Nguyễn Tú An phóng tác

Trước đây lão là thủy thủ tàu buôn, nhưng lão bỏ tàu từ hồi hai mươi lăm tuổi để theo nghề đánh cá.

Lão nâng ly rượu tôi mời, tợp một ngụm rồi lắc đầu:

– Thực ra tôi làm nhiều nghề rồi, nhưng chỉ ít lâu là chán. Tới nghề câu cá mập này tôi mới thấy thú… Vả lại, mình cũng già rồi…

Có một hồi lão theo toán mò trai ở ven biển Trung Ðông.

– Mò trai kiếm khá lắm!… Ðám trai có ngọc kết từng đám dưới đáy sâu chừng tám chín thước, nạy lên chẳng khó khăn mấy. Có điều chỗ nào sẵn trai là hay có cá “thủy lôi”… Thầy chưa biết loại đó, chỉ bằng nắm tay thôi, động tới nó là chân tay phỏng như chuột lột ngay. Người nó có điện mà!… Nhưng chưa nguy bằng loại hàu, to bằng cái mâm, nặng hàng tạ, nằm há miệng đớp mồi… Lớ ngớ giẫm vào, miệng nó ngậm lại nhanh như máy, chỉ có nước chặt đứt cẳng mà nhoài lên cho khỏi chết ngộp! Nghĩ cũng sợ!

Vậy mà lão sống trong nghề này cả ba bốn năm trời. Những vùng biển có tiếng là nguy hiểm nhưng có ngọc đẹp đều có vết chân lão.

Lão bảo tôi:

– Chúng nó nhát chứ tôi thì bất chấp… Phía cù lao Ré, trai già năm, ngọc bằng viên bi ve, óng ánh như cầu vồng, nhưng ở đó lắm cá nhám, ai cũng ngán… Thế mà tôi dám lặn đấy!… Có bộ đồ đen mặc vào người, chẳng hiểu sao, cá chỉ lượn quanh rồi bỏ đi… Thực kỳ!

Lão cạn ly rượu, cười khà:

– Vậy mà số không giàu, tiền vẫn đi đâu hết, thầy ạ!

Tôi cười theo:

– Chưa tới lúc đó chứ!… Gan dạ như lão sao cũng phải hơn người mà!

Lão có vẻ đắc chí:

– Ấy, mò ngọc chán, tôi đi mò tàu đắm ngoài khơi… Lắm chuyện phát tài.

– Gặp tàu chở vàng bạc thì mới khá, chứ tàu buôn đâu có gì?

Lão xua tay:

– Tàu chở vàng bạc bây giờ hiếm hoi lắm. Chỉ gặp toàn tàu buôn với du thuyền, có gì nhặt nấy. Bọn khách trú mua tuốt…

– Chuyến nào khá nhất?

– Chuyến gần hòn Rùa… Con tàu đụng đá ngầm chỉ vài phút là chìm, chẳng ai thoát ra được. Tàu chìm tới hai mươi thước, lại gặp chỗ nước xoáy. Chẳng anh nào dám mò xuống. Tôi một mình một chợ… Tới đáy biển đập vỡ cửa kính, lọt vào khoang… Quang cảnh trông rợn người: bảy tám chục hành khách còn ngồi sắp hàng quanh bàn ăn, mắt mở trừng trừng như người sống. Tôi hốt hết nhẫn kim cương, vòng ngọc rồi lần tới két bạc, giấy bạc còn chưa ngấm nước!… Tôi vừa lê khỏi thì cá mập kéo tới… Cả chục con chúi vào trong tàu ngốn xác chết… Thành thử khi công ty cho thợ chuyên nghiệp đến, không anh nào dám lặn nữa, đành phải bỏ…

Lão chỉ con tàu đánh cá:

– Có vậy mới sắm nổi chiếc tàu này với đồ nghề đi biển. Tôi đâm sợ nghề lặn… Không bỏ mau, cũng có ngày ngủ trong bụng bạch tuộc hay cá mập mất!

