 1957

Minh họa War Thunder và minh tinh Haruka Ayase