Tháng 7-1954 ký kết Hiệp định Genève chia đôi đất nước. Tháng 8 bắt đầu cuộc di cư  tìm tự do… Thảm kịch đó, là vì quân Liên-Hiệp Pháp thất trận tại Điện Biên Phủ. Bước ngoặt của trận đánh, là khi Việt Minh chiếm đồi Gabrielle khống chế sân bay Mường Thanh cách đó 3 km. Từ đây máy bay không còn có thể lên xuống; chấm dứt đổ quân và di tản thương binh. 

Vị trí trọng yếu nên đồi Gabrielle do Tiểu đoàn 5 Bộ chiến của Trung đoàn 7 Tán binh Algérie (5e Bataillon de Marche du 7e Régiment de Tirailleurs Algériens) phòng thủ. Là tiểu đoàn Bắc-Phi tinh nhuệ nhất ở Đông Dương. Nhưng vì sao gọi là Tán binh?

Pháp-Việt Từ-Điển bản in 1936 ở Huế của Nxb Quan-Hải Tùng-Thư dịch Tirailleurs là Tán binh. Lý do: đây là chiến thuật tấn công của binh chủng này. Thành lập năm 1842 vào thời kỳ bộ binh Âu Châu còn xếp hàng tiến lên, lính Bắc-Phi ngược lại tản ra hai bên cánh và cá nhân chiến đấu. Phân tán và không lập đội hình ô vuông là phương pháp tác chiến chánh thức. Vì vậy cụ Đào Duy Anh dịch là Tán binh.

Trong các sách Pháp văn viết về Điện Biên Phủ, có 4 quyển nổi bật nhất: Một Góc Địa Ngục của Bernard Fall, Trận Điện Biên Phủ của Jules Roy, Vì Sao Điện Biên Phủ của Pierre Rocolle và 170 Ngày ở Điện Biên Phủ của Erwan Bergot. 2 quyển đầu cho cái nhìn vào bên trong các bộ tham mưu, quyển thứ 3 phân tích các chi tiết kỹ thuật về quân nhu, vũ khí. Riêng quyển thứ 4 do Erwan Bergot, nguyên đại đội trưởng súng cối nặng Nhảy dù đóng trên đồi Dominique, chọn tiếp cận ở vị trí tuyến đầu. Sau bị bắt làm tù binh rồi trao trả, 20 năm sau Bergot tìm lại các đồng ngũ để phỏng vấn từng người một và ghi lại những gì kẻ sống sót đã chứng kiến. Là ký sự từng ngày, từng giờ, trên từng ngọn đồi của những binh sĩ, hạ sĩ quan và sĩ quan cấp úy vừa sắm vai nhân vật vừa làm khán giả. Như Bergot viết: “Họ đã ngồi hàng ghế đầu”.

Chọn dịch chương Gabrielle vì là trận đánh quan trọng nhằm vô hiệu hóa phi đạo và cũng vì có sự tham gia của Tiểu đoàn 5 Nhảy dù Việt Nam mà thất bại phản kích đè nặng lên vai. Bergot là sĩ quan Pháp đầu tiên lên tiếng về sự bất công đối với Nhảy dù Việt Nam và cho thấy trách nhiệm thuộc Bộ chỉ huy GONO.  [Trần Vũ]

Huy hiệu của Tiểu đoàn 5 Tán binh Algérie    

Erwan Bergot

Trần Vũ dịch thuật

Kỳ 1

Mũi tàu phóng lôi

5 giờ chiều Chủ Nhật 14 tháng 3-1954

– Khách xuống!

Tỳ khuỷu tay lên vách hào nối đài quan sát với bộ chỉ huy tiểu đoàn, cạnh trung úy Sanselme, trung úy Moreau dán mắt vào ống nhòm nhìn những cánh hoa dù trắng, vài chiếc màu mạ sẫm, đang đu đưa bên trên lớp sương mù sát đất ở cánh đồng phía Nam. Là Tiểu đoàn 5 Nhảy dù Việt Nam tăng viện.

Moreau không lo lắng mấy cho số phận của Gabrielle, là cứ điểm của mình; cũng không ai đóng trên Gabrielle thấy bất an. Sau thất thủ Béatrice, đồi Gabrielle vì nằm ở cực Bắc xa xôi nhất thoát khỏi bầu không khí u trầm của toàn chiến lũy; mặc dù tất cả đều biết đến lượt mình.

