Tên tuổi Võ Nguyên Giáp gắn liền với “Biển Người”, một chiến thuật mà Đại tá Pierre Rocolle, trong luận án Vì sao Điện Biên Phủ [Pourquoi Dien Bien Phu, Nxb Flammarion, 1968], mô tả: Theo những tiêu chuẩn của Việt Minh, tấn công một cứ điểm cần tập trung nỗ lực trên một trận địa thật thâu hẹp (vào chừng vài trăm thước), hầu đánh thủng hệ thống phòng thủ tại một điểm. Tất nhiên cần lượng lớn súng cối và đại bác đối diện khu vực tấn công, đồng thời tập trung các đơn vị được chỉ định xung phong đông từ 10 đến 20 lần quân trú phòng trong một hành lang hẹp, trên địa thế chọn lựa. Thực hiện đầu tiên một xé rào, rồi nới rộng dần bằng cách tung những làn sóng tiến công liên tiếp cho đến khi trọn chu vi phòng thủ đối phương bị tràn ngập.” (trang 348)

Chiến thuật biển người là công thức tác chiến của các quân đội Cộng sản. Hồng quân Sô-Viết trên chiến trường Âu châu, Giải Phóng quân Trung quốc tại Triều Tiên đều áp dụng phương thức này.

Trong trận Sông Áp Lục tháng 10-1950, 270,000 quân Trung cộng của Bành Đức Hoài đã tràn ngập phòng tuyến Hoa Kỳ tại Cao Ly. Với một Mao vững tin “Biển người” là hình thái ưu việt của chiến tranh, Võ Nguyên Giáp khó có thể suy nghĩ khác.

Chiều 13 tháng 3-1954, 2 trung đoàn 141 và 209 của sư đoàn 312 của Lê Trọng Tấn đánh biển người lên đồi Béatrice (Bản Him Lam) do tiểu đoàn 3 Bán Lữ đoàn 13 Lê dương (III/13 DBLE) cấp số 517 binh sĩ trấn giữ. Thiếu tá Paul Pégot cùng bộ chỉ huy tiểu đoàn, đại úy Vincent Pardi, các trung úy André Carrière, Georges Jego, André Lemoine và sĩ quan trưởng tiền sát viên pháo binh (DLO) Joseph Pungier tử trận ngay phút đầu. Béatrice bị tràn ngập lúc 11 giờ rưỡi đêm.

Chiều hôm sau, trung đoàn 165 Lao Hà và trung đoàn 88 Tu Vũ đánh biển người lên đồi Gabrielle (đồi Độc Lập) do tiểu đoàn 5 trung đoàn 7 Tán binh Algérie (V/7e RTA) với 877 lính Bắc Phi phòng thủ. Cả 2 thiếu tá Roland de Mecquenem và thiếu tá Kah đều bị thương nặng lúc 4 giờ sáng. Đại úy Gendre thay thế, quyết định triệt thoái căn cứ khi quân Dù phản kích.

Khai trận của Võ Nguyên Giáp là 2 chiến thắng sấm sét.

Tuy nhiên Việt Minh trả giá máu: Phải mất 16 ngày sau, đến đêm 30 tháng 3-1954 Võ Nguyên Giáp mới có thể tiếp tục tấn công trở lại. Chính vì phải điều thêm 10,000 bộ đội từ chiến khu Việt Bắc lên Điện Biên Phủ để tăng cường và thay thế cho bộ đội thương vong (Ivan Cadeau, La Guerre d’Indochine, Nxb Tallandier 2015, trang 577). Chiến thuật biển người song hành với biển máu.

Xem thêm:   Hang gấu

Nhưng không phải lúc nào “biển người” cũng đem đến kết quả.

Tháng 7-1948, trung đoàn Thủ Đô tăng cường trung đoàn 72 và tiểu đoàn 410 đánh cường tập vào đồn Phủ Thông Hóa do đại đội 2 Lê dương của đại úy Cardinal cấp số 107 binh sĩ tử thủ. Sau hai đêm công đồn Việt Minh rút lui để lại 500 xác. Trận Xóm Pheo tháng 1-1952, sư đoàn 308 bỏ lại 800 xác chết cũng không triệt được đồn. Tương tự, các trận Vĩnh Yên, Mạo Khê, Nà Sản là những thất bại đẫm máu. Nhưng vì sao thành công tại Điện Biên Phủ? Vì sao trong một đêm tràn ngập một tiểu đoàn của Bán Lữ đoàn 13 Lê dương là đơn vị lẫy lừng nhất, từng đương đầu với Quân đoàn Châu phi Afrika Korps Đức Quốc xã tại Lybia? Chính vì lần đầu tiên Việt Minh sở hữu pháo binh 105 ly, và về sau tăng cường thêm Dàn Phong Cầm Staline (Katyusha Rocket Launcher) là các ổ phóng 6 hỏa tiển trong thế chiến, cũng lần đầu tiên xuất hiện cao xạ nặng 37 ly.