Xem thêm:   Nhạc sĩ Anh Việt Thu & dòng An-Giang hiu hắt

Kể ra tàu của lão đẹp nhất bến, dài trên mười thước, gỗ tốt, sơn bóng lộn, vừa chạy máy vừa chạy buồm được. Lão có vẻ là thủy thủ của chiếc tàu hơn là thuyền trưởng. Người lão cao lênh khênh, đầu trọc lóc, hai gò má nhô lên, mắt lại lõm sâu vào. Lông mày, lông mi gần như biến đâu hết. Lão ngót năm mươi, nhưng cho là ba mươi hay sáu mươi cũng được. Hạng người này gần như không có tuổi, cũng như người Tàu. Khắp người lão tỏa ra một cái gì mòn mỏi, chán chường… Nghị lực chỉ cổ động trong ánh mắt, lấp loáng như ngọn lửa trong đôi đồng tử còn đen nhánh.

Lão mở máy cho tàu ra khơi, đem theo tôi với đứa cháu trai chừng mười lăm, mười sáu.

Gió biển lồng lộng. Sóng rạt rào. Không khí trong sạch một cách kỳ lạ… Tôi thấy người nhẹ bổng, khoan khoái như vừa được tắm trong dòng suối mát.

Lão trỏ tay ra xa:

– Cuối năm ngoái, tôi đang cho tàu neo đêm ở đó thì gặp con cá voi gặp đàn cá gươm rượt… Tôi theo dõi chúng bằng ống nhòm. Dưới ánh trăng, tôi có cảm tưởng như sống lùi về thời tiền sử. Trong lúc lũ quái vật tranh nhau làm bá chủ biển khơi… Xô xát vài phút, con cá voi lặn mất tăm ngay… Vậy mà tôi cũng thấy sợ, thao thức cả đêm. Sáng hôm sau, tôi cho tàu ghé lại, nhưng chẳng còn dấu vết gì… Xế trưa, gặp một tảng bọt biển, nổi lều bều… Tôi tò mò vớt lên xem, ngửi có mùi hắc như xạ… Mãi tới khi về bến, hỏi ra, mới biết đó là long-diên-hương… Thứ này trong ruột cá voi. Cá gần chết mới nhả ra. Các hãng mỹ phẩm chuộng lắm, họ dùng để chế nước hoa hảo hạng… Có người trả được trăm ngàn, tôi bán ngay… Thực là của trời cho!

oOo

Lão Tám câu có vẻ khoa học lắm. Lão dùng mồi toàn ruột cá mập, quấn chắc vào lưỡi câu. Dây câu là dây cáp bằng ngón tay út. Khó có thứ cá nào dứt đứt được! Cứ năm sợi dính vào chiếc phao dài, bằng gỗ ban sa, nổi như nút chai. Ngay mũi tàu có cần trục để kéo dây, lôi cá. Công việc hóa ra nhẹ nhàng hơn.

Thằng Chát, cháu lão, đã thành thạo lắm. Gần như một mình nó điều khiển con tàu. Lão Tám và tôi chỉ ngồi chuyện vãn, dưới ánh trăng. Lão nói luôn miệng. Ðó là tật chung của người già: họ có nhiều kỷ niệm quá!

Lão bảo tôi:

– Câu cá bằng tàu như vậy vừa chắc ăn vừa yên thân… Dùng thuyền nhỏ nguy hiểm lắm. Trời nổi giông là lật như bỡn…

Vui miệng, tôi hỏi lão:

– Lão đã gặp chuyến nào như vậy chưa?

Lão chỉ thằng Chát đang gò lưng kéo cá phía mũi tàu:

– Trước ngày sắm được chiếc tàu này chứ đâu!… Tôi, thằng nhỏ với A-Koong cùng ra khơi, câu đêm… Khoảng gần sáng, trời nổi cơn giông. Thuyền chúng tôi còn vòng theo mấy con cá lớn nên quay trở không kịp, bị sóng lật. Tôi đành cắt dây cho cá trôi đi rồi lấy thừng buộc người vào thuyền. Sóng to, gió lớn, chẳng tài nào ngửa thuyền lên được, đành nằm ỳ ra đó.

