Sau 4 tháng chinh phục Châu Á, Hải quân hoàng gia Nhật áp sát Châu Úc. Chính từ lúc này, mũi tấn công cực Nam của Nhật Bản yếu dần. Nguyên nhân: quá ít máy bay và phi công. Trong khu tam giác rộng lớn Rabaul-Lae-Port Moresby, phía Nhật chỉ có 3 phi đoàn Rabaul, Lae và Salamaua, bao gộp tối đa 250 chiến đấu cơ Zéro với một cấp số oanh tạc cơ tương đương. Phía Đồng Minh khác hẳn. The Royal Australian Air Force (RAAF) và The Fifth Air Force (USAAF) đã huy động 11 Liên đoàn (Group) bao gồm 12 phi đoàn khu trục săn giặc 21 phi đoàn oanh tạc cơ, tổng số trên 2000 máy bay, không tính các phi đoàn vận tải, quan sát và không ảnh… Danh sách tham chiến tại mặt trận Darwin-Port Moresby-Queensland từ tháng 3 đến tháng 11-1942 nói lên ưu thế số đông của Úc và Hoa Kỳ:     

Liên đoàn 7 Khu Trục [7th Fighter Group]

Liên đoàn 8 Săn Giặc [8th Pursuit Group]

Liên đoàn 35 Săn Giặc [35th Pursuit Group]

Liên đoàn 49 Khu Trục [49th Fighter Group]

Liên đoàn 3 Oanh tạc [3rd Bombardment Group B25]

Liên đoàn 7 Oanh tạc [7th Bombardment Group B17]

Liên đoàn 19 Oanh tạc [19th Bombardment Group B17]

Liên đoàn 22 Oanh tạc [19th Bombardment Group B26]

Liên đoàn 27 Oanh tạc [27th Bombardment Group A24]

Liên đoàn 38 Oanh tạc [38th Bombardment Group B25]

Liên đoàn 43 Oanh tạc [4  3rd Bombardment Group B17]

Tuy đông hơn nhưng Không lực Đồng Minh đã chưa thể áp đảo Phi đoàn Lae của Sakai là đơn vị lập nhiều chiến tích nhất trong suốt cuộc chiến Thái Bình Dương. Nhờ vào khả năng thiện nghệ của các phi công Samurai và sự tinh hảo của chiến đấu cơ Zéro vượt trội so với các phi cơ P39 Airacobra và P40 Warhawk của Hoa Kỳ thời kỳ này. Tuy vậy, người đọc vẫn nhìn thấy qua hồi ký của Sakai, là chiến thắng đang dần ra khỏi tầm tay Nhật Bản một khi Đồng Minh có thể trả đũa bằng các cường kích liên tục. Phi vụ không kích Port Moresby của Sakai cũng làm người đọc liên tưởng đến một cảnh trong phim Australia với nữ tài tử Nicole Kidman khi máy bay Nhật ném bom hải cảng Darwin. [Trần Vũ]

Nguyễn Nhược Nghiễm dịch thuật

Nhiều kỳ – Kỳ 12

Chương 12

Ðồng Minh rót người và vật liệu vào pháo đài của họ ở hải cảng Moresby không ngừng nghỉ. Và Bộ Tư Lệnh Tối Cao Nhựt thúc giục chúng tôi đánh mạnh hơn, đánh nhiều hơn vào các phi trường, các chỗ trú quân, và các cơ sở trên hải cảng càng lúc càng mọc lên như nấm của địch quân.

Vào ngày 17 tháng 4-1942, tôi thực hiện một phi vụ hộ tống đầu tiên của mình trên đất địch. 13 chiến đấu cơ Zéro, thay vì 6 hoặc 7 chiếc như trước đây, bao che cho các oanh tạc cơ Betty. Chính vì các báo cáo thám thính cho biết địch đang tăng cường ngày một nhiều, nên chúng tôi chờ đợi một chống trả quyết liệt.

