Hải đăng! Hai chữ này thôi gợi lên biết bao suy tưởng về những bí mật bên trong tòa tháp đêm đêm thắp sáng đại dương xa xôi… In vào tâm trí dân miền Nam trước 75 là cuốn Ngọn Hải Đăng Ở Tận Cùng Thế Giới của Jules Vernes mà vào năm Yul Brynner 71 chuyển thành phim Le Phare Du Bout Du Monde (The Light At The Edge of The World), với tài tử gạo cội Kirk Douglas và tài tử  đầu trọc Yul Brynner. 

Hai tác phẩm nữa dịch sang tiếng Việt cũng kể chuyện hải đăng là To The Light House của Virginia Woolf và Les Phares Maudits của Henri Dumoulin. Chính trong 15 Truyện Biển, Nguyễn Tú An đã phóng tác một trong những truyện ngắn của tập Những Ngọn Hải Đăng Bị Nguyền Rủa này. Trần Vũ

Nguyễn Tú An phóng tác

Ông Tư Ðèn cười ha hả. Tiếng cười của ông luôn nở nang, cởi mở, ròn rã như câu chuyện ông kể bao giờ cũng vui như Tết! Chúng tôi quen gọi ông là Tư Ðèn vì ông coi hải đăng tới gần ba chục năm lận… Bây giờ hưu trí rồi, ông sống phong lưu với vài mẫu vườn vùng ngoại ô châu thành, bán cây trái, nuôi gà vịt… Cái thú của ông là nhắc lại những kỷ niệm cũ cho bọn hậu sinh nghe.

Bữa đó, ngồi coi chúng tôi hun hang chuột, ông vui miệng thuật chuyện chuột vây người ngoài hải đăng. Câu chuyện khá ly kỳ. Chúng tôi có đứa tỏ ra không tin, ông chỉ cười ha hả:

– Ngọn hải đăng giờ còn đó… Một người trong đám bị vây là tôi đây… Ðể tôi kể đầu đuôi, các em nghe!

o O o

“…Ngày ấy tôi còn trẻ lắm, mới ngoài đôi mươi. Ðang cần tiền lại gặp lúc nhà nước tuyển người coi hải đăng Hòn Khói, tôi xin đi. Những chỗ làm ăn ngon lành chẳng bao giờ tới lượt mình; nơi mỏm đá chênh vênh heo hút này lại chẳng ai thèm, nên tôi được nhận việc ngay.

Mỏm đá ngoài khơi trên đó ngọn hải đăng được dân quanh vùng gọi là đảo “xương khô”: nguyên ngày trước có nhóm giặc Tàu-ô bị quân ta đuổi đánh, dạt vào đó rồi chết đói chết khát ngay trên đảo. Khi xây hải đăng, đào chỗ nào cũng thấy xương phơi trắng hếu… Trông phát rợn người!

Họ còn nói những đêm tối trời, hay giông gió, đám xương khô lấp lóe như ma trơi, kéo nhau lang thang trên đảo, khóc lóc nỉ non… Ô!… Chuyện mê tín, ai mà tin. Nhưng ở chỗ hẻo lánh quá, mình cũng đâm sợ. Ðược cái hải đăng xây cất vững chãi lắm; hòn đảo lại khá rộng, khoảng ngàn thước vuông, nên không đến nỗi tù cẳng. Xung quanh toàn đá tảng, dựng đứng trên vụng bể sâu thăm thẳm. Lúc nào mặt nước cũng phơ phất mươi vây lưng cá mập. Không may trượt chân ngã xuống là rồi!…

Nhóm nhân viên có bốn người: ba người canh đèn, một người nghỉ phép. Công việc nhàn như không: ngày lau đèn, tối mới thắp, rồi chỉ ngủ hay đi câu… Ðồ ăn thừa thãi, không khí tốt lành, đứa nào cũng tròn vo. Nằm chán lại mong cho chóng tối để nhìn ánh đèn sáng chói từ trên cao năm chục thước rọi ra tứ phía… Cái hơi dầu lửa cháy mà sáng gớm!… Bằng hai chục ngàn cây nến đó!

Tôi làm được gần nửa năm… Tưởng chừng nhàn nhã như vậy, làm suốt đời cũng được! Cho tới đêm đó thì xảy ra chuyện chuột… Rõ thật khổ!

