Trường Sĩ quan SS-Junkerschule Bad Tolz của binh chủng Waffen-SS từng lừng danh với các khóa huấn luyện sắt đá: Khóa sinh có 15 phút để đào hố cá nhân, sau đó chiến xa Panzer sẽ càn lên vị trí. Trường Nhảy dù Fallschirmjager của Không quân Đức không kém gai góc: Mỗi tiểu đội khóa sinh phải rút chốt lựu đạn vừa đếm vừa chuyền tay cho đến khóa sinh thứ 10 thì cài chốt trở lại, với ý thức giây thứ 12 sẽ nổ. Có nghĩa không được làm rớt, cử động phải chính xác và nhanh chóng. Là những phương cách tạo đoàn kết đồng đội và trau dồi sự điềm tĩnh trước nguy hiểm. Trường Phi hành Tsuchiura của Sakai khác hẳn, mục đích huấn nhục là để tạo sự hung tợn ở quân nhân và thanh lọc các phần tử thiếu đảm lược. Ưu điểm của hồi ký Sakai là cho người đọc nhìn thấy bên trong các quân trường Nhật. Sakai không phủ nhận những phương pháp kỳ lạ như định vị sao Hôm hay chụp bắt ruồi giúp anh trở nên ưu tú. US Air Force và US Navy công nhận các phi công Nhật thiện nghệ hơn phi công Hoa Kỳ vào đầu cuộc chiến, cho đến khi Hoa Kỳ sản xuất thành công Radar thì đôi mắt thần ấy sẽ nghiền nát thế hệ của Sakai. Đặc điểm khác, hoa tiêu khu trục Nhật Bản không nhất thiết là sĩ quan như trong các Không lực Anh, Pháp, Mỹ hoặc VNCH. Sakai tốt nghiệp với cấp bậc Nitoheiso, tương đương Trung sĩ.

[Trần Vũ]

Nguyễn Nhược Nghiễm dịch thuật

Nhiều kỳ – Kỳ 3

Chương 3

Quân lực Ðế quốc Nhật Bản chia ra làm hai binh chủng, Lục Quân và Hải Quân. Mỗi bộ tư lệnh đều có Không Lực riêng trong tay. Một Không Lực độc lập, không phụ thuộc Lục Quân hay Hải Quân không hề được nghĩ đến trước đó hoặc ngay cả trong Ðệ Nhị Thế Chiến. Nhật Bản cũng không có binh chủng Thủy Quân Lục Chiến tự trị như Hoa Kỳ hoặc các cường quốc khác, tức binh chủng Thủy Binh được huấn luyện cho các cuộc hành quân vừa trên bộ vừa dưới nước.

Vào giữa năm 1935, tất cả các phi công thuộc Hải Quân được huấn luyện tại trường hoa tiêu phi hành ở Tsuchiura, cách Ðông Bắc Ðông Kinh 50 dặm. Mỗi khóa học có 3 lớp, một lớp dành riêng cho các thiếu úy xuất thân từ Hàn Lâm Viện Hải Quân ở Eta Jima, miền Tây Nhật Bản, một lớp dành cho các sĩ quan đang phục vụ, và lớp cuối cùng dành cho các thanh niên dưới 20 tuổi muốn khởi nghiệp Hải Quân của họ trong tư cách khóa sinh phi công.

Sau khi Nhật Bản khai chiến toàn diện với Hoa Kỳ, Hải Quân phát triển mạnh mẽ các căn cứ huấn luyện phi công, trong nỗ lực tuyệt vọng đào tạo hàng loạt phi công chiến đấu. Tuy nhiên, vào năm 1937, quan niệm huấn luyện phi hành ồ ạt này không hề được đặt ra. Phi công huấn luyện gồm toàn những người được chọn lọc kỹ càng, chỉ các ứng viên xuất sắc trên toàn quốc mới hy vọng được thâu nhận. Năm 1937, năm tôi theo học, chỉ có 70 người được chọn theo học lớp phi công trong tổng số 1,500 người dự thi. Khi tôi biết có tên mình trong danh sách 70 người được thâu nhận, nỗi vui mừng của tôi không thể nào tả xiết. Việc này có nghĩa là tất cả những tủi hổ trên đường học vấn ở Ðông Kinh của tôi được quét sạch, danh dự và kỳ vọng của gia đình đặt nơi tôi, được bảo toàn.