Một phi công trong bán phi đội của tôi gây lo lắng. Yoshio Miyazaki tiêu chảy nhiều ngày liền và gầy đi nhiều. Tôi thấy hắn không đủ sức phi hành nhưng mặc tôi can ngăn, hắn nhất quyết rời mặt đất. Tôi lo lắng là với cơn sốt, Miyazaki sẽ không thể giữ đội hình mà nhiệm vụ hộ tống bắt buộc bay zích-zắc hình chữ chi chung quanh hợp đoàn Betty. Lúc đến gần Moresby, những e ngại của tôi biến mất. Miyazaki giữ vị trí hoàn hảo.

Với 7 chiến đấu cơ được cắt đặt bay sát cánh các oanh tạc cơ ở cao độ 16,000 bộ (4,900m), và với nhóm 6 chiến đấu cơ của tôi bay thấp hơn 1,500 bộ (450m), chúng tôi vượt qua dãy núi Owen-Stanley. Moresby hiện ra trong tầm mắt. Thình lình 7 chiến đấu cơ bay chung nhóm các oanh tạc cơ phía trên túa ra, lập thành màn lưới bao che, xoay tròn phía trên các oanh tạc cơ Betty. Nhiều chiến đấu cơ P40 của địch chúi xuống từ một độ cao hơn để tấn công các oanh tạc cơ của chúng tôi. Tuy nhiên, chúng bị phát hiện quá sớm, và vòng xoay của 7 chiếc Zéro nứt ra, đánh bật cú đấm của địch quân đang giáng xuống. 7 chiếc Zéro trở về vị trí cũ.

Ngay lập tức, súng cao xạ từ mặt đất bắn lên, tạo ra những đốm đỏ và đen như nở hoa. May mắn là quá thấp. Bán phi đội của tôi lập tức phân tán và lộn nhào thật mau để tránh né một vòng rào hoả lực cao xạ thứ hai nổ phía trên. Ngay khi chúng tôi trở lại đội hình, các oanh tạc cơ và chiến đấu cơ hộ tống gia tăng tốc lực tối đa để vượt lên cao nữa. Nếu vẫn duy trì đường bay cũ thì loạt cao xạ thứ ba sẽ bắn trúng.

Các oanh tạc cơ của chúng tôi đang bên trên phi trường Moresby và đảo chầm chậm để thả bom. Bây giờ mặt trời chiếu từ phía sau chúng tôi, và các chiến đấu cơ địch lại đang lướt đến. Tôi đảo lại, kéo cần lái gần như thẳng đứng, chĩa thẳng vào mũi dùi tấn công của đối phương. Năm đồng đội thuộc nhóm của tôi cũng đeo dính một bên. Nhưng chúng tôi không có cơ hội để khai hoả, các chiến đấu cơ địch lảng ra và phân tán. Chúng tôi quay trở lại vị trí hộ tống, nhưng chỉ có 2 chiếc Zéro theo tôi. Chiếc của Miyazaki và hai chiếc khác đã chui xuống phía dưới các oanh tạc cơ.

Tôi không có thời giờ để lo lắng cho 3 chiếc phi cơ đó. Cao xạ địch đang cố gắng điều chỉnh tầm bắn, và một loạt đạn nữa đã nổ cách phía dưới các oanh tạc cơ đang dội bom 1,500 bộ. Tuy nhiên, tất cả đều đã vượt qua, bụng đã trống rỗng, các oanh tạc cơ gia tăng tốc lực, giữa những tiếng nổ rền vang liên tục của súng cao xạ, và đảo về phía trái. Miyazaki đang bay cách phía dưới các oanh tạc cơ 1,500 bộ. Không có vô tuyến, tôi không thể nào gọi hắn trở lại vị trí, và chúng tôi không dám rời các oanh tạc cơ.

Xem thêm:   2 người thợ săn

Chúng tôi bỏ Moresby và súng phòng không địch lại phía sau. Tôi thở ra nhẹ nhõm. Quá sớm! Khoảng một dặm phía trên chúng tôi, một chiếc P40 chúi xuống với tốc lực khủng khiếp. Nó xuống nhanh đến nỗi tôi không kịp nháy mắt. Giống như một tia chớp soi thẳng vào các oanh tạc cơ, cách tôi sáu trăm thước.