Thằng Sáu về phép, còn có thằng Duy, thằng Ðạm và tôi ở lại. Duy đánh cờ với tôi. Ðạm ngồi trên chòi canh. Chợt nó gọi to:

– Hai cậu lên coi… Kỳ lắm!

Mà kỳ thực: trong ánh đèn chiếu ra biển sáng như ban ngày, rõ ràng chúng tôi trông thấy chiếc tàu buồm từ từ tiến lại đảo. Thường ít có tàu bè đi gần hải đăng, ai cũng biết ngọn đèn chỉ được dựng ở những ven biển lắm đá ngầm, dễ gây tai nạn… Ghé gần làm chi… Thành thử đang đêm thấy tàu đến, chúng tôi tưởng mình mê ngủ chắc!

Thoạt trông, tôi biết ngay đó là tàu buôn, loại tàu chuyên chở hàng hóa đi đường biển, ghé các bến lớn. Ðạm lắc đầu:

– Ðiên à… Hay họ say rượu… Ðèn sáng như vậy mà không thấy đường sao?

Duy ngẫm nghĩ rồi nói:

– Sợ không có ai trên tàu chớ… Có người thì đã chẳng vậy.

Xem thêm:   Lùng bùng cứu trợ

Tôi nghĩ Duy nói đúng, vì con tàu lượn lờ theo hướng gió, lúc lại gần, lúc ra xa. Tôi đã nghe chuyện đôi khi tàu gặp nguy, thủy thủ bỏ tàu thoát lấy thân; con tàu may mắn không đắm, trở thành thứ tàu lang thang, trôi dạt trên mặt biển cho tới lúc đụng phải đá ngầm, tan ra từng mảnh… Chiếc tàu buôn này chắc cũng vậy.

Có lúc nó tới gần lắm, tôi nghe rõ tiếng buồm chuyển mình kẽo kẹt… Chợt gió đổi chiều, tàu lại vút ra xa, như đi trốn.

Dưới ánh đèn rọi, con tàu trông còn sạch sẽ, chưa đến nỗi nào. Duy thắc mắc hoài:

– Tàu như vậy, sao họ bỏ nhỉ?… Buồm còn nguyên, không thấy vết cháy, vết bổ gãy nào…

Thường thủy thủ chỉ bỏ tàu vì sợ cháy, sợ đắm… Ðằng này, chắc có lý do khác đây!…

Con tàu đã ra tít ngoài khơi, lại theo gió dạt vào… Cứ lững lờ như vậy… Ðôi lúc nó ngả nghiêng, loạng choạng như người say khi gặp phải xoáy nước: nhưng lần nào cũng lấy lại được thăng bằng để lùi ra xa… Coi mãi chán mắt, chúng tôi bảo nhau chờ tới sáng xem sao?

Khi nắng lên, tàu còn đó, cách đảo còn vài trăm thước, bập bềnh như đang chọn hướng đi. Tôi vớ chiếc ống nhòm coi cho rõ. Trên sườn tàu, đằng mũi, rành rành hiệu tàu Hòa Lan. Ðiều này dễ hiểu, vì thời đó, tàu buôn lớn phần nhiều là tàu Hòa Lan cả.

Lúc này gió thổi mạnh, con tàu nghiêng đi buồm phần phật bay, rồi bất ngờ, nó tiến thẳng lại khoảng đá ngầm ngay chân đảo…

Ðạm la lên:

– Chuyến này đắm mất!

Duy xuýt xoa:

– Hoài của… Tàu còn tốt quá!

Tiếc mà chẳng làm gì được, chúng tôi biết tại sao đám thủy thủ phải bỏ tàu mà đi. Ðúng vậy!… Chuột, đối với các anh chẳng nghĩa lý gì, vì các anh chỉ biết có thứ chuột trên đất… Chuột đồng, chuột thành phố. Ðó là loại chuột vứt đi, èo uột, chẳng đáng mang tên chuột… Ðo từ đầu mõm tới chót đuôi chưa tới ba mươi phân chứ gì!… Chuột chính cống phải là thứ chuột trên tàu đi biển, vừa to, vừa dài, vừa gân guốc, vừa nhanh nhẹn… Hạng chuột này chẳng sợ sóng gió, bất chấp thời tiết, lại biết bảo nhau… Có tổ chức như đoàn thủy thủ khéo huấn luyện vậy!… Mà bướng bỉnh, tai quái như giặc… Ðụng tới một con, để nó rít lên, là cả trăm con kéo tới nhảy lên đầu, lên cổ, lên tay… Cắn cho anh nát người mới nghe!

