Tên thật Nguyễn Nam, sinh ngày 20 tháng 1-1938 tại Hà Nam, Viên Linh di cư vào Nam năm 1954, hiện định cư Hoa Kỳ. Từng chủ trương tạp chí Thời Tập trước 75 và là chủ bút tạp chí Khởi Hành tại Cali từ 1996, Viên Linh đoạt giải nhất Văn học Nghệ thuật Toàn quốc VNCH 1974 với tác phẩm Gió Thấp.

Ngôi nhà tôi đã ở là một truyện ngắn có bố cục chặt chẽ với mạch văn tự nhiên đậm thổ ngơi, trong một khí hậu âm u và ẩm ướt. [Trần Vũ]

Viên Linh

Ngôi nhà tôi ở thuộc bất động sản của chùa Phú Thạnh. Hôm tôi xách chiếc va-li quần áo và sách vở tới, sư ông ngắm tôi, gật đầu chào Thầy tới ở hôm nay hả? Thế cô đâu? Tôi ngó vào lễ phòng tối om, nhìn thấy suốt qua lòng chùa cánh cửa sơn xanh của ngôi nhà lát nữa tôi sẽ dọn tới ở đó. Tôi nói Thưa thầy, tôi chưa có vợ. Sướng đa, ông nói, thế ở với bạn hả. Một mình thầy ạ. Ông lại kêu ở thế buồn chết. Trước khi tôi xách chiếc va-li tiếp tục đi, ông trao cho tôi chiếc chìa khóa ngôi nhà tôi sẽ ở. Chìa khóa nè, hai cái, khi nào thầy cần tôi sẽ đưa cho cái kia. Rồi ông chỉ xiên lòng chùa, qua đó chúng tôi thấy cánh cửa sơn xanh của ngôi nhà phía sau. Ông nói Chỗ thầy thanh niên, tôi nói thật, nhiều người tới ở ngôi nhà đó lắm rồi, nhưng một hai tuần lại dọn đi gấp. Họ bảo nhà có ma đó. Tôi chỉ mỉm cười, không tỏ ý kiến gì hết. Nhưng tôi nghĩ tôi là một con ma tổ bố, thêm một con ma nữa có ăn thua gì.

Cầm chiếc chìa khóa đồng nằng nặng của ông sư trao cho, tôi đi vòng qua hông chùa, nơi có một chiếc giếng khơi, một bãi chuối xơ xác và lối chục ngôi mộ, đi về phía ngôi nhà. Ðường đất và cát, lởm chởm ít gạch nổi. Chân gạch còn viền nước mưa của ngày hôm qua. Ði hết nền chùa, tôi đứng trước ngôi nhà. Mái tranh, vách ván, sàn gỗ, bắt nổi trên một con kinh cạn. Lòng kinh đầy lá chuối khô và lá tre, ở đó mọc lên những chiếc cột gỗ nâng đỡ lấy ngôi nhà tôi vừa tới. Trong một năm đã qua rồi, tôi đã có lần ở một căn nhà nổi trên sông, đêm mưa nghe nước lõng bõng như nằm thuyền. Con kinh cạn với lá khô chạy qua dưới chân nhà tôi, vòng ôm lấy mặt sau của khu chùa, một phía đổ ra một nhánh con sông của Sài Gòn, nghe đâu như là Bến Tắm Ngựa hồi xưa. Bên cạnh nhà tôi có hai ngôi nhà khác, nằm lọt hẳn xuống lòng con kinh cạn, nhưng thuộc về bờ bên kia, mái chỉ ngang với nền chùa Phú Thạnh.