Tôi không hiểu làm cách nào mà chiếc P40 này lọt qua khỏi khoảng trống chỉ một vài thước giữa hai oanh tạc cơ thứ ba và thứ tư. Chuyện khó thể tin nổi, nhưng đã xảy ra. Với những họng súng rực lửa, sau khi lọt qua nhóm oanh tạc cơ xong, chiếc P40 rót tất cả đạn vào chiếc phi cơ của Miyazaki. Tức khắc, chiếc Zéro biến thành ngọn đuốc. Và vẫn với tốc lực khủng khiếp, chiếc P40 biến mất phía dưới chúng tôi. Phi cơ của Miyazaki rơi xuống chầm chậm, rồi lửa loé sáng và một tiếng nổ xé nát ra. Chúng tôi không nhìn thấy một mảnh kim khí nào rơi xuống. Mọi việc xảy ra trong vòng ba bốn giây. Chúng tôi vẫn tiếp tục bay. Ðến Buna, các chiến đấu cơ chúng tôi tách ra, chấm dứt vai trò hộ tống và quay về Lae.

Cái chết của Miyazaki là một bài học đau đớn cho tất cả chúng tôi. Trong những ngày đầu của cuộc chiến tôi vẫn khăng khăng cho rằng sự khéo léo cá nhân của các phi công Nhựt là ưu thế có tánh cách quyết định trước phi công đối phương. Công cuộc huấn luyện của chúng tôi, dĩ nhiên là trước chiến tranh, tỉ mỉ hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Ðối với chúng tôi, bay có nghĩa là mọi thứ, chúng tôi không tiếc bất kỳ nỗ lực nào nhằm học hỏi thấu đáo mọi phương diện về không chiến. Tuy nhiên, qua nhiều cuộc không chiến của Ðệ Nhị Thế Chiến, khéo léo cá nhân chưa đủ bảo đảm sự tồn tại mãi mãi, ngoại trừ các cuộc không chiến tay đôi. Thất bại to tát nhứt trong các cuộc không chiến của chúng tôi là do chúng tôi thiếu tinh thần đồng đội. Một tinh thần mà người Mỹ đã phát triển không ngừng trong suốt cuộc chiến.

Sau cái chết của Miyazaki, bảy oanh tạc cơ B26 Marauder tấn công Lae. May mắn thay, chúng tôi được báo trước và 9 chiến đấu cơ Zéro được tung lên không, đón các oanh tạc cơ địch chỉ ở cao độ 1,500 bộ. Trận quần thảo giữa phi công chúng tôi với bảy chiếc Marauder kéo dài một tiếng đồng hồ đầy gian nan vất vả. Cuối cùng chỉ một oanh tạc cơ địch bị bắn rơi và một chiếc bỏ chạy với thương tích. Ðó là trận không chiến vụng về nhứt, chưa từng thấy trong đời tôi. Chín chiếc Zéro thiếu tổ chức. Thay vì liền tay tấn công một hoặc hai phi cơ địch, và sử dụng hoả lực của số đông để cắt bảy chiếc B26 ra từng phần, các phi công của chúng tôi áp hết vào để đánh. Không có chiếc phi cơ nào của chúng tôi đụng chạm hoặc bắn hạ lẫn nhau cũng là một điều đáng lấy làm lạ.

Khi đáp xuống, cơn giận của tôi bùng nổ. Tôi nhảy ra khỏi phòng lái, hấp tấp bước đến các phi công đã tụ hợp trên mặt đất. Tôi chửi sự ngu ngốc của họ, vạch ra từng điểm sai lầm của mọi người và nhấn mạnh rằng chỉ có phép lạ mới khiến họ sống sót được. Từ đó trở về sau, mỗi đêm chúng tôi đều hội họp để chỉnh đốn lại tinh thần đồng đội của chúng tôi. Vào ngày 23 tháng 4, Nishizawa, Ota và tôi thực hiện một phi vụ thám sát Kairuku, một căn cứ mới của đối phương ở phía Bắc Moresby. Mặc dù chỉ được lịnh thám thính, chúng tôi cũng đã bắn cháy nhiều vận tải cơ địch trên phi đạo.