Giống chuột biển lớn con hạng nhất lại chính là giống chuột Hòa Lan, thế mới khổ!… Thực kinh khủng! Có người thuyền trưởng muốn chuột dưới tàu khỏi phá hàng hóa, nghĩ tới cách đem theo không phải mèo: mèo đâu đáng đối thủ của hạng chuột này mà là hai con chó “bun-đô” loại chó dữ nhất hạng đã được huấn luyện để săn chuột…

Vậy mà tàu vừa rời bến hai bữa, không ai tìm thấy đàn chó đâu: Cả bốn con đều bị lũ chuột xơi tái hết, đến mẩu xương cũng chẳng còn, trong vòng hăm bốn tiếng đồng hồ!

Chó đã vậy, thì đói quá chúng tha gì người!

Có thể vì thế, thủy thủ chiếc tàu Hòa Lan đã phải bỏ tàu cho đàn chuột thắng thế hơn… Cũng có thể họ bị chúng ăn thịt hết cũng nên… Vì tôi thấy hàng xuồng cấp cứu còn nguyên vẹn, ngay mạn tàu, chẳng thiếu chiếc nào!

Chuột nhiều ghê gớm: trên boong, trên cột buồm, trên thừng chão, đằng mũi, đằng lái, chỗ nào cũng thấy những chấm đen, lổm ngổm bò… Vậy mà con tàu đó xông thẳng vào đảo trong lúc ba đứa canh hải đăng chúng tôi không có lấy chiếc xuồng nhỏ để trốn đi!

Tôi lạy trời con tàu lướt cạnh đảo, trôi dạt nơi khác thì phúc đức quá… Nhưng không, nó lao ngay vào hàng đá ngầm… Rầm một tiếng như sấm nổ… Tan vỡ làm đôi, buồm gãy đằng buồm, lái nát đằng lái… Khoang tàu banh ra như cá bổ đôi… Sóng tràn vào… Thế là xong!

Các cậu tưởng chuột chết đuối hết sao?

Ðâu có… Giống này bơi giỏi hơn người kia! Ðoàn quân chuột một số nhảy phóc lên ghềnh đá ngay lúc cột buồm vừa ngã xuống; những con rơi dưới nước hợp thành một bè đen kịt, gối đầu lên lưng nhau, thẳng đuôi như kết bè, bơi nhoay nhoáy lên đảo…

Xem thêm:   JO Paris 2024 - một Thế Vận Hội thành công ngoài mong đợi (kỳ 2)

Chúng tôi còn đứng trơ ra đó thì đàn chuột cả chục ngàn đã lúc nhúc trên bãi cát. Lúc này thủy triều xuống, bãi trống, đó là cái may… Nếu không chắc chúng tôi không đủ giờ đóng sập các cửa. Hàng ngàn cái mõm dài, nhọn hoắt ngửng lên trời… Chúng đánh hơi thấy chúng tôi, thấy mùi thịt tươi… Có tiếng ch…í…í…t…dài, the thé như tiếng cưa cứa vào thanh sắt, rồi cả đoàn chuột đói khởi sự tấn công ngay…

Lập tức các cửa lớn cửa nhỏ được đóng thực chặt. Tôi cám ơn vị kiến trúc sư nào vẽ kiểu hải đăng đã tiên liệu trường hợp nguy hiểm này, nên làm cho dưới chân hải đăng bằng cả tấm sắt… Không có vậy, chắc tôi chẳng còn được ngồi đây… Ðàn chuột chỉ còn cách leo phía ngoài, trên lớp tường đá… Trong nháy mắt, cả chiếc hải đăng kín đen những chuột.

Vai chen vai, đầu con nọ nối đuôi con kia, chúng vừa leo, vừa đẩy nhau, tràn vào tận trong chỗ thắp đèn. Rồi con nào con nấy ra sức gặm vào cửa, húc vào kính… Chúng trông rõ chúng tôi nhưng chưa làm gì được… Cứ nhìn những hàm răng nhọn, cặp mắt đỏ xọng như nảy lửa, hàng móng sắc như dao, mà phát khiếp… Còn mùi chuột nữa chứ!… Thứ mùi nồng nặc, khó chịu từ những thân hình hôi hám tỏa ra, đến buồn nôn…

Thế là chúng tôi bị đàn chuột cầm tù. Trong lòng hải đăng toàn đá sắt với thủy tinh, chưa đến nỗi nguy nào, nhưng ngột ngạt hết sức… Ðêm ấy chẳng ai nhắm mắt được. Chốc chốc chúng tôi lại lo có cánh cửa nào bị cắn thủng, đàn chuột vào thì thực chết!