Khi mở cửa xong, quay ra lấy va-li tôi lại nhìn thấy sư ông. Ông mặc đồ nâu đi dép da, người béo tốt sạch sẽ. Ông hỏi Thầy vừa ngắm con kinh hả? Thỉnh thoảng mới có nước thôi. Tôi giật mình: Tôi tưởng kinh cạn chứ. Thì cạn, nhưng thỉnh thoảng cũng có nước. Mùa mưa ấy mà, các nơi ứ lại, nó có nước. Sao, nhà ở được chứ. Dạ được, kể cùng là ba phòng. Ờ, phòng khách đó rồi phòng ngủ với cái phòng bếp. Thầy có nấu không. Tôi im lặng. Tôi có nấu ăn không. Dạ, khi có khi không, tôi buột miệng nói. Thầy chùa cười Ngày ăn ngày nghỉ hả. Nói rồi ông mách tôi ra ăn ở tiệm cơm đầu ngõ. Ngon mà rẻ lắm.

Bấy giờ một bà lão đi lại phía chúng tôi. Hôm đi qua con ngõ, thấy trên cổng chùa có treo tấm bảng Nhà Cho Thuê, tôi đạp xe vào và gặp bà. Thấy nói tôi có một mình bà cụ mừng lắm. Tuy vậy cụ cũng hỏi Nhưng chắc thỉnh thoảng cậu cũng có bạn chứ. Tôi bảo thỉnh thoảng chắc phải có. Cái đó không sao, bà cụ đáp. Bà cụ mặc đồ nâu, đi guốc nâu, trông xa xa như sư ông, nhưng trông gần mới thấy. Cụ tới đứng cạnh chúng tôi, bắt vào câu chuyện Cậu định nấu ăn hả. Nếu tiện tôi nấu giúp cho. Tôi ăn tiệm cụ ạ. Ờ, coi chừng mà cháy nhà. Cụ bước hẳn vào trong nhà, chỉ cho tôi chỗ kê bàn ghế. Một lát cụ ngó lên mái nhà như chợt nhớ. Cái chỗ này nó dột, để tôi kêu thợ lợp lại, mùa mưa rồi còn gì. Vâng, hôm qua đã mưa. Tôi ngó chỗ mái dột và ngó xuống chỗ dột. Chỗ ấy không thể kê bàn viết được, ngủ cũng không được, dù tôi chỉ trải trên đó một tấm nệm có thể xê dịch. Hai ông bà cụ đi ra sân chùa, nhìn lên đỉnh cây lông say, lá đều đặn như một loại si nước. Tôi khép cửa khóa trái, ngồi xuống cái ghế giữa nhà châm một điếu thuốc. Ngọn lửa vàng nhờ nhờ, hơi khói ấm áp, tôi lặng lẽ một lát và khi nước mắt trào xuống, tôi vội vã ra khỏi nhà.

Hai ngày sau, nhà cửa cũng tạm gọi là xong xuôi. Có bàn ghế, sách vở, đóng thêm vài cái đinh trên ván, rút đi vài cái đinh khác, chăng thêm một sợi dây kẽm, bỏ đi một vài sợi dây khác, bóc đi vài tấm hình Kim Cương, Kim Vui, treo lên vài tấm hình khác, đó là ngôi nhà của tôi. Buổi trưa, khi ánh nắng bừng lên qua các khe gỗ tôi phủi tay nhìn lên căn nhà mới. “Ngôi nhà này là của em đó. Nếu không có em, anh không tới ở đây.” Như một người yêu lòng phơi phới, tôi hay nói thầm như thế. Nhà còn thiếu nhiều lắm nhưng thôi để em mua sắm hộ anh. Tôi nghĩ thầm: Cô ấy sẽ phải mua cho mình cái này và cái này. Tôi nghĩ: nhất định là cô ấy sẽ phải mua thứ đó. Tôi muốn lặng im để xem điều ấy có xảy ra đúng như ý mình không. Ngôi nhà, một mình nó không có gì lạ hết. Tôi rời bỏ gia đình từ năm mười bảy tuổi đi kiếm việc làm để tiếp tục việc học, tôi đã ở nhiều căn nhà khác nhau, thường thường với bạn, đôi lúc một mình. Năm mới lớn tôi sống dưới một mái nhà thờ của Cha Vĩnh, ở gần trường đua Phú Thọ. Bấy giờ Cha thấy tôi hiền lành nên cho riêng một căn phòng ở sau bục gỗ nơi Cha thường rao giảng mỗi sáng Chủ Nhật. Một hôm có chiếc xe Huê Kỳ chở mấy Cha khác ở tòa Tổng Giám Mục tới hội họp rất lâu trong phòng Cha, gần phòng tôi. Chị Hiền, người vẫn thổi cơm tháng cho chúng tôi ăn buồn lắm. Chị bảo chắc chị sắp phải về Hốc Môn. Nhưng chính tôi phải đi, vì Cha Vĩnh phải đi, và không ai cho tôi ở căn phòng đó nữa, ít năm sau tôi thuê vài căn nhà khác ở các miệt ngoại ô cư trú tạm, căn nhà nào cũng để lại cho tôi vài kỷ niệm. Tôi hay ngắm nghía chiếc chìa khóa phòng mỗi khi ngồi buồn trong quán nước hay trong các rạp xi-nê. Có chiếc chìa khóa cửa trong túi, tôi lớn hẳn lên. Ði đêm, tôi không ngại lúc về nhà nữa. Khuôn mặt mẹ tôi với mái tóc xổ mỗi khi lục đục ra mở cửa giữa đêm làm tôi ngại ngùng. Hôm nay tôi đã thuê căn nhà riêng, đã thu xếp căn nhà đó không phải để tạm trú nữa, ngôi nhà trên con kinh cạn mở ra trong đời tôi những cánh cửa có rèm vải màu lay động trước gió.

