Sinh năm 1930, tốt nghiệp cử nhân văn chương nhưng Erwan Bergot lại thi vào võ khoa Saint-Maixent và sang Đông Dương năm 1951 với cấp bậc chuẩn úy đóng ở Biên-Hòa. Lên thiếu úy, Bergot coi trung đội súng cối 81 ly của Tiểu đoàn 6 Nhảy dù Thuộc địa và tham dự các trận Tú Lệ, Nà Sản, Lạng Sơn (Hành quân Chim Én). Tháng 11-1953 thăng trung úy, Bergot coi đại đội súng cối nặng 120 ly của Nhảy dù đóng trên đồi Dominique. Bergot ở Điện Biên Phủ đúng 170 ngày.
Từ 1957 đến 1961, đại úy Bergot tham chiến bên Algérie, bị thương nặng chột một mắt phải giải ngũ và trở thành tổng biên tập của tạp chí quân đội Pháp. Chuyên về thể ký mà tác phẩm Thảm Kịch Đông Khê (La Tragédie de Dong-Khe) là ký sự đầy đủ nhất về chiến dịch Đường Biên Giới, Bergot còn xuất bản trường thiên tiểu thuyết Phương Nam Xa Xôi (Sud Lointain).
Hàng năm Giải thưởng Văn học Lục quân Pháp mang tên Erwan Bergot và khóa 2015-2016 của trường bộ binh Coetquidan mang tên khóa Đại úy Bergot.
Cuối chương Gabrielle, ở trang 144, Bergot ghi lại tổn thất của Việt Minh trong trận đồi Độc Lập theo ước tính của Phòng Nhì Pháp:
CHẾT
Sư đoàn 308
Trung đoàn 36 : …. 300
Trung đoàn 88 : ….. 700
Trung đoàn 102: …. 500
Sư đoàn 312
Trung đoàn 165: …. 500
Trung đoàn 141: …. 40
Sư đoàn 351 Công Pháo
Không rõ.
BỊ THƯƠNG:
Khoảng 7,000
Chính thương vong quá cao này đã khiến Võ Nguyên Giáp phải ngưng tấn công trong hai tuần để bù đắp quân số mặc dù lính Thái ở Bản Kéo đã bỏ trốn khiến hai cứ điểm Anne-Marie 1 và Anne-Marie 2 ở phía Tây sân bay đều rơi vào tay Việt Minh mà không cần đánh.
Riêng trung úy Pierre Sanselme trên đồi Gabrielle sẽ sống sót và thăng đại tá vào cuối binh nghiệp. Thiếu tá Roland de Mecquenem lên chuẩn tướng trước khi về hưu. Đại úy André Botella lên trung tá nhưng phải ra khỏi binh chủng vì liên quan đến đảo chánh ở Alger. Còn trung tá Pierre Langlais lên thiếu tướng trước khi nhảy lầu tự vẫn năm 1986. Một saut nhảy cuối cùng không mang dù.
[Trần Vũ]
Kỳ 6
Hấp hối
8 giờ sáng 15 tháng 3 năm 1954
– Xe tăng quay đầu rồi!
Trên cứ điểm Gabrielle, một vài ốc đảo vẫn cố sức chống cự khi cánh quân tiếp cứu tới gần, nay hoàn toàn đơn độc. Tình hình hết sức hỗn loạn. Ðây đó từng tốp lính còn chiến đấu, vì danh dự binh chủng và cũng vì không đường thoát. Họ hoàn toàn bị cô lập, không sĩ quan chỉ huy, và cũng không hay biết là Gabrielle đang bị tràn ngập.
Dù chiếm được đỉnh đồi, Việt Minh chưa kiểm soát hết căn cứ, vẫn phải thanh toán từng giao thông hào một, với tiến độ chậm để tránh tăng thêm thương vong đã quá cao.
Ở một đầu hào, sĩ quan Ban 2 của Tiểu đoàn 5 Trung đoàn 7 Tán Binh Algérie là trung úy Pierre Sanselme tuy bị thương đã nghe rõ tiếng sên xích sắt. Nhưng tiếng bánh xích cứ yếu dần rồi mất hẳn. Sanselme không hiểu tại sao rồi hiểu ra là Thiết giáp và Nhảy dù đã buông tay.