Kỳ nghỉ phép đầu tiên, tôi trở lại nhà của người chú ở Ðông Kinh với tất cả niềm vui sướng. Tôi không còn là một thiếu niên cứng đầu và bực tức, đối diện với vấn đề học vấn một cách đầy sợ sệt. Tôi đã trở thành một chàng thanh niên hai mươi tuổi, đầy kiêu hãnh, bảnh bao trong bộ đồng phục phi công hải quân mới toanh, với 7 chiếc nút đồng sáng chói, và mong muốn, mong muốn nhứt, nhận lãnh những lời khen ngợi của gia đình chú tôi.

Xem thêm:   Trên lưng trời

Ánh mắt của cô em họ Hatsuyo hướng về tôi đăm đăm. Cô học trò bé bỏng ngày nào đã biến mất, nhường lại cho sự chững chạc, hấp dẫn của một nữ sinh trung học 15 tuổi. Cô em họ gây cho tôi ấn tượng mạnh. Hatsuyo đã đón tiếp tôi thân mật và nồng nhiệt hơn. Tôi nói chuyện rất lâu với người chú. Ông tỏ vẻ hài lòng, tất cả niềm kiêu hãnh đã trở lại trong ông. Quá khứ thất bại của tôi không còn vướng vấp chút nào. Chuyến viếng thăm này khiến tôi không quên được trong nhiều năm. Sau bữa ăn tối, chúng tôi ngồi trong phòng khách và nghe Hatsuyo dạo dương cầm. Nàng mới bắt đầu học trong vòng 3 năm trở lại. Nhưng tôi không phải là nhà phê bình âm nhạc, vì vậy tiếng đàn của nàng đối với tôi rất tuyệt diệu. Hatsuyo xinh tươi, thoải mái và thân ái, tất cả đã xóa sạch những ngày huấn luyện đầy gian khổ nhọc nhằn. Tuy nhiên, cuộc viếng thăm ngắn ngủi, và tôi sớm trở lại quân trường.

Căn cứ huấn luyện Tsuchiura tọa lạc bên cạnh một cái hồ rộng lớn, và tiếp cận một sân bay có 2 phi đạo, 3,000 mét và 2,500 mét. Nhiều nhà chứa phi cơ khổng lồ có thể chứa hàng mấy trăm phi cơ cùng lúc, và căn cứ luôn luôn hoạt động rộn rịp. Mỗi chương trình huấn luyện mới của Hải Quân là mỗi kinh ngạc đối với tôi. Những thứ kỷ luật mà tôi đã từng trải qua so với quân trường mới đến này không thấm vào đâu. Kỷ luật ở căn cứ Hải quân Sasebo nhiều khi còn dễ chịu hơn ở Tsuchiura. Ngay cả thứ kỷ luật sắt đá ở trường huấn luyện pháo thủ hải quân cũng ấu trĩ đối với trường phi công.

“Một phi công khu trục phải hung tợn và cố chấp, trong mọi tình huống!” Là câu đầu tiên huấn luyện viên môn đấu vật nói với chúng tôi. “Ở đây, Tsuchiura, chúng tôi sẽ dạy cho các anh hai đặc tính này. Nếu không thâu nhận được, các anh sẽ không bao giờ trở thành một phi công giỏi.” Không để mất thì giờ và nhằm chứng tỏ cho chúng tôi thấy sự hùng hổ ấy cần thiết ra sao, hắn ta bất chợt chỉ ngay hai khóa sinh và ra lệnh cho họ vật nhau. Kẻ chiến thắng sẽ được phép rời khỏi đấu trường, kẻ thua cuộc chuẩn bị đấu với một khóa sinh khác. Thua cuộc chừng nào hắn ta phải đấu nhiều chừng nấy, hắn có thể lần lượt đấu với cả 69 khóa sinh. Và nếu thua hết, ngày mai hắn lại phải tiếp tục đấu nữa. Cái ngày mai đó, hoặc là hắn chiến thắng một người hoặc là hắn ôm gói ra khỏi khóa học.

Ðối với những khóa sinh nào không muốn bị đuổi ra khỏi khóa phi công, các màn đô vật sẽ trở thành những màn tranh đua dữ dội nhất của họ. Thường thường hễ khóa sinh nào bị đánh gục đều bất tỉnh. Nhưng bất tỉnh không phải hy vọng được miễn trừ. Một thùng nước lạnh hoặc nhiều cách khác để làm hắn tỉnh lại, và cuộc đấu lại tiếp diễn.
Sau một tháng huấn luyện căn bản trên mặt đất, chúng tôi bắt đầu những bài học phi hành vỡ lòng. Những bài học này dạy vào buổi sáng, các môn khác dồn cho buổi chiều. Sau bữa ăn chiều, chúng tôi học thêm 2 giờ nữa.
Nhiều tháng trôi qua, con số khóa sinh sút giảm hẳn. Khóa huấn luyện đòi hỏi khóa sinh phải hoàn hảo mọi mặt, và khóa sinh không thể nào tránh khỏi lỗi lầm nhẹ nhàng nhứt. Vì các phi công hải quân được xem là thành phần ưu tú nhứt của binh chủng hải quân, của ngay cả các lực lượng võ trang Nhật Bản, thì không có chỗ nào gọi là chỗ sai lầm dành cho họ. Trước khi giai đoạn huấn luyện 10 tháng hoàn tất, 45 trong số 70 khóa sinh bị loại khỏi trường. Thẩm quyền áp dụng kỷ luật thể xác dữ dội không đáng sợ bằng thẩm quyền loại bỏ khóa sinh, với bất kỳ lý do nào của các huấn luyện viên.

