Nhân ngày tang của đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhật trình cánh tả Le Monde số ra ngày 4 tháng 10-2013 đăng bài “Anh hùng của nền độc lập Việt Nam đã chết” của ký giả thân Cộng Jean-Claude Pomonti từng bị chính phủ VNCH và Hoàng gia Miên trục xuất, cấm nhập cảnh. Năm 2004, Pomonti quay lại Hà Nội và thực hiện phỏng vấn Võ Nguyên Giáp. Pomonti ghi trong bài viết: “Giáp say mê Nã Phá Luân và trong tất cả những chiến thuật của Bonaparte, Giáp giữ lại yếu tố bất ngờ. Trước sự ngạc nhiên của chúng tôi, Giáp kêu lên: “Việc Bonaparte đào thoát khỏi đảo Elbe về đất liền cầm quân, là tuyệt vời!” Giáp muốn nhắc đến việc vua Louis XVIII gửi ngự lâm quân chặn bắt Nã Phá Luân nhưng rồi đạo quân ấy đã theo hoàng đế. Một nháy mắt của Giáp về sự trung thành của các tướng lĩnh đối với chính mình. […] Giáp còn là một thiên tài tiếp vận. Một ngày, Giáp nhắc lại với chúng tôi phương châm mà Bonaparte vận dụng khi hành binh sang Ý: “Nơi nào một con dê chui qua, một người lính có thể vượt qua. Nơi nào một người lính có thể đi qua, một tiểu đoàn có thể hành quân.” Giáp nói tiếp: “Ở Điện Biên Phủ, để cung cấp 1 ký gạo cho bộ đội đang vây cứ điểm, dân công tiêu thụ 4 ký trong lúc vận chuyển. Chúng tôi đã dùng 260,000 dân công, 20,000 xe đạp, 11,800 bè gỗ, 400 xe vận tải Molotova và 500 ngựa.” Dưới sự che chở của rừng rậm, đại bác Việt Minh đã được tháo rời từng cơ phận để mang lên các ngọn đồi nhìn xuống lòng chảo, rồi ráp lại.”

Với những ai quan tâm chiến tranh, nếu đã có một thiên tài quân sự, thì thiên tài đó phải là Trần Đăng Ninh, tổng cục trưởng Tổng cục Hậu cần Việt Minh, đã cung cấp vũ khí, thuốc men, đạn dược, lương thực cho quân đoàn tác chiến chủ lực Việt Minh trong suốt 9 năm chiến tranh, không bao giờ thiếu, bất kỳ địa hình trận đánh. Một Trần Đăng Ninh mà trong hồi ký Võ Nguyễn Giáp không một lời tri ân. Trừ phi… vẫn do cố vấn Tàu Mã Tây Phu phụ trách tiếp vận, làm hết?

Trên các trang sử Quân đội Nhân dân thường xuyên số dân công được ghi 25,000. Phía Pháp ước tính 70,000 cho trận Điên Biên. Lần đầu tiên Võ Nguyên Giáp thừa nhận sử dụng 260,000 dân công. Cưỡng bách hay tình nguyện? Những ai sống trong Nam sau 75 biết rõ: mỗi hộ, mỗi tổ dân phố phải cắt cử người đi lao động XHCN cho đủ chỉ tiêu Phường-Quận. Vào thời chiến, chắc chắn là một bắt buộc trong những vùng “giải phóng”.

Phần quan trọng trong tường thuật của Pomonti là câu hỏi về việc kéo pháo ra khỏi thung lũng, lui ngày tấn công đã ấn định 25 tháng 1 sang 13 tháng 3-1954. Võ Nguyên Giáp trả lời bằng Pháp văn: “Le chef de nos conseillers chinois s’était prononcé pour une attaque rapide. Je donne l’ordre de retirer les troupes, y compris l’artillerie. La décision la plus difficile de ma carrière de commandant en chef.” (Cố vấn trưởng Trung quốc muốn đánh nhanh. Tôi ra lệnh rút quân ra, kể cả pháo binh. Là quyết định khó khăn nhất trong binh nghiệp Tổng chỉ huy của tôi.)  

