Nguyễn Mạnh Tuân phóng tác

Thương cuộc Vạn Hóa là một trong những nhà buôn lớn nhất trong vùng, kể cả phần diện tích cơ sở và số nhân công.

Ða số người làm cho hãng chẳng biết ông chủ ra sao, có bao giờ họ được gặp ông đâu: việc gì cũng có trưởng xưởng, trưởng phòng lo liệu, cắt đặt… Thành thử người chủ – họ quen gọi Cụ Vạn – trước sau chỉ là một danh từ đối với tất cả nhóm nhân viên phụ trách các gian hàng.

Thực ra thì hãng cũng có treo hình cụ trong các phòng, nhưng ai hơi đâu để ý… Vả lại thoáng trông, mặt mũi cụ chẳng có gì đặc biệt. Chẳng qua trời cho cụ giàu hơn người, thế thôi… “Ðại phú do thiên” mà!

Chính Duy cũng nhiều lúc thắc mắc về chuyện đó: anh vào làm cho hãng từ hơn năm nay, giữ chân bán hàng tại căn đồ sắt, bán ra kể có triệu bạc hàng không ít, mà nào thấy mặt cụ Vạn bao giờ.

– Giá được ngồi bán sách vở, dụng cụ văn phòng có phải thú vị hơn không!

Ðôi khi anh thở dài, ngán ngẩm, vì thứ hàng dưới tay anh chẳng thơ mộng chút nào. Trước sau chỉ toàn dao, búa, cưa, giũa, kìm, bù loong… Ngán ơi là ngán!

Trong cửa hàng lớn, đôi nơi bán những thứ gợi cho người đứng đó niềm vui, hay ít ra một vài hình ảnh thoải mái, bay bướm: gian hàng bán đồ cắm trại, máy chụp hình chẳng hạn… Nhưng đây, quanh Duy toàn dây kẽm, đinh dài đinh ngắn, hỏi vui sao được!

Tuy vậy, anh vẫn giữ cái niềm nở hàng ngày… Ðiều này bắt buộc: người bán hàng chuyên nghiệp phải có nét mặt tươi tỉnh bất cứ lúc nào, với ai… Nụ cười tươi đẹp nhất bao giờ cũng dành cho khách hàng.

Nỗi lòng thầm kín của anh có ai hiểu cho đâu!

– Chán thực!… Ngoài kia, trời đẹp quá… Mình được nghỉ vài bữa theo thiên hạ đi nghỉ hè có phải thú không! Thằng Lâm biên thư mời tới trại của nó trên cao nguyên mươi ngày, mà đào đâu ra tiền đây!… Mình làm cả năm chỉ đủ ăn, suốt ngày hết đinh lại búa, làm giàu cho một ông già keo kiệt, chẳng bao giờ biết mình là ai, vô nghĩa lý thực. Biết vậy chọn nghề khác cho rồi!

Giá không có khách tới, chắc anh còn nghiền ngẫm mãi những tư tưởng bi quan ấy…

– Dạ… Xin mời cụ… Thưa cụ cần gì đây?… Chúng tôi xin kiếm ngay…

Nụ cười làm rạng rỡ khuôn mặt tươi trẻ của anh. Phải vậy chớ, lão trưởng phòng nhắc đi nhắc lại mãi rồi:

– Nhất khách, nhì trời… Khách là trên hết, bao giờ cũng có quyền, có lý… Ðừng bao giờ để người khách nào ra tay không…

Ðiều này anh nhập tâm lâu rồi!

Ông khách muốn chọn cây kéo cắt cây.

Duy lăng xăng:

– Ðể lấy vài hiệu tốt cụ lựa… Thưa nhà ta có vườn cây ăn trái nữa?…

Xem thêm:   Trên lưng trời

Anh hơi ngạc nhiên: rõ ràng anh đã gặp, hay ít ra đã thấy ông khách vài lần… Nét mặt trông quen lạ!… Nhưng ở đâu cà?…

Ông Vạn Hóa bữa nay khoan khoái trong người nên vui vẻ lắm… Thường ngày ông ít nói, điềm đạm, đôi lúc nghiêm nghị nữa: điều khiển cơ sở cả ngàn nhân công, dễ dãi đâu được.

Ông liếc nhìn bó hồng rực rỡ trong bình pha lê trên bàn giấy, nghĩ tới những ngày nghỉ hè hàng năm tại vài bãi biển lịch sự, mỉm cười một mình: ông không keo kiệt như vài kẻ xấu miệng gièm pha, nhưng biết cân nhắc trong việc tiêu tiền, cũng như dùng người.

Ông ghé mũi phớt nhẹ cánh hồng nhung thơm dịu, châm thuốc hút, rồi ngoảnh cổ lại cô thư ký riêng đang lách tách trước bàn máy:

– Cô Vân… Bữa nay tôi đóng vai khách hàng một hôm, coi!

Cô Vân cười… Cô cười luôn miệng, đó là một thói quen của bất cứ ai gần cận ông Vạn, nhưng lần này cô thực sự thích thú… Mỗi lần ông chủ đóng vai khách hàng là có chuyện bất ngờ đây!

