Thời gian qua tiết mục Trong Hầm Rượu trên Tuần san Trẻ đã giới thiệu đến bạn đọc ba tập 15 Truyện Mùa Xuân, 15 Truyện Rừng và 15 Truyện Biển do Nhà Sống Mới in tại Sàigòn đầu thập niên 70. Từ tuần này tiếp tục với 15 Truyện Mạo Hiểm vẫn do Nguyễn Mạnh Tuân phóng tác. [Trần Vũ]
Cánh quạt trần quay với tốc độ nhanh nhất vẫn không đủ xua đuổi cái nóng ghê gớm buổi chiều xuân miền nhiệt đới. Đấy là căn nhà gỗ cao đẹp nhất trong vùng, chênh vênh ngay đỉnh đồi, dưới tàn lá tưởng chừng mát rượi, mà còn oi bức như vậy. Li nghĩ thầm:
– Giá mình phải ở trong nếp nhà lá của thổ dân, chắc chẳng mấy hồi chín vàng như heo quay!
Li tới thay bạn trông coi cơ sở khai thác lâm sản vùng cao nguyên; Bốp đã có tuổi, cơ thể sắt đá của anh bắt đầu chịu thua thứ khí hậu thất thường nơi đây; vậy mà nhìn nước da sậm màu gạch với những nếp nhăn nơi khóe mắt của Bốp, Li vẫn thấy khuôn mặt dạn dày nắng gió của bạn có chút gì tươi trẻ, cái tươi trẻ đặc biệt chỉ tìm thấy ở những con người sống ngoài trời.
Điều anh lấy làm lạ nhất là bất cứ thổ dân nào, mỗi khi gặp Bốp đều tỏ vẻ kính cẩn lạ lùng; họ chào Bốp với một câu gì đó, và bao giờ cũng tận cùng bằng mấy tiếng:
– …Ra măm ba ra!
Anh hỏi Bốp, mắt ánh lên đôi chút tinh nghịch:
– Này!… Tại sao họ không kêu anh là Bốp, mà cứ Ra-măm ba-ra hoài vậy?
Bốp nhếch miệng cười:
– Họ biết tên tôi chớ!… Song vẫn gọi như vậy để nhắc lại chuyện xảy ra ngày xưa, hồi tôi mới tới đây kia!…
Bây giờ thì Li ngạc nhiên thật sự:
– Mà Ra-măm ba-ra…là gì vậy?
Bốp thong thả nhồi thuốc vào chiếc tẩu làm bằng một đốt xương cá sấu, dùng lâu ngày đã lên nước vàng bóng như thứ ngà voi đắt tiền. Anh bập một hơi dài, mơ màng nhìn khói thuốc mờ nhạt tỏa theo gió chiều… Anh chưa trả lời Li vội, còn nheo mắt ngắm chiếc tẩu đặc biệt, nâng niu trong tay, rồi mới thủng thẳng nói:
– Theo tiếng thổ dân thì là “Thần cá sấu”!…
Li phì cười:
– Thì ra anh là thần cá sấu?
Bốp gật đầu:
– Chính vậy… Ít ra dưới mắt họ tôi cũng là một thứ siêu nhân chế ngự được cá sấu… Thực ra chuyện thế này:
–oOo–
“…Ngày đó tôi mới lên làm ăn trên cao nguyên, khoảng 20 năm trước, trong vùng còn vắng hoe, tôi gần như là người miền xuôi độc nhất dám đặt chân lên chốn rừng thiêng nước độc này… Tất nhiên thổ dân chẳng ai ưa tôi, họ sợ đôi chút, nhưng ghen ghét thì nhiều: con người ác cảm với tôi nhiều nhất là lão phù thủy Koi, lão chỉ lo tôi làm mất oai quyền trước đám thổ dân man rợ vẫn bị bùa phép của lão chế ngự từ xưa.
Đôi ba lần lão tính hại tôi… Một lần lão cho mang biếu tôi nải chuối mật, thứ chuối đặc biệt ở vùng này, vỏ dày, sẫm màu mật, ăn vừa ngọt vừa thơm… Nhưng ngay dưới nải chuối có con rắn khô mộc nằm cuộn tròn. Anh biết rắn khô mộc rồi chứ gì?… Hình thù nó như cành củi khô, mà đã cắn là hết gỡ… May cho tôi, bữa đó trời trở lạnh, con rắn không chịu mổ ngay… Đợi tới lúc tôi hất rơi xuống đất, nó mới chồm vào bắp chân gã đầy tớ của lão… Thành thử bữa đó lão thiệt mất tên học trò trung thành.
Từ ngày ấy, tôi hết sức cẩn thận, nên lão tính đánh thuốc độc bằng phân sâu râu cọp mà không được…
Chắc anh chưa nghe nói thứ thuốc độc ghê gớm này phải không?