Ban nãy thiếu tá Roland de Mecquenem, tiểu đoàn trưởng, thông báo vắn tắt: “Ðêm nay”.

Ðêm trước, các khán giả ngồi hàng ghế đầu trên Gabrielle đã tận mắt chứng kiến Tiểu đoàn 3 của Bán Lữ đoàn 13 Lê dương đụng độ Việt Minh. Gabrielle là cao điểm duy nhất có tầm nhìn trực tiếp sang đồi Béatrice cách chưa đầy 5 cây số về hướng Ðông. Ðến nửa đêm, khi mọi liên lạc vô tuyến với Béatrice bị cắt đứt, các sĩ quan trên Gabrielle đã tưởng Việt Minh phải tháo lui và đã khui sâm-banh rót vào các ca sắt uống mừng. Mãi rạng sáng, sĩ quan Ban 2 của tiểu đoàn là trung úy Sanselme mới quan sát thấy toàn bộ cứ điểm Béatrice tan hoang đổ nát và Việt Minh ùa vào sục sạo như kiến.

Việc Béatrice thất thủ nhanh chóng làm các sĩ quan trên Gabrielle sững sờ. Không một ai có thể hình dung một trong bốn tiểu đoàn thiện chiến nhất của Ðiện Biên Phủ bị tràn ngập nhanh như vậy. Moreau cố tìm cách giải thích:

– Bên đó, Lê dương không đủ thời gian, cũng không đủ vật liệu để thiết lập một căn cứ kiên cố. Lấy đâu ra gỗ để xây lô-cốt? Ðồi Béatrice không có cây to, ngay cả chung quanh toàn là bụi rậm.

– Ðồi mình không vậy. Sanselme gọn lỏn.

Sanselme nhớ lại, đã phải bỏ ra nhiều tuần lễ để đốn cây, chặt gỗ trên quả đồi này để kiến tạo cứ điểm. Toàn là những thân lim rắn như sắt, nổi tiếng không mục và rất tốt để lợp mái, xây các hầm binh sĩ, trạm xá. Những cành lim lớn còn dùng làm khung che ụ súng, hầm chỉ huy trung đội hoặc đại đội.

Xem thêm:   Cẩm tú cầu

Moreau quả quyết:

– Béatrice thua vì trận đấu gian lận. Lê dương bên đó, giống một võ sĩ quyền Anh thủ thế trong góc chờ giáng một quả làm đối thủ đo ván; nhưng du đãng đánh hôi từ phía sau quật vào gáy! Thua. Vì bị lừa miếng!

Sanselme tiếp:

– Thêm nữa, Lê dương ở Béatrice thiếu sĩ quan chỉ huy. Mỗi đại đội chỉ có một sĩ quan. Các trung đội trưởng đều là trung sĩ. Mỗi đại đội chưa tới một trăm lính.

Sanselme không sai. Là sĩ quan phòng Nhì, Sanselme biết rõ quân số các đơn vị khác. Do đó có dịp so sánh, là Tiểu đoàn 5 Tán Binh Algérie đông lính. Ngày 14 tháng 3, trước khi trận đánh bùng nổ, 877 quân nhân gồm 14 sĩ quan, 68 hạ sĩ quan có mặt tại Gabrielle. Tiểu đoàn đủ số cán bộ, ít nhất là hai sĩ quan mỗi đại đội, các trung đội trưởng đều là những trung sĩ nhất thâm niên. Hơn nữa, Tiểu đoàn 5 Trung đoàn 7 Tán Binh Algérie là một đơn vị nhiều chiến tích từng nhận Bắc Ðẩu Bội Tinh trên chiến trường Ý năm 1944.

Moreau lạc quan:

– Ðể xem chúng ta “hơn tiền” Lê dương trên Béatrice hay không!