Cô mở ngăn kéo, đẩy lại phía ông Vạn chiếc hộp nhỏ, đựng nào râu giả, tóc giả, vài cặp kính, chiếc “píp”…

– Dạ… Thưa… Có cần những thứ này?

– Có chứ… Như mọi khi mà!

Trong nháy mắt, ông Vạn trở thành một người khác: ông dán trên mép bộ ria cá chốt, thay cặp kiếng đen, thoa chút phấn bạc lên tóc mai.

– Thế này là đủ họ không nhận ra tôi rồi!

Ông vừa cười vừa gật gù một mình. Ngày còn trẻ, đã có lần ông muốn trở thành kịch sĩ, nhưng thời thế đẩy đưa, ông làm lái buôn lúc nào… Nghĩ lại mộng tuổi xanh, đôi lúc cũng tiếc chớ!

Ông đứng dậy, với chiếc nón nỉ:

– Cô cho tôi danh sách nhóm nhân viên mới…

Cô Vân mở nhanh tập hồ sơ:

– Thưa… Ông Li, ngăn bán sách… Bốn tháng nay.

– Mới quá, chưa cần… Tìm loại một năm đi…

– Gian đồ sắt… Ông Duy, một năm hai tháng…

– Ðược lắm… Ðể tôi tới đó. Làm nghề bán hàng này, hay dở, sau một năm biết được rồi.

Thế là chỉ một lát sau, ông Vạn đã tò mò cúi xuống đống dao kéo, trong gian bán đồ sắt của Duy.

Duy lễ phép, niềm nở; nghề của anh mà!

– Thưa cụ, ưng thứ nào ạ?

Cụ vẫn lầm lì, không trả lời, cau có như khỉ ăn nhằm mắm tôm… Người bán hàng càng xoắn xuýt:

– Chúng cháu có nhiều thứ khác… Thưa sắc lắm, tốt lắm kia!… Ðể cụ xem thử.

Duy mất công bê ra hết thứ nọ tới thứ kia: to có, nhỏ có, trung bình có… Anh khoe cả loại có mũi tròn, mũi dẹp, mũi cong… Mỗi thứ đưa ra đều được anh biểu diễn trước mặt khách, gọn gàng, ngọt ngào như tay thợ làm vườn không bằng.

Ông khách gật gù cân nhắc, đưa từng cái lên cắt không khí… Tiếng lưỡi thép kèn kẹt, nghe sốt cả ruột!

Xem thêm:   Hang gấu

Cuối cùng, ông trả lại cả, bĩu môi lắc đầu một cách đáng ghét lạ:

– Những thứ này không dùng được…

Rồi ông ta chép miệng:

– Mà thôi… Tôi không cần tới kéo cắt cây nữa.

Duy tức muốn điên ruột… Anh cố nhắc lại câu châm ngôn của mình: Giận đã căm gan, miệng mỉm cười… Anh mỉm cười thực, vui vẻ nhã nhặn hết mức:

– Dạ, thưa không hề chi… Chúng cháu mong cụ chiếu cố cho món hàng khác… Thưa còn nhiều thứ lắm…

Anh sắp sửa thu dọn đống kéo, ông khách chợt trỏ tay lên đầu tủ, giọng hách dịch:

– Lấy coi cái cưa, kia!… Ðó… Cái mang số 14.

Duy không dám nhăn mặt: xưa nay anh ngại phải trèo lên chiếc ghế đẩu để lấy những thứ hàng treo cao như vậy, đã có lần anh té trật chân, khập khiễng mất mấy ngày. Ông khách quái ác lại chọn ngay chiếc cưa treo cao nhất!

Duy ngạc nhiên thấy giọng mình vẫn ngọt xớt:

– Dạ… Thưa có ngay.

Loay hoay mãi mới lấy được cưa xuống, anh phải phủi sạch bụi mới dám giao cho khách:

– Thưa cụ, loại đặc biệt đây ạ… Lưỡi thép trui kỹ mới có nước biếc lên thế này… Cắt gỗ tươi ngọt lắm…

Ông khách xem qua, hất hàm:

– Bao nhiêu?

– Thưa ba trăm… Dạ… Vẫn giá cũ…

Khách lắc đầu:

– Mắc quá… Thôi.

– Thưa cụ xem lại, hàng tốt lắm ạ… Xưa nay chúng cháu vẫn bán giá nhất định. Thưa không mắc ạ…

Duy vừa đón lấy cái cưa, ông khách đã để ý tới ngăn đựng dao díp, rồi kìm kẹp, kìm cắt… Ôi, đủ thứ!…

Trong thời gian bán hàng, Duy đã gặp vài người khách khó tính: xem thì nhiều, nhưng mua chẳng bao nhiêu! Ðằng này khách xem nhiều gấp năm gấp mười, mà chẳng mua gì mới đáng giận chứ!