Xem thêm:   2 người thợ săn

Ngay trong ngày mãn khóa, một trong những khóa sinh còn lại, bị sa thải. Một nhóm tuần tiễu nhìn thấy hắn bước vô một quán rượu bị cấm ở Tsuchiura để ăn mừng “ngày thành tài” của hắn. Khi trở về trường, hắn được lịnh trình diện hội đồng kỷ luật, và biện hộ bằng cách quỳ gối trước mặt các sĩ quan cán bộ. Nhưng lời biện hộ của hắn như đàn gảy tai trâu.

Hội đồng kỷ luật tìm thấy hắn phạm 2 tội không thể tha thứ được. Tội đầu tiên, mọi phi công đều biết: một phi công chiến đấu không bao giờ, vì bất kỳ lý do nào, uống rượu đến say khướt trong đêm trước khi bay. Ngày hôm sau chúng tôi sẽ có một chuyến bay theo đội hình, chuyến bay này được xem như một phần thực tập tốt nghiệp mà chúng tôi đã trải qua. Tội thứ hai, thường tình hơn nhưng nghiêm trọng không kém, không một binh sĩ hải quân nào làm giảm giá trị binh chủng của mình bằng cách bước vô một nơi có để bảng “cấm”.

Sự huấn nhục ở Tsuchiura có thể là đáng sợ nhứt so với các trường khác ở Nhật Bản. Một trong những môn huấn nhục hóc búa hơn hết: leo cột sắt. Cột này rất cao, chúng tôi phải leo lên tận ngọn và chỉ được nắm lơ lửng một tay. Khóa sinh nào bám không tới 10 phút mà để rơi xuống sẽ nhận ngay một cái đá chớp nhoáng và bị bắt leo trở lên. Cuối môn huấn luyện này, khóa sinh nào muốn khỏi bị loại trừ thì ít ra cũng phải bám lâu đến 15 hoặc 20 phút.

Tất cả các quân nhân trong binh chủng Hải quân Hoàng gia đều phải biết lội. Có nhiều khóa sinh người miền núi nên không biết lội như thế nào. Phương pháp huấn luyện rất đơn giản. Các khóa sinh cột dây quanh lưng rồi bị quăng xuống biển, một là họ lội được hai là họ chìm lỉm. Hiện thời tôi đã 39 tuổi rồi mà vết dây siết chặt vẫn còn để dấu lại trên thân thể tôi. Tôi có thể lội 50 mét trong vòng 34 giây. Ở trường phi công, lội khoảng cách đó dưới 30 giây là chuyện thường. Mỗi khóa sinh buộc phải lặn sâu xuống nước 50 thước và duy trì ít nhất 90 giây. Một người bình thường với tất cả nỗ lực, có thể nín thở được 40 – 50 giây, nhưng thành tích này được xem là trung bình đối với một phi công Nhựt. Riêng tôi có thể nín thở 2 phút 30 giây dưới nước.