Chính vũ khí Tàu với máu Việt làm nên chiến thắng. Nhưng phía quân Liên hiệp Pháp cũng là máu Việt. Trong số 4,000 binh sĩ nhảy dù thả xuống tăng viện cho Điện Biên Phủ, trên 2,000 là lính Việt Nam.  

[Trần Vũ]

 ĐỒNG CHÍ VI QUỐC THANH TRONG VIỆN TRỢ VIỆT NAM ĐẤU TRANH CHỐNG PHÁP 

Vu Hoá Thầm

bản dịch của DƯƠNG DANH DY

Quyết chiến Điện Biên Phủ (hạ)

Đến thượng tuần tháng 3/1954, quân đội VN bao vây Điện Biên Phủ đã gần 3 tháng. Trong thời gian này, ngoài việc tiến hành chuẩn bị chiến đấu quân đội nhân dân còn nhiều lần đánh lui các cuộc xuất kích quy mô nhỏ của địch đóng giữ Điện Biên Phủ, qua đó rèn luyện bộ đội. Vào lúc này, để chuẩn bị cho 5 nước Xô, Mỹ, Anh, Pháp, Trung và đại biểu các nước có liên quan tham gia hội nghị Genève thảo luận vấn đề Triều Tiên và vấn đề Đông Dương, triệu tập vào giữa tháng 4, Chu Ân Lai nêu ra với Đoàn cố vấn quân sự: “Để giành chủ động về ngoại giao, có thể tổ chức đánh mấy trận thắng đẹp ở Việt Nam như trước khi đình chiến ở Triều Tiên không?”. Ngày 3/3, sau khi nhận được điện chỉ thị đó của Chu Ân Lai do Bộ Tổng Tham mưu chuyển đến, Vi Quốc Thanh cho rằng, để phối hợp với đấu tranh đàm phán ở hội nghị Genève, cần phải nỗ lực lớn nhất, tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Điện Biên Phủ.

Lúc này, các mặt chuẩn bị của quân đội VN đã tương đối đầy đủ, lựu pháo và pháo cao xạ đã vào trận địa dự định điều kiện tấn công Điện Biên Phủ đã chín muồi. Sau khi Vi Quốc Thanh và Võ Nguyên Giáp bàn bạc, quyết định ngày 13/3 bắt đầu nổ súng tấn công Điện Biên Phủ.

Xem thêm:   Trên lưng trời

Toàn bộ chiến dịch trải qua ba đợt.

Tác chiến đợt 1, phát triển thuận lợi. Vi Quốc Thanh cho rằng, trận đầu có thể giành được thắng lợi hay không vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của toàn bộ chiến dịch và đối với quân đội nhân dân lâu nay chưa đánh công kiên quy mô lớn như thế này mà nói, thì ảnh hưởng càng to lớn hơn. Vì vậy đồng chí dày công giúp đỡ Việt Nam tổ chức tác chiến đợt 1. Mục tiêu tác chiến là tấn công cụm cứ điểm ở Him Lam và đồi Độc Lập bắc Điện Biên Phủ mỗi nơi có 1 tiểu đoàn địch đóng giữ. Vi Quốc Thanh và phía Việt Nam nghiên cứu nhiều lần việc bố trí tác chiến, quyết định đại đoàn 312 và 308 với binh lực ưu thế tuyệt đối gấp nhiều lần địch, có pháo binh phối hợp và pháo binh của Bộ Tổng Tham mưu chi viện hoả lực, ngày 13 và đêm ngày 14/3 theo chỉ thị của Vi Quốc Thanh giúp đỡ cụ thể các bộ đội tấn công từ quan sát đến bố trí, từ chiến thuật đến kỹ thuật, từ chọn điểm xuất kích đến xây trận địa xuất phát, đều đã chuẩn bị đầy đủ, do đó cuộc chiến đấu phát triển thuận lợi.

Đêm 13, hàng trăm khẩu đại bác của quân đội Việt Nam cùng gầm lên một lúc, đạn pháo gào thét bay tới sân bay, cụm pháo binh và cứ điểm Him Lam của quân Pháp. Máy bay địch bị lật ngửa, đường bay bị phá nát, trọng pháo bị kiềm chế, từng lô cốt một trên đồi Him Lam bị phá sập. Sau đợt pháo gầm, các đội viên đột kích của đại đoàn 312 qua thao tác áp sát đã đào hào đến tận mũi quân địch, lập tức xung phong, nhanh chóng đột phá tiền duyên. Trải qua giành giật tại trung tâm, 11g30 đêm 13 đánh chiếm toàn bộ đồi Him Lam, tiêu diệt sạch một tiểu đoàn địch.

