15 Truyện Rừng

Nguyễn Mạnh Tuân phóng tác

Chú Hoàng đi vòng quanh trại: dưới bốn chiếc lều vải rộng, từng dãy cũi, tre có, gỗ có, mỗi cũi chứa dăm bảy thú rừng. Chú bảo Du:

– Mình kiếm gần đủ số rồi đó… Hổ, lợn lòi, khỉ đột, voi, gấu, chỉ còn thiếu cặp báo nữa là xong!

Hai chú cháu Du quanh quẩn trong khu rừng già đã ba bốn tháng trời để săn thú gởi bán cho các thảo cầm viên ngoại quốc. Công việc chẳng nhàn nhã gì, đôi khi nguy hiểm nữa, nhưng Du thích thú lắm.

Du được chú Hoàng chỉ bảo từng chút: nào theo dấu chân, nào tìm hiểu thói quen của thú rừng, nào những mánh khóe săn thú. Có bữa hai chú cháu thức thâu đêm bên mấy chiếc bẫy, nín thở rình đôi cọp có bộ lông vàng óng, vằn đen, lướt nhanh trong đám lau sậy rồi mất hút vào bóng đêm. Còn những buổi băng rừng dăm bảy ngày đường, lúc này đối với Du đã là chuyện thường: cậu bé thành thị đã dạn dày với gió núi, trăng ngàn từ lâu rồi.

Du nhìn chú Hoàng:

– Sao vùng này ít báo, chú nhỉ?… Cháu chưa gặp con nào từ ngày đặt chân lên cao nguyên.

Chú Hoàng gật đầu:

– Ðúng vậy… Các loại báo không ưa núp trong bụi như hổ. Nó thích nơi có hang, hốc, nhất là những cánh rừng thưa gần trang trại chăn nuôi kia… Báo ở đây mình vàng, đốm đen, dưới miền Bản Then có báo mun lông mịn như nhung, được giá lắm.

Du nghĩ tới lão Pài, người cai Thượng trong nhóm phu khuân vác, mỗi khi đi rừng. Lão đã già, tóc trắng như cước. Nét mặt có nước da màu gạch, nhăn nhúm như trái táo tàu. Vậy mà lão là người nổi tiếng săn báo gan dạ nhất. Lão nói với Du:

– Cái giống báo dữ lắm… Hổ còn thua xa. Có con chỉ nặng hơn tạ mà dám vật trâu lớn bằng hai nó, lôi đi băng băng.

Du hỏi chú:

– Chú có cho lão Pài đi theo không?

Chú Hoàng cười:

– Phải có lão chứ!… Ngày còn trẻ, lão chỉ có vài ngọn lao, mà ở đâu có báo là lão mò tới, giết cho được mới chịu. Ấy lão vẫn cả quyết: giết báo bằng lao chắc ăn hơn; gặp con báo dữ, dù trúng dăm bảy phát đạn, nó vẫn dư sức bấu nát thợ săn rồi mới chịu chết… Bây giờ lão già rồi, nhưng săn báo thì vẫn chưa ai ăn đứt được.

–oOo–

Một tuần sau, hai chú cháu cắm trại ở Bản Then.

Ngay đêm đầu, Du đã nghe tiếng báo gầm. Lão Pài bảo Du:

– Ấy nghe thì gần thế đấy… Nhưng nó phải cách ta tới năm cây số ngàn… Cậu nghe coi, bắt đầu tiếng nó khàn khàn rồi lớn dần, cuối cùng vang lên như tiếng sấm phát khiếp lên được!

Du thấy lão nói đúng. Có điều trước khi tắt hẳn tiếng gầm gừ nghe nghẹn ngào rồi lắng dần ngoài xa…

Lão Pài nghiêng đầu, lắng tai gật gù:

– Cứ nghe giọng nấc ta đoán được ngay hà… Không thấy tiếng gì là “nó” ở xa lắm… Còn như vậy là quanh vùng này thôi…

Chú Hoàng cho đốt đống lửa thực to. Củi rừng thiếu gì. Du cho là thú rừng sợ lửa nhưng lão Pài cả quyết:

– Những con nhát gan mới sợ… Giống báo thấy lửa lại hay sấn lại gần kia!

Nhưng dù sao trong bóng rừng âm u, ánh lửa cũng làm cho mọi người vững tâm hơn.