Thủy triều lên cao… Bao nhiêu chuột lang thang trên đảo kéo cả tới hải đăng; có chỗ chuột nọ bám vào lớp chuột kia, thành mấy tầng chuột… Ðêm đến đèn thắp sáng, đàn chuột quáng mắt, cắn nhau chi chí… Tiếng móng cào vào kính, tiếng răng gặm vào cửa, sồn sột, soàn soạt, nghe nhức cả óc. Thỉnh thoảng chúng xô đẩy nhau, cả chùm chuột rơi tõm xuống biển… Trong làn nước đen ngòm ánh lên luồng sáng màu lân tinh của đàn cá mập kéo tới đớp mồi…

Cứ như vậy, hai ngày trôi qua… Không khí trong hải đăng như chẹn lấy ngực tôi… Khó thở quá!… Mùi chuột, mùi dầu, mùi hơi người, nặng nề như quyện vào thân thể. Một khuôn cửa sổ bị cắn thủng, ba người chúng tôi vội chèn ngay miếng tôn vào. Ðạm lẩm bẩm:

– Phải mươi ngày nữa mới có tàu tải lương ra… Cánh cửa này không vững được tới ngày đó, thì trên đảo lại có thêm ba bộ xương khô nữa đây!

Tôi nghe phát rùng mình.

Hết ngày nọ sang ngày kia, năm bữa liền như vậy, ngày nào cũng chỉ thấy có chuột vây kín quanh mình. Giải trí độc nhất của chúng tôi là xem chuột rớt từ năm mươi thước cao xuống biển, có thế thôi…

Chúng tôi bảo nhau lấy tôn chẹn hết các cửa sổ để đề phòng. Hình ảnh ba bộ xương khô ám ảnh ghê gớm tới độ làm cho Ðạm ăn ngủ không được, chợt nhắm mắt là anh nằm mơ thấy cả chục bộ xương xanh lè, nhảy múa, ôm lấy anh… Tôi nghĩ chừng tình trạng này kéo dài thì phát điên mất. Tới ngày thứ bảy, chúng tôi quyết định không thắp đèn. Ðó là hành động liều lĩnh, vì theo luật, người gác hải đăng còn thở thì hải đăng còn cháy. Ánh sáng hải đăng là tối thiêng liêng: Mặt trời chỉ lặn một khắc sau, hải đăng phải thắp…trừ trường hợp người gác chết thì không kể. Vậy mà đêm đó, người gác còn sống mà không thắp đèn…có thể gây ra tai nạn cho tàu bè. Chúng tôi biết vậy, nhưng bất cần…chúng tôi cũng phát điên tới nơi rồi!

Khoảng hai giờ sáng, cửa sổ phòng Ðạm lại bị thủng. Anh ta đang ngủ gật nên để chuột lọt vào… Thế là hỗn chiến: Ðàn chuột cắn, cào, chúng tôi dùng thanh sắt đập lấy đập để…nhưng đánh không lại, chúng tôi đành rút lui lên phòng thắp đèn. Không có thì giờ băng bó vết thương nữa, cả ba đứa máu me nhễ nhại leo lấy leo để vòng cầu thang xoáy trôn ốc… Ðàn chuột đuổi theo, quấn vào chân, leo lên người, cắn vào lưng, vào ngực… Mấy lần tôi tưởng chừng khuỵu xuống đó chắc… Chúng tôi cũng chẳng hiểu sao lại lên được tới phòng đèn, nằm vật ra nền xi-măng, thở như kéo bễ… Căn phòng chắc chắn lắm, toàn bê-tông với sắt, còn cửa thì bằng tôn dày gắn ngay vào tường. Khi sập cửa, còn vài con chuột lọt vào được, chúng tôi đập chết hết, quẳng đó… Duy ngồi xé vạt áo, lau máu tươi rỉ ra từ các vết răng chuột: Anh chậm chân, bị chuột cắn nhiều nhất. Ðạm cũng vậy, nhưng anh không nhăn nhó mà còn cười hì hì:

Xem thêm:   Bài trí phòng ngủ

– Haha!… Sáu bộ xương khô, anh em ơi… Sáu bộ xương khô!… Haha!… Thế là sáu bộ…xương khô!