Xem thêm:   Trên lưng trời

Chính tôi đã ngạc nhiên khi nhìn thấy cánh cửa nhà mình có một tấm màn. Ích đến thăm vỗ tay cười hô hố. Tấm màn đẹp quá. Cậu mà cũng có màn cửa nữa. Tôi ngửa cổ cười nói Sao lại không. Cậu tưởng tôi không thể ở một ngôi nhà có màn cửa sao. Ích tuột dép ngoài cửa, bước lên sàn nhà, vừa đi vừa ngó loanh quanh.

Lại có nệm nữa. Lại cả hai cái gối nữa. Hắn kêu lớn chùn người xuống. Tôi lặng yên, một lát nói đùa Ðộ này đau lưng. Ích gật gù, ngồi xuống sàn nhà, gần đống sách trên một manh chiếu gấp lại. Chúng tôi ngồi trên sàn gỗ nói chuyện với nhau. Ích gạt tàn thuốc xuống khe ván, và hắn ngó xuống hỏi:

– Dưới này là cái gì.

– Con kinh cạn và rác khô. Coi chừng cháy.

– Không cháy đâu. Cháy thì thôi chứ gì. Con kinh này ăn ra đâu đây.

Tôi giải thích loanh quanh. Ðang lúc ấy có tiếng run nhè nhẹ trên sàn gỗ. Ích lắng nghe và nhìn ra. Ai dắt xe vào thế. Chúng tôi nghe tiếng khóa xe lẹt xẹt rồi tiếng nón va chạm lạp cạp rồi tiếng guốc nhọn và vững. Một lát cánh tay áo trắng lấp ló ngoài khung cửa sổ, cử động đều đều. Tôi biết là Cúc đang cởi găng tay. Sau đó Ích đứng dậy và Cúc hiện ra ngoài cửa. Chúng tôi chỉ nhìn nhau cười, không nói tiếng nào. Nàng mang theo vào nhà chiếc nón và cái cặp sách màu nâu, vân cá sấu giả, cái cặp phồng phồng đựng nhiều thứ cồng kềnh không phải là sách. Ích khen tôi đang nói lần đầu tiên hắn ở một ngôi nhà có màn cửa. Thế hả anh. Anh thấy đẹp không. Ðẹp. Ðẹp. Tôi may đấy anh ạ. Bỗng Cúc kêu lên:

– Kìa anh, có khách mà ăn mặc thế à?

Tôi ngó xuống chiếc quần cộc sọc xanh, nói:

– Khách khỉ gì.

Ích kêu:

– A cái quần cũng đẹp quá.