Vào khoảng nửa đêm, Du chợt tỉnh giấc. Bên cạnh cậu bé, chú Hoàng cũng thức từ hồi nào. Chú bấm Du khẽ chỉ ra ngoài lều: ngay phía dưới bụi cây trước mặt cách hai chú cháu chừng mười thước, một cái đầu báo vàng khè vừa ló ra. Con vật đăm đăm nhìn ánh lửa đôi tròng mắt óng ánh, đẹp lạ lùng!… Nó uyển chuyển ra khỏi bụi rậm, nằm dài trước đống lửa rồi há miệng ngáp y như con mèo.

Chú Hoàng không bao giờ nghĩ tới một chuyến thăm viếng bất ngờ như vậy. Chú chưa sửa soạn gì hết, lưới chưa căng, cũi chưa đóng… Còn đám phu với thợ săn thì ngủ say như chết… Chú cất tiếng gọi, chắc con báo chạy mất. Tuy có đúng nhưng chú chưa nỡ bắn: con vật đẹp quá sức, giết chết thì hoài quá!

Du thấy hồi hộp lạ. Cậu bé lẳng lặng với khẩu súng dưới đầu giường, giơ lên vai… Chú Hoàng ghé sát tai Du:

– Coi chừng… Có khi cháu nổ súng, con vật nổi điên thì tai hại… Ðám phu còn nằm đó… “Nó” mà bị thương sao cũng có vài người chết với nó.

Xem thêm:   Người tháp chữ A vào tên PARIS

Cũng có thể như vậy… Du vẫn nghe lão Pài nói:

– Thú dữ đến đâu chăng nữa, không bị dồn đến bước đường cùng, cũng chẳng vồ người làm gì… Nhưng khi nó bị thương thì liệu hồn…

Có điều đối với loại báo, chẳng biết đâu mà tính: bọn phu làm gỗ hay thợ rừng đi lẻ loi bị báo vồ là thường.

Có lần một con báo lẻn vào nhà thờ: nó bấu một lượt hai người chết rồi bỏ đi… Một con khác mò tới trại của một gã tìm vàng, nó ăn trộm miếng thịt bò khô… Hai ba lần như vậy; gã tìm vàng tức mình đem thịt bò giấu biến một nơi. Con báo không kiếm được ra món ăn quen miệng, bực mình, ngoạm nát đùi gã này rồi phóng vào bụi mất dạng!

Con báo hếch mũi đánh hơi… Có lẽ nó phân vân chưa biết thứ mồi mới mẻ này có vừa miệng chăng. Giữa lúc đó có tiếng lợn rừng hộc lên ngoài xa… Con vật lắc lư chiếc đầu xinh xắn, nghe ngóng rồi vụt đứng dậy, quay phắt đi… Dáng dấp vừa gọn vừa nhanh, chớp mắt đã mất hút khiến hai chú cháu Du tưởng chừng hoa mắt chắc!… Nhưng ngay đó, tiếng heo rừng rống lên thê thảm… Con báo đã vồ được mồi.

Sáng hôm sau, lão Pài chỉ cho Du vết chân báo trên mặt cát, mỗi vết bằng chiếc đĩa tây, tròn vo, chẳng có kẽ cũng chẳng thấy móng. Lão bảo Du:

– Giống báo vậy đó, đi thì quặp móng lại, êm ru!… Vậy mà chân nó mạnh lắm, quào một nhát đủ giết nổi con bò kia!

Lão dẫn Du tới tận khoảng rừng bên bờ suối, nơi con báo chụp heo rừng: cây cối gãy tứ tung, cỏ nát bét, nhưng không thấy xác heo đâu.

Du theo lão trên vết báo đi: con vật tha mồi băng qua khoảng rừng thưa chi chít bụi gai, cho tới tận bờ suối, nước chảy cuồn cuộn. Du ngơ ngác:

– Báo biết bơi sao, chú?

– Biết… Mà bơi giỏi nữa cà!… Con này chắc có hang phía bên kia sông… Nó tha mồi về đây cho con đây!

Du nghĩ tới nỗi vất vả của con vật vừa vượt sông vừa tha mồi nặng gấp hai nó, chép miệng:

– Giống báo khỏe thực!

Lão Pài gật đầu:

– Còn phải nói!… Chính mắt tôi đã thấy con báo lôi xác con ngựa, khoảng ba cây số ngàn, vượt bờ vượt bụi, tới tận bờ suối mới ăn… Nó ăn ngon lành, thỉnh thoảng nghỉ nhai, ra suối uống nước, rồi lại nằm ăn…

Trên đường về trại, lão chỉ mấy thân cây sồi ven rừng:

– Nó rửa móng đó!

