Suốt sáng tôi bận lột da đôi cọp, nạo từng đường gân thớ thịt rồi căng trên khuôn tre, phơi trong bóng mát, chỗ thoáng gió. Khoảng gần trưa, tôi mới trở lại sườn đồi, nơi con cọp cái chậm chạp lết tới rồi biến vào rừng. Có loáng thoáng vết máu khô, nhưng dấu chân mất hút trên lớp cỏ cháy nắng.
Loanh quanh tìm kiếm một hồi, tôi đành ngồi nghỉ trên một thân cây đổ ngang lối đi. Bình tĩnh suy nghĩ lại, tôi nhận thấy con hổ không bị thương nặng như tôi tưởng. Đúng là viên đạn đụng xương, làm nó ngất đi, thế thôi. Khi rớt xuống khe núi, nhờ có cành mây và dây leo đỡ, phía dưới lại có bụi rậm, nên nó hồi lại, nhưng còn bàng hoàng nửa tỉnh nửa mê… Tiếng súng chót làm nó hoàn hồn và tìm chỗ kín đáo nằm dưỡng thương… Theo tôi chỗ đó phải ở một phía rừng nào nhiều bụi gai, hoặc tre rậm. Như vậy tôi cần đi sâu vào cánh rừng bên kia đồi, loanh quanh ở đây vô ích.
Tôi đứng dậy, ngược lên đỉnh đồi.
Lúc này vết thương trong tai tôi đang làm mủ, cả một bên mặt lẫn cổ sưng tấy, tôi chẳng ăn gì được ngoài sữa và trà nóng. Đêm qua tôi chỉ chợp mắt được có một lát, bây giờ mỗi bước chân đụng mạnh vào viên sỏi hay khúc rễ cây cũng dội lên tới óc, khó chịu lạ lùng.
Nhưng cố gắng của tôi đem lại kết quả ngay: chỉ đi khoảng hơn cây số, tôi tìm ra vết máu và vài dấu chân… Như vậy con cọp lẩn vào rừng mây, đúng như tôi nghĩ.
Có điều con vật không vào rừng ngay, mà lần theo hẻm núi dốc đứng cao khoảng hai chục thước, có lẽ nó quen đi tắt lối này chăng?… Nhưng chưa hẳn vậy, vì có vết móng quào sâu vào mép đá. Có thể con vật trượt chân, cố gượng lại không được, nên ngã lộn đầu xuống khe núi.
Tôi tìm ra một lối khá rộng, tụt xuống dưới xem sao: ít con thú nào rớt từ hai chục thước mà không hề hấn gì, tôi nghĩ vậy. Quả nhiên, vừa tới chỗ con hổ ngã, tôi thấy phơi ra chiếc bụng trắng xóa bên phiến đá… Con hổ chết thực sao?… Nếu vậy đỡ cho tôi quá!
Niềm vui của tôi vụt tắt ngay: vì đó là một con mang lớn, lông đỏ quạch. Tôi đoán chừng con vật xấu số này đang nằm mơ màng bên mép đá, bất ngờ thấy hổ nên nhảy liền xuống đây nên gãy xương sống, chết tốt… Ngay cạnh, là bãi cát ẩm, còn in dấu chân cọp. Thì ra con hổ cái may mắn hơn, ngã đúng vào đống cát mềm nên chẳng hề hấn gì.
Cũng có vài giọt máu rơi rớt, chắc vết thương trên vai nó há miệng không chừng. Con vật đau quá, không màng tới con mồi trời cho nằm đó, vội lết vào rừng. Tôi đoán chắc nó phục trong khóm tre đâu đây thôi, chỉ việc lần theo vết máu trên mặt đất là tìm ra.
Nhưng người tính một đằng, trời định một nẻo.
Đúng vào lúc đó, loáng thoáng có hạt mưa, rồi mưa rơi nặng hạt, rồi ào ào như trút nước. Thế là hết!… Vết máu dẫn đường của tôi được rửa sạch trơn. Tôi chỉ còn nước vác súng về!