Đêm 14, một trung đoàn bộ binh của đại đoàn 308 và một trung đoàn bộ binh của đại đoàn 312 tấn công đồi Độc Lập. Chiến đấu đến rạng sáng hôm sau, quân đội Việt Nam đã cắm lá cờ mang dòng chữ “quyết chiến quyết thắng” trên đỉnh đồi Độc Lập, tiêu diệt thêm một tiểu đoàn địch, đánh lui 1 tiểu đoàn viện binh địch, phá huỷ 1 xe tăng, bắt hơn 30 tù binh. Trận đầu kết thúc thắng lợi, quân đội Việt Nam trên dưới đều rất hân hoan. Trong lúc phấn khởi, Vi Quốc Thanh bình tĩnh trù tính tác chiến bước tiếp theo. Đêm 15, đồng chí điện báo cáo Quân uỷ Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc: “Hai trận chiến đấu đợt 1, đêm ngày 13 và 14 liên tiếp tấn công chiếm hai cụm cứ điểm ở bắc và đông bắc Điện Biên Phủ, tiêu diệt hoàn toàn hai tiểu đoàn Lê dương. Đây là lần đầu tiên quân đội Việt Nam sử dụng hoả lực trọng pháo có vai trò có tính quyết định đối với việc kiềm chế pháo binh địch, phối hợp tấn công. Trong ba ngày, bắn hỏng 16 máy bay địch, làm cho máy bay địch không dám hạ cánh xuống sân bay và bay thấp, trong chiến đấu nhấn mạnh thao tác áp sát và bộ pháo hiệp đồng, nên thương vong không lớn. Niềm tin của bộ đội tiếp tục vây diệt địch ở Điện Biên Phủ nâng cao hơn trước một bước. Muốn tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Điện Biên Phủ còn phải mấy trận chiến đấu công kiên nữa, và trận sau khó khăn hơn trận trước. Để bảo đảm sử dụng pháo không gián đoạn khống chế sân bay và liên tục kiên trì chiến đấu tương đối dài, cần phải tiếp thêm lương thực và xăng dầu. Xin đưa thêm 3000 quả đạn pháo (cỡ 105 kiểu Mỹ), 3000 quả sơn pháo, 3000 thùng lớn xăng dầu đến Bằng Tường trước ngày 25/3”.

Xem thêm:   Truyện tranh Hoa Kỳ về Chiến tranh Việt Nam

Quân uỷ Trung ương Trung Quốc luôn luôn dốc toàn lực chi viện cho chiến dịch Điện Biên Phủ hễ Vi Quốc Thanh nêu yêu cầu, là theo đó cấp đủ, cấp đúng.

Mấy ngày qua, tin vui liên tiếp truyền về. Viên trung tá chỉ huy pháo binh quân Pháp ở Điện Biên Phủ vì bị tổn thất nặng nề trong trận đấu pháo, mất lòng tin, dùng lựu đạn tự sát. Điều đó giáng một đòn vào tinh thần binh lính quân Pháp. Cứ điểm Bản Kéo rơi vào cô lập do đồi Him Lam, đồi Độc Lập thất thủ, một tiểu đoàn lính Thái đóng giữ cứ điểm này hoang mang cực độ, ngày 27/3 ra hàng Quân đội Nhân dân. Đến đây Quân đội Nhân dân đã chiếm giữ 3 cụm cứ điểm án ngữ phía bắc Điện Biên Phủ, mở cánh cửa thông sang khu trung tâm Điện Biên. Tác chiến đợt 1 của Quân đội Nhân dân đã vượt mục tiêu dự kiến, tinh thần binh sĩ phấn chấn, niềm tin tăng lên gấp bội.

Để cứu vãn tình thế thất bại, sau tác chiến đợt 1, Navarre tiếp tục cho ba tiểu đoàn nhảy dù xuống Điện Biên Phủ (về sau trong chiến đấu đợt 2, 3 lần lượt nhảy dù thêm 2 tiểu đoàn nữa).

(còn tiếp)

 Vu Hoá Thầm

(đăng trong Thượng tướng Phong Vân lục
Đại Bách Khoa toàn thư xuất bản năm 2000)

Tù binh sư đoàn 308 Việt Minh mặc áo trấn thủ tại Điện Biên Phủ.

Phóng đồ căn cứ Điện Biên Phủ với các đơn vị phòng ngự thời điểm 13 tháng 3-1954. Béatrice là đồi Him Lam  và Gabrielle là đồi Độc Lập phía Việt Minh, là hai vị trí tiền tiêu.

Cứ điểm Huguette phía tây sân bay.

Tù binh sư đoàn 312 Việt Minh bị bắt trong trận xuất kích của  tiểu đoàn 8 Nhảy dù (8e CHOC)

Cứ điểm Dominique 4 phía đông phi đạo.

Lính Bắc Phi của Tiểu đoàn 5 Trung đoàn 7 Tán Binh Algérie (5/7e RTA), đơn vị bị tràn ngập trên đồi Gabrielle đêm 14 tháng 3-1954.