Du thấy cây nào cây nấy, vỏ tướp như bào, nhất là chỗ thân cây cách mặt đất khoảng hai thước. Lão Pài cắt nghĩa:

– Ấy nó dựng đứng người lên, hai chân trước cào vào thân cây để mài cho móng sắc thêm. Cào chán nó duỗi hai chân sau vào cát… Thành thử vuốt báo không mọc dài được; lại sắc như dao… Ðôi lúc nó chồm lên mồi, hai chân bấu lấy cổ, bẻ quặt ra sau, miệng ngoạm vào gáy, còn hai chân sau cào nát con mồi… Chẳng con nào thoát chết!

Chú Hoàng cho đóng cũi để sẵn. Cũi nhỏ thôi, bằng tre đực, quánh như thép. Chú bảo Du:

– Cũi lớn, nó lấy đà nhảy tung lên, phá cũi. Ðằng này cu cậu chỉ vừa xoay trở, không hung hăng được… Cùng lắm là cắn vào thân tre, nhưng tre đực này có vị chua, cắn chán, ghê răng, nằm im ngay…

Lão Pài tìm thấy vết chân báo trên bờ suối, lão bàn với chú Hoàng:

– Ta cho làm bẫy hầm, coi xem sao!

Bẫy hầm thông dụng nhất: chỉ việc đào chiếc hố sâu trên phủ cành lá cây, ngay trên lối thú rừng qua lại. Lão Pài cho đặt thêm sợi chão ngang hố, có nút thòng lọng. Ðầu chão buộc vào cành cây trên cao. Báo rớt xuống hố, đụng vào dây, thòng lọng siết lại, chỉ việc lôi vào cũi là xong.

Ðêm ấy lão Pài và chú Hoàng không ngủ, chú vác súng ngồi canh chừng cho lão Pài dụ mồi. Lão lấy sừng trâu, vót nhọn làm thành chiếc tù và. Chốc chốc, lão lại đưa lên miệng thổi một hơi dài, ngân nga thành thứ tiếng kỳ lạ, trầm bổng, như tiếng báo gầm. Lão bảo Du:

– Thế nào cũng có con báo đực mò tới cho coi!

Thú rừng nghe tiếng tù và đều nín khe. Cũng chẳng nghe tiếng báo đực nào đáp lời. Mãi tới khoảng trăng lên, mới vọng lại giọng nghẹn ngào kéo dài của con báo lạ. Tiếng gầm mỗi lúc mỗi gần, phảng phất như ngay trong cánh rừng trước mặt.

Xem thêm:   Phải đâu miền đất hứa

Rồi tất cả đều im bặt… Cho tới lúc bất ngờ nhất, cái yên lặng của đêm thâu chợt rung động lên dữ dội trong tiếng gào hằn học vẳng lại từ phía hầm bẫy. Lão Pài xoa tay:

– Nó sa hố rồi đó!… Lại coi!

Du có cảm tưởng hố sâu là nồi nước sôi: cành lá, đất cát bắn tung… Chiếc thừng đu đưa như muốn đứt, chứng tỏ con báo đã mắc thòng lọng, đang giãy giụa để thoát thân.

Chú Hoàng thét toán phu:

– Luồn dây qua khe cũi, mau!

Như vậy, chỉ cần kéo mạnh là con báo vừa lên khỏi hố đã lọt vào cũi. Nhưng đó là trên lý thuyết, thực tế ra, con vật khỏe quá, nó lôi băng cả bảy người phu lực lưỡng, lật đổ chiếc cũi tre, làm sợi thừng đứt phựt!…

Chú Hoàng nổ súng thực nhanh… Hai tiếng nổ chát chúa, khói tỏa khét lẹt, con báo vừa chồm lên đã khuỵu xuống… Nó lăn đi một vòng, quật đuôi lao mình về phía lão Pài… Con vật trúng đạn hẳn hoi mà còn khỏe như trâu… Nó hà ra thứ bọt máu của con thú bị thương, quơ hai chân trước vồ mồi.