Trong chương Quyết chiến Điện Biên Phủ (trung), Vu Hóa Thầm cho một phiên bản khác: Chính Vi Quốc Thanh lấy quyết định hoãn tấn công và thay đổi phương thức đánh nhanh, thọc sâu, giải quyết chiến trường “nở hoa từ trung tâm” bằng cách áp sát, “bóc măng” từng lớp. Đâu là sự thật?

Đa phần sự thật không nằm trong những lý lẽ mà Võ Nguyên Giáp cũng như Vy Quốc Thanh viện dẫn, và một cách trùng hợp cả hai cùng viện dẫn chung những lý lẽ: Quân đoàn Tác chiến Việt Minh chưa chuẩn bị đủ; cần đưa sư đoàn 308 sang đột phá Thượng Lào để Navarre phải phân tán binh lực; các đại đoàn trưởng chưa tin chắc thắng. Các lý lẽ này ít đứng vững. Trước mỗi chiến dịch, Việt Minh đều rèn quân chỉnh cán, chiến sĩ và cán bộ chỉ huy đều phải học tập thông suốt đường lối chỉ đạo, thấm nhuần ý chí quyết thắng cũng như tuyệt đối tin vào đường lối đúng đắn của Đảng. Không được quyền băn khoăn, vì sẽ bị xem là “giao động”, chưa “giác ngộ”, còn “hữu khuynh”, chưa gột rửa tinh thần tư sản ngại hy sinh gian khổ. Chưa “quyết tâm phấn đấu”… Trên mặt quân sự, với 5 sư đoàn chính quy 304, 308, 312, 316, 351 cộng thêm trung đoàn độc lập 148 lên đến 60,000 lính, Việt Minh chiếm ưu thế tuyệt đối về quân số. Binh lực Pháp đã bị phân tán trước đó, không cần sư đoàn 308 đánh Thượng Lào, vì Navarre đã huy động toàn bộ tổng trừ bị tái chiếm Phú Yên-Bình Định vẫn đang tiếp diễn. Quân đồn trú Điện Biên Phủ không hề giảm đi sau khi sư đoàn 308 sang Lào.

Xem thêm:   Đại Tá Hoàng Cơ Lân – Kỷ niệm về đời lính dù

Lui ngày tấn công, như thế không thay đổi chung cuộc. Với công sự không đủ sức chịu pháo, không đường bộ tiếp tế, khả năng không trợ kém, mười ngàn binh sĩ Liên hiệp Pháp tại Mường Thanh không có lối thoát giữa rừng núi vây bọc.

Nhưng như vậy, thì vì sao Võ Nguyên Giáp và Vi Quốc Thanh bất ngờ lui tấn công một tuần trước khi khai trận?

Chính vì Hội nghị Bá Linh bắt đầu ngày 25 tháng 1-1954, là ngày ấn định khai chiến ban đầu. Anh, Pháp, Nga, Hoa-Kỳ ngoài bàn đến vị trí của Đức sau thế chiến, còn tìm cách giải quyết “vấn đề Đông Dương”. Nga-Sô yêu sách thành công sự tham gia của Trung cộng trong vòng đàm phán thứ nhì sẽ diễn ra vào tháng 4-1954 tại Genève. Chính đây mới là nguyên nhân lui tấn công sang giữa tháng 3 của Võ Nguyên Giáp (hoặc Vi Quốc Thanh). Chính từ lúc này Bắc Kinh sẽ gia tăng viện trợ tối đa cho Việt Minh để Chu Ân Lai đến Genève trong thế thượng phong. Nếu chiến tranh là cánh tay nối dài của chính trị, như Clausewitz định nghĩa, thì một quyết định quan trọng như vậy phải do Mao gửi công điện cho Vi Quốc Thanh hoặc Hồ Chí Minh hoặc Trường Chinh (tổng bí thư kiêm tổng quân ủy trung ương) yêu cầu Võ Nguyên Giáp trì hoãn. Cả Mao và Hồ Chí Minh đều cần biết kết quả hội nghị Bá Linh diễn ra cuối tháng Giêng.