Cúc đặt cái cặp lên bàn, liếc nhìn chúng tôi. Nàng ngồi xuống chiếc nệm trải ở góc phòng nói rất tự nhiên:

– Tôi may đấy, đẹp không anh.

– Ðẹp chớ, Ích lại kêu to và cười ha hả rồi đứng dậy. Hắn bảo:

– Nghe anh chị nói ở chùa, ai cũng tức cười. Thế mà ở chùa thật chớ.

– Ở chùa thật nhưng tụi tôi không định tu đâu anh ạ.

– Nó mà tu cái gì. Khi nghe nói chị tới đây với nó, chị biết người ta nói gì không?

– Không. Nói gì anh?

– Người ta nói hoa rơi cửa Phật đấy.

Cúc che mặt kêu Eo ơi, rồi mở tay nhìn tôi. Nàng bảo Ích:

– Tội lỗi quá anh nhỉ?

– Tội lỗi khỉ gì, tôi nói.

Ích bắt tay tôi.

– Chúc ông bà hạnh phúc.

– Ơ – Cúc kêu – tôi chỉ là bạn anh ấy thôi.

– Thì cứ hạnh phúc, lấy nhau sau cũng được chứ gì.

– Tôi chưa định lấy anh ấy anh ạ.

Ích xỏ chân vào dép tự khép cửa lại. Tôi nghe tiếng chân hắn kéo trên sàn gỗ. Cúc nói câu ấy không phải nói đùa. Câu ấy thật. Nàng ôm lấy đầu tôi:

– Anh, đừng khóc anh. Biết đâu em sẽ đổi ý kiến. Anh phải làm em đổi ý kiến chứ.

Tôi lăn xuống sàn nhà. Tôi biết làm sao để nàng đổi ý kiến. Tôi nghèo lắm. Tôi học dốt lắm. Tôi thua sút nhiều điều tất cả mọi người. Tôi thất nghiệp. Từ ba trăm cây số về Sài Gòn, tôi đã bỏ dạy ngôi trường giúp tôi sinh sống trong hơn một năm qua. Người bạn hiệu trưởng đưa tôi hai ngàn bạc Anh còn hai ngàn, cầm về Sài Gòn mà tiêu. Nếu mình có tiền thì đã cho anh mượn thêm. Chúc anh hạnh phúc. Tôi đã chỉ có hai ngàn để xây dựng một tổ ấm, thuê được căn nhà và ăn cơm hàng từng ngày. Nhưng phải có một ngôi nhà, đó là điều cần thiết nhất. Ngôi nhà này đây là ngôi nhà đầu tiên đáng kể nhất trong đời tôi. Tôi đã dọn dẹp trí tưởng tượng từ những ngày vừa quen Cúc. Ngôi nhà không cần sang lắm, chỉ cần biệt lập tránh xa mọi người. Như cánh chim vừa rời chiếc tổ mẹ nuôi, tôi đã tha từng cọng lá, từng nhánh cây quý kết một chiếc tổ cho mộng tình mới lớn. Tôi không rõ nàng đã mơ ước những gì trong thời con gái, và tôi thật tình có đúng là bóng dáng mơ ước ấy không. Hay tôi chỉ là một người tình cờ cần có trong một ngôi nhà nàng dự tính từ quá khứ. Chiếc màn cửa em ơi, nó không đúng ý anh, một màu vàng úa không phải là màu anh mơ tưởng.

Xem thêm:   Hang gấu

Một lúc nào đó, không rõ vì sao tôi cười tươi trước một tấm gương.

– Em mua cho anh tấm gương đó, đẹp không.

Tôi gật đầu, ngắm mặt mình trong gương. Rồi tôi kéo nàng cúi xuống soi chung vào tấm gương ấy. Xí quá, Cúc nói, đứng dậy đặt tấm gương tròn ngay ngắn trên bàn viết. Nàng lấy từ cặp ra một chiếc khăn mặt mới. Tôi ngồi dậy ngay ngắn, rồi ra khóa cửa lại. Khi trở vào, Cúc nói Em phải đi đây. Có hai giờ thực tập. Bỏ đi em. Thực tập không bỏ được. Cours thì em bỏ rồi.