Tuy nhiên, từ nay, tôi biết phải lần theo hướng nào để kiếm con hổ, đó cũng là cái may.
Qua một đêm thao thức vì nhức nhối, tôi rời rã cả người, nhưng cũng hăng hái vác súng ra khỏi nhà. Lần này có 6 người đi theo tôi.
Tôi để cho họ thoải mái ngồi lột da, xả thịt con mang – thứ thịt này mềm, đỏ nhưng ngon như thịt bê dân Thượng ưa chuộng lắm. Tôi vẫy Ri đi theo, lần ngược hẻm núi, xục xạo vào các bụi gai kế cận xem sao, nhưng chẳng tìm ra dấu vết gì. Cơn mưa lớn như tắm gội núi rừng, làm cho cành lá, lối mòn, khe sỏi, sạch trơn.
Tôi mỏi mệt quanh lại chỗ cũ và phạm một lầm lẫn đáng trách là lớn tiếng gọi Ri, nhờ gã kiếm củi đun nước pha trà. Tách trà thơm thực đặc làm tôi tỉnh táo đôi chút. Tôi trao túi đạn cho Ri, rồi gượng đứng dậy, đi xuôi xuống phía dưới, sang một ngách núi khác ăn thông với khu rừng thưa, nhỏ hơn, loáng thoáng có mươi khối đá tảng. Đó đây vài vết cành cây gãy, vài khóm cỏ tranh bị chà nát chứng tỏ thú rừng qua lại không ít, đôi chỗ mặt đất ẩm còn ghi dấu mờ nhạt của bàn chân hổ.
Chợt tôi nghe Ri gọi:
– Coi nè! Thầy Hai!
Ri nhanh chân nên đi trước tôi vài chục bước, gã dừng lại cạnh mỏm đá khá lớn, cỡ đống rạ, sừng sững giữa đám sim rừng và mây non vươn cành như đàn rắn màu xanh lá mạ. Gã trỏ vào khoảng lõm đầy lá khô có dính máu tươi:
– Nó nằm đây mà mình không hay, khổ chưa!
Có thể con vật chúi đó từ lúc ngã xuống khe núi, rồi nằm bẹp một chỗ, cho tới khi nghe tôi lớn tiếng gọi Ri đun nước, mới lẩn đi nơi khác.
Thường thường hổ bị thương trở nên dữ tợn. Tôi đã thấy có con trúng đạn vào chân dám vượt cả trăm thước rừng trống vồ thợ săn. Trái lại cũng có con gan lì, người đi sát bên không thèm vồ. Con hổ cái này thuộc loại đó cũng nên. Dù sao lần này nó cũng lộ tung tích rồi, tôi thích thú nhìn hàng vết chân tròn, gọn, rành rành trước mắt, như đón mời tôi bước theo. Được khoảng trăm thước, dấu chân mất hút trong rừng tre.
Ri thì thầm vào tai tôi:
– Thầy cẩn thận, tre rậm, khó bắn lắm… Để tôi mở lối cho.
Gã lách đi trước, dùng dao quắm gạt đám cành rậm, gai góc cho tôi bước theo. Đi chừng dăm bảy chục bước, vài con gà rừng bỗng gáy te te… Tiếng gà gáy đối với tôi là một chỉ dẫn quý báu, báo hiệu con hổ bắt đầu đổi chỗ. Tiếc một điều đôi tai tôi lúc này không còn tinh tường như trước, nên không định được hướng và khoảng cách một cách chính xác, thành thử tôi chỉ còn biết tin vào đôi mắt mà thôi. Ai đã có dịp thấy bụi tre mới thấy được cái rậm rạp, um tùm của cánh rừng toàn thứ cây chà chạnh, gai góc, vướng víu lạ lùng này!… Tôi theo sát Ri, dò từng bước, lúc nào cũng nơm nớp sợ con thú bị thương bất ngờ vọt ra từ sau khóm lá xanh đậm mát rượi…
Tiếng gà rừng chốc chốc lại vang lên. Như vậy, con hổ biết có người theo dõi, nên luôn luôn luồn bụi này sang bụi nọ, chọn những lối rậm rạp nhất cho khỏi lộ. Đôi lúc tôi bất chợt gặp vài dấu chân rõ như in, chứng tỏ nó vừa qua tức thời, vậy mà chẳng bao giờ tôi thấy được chỏm đuôi con vật, đủ tỏ giống hổ khôn ngoan thế nào!