Báo cáo của chúng tôi đưa đến một cuộc tấn công với 15 phi cơ vào ngày hôm sau. Chúng tôi sà xuống 6 chiếc oanh tạc cơ B26, 15 chiến đấu cơ P40 và 1 chiếc P39. Con số hủy diệt chính xác của chúng tôi là hai oanh tạc cơ và sáu chiếc P40. Sau trận không chiến đơn phương, chúng tôi thẳng đường đến Moresby, bắn phá và đốt cháy một thủy phi cơ Catalina đang buông neo. Ngày hôm sau, chúng tôi trở lại Moresby. Mặc dù thiệt hại nặng nề vào ngày hôm trước, địch quân vẫn đề kháng dữ dội. 7 chiến đấu cơ P40 thách thức 15 chiến đấu cơ của chúng tôi. Trước khi cuộc không chiến dữ dội thực sự kết thúc, 6 chiến đấu cơ địch đã chúi về phía Ðông trong lửa đỏ. Chúng tôi bảo toàn lực lượng, và sau khi bầu trời được dọn sạch, chúng tôi bắt đầu xạ kích Moresby và Kairuku, đốt cháy 5 chiếc B26 và 2 chiếc P40 nữa.

Hiển nhiên cố gắng của tôi trong việc cải thiện tinh thần đồng đội khi chiến đấu đã đạt được hiệu quả. Tuy nhiên, tôi phải chịu thiệt thòi, vì sau hai trận đánh liên tiếp, các phi công khác đều ghi nhiều điểm trong khi tôi trở về với hai tay trắng. Và trận không chiến kế tiếp vào ngày 26 cũng vậy, tôi không hạ được một phi cơ nào, mặc dù có ba trong số bảy chiếc P40 bị bắn rơi. Ngày 29 tháng 4 là sinh nhật của Thiên hoàng Hirohito. Vị chỉ huy trưởng của chúng tôi tổ chức một buổi lễ khiêm tốn để mừng ngày đặc biệt này. Mấy anh lính biết nấu nướng đều tiếp tay làm bếp và tận dụng tất cả đồ tiếp tế để chuẩn bị một bữa ăn sáng ngon lành. Vài ngày trước đó, Ðồng Minh không hề đưa ra bất kỳ nỗ lực nào nhằm tấn công Lae. Sự yên tĩnh này, cộng thêm với cảm giác thoải mái của chúng tôi hiện tại, làm chúng tôi lơ là nhiệm vụ.

Xem thêm:   Hang gấu

Khi chúng tôi chấm dứt ăn sáng vào lúc 7 giờ sáng, tiếng thét của lính canh gác vang lên: “Phi cơ địch!” Lập tức, một âm thanh hỗn loạn bùng vỡ, phá tan sự yên tĩnh của buổi sáng. Thùng, trống, mõ và tù và nổi lên inh ỏi, hệ thống báo hiệu không kích của chúng tôi.

Chúng tôi chạy ra phi đạo quá muộn. Những trái bom đã rơi xuống và đang nổ. Chúng tôi ngước mắt lên nhìn thấy mấy ông bạn cũ của chúng tôi, những chiếc oanh tạc cơ B17. Ba chiếc tất cả, bay ở độ cao 20,000 bộ (6,000m). Chỉ một vài trái bom được thả xuống, nhưng với sự chính xác tôi chưa từng mục kích bao giờ. Năm chiến đấu cơ Zéro nằm trên sân bay đang bao trùm trong lửa đỏ. Bốn chiếc khác hư hại nặng nề do mảnh bom gây ra. Riêng sáu chiếc ứng chiến chỉ còn năm chiếc bay được.

Ota và một phi công khác là hai người đầu tiên chạy ra phi cơ. Trong hai giây, họ cho phi cơ hoạt động và chạy ra phi đạo. Nhóm còn lại của chúng tôi bây giờ mới băng ra phi cơ, nhưng có cất cánh cũng đã trễ. Ba pháo đài bay B17 và hai chiến đấu cơ Zéro đã biến mất khỏi tầm mắt chúng tôi. Thời gian trôi qua chậm chạp, chúng tôi chửi rủa mấy chiếc oanh tạc cơ không tiếc lời và nôn nóng chờ đợi Ota trở về. Một giờ sau, một chiếc Zéro đáp xuống. Ðó là Endo. Hắn giải thích: “Chúng tôi đánh ngay khi vượt lên. Tôi quần thảo dữ dội với một chiếc oanh tạc cơ. Ota vồ một chiếc và vẫn còn khai hoả khi tôi hết đạn. Do đó, tôi phải trở về.”