Tôi phải tống cho anh một đấm vào hàm anh mới tỉnh người, ngồi nức nở như đứa trẻ con.

o O o

Ý kiến không thắp đèn thế mà hay: ngay sáng hôm sau đã có tàu từ đất liền ra đảo. Tôi nhờ có ống nhòm nên nhìn rõ nét mặt băn khoăn của viên thuyền trưởng khi thấy ngọn hải đăng chuột phủ kín. Chắc ông tưởng chúng tôi bị ăn thịt hết rồi!

Kể ra chậm chân chút nữa chắc chúng tôi cũng hết sống thực!

Ông ta trông thấy chuột, đàn chuột cũng thấy tàu. Một toán phóng xuống biển bơi ra tấn công ngay tàu… Ðược cái tàu mở máy chạy liền nên chuột không theo kịp… Chúng kéo thành đàn phía sau. Lũ cá mập được thể, nghiêng mình phơi bụng lên, táp vào chuột như lừa gặm cỏ… Bữa đó tôi mới thấy cá mập có ích đôi chút!

Tàu không dám tới gần, nên số phận chúng tôi chẳng có gì thay đổi. Viên thuyền trưởng cho tàu chạy vòng quanh, những nanh, những vuốt, những đuôi chuột, giống như thứ quái vật gầm gừ, dọa nạt đoàn người trên tàu.

Cuối cùng, tôi thấy tàu đổi hướng… Chắc ông ta nghĩ rằng chúng tôi chẳng ai còn sống nên tính quay về. Tôi chợt nảy ý nghĩ thắp đèn lên để ra hiệu cho tàu… Quả nhiên tàu trả lời ngay…

Viên kỹ sư công chánh trên đó hiểu được tình cảnh bi đát của chúng tôi: một đứa gần phát điên, hai đứa thương tích đầy mình… Cơm chẳng có, nước thì không, giữa đám chuột như hổ đói… Ông ta dặn lại:

– Yên trí… Giải quyết ngay nội ngày hôm nay…

Tàu quay đi… Trưa đến thì cả tàu, cả hai giang đỉnh với tàu cứu hỏa kéo ra, rõ cả một đoàn quân!

Trận đánh bắt đầu ngay. Thoạt đầu tàu cứu hỏa chĩa vòi rồng vào thành hải đăng. Chuột rơi từng đám, cá mập được bữa no… Nhưng mười con rớt xuống, sáu bảy con lại leo lên được. Vả lại những con đã lọt vào trong hải đăng vẫn không hề hấn gì. Thêm nữa một số chuột lại bơi ra tấn công tàu cứu hỏa… Thủy thủ phải vất vả quần nhau với chúng…và đành rút lui. Thế là đâu lại vào đó, Ðạm vẫn thút thít khóc, vừa khóc vừa đếm:

– Một bộ xương… Hai bộ xương…

Duy thì vết thương tấy lên, nằm sốt xình xịch… Tôi khá nhất, vẫn đi đứng được, nhưng khát nước như nứt cổ họng. Mãi tới chiều, chúng tôi mới thoát nạn. Một tay thủy thủ già nghĩ ra mẹo “dụ địch”: đem chất thật nhiều thịt tươi lên chiếc xà lan, buộc sợi cáp nối với ghềnh đá… Chuột ngửi mùi thịt kéo tất cả xuống xà lan: trên hải đăng chẳng còn mống nào. Chiếc xà lan đen kịt, có tới hàng trăm ngàn chuột chứ không ít!

Tàu cứu hỏa phun xăng lên đó rồi bắn đạn lửa vào… Thế là cả xà lan lẫn chuột đều cháy rụi! một số nhảy xuống nước bị cá mập nuốt gọn.

Tôi mở tung cửa, thở dài, nhẹ nhõm…

oOo

– Có thể tôi còn trẻ lại lực lưỡng hơn cả, nhờ vậy không hề hấn gì. Còn Ðạm từ ngày thoát chết đâm ra loạn trí, lúc nào cũng ngồi đếm mấy bộ xương, nên phải gởi đến dưỡng trí viện. Duy tai hại hơn, bị các vết chuột cắn làm độc, ốm một trận rồi chết…

– Ðó! Các cậu còn coi thường chuột nữa thôi!

(theo Henri Dumoulin)

Nguyễn Tú An

phóng tác, Nxb Sống Mới, Sàigòn 1970

Trần Vũ đánh máy lại tháng 6-2023