Huyền thoại “kéo pháo ra”, trên thực tế cũng không cần thiết. Vì cho đến kết thúc, các tiền sát viên pháo binh Pháp và Phi đoàn Quan sát Pháo binh Bắc phần đã không xác định được vị trí pháo Việt Minh. Đại bác 105 ly của sư đoàn nặng 351 đều đặt trong hang núi, ngụy trang và kéo ra khi bắn.

[Trần Vũ]

ĐỒNG CHÍ VI QUỐC THANH TRONG VIỆN TRỢ VIỆT NAM ĐẤU TRANH CHỐNG PHÁP

Vu Hoá Thầm

bản dịch của DƯƠNG DANH DY

Quyết chiến Điện Biên Phủ (trung) […]

Đứng trước kẻ địch điên cuồng, vận dụng cách đánh nào mới giành thắng lợi? Khi quân địch đóng giữ không quá 10 tiểu đoàn, cấu trúc công sự chưa hoàn thiện lắm, Vi Quốc Thanh từng nghĩ, quân đội VN có trọng pháo và pháo cao xạ trong điều kiện khống chế được sân bay địch và kiềm chế hỏa pháo của địch có thể áp dụng cách đánh nhanh thắng nhanh, chủ lực một cú đột phá, chọc thẳng vào trong lòng đich, tiêu diệt trước cơ quan chỉ huy, trận địa pháo binh và quân dự bị của Pháp “nở hoa từ trung tâm”, sau đó đóng từ trong đánh ra, giải quyết nhanh chóng cuộc chiến đấu. Võ Nguyên Giáp tán thành ý kiến này. Bộ Tổng Tham mưu QĐNDVN lập tức tiến hành bố trí chiến dịch theo ý đồ đó, dự định khoảng 20/1 mở cuộc tấn công.

Nhưng khi bộ đội trọng pháo của quân đội VN đến gần Điện Biên Phủ, trước mặt không có con đường nào để đi, không thể nào tiến vào trận địa. Mặc dù Võ Nguyên Giáp đã ra lệnh đại đoàn 312 giúp mở đường kéo pháo, nhưng do núi cao vực sâu, địa hình phức tạp, tiến triển chậm chạp, vẫn không thể nào tiến vào trận địa trước 20/1, do đó không thể không lùi thời gian bắt đầu chiến đấu. Bộ đội trọng pháo của quân đội VN được sự giúp đỡ rất lớn của đại đoàn 312 suốt ngày đêm đạp bằng mọi chông gai, mở đường, kéo pháo. Lúc này, Vi Quốc Thanh lại nảy ra ý nghĩ mới.

Vùng Tây Bắc dân cư thưa thớt không có nhà dân làm nơi nghỉ quân. Bộ đội VN ngày đêm đều đóng quân ngoài trời, chỉ có Đoàn cố vấn được chiếu cố đặc biệt, công binh chặt tre dựng nhà lá đơn sơ, để tránh gió mưa. Vi Quốc Thanh ở trong nhà lá mười mấy mét vuông trên sàn hầu như trải đầy bản đồ. Đồng chí thường nhìn chăm chú vào bản đồ suy nghĩ rất lâu.

Một cú đột phá, chọc thẳng vào trong lòng địch tiêu diệt cơ quan đầu não của địch, làm rối loạn hệ thống chỉ huy của chúng, làm cho địch không đánh mà bị rối loạn, từ đó đánh nhanh thắng nhanh, giành toàn thắng, đó là một cách đánh áp dụng nhiều lần và nhiều lần thành công trong chiến tranh giải phóng. Nhưng cách đánh này vận dụng ở Điện Biên Phủ có thích hợp hay không? Sau khi tìm hiểu kỹ hơn tình hình địch ở mặt trận, trong đầu Vi Quốc Thanh lúc nào cũng lởn vởn vấn đề này. Mắt chăm chú nhìn vào cứ điểm chi chít ở Điện Biên Phủ trên bản đồ, trong lòng Vi Quốc Thanh tưởng tượng ra một tình huống phức tạp về cơ sở phòng ngự của địch. Đồng chí nghĩ, quân đội Việt Nam thiếu kinh nghiệm đánh công kiên qui mô lớn, theo tình hình địch ta hiện nay, áp dụng cách đánh này thì không nắm chắc phần thắng. Đánh không tốt, còn phải chịu thiệt hại lớn. Vì vậy, cần thay đổi phương châm tác chiến.