Ông khách bắt đầu so sánh mấy thứ lắc-lê, lừng khừng đến phát bực. Duy thấy nóng cả mặt mày. Giá không nghĩ đến cái nhã nhặn của mình từ trước tới nay, anh chỉ muốn nắm cổ ông khách liệng khỏi cửa hàng cho bỏ ghét… Tuy vậy, nụ cười trên môi anh tươi hơn bao giờ hết:

– Dạ… Thưa cụ chúng cháu có đủ cỡ, đủ hiệu, thế nào cũng tìm ra thứ vừa ý cụ… Dạ… Thứ đó lắc-lê Anh, cứng lắm, vâng… Nhiều người ưa dùng của Mỹ… Cũng khá lắm ạ…

Cụ già che miệng, ho một hồi, cất giọng khàn khàn, kênh kiệu như sai người nhà:

– Kiếm cho cái…bồ cào nhé!… Quên lửng mất, cần cái bồ cào lại ngỡ kéo… Tìm mau đi…

Duy muốn nói mấy câu bốp chát cho hả, nhưng lại cố nhịn; anh tự hứa: đây là lần chót… Khách còn hoạnh họe nữa thì phải biết!…

– Tiếc quá, thưa cụ… Gian của cháu không có bồ cào… Dụng cụ nông nghiệp, thưa cụ ở tầng trên kia ạ…

Xem thêm:   2 người thợ săn

– Tầng nào vậy?

– Thưa gian 32, lầu một… Ði ngả này ạ… Dạ… Kính cụ!

Lần đầu tiên “Cụ” nhìn anh với ánh mắt có cảm tình và nói được một câu tử tế:

– Cám ơn nhé!

Nhưng rồi ông lại đi ngược với hướng anh vừa chỉ.

Duy thở phào, rút mùi soa lau trán:

– Thoát nợ!… Lão mà ám thêm lúc nữa chắc chết quá!

Anh vẫn không nhớ ra đã gặp khách ở đâu:

– Quái, trông thực là quen… Chắc đã có lần tới mua hàng rồi không chừng!

Khi ông Vạn Hóa về tới văn phòng, cô Vân thoáng nhìn cũng đoán được là ông hài lòng lắm: ông cười tủm tỉm, ngắt một bông hồng gài vào ve áo… Như vậy là dấu hiệu tốt.

Giọng ông cũng ấm áp hơn:

– Cô xếp anh Duy lên hạng A cho tôi…

Cô Vân nhẩm tính:

– Lên hạng A, tức là tăng thêm một phần tư số lương cũ, truy lãnh ba tháng… Ðặc biệt đây!

Cô hý hoáy ghi vào quyển sổ lớn cạnh bàn.

– Cho gọi anh ta lên đây gặp tôi.

Ông Vạn vừa nói vừa thoải mái ngồi xuống chiếc ghế bành sâu thẳm, êm ru.

Duy rón rén bước vào – đây là lần đầu tiên anh tới văn phòng ông chủ, cũng là lần thứ nhất anh được giáp mặt ông – không run sao được!

Chưa kịp chào hỏi gì, anh đã nghe ông giảng bài:

– Khi có khách hỏi về gian hàng nào đó, anh đừng chỉ dẫn bừa bãi theo trí nhớ… Lỡ sai, khiến họ bực mình, mất thiện cảm đi… Phải giở ngay bản đồ của hãng coi lại đã, mất ba giây đồng hồ là nhiều. Gian dụng cụ nông nghiệp số 30, đâu phải 32 như anh nói, nhớ không?

Duy lí nhí trong miệng:

– Dạ… Nhớ.

Anh giật bắn người lên: thì ra đây là ông khách khó tính!… Thiếu chút nữa mình tính nắm cổ liệng ra ngoài, nguy chưa!… May ơi là may!

Giọng ông chủ trở nên vui vẻ bất ngờ:

– Dù sao… anh cũng có đầy đủ đức tính của một người bán hàng giỏi: kiên nhẫn, lễ độ… Như vậy có thể tiến xa được… Tôi có lời khen, đồng thời thăng trật, tăng lương cho anh kể từ bữa nay… Anh có thể lãnh ngay chín ngàn, tiền truy lãnh ba tháng, tại phòng quản lý, nghe!

Duy cúi chào một cách vụng về. Anh lại phía cô Vân, nhận tấm phiếu lãnh tiền, vui như mở cờ trong bụng.

Ra khỏi phòng, anh nhảy chân sáo như đứa trẻ được quà:

– Phải biên thư ngay cho thằng Lâm mới được… Mình dư tiền nghỉ hè vài ngày mà!… Ai ngờ bữa nay lại gặp may, thú vị thực, chớ!

Anh thấy công việc không tẻ nhạt nữa, và gian hàng đồ sắt lỉnh kỉnh, lúc này hấp dẫn hơn hết các gian hàng khác dưới mắt anh, mới kỳ!

NMT phóng tác,

Nxb Sống Mới, Sàigòn 1970

Trần Vũ đánh máy lại tháng 3-2023