Những tay phù thủy mạn ngược hay gây một loại sâu bằng cách cắm sợi râu cọp vào măng tre. Trong vòng trăm ngày, thân măng khô quắt đi, làm nẩy nở thứ sâu đặc biệt có chất phân độc vô cùng… Chỉ một chút xíu bằng đầu tăm pha trong chén nước, đủ làm chết một người khỏe mạnh…
Lâu dần, thổ dân biết tôi là người tốt, họ bắt đầu gần tôi hơn… Họ không dám tới ban ngày, sợ lão Koi thù… Tôi biết chút thuốc men, nên một số nhờ tôi mà khỏi bệnh. Từ đấy, bùa chú của lão phù thủy ít người dùng. Lão càng ghét tôi đẫy!…
Tình hình giữa tôi và lão đang vào hồi găng nhất thì xảy ra việc dân trong vùng bị mất tích một cách kỳ dị: một số trẻ con đang bì bõm tắm ở mé sông bỗng biến mất trong chớp mắt… Không cứ trẻ con, cả đàn bà ra sông giặt giũ đôi khi cũng không thấy trở về… Dân trong bản bắt đầu cho là thần sông nổi giận, đã tính đến chuyện cúng cáp. Họ chưa kịp tổ chức lễ cầu an thì bữa đó lão Tom bị cá sấu đớp… Lão Tom làm nghề thuyền chài, lão vừa lội xuống nước gỡ lưới, tay còn bám vào mạn thuyền, đã bị con cá sấu táp ngang lưng, lôi đi mất… Cả chục người còn trông rõ đầu sấu to như tấm phản, miệng há hốc, đỏ lòm, có hàm nanh nhọn, trắng nhởn… Tiếng gào thất thanh của lão Tom làm họ chết khiếp, đứng sững, chẳng ai nghĩ chuyện cứu lão nữa!
Theo lời họ, dễ con sấu phải dài trên chục thước!
Mỗi khi gặp chuyện khó khăn, thổ dân đều chạy tới thầy phù thủy. Lần này cũng vậy, lão Koi dạy họ đem lưới căng vào vách sông đón đường con sấu… Giá con vật nhỏ đôi chút, chắc họ có thể thành công, nhưng lần này con sấu lớn quá… Chẳng lưới nào cản nổi… Lưới đan bằng thừng lớn như cổ tay cũng đứt bung!…
Cuối cùng lão đành chịu phép nói láo: con sấu khổng lồ này chính là Thần Sông… Phải cúng mới yên được!
Thế là cả bản theo lão ra tận bờ sông, cúng cáp chán rồi để lại đó một con bò mộng tế thần… Thần tha mất bò ngay đêm ấy… Nhưng hai ngày sau, Thần lại mò vào tận lều lôi thêm một người đánh cá ở ven sông, giữa lúc cả làng đang ngủ say… Kẻ đáng thương này kêu thét tới độ mọi người thức giấc, nhưng chẳng ai dám ra khỏi nhà… Con sấu tha người dễ dàng như cáo tha gà!…
Dân bản hết tin tưởng vào lão Koi… Họ chỉ còn trông cậy có tôi để giúp đỡ… Chiều bữa đó, mươi người tới thăm tôi:
– Thầy Hai nhủ lòng thương dân trong bản với… Không trừ nổi con sấu thì hết đường làm ăn… Dân chết đói hết!
Họ nói thực: đời sống ở đây khó khăn, phải qua sông mới tới cánh rừng sẵn măng, nấm, trầm hương… Mà ai dám qua sông lúc này!
Tôi nhận lời cho họ yên lòng, nhưng trong bụng chẳng chắc phần nào!… Tôi đã nhiều lần bắn cá sấu nên biết trước công việc không dễ dàng gì: da nó dai ghê gớm, đạn hơi chếch là trượt đi ngay… Mà không hạ được bằng phát súng đầu tiên, nó lặn mất tăm, phải hàng ngày trời mới nổi lên… Vả lại tôi cũng ngại: lỡ ra không giết được con sấu thì mất hết uy tín! Thổ dân sẽ coi tôi ngang với lão Koi, chắc vậy!
Tôi suy nghĩ kỹ càng rồi bắt tay vào việc.
Công việc thứ nhất của tôi là ra bờ sông, quan sát đường đi lối lại của con vật… Theo dấu chân trên lớp bùn ẩm thì con sấu phải lớn ghê gớm, dài cả chục thước lận. Nó sống lâu nên khôn lắm, chỉ lập lờ giữa dòng sông hay dìm mình trong bùn lỏng, giữa đám lau sậy mọc như rừng. Dù tôi có ngồi rình cũng khó gặp nó lúc ban ngày; còn ban đêm thì làm sao nổ súng trúng được khoảng huyệt phía đuôi mắt nơi độc nhất có thể làm nó chết tức khắc?…
Cuối cùng, tôi nghĩ được một cách, tôi giết con dê non moi hết ruột gan, nhét một túi lớn đất đèn vào trong. Tôi cho đem con mồi đặt sát mé sông, nơi nhiều vết chân sấu nhất.