Xem thêm:   Đại Tá Hoàng Cơ Lân - Y sĩ nhảy dù đối đầu với Việt Cộng

Tôi với thằng Chát nằm đằng lái, ôm hai chiếc phao. A-Koong nằm đằng mũi, quấn hai ba vòng thừng gai vào người. Anh ta mập quá nên chốc chốc thừng lại nới lỏng ra.

Tưởng giông gió chốc lát, ai ngờ cơn bão kéo dài tới trưa hôm sau. Tôi mệt rã rời. Thằng Chát tỉnh táo hơn nhưng cũng rét run bần bật. A-Koong bị sóng nhồi, bất tỉnh luôn… Tôi chẳng có cách nào cứu y được. Từ mũi tới lái cách khoảng năm thước, mà chiếc thuyền lúc lên cao vòi vọi, lúc như thụt xuống hố sâu… Hơi nhúc nhích là sợ lăn xuống nước. Không có dây buộc, chắc chúng tôi chết hết rồi… Tới chiều thì tạnh mưa, nhưng sóng dữ. A-Koong lịm đi từ hồi nào, thõng một nửa người xuống nước. Y dính vào thuyền nhờ một cẳng còn vướng vào dây.

Vừa lúc tan cơn bão, biển lặn thì cá mập kéo tới… Thầy biết gì chứ!… Khi cá mập táp mồi nó lao nhanh tới như làn chớp…người hơi nghiêng há miệng đớp một tảng thịt, rồi lướt đi… Cái cảnh ghê rợn này, tôi với thằng nhỏ phải chứng kiến hàng giờ. Thực tội nghiệp!… Mắt thấy mà đành bó tay, để mặc đàn cá xâu xé A-Koong.

Xác y nằm đó có lợi cho chúng tôi phần nào, cá mập chỉ chú ý tới việc táp mồi… Nhưng cũng nguy hiểm lắm, vì máu ra nhiều, cá kéo đến mỗi lúc một đông… Có tới cả chục con quanh thuyền rồi.

May mà toàn cá nhỏ cả. Tôi chỉ lo gặp con nào lớn thì khổ!… Dù sao, cũng phải thả A-Koong xuống biển cho mau. Giống cá mập lớn kỳ lắm, vừa thâm vừa bạo, đã táp mồi là lôi thực mạnh; dám lôi chìm thuyền không chừng!… Tôi đành liều, nhích từng phân một cho tới mũi thuyền, cắt dây cho A-Koong tuột đi… Trong giây lát đàn cá biến mất, cùng với A-Koong.

Khi được người ta vớt lên bờ, cả tôi lẫn thằng Chát đã ngất đi từ hồi nào.

Tôi ngơ ngác mất cả tuần. Thằng nhỏ ốm một trận tưởng chết. Phải cả năm mới lại dám ra khơi.

oOo

Câu chuyện thực thê thảm!… Nhưng tôi biết lão không nói dối.

Thằng Chát đã nhanh tay lại thạo việc. Cá mập vừa cắn câu, nó đã cuốn dây lôi vào mạn tàu. Nó bảo tôi:

– Chậm một chút những con khác xông vào táp mất hàng tảng thịt ngay, rồi thầy coi!

Lúc nào cá bu đông quá, nó liệng vài tờ báo xuống biển. Cá mập màu đen, nhưng thấy màu trắng là kéo tới ngay.

Vậy mà có lần nó chỉ lôi lên được nửa con cá gươm hay độc mỗi cái đầu cá mập máu me đầm đìa; thân cá đã chôn trong bụng đồng loại hồi nào.

Khoảng gần trưa, lão Tám mới ra tay.

Thằng Chát phụ với lão. Nó cắt nghĩa cho tôi:

– Bác tôi đâm cá bây giờ đó… Lúc này sẵn cá lớn, câu vất vả lắm.