Chung quanh Sanselme chỉ còn một dúm lính Bắc-Phi, phần lớn đều đã bị thương đang chống trả như bầy quỷ dữ. Họ không tin bị bỏ rơi mà chỉ nghĩ phải cố thủ. Cố giữ chừng nào chưa có lệnh ngược lại. Nhưng mệnh lệnh cuối cùng này ai sẽ ra lệnh cho họ? Ngay cả Sanselme cũng không đủ thẩm quyền. Mọi liên lạc với bộ chỉ huy đã bị đứt, không còn thấy một đại đội trưởng nào, cũng không có máy truyền tin để gọi về Phân khu Trung tâm, Sanselme cho rằng bổn phận của mình là kháng cự. Viên trung úy nghĩ «Nếu buông súng lúc này, sẽ tăng thêm thảm họa cho toàn cứ điểm». Và vì vậy, tựa lưng vào vách hào vì không còn sức đi thêm một bước, Sanselme tiếp tục bắn trả. Toán lính chung quanh đã hết nhẵn lựu đạn nhưng vẫn còn đạn súng trường và đều là những tay thiện xạ. Không thiếu đích bắn.
Sanselme tỉnh táo kỳ lạ. Không ngạc nhiên vì bất cứ chuyện gì nữa, ngay cả việc vẫn còn sống sót, kể cả việc lính Việt Minh đã sát nút. Sanselme cũng không thấy lạ khi nhận ra cường độ của trận cường tập giảm xuống tuy tiếng súng vẫn rền vang. Từng tràng tiểu liên, tiếng nổ của bộc phá, tiếng la hét, kêu rú chứng minh Gabrielle vẫn còn chống cự.
Lúc nãy, cách chỗ Sanselme vài thước, Việt Minh cho nổ lô-cốt duy nhất còn lại ở mặt Tây cứ điểm. Một người lính nhào ra ngoài, điếc đặc, cặp mắt ngây dại với mặt và thân hình đầy miểng, không nón sắt che đầu, tóc xám đặc bụi. Anh ta cố bước thêm vài bước rồi ngã dụi xuống sát chân Sanselme, lắp bắp:
– Trung úy nhận ra tôi không? Binh nhất Gigelman đây. Trung úy biết trung sĩ Rouzic ở đâu không?
Sanselme không biết rõ. Lần cuối cùng Sanselme nhìn thấy Rouzic là vào khoảng 7 giờ sáng khi Rouzic dẫn toán commando đi bịt lỗ thủng xâm nhập của Việt Minh giữa hai tuyến phòng thủ của Ðại đội 3 của đại úy Gendre và Ðại đội 4 của trung úy Moreau. Lúc đó Rouzic đã bị thương, hai phát đạn vào cánh tay phải bó bột.
Gigelman giải thích:
– Trung sĩ Rouzic để tôi lại trong lô-cốt với khẩu đại liên, nhiệm vụ bắn chặn địch. Tôi bắn hết các dây đạn, quăng hết thùng lựu đạn… Tụi nó lên không được nên buộc thuốc nổ vô đầu một cây sào đánh sập lô-cốt…
Ngừng một lát, Gigelman buồn rầu:
– Tôi muốn báo cáo với trung sĩ Rouzic là tôi để mất khẩu đại liên Browning M30, mất luôn súng cá nhân Carbine M1, chọi hết lựu đạn… nhưng không phải lỗi ở tôi.
Gigelman lượm một khẩu súng, giơ lên nhưng không đủ sức nạp đạn.
Sanselme an ủi:
– Hôm nay nhiêu đó đủ rồi. Lui về phía sau băng bó đi.
Viên trung úy vừa lấy quyết định: nếu không có quyền ra lệnh ngừng bắn thì dù sao cũng còn quyền cho lính bị thương rời tuyến. Ít nhiều cho họ cơ may thoát bị bắt. Các binh sĩ bị thương lần lượt rời vị trí. Một thương binh nói:
– Tụi tôi đem trung úy theo.
– Không! Tôi ở lại đây. Tôi không đi được nữa – Sanselme lấy tay trỏ vào vết thương trên bắp đùi – Vả lại, còn phải chạy nữa. Thôi các anh biến đi! Fissa!
(Fissa trong phương ngữ Ả Rập mang nghĩa bây giờ, tức thì!)
Lính Algérie bị thương đã rút hết. Sanselme quay lưng về phía họ, vẫn dựa vào vách hào và tiếp tục bắn trả. Sát bên là những thân người đang hấp hối và xác chết.