Thời gian qua mau lạ!… Thoáng cái đã đổ tối. Tôi đành dành cuộc săn đuổi cho bữa sau.
Lần này tôi chỉ có Ri đi theo. Nhóm thanh niên Thượng đợi chúng tôi ngoài ngách núi. Họ sửa soạn thừng, chão với đòn khiêng, sẵn sàng như thấy xác hổ rồi!
Tôi tìm ra chiếc móng nai nhỏ xíu bên bờ suối: như vậy con hổ coi như bình phục, vồ nổi nai tơ rồi… Có điều lót dạ con nai nhỏ này, thế nào cũng nhớ mùi thịt người quen thuộc… Đã thế tôi càng phải cẩn thận.
Giá vào lúc bình thường, tôi không ngại, nhưng càng ngày trong tai tôi càng nhức nhối… Cổ tôi sưng tới độ không thể quay nghiêng hay ngửng lên cúi xuống được; còn mắt trái cũng híp hẳn lại. Thực đáng buồn… Tôi tới đây để trừ con ác thú tác quái trong vùng bao lâu nay, vậy mà tới giờ, tôi chỉ làm cho tình thế trầm trọng thêm. Giá con vật chết hẳn thì đành một lẽ, đằng này nó yếu đi, không đủ sức bắt trâu bò hay thú rừng trở nên quá lanh lẹ đối với nó, nên chỉ còn cách duy nhất để sống là… vồ người! Dân chúng miệt Bản Then thành thứ mồi chính của nó! Tôi phải thanh toán nó cho bằng được mới yên tâm.
Trời vần vũ nhưng không mưa, tôi còn có thể tiếp tục sục sạo cho tới chiều.
Công lao của tôi chẳng đem lại kết quả gì. Khi mặt trời lặn, tôi nghỉ ngơi đôi chút rồi vẫy Ri lại gần:
– Chú họp anh em lại, về buôn đợi tôi… Đêm nay có trăng, thế nào hổ cũng ra kiếm ăn… Tôi đón nó ở khoảng rừng thưa kia.
Gã thanh niên nhìn tôi chằm chặp, có lẽ gã tưởng tôi điên chăng!… Mãi sau gã mới nói:
– Thầy để tôi dẫn đường cho.
Tôi gạt phắt:
– Khỏi!… Tôi thuộc lối rồi.
Dứt lời với túi đạn khoác lên vai, nhặt khẩu súng tôi bước nhanh vào rừng. Đi khá xa, ngoảnh lại, tôi còn thấy họ ngồi cả đó. Hình như chẳng ai nỡ bỏ tôi một mình đương đầu với cọp, trong buổi tối chập chùng của rừng khuya.
Đi săn đêm nhiều, kinh nghiệm đôi chút về thói quen của thú rừng, thực thà tôi không sợ hổ tấn công bất ngờ, chỉ lo cơn đau dấy lên khiến tôi choáng váng ngã lăn ra đó thời khổ … Dù sao cũng liều với trời!