Một giờ nữa trôi qua, Ota vẫn chưa thấy về. Chúng tôi lo âu. Ota, bạn của tất cả chúng tôi, hiện thời đơn độc quần thảo với ít nhất hai chiếc oanh tạc cơ có võ trang mạnh mẽ. Endo trở nên bồn chồn, và càu nhàu về việc phải rời bỏ Ota vì hết đạn.

Mười lăm phút nữa trôi qua, thế rồi Ðại tá Saito thò đầu vô bộ chỉ huy và vui vẻ nói lớn: “Ê! Hắn an toàn! Ota vừa gọi từ Salamaua. Hắn hạ được một pháo đài bay. Hắn phải đáp xuống để lấy xăng và sẽ trở về ngay.”

Tin tức phấn chấn! Nhưng công việc vẫn chưa xong. Sáu phi công, bao gồm Nishizawa và tôi, được chọn để trở lại Moresby “mừng ngày sinh nhật của Thiên Hoàng”. Chúng tôi cảm thấy phi vụ với 16 chiếc Zéro có lẽ tốt hơn, nhưng hiện thời chỉ có 6 chiếc của chúng tôi còn trong tình trạng khiển dụng. Chắc chắn đối phương đã đoán được một trận phục thù cuộc oanh tạc vừa qua của chúng tôi. Ðể tránh chui đầu vô hoả lực phòng không đang chờ đợi, chúng tôi vượt qua đỉnh rặng núi Owen-Stanley ở cao độ 16,000 bộ (4,900m). Và rồi thay vì tiếp tục hướng đến Moresby ở cao độ này, chúng tôi chúi xuống thật thấp, bay theo đội hình tam giác căng rộng. Sau đó chúng tôi vượt lên thật cao rồi chúi thẳng xuống căn cứ địch. Không một ai đoán nổi chúng tôi tấn công theo lối mới này.

Hàng chục nhân viên bảo trì địch đang quay quần bên những chiếc oanh tạc cơ và khu trục cơ, hình như đều sẵn sàng cất cánh. Chúng giống như những con vịt nằm phơi lưng. Chúng tôi quét đại liên và nện đại bác xuống sân bay. Tôi có thể nhìn thấy nhiều người ngước nhìn lên với dáng vẻ đầy kinh ngạc, như không tin nổi vào đôi mắt của họ.
Nhát chổi đầu tiên có hiệu quả. Không một họng súng nào kịp khai hoả. Ở cuối đường bay, với các pháo đội phòng không vẫn im lặng trong sự sửng sốt, chúng tôi quay lại thật gấp và tức khắc bổ nhào xuống làm ăn nữa. Quang cảnh dưới mắt thật tuyệt diệu. Ba chiến đấu cơ và một oanh tạc cơ đang bốc cháy dữ dội. Lần này chúng tôi quét đạn lên một dãy phi cơ khác, xếp thành một hàng dài gọn ghẽ ngay ngắn. Bốn oanh tạc cơ và chiến đấu cơ địch trúng đạn, tuy nhiên không cháy. Người trên sân bay bây giờ chạy hỗn loạn, và có hơn một chục xác nằm bất động vì lãnh đạn của chúng tôi. Chúng tôi “làm ăn” ba lần tất cả và sau đó dông tuốt. Khi đã bay xa rồi, chúng tôi mới nghe khẩu cao xạ đầu tiên lên tiếng.