Xem thêm:   Con gấu ngựa

Biến đánh nhanh thắng nhanh thành đánh chắc thắng chắc, từ ngoại vi vào trung tâm, tiêu diệt địch từng cứ điểm một. Đợi điều kiện chín muồi, mới mở tổng công kích tiêu diệt toàn bộ quân địch đóng giữ. Như vậy, có thể làm cho quân đội VN ở vị thế chủ động và rút kinh nghiệm từ trong từng trận đánh. Muốn như vậy phải chuẩn bị tác chiến thời gian dài, các công tác chuẩn bị phải làm thêm, không thể mở tấn công ngay. Xung quanh Điện Biên Phủ hiện nay, có nhiều bộ đội như thế, làm thế nào mới có thể phát huy tác dụng? Ánh mắt của Vi Quốc Thanh lọt vào vùng Ô Giang nam Thượng Lào, phía tây nam Điện Biên Phủ. Đây là một phòng tuyến hỗ trợ cho quân đóng giữ Điện Biên Phủ mà địch mới chiếm gần đây. Chiến tuyến tương đối dài, phòng ngự tương đối yếu, cách Điện Biên Phủ không xa lắm. Lệnh cho đại đoàn 308 ở tây Điện Biên Phủ đi đánh vùng này, rất nhiều điều lợi: tiêu diệt bộ phận sinh lực địch, phân tán binh lực cơ động của địch, giải phóng một vùng rộng lớn, càng cô lập Điện Biên Phủ.

Vi Quốc Thanh nghĩ đến đây trong lòng bỗng nhiên phấn chấn, lập tức bước ra khỏi nhà, đến chỗ Mai Gia Sinh. Đồng chí và Mai Gia Sinh bàn tính tỉ mỉ ý nghĩ của mình, Vi Quốc Thanh liền gọi điện thoại cho Võ Nguyên Giáp, nói có việc cần muốn bàn. Võ Nguyên Giáp đến ngay. Vi Quốc Thanh trình bày khá tỉ mỉ ý nghĩa mới của mình với Võ Nguyên Giáp. Võ Nguyên Giáp tỏ ý hoàn toàn tán thành thay đổi phương châm tác chiến. Nhưng việc cử đại đoàn 308 đi đánh thượng Lào, thì ngỏ ý để đồng chí sau khi suy nghĩ hãy quyết định.

Đại đoàn 308 là đại đoàn chủ lực số 1 của quân đội Việt Nam. Võ Nguyên Giáp suy nghĩ đại đoàn 308 đi Thượng Lào là một nước cờ hay cũng nắm chắc thắng lợi, nhưng ở Điện Biên Phủ có hơn 10.000 quân Pháp, trang bị tốt, khí thế hung hăng, liên tục chủ động xuất kích nếu biết được đại đoàn 308 đi Thượng Lào, chúng xuất kích toàn diện thì làm thế nào? Quân ta có thể trụ nổi không? Phần lớn đại pháo đã chuyển lên rồi, để tránh bị tổn thất cần phải đưa xuống, bộ đội sẽ có lời ta thán cũng sẽ ảnh hưởng đến tinh thần binh sĩ. Đồng chí mất ngủ, suy nghĩ một đêm. Ngày hôm sau, đồng chí đến gặp Vi Quốc Thanh, bày tỏ đồng ý đại đoàn 308 đi Thượng Lào tác chiến, đồng thời cũng nói rõ nỗi lo lắng của mình. Nghe xong, Vi Quốc Thanh nói: “Tôi thấy dù địch biết đại đoàn 308 đi Lào, chưa chắc dám xuất kích toàn diện. Nếu địch xuất kích toàn diện, chúng ta cũng có cách đối phó. Để tránh tổn thất có thể rút một số đại pháo đã chuyển lên là cần thiết, có thể nói rõ với bộ đội đại đoàn 312 vẫn phải tích cực mở đường chuẩn bị đưa đại pháo vào, nhất thiết không được lơ là. Bộ chỉ huy mặt trận cũng lùi về một ít, để bảo đảm an toàn”. Võ Nguyên Giáp yên tâm, tỏ ý tán thành sự sắp xếp đó. Đồng chí lập tức ra lệnh.