Anh. Nàng gọi, nhìn tôi chăm chú. Mỗi lần Cúc nhìn tôi chăm chú tôi bỗng thấy mình đang rất sợ hãi. Cặp mắt nâu và đôi lông mày nở nang mượt đậm tha thiết nhưng nghiêm nghị ngó tôi. Bộ anh nói với anh Ích là em đến đây ở với anh hả. Không. Anh chỉ nói là em đến luôn. Thế sao anh ấy bảo là hoa rơi cửa Phật. Tôi gượng cười Anh ấy đùa em đấy mà. Ðùa gì, nói tức mình. Có gì mà tức em. Ai cũng biết là chúng mình yêu nhau. Nếu anh bỏ em thì mới hoa rơi cửa Phật chứ. Mà, tôi cười, chỉ chết anh mới bỏ em được. Việc gì em phải tức mình. Em tức vì anh ấy nói đúng. Chả hoa rơi với anh là gì. Tôi nắm lấy tay Cúc Thôi anh đưa em đi học. Anh ở nhà làm việc đi. Ở nhà buồn lắm. Ở nhà đi lát em tới nữa. Lòng tôi tươi tỉnh hẳn. Thế thì anh ở nhà. Cúc lại bỗng gọi khẽ, anh, em nói cái này anh đừng cười nhé. Anh cười thì ăn thua gì. Ừ. Nói đi. Kỳ quá hà. Cúc nhại tiếng nhìn tôi một lát. Anh à, đêm nay em ngủ lại với anh.

Tôi không dám cười, mặt mũi bần thần, sung sướng. Dường như tôi thở ra một cách khác thường, chân tay lúng túng bàng hoàng. Khi Cúc đòi tôi mở cửa, tôi mặc kệ đứng im. Ở trong tôi vỡ ra tất cả những ánh sáng còn che kín. Ở trong tôi chảy xối xả tất cả những nguồn suối con người. Như một bóng mát, tôi nằm ngủ trong tiếng gió lồng lộng của ngày tháng thanh niên.

Nửa đêm mưa đổ xuống rào rạt cùng với gió mạnh. Tôi quờ quạng sang bên, thấy Cúc nằm thu gối lên ngực như một đứa bé. Qua những khe vách ván, ánh chớp thỉnh thoảng nháng lên, tôi thấy mình gần với trời với đất lạ thường. Tôi ngó Cúc sợ hãi. Khối ngọc ngà của đời tôi lúc nào tan vỡ, những mộng tưởng lâu nay đã đến lúc tàn chưa. Dường như có lúc giữa hai lằn chớp, khuôn mặt nàng đổi khác. Ðôi mi rung động tựa hồ ánh mắt khi mở biến đổi theo ý nghĩ. Trong giấc ngủ, người thân thiết của mình đã ở đâu, đã sống ở miền nào, đã nhớ những gì vừa mới mất. Tôi không biết. Tôi hoàn toàn không biết đến một chút. Nhìn ngắm và tưởng tượng nàng, tôi tưởng như hạnh phúc đang la đà đâu đó, như một cánh chim trong mưa lướt thướt giữa khoảng đường bay nửa chừng. Ðêm ngủ lại của nàng bó chặt tôi những lo sợ hoang mang, tôi biết là tôi sắp phải rời bỏ ngôi nhà đang ở. Ðã kết thúc từ đây bao nhiêu hy vọng. Ðời mở ra những cánh cửa mênh mông. Giọt lệ nóng tròn như thứ ngọc trai trong nước mặn lăn trên má nàng đánh thức tất cả sự quên lãng cố dìm đi. Trí nhớ xa nhất cũng phải trở về, tôi vừa hiểu, tôi vừa thấy. Ðó là giọt sương mai của đêm đã hết, một ngày mới phải bắt đầu lại. Cúc mở mắt ngó xuống nệm, và nhìn thấy tôi. Khuôn mặt nở bừng, và chúng tôi quấn quýt quên ý nghĩ. Quên lo lắng. Nhưng rồi tôi biết. Ðó là một hy sinh. Ðó là một rộng lượng đền bù, đó là một biện hộ, đó là ân nghĩa cho nhau để kết thúc lo âu và mở đầu tưởng nhớ. Nàng òa khóc Anh ơi, quên em đi. Quên em đi. Em biết anh yêu em nhưng quên em đi, phải chi em không gặp anh.