Đêm ấy, con sấu mò tới tha dê đi mất. Tôi hồi hộp chờ đợi, băn khoăn không hiểu kế hoạch của mình có thành công không?… Nếu con vật dìm mồi cho nát rồi mới ăn thì hỏng!… Tôi đã cẩn thận chọn con dê non, vừa vặn cho nó nuốt chửng, có vậy mới hy vọng hạ nổi nó. Khoảng xế trưa, dân chúng kéo tới nhà tôi:
– Thầy Hai à!… Thần Sông đòi ăn nữa cà!
Tôi ngạc nhiên:
– Vậy sao?
– Thần vùng vẫy dữ lắm, không chịu lặn xuống nữa!
Lần này thì tôi hiểu: thế là con sấu nuốt mồi rồi! Đất đèn gặp nước, bốc hơi, làm chướng bụng nó lên. Nó sẽ nổi trên mặt nước cho tới khi đá tan hết: như vậy đủ cho tôi hạ nó. Tôi bảo viên tù trưởng:
– Cho chiếc thuyền lớn với 4 tay chèo lành nghề… Tôi đánh nhau với thần sông ngay bây giờ!
Cả bản kéo ra bờ sông chứng kiến trận đấu sanh tử giữa tôi và con sấu. Lão Koi cũng đứng đó: chắc chắn lão cầu trời, khấn phật cho tôi bị con vật nuốt chửng như con dê non!
Con sấu cố hết sức vùng vẫy lặn xuống mà không được: bụng nó lớn gần gấp đôi lúc thường, nên trông càng khủng khiếp. Chắc đất đèn sôi lên trong dạ dày làm nó đau đớn lắm thì phải, chốc chốc lại nghe tiếng rống như bò… Cả khúc sông cuộn sóng, nước tung tóe, chiếc thuyền độc mộc của tôi mấy lần suýt chìm, thành thử tôi chưa dám nổ súng. 4 gã trai tráng chèo thuyền cứ nằng nặc đòi quay thuyền lại, họ sợ run cả chân tay, mặt mày xám ngắt. Tôi vừa khuyến khích vừa dọa nạt, bắt nhích thuyền lại gần để bắn cho chính xác… Cách con sấu khoảng 15 thước, họ nhất định gác chèo, ỳ ra đó… Tôi không còn cách nào, đành nâng súng lên vai… Nhưng đúng vào lúc đó, có lẽ con vật biết tôi sắp hạ nó, nên không thèm chạy nữa, quay phắt lại, đâm nhào về phía thuyền…
Bây giờ nghĩ lại tôi còn rùng mình!… Anh tưởng tượng coi: cả cái miệng há hốc như chiếc tủ đứng mở rộng, đỏ lòm, với 4 hàng nanh nhấp nhô, dài hàng gang, nhọn như mũi dao… Từ đàng xa lao tới, cuộn lên những đợt sóng vũ bão, ngay giữa dòng sông sâu…
Tôi nổ súng liên tiếp ba lần… Con sấu khựng lại quặn mình, quẫy đuôi đập xuống mặt nước… Tôi nghĩ chừng giá chiếc ghe mành trúng nhát đập đó cũng tan từng mảnh, đừng nói con thuyền mỏng manh của tôi. Vậy mà cũng mấy lần tôi lao đao suýt ngã lộn xuống nước… Tôi nghĩ thầm:
– Giá con sấu không chết, chắc chúng tôi nguy với nó.
Nhưng con vật cũng kiệt sức rồi… Nó phơi chiếc bụng trắng bong lên trời, co duỗi 4 chân vài nhát rồi nằm yên, lập lờ trôi theo dòng nước…
Tiếng hò reo hai bên bờ sông vang lên; tôi thấy nhẹ người, như vừa cất được gánh nặng.
Dân trong bản xúm lại, mang thừng chão, kéo con vật lên bãi; tôi chưa từng gặp con sấu nào lớn như vậy: mười ba thước rưỡi bề dài!… Riêng cái đầu cũng hơn hai thước, ghê chưa!
Từ đó, họ gọi tôi là “Thần cá sấu”, như anh thấy đó!
Li gật gù:
– Kể ra cũng xứng đáng chứ!… Nhưng còn lão Koi?
Bốp nhún vai:
– Lão là kẻ thông minh… Lão biết không thể lấy lại lòng tin của dân trong bản, nên bỏ đi nơi khác làm ăn. Như vậy là phải!
Anh mỉm cười, giơ chiếc tẩu lên ngang mắt, ngắm nghía:
– Cả con sấu lớn như vậy, tôi chỉ còn giữ có mẩu xương này làm kỷ niệm. Nghĩ cũng thú!
NMT phóng tác
(Theo Galet)
Trần Vũ đánh máy lại tháng 10-2023 từ tuyển tập 15 Truyện Mạo Hiểm của Nxb Sống Mới in tại Sàigòn trước 75.