Cho đến thế chiến, Nhật Bản chưa từng thất trận. Chiến thắng Mông Cổ, chiến thắng Mãn Thanh, chiến thắng Sa hoàng, chiến thắng Cao Ly rồi chiến thắng quân Trung Hoa của cả hai phía Cộng sản và Dân quốc. Tuy nhiên cùng với chiến công, là những dã man đối với tù binh. Trong chương thứ nhì, chỉ qua hai trang ngắn, Sakai phơi bày khía cạnh bạo ngược của quân đội Thiên hoàng. Thụ huấn đồng nghĩa với đánh đập. Hiếm quân đội nào cho phép sĩ quan đánh chết lính, phải nhìn thấy ở đây nguyên nhân tù binh thường xuyên bị xử trảm. Do tâm niệm Bushido khinh thường mạng sống.

Cùng trong chương này, người đọc khám phá quyết tâm của Sakai vươn lên khỏi hàng binh sĩ và lộ ra khả năng của anh: Sakai phải là một thủy binh giỏi, một pháo thủ xuất sắc mới được phục vụ trên hai thiết giáp hạm nặng Kirishima và Haruna trang bị 4 pháo tháp 356 ly nòng đôi, tầm xa 30 hải lý. Sakai thăng cấp rất nhanh, từ Thủy binh cấp IV (Binh Tứ) lên Thủy binh cấp I (Binh Nhất) rồi Hạ sĩ khi vừa 18 tuổi, vỏn vẹn trong 2 năm. Phụ trách tác xạ hải pháo còn cho thấy Sakai có nhãn quan rất tinh tường vừa nhạy bén trong việc xác định mục tiêu, là những phẩm chất sẽ giúp anh trở nên phi công khu trục về sau.”

[Trần Vũ]

Nguyễn Nhược Nghiễm dịch thuật

Nhiều kỳ – Kỳ 2

Chương 2

Tôi trở về nhà như là một sự điếm nhục cho gia đình tôi cũng như cho làng nước. Gặp nhiều vấn đề rắc rối, sự nghèo đói của gia đình tôi càng lúc càng trầm trọng. Má tôi và người anh lớn cắm cúi trên thửa đất nhỏ từ bình minh cho đến hoàng hôn. Cả hai người, và ba chị gái của tôi, ăn mặc quần áo tả tơi. Mái tranh, nơi tôi đã lớn lên, tiêu điều dột nát. Mọi người trong làng đã hân hoan đặt hết tin tưởng vào chuyến đi Ðông Kinh của tôi, họ chờ đợi chia sẻ sự thành công của tôi. Bây giờ, mặc dù tôi làm cho họ thất vọng, nhưng không ai buông thẳng một lời trách cứ nào. Tuy nhiên trong đôi mắt họ có bóng dáng của sự xấu hổ, và họ thường quay mặt để tránh làm tôi bối rối. Bởi thái độ này mà tôi không dám đi lại trong làng. Tôi không thể nào chịu đựng nổi sự trách mắng lặng lẽ của họ. Mong muốn chạy trốn khỏi nơi tủi hổ này trở thành mong muốn mãnh liệt trong tôi. Bấy giờ tôi nhớ lại tấm yết thị to tướng ở nhà ga Saga kêu gọi thanh niên tình nguyện gia nhập vào hải quân. Ðầu quân hình như là lối thoát duy nhứt cho một kẻ sống trong tình trạng khổ sở. Má tôi, từng chịu đựng sự vắng mặt của tôi trong mấy năm, đã than khóc trước quyết định ra đi một lần nữa của tôi. Nhưng bà không còn cách chọn nào khác.

Xem thêm:   Trên lưng trời

Ngày 31 tháng 5 năm 1933, tôi đầu quân ở căn cứ hải quân Sasebo, và trở thành một thủy thủ 16 tuổi cấp bậc Thủy binh hạng IV (Yontosuihei). Căn cứ này cách phía Ðông nhà tôi 50 dặm. Tôi bắt đầu một đời sống mới của một thứ kỷ luật sắt, của một sự cứng rắn vượt xa cả những cơn ác mộng kinh hoàng nhất trong cuộc đời tôi. Và chính nhờ vào tâm niệm Bushido mà tôi đã tồn tại.

Chắc chắn rằng độc giả xứ ngoài sẽ khó tán thành thứ kỷ luật thép mà tôi phải chịu đựng trong Hải Quân. Các hạ sĩ quan không ngần ngại trong việc đánh đập tàn nhẫn tân binh mà họ thấy cần trừng phạt. Trong trường hợp tôi phạm kỷ luật hoặc lỗi lầm trong huấn luyện, đêm đến một hạ sĩ quan lôi đầu tôi ra khỏi giường hét lên: “Chống tay vô tường! Cúi gập xuống, tân binh Sakai! Tôi làm việc này không phải oán ghét anh, nhưng vì thương anh, muốn anh trở thành một thủy thủ giỏi! Cúi xuống!”.