Moreau nói với chút tự hào. Viên trung úy vừa đi Hà Nội thăm vợ là nữ quân nhân và mới quay lại Ðiện Biên Phủ vài ngày. Moreau coi đại đội 4, là đại đội gan lì nhất của tiểu đoàn. Toàn lính chuyên nghiệp, trung bình 12 năm quân vụ, khô khan da dầy rám nắng không biết mệt, chịu gian khổ và dữ dằn khi lâm trận. 12 năm quân vụ tức là hầu hết đã đánh trận bên Ý. Chọc thủng quân Ðức trong thung lũng Liri, vượt sông Garigliano, tấn công pháo đài Cassino. Vậy thì lòng chảo Ðiện Biên…

Chiến tranh là thế giới của những người lính già Algérie, quân đội là tổ quốc, trung đoàn là gia đình. Còn đại đội trưởng là anh cả. Toàn lính nhà nghề, không biết sợ, thêm ý thức rằng vị trí tác chiến của họ là một tiền đồn kiểu mẫu. Trong cuộc thi do đại tá De Castries tổ chức, Gabrielle đoạt giải nhất về cơ cấu phòng thủ.

Moreau thêm một nhận xét có phần xấc xược:

– Phiền toái của các pháo đài kiểu mẫu là thường xuyên bị các tướng tá viếng thăm để tự lên dây cót cho chính họ, làm mất vui đời lính!

Lính Algérie trong chế phục truyền thống Kachabia

Sanselme liếc nhìn đồng hồ đeo tay, đã 5 giờ chiều:

– Sẵn sàng chưa? Sắp khai màn.

Moreau đầy sung sức, nheo mắt:

– Ðể xem…

– Xem gì? Sanselme hỏi ngược.

– Xem việc chúng ta bắt lính đào đất cực nhọc suốt từ tháng Giêng đến giờ có ích hay không.

Rồi Moreau cung tay chào và lần theo giao thông hào về đại đội của mình. Dọc đường viên trung úy huýt sáo khẽ khúc quân hành Les Turcos. Những lính Thổ trẻ của binh chủng, vừa cài dây nón sắt ở cằm vừa chào lại các binh sĩ đã sẵn sàng ở vị trí; súng trước mặt, túi đạn và lựu đạn trong tầm tay. Lính dùng bữa tối rất sớm, từ 4 giờ rưỡi chiều. Tất cả im lìm, một số hút thuốc, ánh mắt vẩn vơ chờ đợi.

Còn một mình trung úy Sanselme đứng quan sát một lát. Trời mỗi lúc một sẩm. Xa xa phía Nam ánh điện trong căn cứ nhấp nháy. Trước khi về hầm chỉ huy, vì đã đến giờ ứng chiến, Sanselme nhìn bao quát lần cuối. Hôm qua Gabrielle bị pháo rất nặng nhưng các lô-cốt chịu được, không sụp. Ðến sáng binh lính sửa sang lại công sự, tỉ mỉ như người làm vườn kỹ tính. Tối nay, mọi sự ngăn nắp, thứ tự, và nhìn từ nóc hầm chỉ huy đặt trên đỉnh đồi chế ngự toàn cứ điểm, Gabrielle càng giống với hỗn danh “mũi tàu phóng lôi.” Một tuyến hào xương sống chạy dọc quả đồi từ đỉnh xuống hai sườn Nam và Bắc, lởm chởm những lô-cốt bề thế tròn vạnh như pháo tháp, nòng súng nhằm sẵn về hướng địch. Trên mỗi sườn đồi đều có hai tuyến phòng thủ song song nối với nhau bằng các hào thông có hầm võ trang che chắn. Ở các điểm nối đều bố trí sẵn các rào chông làm bằng cọc gỗ chuốt nhọn có nhiệm vụ làm vật cản nếu tuyến đầu tiên bị chọc thủng, để các trung đội cứu ứng kịp tới ngăn chặn và giành lại vị trí đã mất. Thiết kế phòng thủ của Gabrielle được suy tính, nghiên cứu và tổ chức dựa trên phỏng định đối phương. Cho cả tình huống lâm nguy nhất.

Sanselme vào đến hầm chỉ huy. Lúc bước qua, Sanselme giơ tay chào trung sĩ nhất Soldati từ Lê dương tăng phái thay thế y sĩ trung úy Chauveau bị thương hôm trước vì pháo Việt Minh. Soldati xuất thân sinh viên y khoa Áo, mang gương mặt côn đồ, nhưng sau vài giờ đã tái tổ chức trạm xá tiểu đoàn.

