Một lần về phép, Sakai đến thăm chú thím mình, ông bà Hirokawa, với hy vọng trông thấy cô em họ. Buổi tối chỉ còn lại hai người trong phòng khách, Hatsuyo mời Sakai ngồi lại để nghe cô đàn một bản đàn mà qua đó Hatsuyo hy vọng Sakai sẽ hiểu được lòng mình. Lễ giáo không cho phép cô thổ lộ tình cảm thật, chỉ còn lại tiếng đàn. Trong thâm tâm, Hatsuyo hờn trách Sakai đã không hỏi cưới mình tuy biết huyết thống quá gần không cho phép hôn nhân. Cả dòng họ không ai hay biết mối tình này. Tiếng đàn của Hatsuyo cất lên, trầm bổng, đôi khi mãnh liệt như Hatsuyo muốn giãi bày tình yêu mãnh liệt của lòng mình và muốn phá vỡ sự câm nín của Sakai. “Hãy nói yêu em” là những thanh âm phát lên từ những cung bậc của đàn dương cầm. Và Sakai vụt hiểu. [Trần Vũ]

Nguyễn Nhược Nghiễm dịch thuật

Nhiều kỳ – Kỳ 25

Chương 22

Từ giã Không đoàn Ðài Nam thuyên chuyển về thủ đô, với tôi là trút gánh nặng tập huấn cho những khóa sinh quá ít kinh nghiệm nhưng phải sớm ra mặt trận. Ngay sau khi đến Yokosuka, tôi xin nghỉ phép và lập tức đáp xe lửa đến Ðông Kinh, chỉ mất chín mươi phút. Gia đình chú thím tôi đã chào đón tôi như một đứa con xa nhà trở về. Tôi báo trước cho Hatsuyo bằng thơ nên cô em họ của tôi chưng diện bộ kimono mới nhất, vừa cắt may hãy còn thơm mùi vải. Gương mặt Hatsuyo rạng rỡ cố kềm vui sướng. Hatsuyo viết thơ cho tôi mỗi tuần kể lể những gì xảy ra chung quanh nàng; từ xưởng nhồi thuốc đạn cho đến trường học của em Michio đã cắt giờ học thay bằng việc may túi vải cho binh sĩ; hay giá một tô mì sưki đã tăng gấp đôi. Mỗi lá thơ tôi cũng kể cho Hatsuyo nghe những gì xảy ra trong công tác của mình. Tôi huấn luyện các khóa sinh tập định vị trí máy bay giữa trời ra sao. Cả những tiệc chia tay sau mãn khóa tôi cũng kể cho Hatsuyo nghe. Chúng tôi chung tiền trả cho các ca kỹ để nghe hát và không có gì đáng trách, vì không có gì khác, nhưng tiếng đàn của các geisha làm tôi buồn bã và tôi không muốn tham dự nữa. Trong thơ hồi âm, Hatsuyo nói hy vọng tôi sẽ không muộn phiền khi nghe nàng đàn. Hatsuyo theo học nhạc từ bé, những ngày còn ở nhà chú thím tôi vẫn thường nghe Hatsuyo tập đàn, tuy tiếng đàn khi ấy còn non nớt.

Chú thím tôi mừng vui ôm lấy tôi khi tôi bước vào nhà. Em Michio không ngớt trêu trọc tôi là ra dáng sĩ quan, duy chỉ có Hatsuyo có phần bẽn lẽn. Thím tôi với các em đã chuẩn bị mọi thứ, ngoài thịt heo bọc bột mì chiên vàng ruộm còn có súp củ mài với rau củ, nấm, rong biển và cá ngừ.

Xem thêm:   Hoài cổ đầu Xuân

Ðêm đó, sau bữa ăn, Hatsuyo bắt đầu trách cứ về việc chậm lập gia đình của tôi. Giọng nàng nghiêm trang một cách đáng buồn cười. Tôi trả đũa ngay. “Tại sao em vẫn một mình, em của anh? Chưa có anh chàng nào đủ điều kiện phải không?”

Chú thím tôi ngừng nói chuyện, quay lại cười chúng tôi. “Anh em bây ồn ào quá!”. Chú tôi chế giễu.
Tôi cười: “Con không hiểu tại sao Hatsuyo không kiếm ra một ông chồng. Coi cô ta kìa. Ðẹp như một minh tinh màn bạc, và có bao nhiêu cô tự phụ đánh đàn giỏi hơn?” Tôi vừa nói với chú thím vừa nhìn Hatsuyo. “Con tin rằng chú có thể lựa cho em Hatsuyo một tấm chồng xứng đáng.”

“Nó khó tánh lắm.” Chú lắc đầu.