Chúng tôi trải qua hàng nhiều trăm buổi tập lộn nhào để làm quen với cảm giác thăng bằng, giúp một phần sau này khi chúng tôi cho các chiến đấu cơ lộn nhào nhiều vòng trong bất kỳ cách thức nào. Có lý do đặc biệt để chúng tôi chú tâm vào các buổi tập này, vì một khi thấy chúng tôi lộn nhào đã thành thuộc, các huấn luyện viên ra lịnh cho chúng tôi leo lên một cái tháp cao và lộn nhào xuống mặt đất cứng. Trong lúc rơi xuống, chúng tôi phải lộn nhào 2 – 3 vòng trong không khí và đáp xuống bằng đôi chân. Ðương nhiên, nhiều lỗi lầm xảy ra với những kết quả thảm khốc. Môn lộn nhào này được xem là một phần huấn luyện thân thể quan trọng, đòi hỏi chúng tôi hoặc là phải thực hành chính xác và đầy đủ những gì mà huấn luyện viên đưa ra hoặc là bị loại khỏi khóa học. Môn đi bằng tay cũng được xem là quan trọng. Thêm vào đó là môn cắm đầu xuống đất và giữ thăng bằng thoạt đầu 5 – 10 phút, và cuối cùng khóa sinh có thể giữ thăng bằng đến 15 phút hoặc hơn nữa. Dần dần, tôi có thể giữ thăng bằng hơn 20 phút, trong thời gian này mấy bạn đồng khóa đốt thuốc cho tôi hút. Ðương nhiên, mấy trò xiệc này không chỉ có tánh cách luyện tập thân thể mà thôi, mà chúng còn giúp cho chúng tôi phát triển một cảm giác thăng bằng cả tinh thần lẫn thể xác đáng kinh ngạc, và có giá trị cứu mạng sống chúng tôi nhiều năm sau này. Mỗi khóa sinh ở Tsuchiura đều phải có thị độ sắc bén, việc này, dĩ nhiên, là một đòi hỏi tối thiểu khi mới bước chân vô quân trường. Lúc nào chúng tôi cũng phải học nhìn, để chỉ với một cái liếc mắt chúng tôi có thể biết các mục tiêu cách bao xa. Tóm lại, chúng tôi phát triển mọi kỹ năng giúp chúng tôi thắng thế phi công đối phương.

Xem thêm:   Con gấu ngựa

Một trong những môn học mà chúng tôi khoái nhứt là tìm tòi các ngôi sao vào ban ngày. Các huấn luyện viên thường nhấn mạnh rằng việc nhận diện một ngôi sao giữa ban ngày còn dễ hơn một chiếc phi cơ ở khoảng cách nhiều trăm thước. Và một phi công khám phá kẻ thù trước tiên rồi chuẩn bị vị thế tấn công thuận lợi, phi công đó có thể đánh “trăm trận trăm thắng”. Sau nhiều lần thực tập, công việc “săn sao” của chúng tôi trở nên thiện nghệ. Chúng tôi có phương pháp nhìn và định vị trí một ngôi sao đặc biệt một cách chính xác và nhanh như chớp. Các phi công chiến đấu Nhật Bản đều làm được. Ðôi khi để tự gây khó khăn hơn, chúng tôi quay đầu 90 độ rồi quay ngược lại và tìm ra tức khắc ngôi sao ban nãy.

Cá nhân tôi đánh giá cao điều học hỏi đặc biệt này, nó có vẻ xuẩn ngốc với những ai không biết đến những chiến pháp trên không, chết hoặc sống chỉ trong nháy mắt. Tôi biết như vậy trong suốt 200 trận không chiến của tôi, ngoại trừ 2 lỗi lầm nhỏ, tôi không bao giờ để vấp vào một cuộc tấn công bất thần bởi các chiến đấu cơ địch, tôi cũng không để mất một đồng đội nào bay bên cánh bao giờ. Những giờ rảnh rỗi trong suốt cuộc huấn luyện ở Tsuchiura, không lúc nào chúng tôi không tìm những phương pháp có thể thu ngắn thời gian phản ứng và cải tiến những cử động chính xác của chúng tôi. Một trong những phương cách ưa thích của chúng tôi là chụp bắt những con ruồi đang bay. Chúng tôi trông có vẻ đần độn trong lúc luyện tập cách này, nhưng chỉ sau vài tháng lũ ruồi bay ngang mặt chúng tôi đều bị túm gọn trong lòng bàn tay. Ðó là cách tự tạo những cử động chính xác không thể không có được trước cơ man những dụng cụ trong buồng lái hẹp của một chiến đấu cơ.

Phản ứng nhanh đã giúp chúng tôi thoát chết một ngày. Một lần bốn khóa sinh chúng tôi phóng xe gần trăm cây số giờ, rồi bất thình lình xe lạc tay lái và đâm vào kè đá. Cả bốn chúng tôi mở tung 4 cửa xe cùng một lúc và lăn ngay xuống đường. Tai nạn chỉ để lại vài vết trầy mà không ai bị thương, tuy đầu xe hoàn toàn bể nát.

Kỳ tới:

Chương 4

Đường Bay Đầu Tiên

Saburo Sakai, Đông Kinh 1956 – Bản Anh ngữ của Martin Caidin, New York 1956

Bản dịch Nguyễn Nhược Nghiễm, Sàigòn 1972

Trần Vũ hiệu đính theo bản Pháp văn của Robert de Marolles,

Nxb Presses de la Cité, 1957