Nhưng vào lúc 5 giờ 30 sáng hôm sau, đối phương trả lễ chúng tôi bằng một cuộc viếng thăm của ba chiếc B26 Marauder, bay đến mau và thấp, không cao hơn 600 bộ. Mặt đất như vỡ tung khi ba oanh tạc cơ B26 trút bom xuống ngay phi đạo. Lúc khói đã tan, chúng tôi nhìn thấy năm trong số các chiến đấu cơ ứng chiến của chúng tôi lướt lên không trung. Tuy nhiên, khi năm chiến đấu cơ này vừa cất cánh được, các oanh tạc cơ đã quay lại và trút bom một lần nữa. Tiếng nổ vang dội trước khi các chiến đấu cơ Nhựt có thể tiến sát đến các oanh tạc cơ. Nhưng đối phương đã kịp thời kiếu từ, biến mất vào ánh bình minh đang lên. Chuyến kiếm ăn khá khiển: một chiếc Zéro bốc cháy và một chiếc khác vỡ tan. Bốn chiến đấu cơ Zéro và một oanh tạc cơ Betty khác lỗ chỗ dấu đạn và miểng bom.
Trong nhiều ngày kế tiếp, nhịp độ của trận chiến trên không gia tăng dữ dội. Mười hai chiếc P39 Airacobra thực hiện một cuộc viếng thăm Lae thật đẹp mắt, với chín oanh tạc cơ Betty của chúng tôi hư hại nặng nề. Chúng tôi nhảy lên vồ khi đối thủ rút lui, và kéo 2 chiếc P39 xuống đất mà không thiệt mất một chiếc Zéro nào. Nhưng một lần nữa cả tôi lẫn Nishizawa đều đáp xuống với hai tay không. Nỗi rầu rĩ của tôi được khuây khoả vào ngày hôm sau, khi chín phi công chúng tôi trở lại Moresby. Chín chiếc P39 chờ sẵn chúng tôi trên không phận phi trường địch. Một mình tôi hạ cả ba chiếc trong vòng 15 giây. Sáu chiếc khác bỏ chạy mau đến nỗi các chiến đấu cơ khác của chúng tôi không sao chụp kịp.

Xem thêm:   Truyện tranh Hoa Kỳ về Chiến tranh Việt Nam

Trở về phi trường Lae, các chuyên viên cơ khí của tôi đã kinh ngạc khi nhận thấy tôi chỉ bắn có 610 viên đạn trong trận không chiến ngày hôm đó. Trung bình mỗi phi cơ địch nhận hơn hai trăm viên.

Ngày hôm sau, 2 tháng 5, chúng tôi quày trở lại Moresby nữa, với một lực lượng gồm tám chiếc Zéro. Lần này, mười ba chiến đấu cơ P39 và P40 bay chầm chậm ở cao độ 18,000 bộ (5,500m) chờ đón chúng tôi. Nishizawa phát hiện địch đầu tiên và khai hoả. Trước khi phi cơ địch nhìn thấy chúng tôi và lộn nhào để tránh né, bảy chiếc đã rơi xuống như cây đuốc. Trong ngày này, chúng tôi “bỏ túi” đến tám chiếc P39 và P40. Riêng tôi hạ được hai chiếc và Nishizawa được ba chiếc.

Vào ngày 7 tháng 5, sau nhiều ngày ngơi nghỉ, bốn phi công được lịnh thực hiện phi vụ thám thính ở Moresby. Mỗi người chúng tôi đều la lớn một cách vui vẻ khi nhận ra đồng đội của mình trong phi vụ này. Cả bốn chúng tôi đều là các phi công có cơ điểm cao nhứt phi đoàn. Tôi đã hạ được 22 phi cơ địch, Nishizawa 13, Ota 11 và Takatsuka 9. Tôi hy vọng hôm nay làm ăn lớn. Khi chúng tôi lượn vòng trên không phận Moresby, Nishizawa lắc cánh báo hiệu và chỉ hướng mười chiến đấu cơ địch trong đội hình hàng dọc, từ ngoài biển đang lướt đến chúng tôi, cao hơn nhóm phi cơ chúng tôi khoảng 2,000 bộ (600m). Nishizawa và Ota lập thành mũi dùi, với Takatsuka và tôi bay ngay phía sau, thấp hơn chút ít. Bốn chiếc P40 địch liền tách rời khỏi đội hình và bổ nhào xuống.