Cả chú thím tôi đều cười, nhưng Hatsuyo xụ mặt. Nàng liếc tôi rồi nhìn đi nơi khác. Ánh mắt của nàng xa xôi và trách móc một chuyện gì đó. Chú thím tôi đứng lên nói chúng tôi hãy cứ trò chuyện, còn chú thím vào nhà trong nghỉ sớm. Em Michio cũng về phòng. Trong nhà chỉ còn lại hai chiếc bóng của Hatsuyo với tôi lung linh trên vách. Hatsuyo lặng lẽ thu dọn chén bát rồi vặn nhỏ tim đèn trước khi trở lại quỳ gối đối diện tôi. Búi tóc nàng được búi kỹ lưỡng với trâm cài. Tôi thấy phải phá tan yên lặng.

“Vừa nãy anh nói không phải sao, Hatsuyo?”

Nàng không lý gì đến tôi. Không trả lời. Hatsuyo ngoảnh mặt đi nơi khác. Tôi giựt mình, nàng giận rồi. Tôi chuyển vấn đề ngay.

“Hatsuyo, dạo dương cầm cho anh nghe đi! Từ khi nghe em dạo đàn đến giờ đã lâu lắm rồi.”

Nàng nhìn tôi đầy nghi vấn. “Có thật anh muốn nghe em đàn không? Em chỉ đàn khi anh thật muốn nghe. Có thật là anh muốn nghe không Saburo?”

Giọng nàng rất nghiêm nghị. Tôi nói nhanh, “Em có nhớ lần phép đầu tiên của anh không Hatsuyo? Em dạo nhạc của…, để anh nhớ coi… phải rồi của Mozart. Em có thể dạo lại bản nhạc đó cho anh nghe không?”

Thay cho câu đáp, Hatsuyo bước đến chiếc dương cầm và ngồi xuống. Những ngón tay nhẹ bấc của nàng lướt trên phím ngà, ai có thể ngờ là chiến tranh đang diễn ra khốc liệt trên Thái Bình Dương lúc này? Tôi nhắm mắt và nhìn thấy lại những cuồng lửa xanh đốt cháy đêm, những chiến đấu cơ với oanh tạc cơ cất cánh hàng loạt trên phi đạo trước khi nhấc mình lên không trung và biến mất trong mây để rồi rất nhiều những đồng ngũ không bao giờ quay về. Còn tôi đang ngồi đây giữa một buồng khách bài trí thanh nhã ở Ðông Kinh, trong ấm áp sau một bữa cơm tối đầy đủ, trong thương yêu vây quanh của những người thân trong một gia đình xem tôi như con. Trong lúc các đồng đội đang chết trận. Một thế giới tương phản.

Xem thêm:   Hang gấu

Tiếng nhạc dứt. Ngôi nhà rơi vào trầm lặng. Hatsuyo ngồi yên hồi lâu, rồi quay lại nhìn tôi với ánh mắt lạ lùng. Ðôi mắt mở lớn và dò hỏi ấy… Rồi nàng dịu dàng nói: “Saburo, em muốn dạo một khúc nhạc khác, đặc biệt cho anh. Hãy lắng nghe. Khúc nhạc ấy sẽ nói với anh những gì mà chính em không thể thốt nên lời.”

Nàng có vẻ lạ lùng làm sao! Má nàng phơn phớt hồng e thẹn và nàng lảng nhanh đôi mắt sau khi nhìn tôi chăm chăm. Chưa bao giờ tôi thấy Hatsuyo trong trạng thái ấy.

Nàng dạo khúc nhạc một chập nữa. Tiếng nhạc trầm bổng. Tôi nhìn cô gái này. Chưa bao giờ tôi thấy nàng như vậy. Ý nghĩa gì khi nàng nói: “Khúc nhạc sẽ nói với anh những gì mà chính em không thể thốt nên lời.”

Tiếng đàn của Hatsuyo tiếp tục vang lên, càng lúc càng mạnh mẽ. Các thanh âm đuổi bắt nhau cuồng nhiệt. Bỗng nhiên tôi hiểu, tôi đang nhìn Hatsuyo, không nhìn như một cô gái nhỏ, không như một người em họ chung huyết thống với tôi, nhưng tôi đang nhìn nàng như một thiếu nữ! Lần đầu tiên, tôi thật sự “nhìn thấy” nàng, chăm chú trên phím đàn, mười ngón tay nhảy múa, khuôn mặt say mê, như rót hết tâm hồn nàng vào tiếng nhạc. Hai cườm tay Hatsuyo nhấc lên thoăn thoắt, có lúc đan chéo và búng mười ngón tay trên phím.