Và hắn vung cây gậy thật dài đập xuống mông tôi. Ðau đớn khủng khiếp, và mạnh mẽ không thể tưởng. Không có cách nào khác hơn là nghiến răng để khỏi bật tiếng kêu la. Nhiều khi tôi bị đánh tới 40 gậy. Thường thường tôi ngất xỉu. Tuy nhiên hình phạt không thể bỏ qua vì lý do bất tỉnh. Viên hạ sĩ quan sẽ dội một thùng nước lạnh lên thân xác mềm nhũn của tôi, dựng tôi dậy, và tiếp tục áp dụng “kỷ luật”. Một tân binh phạm lỗi, tất cả 50 tân binh khác đều bị đánh. Do đó, mỗi tân binh đều tìm hết cách ngăn chặn đồng đội phạm lỗi. Mỗi lần bị đánh, chúng tôi không thể nằm ngửa trên giường. Hơn nữa, chúng tôi không được phép buông lời than oán, ngay cả một tiếng kêu trong đau đớn của mình. Ðể cho một người rên rỉ khóc than vì đau đớn hoặc tủi thân, mọi người sẽ bị đá hoặc lôi cổ ra khỏi giường để lãnh hình phạt.

Xem thêm:   2 người thợ săn

Ghi chú Quân sự:

Thiết giáp hạm Kirishima hạ thủy 1913, võ trang 8 đại bác 356 ly, nặng 37 ngàn tấn, dài 222 thước, là sister ship của thiết giáp hạm Haruna, cả hai thuộc class thiết giáp hạm Kongo. Kirishima bị hai thiết giáp hạm Hoa Kỳ USS South Dakota và USS Washington bắn chìm ngoài khơi đảo Guadalcanal trong đêm 15 tháng 11-1942. Riêng chiếc Haruna bị các phi đoàn của Task Force 58 đánh chìm ngày 28 tháng 7-1945, gần Hiroshima.

Nếu không tình nguyện theo học khóa phi hành để trở thành phi công, Saburo Sakai đã thiệt mạng trên một trong hai chiến hạm này ở vị trí pháo thủ.


Lẽ dĩ nhiên sự đối xử như vậy làm cho chúng tôi oán ghét bọn hạ sĩ quan. Bọn này đa số đều 30 tuổi, và hình như không được lên cấp trong suốt cuộc đời binh nghiệp của họ. Ám ảnh quan trọng nhứt của họ là tìm cách khủng bố tân binh. Chúng tôi coi hạng người này như những con thú bạo dâm hèn hạ nhứt. Trong vòng 6 tháng, công việc huấn luyện khắc nghiệt đã biến chúng tôi thành bầy gia súc. Chúng tôi không bao giờ dám hó hé trước các mạng lịnh đưa ra, không dám tỏ ý nghi ngờ cấp trên. Chúng tôi không dám làm bất cứ cái gì khác hơn là thi hành lập tức mệnh lệnh của thượng cấp. Chúng tôi vâng lời như những người máy.

Công việc huấn luyện tan thành một khối lờ mờ sự tập dượt, học hỏi, và tập dượt, của những cây gậy vung lên liên hồi, của những chiếc mông ê ẩm luôn luôn, của thịt da bầm giập và mặt mày nhăn nhó khi ngồi xuống. Khi hoàn tất khóa huấn luyện tân binh, tôi không còn là một chàng thanh niên hăng hái và đầy nhiệt tâm như lúc rời khỏi ngôi làng nhỏ bé đi học tại Ðông Kinh nhiều năm trước đây. Ðường học vấn thất bại, sự tủi hổ của gia đình và kỷ luật huấn luyện, tất cả hợp lại đè bẹp tôi, tánh tự tôn tự đại của tôi bị hạ sát ván. Nhưng không bao giờ, trong suốt thời gian huấn luyện cũng như sau này, nỗi phẫn nộ sâu xa về sự tàn ác của bọn hạ sĩ quan giảm bớt trong tôi. Ra trường tôi được chỉ định làm thủy thủ tập sự trên thiết giáp hạm Kirishima. Tôi đã nghĩ, sau thời gian huấn luyện, sự đối xử tàn nhẫn sẽ giảm bớt đi. Nhưng không, và có thể nói tôi còn bị đối xử tệ hơn trước đây. Cách tốt nhất mà tôi phải làm: vượt khỏi số kiếp của một tên thủy thủ hèn mọn này. Mỗi ngày tôi không được rảnh rang tới một tiếng đồng hồ, nhưng tôi cũng đã sử dụng thời gian này học hỏi thêm. Mục đích của tôi là xin theo học khóa huấn luyện đặc biệt của Hải Quân. Như vậy, một anh lính tình nguyện mới có thể hoàn tất về kỹ thuật và chuyên môn, đủ điều kiện để thăng chức.

Xem thêm:   Truyện tranh Hoa Kỳ về Chiến tranh Việt Nam

Năm 1935, tôi đậu kỳ thi tuyển vô trường huấn luyện tác xạ hải pháo của hải quân. Sáu tháng sau, tôi lên Thủy binh cấp I (Ittosuihei), và được chỉ định nhiệm vụ trên biển trở lại, lần này trên thiết giáp hạm Haruna, phụ trách một trong những pháo tháp 356 ly. Tình trạng của tôi khá hơn, sau nhiều tháng lênh đênh trên chiến hạm Haruna, tôi đã trở thành hạ sĩ quan với cấp bậc Hạ sĩ (Santoheiso).

Tuần sau: Chương 3

Huấn luyện phi hành

Bản Anh ngữ của Martin Caidin, New York 1956

Bản dịch Nguyễn Nhược Nghiễm, Sàigòn 1972

Trần Vũ hiệu đính theo bản Pháp văn của Robert de Marolles,

Nxb Presses de la Cité, 1957