Lựu đạn bắt đầu rơi vãi chung quanh. Từng chùm rơi xuống, lăn trên mặt đất rồi phát nổ. Lựu đạn miểng F1 Nga-sô và lựu đạn chày Trung cộng RGD-33, những vũ khí khủng khiếp. Ðồng thời còn có những ống bộc phá, là những ống kim loại buộc thuốc nổ phát ra luồng sáng vàng chói lọi, khoét sâu và làm sụp từng mảng hầm.
Một ống kim loại tương tự, tuồn dần, tuồn dần đến chân viên trung úy. Sanselme cố sức đạp ra. Vô ích. Sau cố gắng cuối cùng, Sanselme lấy tay bưng mặt, co gối lên che bụng. Một luồng ánh sáng chói chang nháng lên. Sanselme không biết gì nữa.
– Ði về! Ði về! Mau lên!
Tên lính Việt Minh lấy họng tiểu liên thúc vào lưng Sanselme. Viên trung úy nghĩ vậy là xong. Không ngờ kết thúc lại như vậy. Dựa vào bờ hào, đứng lên khó khăn, Sanselme muốn lên tiếng nhưng miệng cứng ngắc không mở được. Lấy tay rờ mặt, rờ miệng, Sanselme không cảm giác một khuôn mặt mà như đang sờ một trái banh cao su mềm. Sức công phá của bộc phá đã gây phù nề và làm méo mó bộ mặt Sanselme.
Với một kiên nhẫn cao độ, tay lính Việt Minh áp tải Sanselme ra khỏi giao thông hào, xuống sườn phía Bắc Gabrielle. Di chuyển vô cùng khó khăn, vì chồng chất xác chết khắp nơi, lớp lớp. Sanselme không nhớ đã giẫm lên bao nhiêu xác lấp kín sườn đồi. Một cảnh tượng rùng rợn. Có những kẻ vướng rào kẽm gai đang hấp hối, không màng kêu cứu, giương mắt nhìn những người qua lại.
Dưới chân Gabrielle, vài mươi lính Bắc-Phi và sĩ quan bị bắt bị tập trung trong một khe núi. Các tù binh trao đổi vài câu ngắn, chủ yếu thông tin cho nhau về số phận của những đồng đội khác. Nhờ vậy Sanselme hay biết trung úy Moreau, đại đội trưởng Ðại đội 4 hứng một quả 75 ly bắn thẳng, chết ngay trong lô-cốt. Ðại úy Narbey, đại đội trưởng Ðại đội 1 bị bắn gục tại vị trí chỉ huy.
Trên một chiếc cáng là thiếu tá Edouard Kah đang hấp hối, thều thào: Tiểu đoàn… Tiểu đoàn…
Sanselme quay nhìn ngọn đồi từng mang tên Gabrielle. Từ dưới thấp nhìn lên, cứ điểm càng có vẻ ghê gớm.
– Nhìn quả đồi?
Một tay Việt Minh nói tiếng Pháp thành thạo, chắc là một cán bộ, hỏi Sanselme trước khi buông thõng:
– Chúng tôi đã phải trả giá đắt. Rất đắt…
Rồi, không cần chuyển tiếp, giọng nói của hắn trở nên gay gắt:
– Ra chỗ khác! Chiến tranh kết thúc với các anh rồi. Ðể chỗ cho những người chiếm lĩnh tiếp tục công việc.
Mới đầu, Sanselme chưa thật hiểu rõ câu nói này. Nhưng liền sau đó, Sanselme sực nhớ hãy còn lô-cốt số 3 chưa đầu hàng, vẫn đang bắn từng tràng đại liên theo sau tiếng nổ đục của lựu đạn quăng ra. Viên trung úy lập tức nhớ đến hình ảnh sau cùng của hạ sĩ nhất Slimane đóng sập cánh cửa có rào thép gai để bít kín lối ra vào lô-cốt như một thủy binh tàu ngầm tự chặt cầu tàu nối với đất liền.
Với Lịch sử, cứ điểm Gabrielle thất thủ vào lúc 8 giờ sáng ngày 15 tháng 3-1954.
Trên thực tế, lô-cốt số 3 vẫn còn bắn lúc 1 giờ trưa.
(Hết)
Trần Vũ dịch từ bản Pháp văn Les 170 Jours de Dien Bien Phu của Erwan Bergot, Nxb Presses de la Cité 1979, Chương Gabrielle từ trang 114 đến 145. Trong dấu ngoặc (..) là ghi chú thêm của người dịch.