Bên trong hầm vài sĩ quan đang bàn cãi về dự đoán trận đánh, vừa nhúng môi vào ca nhôm chứa trà bạc hà, thức uống cổ truyền của lính Algérie. Quanh bàn là đại úy Carré tiểu đoàn phó, đại úy Suzineau đại đội trưởng Ðại đội Chỉ huy và thiếu úy Larchey sĩ quan truyền tin. Góc đối diện, trung úy tiền sát viên pháo binh Collins với các phóng đồ và xạ bảng. Ở giữa là thiếu tá Edouard Kah, trên nguyên tắc thay thiếu tá Roland de Mecquenem vừa hết nhiệm kỳ. Cao hơn hẳn Kah một cái đầu, Mecquenem ngồi thẳng lưng, hút thuốc trầm lặng, có vẻ không quan tâm chuyện gì nhưng thật ra không gì qua mắt. Vì từng lúc, bằng một động tác hay vài lời nói, Mecquenem uốn lại một quyết định hoặc điều chỉnh một đúc kết. Ðã có thể rời Ðiện Biên Phủ mấy ngày trước, sau bàn giao cho thiếu tá Kah, nhưng linh cảm trận đấu áp sát khiến Mecquenem quyết định ở lại. Vị thiếu tá đáo hạn không màng giải thích vì tự xem vẫn còn trách nhiệm. Vị trí của một tiểu đoàn trưởng tác chiến là ở đây.

Xem thêm:   Mỹ siết cổ ngành may Trung Quốc

Roland de Mecquenem không phải hạng sĩ quan bình dân thường thấy ở các tiểu đoàn Tán binh gồm lính Bắc-Phi đen đúa râu rậm ăn mặc như quỷ trong chế phục truyền thống Kachabia, biết tiếng Ả-Rập và rành từng người lính. Mecquenem đã tùng sự lâu năm ở phái bộ quân sự thường trực Standing Group của Pháp tại Hoa Thịnh Ðốn dưới quyền đại tướng Paul Ély, trong khung hợp tác Minh-Ước Bắc Ðại-Tây-Dương NATO; giỏi tiếng Anh và chăm sóc kỹ lưỡng quân phục, ghét sự xuề xòa, Mecquenem ý thức tầm quan trọng của hệ thống quân giai. Từ cách giữ phong mạo đến các động tác chính xác khô khan và tiết độ cứng rắn trong lời nói, thậm chí sự hài hước quý phái lạnh lùng, Mecquenem liên tục nhắc cho biết ai là người chỉ huy.

Với vóc dáng cùng sự thư thái của một lãnh chúa, thêm thái độ kiêu kỳ của một công tử, Mecquenem làm nghĩ đến một nhân vật trong bút ký chiến trường của Ernst Jünger; xem nghề nghiệp sĩ quan phải vượt ra ngoài những bẩn thỉu của chiến tranh cùng lòng ái quốc mặc nhiên, để vươn đến một khái niệm lớn hơn trong một nhãn quan thế giới rộng hơn. Các thiếu úy trong tiểu đoàn đặt hỗn danh cho Mecquenem là “von Meckenheim” (chữ “von” của quý tộc Phổ đối xứng với chữ “de” trong họ quý tộc Pháp và Meckenheim mang âm tiết Ðức như tên của một sĩ quan Phổ); chính vì trong mắt họ, Roland de Mecquenem là hiện thân của uy quyền độc đoán.

“von Meckenheim” ra lệnh:

– Messieurs! Ðến giờ về vị trí chiến đấu.

(Messieurs trong tiếng Pháp là từ chữ thời phong kiến Messire = {mes} = {my} + {sire}).

Lính Bắc-Phi tại Hà Nội

oOo

Mecquenem không cần nhìn đồng hồ, biết địch sắp tấn công.

Gần như ngay sau đó, Việt Minh pháo kích. Các sĩ quan rụt cổ bằng phản xạ nhưng tự trấn tĩnh lập tức khi thấy tiểu đoàn trưởng không hề nhướng mày. Mecquenem hút hơi thuốc cuối rồi bình thản dụi vào lon đồ hộp trước khi tỳ tay lên máy truyền tin còn im lặng. Vẻ bình tĩnh của Mecquenem gây ấn tượng lên thuộc cấp, trong lúc pháo địch nổ liên tiếp làm sụt lở vách đất rung chuyển cả ngọn đồi. Chuỗi tiếng nổ ầm ầm thác lũ gây chấn động thần kinh.

– Theo thứ tự, các đại đội trưởng trả lời.

Mecquenem chỉ nói to thêm một chút. Giọng rắn có tác dụng làm giảm căng thẳng.