Tôi lặng lẽ hút thuốc, tỉnh thức và khô khan. Cơn mưa đã đổ xuống con kinh cạn khối nước từ hai bên bờ thành phố, tôi nghe lá khô bắt đầu nổi lên, bắt đầu chuyển động. Có tiếng rào rào rất nhỏ đâu đó truyền dưới sàn nhà. Có nước. Có nước. Tôi tưởng tượng con kinh chuyển động, thức giấc sau một mùa khô ráo, nứt nẻ, quên lãng. Áp tay xuống sàn, qua lần nệm và gối, tôi nghe rần rần đâu đó như một âm vang.

Xem thêm:   Truyện tranh Hoa Kỳ về Chiến tranh Việt Nam

– Em ngồi dậy đi, tôi bảo Cúc.

– Gì đó anh.

– Con kinh em ạ. Con kinh dưới sàn nhà mình đó, nước nhiều lắm.

– Có sao không anh.

– Không, nhưng mà anh thấy ông thầy chùa có vẻ lo ngại lắm. Lúc anh mới dọn tới, ông ấy cứ nhắc có nước. Chắc nó ngập.

– Nhà cao lắm mà.

Tôi không trả lời, trở dậy thắp đèn. Tôi có cảm tưởng một ngôi mộ nào đó ở trước chùa, trong những ngôi mộ nằm trên đất chùa, bắt đầu chuyển mạch. Nhưng Cúc không thể nào hiểu được những điều ấy. Một cái gì đó thức tỉnh ở trong chính tôi, như có lúc tôi nhìn thấy bóng mình chuyển động trong khi tôi nằm im một chỗ.

Qua một mùa mưa, tôi đổi khác. Thất thần và héo hắt. Con ngõ chùa ướt sũng lá đu đủ, lá chuối và bùn cát. Mỗi lần ra vào, đi ăn hay lên thành phố có chút việc, tôi thường gặp sư ông hơn mọi khi. Ông khỏe mạnh nhưng có vẻ nặng nhọc, đăm đăm ngồi đánh cờ tướng với một nhà tu hành khác dường như ở đâu đó xiêu lạc về. Người này gầy ốm xanh mướt. Tôi ít chào hỏi ông, nhưng thỉnh thoảng ông hỏi tôi:

– Khỏe mạnh chứ thầy.

– Dạ bình thường.

– Thầy giỏi đa. Những người trước không ai ở lâu được như thầy. Ba tháng vài tuần là dọn đi chỗ khác. Ðộ này ít thấy cô tới.

– Dạ, em tôi bận.

Nói rồi tôi đi nhanh, vẻ thảng thốt trông thấy. Mở cửa vào nhà, tôi hoảng hốt. Vết xe của Cúc in đậm trên sàn gỗ. Tới bàn, tôi thấy chiếc chìa khóa cửa để đó. Cúc sẽ không tới nữa. Có gì đâu, có gì đâu, bởi ngôi nhà này chỉ là mộng tưởng của tôi thôi. Nhưng chính ở đó tôi không thực hiện được điều gì ngoài sự sống tự nó cứ trồi lên, trồi lên, mọc như cỏ dại của một vườn cây cảnh, mà niềm vui là cái cây độc nhất của một miền thung lũng nóng. Tôi tự thấy tôi là cái cây ấy, tình yêu chỉ nảy sinh từ một gốc, như cái bóng nằm của một cây đứng chon von. Tôi nào nhìn thấy em, người tình đợi chờ hạnh phúc như trái chín. Tôi tham lam, ăn vốc tuổi xuân nghèo.