Xem thêm:   Miệng Nhà Quan ngày 22 tháng 2 năm 2024

Lão Tám móc vào đầu cần trục tảng thịt ôi. Thằng bé thả thịt xuống nước, nhưng cho ngập chừng gang tay thôi. Mùi thịt ôi nhử cá tới nhanh lắm. Lão Tám phóng lao thực tài tình! Lao của lão là thanh sắt nhọn, có ngạnh, lắp vào cán gỗ có dây cáp buộc vào thành tàu.

Mỗi lần thanh sắt vút đi, lão kéo về được một con cá. Lần nào ngọn lao cũng xiên phía dưới hàm, lút sâu vào bụng cá, vì lão đợi đúng lúc cá nghiêng mình táp mồi mới ra tay.

Thằng nhỏ thì thào với tôi:

– Bác cháu phóng tài lắm… Ðể lá bài cách cả chục thước, bác cháu chỉ nhích tay, lao đã trúng liền!

Cá trúng lao cũng vùng vẫy dữ lắm, nhưng không lôi nổi con tàu, nên chỉ lát sau là nằm chịu trận.

Tôi cầm thử cây lao thấy trĩu cánh tay. Không quen chắc phóng không nổi. Mũi lao có khía mũi khế, sắc như dao bào!

Khi đâm được cá, thằng Chát lại kéo vội tảng thịt lên. Thành thử mồi không tốn bao nhiêu. Công việc của nó khá vất vả: cá mập vừa áp mạn tàu, nó phải lấy dao bầu vạch một đường trên lưng cá cho đứt dây thần kinh, để con cá không giẫy giụa nữa; đoạn cầm thanh sắt nhọn xiên vào mắt cá… Thế là xong.

Cứ như vậy cho tới chiều, lão Tám đưa về bến cả chục cá mập. Lão nhẩm tính từng con một: da đáng bao nhiêu, gan đáng bao nhiêu, rồi vây, rồi thịt… Vừa tới bến đã có xe chờ sẵn. Cá của lão được đưa tới xưởng ngay. Cuối tuần mời lãnh tiền. Tôi đoán chừng món tiền không phải nhỏ.

Lão bảo tôi:

– Trời cho đều như thế này, sang năm thầy tới tìm tôi ở xưởng nấu dầu gan cá, nhé! Chắc chắn tôi có xưởng riêng rồi đó!

oOo

Vậy mà chỉ tuần sau, tôi nghe tin lão Tám phải vào nằm nhà thương. Lão bị thương nặng. Lúc tôi tới thăm lão còn mê man.

Thằng Chát vừa sụt sịt vừa thuật cho tôi nghe:

– Bữa đó bác cháu say rượu… Con cá lại lớn quá… Nó không táp mồi, mà lôi cả tảng thịt đi. Bác cháu phóng hai mũi lao một lượt, lại đứng không vững, nên vướng chân vào dây… Cá lôi mạnh, bác cháu té xuống nước… Rồi cháu thấy, máu đỏ ngòm… Cháu hết cả hồn… Lôi được bác cháu lên thì đã mất một tay…

Tôi thở dài: thực sinh nghề tử nghiệp!

Nhưng lão Tám còn may: một tháng sau lão đã đi khơi được, có điều cánh tay phải của lão lúc này được thay thế bằng chiếc móc sắt.

Gặp tôi, lão tươi cười:

– Bữa nào ta đi chơi… Tôi đang tập phóng lao tay trái, nghe chừng cũng không đến nỗi dở, thầy ạ!

Tôi thành thật sung sướng thấy lão vẫn yêu đời. Với hạng người gan góc như vậy, năm tới lão là chủ nhân một xưởng nấu dầu gan cá mập cũng không có gì lạ!

NTA phóng tác (Theo F. POLI)

Nxb Sống Mới, Sàigòn 1970

Trần Vũ đánh máy lại tháng 5-2023