Hatsuyo? Và tôi..? Ý nghĩ làm tôi chấn động. Nhưng, nàng không còn là một cô bé nữa. Hãy thức tỉnh, Sakai, anh thật ngu muội. Nàng là một thiếu nữ. Nàng đang nói với anh, trong giây phút này, rằng nàng yêu anh! Hãy nói yêu em là tiếng đàn của nàng.

Bây giờ tôi hiểu những gì mà nàng muốn bày tỏ. Trong lúc bồng bột, tôi muốn đáp trả. Không thể được, tôi nhủ thầm. Nhưng đó là sự thật. Tôi nhớ lại lúc còn trong bịnh viện, khi nàng choàng tay qua tôi, kéo tôi vào nàng và thổn thức nói rằng nàng tin chắc tôi sẽ được bay trở lại. Mỗi tối nàng sẽ khấn nguyện cho tôi bình phục… Nàng đã yêu tôi lâu hơn tôi tưởng. Vào lúc ấy, trong sâu thẳm của lòng tôi, tôi cũng yêu nàng. Tôi nhận thức đã nghĩ đến nàng thường xuyên và tôi đã viết thơ cho Hatsuyo nhiều hơn viết cho Fujiko. Suốt ba năm chiến trận tôi gần như chỉ tâm sự với một mình nàng và nàng chăm chỉ hồi âm cho tôi từng lá thơ một. Những tháng nằm bịnh viện không tuần nào nàng không vào thăm, không tháng nào mà nàng không gửi cho tôi những thùng quà nhỏ, tuy không có chi mắc tiền nhưng là những chiếc bánh ngọt, lọ mứt do chính tay nàng làm lấy. Bao giờ cũng có những dòng chữ trìu mến, “Saburo, anh hãy ăn nhiều, hết rồi em sẽ làm thêm. Nói cho em biết là anh thích gì…” Làm sao tôi đã ngu ngốc không nhận ra. Từ tấm bé Hatsuyo đã lẽo đẽo theo tôi, chúng tôi như hai con lăng quăng. Khi bay giữa trời nhiều lần tôi nghe tiếng nàng cười khúc khích trên mây. Và tôi hay nhoẻn cười một mình mỗi khi nghĩ đến nàng. Nhưng tôi có thể làm gì được? Tôi đã từ chối tình yêu của Fujiko bởi lẽ tôi đui mù một nửa, bởi lẽ tôi không muốn Fujiko phải lấy một tấm chồng thương phế binh. Tôi có thể làm khác hơn với tình yêu thầm kín của Hatsuyo không? Không.

Xem thêm:   Kinh doanh chốn.. thờ tự

Khi tiếng dương cầm chấm dứt, tôi cố giữ bình tĩnh, không hề để lộ vẻ gì cho nàng thấy là tôi đã cảm thông nỗi lòng của nàng. Tôi nán lại một lúc cho phải phép rồi kiếu từ đi nghỉ. Chúng tôi nói chuyện nhát gừng pha im lặng đầy vụng về. Hatsuyo cúi gập lưng khi tôi đứng lên, nàng không ngước lên chào lúc tôi về phòng mà nhìn xuống sàn gỗ trong dáng quỳ kính cẩn. Trải qua nhiều giờ, tôi không sao chợp mắt được. Ánh mắt đăm chiêu lo lắng của Hatsuyo sau bản đàn, cử chỉ lúng túng của nàng bám lấy tôi suốt đêm.

Buổi sáng tôi ra đi thật sớm để tránh đối diện với Hatsuyo nhưng nàng đã dọn sẵn điểm tâm và đợi tôi ở phòng ăn. Nàng đã phải thức rất khuya vì hai mắt nàng quầng thâm trên da xanh xao. “Saburo, em đã cầu nguyện cho anh tối qua được lành lặn và bình an như em vẫn khấn hàng đêm cho anh.” Nàng nói. “Em biết có lỗi đã bắt anh thức khuya với em đêm qua, em xin anh thứ lỗi, em sẽ biết ý tứ hơn.” Nàng nói chậm rãi, nghiêm trang. “Hatsuyo, em không có lỗi gì cả, chính anh…” Tôi không nói được hết câu. Khi ấy chú thím tôi bước ra. Tôi chào chú thím mình với Hatsuyo rồi ra đi.

Kỳ sau: Chương 23

Phòng thủ đảo Lưu Huỳnh 

Saburo Sakai, Đông Kinh 1956

Bản Anh ngữ của Martin Caidin, New York 1956

Bản dịch Nguyễn Nhược Nghiễm, Sàigòn 1972

Trần Vũ hiệu đính theo bản Pháp văn của Robert de Marolles, Nxb Presses de la Cité, 1957

Minh họa ảnh minh tinh Ayase Haruka và Chương Tử Di