Ðại đội 1 báo cáo cấp bách:

– Tôi, Narbey, pháo địch rất dầy. Trúng đích. Chưa thiệt hại.

Ðến phiên trung úy Botella, Ðại đội 2 (không phải đại úy André Botella là tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 5 Nhảy dù Việt Nam) và đại úy René Gendre Ðại đội 3 cho biết tình hình:

– Tôi nếm 15 đến 20 trái mỗi phút.

Ðại úy Gendre cho chi tiết, rồi chấm dứt: “R.A.S” (“Không gì khác”-“Rien à Signaler”).

Ðến phiên Moreau, giọng viên trung úy trong ống liên hợp trẻ măng như giọng một học sinh đang xem bắn pháo bông.

– Tụi nó đi tiền khét lẹt! Chơi dữ quá… chói lọi!!

– Nhận rõ! Thiệt hại? Mecquenem tăng sự khô khan.

Moreau: – Chưa có thương vong. Viên trung úy vụt đổi ý, đùa cợt: – À có! 4 chai đem từ Hà Nội để ở câu lạc bộ, khui phải có tay này!

– Moreau! – Mecquenem cắt ngay điện đàm.

Sanselme đứng bên, nhìn thấy một ánh vui lóe trong mắt Mecquenem, lên tiếng:

– Tôi ra thanh sát một vòng.

Sanselme chỉ huy trung đội phản kích vẫn nhớ nhiệm vụ của mình là cứu ứng điểm bị uy hiếp nặng nhất. Lúc này 40 tay súng đang ngồi dưới hầm kiên cố, sẵn sàng đợi lệnh. Sanselme nhìn từng người một. Khuôn mặt họ bình thản, trang bị tận răng như sắp có thanh tra vũ khí, nai nịt gọn ghẽ, dây lưng da chùi bóng, quai mũ sắt siết chặt dưới cằm. Tất cả đều đã đụng lớn bên Ý, dư sức chịu nhiều trận pháo nữa. Vả lại dưới hầm họ không thể quan sát, bổn phận của họ không nhằm ước lượng địch tình mà chờ lệnh. Là tín đồ Hồi giáo, họ trao phần số vào tay Allah. Bên Ý, thêm pháo đài bay Hoa Kỳ và đại bác 155 ly Howitzer giúp làm anh hùng; trên Gabrielle, đến lúc này thánh Allah còn đứng về phía Pháp.

Lính Bắc-Phi tại Đông Dương

oOo

Xem thêm:   Ghé thăm Đan Mạch

– Bộ binh địch!

Narbey và Moreau lần lượt báo cáo cùng một nội dung lên ban chỉ huy. Ðây là hai đại đội giữ mặt Bắc cứ điểm. Hai đại đội trưởng nhìn thấy rõ những làn sóng xung phong đầu tiên của Việt Minh hét vang: “Tiến lên! Ðộc Lập!”… Tiến lên! Ðộc Lập!”…

Tiếng thét vọng vào cả trong máy, đến tai Mecquenem.

Lúc này là 19 giờ 45. Pháo địch mở đường cho tấn công dập suốt hai tiếng đồng hồ. Trong hai giờ đủ loại pháo cối nặng ập xuống cứ điểm, phủ trùm các lô-cốt chiến hào. Các giao thông hào chìm dưới bão lũ của lửa và thép. Từ những quả đồi vây quanh, súng không giựt trực xạ SKZ 75 ly và cối 82 ly sản xuất tại Trung Cộng nhắm một cách chính xác những nơi đặt ụ súng đại liên và hầm súng cối của Phân đội Súng cối Lê dương cùng hầm chỉ huy rất dễ nhìn thấy vì cắm nhiều cột ăng-ten.

Nhìn từ Phân khu Trung tâm Claudine cũng như từ các đài quan sát của Việt Minh thì có vẻ như không một vật gì còn nguyên vẹn, không một vị trí nào có thể đứng vững, không một người lính nào có thể sống sót. Không một thước đất, một lô-cốt hay một hào nào không bị pháo dập.

Gabrielle hết còn là mũi tàu phóng lôi mà thành một xác tàu sắp chìm. Những miệng núi lửa đào bằng pháo 105 ly của địch, những căn hầm vỡ toang, tuyến phòng thủ sụt lở, tất cả ngập ngụa khói đen từ đạn cháy, cát bụi tung tóe từ đạn nổ, những thanh sắt, cột gỗ, thân cây dùng làm vật liệu xây công sự chổng ngược lên trời như những cánh tay của xác chết.