Thật ra tôi tưởng vậy thôi, tôi không rõ lý do nào Cúc không trở lại. Nàng im lặng, im lặng cho tới bây giờ. Sáu tháng sau tôi trả sư ông chiếc chìa khóa bằng đồng, bán vài thứ đồ đạc cồng kềnh cho nhà bên cạnh, tự mình thấy mình cũng là một thứ hoa rơi cửa Phật.

Nhiều năm qua đi tôi vẫn không quên ngôi nhà ở sau chùa Phú Thạnh. Mỗi lần đi qua con ngõ xơ xác lá chuối và lá đu đủ, tôi có ý muốn vào xem ai đang ở trong ngôi nhà đó. Hắn có hạnh phúc không, hắn có thấy ma không, hắn có nghe con kinh lên xuống không, hắn có thức giấc vì tiếng chuông chùa và người đàn bà ăn mặc giống sư ông mỗi giờ chuông mõ kêu inh đi qua phía giếng nước. Ở trong trí nhớ của tôi, ngôi nhà ấy đầy đủ một trái tim vàng. Hạnh phúc tôi đã mất là hạnh phúc lớn nhất trong đời tôi. Tôi lớn lên trong một đôi tay ôm ấp dẫn dắt, và lúc mà hướng chỉ không còn, tôi tự do trong một than tiếc mù mịt. Nếu Chúa đã hiện ra ở Lộ Ðức, thì tôi phải quay về đó.

Hôm qua gặp lại Ích, hắn kêu Tôi nghe anh cháy nhà. Tôi sừng sộ Láo, tôi vẫn bình yên. Thật mà, tôi mới đi qua chỗ chùa, cái nhà ấy cháy rồi. Thế à, tôi bàng hoàng hỏi. Cháy rồi à. Bấy giờ hắn mới biết tôi không còn ở đó nữa. Nhưng tôi đã ở đó. Ðã sống ở đó.
Buổi chiều tôi về chùa Phú Thạnh bằng xe buýt vàng, như tôi đã từng đi về những năm trước. Một người đàn bà hơi ngờ ngợ ra chặn đầu tôi:

– Chào thầy.

– Chào bà.

– Thầy quên tôi hen.

Tôi muốn nhớ lắm. Nhưng không nhớ nổi. Bà ta cười:

– Tôi chủ nhà hàng cơm ngã tư đây mà.

Tôi ngượng ngùng cười trừ:

– À, tôi nhớ rồi. Bà mạnh khỏe chứ.

– Cũng thường. Hôm nào thầy đi mất biệt.

– Tại tôi kẹt quá. Thôi tôi trả bà bây giờ vậy, đừng phiền.

Tôi móc túi trả bà ta số tiền cơm tháng cuối cùng ăn chịu, rồi quay đi, theo con ngõ cũ vào chùa. Thầy có nấu ăn không. Ngày có ngày không. Nhưng tôi không nấu ăn ở đó bao giờ hết. Sư ông trông thấy tôi, mời vào uống nước trà, nói chuyện về ngôi nhà tôi đã ở. Tôi ngỏ ý muốn vào thăm, ông lắc đầu:

– Tro than không hà, trông tang thương lắm. Coi mất công buồn thầy ơi.

Tôi có vẻ lưỡng lự. Ông nói thêm:

– Coi mất công buồn mà. À, thế ông có cháu nào chưa?

Tôi hỏi lại. Chắc thầy muốn nói tới cô em tôi hồi xưa. Ông thầy chùa gật đầu:

– Thì chớ ai, cô hiền quá, hạp ông lắm.

Tôi bùi ngùi nói với ông:

– Thưa thầy, em tôi mất rồi.

Ông Trời ơi và kêu một tiếng nhẹ, nhìn tôi. Tôi đứng vội dậy đi nhanh ra ngoài ngõ. Có một điều gì đó lẽ ra phải giữ lấy một mình, phải giấu kín và im lặng. Không ai nên nói với tôi về một đám cháy, chẳng phải đâu, ngôi nhà ấy hãy còn, chính tôi còn trông thấy nó khi tôi bỏ đi.

VL