Thay đổi phương châm tác chiến đánh nhanh thắng nhanh sang đánh chắc thắng chắc, rất nhanh được Trung ương Đảng Lao động VN phê chuẩn và Quân uỷ Đảng Cộng sản Trung Quốc đồng ý. Ngày 27/1, Quân uỷ Trung ương điện trả lời Vi Quốc Thanh nêu rõ: “Tấn công Điện Biên Phủ nên áp dụng chia cắt bao vây, tiêu diệt địch từng toán một. Mỗi lần tiêu diệt khoảng 1 tiểu đoàn, chỉ cần có thể tiêu diệt hoàn toàn bốn, năm tiểu đoàn thì địch ở Điện Biên Phủ có thể dao động hoặc rút chạy về phía nam, hoặc tiếp tục tăng viện. Cả hai trường hợp đều có lợi cho chúng ta”.

Xem thêm:   Đại Tá Hoàng Cơ Lân - Y sĩ nhảy dù đối đầu với Việt Cộng

Cách đánh, đánh chắc thắng chắc từng bước tiêu diệt địch này, lúc bấy giờ gọi một cách hình ảnh là “bóc măng”, tức là bóc từng lớp một, ăn từng miếng một, cuối cùng tiêu diệt toàn bộ quân địch. Ngày 26/1, đại đoàn 308 tiến đến Thượng Lào, có nhiệm vụ tiêu diệt địch đóng giữ dọc bờ nam Ô Giang, xem tình hình đánh lấy Luông Prabang. Bọn địch ở phòng tuyến nam Ô giang nghe phong thanh tháo chạy. Đại đoàn 308 đuổi đánh dữ dội, trong 10 ngày tiêu diệt hơn 5 tiểu đoàn, giải phóng toàn bộ vùng lưu vực nam Ô Giang, tiến sát Luông Prabang. Navarre cấp tốc điều quân bằng máy bay từ đồng bằng Bắc Bộ và Điện Biên Phủ sang Luông Prabang và Mường Xay để chống đỡ. Đại đoàn 308 đã đạt mục đích tấn công Thượng Lào vì binh lực địch tăng thêm, cung cấp lương thực khó khăn, nên không tấn công Luông Prabang nữa, hạ tuần tháng 2 trở về vùng tây Điện Biên Phủ.

Đồng thời với đại đoàn 308 đi đánh Thượng Lào, Trung đoàn 148 quân đội Việt Nam tiến quân lên Phong Xa Lì, Thượng Lào, trung tuần tháng 2 giải phóng toàn bộ tỉnh Phong Xa Lì. Đến đây diện tích vùng giải phóng Thượng Lào lại mở rộng thêm 10.000 km2, nối liền với vùng Tây Bắc, Việt Nam. Quân địch đóng giữ Điện Biên Phủ càng thêm cô lập. Quân địch đóng giữ Điện Biên Phủ bố phòng nghiêm ngặt, công sự kiên cố hoả lực mạnh mẽ, làm thế nào mới có thể chia cắt bao vây địch, nuốt gọn từng miếng một? Đó là vấn đề Vi Quốc Thanh ngày đêm suy nghĩ. Vi Quốc Thanh có kinh nghiệm tác chiến phong phú vì đã làm Tiểu đoàn trưởng công binh thời kỳ trường chinh, nghĩ đến biện pháp thao tác áp sát và hào sâu tiếp cận địch. Tức tổ chức bộ đội đào hào sâu, lợi dụng hào sâu chia cắt, bao vây, áp sát cứ điểm địch. Sau đó bất ngờ tấn công. Như vậy có thể giảm thương vong bộ đội, lâu ngày đánh chắc, thắng chắc. Mai Gia Sinh cũng tán thành phương pháp này. Vi Quốc Thanh nói : “ Hãy bàn với các cố vấn xem sao”.