Không may cho nó, lão Pài đã thủ thế sẵn: lão không tránh né chút nào, chỉ chống ngọn giáo tre xuống đất, chĩa mũi đón lấy ngực con báo. Mũi giáo của lão chia đôi, bằng thứ thép tốt, xiên ngọt vào thịt báo… Trong một giây thân con vật treo lửng lơ… Lão Pài quỳ gối xuống đất, ghì chặt cán giáo: lão không cần thúc mạnh thêm, sức nặng của con vật dư đủ để giết nó rồi… Có điều lần này con báo khỏe quá: trong lúc hăng máu, nó vùng vẫy tới độ tuột khỏi mũi giáo, lăn xả vào kẻ thù. Lão Pài không cuống quýt chút nào, lão bình tĩnh đổi hướng ngồi, cán giáo không rời mặt đất, mũi nhọn đưa ra trước… Lại một lần nữa con báo trúng thương… Nó không còn sức giãy giụa nữa; chú Hoàng bồi thêm hai viên đạn, trong khi lão Pài lựa thế đẩy ngửa con vật ra, ghim nó xuống đất.

Bốn chân con báo rung lên, móng vuốt chĩa ra, trông rợn người… Nhưng chỉ giây lát sau, đầu nó ngoẹo sang một bên, người oằn đi, máu miệng trào ra như xối…

Con báo chết, nhưng cả chú Hoàng cũng như Du, đều có cảm tưởng là mình thua trận. Lão Pài cũng vậy, lão thở dài:

– Thế là công toi!… Mình còn vất vả mới tìm được con khác!

–oOo–

Ðêm ấy, ăn thịt báo. Du chẳng thấy ngon chút nào, thịt nhạt, dai, giống như thịt trâu già. Nhưng toán phu và thợ săn lại thích thú lắm. Lão Pài khề khà nhắm miếng thăn thui tái với rượu đế, bảo Du:

– Cái giống báo là khỏe nhất… Ðược ăn thịt nó, người nhát gan đến đâu rồi cũng bạo như hùm… ăn thử coi.

Du chỉ cười.

–oOo–

Phải cả tuần sau, lão Pài mới lại tìm ra dấu vết một con báo khác. Lần này là con báo mun, đen láy. Chú Hoàng mừng như bắt được vàng:

– Loại báo này hiếm có, mà quý lắm đấy, phải tính cách nào bắt cho chắc mới được!

Lão Pài chỉ gật gù, không nói gì. Lão bỏ đi vào rừng tới gần tối mới về, đem theo một bó dây leo. Chú Hoàng nháy mắt với Du:

– Vậy là có chuyện đấy… Lão có kế bắt sống con báo mun cho coi!

Sáng hôm sau, khi Du thức dậy, lão Pài đã đang ngồi ngoài nắng, hí hoáy pha trộn một thứ keo quánh như hồ đặc. Lão cười khà khà:

– Ấy chỉ có vài thứ nhựa cây thế này mà con báo chịu thua đây… Cậu có tin không?

Du nhướng mày:

– Cháu có thấy đánh bẫy chim bằng nhựa rồi… Người ta bôi nhựa vào cành cây, chim đậu vào là dính, càng giãy càng dính thêm, thợ săn chỉ việc ra nhặt. Nhưng bẫy báo bằng nhựa thì…vô lý quá!

Lão Pài lắc đầu:

– Trên miền ngược, họ đều dùng cách này để săn thú rừng… Rồi cậu coi!

Suốt ngày hôm ấy lão Pài và nhóm thợ săn hết ngâm dây leo lấy nhựa, lại lúi húi ngào keo. Cho tới chiều, thì họ được hai thùng đầy. Lão Pài bảo chú Hoàng:

– Ðủ rồi đó… Mai ta vào rừng, chỉ mốt là tóm cổ con báo mun thôi!

Xem thêm:   Rèn chữ

Lão chẳng có vẻ nói đùa chút nào; còn Du thì nửa tin nửa ngờ. Chỉ có chú Hoàng là vững dạ: bao giờ chú cũng tin ở tài săn thú của lão già người Thượng này.

–oOo–

Khi mặt trời lên cao độ con sào thì lão Pài tìm thấy hang báo. Ðó là một ngách núi hẹp, tối mò. Nhờ vài sợi lông dính trên mặt tảng đá ráp, lão biết được đó là hang báo đực, mà là con báo mun. Lão cho căng ngoài cửa hang chiếc lưới gai. Trên mặt lưới, đám thợ săn rắc lá khô che kín, đoạn họ trút cả hai thùng nhựa ra đó, gạt cho nhựa chảy đều, rắc thêm lá lên nữa là xong.

Lão nói với chú Hoàng:

– Khoảng sớm mai nó mới ra… Có vết kéo xác lợn rừng đây này, như vầy là bữa nay nó no bụng rồi, chả cần kiếm mồi đâu… Ta tìm chỗ nào nghỉ ngơi là vừa!