Dưới ánh trăng bàng bạc len qua cành lá, bụi cây khóm cỏ xác xơ lúc ban ngày nhuốm vẻ âm u kỳ lạ… Chỗ nào tôi cũng thấp thoáng thấy bóng vàng vằn đen của con hổ. Đã mấy lần tôi đưa súng lên vai… Đang lom khom theo lối mòn chi chít dấu chân đủ loại thú rừng, tôi vô ý đụng đầu vào cành cây, thể là cơn đau nổi lên, dữ dội tới độ tôi tưởng ngất lịm chắc!… Tôi chỉ còn đủ sức gượng leo lên cây sồi mọc ngay đó, ôm chắc lấy cành cây, nghiến răng nhịn đau… Cái nhọt bọc trong tai vỡ hồi nào tôi không hay, chỉ biết khi ý thức được mọi vật xung quanh, tôi cảm giác nhẹ nhàng của người vừa được buông thả sau trận tra tấn ghê gớm. Sự chấm dứt đột ngột nỗi đau đớn âm ỉ hành hạ tôi cả tháng nay, làm tôi thoải mái lạ lùng. Tôi muốn nhảy lên, hét thực to cho thỏa, nhưng nghĩ tới con hổ quanh quất đâu đây, tôi lại không dám động mạnh… và ngủ thiếp đi.
Tảng sáng tôi mới tỉnh giấc. Tuy chân tay lạnh cứng nhưng mặt và cổ hết sưng, mắt trái cũng mở lớn được rồi, tôi có thể quay đầu, ngoảnh nhìn tứ phía như mọi người.
Tụt xuống gốc cây sồi lúc này là chuyện hết sức dễ dàng, không còn là cực hình như khi trèo lên đêm qua. Kể ra tôi để lỡ một dịp tốt hạ con hổ, nhưng không hiểu sao, tôi có cảm tưởng sẽ gặp nhiều may mắn từ sáng nay. Trạng thái tinh thần lạc quan này khiến tôi chẳng cảm thấy chút gì mệt mỏi, tôi sẽ băng hết cánh rừng tre, nếu cần, để hạ bằng được con hổ.
Khi quanh về tới hẻm núi ngoài ven rừng, tôi thấy nhóm trai tráng vẫn còn đó. Vừa nhác thấy tôi, họ nhảy lên, reo mừng như trẻ nít đón mẹ về chợ. Ri chạy tới trước nhất:
– Thầy không sao chớ?
Tôi vỗ vai gã:
– Khỏe hơn bữa qua là khác, chú không thấy à?
Một người đỡ súng cho tôi, một người khác rót vội chén trà nóng. Thì ra cả nhóm chẳng ai về buôn như tôi dặn. Họ bất chấp nguy hiểm, quây quần quanh đống lửa lúc này còn âm ỉ cháy, để lỡ ra khi cần, có thể chạy tới cứu tôi.
Trời còn sớm chưa nghe tiếng chim rừng hay đàn khỉ chí chóe trên cây. Tôi châm thuốc hút, nhấm nháp khúc khoai mì lùi trong bếp than và uống cạn chén trà đặc, nóng bỏng, rồi vươn vai đứng dậy:
– Các chú khỏi cần lo cho tôi… Cứ về trước đi, nghe tiếng súng hãy ra, nghe chưa?
Họ nhìn nhau nhưng không ai trả lời. Tôi thừa biết chẳng ai làm theo lời tôi dặn hết: họ tự cho như có bổn phận chia sẻ nỗi nguy hiểm với tôi mới là phải.
Tôi tìm ra dấu chân hổ không khó khăn gì; nó chưa bắt được người tất phải quanh quẩn đâu đây chờ mồi, tôi nghĩ như vậy. Nhưng mãi tới xế trưa tôi mới tới được chỗ con vật nằm đêm qua; dưới khóm gai hãy còn nửa con nai tơ, con nai nó vồ bữa trước đem giấu đây… Không có mồi ngon, thế nào nó cũng trở lại chỗ này, tôi chỉ việc núp kín, dưới chiều gió là hy vọng hạ được. May mắn cho tôi, cách đó vài chục thước, có khối đá tảng khá lớn; ẩn sau phiến đá, tôi có thể quan sát tứ phía.