Lúc này, vừa may cố vấn đại đoàn 308 Vu Bộ Huyết đến Ban chỉ huy báo cáo tình hình. Vu Bộ Huyết báo cáo tóm tắt tình hình đại đoàn 308 tác chiến ở Thượng Lào. Vi Quốc Thanh hỏi đồng chí: “Đồng chí có cách gì đánh Điện Biên Phủ không?”. Vu Bội Huyết nói: “Tôi nghĩ có thể dùng biện pháp áp sát. Tôi và Vương Thừa Vũ (đại đoàn trưởng 308), Lê Quang Đạo (chính uỷ 308) sau khi từ Thượng Lào trở về, ngày nào cũng tâm niệm làm thế nào để gặm cục xương cứng Điện Biên Phủ này. Tôi nêu ra trước biện pháp này, được các đồng chí ấy đồng ý, để bộ đội làm thí nghiệm trong ruộng lúa. Họ cm thấy biện pháp này được, chúng tôi lần lượt báo cáo lên”. Mấy ngày hôm nay, Vi Quốc Thanh lại mắc bệnh đau đầu, trên trán mang một máy giải nhiệt bằng nhôm, tinh thần mệt mỏi. Lúc này đồng chí phấn khởi đứng lên nói không ngớt lời: “Thế thì tốt rồi! Đồng chí nói tỉ mỉ xem nào”. Tiếp đó, đồng chí lại tập trung tinh thần lắng nghe báo cáo tỉ mỉ của Vu Bộ Huyết trong lòng đã nắm chắc.

Ngày hôm sau, Vi Quốc Thanh chính thức đưa ra kiến nghị nói trên với Võ Nguyên Giáp. Võ Nguyên Giáp phấn khởi tiếp nhận, chỉ nêu ra, quân đội VN ngoài số ít công binh ra, lâu nay chưa trang bị công cụ thao tác áp sát, đó là một khó khăn thực tế. Vi Quốc Thanh điện gấp cho Quân uỷ Trung ương Trung Quốc, yêu cầu nhanh chóng điều động số lượng lớn cuốc xẻng để đáp ứng nhu cầu khẩn cấp. Bộ Tổng Tham mưu quân đội VN tuân theo chỉ thị của Võ Nguyên Giáp vạch ra kế hoạch công trình xây dựng toàn bộ trận địa và truyền đạt cho bộ đội. Vi Quốc Thanh triệu tập họp cố vấn các đại đoàn, yêu cầu họ giúp bộ đội tổ chức thực hiện. Đồng chí còn kết hợp tình hình địch trước mắt, giới thiệu với phía Việt Nam kinh nghiệm tác chiến công kiên của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc giúp giải quyết các vấn đề chiến thuật cụ thể, để tăng thêm niềm tin thắng lợi cho bộ đội.

 (còn tiếp)

 Vu Hoá Thầm

(đăng trong Thượng tướng Phong Vân lục
Đại Bách Khoa toàn thư xuất bản năm 2000 )

Phi cơ Morane MS.500 Criquet của Phi đoàn Quan sát Pháo binh GAOA 21 (21e Groupe Aérien d’Observation d’Artillerie)

Đại bác không giật 75 ly của Trung đoàn 35 Pháo binh Nhẹ Nhảy dù (35e RALP) tại Điện Biên Phủ.

Súng cối 120 ly của đại đội súng cối nặng Lê dương (1re CMMLE)

Tiểu đoàn 3 Pháo binh của Trung đoàn 10 Pháo binh Thuộc địa (III/10e RAC) của thiếu tá Alliou.

Tiểu đoàn 3 Bán Lữ đoàn 13 Lê dương (III/13e DBLE) của thiếu tá Paul Pégot trên cứ điểm Béatrice (đồi Him Lam). Trong hình đại liên Browning đạn 7 ly 62, nặng 18 ký, tầm xa 900 thước, nhịp bắn 400 viên/phút.

Đặc công Việt Minh thực tập vượt rào kẽm gai.