Du bắt đầu thấy sự kiên nhẫn của thợ săn: Ðợi chờ! Bao giờ cũng đợi chờ… Có khi cả mấy ngày đêm liền. Người thợ săn giỏi, phải gan lì hơn thú rừng mới được.

Chú Hoàng cho mắc võng để hai chú cháu nằm nghỉ. Lão Pài cắt người canh lưới, rồi cũng ngáy khò khò.

Suốt đêm không thấy gì lạ.

Tang tảng sáng, nhóm thợ săn nghe động ngoài lưới, vội kéo nhau ra, nhưng đó là con nai tơ chạy loăng quăng thế nào, lạc bước vào đây… Con vật đứng ngơ ngác, liếm chân.

Chú Hoàng toan cho ra bắt lấy, nhưng lão Pài gạt đi:

– Cứ để đấy làm mồi… Con báo ra ngay giờ đó!

Du phải chịu lão nói đúng. Mọi người vừa kéo vào chỗ núp, thì nghe tiếng báo gầm thực!… Ngay trước cửa hang, một con báo tuyệt đẹp đứng sừng sững. Người nó mảnh mai, đen như mun. Ðôi mắt vàng chói, lấp lánh… Nó há rộng miệng, nhe hàm nanh trắng bóng… Du đoán chừng nó khát nước thì phải. Con báo lững thững thót lên phiến đá ráp nhìn tứ phía, và nhận thấy con nai. Thế là nó nhảy vội xuống bước thẳng vào lưới.

Nó chưa kịp vồ mồi đã phải dừng lại, rũ chân trong đám lá. Nó giơ cao một chân, nhận ra lớp nhựa trắng, le lưỡi liếm vài cái… Chân kia cũng vậy, cũng làm nó vướng víu, khó chịu… Rồi cả bốn chân đều bê bết thứ keo dính với lá… Nó ra sức liếm, rồi nhai, rồi cắn, nhựa vẫn không hết, còn dính thêm lên mõm, lên mắt, lên trán nó nữa! Nó nằm nghiêng để giơ cao bốn chân; thế là cả nửa mình nó đầy nhựa… Con vật như quên hết mọi sự, chỉ còn lo liếm cho sạch thứ keo quái ác trên người…

Du phát phì cười… Du nhớ có lần đi xin được con mèo con mang về. Má Du sợ mèo lạ nhà, bỏ đi, nên lấy bơ quệt vào bàn chân mèo. Thế là con vật loay hoay liếm chân tới mấy ngày, chẳng nghĩ tới chuyện đi đâu nữa!

Lúc này con báo cũng vậy… Nó cũng sạch sẽ giống như mèo, nên hùng hục liếm lấy liếm để, hết chân đến sườn đến ngực… Lớp keo tai hại dính cả lên mắt làm nó trông ra ngoài một cách khó khăn… Thấy người tới gần, nó chỉ gầm gừ lấy lệ, chẳng buồn đứng dậy nữa… Lão Pài cho mang cũi lại bên dưới. Nhóm thợ săn nhẹ nhàng túm bốn góc lưới, luồn vào khe chấn song.

Chiếc lưới thu gọn dần, gọn dần, nhích con báo đi từng chút từng chút. Con vật cắm đầu cắm cổ liếm nhựa, chẳng còn biết trời đất vào đâu nữa.

Thậm chí tới lúc chú Hoàng lấy thòng lọng giựt con nai ra khỏi lưới, nó cũng không hay.

Cuối cùng cả lưới lẫn báo đều nằm gọn trong cũi. Cánh cửa gỗ sập xuống, thế là xong.

Lão Pài vui vẻ lắm:

– Nó còn phải liếm lông cả tuần nữa… Tới bao giờ sạch bóng mới chịu thôi kia!…

–oOo–

Ðêm ấy mọi người quay quần bên bữa tiệc thịt nai. Chú Hoàng là người vui vẻ nhất: từ ngày bắt đầu bước chân vào nghề săn thú, chú chỉ mơ ước bắt được con báo mun.

Giờ đây, giấc mơ đã thành, trong chiếc cũi ngay bên cạnh đống lửa trại, con báo mun của chú nằm đó, hiền lành như con mèo, vừa ve vẩy đuôi, vừa chăm chú liếm bàn chân.

NMT

Nguyễn Mạnh Tuân phóng tác, Nxb Sống Mới, Sàigòn 1970

Trần Vũ đánh máy lại tháng 8-2022