Nhưng đợi khoảng nửa giờ, rồi một giờ, vẫn không nghe động tĩnh gì. Trời im gió, lưng áo tôi nóng bỏng… Mồ hôi ròng ròng trên má, trên cổ mà tôi không dám nhúc nhích. Bỗng có tiếng gà rừng gáy liên hồi, rồi có tiếng vỗ cánh nặng nề của đàn trĩ… Đôi chim khách đang chúi mỏ trên thân nai vụt bay lên cây. Như vậy là con hổ tới, không sai được…
Nó tới thực, luồn qua các bụi tre thưa êm ả như chiếc bóng. Con vật tuyệt đẹp, vừa cao vừa trường con, thân hình óng ả nổi bật trên nền tre tươi, cách tôi khoảng 40 thước. Tôi nâng súng, bình tĩnh nhả đạn… Một chút bụi bốc lên phía sau con hổ: viên đạn của tôi không trúng tim, đã xuyên ngang mình nó!
Con vật nhún mình, vọt thẳng về phía trước, biến mất trước khi tôi nổ phát thứ hai.
Tôi bực mình lắm, chắc chẳng bao giờ có dịp tốt như vậy nữa… Vướng nhiều bụi gai, tôi đuổi theo không được nhanh, nhưng cũng tìm thấy nhiều vết máu tươi rải rác trên mặt đất.
Một con thú bị xuyên đạn qua mình như vậy, không thể nào chạy xa được… Linh tính dạy nó phải nằm yên cho khỏi mất máu. Điều này tôi biết lắm, nên vừa rảo bước tôi vừa đảo mắt nhìn quanh. Bất cứ lúc nào, con hổ cũng có thể chồm vào tôi để trả thù. Được chừng non cây số, tới khoảng cỏ tranh cao tới trên đầu gối, tôi đứng lại, nhìn thực kỹ… Đuổi theo hổ trong cánh đồng cỏ tranh là làm một việc chẳng khôn ngoan chút nào.
Tôi đã biết thợ săn gặp nạn vì không đề phòng chu đáo, họ quên rằng giữa cánh đồng tranh, con hổ thấy rõ người trong khi toàn thân nó chìm kín dưới lớp lá dài, uốn lượn như gợn sóng.
Con hổ của tôi chắc chắn nằm chúi đâu đây… Tôi hy vọng nó vừa bị hai vết thương vừa bị đói mấy bữa rày, nên vị tất dám tấn công trước. Có thể nó chờ tôi đi khỏi rồi lẩn nữa chăng!
Điều này tôi lầm to… Đúng vào lúc tôi toan rẽ lớp cỏ rậm để đặt chân vào giang sơn của nó, thì con vật xuất hiện: nó chỉ cách tôi có 3 thước… Có thể nó tưởng tôi phát giác được chỗ núp rồi nên phải ra tay trước, không chừng.
Nhưng trong trận thử lửa cuối cùng này, nó không còn đủ sức để vọt lên cao như những khi vồ người trước đây. Nó cũng không còn yếu tố bất ngờ để thắng tôi… Con vật vừa cất mình lên tôi nổ súng ngay… Cổ nó ngoẹo sang một bên, mấy đốt xương sau gáy bị đạn phá nát.
–oOo–
Tôi không nhắc lại đây nỗi vui mừng của dân Bản Then. Họ mở hội 3, 4 ngày liền, đợi cho tấm da hổ của tôi được phơi thực khô mới chịu cho tôi về.
Sau chuyến săn đó, thính giác tôi bình phục lần lần. Tôi lại có thể nghe được âm thanh trầm bổng của chim rừng mỗi khi vác súng đi săn. Đấy cũng là phần thưởng đặc biệt dân Bản Then dành cho tôi.
NMT phóng tác
Trần Vũ đánh máy lại tháng 8-2024 từ tuyển tập 15 Truyện Săn Bắn của Nxb Sống Mới in tại Sàigòn trước 75.