Việt Minh đang băng qua bãi mìn, luồn dưới lớp rào thép gai, bất chấp mìn nổ đốn ngã hàng loạt, vừa tiến vừa hô khẩu hiệu, tin tưởng chắc thắng. Vì địch không thấy những hầm ngầm đại liên sát mặt đất đang rình rập, bằng mắt của quái thú Cyclope [1], chưa vội khai hỏa. Ðịch tin một khi lên đến đỉnh đồi chỉ còn xác chết và những bóng ma thất thần.

Việt Minh hét vang, tin thắng chắc. Ðể tràn ngập một tiểu đoàn Liên-Hiệp Pháp, địch đông gấp mười lần: Ðêm nay, toàn bộ Sư đoàn 308 tấn công. Mười hai ngàn bộ-đội [2] của 3 trung đoàn 36, 88, 102 là những trung đoàn thép của Cộng sản [3]. Các trung đoàn này đã tới Ðiện Biên Phủ trong tháng 12, không ngừng đọ sức với những đơn vị Pháp mạo hiểm ra ngoài thung lũng, đã có dịp đo lường đối thủ.

Tư lệnh 308 là Vương Thừa Vũ, đã kỹ lưỡng trù hoạch cách đánh công kiên với các cán bộ trên một mô hình thu nhỏ ghi rõ các điểm mạnh yếu của đồi Ðộc Lập. Là tên phía Việt Minh đặt cho đồi Gabrielle. Một cái tên không ngẫu nhiên vì biểu trưng cho nền độc lập phải đoạt cho bằng được, bất kỳ giá máu.

Vào lúc này, bộ-đội tiến lên gào thét hai chữ đó, như âm thanh có chứa ma thuật, lôi kéo như tôn giáo. – Ðộc Lập!

Trước mặt các bộ-đội, dưới hai mươi thước, hào phòng thủ vẫn im bặt. Lính Bắc-Phi trên cứ điểm Gabrielle có vẻ đã chết tươi.

– Ðộc Lập! Ðộc Lập!!

Bộ-đội đã vào đến khoảng cách cận chiến; chuẩn bị nhảy xuống hào để đâm lê. Một rào lửa đạn bất ngờ ụp xuống, đè nghiến lấy họ.

(còn tiếp)

Trần Vũ dịch từ bản Pháp văn Les 170 Jours de Dien Bien Phu của Erwan Bergot, Nxb Presses de la Cité 1979, Chương Gabrielle từ trang 114 đến 145. Trong dấu ngoặc (..) là phụ chú thêm của người dịch. 

[1] Cyclope là quái vật khổng lồ một mắt giữa trán trong thần thoại Hy-Lạp.

[2] Nguyên văn Les Bo-doi trong bản Pháp văn.

[3] Đại đoàn 308 phiên hiệu Quân Tiên Phong gồm Trung đoàn 36 Bắc-Bắc (Bắc Ninh-Bắc Giang), Trung đoàn 88 Tu Vũ, Trung đoàn 102 Thủ Đô, pháo binh gồm 1 tiểu đoàn súng không giật SKZ, 1 tiểu đoàn sơn pháo 75 ly, 1 tiểu đoàn cối nặng 120 ly. Cấp số 15.400 lính vào năm 1950 (theo Quân đội Nhân dân). Phía Pháp gọi Đại đoàn 308 là Division d’Acier (Sư đoàn Thép). Trong nhiều hồi ký VNCH có sự nhầm lẫn khi gọi Sư đoàn 320 là Sư đoàn Điện Biên hay Sư đoàn Thép. Đại đoàn 320 không tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Một Đại đoàn tương đương với một Sư đoàn nhưng là thuật ngữ phía Việt Minh trước 1955. Trong thực tế không chỉ có Sư đoàn 308 đánh Gabrielle mà phối hợp với Sư đoàn 312 của Lê Trọng Tấn, tăng cường yểm hỏa của Sư đoàn nặng 351 Công pháo của chính ủy Phạm Ngọc Mậu. Nhìn vào binh lực Việt Minh tung vào đồi Gabrielle, thấy rõ Võ Nguyên Giáp đánh biển người.