Tức khắc, bốn chiến đấu cơ Zéro bật mũi lên gần như thẳng góc thay vì lộn nhào để né tránh và phân tán như phi công địch hy vọng. Chiếc P40 đầu tiên vội vã vượt lên trong một vòng xoáy trôn ốc, cố thoát khỏi cái bẫy do chính nó giăng ra. Bụng phi cơ địch sáng loáng trước mắt tôi. Nhanh như chớp, tôi thảy ngay một dây đại bác. Cánh chiếc P40 đứt lìa. Tôi lấy lại thăng bằng và nhìn thấy mỗi chiếc Zéro đánh bật một chiếc P40 ra. Tất cả đều biến thành cây đuốc. Sáu chiến đấu cơ địch còn lại đang ở trên chúng tôi. Chúng tôi phân tán qua phải và trái, vượt lên bằng những vòng xoáy trôn ốc, và lấy thăng bằng theo hình vòng cung, đồng thời các khẩu đại bác đều hoạt động.

Thân ba chiếc P40 tan rã bốc cháy. Ba chiếc còn lại cắm mũi chạy luôn.

Vào ngày 8 và 9 tháng 5-1942, tôi tiêu diệt thêm hai chiến đấu cơ địch nữa, một chiếc P39 và một chiếc P40 qua những nhát chổi liên tiếp trên không phận Moresby. Vào ngày 10, tôi lại bắn rơi một chiếc P39 với thành tích tiêu thụ đạn ít nhất, chỉ bốn quả đại bác 20 ly, trong một phi vụ trên biển San Hô với Honda và Yonekawa.

Hôm ấy, sau 15 phút tuần thám, chúng tôi bắt gặp một chiếc Airacobra độc hành, bay chậm, cách 1,000 thước phía trên chúng tôi. Viên phi công có vẻ như đang ngủ mơ; cứ tiếp tục phi trình thẳng tắp không đếm xỉa gì đến chúng tôi đang tiến đến gần. Tôi vượt lên từ bên dưới bụng hắn, ở vị trí không cho phép hắn nhìn thấy. Honda và Yonekawa bọc thấp hơn nữa, phía bên dưới tôi 200 thước.

Khó tin vô cùng là chiếc P39 cứ tà tà cho chúng tôi áp gần. Viên phi công địch không chút nghi hoặc chung quanh. Tôi chỉ còn cách 20 thước, cơ hội quá tuyệt, tôi chụp lấy chiếc máy ảnh Leica mua trong kỳ nghỉ phép và bấm nhiều tấm. Rồi tôi nhìn đồng hồ: 242 cây số giờ. Tôi ghi nhanh con số như vận tốc phi hành của chiếc P39. Ðội hình kỳ quặc của ba chiếc Zéro với một chiếc Airacobra kéo dài một lúc. Honda và Yonekawa sẵn sàng khai hỏa ngay khi viên phi công Mỹ nhận ra sự có mặt của tôi và tìm cách thoát thân bằng cách đâm bổ. Vươn lên khẽ khàng, tôi lạng nhẹ sang phải. Tôi có thể trông thấy rõ ràng gương mặt viên phi công Mỹ. Không bao giờ tôi hiểu vì sao hắn đã không quan sát chung quanh. Tôi ngắm nghía gã to con đội mũ lưỡi trai trắng nhiều giây, rồi định vị mình phía sau hắn, hơi cao hơn chút ít. Tôi nhắm kỹ lưỡng và ấn nhẹ lên cò súng. Hai khẩu đại bác ho khan, hộc ra bốn viên 20 ly. Hai viên phá nát cánh phải của chiếc P39 và hai viên trúng chính giữa thân. Chiếc Airacobra gẫy đôi, rơi tòm như chong chóng xoay trong một điệu múa điên trước khi rã ra từng mảnh. Không thấy viên phi công nhảy dù.

Kỳ sau: Chương 13

Đại úy Junichi Sasai

Saburo Sakai, Đông Kinh 1956

Bản Anh ngữ của Martin Caidin, New York 1956

Bản dịch Nguyễn Nhược Nghiễm, Sài Gòn 1972

Trần Vũ hiệu đính theo bản Pháp văn của Robert de Marolles,

Nxb Presses de la Cité, 1957.

Minh họa từ trang War Thunder và Squadron Signal Publications